(*暗恋无声: Chữ cuối là “Thanh” trong tên nam chính – Tống Kỳ Thanh.)
===
Cha mẹ Thư Niệm ầm ĩ đòi ly hôn năm cô tròn năm tuổi, cả hai người đều không muốn nuôi cô, đã thế còn quá vội vã kiện tụng nên chả rảnh trông nom đứa con gái này, thế là Thư Niệm được gửi về quê để nội nuôi.
Lần gửi ấy bẫng mười năm tròn.
Trong mười năm ấy người cha Thư Tư Khiêm của cô cứ cách hai ba năm mới chịu về ăn tết một lần còn mẹ Thư Niệm thì chưa bao giờ về thăm cô dù chỉ một lần.
Ấn tượng về cha mẹ của Trì Thư Ý vẫn đọng lại trước lúc cô năm tuổi song ký ức cũng đã nhạt nhòa đi không ít.
Dẫu rằng mười năm nay cô đã gặp cha mình vài lần nhưng vẫn thấy xa cách lắm.
Mùa hè năm 2016, Thư Niệm vừa hoàn tất kỳ thi tuyển sinh lứa trung học xong thì rời quê lên Thẩm Thành. Cũng bởi sau kỳ nghỉ hè Thư Niệm sẽ nhập học trường trung học số 1 trên thành phố nên Thư Tư Khiêm đã đón cô lên sớm để còn để cô có thời gian thích ứng với cuộc sống mới.
Và vì thế nên từ mùa hè này, Thư Niệm ở chung nhà với cha mình và vợ hai của ông, dì Miêu Vũ.
Nhà mới nom khang trang lắm, là một căn biệt thự độc lập ba tầng, trong nhà còn thuê dì giúp việc lo chuyện dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn.
Cô có một gian phòng ngủ riêng khá thoáng đãng, còn có cả một tủ quần áo đầy ắp bao bộ đồ xinh đẹp mới toanh.
Ở đâu cũng tốt và tiện nghi nhưng chẳng hiểu sao Thư Niệm lại lạ chỗ.
Bao người lạ lẫm, bao thứ chẳng quen thân, đến cả gọi Thư Tư Khiêm là cha cô còn thấy lạ chứ đừng nói gì đến chuyện kêu vợ mới của ông ấy, người chỉ lớn hơn cô mười tuổi là mẹ kế.
Thư Tư Khiêm mua điện thoại cho Thư Niệm, ngày nào Thư Niệm cũng nhắn tin tám chuyện với cô bạn Giang Điềm quen từ hồi tiểu học dưới quê và tối nào cô cũng sẽ điện về hỏi thăm bà nội mình.
Ngoài thói quen nho nhỏ này ra thì thú vui duy nhất khi sống ở đây của Thư Niệm là đến thư viện tỉnh đọc sách.
Cô thà đọc sách ở thư viện tỉnh cả ngày còn hơn mượn sách về ngôi nhà ấy để đọc.
Thế nên Thư Niệm thường dành cả ngày ngồi đến mòn ghế trong tòa thư viện tỉnh yên ắng thanh tịnh. Cô đến thư viện từ sáng sớm, ngồi đến khi trời tối mịt, đến khi quản thư phải đóng cửa mới chịu về.
Đều đặn suốt bảy ngày trong tuần, đương nhiên là trừ hôm thứ hai vì hôm đấy thư viện không mở cửa, sáu ngày còn lại ngày nào cô cũng đến, ôm một cuốn sách văn học nào đó đọc từ sớm đến chiều tà.
Bất kể mưa nắng bão giông, Thư Niệm luôn đến đúng giờ rời đi đúng lúc, leo lên chuyến xe buýt số 21 đến thẳng trạm thư viện tỉnh, xuống xe cuốc bộ một lúc là đến nơi.
Ngày cuối cùng của tháng bảy, thời tiết chẳng quang đãng gì cho cam.
Thư Niệm liếc nhìn dự báo thời tiết hiện trên điện thoại, 70% hôm nay sẽ có mưa to nên trước khi rời khỏi nhà cô tiện tay cầm theo ô che mưa.
Khi đến thư viện, Thư Niệm tiếp tục tìm đọc tuyển tập thơ hãy còn dang dở hôm qua.
Sau khi đọc hết, cô trả sách về kệ, chọn đọc một cuốn tiểu sử của các vị danh nhân ở một kệ khác.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, Thư Niệm ăn trưa ở quán mì lân cận rồi lại trở ngược vào thư viện tiếp tục đọc sách.
Mãi khi trời chập tối, đến giờ đóng cửa cô mới cất sách rồi cầm theo ô che mưa bước ra ngoài.
Từ sáng đến giờ Thư Niệm đọc hăng quá nên không nhận ra trời đã âm u mịt mù tự lúc nào và bây giờ mưa đang rơi tầm tã.
Cô bước ra khỏi cửa thư viện tỉnh mới hay trời mưa, Thư Niệm bung dù giơ cao hơn đầu rồi từ tốn bước xuống bậc thang để đi bộ đến trạm xe.
Lúc sắp đến trạm xe buýt thì bỗng nghe thấy tiếng mèo kêu cực kỳ yếu ớt.
Thư Niệm xoay người lại, chợt thấy dưới chân tường có một em mèo trắng nhỏ trông hơi bẩn, nhìn như ba bốn tháng tuổi và đang ướt sũng cả người.
Mắt em mèo nhỏ này có đôi mắt khá khác lạ song lại trông rất giống bé mèo bà nội nuôi dưới quê.
Thư Niệm bước lại gần, ngồi xổm xuống, lấy ô che mưa cho em mèo con.
Cô nhẹ nhàng sờ đầu mèo con, nhỏ giọng hỏi: “Em ở đây làm gì? Sao không về nhà, trời đang mưa đó?”
“Hay em không có nhà để về?”
Bé mèo con ngoan ngoãn dụi đầu vào lòng bàn tay cô nhưng đang van nài Thư Niệm cưu mang mình.
Ngặt một nỗi Thư Niệm biết mẹ kế mình dị ứng lông mèo nên tuyệt đối không được nuôi thú cưng, cô không thể mang mèo về được.
Lần đầu tiên cha dẫn mẹ kế về quê lại mặt, mẹ kế dị ứng với em mèo trắng của bà nội đến nỗi nổi mẩn khắp người, còn bị sởi nữa.
Thư Niệm không biết nên làm sao mới phải.
Lúc cô còn đang ngồi xổm xuống đất do dự thì xe buýt số 21 cũng đến nơi.
Thư Niệm không còn cách nào khác đành phải nhỏ giọng nói xin lỗi với bé mèo, cô để ô lại để mèo con có nơi trú mưa còn mình thì dầm mưa chạy lên xe buýt.
Lên xe buýt Thư Niệm mới sực nhớ ở Thẩm Thành có trạm cứu hộ thú hoang, cô có thể mang mèo con đến đó, ít nhất bé mèo sẽ không lo dãi nắng dầm mưa, còn có thể có điều kiện sống tốt hơn hiện tại không ít.
Thế là cô mở bản đồ trên điện thoại tìm địa chỉ rồi xuống xe ở ngay trạm kế tiếp.
May mà hai trạm cách nhau không xa, lúc Thư Niệm dầm mưa chạy về chỗ gần thư viện tỉnh thì cả mèo và ô của cô đã biến đâu mất tâm rồi.
Thư Niệm cắn môi ngồi đờ ra đó mất một lúc rồi chậm rãi đi về chỗ trạm xe chờ chuyến sau, còn bồi hồi nhìn lại chỗ chân tường lúc nãy có mèo và lên chuyến sau với tâm trạng vừa lo lắng vừa hoang mang.
Thư Niệm ngồi vào ghế tựa cửa sổ, nhìn chỗ mèo và ô của cô đồng loạt biến mất qua ô cửa kính đã bị mưa xối đến nhòe hết cả, âm thầm mong sao bé con ấy đã được người tốt nhận về nuôi.
Mất dạng nhanh như thế e là đã có người dắt về rồi nhỉ…
Vì phải quay lại tìm mèo con hôm nay trời còn mưa nên xe buýt chạy chậm, Thư Niệm về nhà muộn hơn thường lệ.
Lúc cô về đến nhà thì Thư Tư Khiên và Miêu Vũ cũng vừa về.
Nhìn cả người cô ướt đẫm nước mưa, Miêu Vũ lo lắng hỏi: “Niệm Niệm mắc mưa à? Trước lúc đi con có cầm theo ô mà?”
Dì ấy vừa nói vừa chạy vội vào nhà vệ sinh với lấy khăn sạch cho cô.
Miêu Vũ lau tóc cho Thư Niệm, cô hơi mất tự nhiên né ra, dì ta cũng hiểu ý vắt hờ khăn sạch lên vai Thư Niệm.
“Cảm ơn…Dì ạ,” Tuy đã đến đây sống tròn một tháng nhưng Thư Niệm gọi Miêu Vũ vẫn gượng miệng lắm.
Sau đó cô nhẹ giọng trả lời câu hỏi đầu tiên của Miêu Vũ: “Ô… mất rồi.”
Cũng vì không hay nói dối nên Thư Niệm cúi gằm đầu xuống, muốn dùng mái tóc che đầu khuôn mặt viết đầy mấy chữ “có tật giật mình”.
Miêu Vũ thở dài, hơi bất lực bảo: “Vậy thì phải gọi cho cha con chứ, để ông ấy đến đón con.”
“Thế phiền lắm,” Thư Ý khách sáo đáp, Miêu Vũ còn chưa kịp nói thêm gì cô đã vội vã nói tiếp: “Con đi tắm.”
Miêu Vũ gật đầu, “Đi đi, dì nấu canh gừng cho con uống, lát tắm xong nhớ xuống uống đấy, đừng để bị cảm.”
“Vâng,” Thư Niệm vâng dạ liên hồi, “Cảm ơn…”
Song lần này cô không nói hết chữ “Dì ạ” mà mau lẹ quay người chạy biến lên lầu.
Thư Niệm đi khuất rồi Miêu Vũ mới nhìn về phía Thư Tư Khiêm đang uống nước nói: “Trông Niệm Niệm vẫn còn mất tự nhiên quá.”
Thư Tư Khiêm chẳng cảm thấy chuyện này có gì nghiêm trọng, bèn đáp: “Đợi thêm là được.”
“Đừng lo, Tiểu Niệm hơi hướng nội khó mở lòng, cho con bé chút thời gian để nó từ từ chấp nhận em.”
Miêu Vũ tỏ vẻ bất lực nhún vai, “Mong là thế.”
Tối ấy Thư Niệm đóng kỹ cửa phòng rồi gọi điện cho nội, nói với bà hôm nay mình có gặp một bé mèo trắng trông giống Đại Bạch lắm.
Đại Bạch là tên em mèo trắng bà nội cô nuôi dưới quê.
Nội cười cười hỏi cô đã quen với nhịp sống mới chưa, Thư Niệm bảo ở đây không được tự tại như ở dưới quê.
“Nhưng lên thành phố sẽ được mở mang tầm mắt, cơ sở vật chất lẫn chất lượng giáo dục cũng tốt, Niệm Niệm của bà phải có cơ hội được tận mắt thấy thế giới ngoài kia đẹp đẽ đến đâu chứ.”
Thư Niệm bèn cười, nói với bà trong thư viện tỉnh có nhiều sách lắm, cô muốn đọc thể loại nào là có đủ hết thể loại ấy.
Hai bà cháu tâm sự tỉ tê với nhau cả nửa ngày trời, sau rốt cũng vì nội ngủ thiếp đi bên đầu kia nên cô chỉ đành tiếc nuối cúp điện thoại.
Không biết có phải vì đội mưa suốt từ chiều đến giờ hay không mà nửa đêm Thư Niệm bị sốt.
Mãi đến sáng hôm sau, thấy cô không xuống ăn sáng như bình thường, Miêu Vũ lên lầu gọi cô mới phát hiện cô bệnh chưa dậy.
Sau đó Thư Niệm được cha và mẹ kế mình đưa đến bệnh viện truyền dịch, cơn sốt này kéo dài tận ba ngày mới dứt.
Mà ba ngày sau, lúc Thư Niệm khỏi hẳn tiếp tục đến thư viện tỉnh như thường thì cũng đã vào hôm bốn tháng tám.
Hôm ấy là một ngày nắng đẹp trời trong, Thư Niệm mặc váy trắng liền thân, tóc cột đuôi ngựa giản dị cuốc bộ đến thư viện tỉnh.
Cô đến kệ sách tìm quyển tiểu sử danh nhân mình đang đọc dở hôm trước, song lại lục tìm mãi mà chắc thấy quyển sách ấy đâu.
Thư Niệm đi loanh quanh kệ sách đó một lúc lâu, lật giở từng cuốn một, cuối cùng tìm thấy nó ở kệ bên cạnh.
Cô cầm cuốn tiểu sử dày cộp ấy lên, lúc quay người bước đi thì đụng phải một chàng trai đang đến tìm sách.
Vai cô va phải cánh tay của đối phương.
Chàng trai này mặc một chiếc áo phông trắng đơn giản phối với quần tây đen, dong dỏng cao đến độ lúc cậu cúi đầu cô mới thấy rõ mặt mũi, cô chỉ nghe cậu chàng vô cùng lịch sự xin lỗi cô: “Tớ xin lỗi, đụng trúng cậu rồi phải không.”
Giọng anh trong trẻo lắm, vừa trong veo hệt như nước suối đầu nguồn lại vừa sáng trong như tia nắng từ vầng thái dương đang treo vắt vẻo ngoài kia.
Cũng vì bị giọng nói của anh rất thu hút nên Thư Niệm vô thức nhìn lên và bắt gặp một diện mạo vô cùng nổi bật, đường nét cá tính rõ ràng, đôi mắt nâu nâu ngời sáng, lúc nhìn về phía cô còn thấp thoáng ý cười.
Cô nhìn lướt qua rồi lại vội vã cúi đầu, đáp lời anh bằng chất giọng vô cùng mềm mỏng: “Không sao.”
Rồi nhanh chân rời khỏi chỗ kệ sách tai quái ấy.
Đến tận lúc tìm được chỗ ngồi xuống cô mới ngỡ ngàng phát hiện tim vẫn đang thình thịch thình thịch đập loạn suốt từ nãy đến giờ.
Đập dữ dội đến độ tưởng chừng như sắp nhảy khỏi lồ ng ngực ngay giây sau.
Thư Niệm thầm hít sâu vài hơi để bản thân bình tĩnh lại sau đó mở sách tìm tiểu sử của một vị danh nhân lần trước mình chưa đọc hết.
Ngay lúc cô đang định chú tâm đọc sách thì chợt nhìn thấy cậu trai ban nãy mình đụng phải đang ngồi chếch phía đối diện cô.
Cậu đang đọc một quyển Trò Sudoku thì phải.
Sau khi nhập học Thư Niệm mới hay tên cậu là Tống Kỳ Thanh.
Tên nghe cũng hay hệt như chất giọng của chủ nhân cái tên ấy vậy.
Hết 01.