“Dễ thương thật đấy”, tôi vừa nói vừa cười. “Có phải tất cả các lần dạo chơi của anh đều thế này không?”
“Thường là vậy”, anh thừa nhận. “Tôi không thích đám đông. Cô nên cảm thấy may mắn vì vài năm trước lúc tôi đưa Vivien đi xem số phòng còn lại, chúng tôi đã phải trốn trong tủ búp phê hai mươi phút liền.”
Vivien may mắn, tôi suýt thốt lên câu đó nhưng đã ngăn bản thân kịp thời. Thay vào đó, tôi lấy giọng hài hước hỏi anh, “Chẳng phải vẫn có một cái tên chuyên chỉ chuyện đó sao? Bệnh lý sợ đám đông?”.
Anh gật đầu. “Sống khép kín.” Anh ra hiệu về phía cánh cửa đối diện. “Sảnh dành cho người làm ngay bên kia, nhưng đấy là chỗ dừng chân tiếp theo của đoàn khách, tôi nghĩ chúng ta nên bỏ qua mà đi thẳng đến khu bếp, nếu cô không phiền.”
Tôi đi theo anh xuôi theo hành lang dài có sàn lát đá thoai thoải. “Anh có thấy phiền không”, tôi hỏi, “khi tất cả những người đó lang thang quanh nhà anh?”.
“Thực ra cũng không phiền.” Anh nhún vai, giọng nhã nhặn. “Như đã nói, tôi giữ phần tốt nhất của ngôi nhà cho bản thân và khu vực đó mới là nhà tôi - với những căn phòng gắn liền với tuổi thơ của tôi. Toàn bộ chỗ này chỉ... hơi không cần thiết, tôi nghĩ thế. Quá rộng cho một gia đình sống ở đây, chứ đừng nói chỉ cho một người. Phần lớn nhiều căn phòng chắc chắn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời nếu không có khách du lịch tham quan. Hơn nữa, tất cả có hơi nhiều quá, cô có nghĩ thế không? Ý tôi là, nếu giữa đêm tôi mà đói, thật sự cô có thể tưởng tượng nổi tôi sẽ nấu qua loa được món gì đó trong cái nơi này không?”
Anh dừng chân và ra dấu về một nhà bếp trang hoàng cân xứng, tất cả đều bằng gạch và đồ đỏ bóng loáng, với một cái bếp lò khổng lồ. Cái bếp lò có niên đại cả thế kỷ nằm trong góc trông như có thể nướng hai mươi con gà tây mà vẫn còn thừa không gian.
“Tôi hiểu ý anh”, tôi nói, nhướn cả đôi lông mày.
Chúng tôi thảnh thơi đi qua khu bếp, phòng ủ bia, phòng làm bơ, phòng trữ bia, phòng để thức ăn và cuối cùng là buồng để bát đĩa, xây quanh một cái giếng đào trong nhà khác lạ. Qua một cánh cửa nhỏ nặng trịch, buồng rửa bát thông ra khoảng sân hình vuông nhìn lên bầu trời và ba mặt được bao quanh bởi chính các bức tường của ngôi nhà. Mặt thứ tư được ngăn lại bởi một bức tường đá cao phủ kín những dây thường xuân và cắm những chấn song nhọn đầu bằng sắt bên trên.
Khá giống một khu vườn bí mật giữa nhà, tôi nghĩ. Ngoại trừ nơi đây thực vật mọc tràn lan. Ở vài chỗ, người ta chẳng thấy mặt đất đâu cả, những bụi cỏ lẫn hoa dại chằng chịt đã nuốt chửng lối đi lát đá rẽ xiên một góc qua cái sân nhỏ. Tôi ngạc nhiên khi Iain không làm gì với nơi này và nói điều ấy ra.
“Ý cô là biến nó thành một kiểu khu vườn bí mật sao? Phải, tôi cũng có lần từng gợi ý cho cậu ấy, nhưng cậu ấy không thiết tha ý tưởng ấy lắm. Cậu ấy không thích sân trong”, Geoff nói. “Bảo nó cứ như một nấm mồ.”
Quả thật là thế. Không khí bên trong những bức tường tĩnh mịch và không sức sống, sự im lặng ở đây như có thể chạm tay vào được. Dù mặt trời đang rực rỡ chiếu sáng xuống chúng tôi, bên dưới chân tôi, thảm cỏ như thở dài vì buồn thương và bị bỏ mặc.
“Nhưng nếu những khu vườn là nơi cô hướng đến, thì đi ngắm chúng thôi nào”, Geoff đề nghị. Anh dẫn tôi trở lại con đường đến phần chính của ngôi nhà, một lần nữa kéo tôi qua hành lang phía tây. Đối diện mạn nhà bếp là những nhịp cầu thang ngắn dẫn vào nhà kính, một căn phòng tuyệt vời theo đúng phong cách thời Victoria, lấp đầy với kính và ánh sáng cùng vật dụng đan từ liễu gai được sơn màu, hương huệ tây lan tỏa khắp nơi.
Lần thứ hai, âm thanh của những bước chân tiến lại gần khiến chúng tôi nháo nhào đi trốn. Geoff xua tôi chạy qua một hành lang khác lên trên chiếc cầu thang tối đen, thấm đẫm mùi lạnh lẽo và ẩm ướt phả ra từ đá. Đi được nửa đường thì anh kéo tôi lại, chỉ vào một điểm gần chân chúng tôi.
“Thấy không? Phần đá khắc bên dưới lớp ván ốp ấy? Nó là từ thế kỷ XVII. Có niên đại vào thời của tu viện Benedict. Ngoài vài hồn ma cùng một số mái vòm Gothic trên tường phía tây, đấy là tất cả những gì các tu sĩ để lại cho chúng tôi.”
Tôi cúi thấp người xuống để nhìn rõ hơn, vạch những ngón tay theo phần khắc đá. “Họ có để lại cho anh nhiều hồn ma không?”
“Ồ, một hay hai gì đó thôi. Tôi nghĩ họ là những hồn ma đáng kính duy nhất ở đây. Đám hồn ma ở lâu đài Crofton mất trật tự lắm.”
“Vậy là anh tin chúng có tồn tại.”
“Tôi thừa nhận khả năng ấy”, anh nói gọn. “Sau cùng, khi có cả tá người hoặc nhiều hơn, họ không quen biết lẫn nhau cũng không thân thuộc với ngôi nhà, tự nhận đã nhìn thấy cùng một thứ, cô phải thừa nhận có gì đó ở đây. Tất cả bọn họ không thể đều điên được.”
“Và có hồn ma nào trên tầng không?” Tôi hỏi, liếc nhìn lên tầng trên với vẻ tò mò hiển nhiên.
Geoff bật cười. “Mười ba”, anh báo cho tôi biết. “Đấy là tầng của các phòng ngủ, cô thấy đấy, các hồn ma có vẻ thích các phòng ngủ. Ma nhà tôi cũng thế. Có một hồn ma đặc biệt - thực sự cũng không hẳn là ma, giống cảm xúc hơn - khiến rất nhiều người… nhưng tôi sẽ để cô tự mình khám phá.”
“Ồ, cảm ơn anh nhiều lắm”, tôi lạnh nhạt nói. “Đó không phải hồn ma hay dùng rìu đi giết người đấy chứ?”
“Không, không phải thế đâu.” Anh mỉm cười lắc đầu. “Hơi khó để giải thích, nhất là khi tôi chưa từng cảm nhận được nó. Đây rồi.” Anh dừng lại ở bậc trên cùng để đẩy một cánh cửa làm từ gỗ sồi. “Tôi sẽ đi sau cô.”
Những phòng ngủ trên gác rất đáng yêu, được trang bị đồ đạc lộng lẫy và kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Khăn trải giường và những tấm màn thêu nặng nề biến chiếc giường bốn cọc đồ sộ trông càng bề thế và sang trọng, giống như bên trong những mô hình nhà vậy, trần nhà cao hơn bốn mét rưỡi càng khiến tôi trở nên nhỏ bé và tầm thường.
Tôi đặc biệt thích phòng ngủ khổng lồ của vua Charles, theo ghi chép là nơi vị vua bạc mệnh đã nghỉ lại vài đêm trong lúc tập hợp đội kỵ binh của mình chống lại Cromwell. Căn phòng ngủ nằm ngay bên trên đại sảnh cũng mang kích cỡ đồ sộ như vậy, với những đường trang trí uốn lượn tuyệt đẹp mang lại cho căn phòng vẻ trang nhã gần như vô giá.
“Và đây là phòng Kỵ sĩ”, Geoff tiếp tục, dẫn tôi qua khung cửa cuối cùng. “Trước đây nó được gọi là phòng ngủ đỏ thẫm, nhưng cái tên Kỵ sĩ nghe lãng mạn hơn nhiều nếu in trong cuốn sách hướng dẫn du lịch và có lẽ cũng phù hợp với phòng vua Charles bên cạnh.”
Tôi thấy cái tên nguyên bản nghe hợp lý hơn, khi để ánh mắt lướt khắp những bức tường phủ vải đỏ bạc màu và sắc đỏ đậm của những tấm trướng trên chiếc gường thời James I. Rồi tôi cảm thấy lạnh.
Geoff tiếp tục bài tường thuật của mình, nhưng tôi không còn lắng nghe nữa. Loại sức mạnh nào đó, cường thế và không sao cắt nghĩa, đang kéo tôi về phía chiếc cửa sổ duy nhất của căn phòng, một ô cửa có khung và những chấn song lớn nhìn khắp bãi cỏ rộng phía trước và bức tường bao quanh nghĩa trang nhà thờ.
Anh ngừng nói, quan sát tôi, rồi tôi nghĩ mình nghe được câu anh thốt lên, “Vậy là cô cũng cảm nhận được nó”, hay tương tự thế, cơ thể đột nhiên bị những cơn thủy triều cảm xúc mạnh mẽ nhấn chìm khiến tôi không còn sức lực kiềm chế. Đầu tiên là sự khát khao, sâu sắc và thê lương xé toạc tâm hồn tôi, rồi là một loại khẩn cầu điên rồ, một tràng kinh cầu nguyện đến tuyệt vọng lặp đi lặp lại trong tâm trí như đang lên cơn sốt của tôi, cuối cùng là nỗi đau khổ đâm sâu như một con dao vặn xoắn. Tôi sụm người xuống gờ cửa sổ, những giọt nước mắt đột ngột tuôn trào.
“Cô ổn chứ?” Geoff dùng đôi bàn tay ấm áp, mạnh mẽ siết lấy vai tôi, giọng lo lắng.
Tôi chớp mắt, thu lại những giọt nước mắt và cho anh thấy nụ cười cam đoan chỉ hơi run run một chút. “Tôi ổn”, tôi nói. “Vậy ra đấy là hồn ma?”
“Phải. Coi này, tôi thực sự xin lỗi.” Anh nghiêm túc nhìn xuống. “Tôi nên cho cô vài cảnh báo - nói với cô chuyện gì sắp xảy đến - thay vì tỏ ra giấu giếm như thế.”
“Có hại gì đâu.” Tôi bước khỏi cửa sổ, lơ đãng vuốt lại những nếp gấp trên váy. “Như anh nói, nó chỉ là một cảm xúc... không hơn.”
“Loại cảm xúc đau buồn khôn tả, phải không?”
“Phải.” Tôi nén lại cơn rùng mình trước ký ức ấy. “Anh có biết nguyên nhân không?”
Geoff lắc mái đầu đen, nhíu mày. “Không. Tôi nghĩ đó là nỗi đau khổ của một người phụ nữ. Dường như chỉ có phụ nữ mới có thể cảm nhận được nó, luôn luôn tại cùng một điểm - ngay trước khung cửa sổ. Nhưng tôi chưa bao giờ có thể nắm được nguyên nhân. Lịch sử gia đình không ghi lại điều gì về nó. Chúng tôi biết không có ai qua đời trong căn phòng này, hay họ tự ném mình qua cửa sổ, hay những điều tương tự.”
“Tôi không nghĩ nó thực sự liên quan đến căn phòng”, tôi chậm rãi nói. Anh cho tôi một ánh nhìn kỳ quặc, tôi hơi đỏ mặt, ngượng ngùng hạ thấp đầu. “Xin lỗi”, tôi nói, “đấy chỉ là cảm tưởng của tôi thôi. Với tôi thì có vẻ cô ấy - nếu như hồn ma là phụ nữ - đã nhìn thấy điều gì đó qua khung cửa sổ này. Điều gì đó ngoài kia...”. Tôi hất đầu về phía bãi cỏ xanh mướt đang trên đà vươn tới bức tường cao của nghĩa địa với hàng cây cao. Tất cả đều ban sơ, tĩnh mịch và vô hại - ngay cả những chiếc bóng nằm lặng lẽ và im lìm trên bãi cỏ. “Cô ấy đã nhìn thấy điều gì đó khủng khiếp. Điều gì đó làm tan vỡ trái tim cô ấy. Và nó để lại một dấu ấn, ngay trong căn phòng này.”
“Tôi nghĩ, đó cũng có thể là một khả năng.” Geoff vẫn nhìn tôi với con mắt lạ lùng, trộn lẫn giữa cả quan tâm và thận trọng. “Thế này đi, có lẽ chúng ta nên kết thúc chuyến tham quan vào một ngày khác.”
“Trời ạ, không cần đâu. Tôi khỏe mà”, tôi quả quyết thêm lần nữa, ngước lên mỉm cười với anh. Lần này là một nụ cười rất chân thật. Thật ngớ ngẩn nếu để một sự tình cờ làm tăm tối cả ngày hôm nay của tôi. “Tiếp theo chương trình sẽ là đâu đây?”
“Thư viện”, anh thả lỏng đáp. “Với cô, nó có nhàm chán quá không?”
“Không hề. Tôi rất thích các thư viện. Dẫu vậy, tôi chắc chắn sẽ muốn đánh cắp vài cuốn sách của anh, nên cứ cảnh báo trước với anh thế. Anh không có ấn bản đầu tiên các cuốn tiểu thuyết của Dickens[1] đấy chứ?”
[1] Charles Dickens (1812 - 1870): nhà văn nổi tiếng người Anh, các cuốn sách tiêu biểu của ông gồm có David Copperfield, Oliver Twist...
“Không có Dickens đâu, không có.” Anh nhe răng cười.
“Ôi, lạy Chúa.” Tôi đảo tròn mắt lên trời. “Tôi biết mà. Nó sẽ là một trong những bộ sưu tập tuyệt vời bao gồm những tác phẩm văn học quý hiếm, các công đoạn thủ công tương xứng với bìa bằng da, không phải sao?”
“Cũng gần như thế”, anh nói, mỉm cười trước tiếng rên của tôi, “nhưng nếu khiến cô cảm thấy đỡ hơn, tất cả những cuốn thật sự hiếm và có giá trị đều được chuyển sang địa phận của tôi rồi. Không thể hoàn toàn tin tưởng các vị khách nếu họ nhìn thấy chúng, phải không?”.
“Đấy là điều duy nhất tôi ghen tị với người giàu”, tôi nói khi theo anh đi xuống cầu thang đượm mùi ẩm thấp để trở lại tầng trệt.
“Là gì?”
“Năng lực mua những cuốn sách mà phần lớn chúng tôi không bao giờ hy vọng có thể sở hữu.”
Geoff thông cảm. “Hừm, nếu cô muốn mượn quyển nào cứ bảo với tôi.”
Tôi thở dài. “Không giống nhau.”
Chúng tôi dừng chân trong hành lang tiền sảnh rộng rãi, với đại sảnh phía sau và nỗi sợ hãi tệ nhất của tôi đã được chứng thực khi Geoff mở tung cánh cửa để lộ những giá sách bằng gỗ gụ từ sàn-lên-đến-trần chứa đầy những cuốn sách đủ kích cỡ, hình dạng và niên đại. Các giá sách bao kín bốn bức tường trong căn phòng vuông vức, chỉ gián đoạn tại ba chỗ bởi những khung cửa sổ lồng kính màu cao và hẹp bên trên cùng những chiếc ghế đệm bên dưới, tùy ý tô điểm với những chiếc đệm căng phồng - loại chỗ ngồi bên cửa sổ mà tất cả những người yêu sách đều ước mơ, mường tượng, khao khát...
Tôi bước vào căn phòng, kinh ngạc hít vào mùi hương đậm đà từ những bìa sách bằng da được lau dầu cùng giấy cổ và đồ gỗ đánh bóng loáng.
“Đẹp quá”, tôi nói.
“Phải”, Geoff đồng ý. “Cô phải cảm ơn cha tôi vì điều này. Ông yêu sách - đã dành phần lớn cuộc đời để thu thập và phục chế lại chúng. Thư viện nguyên bản của ngôi nhà là một căn phòng nhỏ tù túng ở tít hành lang phía nam, gần nhà bếp cũ. Quá nhỏ với cha tôi. Cô biết không, ông đã xây nên chỗ này nhờ đập đi những bức tường. Người chủ cũ dùng nó như một phòng giải trí - chơi bi a, đại loại thế - và trước đó tôi nghĩ nơi đây từng là một nhà kho. Cha tôi nghĩ nó hoàn hảo cho một thư viện.”
“Ông ấy đã đúng. Mà ông ấy tìm thấy những giá sách này ở đâu vậy?”
“Từ một điền trang ở Tây Sussex. Nơi đó đang dần xuống cấp và các chủ thầu đồng ý bán giá sách cho cha tôi đổi lấy một cái giá phải chăng.”
“Đáng đến từng xu”, tôi tán thành hành động của cha anh. “Chúng đẹp quá. Tất cả những gì anh còn thiếu là một cây thang trượt[2].”
[2] Loại thang đặc biệt dùng trong thư viện.
“A ha.” Geoff mỉm cười. “Cô chưa quan sát đủ gần rồi.” Anh chỉ vào một góc đằng xa. “Cha tôi là người đã làm việc gì thì luôn chu đáo đến chi tiết cuối cùng.”
Quả thật, ở đó có một cái thang, chạm đến giá trên cùng và đầu trên được gắn những bánh xe tròn để có thể trượt theo một thanh đồng bóng loáng. Thực sự nó hệt như trong một bộ phim, đang định reo lên vui vẻ thì một vật khác trong góc thu hút sự chú ý của tôi, rồi tôi đông cứng, cổ họng nuốt xuống dữ dội.
“Richard”, tôi thều thào, giọng nói của tôi líu nhíu và nhạt nhòa lạ thường.
“Gì cơ?” Geoff tiến lên trước, vào luồng mắt tôi, nhưng tôi tiếp tục nhìn trừng trừng qua vai anh vào tấm chân dung khổng lồ tối thẫm treo trên bức tường đối diện. Bức chân dung của một người đàn ông cao lớn với đôi mắt từng trải và nụ cười ngạo mạn, một người đàn ông tóc đen mặc bộ đồ đen với chiếc áo choàng không tay vắt lên một bên vai trong khi tay kia siết lên chuôi kiếm sáng loáng...
Tôi liếm môi và lần nữa cố gắng, định hình những từ ngữ cẩn thận hơn. “Bức tranh đó...”, tôi bắt đầu, ra hiệu về phía ấy.
Anh quay lại nhìn. “Ồ, cái đó à. Chúng tôi đã đặt tên cho ông ấy là ‘Tay chơi’. Có sẵn trong nhà đấy. Rất có thể đây là Arthur de Mornay, hoặc thậm chí là cha ông ấy. Điểm tương đồng khá rõ rệt, phải vậy không?”
Tôi không cần phải thắc mắc điểm tương đồng anh đang nhắc đến là gì. Rất có thể đây chính là bức chân dung của anh đang treo ở đây. Tôi hết nhìn bức chân dung lại quay sang nhìn Geoff, đôi mắt mở to.
“Nó là tranh Lely vẽ”, anh tiếp tục như tất cả là một phần lịch trình trong chuyến tham quan. “Ông ta có một phong cách khá đặc biệt.”
Một tiếng gõ khẽ khàng và xin thứ lỗi vì đã cắt ngang trên khung cửa sau lưng phá vỡ thoáng trầm ngâm, khiến cả hai chúng tôi quay ngoắt lại như một cặp học sinh phạm lỗi. Một người phụ nữ lớn tuổi dong dỏng cao đang đứng ngay khung cửa để ngỏ. Cái tạp dề gọn gàng buộc chặt quanh chiếc váy kín đáo màu xanh thẫm của bà và mái tóc trắng mềm mại được chải theo kiểu cổ điển mang đến một bức tranh điềm tĩnh và hiệu suất làm việc đâu ra đấy, còn gương mặt bà, với đôi mắt xanh dương ánh lên nụ cười lẫn nét mặt hiền hòa, dường như quen thuộc lạ lùng với tôi.
Nhưng bà không hề nhìn tôi - bà đang nhìn Geoff.
“Cậu có điện thoại”, giọng nói của bà du dương êm ái. “Tôi không định làm phiền cậu, nhưng đó là ông MrCandless từ nhà máy ở Manchester, ông ấy nghe có vẻ khá cấp bách.”
“Được rồi,” Geoff nhăn nhó. “Để tôi nghe. Cảm ơn bà, Freda. Ồ”, anh nói, như mới chợt nhớ ra, “hai người đã gặp nhau chưa? Đây là Julia Beckett, còn đây là Alfreda Hutherson, quản gia của tôi”.
Chúng tôi mỉm cười và bắt tay nhau, rồi tôi chợt nhớ ra.
“Chúng tôi gặp nhau rồi”, tôi nói. “Bác đã vòng qua nhà để chào cháu.”
“Đúng vậy”, người phụ nữ lớn tuổi đáp. “Mọi thứ sắp xếp ổn thỏa rồi chứ?”
“Vâng, cảm ơn bác.”
Geoff chạm nhẹ lên vai tôi, rồi đi lướt qua tôi và Freda. “Tôi sẽ phải đi nghe cuộc điện thoại đó phải không? Sẽ không tốn đến một phút đâu.”
Bà Hutherson tránh sang một bên để nhường đường, rồi lại tiến lên phía trước, hơi nghiêng đầu như lần đầu tiên bà nhìn tôi, rồi nhìn vào bức tranh tối màu nằm trong góc.
“Một bức tranh đẹp, không phải sao?” Bà nhận xét và tôi gật đầu.
“Rất đẹp.”
“Một người đàn ông rất đẹp trai.”
“Vâng.”
“Thật đáng tiếc khi không ai biết đó là ai”, bà nói. “Một người đàn ông đẹp trai và bảnh bao. Ai đó hẳn đã từng một lần yêu anh ta.”
Bà lại nhìn tôi và mỉm cười.
“Thứ lỗi cho tôi nhé, tôi vẫn còn những khung cửa sổ trên tầng chưa lau. Tôi hy vọng cô sẽ tận hưởng phần còn lại của chuyến tham quan.”
Tôi phải hắng giọng trước khi trả lời. “Cảm ơn bác.”
Bà nhã nhặn gật đầu và rời đi, những bước chân rõ ràng và có cả nhịp điệu trên sàn gỗ cứng bóng loáng của hành lang dài. Lạ lùng ở chỗ cả tôi lẫn Geoff đều không nghe thấy bà tiến lại gần, tôi thầm nghĩ. Một mình trong căn phòng im lặng đáng yêu, tôi ngước mắt thêm lần nữa về phía bức tranh.
Richard de Mornay mỉm cười nhìn xuống tôi.
Tôi chắc chắn đó là Richard de Mornay - tôi chắc chắn về điều đó. Không lẫn đi đâu vẻ kiêu hãnh lẫn nét đẹp trai đầy ngạo mạn, cũng như chút hoài nghi trong ánh mắt đen dưới chiếc mũ sùm sụp của anh ta. Ai đó hẳn đã từng yêu anh ta, bà Hutherson đã nói thế, và một lần nữa, giọng nói khẽ khàng, am hiểu trong tôi lên tiếng trả lời.
Phải, nó nói, với nỗi đau đớn rõ ràng... Tôi đã từng yêu.
Nhưng điều đó tôi cũng biết rồi. Dường như đã biết từ lâu. Và tôi có cảm giác lạ lùng - trái ngược với bất cứ lý lẽ thực tế nào - rằng Alfreda Hutherson cũng biết điều đó.