• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tối nay ngồi cà phê, cu em kể lể chuyện gì đó, chợt nó ngước lên hỏi anh có nhớ ở Hà Nội có cái bánh gì mà bên ngoài bọc xôi không? 

Mình vỗ đùi đen đét: “Bánh khúc!” 

Phải rồi bánh khúc nóng. Rất lâu không ai nhắc đến món đó, vì xứ Nghệ mình không có món này nhưng mình thì chẳng bao giờ quên nổi nó. Không phải vì bánh khúc quá ngon hay đẹp mắt, chỉ đơn giản vì ngày trước ở Hà Nội, vào cái lần đói kém nhất, mình từng muốn rớt nước mắt mỗi khi nghe tiếng rao lảnh lót của anh bán bánh khúc dạo buổi tối: “Khúc nóng nào! Khúc đê!!!” 

Dạo ấy mới ra trường, đời cơ bản là những chuỗi ngày đói ăn và nợ quán. Nợ dai đến mức mụ chủ quán cơm bụi thấy mặt mình là lườm vì chán chẳng thèm nói nữa. Hôm cuối cùng mụ bảo thẳng: 

- Thôi nhá ông tướng, hôm nay không bán cơm cho ông nữa nhá. Bao giờ ông trả hết nợ cũ thì ăn! 

Mình thất thểu lết về phòng nằm nguyên một cục, nghĩ: “Thôi xong rồi, nhuận bút từ mấy bài báo vặt chưa biết bao giờ mới được lĩnh. Mà đói như này sức đâu mà viết với chả lách”. Hôm ấy là một ngày rất dài… 

Nằm nguyên cả ngày đói vật vã, khi no đủ người ta có vô vàn ước mơ và dự định, thậm chí có cả lý tưởng nữa. Nhưng khi nằm vì đói (à khi đói rất hay nằm, nằm là nghĩa cử thông minh nhất vì đỡ phải ngọ nguậy tốn calo) người ta chỉ có duy nhất một khát khao cháy bỏng: Kiếm cái gì đút tạm vào mồm cho đỡ đói? 

Hai ngày đầu của tháng ăn chay ramadan (gọi thế cho hoành), mình nợ được mỳ tôm của cô em hàng xóm bán tạp hóa. Đến bữa cứ công thức như này mà phang: 1 gói mỳ tôm + 1 nhúm rau cải (vặt trộm ngoài bãi), đun lên rồi chén. Ăn nhiều đến nỗi ngửi mùi mỳ tôm là sợ. 

Ngày thứ ba ra mua cửa hàng tạp hóa đóng mẹ nó cửa để làm gì đó đếch biết, mình đói không mò dậy nổi nữa. Nghĩ phen này hỏng rồi, bắt xe buýt lên tòa soạn tờ báo mình hay gửi bài, vào phòng tài vụ, ông trả nhuận bút vừa thấy mặt mình thò vào đã cười nhăn nhở: “Chưa có cháu ơi!” Mình vừa ngại vừa chán lại lò dò đi bộ ra đường bắt xe về nằm tiếp. 

Tối năm ấy cũng gần đến trung thu như hôm nay, Hà Nội bắt đầu se lạnh. Mười một giờ đêm đẩy cửa ra ngó trăng phát. Tâm trạng éo đâu, thật ra là ngó nghiêng coi có hàng quán nào quanh đấy còn sáng đèn để nợ gói mỳ. Cả khu vắng hiu vắng hắt. Chợt từ xa, dưới những đốm đèn đường lờ mờ, một bóng người đi xe đạp vừa rao câu gì đó. Đếch biết rao gì, nhưng chắc là có thứ gì đó ăn được mới đi tầm này, đấy là mình đoán thế. 

Bóng người gần hơn, tiếng rao rõ dần. Giờ thì nghe rõ: “Khúc nóng nào! Bánh khúc đê!”. À, bánh khúc. Món này trước từng ăn nhưng nghe như mùi cám lợn nên không ấn tượng lắm, nhưng giờ thì đói vãi… Bèn chặn người đi xe đạp lại. Hóa ra là một anh tầm hơn ba mươi, người gầy, nhỏ nhỏ, sau xe đèo cái nồi ủ bánh khúc. Mình rụt rè thăm dò, hỏi xem liệu anh có cho tôi nợ được không? Anh im lặng mở mấy lớp bao bì ủ trên nắp nồi ra, lấy đũa khều khều rồi hỏi: “Mấy cái?” Đang đói, mình trả lời: “Hai cái, nhiều xôi vào cho em!” 

Hai cái bánh khúc nhỏ như quả hồng xiêm, bên ngoài lấm tấm hạt xôi, kèm nhúm muối vừng… Uầy, sao mà ngon và bùi thế. Ăn xong vẫn còn thèm, bèn gọi thêm hai cái nữa. 

Ăn xong buột mồm định hỏi bọn anh làm bánh khúc bằng lá khoai lang à? Nhưng đang mắc nợ nên phanh lại được, vả lại cũng ngon phết vì vừa có xôi, thịt lợn, đậu xanh… nên ngậy và bùi bùi. Quan trọng hơn là giải quyết được khâu đói nên mình rất ưng cái bụng. 

Nói thêm về món này thì thật ra bánh khúc là thứ quà vặt có phần kém thẩm mỹ nhất so với những thứ khác, một thứ bánh vốn rất là đặc sản của người Hà Nội. Nhưng đói thì thẩm mỹ éo gì nữa, khi ấy chỉ thấy tiếng rao của anh bánh khúc hay như tiếng dương cầm trong đêm. Cả ngày chỉ mong đến mười một giờ khuya để thấp thỏm chờ cái bóng nhỏ nhỏ, khắc khổ của anh trên cái xe đạp mini (chắc là của tàu). Ba tiếng “Khúc nóng nào” của anh vui gấp 10 lần ba chữ “Em yêu anh” của một đứa con gái nói bên tai mình. Không yêu có chết được đếch đâu! 

Sau đêm đó, mình và anh thân thiết với nhau hơn. Anh quý mình vì điều gì không rõ, chỉ biết cho mình nợ thoải mái mà không lăn tăn. Hàng đêm, cứ hơn mười một giờ chút là đạp cái xe cà tàng ngang qua chỗ mình trọ, dựng xe xuống hỏi mình hôm nay ăn mấy cái đây? Rồi vào phòng kéo bi thuốc lào, mình nhắc anh ghi vào sổ kẻo quên, anh bảo khỏi cần, chú nhớ là được! 

Tổng cộng mình nợ anh một trăm mấy chục ngàn nhưng anh không nhắc cũng không hỏi ngon không, chỉ lấy thêm xôi khuyến mại cho mình, rắc chút muối vừng bên cạnh, khi thì gói xôi bằng lá sen, khi thì lá chuối. 

Bữa cuối cùng mình nhận được năm trăm ngàn nhuận bút, ngồi đợi anh đến như mọi hôm. Anh hỏi “Ăn mấy cái?” Mình bảo “Thôi hôm nay em có tiền rồi, anh em mình ra ăn phở, làm chén cho vui.” Anh bảo còn hơn chục cái, để đi vài vòng bán hết xong về ngủ mai còn đi phụ hồ. Hóa ra nghề chính của anh là thợ xây, cũng thuê trọ ở một khu lụp sụp bên Triều Khúc. Mình gửi tiền nợ, dúi thêm cho anh hai mươi ngàn nhưng anh không lấy. Mình bảo: 

- Anh phải cầm cho em vui, anh không biết đấy, giờ em mới nói, mỗi khi nghe tiếng anh rao “Bánh khúc” từ xa, em muốn rớt nước mắt vì mừng. Anh không cho nợ chắc em chết đói lâu rồi! 

Anh vẫn không cầm. Chỉ chào mấy tiếng lí nhí rồi lùi lũi khuất dần trong đêm tối… 

Bánh khúc, ôi bánh khúc… Hà Nội đã vào mùa thu. Khi mình trở lại nơi đây liệu có còn gặp lại cố nhân năm nao? Gặp lại món quà vặt từng khiến mình rớt nước mắt không phải vì yêu mà vì đói.

_

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK