Ngày…
Sáng, dắt xe “đi làm”. Đi được một đoạn ngó kim xăng thấy gần kịch vạch đỏ, mồ hôi toát ra như tắm, lo lo là, không biết có kịp lết đến tòa soạn không.
Đi ngang qua quán bún bò mùi nước xương thơm điếc cả mũi, nuốt nước bọt ừng ực. Đói quá, lát lấy tiền nhuận bút xong phải ghé vào quán nào đấy đá ngay bát bún mới được, chỗ còn lại để một ít đổ xăng, ăn cơm bụi, mua tập giấy A4 nữa là hết.
Cuối cùng thì con dream lùn, bô kêu như công nông đầu ngang cũng lê lết được đến tòa soạn. Bãi để xe toàn xe ga đắt tiền. Lão bảo vệ nhìn nhìn một lúc hất cằm hỏi “Đi đâu đấy?” Cái bộ dạng mình chán thật, đi đâu cũng để lộ dáng vẻ rúm ró của một kẻ thất nghiệp, đến bảo vệ cũng lên mặt rẻ rúng.
Lên phòng tài vụ ở tầng hai, vừa thò mặt vào ông trả tiền nhuận bút đã nở nụ cười như trêu ngươi, xong dõng dạc nói “Chưa có cháu ạ!” Mấy người trong phòng nhìn mình như rớt từ trên trời xuống, muối hết cả mặt. Thui thủi bước xuống cầu thang, tiền không một xu dính túi trong khi xe hết xăng, bụng lép kẹp, bữa ăn gần đây nhất là trưa hôm qua với một gói mỳ tôm Hảo Hảo mua chịu ở hàng tạp hóa đầu ngõ. Đi đâu bây giờ?
Ngày...
Ngồi quán cà phê, xin cốc nước chè nhâm nhi giết thời gian. Em nhân viên đặt cái phịch ca nước lên bàn bảo “Gọi cốc cà phê mà ngồi từ sáng đến trưa, anh uống thì tự rót lấy”. Cũng hay ngồi cái quán này chỉ vì vừa tiện đường lại vừa rẻ. Nhiều hôm ngồi từ sáng đến chiều, nhìn lướt mấy tờ báo xem có chỗ nào làm thêm không, uống đâu bảy hay tám ly trà đá nhạt toẹt, bắn bi thuốc lào… đợi hết “giờ làm” thì về. Ngồi dai đến nỗi chủ quán đi qua là lườm, vênh mặt rất khó chịu. Tặc lưỡi, mình thì sao cũng được, chỉ sợ về sớm người yêu lại buồn vì phát hiện ra đang yêu phải một thằng thất nghiệp.
Ngày…
Phụ huynh của người yêu ra thăm con gái, tiện thể ghé qua xem nơi ăn chốn ở của thằng con rể tương lai. Đứng trước cổng, phụ huynh hỏi:
- Cháu ở cái nhà ba tầng kia à?
- Dạ không ạ, đó là nhà bà chủ, nhà cháu nhỏ nhỏ lợp brô xi măng ở ngay cạnh đó ạ.
Vào đến phòng, phụ huynh đảo mắt nhìn xung quanh: một cái bếp dầu, một quạt điện con cóc, mấy bộ quần áo cũ treo trên tường và hai cái cốc uống nước… phụ huynh chép miệng:
- Thế này mà cưới nhau thì chúng mày sống kiểu gì?
Rót cốc nước lọc đưa cho “bố” rồi bảo:
- Bác yên tâm, khi nào làm nên sự nghiệp bọn con mới nghĩ đến chuyện đó.
“Bố” thở dài ba cái và không nói gì thêm.
Buổi tối, chuẩn bị đi ngủ thì nhận được tin nhắn của bố nàng. Nội dung rất súc tích “Cháu tiếp tục theo đuổi sự nghiệp đi và hãy tha cho con gái bác. Cảm ơn cháu”.
Ngày…
Dắt xe đi làm. Hôm qua suýt đánh nhau với thằng đồng nghiệp vì tranh nhau một bà khách. Nó bảo:
- Mày lính mới đừng có loi choi, bố mày xe ôm tám năm ở chỗ này rồi, thích chết không?
- Thế mày nghĩ tao khát sống lắm hả? Khách đi xe như con vịt giời, đứa nào úp được thì úp, hết cách mới ra đứng đường - đừng dọa nhau.
Nó thấy mình to hơn, với cả mắt mình lừ lừ nên chửi bâng quơ mấy câu rồi im.
Xế chiều, có em gái xuống ở điểm xe buýt nói muốn thuê xe ôm đi Hà Đông. Mặc cả ba chục xong, nó tròn mắt bảo:
- Ơ, em thấy anh quen quen! Có phải anh là Hoành, con ông Tráng xóm Thượng không?
Mình hơi giật mình, trả lời:
- Phải, nhưng em kín miệng hộ anh, về quê đừng nói cho ai biết anh chạy xe ôm.
Nó bĩu môi nói:
- Xe ôm cũng là nghề kiếm sống đàng hoàng, trộm cắp chi mà phải giấu?
Mình ghé tai nó nói: “Nhưng em ơi, trong mắt mấy đứa em ở nhà anh là một hình mẫu, là niềm tự hào của chúng nó, của gia đình… không thể chạy xe ôm được!”
Đến Hà Đông. Xuống xe, trả lại mũ bảo hiểm, em gái hỏi nhỏ:
- Rứa về quê em nói anh mần nghề chi?
- Em nói anh vẫn sống rất tốt ở Hà Nội là được.
Nó “dạ” rồi cúi đầu bước đi.
Tối về gọi điện hỏi thăm sức khỏe gia đình. Bố nói to trong điện thoại “Chúc con sức khỏe và công tác tốt. Con là niềm tự hào của gia đình mình!”
Tắt điện thoại. Nước mắt bây giờ mới kịp ứa ra, cay xè…
_