Đi qua một ngôi miếu, ông ta thấy một người mù, hình mạo kỳ dị, với cái bảng đề mấy chữ: “Xem đoán mọi điều sâu kín trong lòng” liền nhờ bói một quẻ. Người mù nói: “việc mất vàng phải không?”. Viên châu tá nhận đúng, rồi thuật lại mọi chuyện. Người mù đòi đem cho một cỗ kiệu, rồi bảo:
- Hãy theo ta, sau sẽ hay.
Các sai dịch cùng đi theo cả. Người mù bảo: “Đông!” tất cả theo hướng đông, bảo “Bắc” lại đi theo hướng bắc. Đi năm ngày vào một hang núi sâu, bỗng thấy có thành quách, người ở đông đúc. Vào thành đi một lát, người mù ra lệnh: “Dừng lại!”. Ông ta xuống kiệu, lấy tay chỉ hướng nam dặn:
-“Thấy cái cổng cao phía nam, có thể vào đó để hỏi”, rồi chắp tay bỏ đi.
Viên châu tá theo đúng lời chỉ bảo, quả thấy cổng cao, liền đi vào. Có một người ra, mũ mão chỉnh tề theo kiểu đời Hán, không xưng tên họ. Viên châu tá nói rõ lý do tìm đến. Người ấy bảo:
- Xin lưu lại mấy ngày, ta sẽ cùng ông đến gặp người có liên quan đến chuyện ấy.
Nói rồi dẫn viên châu tá đi theo, xếp ở một buồng riêng, cho ăn uống đầy đủ.
Nhân lúc thư thả, viên châu tá đi dạo về phía sau ngôi nhà thì thấy một cái đình trong vườn, chung quanh tùng già che bóng mặt trời, cỏ non trải phẳng như thảm. Đi theo dãy hành lang đến một cái đình cao. Lần theo từng bậc bước lên, thấy trên vách đá có treo mấy tấm da người còn đủ tai mắt mũi mồm, mùi tanh tưởi nồng nặc, bất giác mà sởn hết gai ốc. Ông ta sợ quá vội quay lại buồng ở, tự nghĩ thôi chuyến này thì xương da phải để lại nơi đất lạ, không hòng gì sống. Song lại nghĩ, tiến hay lùi đều cùng một chết, hãy cố đợi xem thế nào.
Hôm sau cái người áo mũ chỉnh tề ấy lại đến gọi đi, nói: “Hôm nay có thể gặp được”. Rồi ông ta cưỡi ngựa phóng như điên. Viên châu tá cố đi bộ theo. Một lát, đến một cửa dinh như dinh tổng đốc, sai dịch dàn hàng hai bên tả hữu, tư thế nghiêm chỉnh. Người ấy xuống ngựa dẫn viên châu tá vào. Lại qua một cửa nữa, thấy một vị vương giả áo gấm mũ ngọc, ngồi quay hướng nam. Viên châu tá bước lên làm lễ bái yết. Vị vương giả hỏi:
- Nhà ngươi có phải là viên quan áp giải Hồ Nam không?
Viên châu tá thưa phải. Vị vương giả nói:
- Tiền còn đầy đủ đây. Đó là tiền mà quan Tuần nha ngươi khảng khái dâng nộp, chắc chắn là như thế.
Viên châu tá khóc, thưa lại:
- Kỳ hạn đã mãn, trở về sẽ bị gia hình. Việc bẩm bạch với quan trên lấy gì làm chứng cớ?
Vị vương giả nói:
- Điều đó không khó.
Rồi sai mang ra một cái tráp to, bảo rằng:
- Đem cái này về bảo đảm sẽ yên ổn.
Rồi ra lệnh lực sĩ đưa ra.
Viên châu tá sợ quá không dám ho he điều gì nữa, chỉ còn việc nhận tráp mà về. Đường qua núi qua sông tất cả đều khác với đường đi vào. Ra khỏi núi, người đưa đường mới quay trở lại. Vài ngày về đến Trường Sa, viên châu tá trình báo lại hết với quan Tuần. Nhưng quan càng cho là nói càn, nổi giận không cho biện bạch gì nữa, sai tả hữu mang dây ra trói. Viên châu tá vội đưa cái tráp ra. Quan Tuần mở ra xem chưa xong, mặt đã tái như chàm đổ, liền sai cởi trói và bảo:
Tiền bạc là việc nhỏ, hãy cho người lui.
Quan Tuần liền phát lệnh cho các thuộc quan phải lập tức vận chuyển bổ sung. Vài ngày sau quan ốm rồi mất.
Trước đó, quan cùng người thiếp yêu nằm ngủ, đến khi tỉnh dậy thì tóc đã bị cắt hết. Cả nha môn đều kinh sợ, không biết tại sao. Bây giờ trong tráp là mớ tóc ấy. Ngoài ra còn có thư rằng:
- “Nhà ngươi từ khi thành đạt làm quan thú quan lệnh, chức vị cực cao thì của tham ô, quà hối lộ kể sao xiết. Khoản bạc sáu muơi vạn trước đây đã nghiệp dĩ thu vào kho. Hãy nên mở rộng túi tham nộp bổ sung thêm lệ cũ. Còn viên quan áp giải không có tội, không thể xử càn. Trước đây gọt tóc người thiếp để cảnh cáo tí chút, nếu như không tuân lời dạy bảo, sớm muộn sẽ lấy đầu ngươi. Món tóc đưa lại kèm đây có thể làm tin”.Sau khi quan Tuần mất, người nhà mới truyền bức thư ấy. Về sau các thuộc viên sai người đi tìm lại cái xứ kỳ lạ nọ chỉ thấy núi cao lớp lớp, vực sâu thăm thẳm, không có một con đường qua lại nào.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch