Trần lý trưởng cỡ khoảng 40 tuổi.
Bà cùng vị Phó lý, Ngũ Hương đều mặc một bộ áo dài đen, quần trắng, khăn xếp.
Nơi này trang phục màu trắng có lẽ ít được dùng nhất bởi vì nó quá dễ bám bẩn, chính vì vậy chỉ những gia đình có điều kiện, chức sắc trong làng mới dùng chúng.
Ánh mắt người này theo Hiểu Linh thấy khá là trong sạch.
Có vẻ Lý trưởng này làm người chính trực, công bình và có đôi phần gia trưởng.
Nghĩ kỹ lại ở cái thời đại này gia trưởng và trọng nữ khinh nam không có gì là lạ khi bà ấy lại là con trưởng.
Có điều… người này gia cảnh giàu có, sao có thể không giúp đỡ em gái Trần Ngũ Nương của mình nhỉ? Mà… chuyện nhà người ta, cô quan tâm làm cái gì.
Trần lý trưởng nhìn khắp lượt chờ mọi người ổn định hết rồi mới bắt đầu:
- Kính thưa cụ Tiên chỉ, các bậc quan viên, tư văn, binh hộ, các lái, các trùm cùng toàn thể dân làng Trần gia.
Buổi họp làng hôm nay là để bàn về việc thu hoạch mười mẫu ruộng làng ta.
Theo lệ cũ, cứ mười nóc nhà phụ trách thu hoạch 1 mẫu ruộng từ đầu tới cuối: cắt, tuốt, phơi.
Bảy ngày sau, Nguyễn Hương bản sẽ cùng đội tuần đinh của làng đi thu lại.
Sau khi thu lúa xong, ba ngày sau Làng làm lễ thắp hương Thành Hoàng cúng lúa mới và mở tiệc khao dân.
Đây là những việc mà mấy ngày tới làng mình phải làm.
Xin mời cụ Tiên chỉ cho ý kiến ạ.
Vừa nói, Trần lý trưởng có phần kính trọng hướng người về phía một cụ già ngồi vị trí chiếu trên tả biên- nơi trang trọng nhất dành cho bậc quan viên.
Vị Tiên chỉ này là người già nhất làng, phẩm cấp quan viên cao nhất và có trọng trách lớn trong việc tế lễ, hương ẩm, được người làng vô cùng tôn trọng.
Tuy nói người này có thể không có chức sắc gì nhưng luôn được hỏi ý kiến mỗi khi làng có việc.
Cụ bà miệng nhai trầu, chậm rãi chấm đi phần nước cốt nơi khóe miệng rồi đáp:
- Chuyện làng lệ thường vẫn thế, Trần lý trưởng cứ vậy mà làm theo.
Nhưng cũng cần đốc xúc dân làng để tránh những nhà lười biếng mà ỷ lại việc cho nhà khác.
Những nhà ấy mà bắt được thì đến tiệc khao dân cũng không cần thiết phải ra Đình nữa.
Một người khác cũng bậc quan viên nghe cụ bà nói xong cũng góp lời:
- Cụ tiên chỉ nói phải lắm.
Ta là ta chướng mắt những kẻ ăn không ngồi rồi.
Có công có việc thì để nam nhân, trẻ con trong nhà ra làm thay, đến khi làng khao tiệc lại vác miệng đến ăn.
Làm nữ nhân thì phải cho đáng mặt nữ nhân, thật không biết mất mặt xấu hổ.
Còn nhà nào bận rộn hoặc vắng người không có nữ đinh đến tuổi thì ngài lý trưởng xem xét cho người ta không cần thu ruộng công nữa, đến khi có tiệc làng thì nam nhân nhà đó ra phụ làm cơm là được.
Người khác lên tiếng:
- Cũng có lý… chứ năm ngoái để mấy đứa bạch đinh nấu nướng thật không thể nuốt nổi.
Việc bếp núc vẫn nên là để nam nhân a..
Các cụ cũng còn được một bữa ăn ngon.
Mấy người dân làng đứng bên hữu biên cũng có phần lao xao.
Nơi này nữ nhân, nam nhân đứng lộn xộn.
Đáng lý ra nam nhân trong làng này không được bước chân vào Đình tham gia họp.
Nhưng vài năm trước xảy ra chiến loạn biên giới, nữ nhân nhà họ tòng quân rồi mãi không thấy về.
Nhà tuy nói vẫn có nữ đinh nhưng lại là đứa nhỏ vài ba tuổi chưa biết cái gì thì làm sao mà họp được làng.
Vì thế, khi đó làng mới đặt ra một cái luật mới: nhà nào không có nữ đinh đến tuổi 15 tại gia, khi họp làng nam nhân nhà đó được phép dẫn theo con gái nhỏ ra Đình nghe chuyện, như vậy mới không bỏ sót các chính sách, luật lệ mới của làng.
Một giọng nói nam nhân không giấu nổi phấn khích:
- Nếu được như vậy thì thật quá tốt rồi.
Tiếng nữ nhân nào đó:
- Các vị bô lão nghĩ thật chu toàn..
ta là ta cũng chướng mắt những kẻ trốn tránh việc làng, đến lúc ra ăn thì luôn luôn có mặt đó.
Thấy đám dân thường bắt đầu ồn ào, Phó lý lớn tiếng:
- IM LẶNG!!!!
Mọi người đâu vào đấy lại im miệng ngóng xem các vị quan chức trong làng bàn việc.
Vị Nguyễn Hương bản lúc này mới lên tiếng:
- Trung tuần tháng 8, Tây Đô thành mở kỳ thi Hương… khi đó làng sẽ lấy một phần tiền thu làm lộ phí cho các vị tư văn làng ta.
Những vị đã đỗ Tú Tài được năm quan tiền, những vị qua được kỳ khảo khóa được hai quan tiền.
Nên nếu tính sơ sơ ở đây, làng phải chi ra 30 quan tiền cho Tư Văn… Năm nay làng ta vinh dự có 4 Tú tài và năm tư văn đi thi.
Những vị này theo lệ làng là được đặc cách không cần tham gia thu hoạch ruộng công mà tập trung vào ôn thi, làm rạng danh tổ tông, làng nước.
Nhà ai là nữ đinh duy nhất thuộc diện này cũng không cần phải để nam nhân ra phụ việc làng, chỉ cần ở nhà lo chuyện cơm canh, trà nước cho các vị ấy.
Hiểu Linh có chút nhướn mày.
Dân phong nơi này rất không tệ nha: trú trọng việc học hành, hàng ngũ bô lão lý trưởng ngũ hương khá có trách nhiệm.
Cô cũng chưa từng thấy nạn cường hào, ác bá, có chăng chỉ là mấy con sâu mọt như Trần Bình mà thôi.
Có lẽ vì dân phong hiền lành, chịu thương chịu khó nên trước đây Trần bá mẫu mới khuyên mẹ của thân thể này đến nơi này định cư… Lại nói tới, Hiểu Linh có chút tò mò không biết phụ mẫu Phạm Hiểu Linh là người thế nào nhỉ.
Liệu có giống ba mẹ cô không?
Ý thức của Hiểu Linh lại bay xa lắm… Người kia… đã rời khỏi nhà cô chưa? Ba mẹ liệu có nghi ngờ gì không? Em trai cô… Mọi thứ đột nhiên ập tới làm trái tim Hiểu Linh như thắt lại.
Cô lắc đầu cố gắng xua đuổi những ý nghĩ tiêu cực vừa nảy lên trong đầu.
Hai hôm nữa cô đồng Trịnh tới nhà làm lễ rồi… cô có thể tranh thủ nhìn trộm một chút họ giờ ra sao..
Biết đâu sau này sẽ có cách tác động đến thế giới ấy để báo cho Hiểu Minh biết cô vẫn bình an..
Danh Sách Chương: