Mục lục
Liêu Trai Chí Dị
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

(Mao hồ)

Mã Thiên Vinh, con nhà làm ruộng, ngoài hai mươi tuổi goá vợ, vì nghèo quá không cưới nổi vợ khác.

Một hôm, đi ra thăm ruộng, trông thấy một thiếu phụ, mặc tử tế, xuyên bờ đạp lúa mà đi, mặt đỏ xem có vẻ phong lưu, Mã ngờ là người lạc đường, dòm quanh tứ phía không có ai, bèn chọc ghẹo chơi. Nàng mỉm cười, Mã toan đè ra giao hoan tại đó. Nàng gạt đi:

- Giữa thanh thiên bạch nhật, sao lại làm chuyện bậy bạ như vậy? Anh về nhà trước đi, khép cửa đợi tôi. Trời tối, tôi đến.

Mã không tin lời, nàng thề nguyền nói thật. Mã bèn vẽ đường lối cửa ngõ cho nàng biết, rồi nàng từ giã.

Đêm lại, quả đến, thuận cho giao hoan. Mã thấy mình mẩy nàng mềm nhũn, thắp đèn lên soi, da đỏ và mỏng manh như đứa trẻ sơ sinh lông tơ đầy mình, phải lấy làm lạ. Lại ngờ tông tích nàng vu vơ, tự nghĩ không khéo là chồn, liền thử hỏi đùa xem.

Nàng tự nhận ngay là chồn, không hề chối cãi giấu giếm. Mã nói:

- Đã là tiên nương, hẳn ai cần chi được nấy. Cô đã âu yếm với tôi, sao không cho tôi ít đồng qua cơn nghèo túng?

Nàng nhận lời. Đêm sau tới, Mã hỏi số tiền hứa cho đâu? Nàng làm bộ sửng sốt và nói: “Rủi tôi quên mất rồi”. Chừng sắp ra về, Mã lại nhắc. Đêm tới khi nàng vừa đến, Mã hỏi ngay:

- Món đó cô lại quên nữa chứ gì?

Nàng cười hẹn đến hôm khác.

Cách mấy hôm, Mã lại hỏi. Nàng vừa cười vừa rút trong tay áo ra hai nén bạc, đáng giá năm sáu đồng, hai bên rìa có những khía nhỏ trông xinh đẹp dễ thương. Mã mừng rỡ, cất kĩ trong rương. Chừng nửa năm sau, có việc cần xài bèn lấy ra cho người ta xem và nhờ bán giùm. Người ta nói:

- Đây là chì mà, đâu có phải bạc!

Đưa lên răng cắn thử, bể ngay. Mã sợ quá, vội vàng nhặt lấy về nhà. Đêm nàng đến, Mã gây gổ trách móc đáo để. Nàng cười:

- Mạng anh mỏng manh lắm, không xài được bạc thật đâu.

Thế rồi cười xoà bỏ qua chuyện đó. Mã cũng cười và hỏi:

- Nghe nói giống chồn thành tiên, đều là trang quốc sắc, nhưng nay tôi thấy đâu có phải vậy.

Nàng nói:

- Loài chúng tôi đều tuỳ theo hạng người gặp gỡ mà hoá thân hiện hình. Thứ anh, một đồng bạc còn không có phúc mà hưởng được, thì nhan sắc chim sa cá lặn, làm sao tiêu thụ cho nổi? Tôi xấu xí thế này, vốn không đủ dâng cho hạng thượng lưu, nhưng nếu đem so sánh với tụi chân to lưng gù thì tôi chính là quốc sắc đấy anh ạ!

Qua mấy hôm, nàng bỗng dưng đưa ra ba lượng bạc cho Mã và nói:

- Anh đòi hỏi nhiều phen, tôi suy nghĩ mạng anh không thể có tiền để dành mà cho anh làm chi. Nhưng nay đến kì cưới xin, vậy tôi đem cái giá cưới một con vợ để tặng anh, và xin cùng anh từ giã luôn thể.

Mã bày tỏ mình không hề có chuyện mối manh cưới hỏi gì cả. Nàng nói:

- Trong một hai ngày, sẽ có mụ mối tự đến.

Mã hỏi mặt mày người vợ sắp lấy xấu đẹp thế nào? Nàng đáp:

- Anh khao khát quốc sắc, rồi có quốc sắc cho anh mà!

- Tôi chẳng dám mong tới bực đó, nhưng với ba lượng bạc mua một con vợ sao đủ?

- Chuyện đó ông tơ bà nguyệt đã an bài, không cần ở nhân lực đâu.

- Nhưng tại sao cô vội từ giã tôi?

- Đêm nào tôi cũng dầm sương đội nguyệt mà đến hủ hỉ âm thầm với anh, đâu phải là cuộc lâu dài mãi được. Rồi anh sẽ có vợ anh, còn cầm giữ tôi làm chi?

Sáng hôm sau ra đi lại trao cho Mã một gói thuốc bột, dặn rằng: “Sau khi biệt nhau, e anh lâm bệnh, uống thuốc này thì khỏi”.

Liền ngày hôm sau nàng đi khỏi, quả có mụ mối đến. Mã hỏi nhan sắc người con gái trước hết. Mụ đáp rằng: ở giữa khoảng xấu đẹp. Lại hỏi tiền cưới độ bao nhiêu, mụ trả lời: chỉ độ bốn năm đồng.

Mã tuy không kèo nài về giá tiền đắt rẻ, nhưng chỉ muốn trông thấy người tận mắt cho được chắc ý. Mối tỏ ý lo ngại rằng con nhà tử tế, không chịu vác mặt đến nơi cho mình xem đâu. Nhưng rồi mụ hẹn cùng chàng đi đến nhà gái, sẽ tuỳ cơ liệu tính cho xem mặt cô dâu.

Khi đến làng đó, mối đi vào trước, bảo Mã đứng chờ bên ngoài. Lúc lâu mụ trở ra nói:

- Được rồi, người bà con bên ngoại tôi cùng ở nhà trên, vậy anh giả danh đến thăm bà con tôi. Nhà ngang trước cửa, chỉ cách gang tấc, tha hồ mà dòm.

Mã nghe lời, quả thấy nàng ngồi căn giữa, ngả mình xuống giường để cho người ta gãi lưng. Mã phớt qua, hai mắt ngó chăm thấy mặt mày như lời mối đã tả.

Đến lúc bàn định về khoản cưới, nhà gái không kèo nài gì hết, chỉ cần được một hai lượng, để mua sắm chút ít cho nàng xuất giá, có thế thôi.

Mã còn cò kè bớt một thêm hai, rồi mới nộp tiền, luôn dịp đền ơn mụ làm mai. Khi viết giấy tờ xong, tính ra ba lượng vừa hết, không thừa được xu con nào.

Vài hôm, chọn được ngày lành giờ tốt, đón vợ về nhà. Mã nhìn thấy vợ lưng gù bụng ỏng, cổ rụt như cổ rùa, trông xuống bàn chân to lớn phát sợ. Bấy giờ chàng mới tỉnh ngộ những lời con chồn đã nói là có căn do vậy./.

--- ------ BỔ SUNG THÊM --- ------

Cô Tân thứ mười bốn

( Tân Thập Tứ Nương)

Quảng Bình Phùng sinh người ở khoảng triều Chánh Đức nhà Minh, từ lúc còn nhỏ đã có tính bê tha hay rượu. Một hôm tảng sáng đi chơi tha thẩn, gặp một thiếu nữ trùm vạt áo màu đỏ, nhan sắc cực xinh, có thằng nhỏ theo hầu, xăng xái dầm sương ướt cả giày tất; chàng trông thấy động lòng thầm mơ trộm nhớ.

Chiều tối, say rượu trở về, bên đường vốn có ngôi nhà cũ, sân cỏ rêu mọc đã lâu, chàng bỗng thấy người con gái từ trong chùa ấy đi ra, nhìn lại chính là người đẹp ban sáng.

Nàng chợt thấy chàng đi qua, vội vàng day mình trở vào chùa.

Phùng sinh nghĩ thầm, người dẹp thế kia sao lại ở trong ngôi nhà hoang phế? Lập tức buộc buộc lừa ngoài cổng, rồi theo dõi vào tận chùa dò xem. Vào thấy tường đổ tứ tung, đầy thềm cỏ mọc, còn đương ngần ngừ về sự lui tới, thì một cụ già tóc bạc từ trong đi ra, áo mũ tươm tất sạch sẽ hỏi chàng từ đâu tới.

Chàng nói:

- Tôi thấy ngôi chùa cổ, nên muốn vào coi cho biết. Còn cụ vì sao lại ở trong này?

Cụ già đáp:

- Lão lênh đênh không có chỗ ở, nên phải tạm mượn cảnh chùa cho bầy trẻ ở đỡ. May mắn được ông chiếu cố, xin mời vào uống một chén trà núi để thay ly rượu.

Nói đoạn cụ kính cẩn mời Phùng vào chơi.

Phùng theo vào phía trong điện, tới một căn nhà đường đi lót đá bóng trơ, không thấy rêu phong cỏ mọc đâu cả. Vào trong nhà các thứ màn giường nệm chiếu đều có mùi hương ngào ngạt. Ngồi trò chuyện và hỏi thăm họ tên, cụ già đáp:

- Tôi là lão già Mông họ Tân.

Phùng thừa cơn say, hỏi liền:

- Nghe như cụ có một cô chưa lấy chồng, tôi không xét mình tự nguyện làm rể, mong đài gươong soi đến dấu bèo co được chăng?

Tân lão cười và nói để bàn tính với vợ đã. Phùng cao hứng liền cầm bút viết bài thơ:

Ngàn vàng mua chày ngọc

Ân cần dâng tận tay

Vân Anh nếu đoái tưởng

Giã thuốc hộ nàng ngay.(1)

Ông cụ xem thơ mỉm cười trao cho người nhà xem. Giây lát con hầu ở nhà trong ra nói thầm bên tai Tân lão. Tân lão đứng dậy, yên ủi chàng cố ngồi đợi, rồi cụ vén màn vào trong buồng, nghe văng vẳng cụ nói chuyện một hai câu lại trở ra liền.

Chàng tin chắc có tin lành, chẳng dè cụ ngồi nói những chuyện đâu đâu, không đả động chi tới việc đó, Phùng nhịn không được hỏi phăng:

- Việc đó ra sao, xin cụ dạy bảo cho tôi được yên lòng.

Tân lão nói:

- Cậu vốn là người xuất sắc, lão đem lòng kính mộ đã lâu, khốn nỗi vì có một cớ riêng chẳng dám hở môi đó thôi.

Chàng gạn hỏi cớ gì? Tân lão đáp:

- Con gái lão mười chín đứa mà mười lăm đứa có chồng rồi, việc gả bán thế nào là tự bà lão nhà tôi, chứ tôi không dự đến.

Chàng nói:

- Tiểu sinh chỉ cầu hôn với cô dắt một thằng nhỏ theo hầu, hồi sáng đi dầm sương đó.

Tân lão làm thinh. Hai người lặng lẽ ngó nhau. Nghe trong buồng có tiếng con gái rầm rì, Phùng hãy còn say, tức quá liền vạch màn xông đại vào nói:

- Cầu lấy làm vợ chẳng được, thì cũng phải để cho thấy tận mặt cho được hả lòng với nào!

Bên trong nghe cửa động, cùng đứng dậy nhìn sửng sốt. Trong đám quả có người vận áo đỏ đứng mân mê dải áo, có dáng e lệ. Cả nhà thấy chàng xông vào cùng hoảng hốt kêu lên. Tần lão cả giận sai mấy tên gia nhân lôi cổ chàng ra.

Lúc đó, hơi rượu càng nồng, chàng ngả lăn trong đám cỏ gai, gia nhân liệng gạch theo ngói như mưa, may sao không trúng vào người.

Chàng nằm trong đó một lúc mới tỉnh, nghe rõ con lừa của mình đương gậm cỏ bên đường, bấy giờ mới gượng dậy cưỡi lừa ra đi chập choạng. Trời tối, lạc đường, đi nhầm vào khe núi, những tiếng beo gầm vượn hú, làm cho chàng rợn gáy lạnh mình, ngập ngừng nhìn quanh tứ phía, không nhận ra chỗ này là đâu. Xa trông về phía rừng mù mịt, có ánh đèn thấp thoáng khi tỏ khi mờ, chàng nghĩ bụng chỗ đó tất có làng xóm, liền ra roi phóng lừa chạy tới. Nhìn lên thấy cổng cao lớn, chàng cầm roi gõ cửa. Bên trong có tiếng người hỏi” “Ai đó! Nửa đêm tới đây lảm chi?” Chàng đáp: “ Là kẻ lạc đường xin vào tạm trú”. Người bên trong nói: “Để hỏi chủ nhân đã, sẽ mở”.

Chàng đứng đợi sốt ruột, chợt nghe tiếng then động, cửa mở, một người tớ tráng kiện bước ra, đỡ lấy cương, dắt lừa vào mời chàng vào.

Nhà cửa rất sang trọng, gian giữa thắp sáng trưng. Chàng ngồi giây lát, một người đàn bà ra chào và hỏi họ tên. Chàng nói thật danh tánh của mình. Cách sau một khắc có hai ba con thanh y (con hầu mặc áo xanh) nâng đỡ một bà cụ tiến ra và nói: Quận quân ra đó! (Quận quân là danh từ tôn xưng bà mẹ vợ vua, hay các bà quý phái).

Chàng vội đứng lên, sửa soạn nghiêng mình cúi lạy, nhưng bà cũ ngăn lại, biểu chàng cùng ngồi và hỏi:

- Mi có phải cháu nội Phùng Văn Tử đó chăng?

Bẩm cụ phải ạ!

- Vậy thì mi là cháu gọi già đây bằng cô đây mà! Thân già bấy lâu như cảnh chuông đâm cành lụn, tuổi tác hồ tàn thành ra cách biệt bà con, chẳng tới lui thăm hỏi chi được.

- Thưa cô, con mồ côi từ nhỏ, những bà con đi về thăm nom ông nội, mười phần con không biết một. Cho nên hồi nào tới giờ chưa được hầu chuyện với cô, vậy xin chỉ bảo rõ ràng cho con biết.

- Rồi sau cháu sẽ tự rõ.

Chàng không dám hỏi nữa, ngồi đối diện với bà cụ mà óc tở tưởng ở đâu. Bà cụ lại hỏi:

- Đêm khuya sau cháu lần mò được đến đây?

Chàng muốn thừa dịp khoe mình gan dạ, bèn kể đầu đuôi câu chuyện gặp gõ trong ngày hôm đó. Bà cụ mỉm cười và nói:

- Thế cũng là một việc hay. Huống chi cháu là danh sĩ, sui gia với đám đó cũng xứng. Nhưng con chồn nhà quê lại dám lên mặt tự cao đến thế kia ư? Cháu đừng lo, để ta gọi nó tới đây.

Chàng vâng dạ cảm ơn lia lịa. Bà cụ day lại hỏi kẻ tả hữu:

- Ta không hay có gái nhà họ Tân có đứa nào xinh đẹp như thế à?

- Y có mười chín người con gái cả thảy, người nào cũng xinh xắn có vẻ, nhưng không rõ ngài định hỏi cô thứ mấy?

Chàng đáp cô ấy chừng mười lăm tuổi. Nàng áo xanh nói:

- Vậy thì là cô mười bốn đó. Cách ba hôm trước từng đi với mẹ tới đây chúc thọ Quận quân. Quận quân đã quên rồi sao?

Bà cụ cười:

- Hay con bé kết hột sen thành giày cao gót trong chứa bột thơm, ngoài bọc hàng mỏng mà đi, phải không?

- Thưa phải đó!

- Ừ! Con bé ấy biế làm ra vẻ quyến rũ khéo đáo để, nhưng quả thật có yểu điệu, thằng cháu ta thường đoán không sai tí nào.

Đoạn, bà cụ biểu nàng áo xanh:

- Sai thằng nhỏ đi kêu nói tới đây.

Nàng áo xanh dạ rồi đi liền. Một lát trở vào bẩm rằng:

- Cô Tân mười bốn đã đến.

Liền thấy cô mặc áo đỏ bước vào, cúi lạy bà cụ. Bà kéo dậy và nói:

- Mi sắp làm vợ thằng cháu ta, không nên làm lễ như con đòi đứa ở vậy nữa.

Nàng đứng thẳng mình buông tay, bà cụ vuốt ve mái tóc, rờ đôi bông tai của nàng và hỏi:

- Tân mười bốn, lúc này ở nhà có làm công việc gì không, con?

Nàng khe khẽ đáp:

- Bẩm lúc rảnh con chỉ thêu thùa.

Nói rồi day mặt trông thấy Phùng sinh có vẻ thẹn thùng bối rối. Bà cụ nói:

- Thằng cháu ta đó. Nó dốc lòng cùng con kết duyên sao con lại để nó đi lầm đường, đêm khuya lạc lõng vào khe núi thế này?

Nàng lẳng lặng không nói sao. Bà cụ tiếp:

- Ta sai gọi con tới đây không vì chuyện gì khác hơn là muốn làm mai cho cháu ta đấy thôi.

Nàng vẫn làm thinh.

Bà cụ gọi người nhà sửa soạn quét giường trải nệm để làm lễ thành hôn lập tức. Nàng đỏ mặt nói:

- Xin để cho con về thưa với cha mẹ con đã.

- Ta làm mai cho con thì có chỗ nào sai sót mà lo chứ?

- Quận quân đã dạy, thế nào cha mẹ con cũng phải vân lời chớ đâu dám trái. Nhưng mà liều lĩnh như vậy con dù có chết, không dám phụng mạng đâu.

Bà cụ cười:

- Con bé này chí khí rắn rỏi, không thể ép uổng được, thật xứng đáng làm vợ thằng cháu ta.

Nói xong, bà rút lấy một cái trâm vàng gài trên đầu nàng, trao cho chàng giữ lấy làm tin, bảo chàng về nhà lựa chọn ngày lành giờ tốt thì làm lễ cưới.

Một mặt sai con hầu đưa cô Tân mười bốn về.

Lúc ngha xa xa có tiếng gà gáy, bà cụ hối gia nhân dắt lừa đến tiễn chàng ra đi.

Chàng đi mấy bước, nghoảnh lại chỉ thấy cây cối um tùm, lau sậy lấp mả mà thôi. Chàng định thần giây lát, mới nhớ ra đó là quan thượng thư họ Tiết. Ông này nguyên là em bà nội chàng, cho nên gọi chàng bằng cháu. Lúc đó chàng tự biết mình gặp ma, nhưng không hiểu rõ cô Tân mười bốn là người dính líu thế nào?

Chàng đoái cảnh thở than rồi đi về nhà, thì trong ngoài vắng tanh, hỏi thăm những người ở gần họ nói trong chùa thường thấy chồn tinh xuất hiện. Chàng nghĩ thầm, miễn được vợ đẹp, có phảo là chồn cũng không sao.

Đến ngày lành đã định, chàng sai dọn dẹp quét tước trong nhà ngoài ngõ; người nhà thay phiên nhau túc trực chờ đợi. Mãi tới nửa đêm, còn lặng lẽ chẳng thấy động tĩnh gì, chàng đả chán nản thất vọng.

Giây lát, nghe ồn ào ngoài cổng, chàng vội vàng chạy ra xem thì kiệu hoa đã đến giữa sân, hai thể nữ đang đỡ nàng vào ngồi trong nhà; của hồi môn không có cái chi lạ, chỉ có hai đứa tớ trai khiêng một cái khạp, tục danh là “phúc mãn” làm bằng đất, có khe để bỏ tiền vào mà không moi ra được, khi nào đầy thì đập bể ra, to lớn như cái lu. Chúng đặt lu ấy vào một góc nhà rồi đi ra.

Chàng mừng được vợ đẹp, không ngờ là yêu ma, lấy làm lạ hỏi nàng rằng:

- Bà lão lia chính là người chết thành ma rồi sao cả nhà nàng kiêng sợ và phục tùng quá vậy?

Nàng đáp:

- Quan thượng thư họ Tiết, hiện làm chức Ngũ Do Tuân hoàn sứ, phàm loài chồn quỷ ở quanh miền này mấy trăm dặm đều phải theo hầu. Vì thế ngài có ít ngày giờ về mả đó.

Chàng không quên ơn mai mối cho mình được vợ, nên hôm sau,thân đến trước mả Tiết thượng thư để tế lễ tạ ơn.

Lúc về, thấy hai thị nữ mặc áo xanh, đem tới một cuộn gấm để mừng, vừa nói vừa đặt trên bàn rồi đi. Chàng kể chuyện này lại cho nàng hay. Nàng đem cuộn giấy ra và nói:

- Đây là vật báu của phu nhân đó!

Sở công tử, con một vị quan cũng ở trong miền, thuở nhỏ là bạn đèn sách với chàng, tình khá thân mật. Nay nghe tin mới cưới vợ là chồn tinh, công tử sai đem quà tặng, rồi lại đến nhà chàng uống rượu nói chuyện.

Cách mấy bữa sau, công tử gửi thư mời chàng đến nhà mình uống rượu.

Nàng nghe chuyện, nói riêng với chồng:

- Hôm nọ công tử đến đây, em dòm khe cửa, thấy con người ấy mặt vượn trán gồ, không giao du lâu bền, vậy mình đừn đi!

Chàng nghe lời.

Bữa sau, công tử thân đến nhà chàng trách sự lỗi hẹn hôm qua; nhân dịp đưa khoe bài văn mới làm. Chàng phê bình có vẻ giễu cợt, khiến công tử đỏ mặt ra về.

Chàng vừa cười vừa thuật chuyện cho vợ nghe, nàng tái mặt buồn thảm và nói rằng:

- Con người ấy bụng dạ độc ác giống như sài lang, chớ có chòng ghẹo nó mà khốn. Mình không thèm nghe lời em khuyên bảo, đi rước lấy tai vạ ắt đến nay mai.

Chàng cười và xin lỗi vợ. Về sau, chàng gặp lại công tử liền kiếm lời phỉnh phờ cho công tử mát ruột, nhờ vậy mà chuyện xích mích trước dần dần tiêu tan.

Vừa gặp có kỳ thi ở dinh đốc học, công tử được chấm đậu số một, lấy làm tự đắc, liền bày tiệc rượu để mời chàng đến.

Chàng cố từ. Công tử viết thư ân cần mời thỉnh mãi, chàng mới chịu đến. Khi đến nơi mới rõ là ngày ăn mừng sinh nhật của công tử, quan khách đầy nhà, cỗ bàn sang trọng. Công tử đưa quyển thi ra khoe khoang, chúng đưa nhau tán thưởng.

Rượu được vài tuần, dàn nhạc nổi lên, chủ khách chén tạc chén thù, hết sức vui vẻ. Bỗng dưng công tử nói với chàng:

- Tục ngữ có câu: “Trong trường học không luận văn chương hơn kém”, ngày nay mới rõ câu nói đó nói sai. Kỳ thi hôm rồi, em đậu trên anh chỉ nhờ có mấy câu khởi luận có ý kiến cao hơn của anh một bực đấy thôi.

Công tử nói đoạn, cử tọa hùa theo khen ngợi, Phùng sinh đang say ngà ngà, không sao nhịn được, cất tiếng cười vang và nói:

- Mãi tới ngày nay, anh mới biết văn chương sa sút tới mức ấy ư?

Nghe chàng nói ai nấy xanh mặt. Công tử vừa thẹn, vừa uất, không nói năng gì. Khách khứa lần lượt ra về, chàng cũng lẩn đi. Chàng tỉnh hơi men, lấy làm hối hận, kể hết chuyện thật cho vợ nghe.

Vợ trách:

- Mình thật là chú xã quê mùa. Phàm lời khinh bạc như thế, nói ra với người quân tử thì cái đức của mình thương tổn, nói ra với đứa tiểu nhân thì cái thân của mình nguy hiểm. Tất vạ sắp đến cho chàng, không con xa nữa. Em không nỡ trông thấy cảnh chàng khốn đốn lưu lạc, vậy em xin từ giã nhau từ đây.

Phùng sinh lo sợ khóc vùi tỏ ý ăn năn và cố lưu nàng ở lại, nàng nói:

- Nếu mình muốn cho em lưu lại thì phải hứa chắc với em điều này: Từ giờ trở đi, phải đóng cửa đọc sách, tuyệt hết bạn bè, không được bê tha trà rượu nữa.

Chàng xin y lời.

Cô Tân thứ mười bốn vốn có tính siêng năng cần kiệm, hàng ngày chăm chỉ dệt chiếu, thỉnh thoảng có về thăm gia quyến mình, nhưng đi rồi trở về nội ngày, không từng ở cách đêm bao giờ. Nàng lại xuất tiền ra mua bán kiếm lợi, hễ tiền bạc xài mỗi ngày còn dư, đều bỏ vào trong rương tiết kiệm như trên đã nói.

Ngày ngày chàng đóng cửa ngồi nhà đọc sách, bất cứ ai thăm viếng, nàng cũng bảo gia đinh ra từ tạ không tiếp.

Hôm sau,công tử gửi thư đến, nàng giấu nhẹm không cho chàng hay.

Lại hôm sau nữa chàng phải vào trong thành điếu tang, gặp công tử ở trong nhà đám. Công tử lôi kéo, nài nỉ; chàng kiếm chuyện từ chối, không đi. Công tử sai bồi ngựa cố vực chàng lên lưng ngựa và nắm dây cương kéo đi bằng được mới thôi.

Về đến nhà, công tử liền sai bày tiệc, chàng uống vài chén rồi đứng dậy kiếu từ, công tử một hai nắm giữ, lại gọi mấy cô hầu đàn hát cho vui.

Phùng sinh sẵn tính ngang tàn bấy lâu lại bị giam hãm ở nhà, hơi thấy buồn bực. Nay gặp rượu ngon gái đẹp, đàn ngọt hát hay, bỗng sinh hào hứng trong lòng không còn lo nghĩ gì nữa, cứ việc uống cho say mèm đến nỗi nằm lăn trên bàn tiệc.

Vợ công tử, họ Nguyễn hung dữ và cả ghen rất đỗi, bọn hầu thiếp không dám trang điểm son phấn. Ban ngày hôm đó, một con hầu lẻn vào phòng học công tử. Nguyễn thị bắt được, dùng gậy đánh mãi trên đầu như mưa xối, con hầu bể óc chết liền, xác còn để đó chưa chôn.

Công tử vẫn căm giận Phùng sinh hay chế giễu mình, ngày ngày tìm cách báo thù, bây giờ gặp dịp bèn lập mưu phục rượuc ho chàng uống thực say, để vu hãm chàng vào tội gian dâm cố sát.

Sau khi chàng say rượu ngủ vùi, công tử cho khiêng xác con hầu kia đến bên cạnh rồi khép cửa bỏ đi. Chàng say tới canh năm mới tỉnh, bây giờ mới rõ lại mình ngủ trên ghế, liền đứng dậy đi tìm giường để ngủ thêm một giấc nữa. Bất đồ có vật gì mềm dịu, cản trở bước chân mình, rở xem, té ra là người. Trong ý chàng suy nghĩ có lẽ chủ nhà cho một tiểu đồng nằm bên để trông nom hầu hạ mình; nhưng chàng lại lay gọi và rờ nắn, thì người đó cứng đờ không cục cựa. Chàng cả sợ chạy vụt ra ngoài cửa, kêu la rầm rĩ.

Tôi tớ trong nhà vùng dậy, thắp đèn soi thấy xác con hầu, liền tóm chặt lấy chàng hô hoán lên.

Công tử giả đò hốt hoảng chạy tới, trông thấy cớ sự liền vu cho chàng cưỡng gian sát hại con hầu nhà mình, hô người nhà bắt giải lên Quảng Bình để quan phủ xét xử.

Cách một ngày sau, cô Tân mười bốn mới biết câu chuyện là thế, khóc và nói:

- Từ trước ta đã tiên liệu có ngày hôm nay mà. Rồi đó mỗi ngày nàng gửi tiền bạc và thức ăn vào ngục cho chàng.

Trước mặt quan phủ, chàng nói nói rõ lý lẽ gì có thể giải bày nỗi oan của mình, cho nên sớm chiều bị tra khảo, đánh đập, đến tuột da nát thịt, mình mẩy không còn chỗ nào nguyên lành.

Nàng vào tận trong ngục hỏi thăm. Chàng trông thấy vợ đau đớn nghẹn ngào không thể nói ra.

Nàng biết chồng đã ngã xuống giếng sâu, bèn khuyên chàng đành phải nhận tội, cho khỏi bị tra tấn khổ thân. Chàng khóc lóc và xin nghe lời.

Chốn lao ngục canh gác nghiêm mật, mà nàng lui tới ra vào cách nhau gang tấc chẳng ai ngó thấy.

Hôm đó nàng đi thăm chồng trở về, buồn rầu than thở, đuổi hết tôi tớ ra ngoài, một mình đón cửa ở trong nhà luôn mấy ngày để nghĩ mưu tính kế.

Sau đó mấy hôm, nàng cậy mụ mối, đi mua hộ nàng một người con gái lương gia, tên là Lộc nhi, tuổi vừa đôi tám nhan sắc khá đẹp.

Nàng cùng Lộc nhi ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, yêu mến nâng niu, khác hẳn mọi người trong nhà.

Nói về Phùng sinh nghe lời nàng khuyên bảo, đành chịu nhận tội, quan phủ chiếu luật ngộ sát kết án thắt cổ, tên lão bộc hay tin khóc lóc thảm thiết, hộc tốc chạy về nhà báo tin cho nàng hay, mà không nói ra tiếng.

Nàng nghe với vẻ mặt thản nhiên dường như không thèm để ý.

Thấm thoát đã đến kỳ sửa soạn đem xử những tù phạm tử hình, bấy giờ nàng mới bồn chồn rối rít, ngày đi đêm về, không lúc nào yên nghỉ. Những lúc vắng vẻ thi ngồi than khóc một mình, đến nỗi bỏ ăn quên ngủ.

Một hôm trời nhá nhem tối, con hồ tì ( tức là con chồn thị nữ, lúc nàng còn ở trong mộ Tiết phu nhân rất yêu thương thắm thiết) xăng xái đến nhà, nàng vội vàng đứng lên dắt nó ra chỗ vắng nói chuyện thầm thì một hồi. Rồi thấy nàng tươi cười vui vẻ, trông nom cắt đặt việc nhà bình tĩnh như ngày thường.

Hôm sau tên lão bộc đến thăm, chàng gửi lời từ biệt nương tử vợ chồng vĩnh quyết nhau từ đây. Lão bộc về nhà thuật lại, nàng gật đầu qua loa mà nét mặt không thấy có chút đau thương buồn bã khi nghe chồn sắp bị hành hình. Trái lại nàng lạnh lùng như tuồng không thèm để ý đến chuyện đó.

Gia nhân bàn riêng lén với nhau, cho nàng là người vô tình và quá nhẫm tâm. Bỗng nghe đường sá tuyên truyền tin tức quan Sở ngân dài ( quan chánh án họ Sở, tức là cha ruột Sở công tử) đã bị cách chức, quan án Bình Dương vừa mới phụng chỉ xét lại vụ án Phùng sinh.

Lão bộc nghe tin, hớn hở chạy về báo với bà chủ. Nàng cũng vui mừng lập tức sai lão bộc vào ngục thăm dò, thì chàng đã được thả ra khỏi ngục thất. Thầy trò gặp nhau xiết bao mừng mừng tủi tủi. Giây lát thấy lính áp giải công tử đến dinh; quan án tra hỏi, công tử liền thúc hết thực tình vụ án. Vì đó Phùng sinh được quan tha ngay và cho về nhà.

Chàng về đến nhà trông thấy vợ, bất giác bưng mặt khóc ròng, nàng cũng khóc theo. Chàng khóc chán rồi mừng hớn hở, nhưng không hiểu vì sao vụ án của mình động tới tai hoàng đế, mà khỏi bị chết oan.

Nàng trỏ hồ tì và nói:

- Cứu tinh của chàng là con chồn nhỏ này đây.

Chàng kinh ngạc gạn hỏi mãi, nàng mới kể lại tự sự cho nghe.

Nguyên là hôm trước, nàng sai con hồ tì biến mình đến tận Yên kinh, muốn vào trong cung cấm để kêu hộ chàng. Nhưng cung cấm có thần canh giữ, nó không vào lọt phải lang thang quanh quẩn ở bên hồ ngự của nhà vua luôn mấy tháng không tài nào đến gần thiên tử mà tâu bày oan khúc.

Nó sợ dây dưa hỏng việc, tính trở về bàn mưu định kế với nàng, bỗng nghe tin thiên tử sắp ngự giá đi chơi Đại Đồng, nó liền tới trước giả làm con hát dạo, ở chốn hồng lâu. Thiên tử ngự vào đó chơi, thấy nó sắc đẹp hát hay rất mực yêu chuộng.

Ngài tỏ ý ngờ nó không phải là hạnh người phàm trần sa ngã, bấy giờ nó mới thừa dịp ôm mặt khóc nức nở. Nó liền thưa rằng, quê quán ở tận Quảng Bình con gái sinh viên Phùng mỗ, vì cha bị vu oan và kết án tử hình, cho nên nó bị bán vào chốn hồng lâu, thành ra lưu lạc đến đây.

Thiên tử nghe qua, vẻ mặt sầu thảm, ban cho một trăm lượng vàng trước khi ra đi, lại hỏi cặn kẻ đầu đuôi vụ án, lấy giấy bút ghi chép tên họ. Sau rốt ngài tỏ ý muốn rước nó về cung để chung hưởng phú quý. Nó tâu rằng, chỉ muốn cha con đoàn tụ là vui, chứ không dám mong hưởng giàu sang gì cả. Thiên tử gật đầu ba lời khen ngợi yên ủi rồi mới đi.

Con hồ ly thuật lại câu chuyện rõ ràng thêm cho chàng nghe. Chàng lật đật vái lạy tạ ơn, hai hàng lệ nhỏ ròng ròng.

Vợ chồng sum họp không được bao lâu, một hôm nàng nói với chàng:

- Em không vì tình duyên ràng buộc với chàng thì đâu có chịu lấy cảnh phiền não lâu này. Lúc mình bị bắt giam trong ngục, em ở ngoài bôn tẩu quanh nhà hàng họ thân thuộc, chớ hề có ai đoái hoài bày luôn cho một kế gì. Vì đó nay em chán đời phàm tục; em đả vì mình kén chọn người vợ hiền, còn em thì từ đây xin cùng chàng từ biệt.

Chàng nghe, nhào lăn mà khóc, nàng mới nể lòng ở lại không đi.

Đêm hôm, nàng sai Lộc nhi đến nằm với chàng. Chàng nhất định từ chối.

Sáng đến sau,. tự nhiên thấy nàng kém hẳn dung nhan. Hơn một tháng sau nữa thì da nhăn má hóp, gần như mụ già. Cách nửa năm lại đen thui và lọm khọm chả khác gì bà lão quê. Tuy nhiên, chàng vẫn một lòng kính mến, không hề suy suyễn.

Bấy giờ nàng lại nằng nặc đòi đi, nói rằng: “Nay chàng đã có vợ đẹo ia rồi, còn giữ mụ già xấu xí này làm chi?”

Chàng khóc lóc cầm giữ như trước.

Cách một tháng sau bỗng nàng phát bệnh nguy cấp, bỏ cả ăn uống, chỉ nằm rủ riệt trong buồng. Chàng hầu hạ thuốc men, như đối với cha mẹ. Rước thầy pháp bà đồng về nhà, cúng lễ cũng vô hiệu; nàng tê liệt rồi chết. Chàng đau thương quá, chết giấc mấy phen. Nhờ có số vàng của con hồ tì được vua ban cho ngày trước, chàng làm lễ chôn cất long trọng.

Đám xong mấy hôm, con hồ tì cũng đi nốt.

Chàng bèn lấy Lộc nhi làm vợ, một năm sau, Lộc nhi sinh hạ một lúc hai đứa con trai. Nhưng chàng đi thi khoa nào cũng rớt, mà cảnh nhà ngày càng sa sút nghèo nàn. Vợ chồng không có cách gi mưu sinh, chỉ ngồi nhìn nhau buồn rầu than thở.

Bỗng chàng nhớ lại cái lu bể trong góc nhà, sonh thời cô Tân mười bốn thường hay ném tiền vào đó, chẳng biết có còn hay không? Chàng đến gần xem, thì vò tương chĩnh mắm bày la liệt bên trên, phải vời từng món đi mới đến cái lu, cầm đũa khoắn vào trong nhưng đũa không vào được. Bấy giờ đập lu tan vỡ, thì tiền bạc tuôn ra đầy nhà.

Nhờ đó, chàng đương nghèo lại trở nen no đủ sung sướng.

Về sau, người lão bộc có dịp đi qua núi Thái Hoa, thấy cô Tân mười bốn cưỡi ngựa đi trước, con hồ tì cưỡi lừa theo sau. Nàng trẻ và đẹp y như hồi nào, ân cần thăm hỏi Phùng lang có bình yên hay không. Lại căn dặn lão bộc về nói cho ông chủ biết rằng: Ta đã thành tiên rồi.

Lão bộc vừa nghe dứt lời thì nàng biến mất, không thấy gì nữa.

ĐÀO TRINH NHẤT dịch

(1) Nguyên văn:

Thiên kim cầm ngọc chữ

Ân cần thủ thượng tương

Vân Anh như hữu ý

Thân vị đảo nguyên sương

Bài thơ này lấy sự tích Bùi Hàng thi rớt, về qua Lam Kiều vô quán uống nước, thấy nàng Vân Anh đẹp quá, muốn hỏi làm vợ. Bà mẹ nàng thách cưới một cái chày bằng ngọc, hễ có đem đến thì bà gả con gái cho. Bùi Hàng tìm tiò mua được chày ngọc đem lại, bà cụ dùng chày ấy giã thuốc tiên đơn cho chàng với Vân Anh cùng uống, cả hai cùng thành tiên.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK