Họ Hứa làm nghề đánh cá, nhà ở bắc thành Tuy Châu. Đêm đêm anh ta đem bầu rượu ra bờ sông kéo cá, mỗi lần uống rượu lại rưới một chén xuống đất lầm rầm khấn:
- Mời nam nam (ma chết đuối) uống rượu cùng ta.
Như thế trở thành thường lệ và hôm nào Hứa cũng đầy giỏ cá. Còn những người khác thì không được mấy.
Một đêm vừa giở rượu ra, có một chàng trai lảng vảng đi tới bên. Hứa sốt sắng gọi vào cùng uống. Tuần rượu có bạn, cảm khái say sưa kéo dài suốt đêm, nên không được con cá nào. Hứa có ý buồn phiền. Chàng trai đứng dậ nói:
- Để tôi xuống mạn dưới sông xua cá lên.
Nói rồi lãng đãng bước đi, lát sau trở lại bảo Hứa:
- Cá đã đến đấy!
Quả nghe có tiếng cá quẫy roàn roạt dưới sông. Hứa vội kéo vó lên, được liền mấy con cá dài hơn một thước (thước ta bằng 0,4m).
Hứa mừng quá, cảm tạ và muống đưa cá tặng chàng trai. Nhưng chàng ta không nhận:
- Đã từng mang ơn rượu ngon, kẻ hèn này chưa có gì báo đền, đâu dám nhận tạ. Nếu ông không ghét bỏ, xin cứ cho như thế này luôn luôn.
Hứa nói:
- Mới vừa mời nhau một ly rượu, sao nói là “đã từng”? Còn nếu anh có lòng muốn gặp gỡ lâu dài thì đó cũng là điều tôi mong muốn. Song tôi cũng lấy làm thẹn vì không có gì đáng kể để bày tỏ mối giao tình.
Hỏi đến tên họ, chàng ta nói:
- Tôi họ Vương, không có tên. Muốn gặp nhau, xin cứ gọi là “Vương Lục Lang”.
Từ biệt nhau, sáng ra Hứa đem bán cá, mua nhiều rượu hơn mọi khi. Tối đến, Hứa ra bờ sông đã thấy chàng trai lởn vởn ở đó. Hai người lại khề khà, chén chú chén anh. Được một chén, chàng ta đứng dậy đi xua cá cho Hứa.
Cứ thế nửa năm, một hôm Vương rầu rầu rầu bảo Hứa:
- Được quen biết nhau, mối thanh giao thân thiết như ruột thịt, ngày càng gắn bó. Nay sắp đến ngày phải từ biệt, nói ra mà đau lòng!
Hứa sửng sốt hỏi vì sao? Vương ngập ngừng định nói lại thôi, mãi sau mới bày tỏ được.
- Thân tình thế này có điều gì đáng ngại? Nay đến lúc từ biệt tôi xin nói rõ: tôi là ma nam nam. Thuở sinh thời tôi rất thích rượu, chết đuối vì say, hồn ma lẫn quất ở đây đã mấy năm rồi. Anh kéo được cá hơn mọi người là do tôi đuổi cá đến để đền ơn hàng đêm đổ rượu xuống đất cho. Ngày nay sắp có người làm ma ở đây, tôi được thác sinh làm người. Chúng ta chỉ còn gặp nhau đêm nay, cho nên không khỏi động lòng.
Hứa nghe nói là ma, trong bụng đã có ý kinh, song vì gần cận lâu ngày cho nên không thấy sợ, chỉ còn thương cảm, sụt sịt khóc, rót rượu mời:
- Lục lang! Anh hãy cạn ly rượu này cũng đừng cảm động quá làm gì. Hợp mặt với nhau chưa được mấy mà đã chia ly đôi ngả, ai chẳng buồn. Song anh đã mãn nghiệp chướng, chính là điều đáng mừng. Buồn vậy không nên!
Rồi cùng nhau nâng chén. Hứa hỏi kỹ:
- Người thay anh sắp tới đây là ai?
- Anh cứ ra bờ sông, trưa mai sẽ thấy, trưa mai sẽ thấy một người đàn bà qua sông rồi chết đuối. Người ấy thế chân tôi đấy!
Gà trong làng gáy sáng. Hai người nhỏ lệ chia tay.
Hôm sau Hứa ra bờ sông xem lời nói của Vương có ứng nghiệm không? Quả nhiên có một người đàn bà ẵm đứa bé sảy chân ngã xuống sông. Đứa bé văng lên bờ, quẫy chân, quờ tay, xệch mồm kêu khóc. Nguời đàn bà vật vờ chìm nổi mấy lần bỗng vùng vẫy mạnh tạt được vào bờ, trèo lên nằm vật ra đất. Chị ta thở mạnh một lúc, trở dậy bế đứa bé đi.
Lúc người đàn bà ngã xuống sông Hứa động lòng đã muốn nhảy xuống cứu. Chợt nhớ tới Lục lang, người này thế chân cho anh ta mãn kiếp, cho nên lại thôi. Khi người đàn bà tự lên được. Hứa cho là lời Vương không nghiệm. Đến tối, Hứa ra chỗ kéo vó thấy người bạn trẻ lò mò tới nói:
- Từ nay lại cùng nhau họp mặt tiếp không phải ly biệt nữa.
Hứa hỏi vì sao?
Đáp:
- Người đàn bà ấy sắp sửa thay tôi nhưng tôi cám cảnh cho chị ta còn đứa bé. Một người thay mà hại cả hai mạng thật không nỡ. Từ nay không biết đến bao giờ mới có người thế. Âu duyên hội ngộ hai ta chưa đến ngày dứt chăng?
Hứa cảm động than thở:
- Thật là một tấm lòng nhân hậu, có thể cảm thông đến thượng đế.
Hai người lại càng thân thiết chuốc ché. Chỉ vài ngày sau. Lục lang đến lại từ biệt. Hứa hỏi, đã có người thay chăng?
Đáp:
- Không phải. Việc nhỏ mọn hôm trước cảm động đến trời, nên nay có mệnh vời tôi đi xa làm thổ thần ở Ổ Trấn thuộc huyện Chiêu Viễn. Mai, tôi phải về châu nhậm chức. Vì anh không quên tình bạn cũ, xin mời anh đến thăm một chuyến, chớ hiềm đường xa cách trở.
Hứa lấy làm mừng cho bạn, song lại phân vân:
- Anh chính trực mà làm thần, thế đủ yên lòng thần dân. Còn việc tôi đi thăm thì thần với người cách xa trời vực, dù tôi không kiêng sợ song làm thế nào đến mà gặp mặt nhau cho được?
- Nếu có lòng đừng ngại điều đó.
Vương dặn kỹ càng năm bảy lượt mới chia tay. Hứa về nhà sắm sửa hành trang. Vợ cười bảo:
- Chiêu Viễn cách đây vài trăm dặm. Nhưng chỉ e đến nơi tượng đất không nói ra tiếng để mà nhận thì phiền.
Hứa bỏ ngoài tai, cứ đi, thẳng đến huyện Chiêu Viễn. Hỏi thăm, quả có ấp Ổ Trấn. Tìm đến nơi, mang hành lý gửi nhà trọ, hỏi thăm miếu thổ địa ở đâu, chủ nhà kinh ngạc hỏi ngay:
-Chắc hẳn ông khách họ Hứa?
- Đúng nhưng sao chủ biết?
Chắc hẳn khách đến chơi thăm ấp chúng tôi?
Hứa lại hỏi sao biết? Chủ nhà không trả lời, vội vã ra ngoài. Lát sau, một người đàn ông bế con tới, đàn bà con trẻ lấp ló đứng ngoài nhòm vào. Rồi cơ man nào là người tấp nập kéo đến đứng đông đặc ngoài cửa. Hứa lo sợ không hiểu ra sao. Họ cung kính thưa rằng:
- Trước đây mấy đêm. Thần bản địa đã báo mộng có người bạn họ Hứa ở Tuy Châu sắp đến thăm, phải sửa soạn đón tiếp giúp đỡ mọi thứ vật dụng hàng ngày. Vì vậy chúng tôi đã chờ từ bấy.
Hứa lấy làm lạ, liền tới miếu làm lễ khấn rằng:
- Từ sau khi chia tay tôi thức ngủ không yên cho nên không dám ngại đường xá, cho tròn hẹn trước. Thần còn báo mộng cho dân, nghĩa tình ấy ghi tạc trong dạ, riêng thẹn lễ vật không có chi đáng kể, chỉ xin có ly rượu này. Ví còn không ghét bỏ, xin lại cùng uống như những đêm cạn chén ở bờ sông.
Hứa khấn xong, đốt vàng đổ rượu. Liền đó, một trận gió nổi lên cuốn lễ vật đi mất. Đêm ấy Hứa nằm mộng thấy Lục lang tới, mũ áo óng ánh khác hẳn ngày trước, vái tạ Hứa rằng:
- Đường xa dặm thẳm, vất vả thăm nhau, thực là khó phân mừng tủi. Tôi nay ở vào chức mọn không tiện giáp mặt, thành ra chỉ trong gang tấc mà như cách trở núi sông thật là buồn dạ. Song đã có dân ấp khoản tặng lễ vật thay tôi đón tiếp. Khi nào trở lại nhà, tôi sẽ xin theo tiễn.
Được vài ngày Hứa muốn về. Dân làng khẩn khoản lưu lại, ân cần ngày đêm thay phiên nhau túc trực khoản đãi. Hứa cố từ tạ trở về. Họ truyền tin cho nhau tranh nhau đến gặp. Chưa tới nửa buổi, vật biếu mang tặng đã đầy túi. Từ người đầu bạc cho đến đứa trẻ để chỏm tụ tập đông nghịt tiễn đưa.
Hứa vừa ra khỏi thôn, một trận gió lốc nổi lên, cuốn theo đến mười dặm. Hứa đứng lại vài dặm mà khấn:
- Lục lang trân trọng quá, đừng phải mất công tiễn nhau xa thế. Lòng thần nhân ái có thể dành phúc cho cả một vùng không cần đến lời dặn dò của cố nhân nữa.
Trận gió còn quanh quất một hồi rồi mới tan đi. Dân làng thấy cũng bàng hoàng quay về. Từ đó gia tư nhà Hứa dần dần dư dật ít nhiều, không phải làm nghề đánh cá sinh sống như trước nữa.
Về sau, khi gặp người huyện Chiêu Viễn, Hứa hỏi thăm. Họ nói vị thần ấy linh thiêng lắm.
Lại có người nói đó chính là thổ thần ở tràng Thạch Thanh ấp Chương Khâu.
Chuyện thực ở đâu chưa rõ.
LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢ
Thanh vân nhẹ bước mà không quên bạn nghèo hèn như thế mới là thần vậy. Ngày nay những kẻ cưỡi xe há có nhớ đến người bạn nón lá xưa cũ.
Quê tôi có người tên là Lâm hạ, nhà nghèo lắm. Có người bạn từ nhỏ nay giàu chức lớn, anh ta muốn đến thăm, cố sức lắm mới chê biện được hành trang, bôn ba hơn nghìn dặm. Đến nơi thất vọng về bạn thù tiếp, anh ta phải dốc túi bán ngựa mới trở về được nhà. Anh em họ hàng làm bài hát đùa rằng:
Tuần trăng đã đến, bác vừa về
Mũ lông đã mất dù che không còn
Hỏi đâu cái nghẽo * gầy mòn
Đôi giày há mõm có còn ở chân?
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch
* cái nghẽo: tiếng lóng chỉ ngựa