Tôi để ánh mắt lần theo sau những chuyển động thất thường của những tài xế trên đường khi họ lách mình vượt lên trước trong giờ cao điểm, trong khi tâm trí tôi vơ vẩn trôi trở lại sáng hôm qua.
Tôi đã cố gắng đọc gần trọn một năm trong cuốn nhật ký của Pepys trước khi bị sự mệt mỏi đánh bại. Lúc tỉnh dậy thì đã chiều muộn. Qua khung cửa sổ khép hờ, bầu không khí có mùi sạch sẽ và trong lành vô cùng. Quần áo của tôi đã được bà Pearce giặt và là phẳng như mới, đang nằm phẳng phiu trên chiếc ghế như một người bạn chờ được chơi cùng. Tôi đứng dậy đi tắm rồi xuống tầng tìm anh trai.
Tôi thấy anh ngồi trong khoảnh hiên dài sau nhà, lơ đãng gặm đầu cây bút chì trong khi suy ngẫm, nhìn chằm chằm khắp bãi cỏ rộng rãi được cắt tỉa bằng đôi mắt không mấy tập trung.
Đột ngột nghe thấy tiếng bước chân của tôi vọng lại, anh mỉm cười ngước lên, bỏ chiếc bút chì khỏi miệng và đặt nó lên quyển sổ để mở trên chiếc bàn bên cạnh.
“Em trông khá hơn rồi đấy”, anh chào tôi. “ Có khi nào em nên ở lại vài ngày, cho bản thân thư thái.”
“Cảm ơn anh nhưng thôi.” Tôi ngồi xuống chiếc ghế lót đệm màu sáng trước mặt anh.” Sáng mai em phải về rồi. Anh đang làm gì ấy?”
Anh nâng quyển sổ lên, cho tôi xem những trang giấy chi chít chữ.” Giảng đạo. Theo anh nhớ thì em rất giỏi dùng từ. Còn cụm nào khác cho ‘trả lời tùy biến’ nữa nhỉ?”
“Ứng khẩu?”
“Hoàn hảo.” Anh đánh dấu thêm vài ghi chú khó đọc bằng cây bút chì và lần thứ hai đặt cuốn sách sang một bên.” Em đã đọc cuốn sách của Pepys chút nào chưa?
“Ừm.”. Tôi ngả lưng, vắt chân và nhàn nhã lúc lắc một bên chân.” Em gần như đọc hết năm có thông tin về nạn dịch. Nhân tiện, đó là năm 1665. Rất khủng khiếp.”
Cũng gần như những gì tôi có thể hình dung, nạn dịch bắt đầu một cách chậm rãi, lan hết từ Hà Lan qua các con thuyền buôn neo đậu tự do ở eo biển nước Anh, từ Amsterdam đến Luân Đôn và ngược lại. Từng bước chiếm lấy quyền kiểm soát, nó lây nhiễm và mưng mủ như một vết thương đẫm máu, lan rộng khắp các vùng ngoại ô đông đúc, gây nên hậu qủa đầy chết chóc cho đến khi vươn đến thành phố. Là người được sinh ra ở thế kỉ XX, tôi buồn bã nhận ra người Luân Đôn thời bấy giờ, với sự dốt nát mê tín, đã nhanh chóng tàn sát tất cả chó và mèo họ có thể tìm ra, mà không hay biết chính loài động vật ấy là thiên địch của loại chuột mang mầm bệnh. Thậm chí cả ngày hôm nay, với nền y học hiện đại của chúng ta, một trận bùng phát dịch hạch cũng sẽ trở thành một cảnh tượng gây nhiều khiếp đảm. Cho nên trong mắt những người dân thế kỉ XVII, nó hẳn cũng giống như tận thế.
“Có tìm được gì thú vị không?” Tom hỏi.
“Một chút. Anh còn nhớ em đã mơ về hai ngôi sao chổi không? Thực sự có hai ngôi sao chổi xuất hiện ở Luân Đôn, một vào tháng Mười hai năm 1664 và ngôi sao thứ hai vào xuân năm xảy ra nạn dịch. Đã gây ra rất nhiều náo động, theo những gì Pepys nói. Điềm rất gở.”
“Phải, anh có thể hình dung.” Tom gật đầu. “ Thời đó sao chổi được coi là biểu tượng của nguy cơ diệt vong. Thực sự không phải không có nguyên nhân. Tấm thảm Bayeux mô tả một ngôi sao chổi xuất hiện khi Harold giả tội nghiệp thừa kế ngai vàng, ngay trước khi William Xâm Lược đánh cho quân đội Anh không còn manh giáp và bắn xuyên một mũi tên qua mắt Harold.
“Không phải”, tôi phản đối. “ Thầy dạy Lịch sử của anh sai rồi, anh ạ. Người bị bắn tên vào mắt trên tấm thảm không phải Harold. Harold bị một cây đao bổ vào người hay sao đó, sau một khoảng thời gian.”
“Sao cũng được. Trọng điểm là sao chổi luôn bị coi là điểm gở. Nó là sự tương phản mang tính lịch sử với đàn chim sáo may mắn của em đấy, nếu em thích tế. Còn gì khác trong cuốn nhật kí nghe quen thuộc nữa không?”
“Không hẳn.” Tôi lắc đầu. “ Vài điều ông ta đề cập đến vào đầu năm đó đã khuấy động trí óc em, nhưng khi ông ta viết về những tháng hè, với người chết như ngả rạ trên đường, em lại không có cảm giác gì cả.”
Anh trai tôi mỉm cười, nụ cười tự mãn đặc thù thường cho thấy có gì đó vừa sáng tỏ trong anh. “ Em sẽ không cảm giác được, phải không?”
“Ý anh là gì?”
“Giả sử có kiếp nào đó em chính là Mariana, vậy em khó có thể hy vọng sẽ nhớ cảnh tưởng Luân Đôn ra sao khi nạn dịch lên đến đỉnh điểm. Thời điểm ấy em vừa bị gửi đi khỏi Luân Đôn, không phải sao? Về vùng quê ấy.”
“Đến Exbury.” Tôi đăm chiêu. Tôi định thần và thoáng mỉm cười rầu rĩ. “ Nghe càng lúc càng vô lý nhỉ? Nghe cứ như truyện một xu[1] ấy.”
[1] Nguyên tác: “penny dreadful”- một loại tiểu thuyết xuất bản vào thế kỷ XIX, dưới dạng các câu chuyện nhiều tập, cách vài tuần lại ra một phần và mỗi phần giá một xu. Đối tượng độc giả chính là tầng lớp lao động.
“Anh cũng chịu.” Tom nhún vai. “Anh thì lại thấy hấp đấy chứ. Với lại anh cũng bảo người thủ thư tìm kiếm rồi, chúng ta phải chờ xem cậu ta có đào xới thêm được về chủ đề đầu thai không.”
Tôi mỉm cười. “ Anh ta không thấy lạ khi mục sư vùng này lại nghiên cứu về chủ đề đó sao?”
Lạy trời, không.” Anh bác bỏ lời phát biểu của tôi. “Anh đã bảo cậu ta là mình cần thông tin cho bài giảng đạo sắp tới.”
Điều này, sau một lúc suy nghĩ, tôi cho rằng là một lời giải thích logic và đáng tin cậy. Những bài giảng đạo của Tom nổi tiếng là không chính thống. Khi đứng trên bục giảng kinh, anh có thể sẽ thảo luận về môn cricke trong lúc định trích dẫn một đoạn trong Kinh Thánh. Rõ ràng các giáo dân quen với tính cách lập dị của anh, nên giờ mới chấp nhận mà không buồn thắc mắc thế này.
“Anh sẽ phải lục tìm trong đống tài liệu giáo trình cũ về các tôn giáo khác”, anh trai tôi tiếp tục. “ Hẳn sẽ có vài thông tin về sự đầu thai ở đây. Anh biết phần lớn tín ngưỡng của đạo Hindu và đạo Phật đều tin vào nó.”
“Em không chắc bản thân có hoàn toàn tin tưởng hay không”, tôi bảo. “ Nhưng dù có chuyện gì đang diễn ra, thì cũng liên quan đến ngôi nhà của em.”
“Em có chắc mình muốn về không?”
Tôi nghĩ đến phòng đọc xinh đẹp ngập nắng của mình; đến bầu không khí thân thiết ở quán Sư Tử Đỏ, với Ned suốt ngày cắm mặt vào tờ báo ở cuối quầy bar; với Geoffrey de Mornay và cái đôi mắt anh thẫm lại mỗi khi mỉm cười...
“Vâng”, tôi nói chắc chắn. “ Em biết nghe thuật ngu ngốc - nhưng dường như việc em bị Đàn Cừu Xám hấp đẫn là có lý do. Rằng bằng lý do nào đó, em thuộc về ngôi nhà ấy”.
“Không ngu ngốc tí nào đâu. Anh tin mọi thứ diễn ra đều có nguyên do.” Vị mục sư phát biểu. “Và anh nghĩ em đúng. Em cần quay lại và đối mặt với chuyện này, nếu về sau em còn muốn được yên ổn. Em cần khám phá tất thảy về Mariana trong khả năng của mình. Nếu có thể làm được thì em có thể tìm ra lý do tại sao tất cả chuyện này giờ lại đang xảy đến với mình. Một ít công việc dang dở, có lẽ, rất cần được hoàn thành.”
“Em nghĩ hoàn toàn có thể làm được.”
“Hoặc”, anh nhe răng cười thêm vào, “có lẽ học thuyết về kiếp trước của anh đều quá ủy mị và sau cùng thì em chỉ đang ngấm ngầm bị điên thôi. Giống như bà Sarah của chúng ta ấy”.
Tôi nhăn mặt. “Một ý tưởng để an ủi ư.”
“Có anh lớn để làm gì nào?”
“Dù sao”, tôi thừa nhận, “có lẽ thiết thực nhất là cứ đề phòng trường hợp bị mất trí. Em vẫn không chắc có tin vào quan niệm đầu thai không. Anh không thấy viển vông sao?”
Tom liếc tôi một cái. Dường như muốn bỏ qua chủ đề này, anh hướng ánh mắt qua thảm cỏ rộng, nơi những chiếc bóng của màn đêm đến sớm đang vươn dài qua bãi cỏ mới cắt như những ngón tay ve vuốt dịu dàng. “Em vừa nói năm diễn ra nạn dịch là 1665 phải không? Khi đó ai đang ngồi trên ngai vàng?”
Tôi nhíu mày.”Em nghĩ là Charles II.”
“Ô, đúng rồi. Chẳng phải lại thêm một vị vua xấu số thuộc dòng họ Stuart sao? Em đã đọc tí nào về lễ lên ngôi báu của ông ta chưa?”
“Chưa. Em không lật lại xa như thế”
“Ừm”, Tom ngả lưng ra sau, “anh muốn nói đến các điểm xấu. Trời mưa như trút cả ngày”.
Tôi lơ đãng lắc đầu. “Trời không đổ mưa cho đến tối hôm đó”, tôi sửa lại. “Sau khi các nghi lễ đã kết thúc.”
“Anh tin hôm đó là thứ Bảy.”
Câu trả lời của tôi lần này phát ra chậm hơn. “Không. Thứ Ba.”
“Và mặt đất được trải thảm đỏ.”
“Xanh dương...” Tôi quay đầu, cứng người, khi đón đôi mắt ranh mãnh của anh trai.
“Em nói phải”, anh bảo tôi. “Rõ ràng mảng đầu thai này có nhiều chứng cứ rồi.”
Tôi trừng mắt nhìn anh, đầu tiên không tài nào đối đáp được, đầu óc tôi kinh ngạc và mụ mị. “Chết tiệt”, tôi chậm rãi nói. Sau cùng, mục sư hay không phải mục sư...
“Chính xác”, Tom thốt lên và mỉm cười, rồi quay trở lại với bài giảng của minh.
Giao thông trước mắt vẫn thông suốt. Đột ngột tiếng còi của một chiếc xe rú lên, ngay lập tức kéo tôi khỏi dòng suy tưởng. Vẫn được bao phủ trong sự thanh thản ấm áp, tôi chuyển chiếc Peugeot bé nhỏ vào làn dành cho tốc độ cao hơn và nhấn ga tăng tốc rồi điều chỉnh vai dựa lên ghế lái một cách thoải mái với tiếng thở dài hầu như không rõ tiếng. Phần còn lại cùa quãng đường, tôi lái xe trong im lặng.
Khi tôi vọt chiếc xe qua cây cầu nhỏ đánh dấu sắp về đến Exbury, sự hài lòng như tấm chăn thít chặt quanh người tôi, một chút rộn rã vì mong đợi xộc khắp cơ thể rã rời vì chuyến đi của tôi. Sắp về đến nhà. Những từ ngữ đó choán hết đầu óc tôi như một tiếng nói, ngọt ngào và êm dịu.
Lại là từ đó, tôi nghĩ. Nhà. Nó xuất hiện quá dễ dàng và tự nhiên trong tâm trí tôi, gần như thế...
“Tôi không biết”, tôi nói to với tấm kính chắn gió lốm đốm bẩn trước mặt, “thật sự tôi đã từng sống ở đây trước kia, trong một cuộc đời khác ư?”. Lời đáp trôi trở lại, nhanh chóng và đơn giản, từ những gì có thể là do trí tưởng tượng của tôi hoặc từ nơi sâu kín nhất trong tiềm thức: Phải.
Xinh đẹp trong ánh nắng đã lên cao của buổi sáng với những bông hoa đầu xuân nở rộ dọc theo bức tường phía bắc, con đường cong cong và ngôi nhà hiện lên đầy uy nghi như chào đón tôi. Luôn luôn trở về với ngôi nhà, tôi nghĩ, khi rẽ lên lối lái xe hẹp. Tôi không chọn ngôi nhà này, như những người khác, với tâm lý thoải mái và đầy lý trí; ngôi nhà đã chọn tôi. Nếu quả thật nơi đây hấp dẫn tôi là có chủ đích, thì tốt hơn hết tôi nên cố hết sức tìm ra chủ đích đó là gì, bắt đầu từ hôm nay. Bắt đầu ngay lúc này.
“Được rồi”, tôi kiên quyết nói, nâng cằm lên. “Tao đã về rồi đây. Giờ cho tao thấy mày muốn tao làm gì đi xem nào.”
Quả thật, ra vẻ hiên ngang thế này có hơi đáng xấu hổ. Tôi thậm chí chẳng mấy chắc chắn những lời nói của mình là hướng đến hồn ma, ngôi nhà hay chính bản thân nữa. Và tôi chắc chắn không hề mong đợi nghe thấy câu trả lời.
Nhưng khi đỗ xe vào chuồng ngựa được cải tạo ở sau nhà, một chuyển động mơ hồ lọt vào mắt tôi. Và khi quay đầu lại, tôi thấy hình dáng của một người phụ nữ trẻ trong khu vườn có chuồng bồ câu. Hình dáng bất động và tĩnh lặng của một người phụ nữ trẻ trong bộ đồ màu xanh. Trong giây lát, tôi hoảng sợ, ngực thít lại. Rồi người phụ nữ quay lại mỉm cười và vẫy tay, tôi thấy đó hoàn toàn không phải một hồn ma, chỉ là Vivien trong bộ đồ cũ màu xanh kỳ quái, với mái tóc xõa tùy tiện quanh vai và gương mặt sáng hồng rạng rỡ. Nhẹ nhõm hẳn, tôi chậm rãi băng qua bãi cỏ dài về phía chiếc chuồng bồ câu đổ nát. Vivien ngừng làm việc và tựa người lên cái cào, hướng đôi mắt thân thiện nhìn tôi đến gần.
“Vậy là cô ở nhà”, cô ấy nói, một cách thừa thãi. “Mọi chuyện vẫn ổn với gia đình cô chứ?”
“Vâng, cảm ơn cô.” Tin tức lan truyền rất nhanh. Cô ấy trông như thể muốn biết thêm, nhưng tôi đã thay đổi chủ đề. Tôi chưa bao giờ thích nói dối, nhiều như lúc này. “Tôi không biết cô cũng bắt chước làm vườn đấy”, tôi nói.
“Không thường xuyên lắm. Tôi chỉ giúp Iain nhổ cỏ thôi. Sáng nay đẹp quá”, cô ấy giải thích, chỉ lên bầu trời trong xanh hoàn mỹ. “Tôi ghét bị nhốt trong nhà.”
“Cái tay em không giúp được nhiều lắm đâu, cưng ạ”, giọng nói của Iain Sumner vọng lại khô khốc. Tôi không thể nhìn thấy anh ta ở chỗ bức tường đá, nhưng khi tôi tiến lại gần khu vườn hơn, anh ta đứng thẳng dậy và vươn vai. “Hai mươi phút vừa rồi em vẫn chỉ đang cào y nguyên tí tẹo đất ấy”, anh ta buộc tội Vivien.
Cô ấy thuần thục xới đất. “Đấy là em cẩn thận.”
“Phải rồi. Anh sẽ không tranh cãi với em ở đây.” Đôi mắt anh ta trượt ra xa khỏi Vivien, mỉm cười chào tôi, ném một búi cỏ đầy đất lên cái đống mỗi lúc một chất cao sau lưng. Sáng nay, anh ta trông hệt một chàng nông đân dích thực, trong chiếc quần thô và áo sơ mi xanh bạc màu, với găng tay dài bằng da kéo lên hết cẳng tay. Anh ta cũng trông mệt rã rời. Đôi mắt xám căng thẳng và trũng sâu trên gương mặt nghiêm túc. Tôi nghĩ đến người anh họ Ronald của mình, ở Cornwall, người mỗi sáng đều thức dậy từ bốn giờ để vắt sữa ba mươi con bò, và tự hỏi lần thứ một trăm vì sao lại có ai đó lựa chọn trở thành một người nông dân.
Iain giật mạnh một chiếc găng tay bong tróc ra và dùng bàn tay rám nắng to lớn quệt mồ hôi khỏi trán. “Tôi đã chuyển lời nhắn của cô đến Geoff”, anh ta báo tin cho tôi biết. “Không vẫn đề gì đâu. Cậu ta cũng đang đi vắng, lên phương bắc vì chuyện làm ăn, trong vài ngày tới, nhưng cậu ta nói sẽ gọi cho cô khi nào quay lại.”
“Ồ, vậy à?” Vivien tinh quái ngẩng đầu.
“Anh ấy hứa sẽ dẫn tôi tham quan một vòng quanh lâu đài”, tôi giải thích, hy vọng không ai chú ý đến sắc hồng trên mặt mình giữa ánh mặt trời chói chang. Lần thứ hai, tôi thay đổi chủ đề. “Khu vườn trông đáng yêu quá”, tôi nói.
Nó thật sự đáng yêu. Những hàng cây non màu xanh tí hon ngay ngắn giờ được bao quanh bởi những lùm dạ lan hương và hoa anh thảo mướt mát. Anh ta cũng thêm vào một cụm hồng leo, có lẽ đã được chiết từ vườn hồng nổi tiếng ở lâu đài Crofton, đám dây leo của nó lười biếng bám lưng chừng các tầng nhà được ánh mặt trời sưởi ấm. Trong vòng một, hai tháng nữa, mảnh đất nhỏ này chắc chắn sẽ nở rộ đầy sức sống và sắc màu.
Iain nhìn theo ánh mắt thưởng thức của tôi và nhún đôi vai rộng. “Đúng vậy”, anh ta ngượng ngùng nói.
Tôi liếc xuống đồng hồ đeo tay. Đã gần mười một giờ. “Có ai muốn một tách trà không?” Tôi ngỏ lời.
“Thế thì tuyệt quá.” Vivien nhẹ nhõm vứt bỏ luôn cái cào, Iain dành cho cô ấy một ánh nhìn trìu mến đầy khoan dung trước khi đôi mắt xám mệt mỏi chạm phải mắt tôi và anh ta mỉm cười.
“Tôi phải từ chối rồi”, anh ta trả lời.
Thành thực mà nói, tôi không phải thừa nhận với ai, ít nhất là với bản thân, nhưng tôi mừng vì mình không còn ở một mình khi mở khóa cửa ngôi nhà xám im lặng. Hít một hơi thật sâu đầy kiên quyết, tôi băng qua ngưỡng cửa đang chờ đợi.