Giỏi quá đi. Cô thầm cảm thán từ tận đáy lòng. Một năm ròng đã qua, cô còn chẳng biết mài dao, nên hay bị đám đàn bà con gái trong làng cười chê.
“Anh Ô Vũ, chào buổi sáng.” Cô kính nể chào hỏi.
“Ta không phải anh này anh kia.” Chàng ta vốc nước xối lên con dao chẻ củi, “Gọi thẳng Ô Vũ là được.”
“Tôi tên là Bạch Dực.”
“…Ta không hỏi cô.” Ô Vũ còn chẳng thèm ngẩng đầu lên, “Viết thế nào?”
Anh ta biết chữ cơ à! Bạch Dực cực kì kinh hãi. Số người biết chữ trong cả làng cộng lại chưa được ba người, cô lại càng kính nể chàng ta hơn. Cô ngồi xổm xuống, viết tên của mình lên đất bùn, “Tôi đi nấu cơm.”
Ô Vũ liếc mắt, chân mày cau lại, vẻ mặt vẫn bình tĩnh như trước, có điều đáy mắt hơi lộ vẻ thất vọng. Nhưng chàng ta vẫn mài cho xong con dao chẻ củi, cầm nó ra khu rừng trúc sau nhà.
Khi Bạch Dực nấu xong một bát cháo trắng lớn, bưng lên cùng món trứng chiên hành và bắp cải nấu cay, cô trố mắt nhìn bộ bàn ghế trúc vừa “mọc ra” ngoài sân.
Ô Vũ không nói không rằng nhận mâm, đặt lên bàn trúc.
“Tôi không có cưa, cũng không có búa sắt, đinh sắt…” Bạch Dực lẩm bẩm, mắt dại ra.
“Một con dao chẻ củi là đủ rồi, cần những thứ đó làm gì?” Ô Vũ vào phòng bếp, bê nguyên bát cháo ra, còn chẳng thèm lót vải, như thể không cảm thấy nóng vậy.
Bạch Dực choáng váng lấy bát và đũa. Suốt bữa cơm cô đều ngỡ ngàng nhìn chiếc bàn trúc phẳng phiu đẹp đẽ. Đúng là giỏi ghê.
“Bạch Dực.” Ô Vũ đột nhiên gọi cô.
“Hả?” Cô ngơ ngẩn ngẩng đầu.
“Cô thật sự tên là Bạch Dực ư?” Ô Vũ cười khổ.
“Tên Bạch Dực thì có gì sai sao?” Cô không hiểu mô tê gì cả.
Ô Vũ cúi đầu tiếp tục ăn cơm, không nói gì nữa.
Chàng ta rất kiệm lời, Bạch Dực cũng không biết nên nói gì với người ta, dù gì họ cũng hoàn toàn không quen biết. Công việc hằng ngày của cô rất nhiều, phải nuôi gà, nhặt trứng, vả lại cô tắm rửa hằng ngày nên phải giặt rất nhiều quần áo. Cô còn phải chăm vén một vườn rau, chỉ có một người ăn nên nhiều lúc phải làm thành rau muối hoặc đồ khô.
Bây giờ không phải mùa xới đất cấy cày, cô phải dắt hai con trâu ra ngoài ăn cỏ, bản thân cô thì đi nhặt củi.
Ô Vũ lúc thì ở nhà, lúc lại đi theo cô quan sát, tựa như một người giám sát im thin thít.
Giữa trưa ngày thứ ba, Ô Vũ ngồi ăn cơm dưới bóng cây mở miệng nói, “Cô không hợp với việc nhà nông.”
Bạch Dực hơi ỉu xìu, “Đúng thật tôi không cầm được cuốc, cũng không giữ được cày.”
“Cô trồng rau trong vườn mà còn khiên cưỡng.” Ô Vũ nói thẳng không chút khách khí, “À không, cô nuôi gà còn bị con gà bắt nạt.”
Bạch Dực cắn đũa, sắp rơi nước mắt đến nơi. “… Sao anh cứ phải nói ra làm gì? Xát muối lên vết thương của tôi! Tôi đang học mà! Sẽ có ngày tôi trở thành chuyên gia nông nghiệp thôi…”
“Với đôi tay ấy ư?” Ô Vũ khinh thường liếc mắt nhìn đôi tay chồng chất vết thương, còn nổi bọt nước của cô, “Tay cô quá mềm, không dễ để lại sẹo, cũng khó chai sạn.”
“…Có công mài sắt có ngày nên kim.” Bạch Dực Thẩm cúi gằm mặt, rầu rĩ ăn cơm.
Cô thừa nhận mình rất dốt việc đồng áng. Nhưng suốt một năm nay, cô vẫn nuôi sống được bản thân, chưa bị chết đói.
Đây là thành tựu mà cô rất quý trọng.
“Ta đưa cô vào trong thành, mua một ngôi nhà vườn, mướn mấy ả hầu.” Giọng điệu của Ô Vũ rất bình thản, “Cô yên tâm mà sống.”
Bạch Dực khẽ mở miệng, Ô Vũ vẫn mang vẻ mặt thản nhiên. Đương nhiên, không phải là cô chê Ô Vũ không đẹp trai… Tuy rằng chàng ta không xấu, nhưng cũng không có gì đẹp. Nói đơn giản là, trông chàng ta cực kỳ bình thường, bình thường đến mức không thể bình thường hơn. Nếu ném chàng ta vào đám đông thì chắc chắn sẽ không nhận ra được ngay.
Nhưng cô cũng có đẹp đẽ gì cho cam… Tự bản thân cô hiểu rất rõ. Trước kia cô có thể đạt được danh hiệu gái xinh trung lưu, đấy là nhờ rất nhiều đồ trang điểm đắt đỏ và cách make-up cô dày công nghiên cứu, kèm theo kết quả của việc giảm béo vô cùng cực đoan.
Một năm này, cô dãi nắng dầm mưa, hoàn toàn không chăm chút sắc đẹp, được ăn no đã là thành tựu quá lớn, nào có thể có tiền trang điểm … Hơn nữa cô còn béo lên rất nhiều.
Cô cũng không cho rằng mắt Ô Vũ bị lọt tròng… Vả lại Ô Vũ cũng không có vẻ gì là có ý với cô.
“Tại sao?” Cô gãi gãi đầu, “Bây giờ tôi sống khá tốt mà.”
Ô Vũ nhìn cô một lát như đang nghiên cứu, “Không phải lo chuyện cơm áo, không cần làm việc cực nhọc, cô không muốn ư?”
“Không muốn.” Bạch Dực từ chối ngay tắp lự.
Nét mặt Ô Vũ dịu đi, tỏ vẻ hơi tiếc nuối, “Tiếc thay cho đôi tay đẹp nhường này.” Nhưng tâm trạng chàng ta khá hơn hẳn, ăn thêm hẳn ba bát cơm.
Ăn cơm xong, Ô Vũ tự giác sửa lại hàng rào trúc, chuồng gà cho Bạch Dực, chàng ta thay mái tranh mới cho cô, thậm chí còn xây lại một nửa tầng lầu tử tế, vứt cái thang dây xiêu vẹo cô bện kia đi, bện lại một cái thang vừa chắc chắn vừa nhẹ, mài tất cả dao trong nhà cô sáng loáng.
“Cảm ơn.” Bạch Dực cực kỳ cảm kích, “Nhưng anh làm thế này tôi càng mang ơn anh nhiều thêm.”
“Bao giờ ta tới, cô nấu ăn cho ta là được.” Ô Vũ vẫn thờ ơ, chàng ta móc ra một tờ ngân phiếu 100 lượng, “Trả trước tiền cơm.”
… Một trăm lượng. Vậy phải ăn bao nhiêu bữa cơm mới hết đây?
“Cô mua mấy con dê con mà nuôi…” Ô Vũ than nhẹ một hơi, “Thuê trẻ con bảo nó chăn giùm, để cô chăn có khi bị dê húc mất.”
“…Không đến nỗi vậy đâu mà?!” Bạch Dực muốn lật cái bàn.
Ô Vũ không lằng nhằng với cô nữa, “Cô không dám giết dê, thì mang xuống cho trưởng làng giết. Ngày lễ ngày Tết, lùa một hai con xuống, giết rồi chia cho cả làng. Một cô gái sống cô độc nơi này như cô, nịnh người ta một chút không thiệt đàng nào.”
Chàng ta không nói thêm gì nữa, thay bộ đồ đi đêm mà Bạch Dực đã vá hộ chàng ta. Nhìn đường may lệch lạc, chàng ta âm thầm thở dài, lại hơi buồn cười.
“Chuẩn bị mấy bộ quần áo cho ta.” Chàng ta lạnh nhạt yêu cầu, “Đến tiệm quần áo cũ mà mua. Tài khâu vá của cô thế này, ta không dám mặc ra ngoài.”
“…Tại sao anh không nói điều hay, chỉ biết chê cái dở? Cười nhạo khuyết điểm của người khác là thiếu đạo đức!” Bạch Dực cay cú chỉ trích chàng ta.
Ô Vũ lắc đầu, biến mất chỉ trong nháy mắt.
[HẾT CHƯƠNG 3]