Giang Thiêm bưng cốc sữa tươi cụng nhẹ lên gò má cậu. Cậu nhận lấy uống một hớp, đưa mắt nhìn Giang Thiêm đang trả lời tin nhắn của các đàn anh trong nhóm.
Thịnh Vọng nhìn một lúc, rồi đặt cốc thủy tinh xuống nói với người trong điện thoại: “Được ạ, bố quyết thời gian nhé?”
Thịnh Minh Dương đang chờ cậu lên tiếng, nghe vậy thì cười bảo: “Chiều bố đến nơi rồi, hai ngày nay rảnh cả, giờ bố chẳng bận bằng con, nữa nên quyết theo giờ giấc của con đi.”
Thịnh Vọng đáp: “Thế tối nay đi ạ, bao giờ bố đên nơi? Con ra đón.”
Lúc Giang Thiêm nhìn sang, cậu đã cúp điện thoại.
“Lại có công việc à?”
Thịnh Vọng gác tay lên vai hắn, quẳng điện thoại lên mép bàn: “Ừm. Em mới nghía trộm, tối nay anh cũng phải mời giáo sư đi ăn cơm đúng không?”
Thế giới của người trưởng thành càng ngày lễ càng không được yên.
Bắc Kinh vào ngày đầu năm mới đổ tuyết trắng xóa bay rợp trời, khao khát ru rú trong phòng cả một ngày bị bóp chết tươi. Giang Thiêm bị các đàn anh gọi đi mất, chủ yếu ăn bữa cơm mừng năm mới với giáo sư, tiện đường hóng hớt chuyện về quan hệ giữa hắn và “bạn học cũ”. Thịnh Vọng thì đi gặp Thịnh Minh Dương.
Cho dù thời tiết tồi tệ, nhưng hôm nay là tết dương nên khắp nơi vẫn chật kín người. Thịnh Vọng đặt chỗ ở một quán lẩu sân vườn, nơi đây không ồn ào như những chỗ khác.
Thịnh Minh Dương cởi áo khoác vắt lên lưng ghế, xắn tay áo sơ mi bên ngoài áo len lông dê màu xám, ông nhìn xung quanh và nói: “Dưới tầng chỗ con ở có nhà hàng trong trung tâm thương mại cơ mà, sao phải chạy đến tận đây?”
“Chẳng phải bố thích thịt bò Wagyu [1] của nhà hàng này sao?”
[1] Chất lượng thịt và dây chuyền nuôi giống với thịt bò Kobe Nhật Bản nhưng được nuôi ở quốc gia khác.
Thịnh Minh Dương ngỡ ngàng.
Quả tình ông thích thịt bò Wagyu của nhà hàng này, dạo trước hẹn bạn đi ăn từng gọi Thịnh Vọng đến đây nếm thử vài lần. Có thể ông thuận miệng nhắc đến hoặc có thể từng nói qua qua, tóm lại chính ông đã không còn ấn tượng gì nữa, không ngờ con trai vẫn nhớ rõ.
Quan hệ bố con của họ mấy năm nay là thế đấy. Thịnh Vọng hiểu thảo lắm, hiếu thảo hết mực, cậu săn sóc đến từng chi tiết nhỏ nhặt và chu đáo mọi bề. Hệt như những mong chờ và kỳ vọng hơn hai mươi năm trước của Thịnh Minh Dương dành cho con trai bé bỏng, học rộng tài cao, nhã nhặn lịch thiệp. Lẽ ra ông phải vui mừng mới đúng, nhưng đôi lúc lại thấy cô đơn.
Người ta nói giữa bố và con bao giờ cũng phải cò cưa về vấn đề quyền được phát biểu, tuồng như động vật giống đực giành giật địa bàn, từ kiểm soát đến bị kiểm soát, một số người có thể lải nhai lai rai so găng cả đời vì chuyện ấy.
Nhưng họ thì khác, ông không thích la hét ầm ĩ một cách thiếu phong độ, Thịnh Vọng cũng chẳng thích những cuộc giằng co mất hết tình cảm và thể diện.
Có dạo Thịnh Minh Dương cho rằng mình dân chủ tiến bộ lắm, ông và con trai chia nửa giang sơn, bình tĩnh và hòa hợp. Rất lâu sau đó ông mới nhận ra rằng ông chưa bao giờ dừng việc lấn chiếm địa bàn, chẳng qua mỗi lần ông lấn sang một tẹo thì Thịnh Vọng sẽ nhích ra rìa một chút, không tranh không cướp, nhưng càng nhích càng xa.
Tới khi ông kịp phản ứng thì đến cả cái bóng của con cũng chẳng thấy đâu nữa rồi.
Thỉnh thoảng ông lại nhớ về một Vọng Tử hấp ta hấp tấp, hay chê tin nhắn thoại của ông dài dòng quá chỉ nghe mỗi đoạn đầu, hay đổi biệt danh của ông lung ta lung tung khi bắt gặp bài viết ông chia sẻ. Tâm trạng bực dọc thường cúp thẳng điện thoại của ông, lúc vui vẻ thì gọi ông là “Đồng chí già Thịnh Minh Dương”.
Trước đây ông thấy nhức đầu lắm, nhưng bây giờ chẳng được trải nghiệm nữa rồi.
Đôi lúc khó chịu cùng cực, ông sẽ mượn rượu hỏi rằng: “Con đang trả thù bố ư?”
Nhưng ông biết không phải thế, vì Thịnh Vọng mềm lòng, cậu không cố ý. Chính vì không cố ý nên Thịnh Minh Dương mới càng thấy bực bội khó chịu.
Thật lòng thì chuyến đi đến Bắc Kinh lần này không cần thiết lắm, ông muốn đi thì đi, không muốn đi cũng chẳng sao. Nhưng hôm qua chuẩn bị rửa mặt, ông nhìn thoáng qua tấm gương và phát hiện bên tóc mai mình bỗng có tóc trắng, mà không chỉ một hai sợi, dường như thình lình xuất hiện trong vòng một đêm.
Ông đứng trước gương sờ mái tóc, bỗng dưng cực kỳ muốn gặp con trai, muốn ăn với Thịnh Vọng một bữa cơm ngon lành nhân ngày đầu năm mới.
Chắc là già rồi, hơn cả sự nghiệp thành công, ông muốn nghe Thịnh Vọng nói câu “Đồng chí Thịnh Minh Dương, bố có tóc trắng rồi” bằng giọng điệu năm mười mấy tuổi hơn.
Nhưng ổng ngẩng đầu lên, chỉ thấy Thịnh Vọng khép thực đơn mỉm cười với nhân viên phục vụ, rồi quay lại hỏi: “Bố, bố muốn uống rượu không?”
Sao mà không thất vọng cho được, Thịnh Minh Dương lặng thinh giây lát, xua tay bảo: “Thôi, nước lọc được rồi, dạo gần đây bố thấy nhiều người mắc bệnh gout lắm, bố phải hạn chế hơn mới được.”
Nếu như là Thịnh Vọng hồi còn bé, chắc chắn sẽ nói “Tới lúc khập khiễng thì đã muộn rồi”. Nhưng giờ cậu chỉ gật đầu nói: “Không phải xã giao thì nên uống ít đi.”
Nhân viên phục vụ nước dùng, nồi lẩu và hai đĩa gia vị pha nước chấm. Thịnh Minh Dương uống một hớp nước lọc, nở nụ cười chuyển sang chủ đề khác: “Lần trước bố đi Hàng Châu có ăn bữa cơm với Tiểu Bành, nó còn cáo trạng với bố đấy, bảo là con suốt ngày bận bịu, chẳng dễ gì gặp được con.”
Tiểu Bành mà Thịnh Minh Dương nói tên đầy đủ là Bành Tạ, tên wechat là Con cua hình bát giác, suốt bao nhiêu năm vẫn liên lạc khi có khi không với Thịnh Vọng. Hắn học Đại học ở Quảng Châu, Thịnh Vọng đến đó chơi với hắn vài lần, hắn cũng từng tới Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp Đại học ai cũng luôn chân luôn tay, khó mà gặp mặt trò chuyện được nữa.
Gia cảnh nhà Con Cua khá giả, sau khi tốt nghiệp và đi làm được hai tháng thì không chịu nổi bó buộc bèn vay bố hắn vốn khởi động, từ chức bắt đầu khởi nghiệp. Nhờ tính cách có tình có nghĩa, biết uống biết nói, ấy thế mà lên như diều gặp gió.
Đợt Thịnh Minh Dương gặp khó khăn trong chuyện làm ăn, cần tìm người bắc cầu quan hệ, quanh đi quẩn lại vòng đến chỗ con trai, Thịnh Vọng đã tìm đến Con Cua.
Hai bên gắn bó, Thịnh Minh Dương tự động gạt vai vế, trở thành bạn làm ăn với Con Cua.
“Nó điêu đấy.” Thịnh Vọng pha xong nước chấm rồi, trả lại đĩa không cho nhân viên phục vụ: “Cái lần được làm cha, nó vui phát điên luôn, con phải nói chuyện với nó đến tận 3 giờ sáng đây này.”
Thịnh Minh Dương bật cười, mở điện thoại tìm vài bức ảnh chìa cho Thịnh Vọng xem: “Con nhìn bé nhà nó chưa? Hôm đó bố đến xem rồi, mày lá liễu mắt sáng trong, nhìn đĩnh đạc phết.”
“Mới có mấy tháng tuổi mà bố đã nhận ra mày lá liễu mắt sáng trong rồi hả?” Thịnh Vọng tức giận bảo: “Hồi xưa bố còn bảo chủ nhiệm Từ phòng giáo dục đạo đức nhìn đĩnh đạc đấy.”
Thịnh Minh Dương ngớ ra một lát mới nhớ chủ nhiệm Từ là ai, ông giật mình ngẩn ngơ.
Mấy năm nay những cuộc trò chuyện giữa bố con họ rất ít khi nhắc đến người và việc ở trường trung học trực thuộc. Nó giống như khu vực cấm, chỉ cần nói ra thì 80-90% sẽ kết thúc bằng im lặng, Thịnh Minh Dương không muốn tự bẽ mặt.
Đây là lần đầu tiên Thịnh Vọng chủ động nhắc đến, lại còn bằng giọng điệu vui đùa. Thịnh Minh Dương không khỏi cay mũi, giống như một tảng đá bẩy bấy lâu cuối cùng cũng có dấu hiệu hé mở, khiến người làm cha như ông xúc động lắm.
Nước dùng vàng óng thơm nồng sôi ùng ục trong nồi, nhân viên phục vụ chần thịt bò giúp họ, chia đều vào đĩa của hai người. Thịnh Minh Dương cúi đầu trong làn hơi nóng hầm hập, ông ăn vội quá nên bị bỏng lưỡi.
Ông uống vài hớp nước, định bụng kéo dài chủ đề và bầu không khí, thế là đào sâu vào Con Cua. Nói về chuyện hắn vừa tốt nghiệp đã kết hôn ngay, nói về chuyện đến năm nay hắn đã trả hết số tiền vay bố mình, nói về chuyện gương mặt của ba người trong gia đình hắn trông rất có phúc. Dạo gần đây bố mẹ hắn mặc kệ hết thảy, ngày ngày quay quanh cháu gái, hết mực nuông chiều.
Mải hào hứng quá chẳng may giẫm vào bãi mìn.
Thịnh Minh Dương nói: “Khi nào con cũng cho bố một thằng cu hoặc tí bé, thế là bố có thể về nghỉ hưu tận hưởng niềm vui gia đình rồi.”
Ông cũng chỉ nhanh mồm nhanh miệng tiếp lời thôi, nói xong mới thấy không ổn lắm, trông thấy Thịnh Vọng dừng đũa thì hối hận vô cùng. Nhưng vướng nhân viên phục vụ vẫn đang chần thịt cho họ, ông thở phào nhẹ nhõm – có người ngoài ở đây, Thịnh Vọng sẽ không nói gì quá đáng.
Thịnh Vọng chỉ khựng lại giây lát rồi tiếp tục chấm nước sốt. Ăn xong miếng đó và uống một hớp nước, bấy giờ cậu mới đặt cốc xuống và nói: “Có lẽ không được rồi. Hay con cho bố một con mèo nhé, hoặc là sau này nhận nuôi một đứa, bố muốn cháu trai hay cháu gái đều được cả.”
Thịnh Minh Dương vừa gắp một miếng thịt bò, nghe vậy thì khựng lại. Ông cầm đũa cứng đờ vài giây, dịu giọng cười bảo: “Được rồi, con còn nhỏ, bố biết tụi trẻ các con bây giờ đều thế cả, nhắc đến chuyện con cái là chối nguây nguẩy. Không nói nữa, đợi sau này —–”
Thịnh Vọng cắt ngang lời ông, giọng điệu hết sức bình tĩnh: “Sau này có lẽ cũng thế ạ.”
Thịnh Minh Dương ngước mắt toan mở miệng, Thịnh Vọng nói tiếp: “Giang Thiêm về nước rồi.”
Im lặng tức thì lan tràn giữa hai bố con. Thịnh Minh Dương không còn biết ngon nhạt gì nữa, đặt đũa xuống. Ông nhìn sang nhân viên phục vụ, đối phương nhìn chăm chăm miếng thịt chần cuối cùng, vớt ra đĩa và nói “Mời dùng”, rồi rời đi.
Khoảnh khắc đó, thời gian như quay ngược về cái ngày vài năm trước. Họ cũng im lặng ngồi trong xe thế này, tận đến khi một người trong đó mở miệng.
Lần trước là Thịnh Minh Dương, lần này là Thịnh Vọng.
Cậu nói: “Đó là chuyện mấy hôm trước rồi, anh ấy về nước thực hiện dự án, bọn con gặp nhau trong bữa tiệc.”
Gương mặt Thịnh Minh Dương không bộc lộ cảm xúc gì, ông cau mày, mãi lâu sau mới hỏi: “Sau đó thì sao?”
“Sáng nay lúc bố gọi điện con đang ở chỗ anh.” Thịnh Vọng dừng chốc lát, thản nhiên nói: “Con vẫn thích anh, vẫn muốn ở bên anh.”
Ngón tay đặt trên bàn của Thịnh Minh Dương siết lại.
Ngay lúc này, ông ước giá mà mình không ở nhà hàng kiểu cách thế này, giá mà xung quanh không nhiều người đến vậy… Nhưng lập tức ông ý thức được rằng, vậy phải làm sao đây? Thịnh Vọng đã không còn là cậu thiếu niên mặc ông kéo đi.
Sau đó, một sự thật khác ào tới như thủy triều. Cuối cùng thì ông cũng biết vì sao lúc Thịnh Vọng nhận điện thoại lại cười, vì sao tảng đá bắt đầu hé mở.
Thật nực cười, ông làm cha mà nửa thấp thỏm mong đợi ngày hôm nay, nửa muốn ấn mọi thứ trở lại. Ông muốn kết quả chứ không phải nguyên nhân.
Nhưng chuyện đó không do ông quyết định, ông chỉ được lựa chọn chấp nhận tất cả hoặc đập nát hoàn toàn.
Thịnh Minh Dương nhìn chằm chằm một chỗ trên bàn ăn thừ người mãi, ông hít sâu, bấy giờ mới ngước mắt lên nói: “Nếu bố vẫn giữ thái độ như trước thì sao?”
“Bình thường thôi ạ.” Thịnh Vọng nói: “Nếu bố thay đổi ngay lập tức thì con mới giật mình đấy. Nhưng con nghĩ bây giờ khác ngày xưa.”
“Khi ấy bố bảo con đi nói với tất cả mọi người rằng con thích đàn ông, để xem xem người khác sẽ phản ứng thế nào.” Thịnh Vọng nở nụ cười rất nhạt: “Mấy năm nay bố không ở cạnh con nên chắc không biết. Con đã nói với rất nhiều người, chỉ cần có người hỏi thì con dám nói. Kết quả mới lạ làm sao, chẳng ai chỉ vào mặt con và bảo có phải mày điên rồi không.”
Thịnh Minh Dương cầm lòng không đặng nói: “Những người đó chỉ là người ngoài thôi, người ngoài tất nhiên sẽ mặc kệ con rồi!”
“Vậy vì sao người ngoài không để bụng mà người nhà cứ lo lắng mãi? Lo con bị người ta chửi là hoang đàng, biến thái? Bố không thấy cái điều ấy nó vô lý lắm sao?” Thịnh Vọng thôi cười, nói với điệu bất đắc dĩ: “Bố, trừ bố ra, thực sự con chưa từng nghe thấy ai nói với con như vậy cả.”
Thịnh Minh Dương tức thì lặng ngắt.
Hồi lâu sau, ông cầm cốc trầm giọng nói: “Đó là ở trước mặt thôi, sao con biết người ta không nói sau lưng?”
“Trên đời có cả tỷ người, lời nói sau lưng mỗi ngày nhiều vô số kể. Nói người này lươn lẹo, người kia rù rờ, người này cao quá, người kia lùn tẹt, người này bề ngoài hào nhoáng bên trong thối nát, người kia vô dụng động đâu hỏng đó, vậy những lời này khác gì nói sau lưng rằng con thích đàn ông? Có ai không bị nói ư?”
Thịnh Minh Dương không nói được gì.
Thịnh Vọng nhìn ông, nói tiếp: “Khi ấy bố còn hỏi con, nếu không cảm thấy hoang đường thì tại sao phải đau khổ. Tại sao được nữa đây, bố?”
Đương nhiên Thịnh Minh Dương biết tại sao, chẳng qua lúc chất vấn lén lút đánh tráo khái niệm thôi. Ông từng nói với Giang Thiêm rằng “Thịnh Vọng mềm lòng”, thì sao có thể không biết con trai ông tại sao đau khổ.
Cuộc đời như một vòng quay khổng lồ. Vì để ông vui vẻ mà mấy năm nay Thịnh Vọng chưa từng vui vẻ. Nhưng giờ đến lượt ông dè dặt cẩn thận, chỉ muốn Thịnh Vọng mỉm cười.
Thịnh Vọng nói: “Giờ con dám đến nghĩa trang, dám nói với mẹ con rằng con thích Giang Thiêm, con muốn ở bên anh ấy. Con nghĩ chắc mẹ sẽ không mắng con đâu, có khi còn chúc con năm mới vui vẻ ấy chứ.”
Cậu im lặng rất lâu, ngước mắt nói với Thịnh Minh Dương: “Bố sẽ nói với con lời chúc ấy chứ?”
Trong giây lát, Thịnh Minh Dương sắp bật thốt. Nhưng có lẽ im lặng quá lâu nên miệng lưỡi hoen gỉ, cõi lòng ông chua xót, nhưng không tài nào nói thành lời bốn chữ ấy.
Thịnh Vọng chẳng ép ông, cậu có nét khôn ngoan và chín chắn của người trưởng thành, và có cả sự mềm lòng như thời niên thiếu.
Họ im lặng ăn hết bữa cơm, Thịnh Vọng định lái xe đưa ông về, nhưng Thịnh Minh Dương nói tuyết rơi đường trơn, cậu không cần đi đi về về vòng vèo làm gì.
Cha con là thế đây, lời muốn nghe sống chết không chịu nói, nhưng lải nhải thừa thãi thì cả đống. Cuối cùng Thịnh Vọng đành gọi xe riêng cho ông.
Lúc Thịnh Minh Dương lên xe, Thịnh Vọng đứng ngoài ngoài khép cửa giúp ông, trước khi đi nói với ông rằng: “Bố ơi, năm mới vui vẻ.”
Câu nói ấy đâm vào lòng khiến nỗi bức bối trong ông trào dâng.
Thịnh Vọng đứng dưới ánh đèn màu vỏ quýt trước cửa nhà hàng một lát, mãi tới khi chiếc xe nọ hòa vào dải lụa tạo thành từ vô số đèn hậu trên phố. Suốt buổi chiều tuyết ngừng rơi, giờ lại bắt đầu giăng kín lối. Thịnh Vọng kéo cao khăn quàng cổ, đoạn bước đến bãi đỗ xe, bỗng trông thấy một bóng người quen quen che ô đi từ trên cầu vượt xuống.
Người nọ vẫn như thời niên thiếu, thích phanh vạt áo trước, bóng dáng cao gầy mà quạnh quẽ giữa đêm đông miền Bắc. Vạt áo khoác của hắn bị gió tạt bay phần phật, bọt tuyết bám bên trên ịn vài vết ẩm lốm đốm.
Hắn bước từ trên bậc thang xuống đến trước cửa nhà hàng, phủi tuyết bám trên vạt áo và nói với Thịnh Vọng: “Lại không che ô, hứng tuyết thích lắm hả?”
Gương mặt bí xị cả tối của Thịnh Vọng rốt cuộc dễ chịu hơn. Cậu lắc lắc chìa khóa trong tay: “Em lái xe mà.”
“Sao anh cũng tới đây?” Thịnh Vọng sóng vai hắn bước tới chỗ để xe.
Giang Thiêm chỉ chỉ khu thương mại đối diện: “Đúng lúc anh ăn cơm ở bên kia, trông thấy em đứng trước cửa nhà hàng.”
“May mà em đứng đây một lúc đấy, không thì anh định chạy theo đít xe của em à?” Thịnh Vọng nói.
“Anh điên chắc mà đuổi theo xe dưới trời đổ tuyết.” Giang Thiêm hờ hững nói.
“Biết đâu đấy.”
“Mơ đi.”
Bàn tay rảnh rang của Thịnh Vọng lặng lẽ giơ ngón giữa, chưa kịp dựng thẳng đã bị anh cậu ấn về.
“Công việc thế nào rồi?” Giang Thiêm hỏi.
Thịnh Vọng ngồi vào ghế lái, cúi đầu thắt dây an toàn. Cậu khởi động xe, gạt lớp tuyết mỏng bám trên kính xe, hòa vào dòng xe cộ trên đường cái rồi nói: “Thực ra không phải công việc, bố em gọi em đi ăn, em tiện đà comeout lần hai luôn.”
Giang Thiêm vẫn còn ám ảnh với việc “Thịnh Minh Dương tìm một mình Thịnh Vọng”, nghe xong thì cau mày nhìn cậu.
Trong lòng Thịnh Vọng thầm nhủ nếu không em đã chẳng đạp chân ga trước rồi mới nói sau, cậu giơ tay cản tầm mắt Giang Thiêm, nói: “Em đang lái xe đấy, trời đổ tuyết dễ xảy ra sự cố, đừng dùng ánh mắt quấy nhiễu em.”
“Thế em lừa anh là đi công việc?”
“Em biết sai rồi mà, đang thẳng thắn mong được khoan hồng thây.” Thịnh Vọng ngụy biện.
Giang Thiêm nhìn nét mặt cậu, thầm nhủ dám lừa anh, em thì biết cái đếch gì.
“Em đi một mình chủ yếu là để nói lý với đồng chí già, đi hai người thành ra oai mất, ổng tức lên ổng hất bay nồi thì sao?” Thịnh Vọng cười nhìn dòng xe trước mặt, lát sau nghiêm túc nói: “Anh yên tâm, không giống lần ấy đâu.”
Một lúc lâu sau, Giang Thiêm mới từ từ bình tĩnh lại, giọng trầm trầm đáp: “Ừm.”
Thịnh Vọng nói: “Hình như bố em lơi lỏng rồi.”