Vốn dĩ Bạch Dực rất buồn bực, tay nghề bếp núc của cô dù đã trải qua tôi luyện cũng chỉ thường thường mà thôi, Ô Vũ và các bạn gia tinh lại ủng hộ như thế, đúng là nan giải.
Về sau thi thoảng Ô Vũ lại đưa cô xuống núi dạo chơi, thậm chí còn đi xa tới tận huyện thành, còn từng vụng trộm vào phòng bếp của gia đình giàu có xem tình hình, bấy giờ cô mới ngạc nhiên hiểu ra.
Đây là thời đại có chênh lệch giàu nghèo rất lớn. Cửa son rượu thịt rữa, ngoài đường đói trương thây. Những người dân ở làng trên núi không đói không lạnh mấy khi mà cũng đã vô cùng vất vả, quanh năm không được thấy giọt dầu, đến tương cũng chẳng có mà ăn, muối thì càng quý giá hơn. Dù rau tươi mơn mởn thế nào, không dầu không tương không muối cũng khó mà nuốt nổi.
Những món ăn trân quý trong mắt khách điếm bình dân bình thường đều sẽ nấu theo hướng ngược lại, chẳng những tương đẫy dầu nhiều, mà còn toàn lợn béo móng to, món nào món nấy béo ngậy, ăn nhiều ngấy tới tận cổ.
Còn những nhà có của thì bắt đầu để ý câu nệ. Mỗi món ăn sẽ bị thay đổi hoàn toàn, gần như không nhìn ra nguyên dạng. Ngẫm lại, món cà xào trong Hồng Lâu Mộng còn thành ra như thế, dạo này còn đang có mốt ăn đồ bổ đồ thuốc, thật sự nhìn cả bàn ăn mà chẳng biết nguyên liệu nấu là thứ gì.
(Món cà xào trong Hồng Lâu Mộng: Món ăn biểu trưng tinh thần Hồng Lâu Mộng mẫu mực nhất có lẽ là món cà được Phượng Thư dọn ra mời già Lưu. Cách làm được mô tả là “cứ đến tháng tư tháng năm, hái cà về gọt vỏ bỏ núm, chỉ lấy ruột thôi, đem thái nhỏ như sợi tóc, phơi thật khô. Sau đó bắt một con gà mẹ, ninh ra nước và hấp cà lên, xong đem ra phơi, chín lần phơi, chín lần hấp, lại đem phơi thật khô, rồi bỏ vào trong lọ sứ bịt thật kín. Khi ăn sẽ lấy một thìa trộn với thịt gà xào mà ăn.”)
Cô vừa hay ở chính giữa hai sắc thái này. Hồi bé cô lớn lên ở nông thôn với ông bà, bố mẹ ở một trấn nhỏ cách đấy tầm 15 phút. Mãi đến khi tốt nghiệp cấp 2 cô mới dọn lên thành phố với cha mẹ.
Có một dạo cô thực sự thấy rất không quen, nhìn rau quả héo hon mà chẳng muốn ăn tẹo nào. Dù gì hồi còn ở nông thôn, cô toàn ăn rau dưa hái tại trận, dàn mướp ngay ngoài phòng bếp, cắt cái nấu liền. Ông bà nội cô chăm bón một vườn rau nhỏ cực kì tươi tốt, củ cải non trồng cho xanh vườn ngoài ruộng là món quà vặt mà cô thích ăn nhất.
Khi tới nơi này, cô cập nhật lại tất cả ký ức thời còn nhỏ. Có điều cô sống một mình, nên dĩ nhiên không bủn xỉn tương muối dấm dầu chút nào, hoàn toàn thể hiện được hương vị nguyên bản, thậm chí còn tăng thêm mùi vị cho món ăn.
Cô đánh bậy đánh bạ như thế mà lại hợp khẩu vị của Ô Vũ và các bạn gia tinh.
Ô Vũ rất không vui, nhưng các bạn gia tinh lại vui phơi phới. Sáng sớm Bạch Dực mở cửa, thường thấy củ niễng hoặc các loại rau dại đã sắp xếp chỉnh tề, thịt lợn và nước cũ trong phòng bếp cũng được xử lý sạch sẽ. Điều ấy thường làm cô cảm thấy buồn cười.
Khi cô vất vả nấu xong bữa cơm, cùng ăn với Ô Vũ xong xuôi, chẳng cần cô gột rửa, họ tự giác dọn dẹp sạch sẽ, để đồ đúng vị trí.
“Các bạn gia tinh nhà anh giỏi thật đấy.” Cô cười tủm tỉm nói với Ô Vũ.
Ô Vũ lạnh lùng hừ một tiếng, chẳng thèm hếch mi, “Tụi nó còn được ăn giống ta.”
Bạch Dực kinh ngạc một lát, rồi bật cười. Sau đận đó, mỗi lần xuống bếp, cô sẽ đặc biệt làm mấy món dành riêng cho Ô Vũ. Chàng tương đối vừa lòng với cách sắp xếp của cô, về sau không còn càu nhàu câu nào nữa.
Chưa đến mùa Đông, Ô Vũ lại ra đi.
“Ta để lại hai người âm thầm bảo vệ cô.” Ô Vũ nói, “Đừng có chiều mồm chúng nó quá, cho ăn chút cơm thừa canh cặn là được rồi.”
“…… Đi đường cẩn thận.”
Gương mặt bình lặng của chàng thoáng hiện ý cười, “Tới mùa Xuân ta về, sẽ mang cho cô một chiếc nanh rắn. Đúng rồi, cô có thích món trang sức nào không?”
“Anh tặng tôi làm gì? Tôi có đeo đâu.” Bạch Dực gãi gãi đầu.
“Chẳng ra dáng phụ nữ gì cả.” Chàng vẫy vẫy tay, đoạn bỏ đi.
Nhiệm vụ lần này cũng không khó, có điều rất phiền toái, còn phải truy tìm trong rừng cây rậm rạp. Chật vật giải quyết xong chuyện khó, chàng chỉ nghỉ ngơi hồi sức một ngày rồi vội vàng chạy về ngôi làng trên núi.
Mấy tháng nay toàn ăn thịt dê và bánh bột, chàng thật sự không chịu nổi nữa.
(Bánh bột thời cổ, dùng làm lương khô)
Đi vào nhà trúc, chàng thấy Bạch Dực mặc một chiếc áo ngắn bó, hở cả bả vai và cánh tay, ống quần xắn lên, nằm ngủ trưa trên sàn trúc.
Cuối Xuân đầu Hạ, ánh nắng vàng kim xuyên qua lỗ trên mành trúc. Cô nằm nghiêng người, mái tóc rất dài uốn lượn quanh co. Cô gối đầu trên chiếc gối nhồi lá trà, thở nhè nhẹ. Một xấp giấy rơi lả tả xung quanh cô, có mấy tờ để qua loa trên bàn trúc, nét mực chưa khô.
Ô Vũ nhặt một tờ lên xem, nhẹ nhàng lắc đầu. Chữ của cô thực sự là… cực kì xấu. May mà còn ngay hàng, vẫn hiểu được. Trên tờ giấy là bức vẽ một loại cỏ, nhìn là biết là đậu Hà Lan, rất chính xác dễ hiểu. Giấy có ghi gieo trồng thế nào, chế biến ra sao, làm chàng bật cười.
Đây là cái gì? Công thức không giống công thức, sách làm nông không ra sách làm nông. Chàng lại thấy mấy con số khác trên giấy, tò mò tìm tòi một lát, chàng phát hiện ra đấy là dấu in lá, quả đúng là đậu Hà Lan thật.
Chàng nhướng mày, đây là một phương pháp hay. Rất nhiều vị thuốc độc bị thất truyền, chính là vì người ta không biết hình dạng của lá thuốc. Nếu in dấu lá xuống thì sao?
Chàng lặng lẽ thu dọn những trang giấy bay đầy đất, đối chiếu xem từng tờ, lòng dần thấy sửng sốt.
Chàng đang suy nghĩ sâu xa, Bạch Dực chợt xoay người, chớp chớp mắt, “Kìa? Anh về bao lâu rồi?”
“Vừa đến.” Ô Vũ thờ ơ đáp, giơ tờ giấy trong tay lên, “Đây là cái gì?”
“Bài tập hè.” Bạch Dực ngồi dậy, duỗi eo, “Dù sao cũng rảnh rỗi quá mà.”
[HẾT CHƯƠNG 10]