• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đã lâu Phương Đăng không trèo tường vào Phó gia viện, giờ đây tay chân không được lanh lẹ bằng trước kia nữa. Mấy hôm nay trời còn đổ mưa, lớp rêu dày cộp trở nên vừa ướt vừa trơn, chưa leo tới nơi, con bé đã xém chút ngã dập mặt.

Ban nãy nó gọi cửa, già Thôi miệng nói Tiểu Thất không có nhà, nhưng mắt lại lén liếc về vườn sau. Nó không ngốc, dĩ nhiên là hiểu được ý tứ người già thế nào.

Phó Kính Thù quả nhiên ở đó, giá vẽ được dựng bên miệng giếng từ bao giờ, mà vải căng hẵng trắng nguyên. Cậu ta tựa mình vào con hồ ly đá trong lụm cỏ rầm rì, chốc chốc lại thò tay dứt dứt mấy cọng cỏ đuôi chó.

“Nếu như cha anh vô lại như cha tôi, biết đâu anh sẽ không buồn đến thế.” Phương Đăng vắt vẻo trên đầu tường, phủi bùn đất trong tay nói.

Hắn nghiêng đầu ngó về phía âm thanh truyền tới, đáp với gương mặt vô cảm, “Câu an ủi của em chẳng ra làm sao.”

“Tôi không giỏi mấy việc này đâu.” Phương Đăng thừa nhận.

“Già Thôi nói với em à?”

Phương Đăng ậm ừ một tiếng cho qua chuyện. Nó không muốn nói ra, rằng mình biết tin dữ từ cái miệng hỉ hả của thằng nhóc Phó Chí Thời đầu tiên.

“Tôi cứ sợ anh trốn ở đây khóc nhè, may mà không phải.”

Phó Kính Thù ném cọng cỏ đuôi chó vừa nhổ lên về phía Phương Đăng, ai ngờ bị gió thổi ngược lại, cọng cỏ đậu dưới chân, “Xuống đây, con gái gì mà leo trèo như khỉ, chẳng ra làm sao.”

Phương Đăng nhảy đánh huỵch xuống đất, ngồi xuống phía bên kia con hồ ly, hai đứa quay lưng với nhau.

“Thật ra bây giờ anh khóc cũng là lẽ thường ý mà. Tôi giả vờ không thấy nhé !” Nó nhắm mắt lại, cảm thấy gió lướt nhẹ qua vầng trán.

Phó Kính Thù lặng thinh, hồi lâu mới nói: “Em tin không, tôi chẳng thể khóc được. Từ khi biết tin, đầu óc tôi trống rỗng, không thể nghĩ ngợi được gì. Chẳng rõ đó là buồn hay gì. Em có thấy tôi quá bất hiếu không?”

Phương Đăng đáp: “Lúc cô mất, tôi cũng không rơi nước mắt. Ông bố vô lại của tôi thì vừa khóc vừa chửi ầm ĩ mới buồn cười chứ. Khó khăn lắm cô mới được nghỉ ngơi vậy mà… Có điều tôi cảm giác như chỗ này bị ai đó dùng roi quất mạnh.” Nó chỉ vào trái tim mình, “Chắc như thế nghĩa là buồn.”

“Tôi thì dường như đã học được cách sống như một đứa con côi từ lâu rồi.” Lời nói của Phó Kính Thù không khỏi có ý tự trào, “Năm nào tôi cũng chờ thư và bưu kiện cha gửi, chẳng khi nào nguôi nghĩ đến việc bao giờ ông gọi điện cho mình. Kỳ thực mấy bức thư quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy câu, nhắc tôi đừng quên mình họ ‘Phó’. Đồ đạc trong bưu kiện quá nửa là thứ tôi không dùng được. Tôi luôn nói với bản thân, rằng mình vẫn có một người cha, thế nào rồi cũng có ngày tôi được về bên ông, được thu nhận, được thừa nhận như ông, danh chính ngôn thuận là người nhà họ Phó. Kỳ thực, tôi chỉ hiểu rõ mấy nhân vật nhà họ Phó trong tranh treo bàn thờ, đến cả cha mình, tôi cũng sắp quên cả dáng dấp, gương mặt nữa là.”

“Bây giờ ông ấy mất rồi, mấy thân nhân ở hải ngoại liệu có bỏ mặc anh không?” Phương Đăng lo lắng thay cho cậu.

Phó Kính Thù lắc đầu nói: “Không rõ. Này, tôi giống thằng ngốc nằm mơ giữa ban ngày quá nhỉ,

cứ mong được một đám người ở đâu đâu nhận làm thân thích.”

“Mơ được là tốt, tôi còn chả hình dung sau này mình sẽ ra sao.”

“Khái niệm về nhà họ Phó của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ cha. Ông là một người vừa kiêu hãnh vừa mẫn cảm. Từ khi hiểu chuyện tôi đã biết, không ngày nào cha không khao khát đứa con riêng như mình được nhận tổ quy tông. Sau này ông đạt thành nguyện vọng, nhưng ông nội chẳng còn, bà Trịnh có con cái riêng, một người đàn bà tinh minh sắc sảo nhường đó, làm gì có chuyện xem trọng đứa con trai do chồng mình và một ả người hầu sinh ra ? Cha sống ở Malaysia không được vui. Từ những lá thư gửi về, tôi có thể cảm nhận được. Dầu cho không phải lo toan cơm áo gạo tiền, bà Trịnh đối xử với ông cũng tử tế, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ như người ngoài.”

“Toàn tại ông nội anh, làm ăn thì giỏi giang ít ai bằng được nhưng mặt kia thì… Nếu đã sợ vợ, thì không nên lằng nhằng với cô hầu, làm khổ hai đời con cháu.”

“Mỗi người đều có nỗi khổ riêng. Già Thôi nói, mẹ của chú ấy và Tiểu Xuân cô nương là nhũ mẫu của ông nội, Tiểu Xuân lớn hơn ông nội năm tuổi, nếu bảo bà ấy đã bế ẵm ông suốt thời thơ ấu cũng không quá. Có một chuyện già Thôi nói chẳng hiểu có đúng không, năm ông nội hai mươi học trường tây trở về, vẫn phải để Tiểu Xuân cô nương bón mới chịu ăn cơm.”

Phương Đăng rõ ràng chịu không nổi, nhe răng thè lưỡi nói: “Chỉ có cậu ấm nhà giàu mới mắc cái bệnh ấy.”

“Thời đó trong các nhà phú quý, giữa cha mẹ và con cái có khoảng cách rõ rệt, không thân thiết như gia đình bình dân. Tôi đoán trong lòng ông nội, Tiểu Xuân cô nương nửa là mẹ, là chị, là bạn… nửa như người yêu thanh mai trúc mã.”

“Bà Tiểu Xuân trong tranh đẹp quá đi chứ. Anh có nhiều nét giống bà ấy.”

Phó Kính Thù thở dài hai tiếng, cậu chẳng biết phải phản ứng thế nào với lời khen hồn nhiên của Phương Đăng.

“Đáng tiếc hồng nhan thường bạc mệnh.” Phương Đăng gật gù vẻ thấu hiểu, ngay sau ấy nó quay ra phía sau hỏi: “Đúng rồi, Tiểu Xuân cô nương sao lại chết thế ? Anh gặp bà bao giờ chưa?”

“Sao tôi gặp được, hồi cha còn rất nhỏ bà đã mất rồi. Nhảy xuống giếng mà chết.” Phó Kính Thù vừa nói vừa chỉ về bên trái Phương Đăng.

Cái miệng giếng ở trước mặt chỉ cách Phương Đăng năm sáu mét.

“Được lắm, sao không nói sớm.” Phương Đăng ôm lấy đầu gối, cảm thấy cơn gió bỗng chốc ẩn tàng một luồng âm khí lạnh lẽo, cuồn cuộn bốc ra từ lỗ giếng đen ngòm. Thế mà không chỉ một lần nó ló đầu xuống đó. Đường kính giếng không quá nửa mét mà sâu không thấy đáy, một con người muốn chết đến mức nào mới dám nhảy vào cái lỗ nhỏ hẹp ấy ? Bỏi một khi đã nhảy xuống không cách nào cựa mình lẫn quay lại.

Phó Kính Thù thủng thẳng nói: “Em cũng biết sợ cơ đấy.”

“Sợ cái gì mà sợ, có phải tôi hại bà ấy đâu.” Phương Đăng cứng miệng tỏ vẻ điềm tĩnh, nhưng lại co người lui về sau một ít. Con hồ ly bằng đá vừa cứng vừa lạnh sau lưng, lại trở thành điểm tựa vững chắc.

“Con hồ ly bằng đá em đang dựa vào là của bà ấy để lại. Đáng ra có một đôi, con kia bà buộc vào người rồi nhảy…”

“Phó Kính Thù anh ác ghê, định dọa chết tôi à?” Phương Đăng ngoảnh ra sau đấm Phó Kính Thù một đấm. Nó chưa quên, trong bức ảnh đó, Tiểu Xuân cô nương cũng ngồi tại đây tựa lưng vào con hồ ly đá. Chuyện “tai nghe mắt thấy” bao giờ cũng gây lạnh sống lưng hơn truyện ma bình thường.

Dang bực, thấy khóe miệng Phó Kính Thù khẽ nhếch lên, Phương Đăng càng nóng máu. Lúc này mà cậu vẫn còn chọc ghẹo nó cho được, lần này thu hoạch to rồi.

“Không phải anh bịa ra để lừa tôi đấy chứ?”, Phương Đăng nghi ngờ.

“Chuyện này làm sao mang ra đùa được ? Già Thôi nói về sau ông nhờ người, tốn rất nhiều công sức mới vớt được chị mình lên. Cảnh tượng lúc đấy thôi tôi không tả nữa nhé. Thanh Minh năm nào già Thôi cũng ra miệng giếng đốt giấy tiền cho Tiểu Xuân cô nương. Năm ngoái ông không khỏe, tôi đem vàng mã đốt hộ, bao nhiêu tro đem đổ cả xuống giếng.”

Phó Kính Thù thuyết phục người khác chẳng lấy làm khó, thường ngày hiếm ai dám nghi ngờ khả năng này của cậu. Phương Đăng chỉ còn một chi tiết nghĩ không ra, “Theo như anh nói, con trai được vài tuổi Tiểu Xuân cô nương mới nhảy xuống giếng tự vẫn, nhưng lúc ấy ông nội Phó Truyền Thanh đã rời khỏi một thời gian khá lâu, là đả kích gì khiến bà nghĩ quẩn như thế?”

“Nghe nói không có dấu hiệu gì rõ rệt. Phía Malaysia không ai về hay gửi thư, tất cả không khác gì trước đó.”

“Giỡn mặt à, một người đang sống sờ sờ sao bỗng dưng, vào một ngày chả liên quan, lại nhảy xuống giếng mà chết. Người mà bà yêu đã đi khỏi nhà từ vài năm trước, nỗi buồn chia tay cũng vượt qua rồi, còn có điều gì khiến bà bỏ đứa con nhỏ, khăng khăng tìm chết như thế?”

Phó Kính Thù ngả người, gối hai cánh tay lên lưng con hồ ly, “Điều này chẳng ai biết rõ. Có lẽ xa cách lâu ngày, bà bỗng nhiên tin rằng người mình chờ đợi sẽ không bao giờ trở lại, mà ngày tháng còn quá dông dài.”

“Ngày tháng còn quá dông dài…” Phương Đăng liếc nhìn miệng giếng, đột nhiên cảm thấu phút lĩnh ngộ kia càng khiến người ta tuyệt vọng hơn biệt ly ngắn ngủi. Vết thương gây đau đớn nhất không phải vào lúc thịt da đứt lìa, bởi vì khoảnh khắc đó trôi qua rất nhanh, chưa kịp phản ứng, máu đã phun đầy mặt đất. Ngay lúc đó người ta sẽ bưng miệng nó lại, băng bó, cầm máu cho nó. Kỳ thực lúc đau đớn nhất là sau một thời gian dài, ta khẽ khàng gỡ bỏ lớp vải trắng, phát hiện miệng vết thương vẫn ngoác ra. Hóa ra nó luôn ở đó, mục rữa, hôi thối, chỉ mình mình hay biết.

“Tự tay Tiểu Xuân cô nương chạm ra con hồ ly đá này ư?”

“Em không ngờ một cô người hầu mà lại tài hoa như vậy phải không?” Phó Kính Thù nói, “Cha Tiểu Xuân cô nương và già Thôi là thợ đẽo đá. Bà rất có khiếu, ông nội từng mời người Tây trên đảo đến dạy bà về mặt này. Một năm nọ trong nhà làm đại thọ cho bà cố, Tiểu Xuân cô nương đích thân tạc một bức tượng quan âm đem biếu. Ai nhìn thấy cũng phải khen, Quan Âm mà chớp mắt một cái là hóa thành thật.”

“Đôi tay bà chắc là khéo lắm, hiện nay chỉ còn sót lại mỗi vật này thôi sao?” Phương Đăng quay lại ngồi xếp bằng, nhẹ nhàng vuốt ve, bức tượng này dầm mưa dãi nắng hàng thập kỷ mà vẫn sáng bóng như thuở ban đầu. Ngón tay Phương Đăng vô ý lướt qua mấy ngọn tóc của Phó Kính Thù.

Chất tóc tơ thật mềm mượt, chẳng như mái tóc đen vừa dày vừa cứng của nó, không buộc lên là rối bù như Xúy Vân giả dại. Ngón tay Phương Đăng khựng lại giây lát, đụng chạm ấy càng thận trọng và dịu dàng, hơi thở nó càng gấp gáp.

Phó Kính Thù dường như chẳng hề hay biết, “Vừa nãy tôi nói bà buộc một con hồ ly đá vào người nhảy xuống giếng là dọa em thôi. Người nhảy xuống là thật, nhưng bức tượng này vốn chỉ có một. Bà tạc sau khi người Phòng Ba dọn khỏi vườn.”

“Sao phải đặt con hồ ly đá ở đây, ai mới nhìn cũng khiếp vía.”

“Bà có cách lý giải của riêng mình. Em nghe nhé?”

“Em cứ coi như nghe chuyện bịa cũng được.” Phó Kính Thù gần như thì thầm, “Ngày xửa ngày xưa, một con cáo hoang vô tình lạc vào khu vườn bỏ không, chẳng hề có một bóng người. Nó phát hiện trong vườn có con cáo đá, trông sống động như thật. Con cáo hoang nhỏ vốn quen những ngày lang bạt cô đơn, liền coi con cáo đá như đồng loại duy nhất của mình trên thế gian này. Nó ở lại trong vườn bầu bạn với cáo đá qua rất nhiều năm. Cáo đá không biết cử động, càng không biết kêu, cả người lạnh cóng. Con cáo hoang nhỏ suốt ngày quẩn quanh bên cáo đá, nó trộm nghĩ, nếu cáo đá trở thành cáo thật thì hay biết mấy. Thế là nó tìm tới Đức Phật.”

“Đức Phật nghe thấy lời cầu khẩn của loài người ư?”, Phương Đăng tỏ ra nghi ngờ vô cùng “… Huống hồ chỉ là một con cáo.”

Phó Kính Thù mặc kệ nó, nói tiếp: “Phật hỏi cáo hoang, trên đời cái gì quý nhất. Cáo hoang trả lời, thứ không thể có được và thứ đã mất. Phật nhận ra cáo hoang rất có linh tính, cảm được lòng thành của nó, bèn đem tới một cơ hội: nếu muốn cáo đá trở thành cáo thật, trừ khi nó moi tim mình ra hiến cho bạn.”

“Phật Tổ xui dại nó rồi !”

“Vì quá mong cáo đá trở thành vật thật, có máu có thịt làm bạn mình cùng mình, nên con cáo hoang đã nhịn đau moi tim ra, theo chỉ dẫn của Phật Tổ, đem nhét vào lồng ngực cáo đá. Bức tượng cáo thật sự bắt đầu cử động, nó đã có sinh mạng và ý chí của mình. Con cáo hoang nhỏ mừng lắm, cảm thấy sự hy sinh của mình là đích đáng. Hai con vật cùng nhau trải qua một khoảng thời gian vô cùng vui vẻ.”

“Giống như Tiểu Xuân cô nương và ông nội anh, chắc họ từng rất vui vẻ.”

“Chẳng biết từ lúc nào, con cáo đá dần cảm thấy cô đơn. Nó chán ngấy việc bị giam trong khu vườn hoang. Ngoài kia, trời cao đất rộng đang vẫy gọi, thậm chí có còn muốn trở thành người, đi khắp nơi ngắm nhìn thế giới.”

“Nghe nói hồ ly mà thành tinh, sẽ biến thành người.”

“Con hồ ly đá mà thành tinh, sẽ biến thành người.”

“Con hồ ly đá rất thông minh, nó thật sự đã tu thành chính quả, không những có được hình dáng con người, sau này còn có thể liệt vào hàng thần tiên. Vậy là, nó rời xa khu vườn hoang phế.”

“Nó không đưa con cáo hoang nhỏ theo?” Phương Đăng hơi thất vọng.

“Cáo đá không nỡ bỏ người bạn trước kia, nhưng con cáo hoang mãi là cáo hoang, vĩnh viễn không thể thoát khỏi xác cáo, làm sao đưa nó theo được ? Huống hồ, cáo đá giờ đã là người, nó không muốn nhớ đến nỗi khổ dãi nắng dầm mưa ngày xưa, con cáo hoang kia chỉ nhắc nó nhớ về hình dạng trước đây mà thôi.”

“Cáo nhỏ kia thật đáng thương, hiến đi trái tim, cuối cùng chẳng còn lại gì cho mình.” Phương Đăng bắt đầu cảm thấy, câu chuyện Tiểu Xuân cô nương kể là về bản thân bà và Phó Truyền Thanh, cũng có thể dùng để miêu tả chuyện của cô Chu Nhan và Phó Duy Nhẫn, nói không chừng mỗi một đôi trai gái hận tình trên đời, đều có một người là cáo đá hóa thành, còn người kia là con cáo hoang nhỏ ngốc nghếch dại khờ.

“Biết làm thế nào đây ? Đó là lựa chọn của chính nó lúc đầu. Cáo đá đi rồi, con cáo nhỏ cả ngày quanh quẩn trong khu vườn. Bởi không có tim, nó không già cũng không thể chết, càng vĩnh viễn không thoát khỏi lốt cáo. Trước mặt nó là ngày tháng và nỗi cô đơn vô cùng vô tận.”

“Sao nó không đi khỏi vườn cho rồi.”

“Nó sợ có một ngày cáo đá quay về. Hơn nữa ngày xưa trước mặt Phật Tổ nó đã hứa, giờ cáo đá tu luyện thành người, nó bắt buộc phải thay cáo chịu hình phạt ngàn năm.”

“Đủ rồi, tôi đã hiểu vì sao Tiểu Xuân cô nương không muốn sống tiếp. Phụ nữ toàn là đồ ngốc. Nhưng Phật Tổ cũng kỳ, sao nhất định phải tàn nhẫn như thế ? Sao không cho con cáo nhỏ cơ hội lựa chọn một lần nữa.”

“Chuyện chỉ là chuyện. Hồ ly nhỏ dù gì cũng được trường sinh bất lão. Đời người liệu có cái gọi là ‘một lần nữa’ không ? Cho dù có, bao nhiêu người có thể chịu được đến ngày ấy?” Phó Kính Thù nhìn cái lỗ giếng như một ám thị.

Phương Đăng vẫn chưa dứt khỏi câu chuyện kia, chẳng thể nào nạp mớ diễn giải nhiêu khê của Phó Kính Thù vào đầu. Lòng nó buồn bã hoang mang.

“Chắc chắn Tiểu Xuân cô nương chưa kể hết, câu chuyện này không nên có kết thúc như vậy !”

“Đồ ngốc.” Phó Kính Thù cười, con bé này sao lại nghiêm túc quá vậy. Cậu nhắm nghiền đôi mắt, không nói gì nữa.

“Tôi không thích câu chuyện này.” Phương Đăng buồn bực nhổ hết những ngọn cỏ đuôi chó mọc dưới chân, định nói mấy lần rồi lại thôi. Khá lâu sau, hơi thở của Phó Kính Thù trở nên đều đặn, Phương Đăng ngờ là cậu ngủ mất rồi. Bất chợt nó thầm thì: “Tiểu Thất, anh đừng đi nhé.”

Chẳng nghe tiếng ai trả lời, chỉ nghe gió rì rào. Phương Đăng đưa mấy cọng cỏ đuôi chó vốn chẳng có mùi gì lên mũi hít hà, rồi dần nhắm mắt lại. Đảo Qua Âm quanh năm ướt át ủ dột, hiếm khi có một ngày đẹp trời thế này.

“Tôi mà đi, em có buồn không?”, giọng của Phó Kính Thù bảng lảng trong gió.

“Anh đoán xem.” Ai mất đi đồng loại duy nhất mà không đau đớn cho được. Dẫu là người hay hồ ly đi nữa.

“Tôi đi đâu được?” Giọng Phó Kính Thù chẳng buồn chẳng vui, “Cha tôi đi rồi, có lẽ cả đời tôi sẽ trôi qua ở đây. Thì đã sao ? Trước đây ngày nào tôi cũng dặn mình phải vươn lên, không được để người khác coi mình là đồ con hoang, phải nhận tổ quy tông bằng được, chưa bao giờ nghĩ rằng, cuộc đời tôi khi còn có ngã rẽ khác để lựa chọn. Trong cơn sốt mê man, tôi tưởng mình sắp chết, sau này tỉnh lại, chợt nhận ra sở dĩ tôi chịu đựng được tất cả, không phải để danh chính ngôn thuận làm người nhà họ Phó, mà là vì vẫn còn ai đó hy vọng tôi sống.”

“Ai?” Phương Đăng giả ngây. Miệng hỏi thế, nhưng mặt thì bắt đầu đỏ lên.

Phó Kính Thù không đáp, chỉ nói: “Lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy, những người kia có thừa nhận mình đi nữa thì đã sao ? Bao nhiêu năm không được thừa nhận tôi vẫn sống bình thường đó thôi ? Không được hưởng phú quý nhà họ Phó, tôi vẫn là Phó Kính Thù, chẳng ai thay đổi được.”

“Nhưng những người đang ở nước ngoài là người thân của anh, anh không nhớ họ ư?”

“Người thân?” Phó Kính Thù vẻ như vừa nghe được một câu chuyện cười, “Tôi chẳng còn người thân nữa. Trừ em, Phương Đăng ạ.”

Gió thổi qua cây Bạch Ngọc Lan, qua rặng râu dài lê thê rủ bóng của cây đa già, nơi ấy ẩn giấu biết bao cặp mắt vô hình, ngồi xếp hàng nơi chân trời, cúi nhìn hai con người bé nhỏ chốn tục thế. Thưa Đức Phật, Phương Đăng niệm thầm trong bụng, cuối cùng con bé cũng chịu thừa nhận thần phật có tồn tại, Ngài đã lắng nghe lời khẩn cầu của nó. Phó Thất sẽ luôn ở bên nó/ Chúng là người thân, sẽ gắn bó với nhau, không thể tách rời… Chẳng phải nó luôn muốn như thế đó sao ? Ít ra, nó sẽ chẳng thể thay đổi định mệnh. Không rõ Phương Đăng đang mừng vui hay buồn bã. Nó muốn cười lên, muốn dựa vào lưng người ta, nhưng không hiểu sao khóe miệng chỉ toàn vị chua chát.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK