Buổi tối, ta đang chong đèn xem sách, còn Ninh vương ngồi bên cạnh đọc thư mà mật thám gửi đến. Sau khi đọc xong, hắn đốt bức thư rồi chống cằm quay sang nhìn ta: “Đến Dương Châu cũng sắp một tháng rồi, nhớ nhà không?”
Ta đang mải tìm kiếm những thông tin về nhiếp hồn thuật trong sách nên chẳng thèm quay đầu: “Không sao, chính sự quan trọng.”
“Yên tâm, sắp được về nhà rồi.” Ninh vương cười nhẹ.
Ta ngẩng đầu nhìn hắn: “Sắp thu lưới rồi à?”
“Ừ.”
“Bọn chúng muốn làm ăn với ngài?”
“Xong xuôi hết rồi.”
“Cái gì?” Ta há hốc miệng: “Ngài…sao ngài lại không đưa ta theo cùng?!”
“Cũng chẳng phải chuyện gì đáng để xem.”
“Nhỡ đâu…nhỡ đâu ta lại thấy được kẻ nào đó quen mặt thì sao…”
“Nàng quên sạch sành sanh rồi, ở đâu ra mà quen mặt.”
Ta giơ ngón tay lên lắc lắc trước mặt hắn: “Đồ không có nghĩa khí.”
Ninh vương đan tay phía sau gáy, cười nhìn ta: “Ta sợ lỡ như xảy ra nguy hiểm.”
“Chẳng lẽ ta lại sợ chút nguy hiểm đó à?”
“Ta sợ.”
Được rồi, ta nói không lại hắn.
Ta ngẫm nghĩ một hồi, cuối cùng lên tiếng: “Thật sự là bọn họ à?”
“Ừ.”
“Vậy…”
“Vẫn chưa đến lúc, phải thu thập chứng cứ trước đã.”
“Ồ.”
Căn phòng rơi vào yên tĩnh.
Một lúc sau, ta gập sách lại, nhìn ngọn nến đang cháy trước mặt, thở dài: “Ta nghĩ…ta biết được người cứu ta là ai rồi.”
Mẫu thân từng nói với ta: “Lúc đôi vợ chồng đó đưa con về nhà, đầu con đã được bôi thuốc cẩn thận. Ta ngửi kỹ thì phát hiện thứ thuốc đó cực kỳ quý giá, không phải là thứ mà người dân bình thường có thể dùng. Ta sai người theo dõi họ một thời gian mới biết bọn họ quả thực chỉ là một đôi vợ chồng làm nghề săn bắt bình thường. Có lẽ bọn họ cũng chỉ nhận tiền rồi làm theo lệnh người khác. Nếu như người đứng phía sau đã cẩn thận như vậy thì có hỏi cũng chẳng tra ra được gì, nên ta cũng không điều tra tiếp.”
“Yên tâm đi”, Ninh vương lên tiếng, “Người cứu nàng là người đàng hoàng.”
Ta biết, từ trước đến giờ ta đều biết, người đó là người rất đàng hoàng.
12.
Hai ngày sau, chúng ta phải về Kinh thành. Đám đệ tử của sơn trang cũng đến lúc phải nghênh đón vị thiếu chủ thật sự. u Dương thiếu chủ không phải là người vô trách nhiệm, nên hắn chắc chắn sẽ không làm trái lại tâm nguyện của cha mình. Một kẻ có tài như vậy cho dù ở lĩnh vực nào cũng sẽ vô cùng xuất chúng. Vốn dĩ muốn diện kiến nhân vật thần bí này một lần nhưng u Dương lão gia lại nói hắn đang bận đi dỗ dành ý trung nhân rồi.
Thôi vậy, có duyên ắt sẽ còn gặp lại.
Ta nhìn y phục trên người mình, khó hiểu lên tiếng: “Sao phải mặc thế này?”
A Tín đắc ý nói: “Thế nào? Đẹp không? Bộ váy này là do ta chọn mãi mới được đấy, điện hạ cũng khen đẹp nữa mà.”
“Nhưng tại sao phải mặc thế này?”
“Bởi vì ta muốn đưa nàng đến một nơi.” Ninh vương bước vào phòng tiếp lời.
“Điện hạ!” A Tín vội chạy đến bên hắn: “A Tín đã sắp xếp đâu vào đấy rồi, bây giờ có thể xuất phát ạ.”
Ninh vương cười vỗ đầu hắn: “Được, A Tín giỏi lắm.”
…
Ninh vương đưa ta đến một nơi có phong cảnh rất đẹp. Nơi đó có một nấm mộ, bên trên chỉ có một tấm bia không đề tên tuổi.
Sau khi thắp nhang, Ninh vương quỳ xuống dập đầu bái lạy. Xong xuôi, hắn đứng dậy, vươn tay sờ lên tấm bia không khắc chữ, giọng nói trầm trầm: “Nghi An, nàng có biết họ là ai không?”
Ta nhìn bóng lưng vững chãi trước mặt, trầm mặc một lúc lâu mới đáp lời: “Ta biết, bọn họ là những đứa con của Thần quốc, là đại anh hùng của Thần quốc.”
Cũng chính là người đã sinh ra Ninh vương.
Ninh vương ra hiệu cho ta ngồi xuống phiến đá gần đó, bản thân cũng đi đến ngồi cạnh ta. Hắn đưa mắt nhìn mặt hồ xa xăm, trên gương mặt lộ ra nét dịu dàng: “Nàng có muốn nghe chuyện của họ không?”
“Muốn.”
…
Nói đến việc dày vò kẻ khác, trên thế gian này có lẽ không ai qua mặt được quốc vương Bắc Ly vừa mới qua đời. Trong thời gian trị vì, ông ta đã ba lần tuyên chiến với Thần quốc chúng ta. Lần đầu tiên là đánh với Tiên hoàng, sau khi Tiên hoàng qua đời lại đánh tiếp hai trận với đương kim Hoàng thượng. Mà trong hai trận chiến này, có một trận diễn ra đúng vào lúc Hoàng thượng vừa lên ngôi, một trận còn lại là khi Hoàng thượng ban hành chính sách mới.
Câu chuyện đó xảy ra vào khoảng thời gian Hoàng thượng mới lên ngôi.
Từ xưa đến nay, tân đế lên ngôi luôn là khoảng thời gian triều đình bất ổn nhất. Bắc Ly muốn nhân cơ hội đó một lần nữa tấn công Thần quốc chúng ta.
Lúc đó, kế hoạch phục hưng Thần quốc của Tiên hoàng mới chỉ có bước đầu khởi sắc, muôn dân bách tính cũng chỉ vừa mới yên ổn không bao lâu. Đánh trận vào lúc này ít nhiều gì cũng sẽ khiến lòng dân hoang mang. Vì để ổn định lòng quân cũng như trấn an bách tính, Hoàng thượng năm đó tuổi còn trẻ nhưng đã thân chinh đến chiến trường, để Vinh Thuần công chúa ở lại kinh thành lo toan việc nước.
Trong khoảng thời gian ở chiến trường, Hoàng thượng gặp được một vị nữ tướng quân. Vì chính sách nam nữ đều có thể tham gia tòng quân của Tiên hoàng nên chiến trường có sự xuất hiện của không ít nữ tướng. Nhưng Hoàng thượng lại chú ý đến vị nữ tướng quân này, bởi vì người đó quá nổi bật.
Vị tướng quân đó tên Diệp Hy, một người con gái rực rỡ tỏa sáng tựa như cái tên của mình. Nghe nói Diệp tướng quân là đệ tử của một cao nhân đã ẩn cư nơi hoang sơn cùng cốc, biết tin vận nước lâm nguy nên đã không ngần ngại lên đường tòng quân.
Ở những năm tháng tuổi trẻ bồng bột lại gặp được một người rực rỡ chói sáng như vậy, rung động là điều không tránh khỏi.
Hoàng thượng đem lòng cảm mến Diệp tướng quân. Mà Diệp tướng quân lại chỉ một lòng hướng về Phó Tử Hoài.
Chuyện gặp gỡ của Diệp Hy và Phó Tử Hoài kể ra cũng rất dài.
Có một lần quân địch bất ngờ tập kích doanh trại, Phó Tử Hoài khi đó chỉ là một tướng quân trẻ tuổi, tất nhiên không đủ quân lực để chống trả. Đúng vào lúc Phó Tử Hoài đang bị mười lấy tên địch bao vây thì một vị nữ tướng quân từ xa cưỡi ngựa xông đến. Nữ tướng quân dùng thanh giáo đỏ rực trong tay kéo Phó Tử Hoài lên ngựa, sau đó mỉm cười nói: “Ngồi cho vững.”
Kể từ đó, trên chiến trường bắt đầu lưu truyền một giai thoại về hai người họ.
Hoàng thượng là một minh quân, tất sẽ không vì lòng riêng mà chia rẽ đôi uyên ương đó.
Bởi vì mối liên kết là Phó Tử Hoài nên Hoàng thượng và Diệp Hy sau đó đã trở thành bằng hữu tốt. Ba người họ thường cùng nhau uống rượu đến khuya, nói những chuyện trên trời dưới biển.
Tuổi trẻ phong nhã hào hoa, không có những cố kị mưu toan, chỉ có tráng chí tuổi trẻ hiên ngang như gió.
Không ai biết trận chiến này còn kéo dài bao lâu, Hoàng thượng quyết định để Phó Tử Hoài và Diệp Hy thành thân ngay trong doanh trại, còn bản thân trở thành người chứng hôn cho hai người họ. Một năm sau đó, Phó Tử Hoài và Diệp Hy sinh được một đứa trẻ. Mà năm đó cũng là năm Bắc Ly và Thần quốc giằng co không dứt, cả hai bên đều tổn thất nghiêm trọng.
Cứ tiếp tục như vậy cũng không phải cách, phía Bắc Ly đề nghị giảng hòa, Thần quốc cũng vui vẻ chấp thuận. Vì vậy, hai nước đều lui binh, chuẩn bị đưa quân đội trở về kinh thành.
Thế nhưng đại tướng quân phía Bắc Ly lại không cam tâm, bởi vì con gái ruột của ông ta đã chết dưới mũi giáo của Diệp Hy. Cho nên ông ta ngoài mặt thì giả vờ nhận lệnh rút quân, nhưng sau lưng lại âm thầm đem theo thân cận của mình tập kích khu vực của Diệp tướng quân, rửa mối hận cho con gái.
Khi đó Diệp Hy vừa mới hạ sinh được một tháng, đứa trẻ còn chưa kịp gần mẹ được mấy ngày thì đã buộc phải chia ly. Diệp Hy yếu ớt dựa vào lòng Phó Tử Hoài, nói với Hoàng thượng: “Thần và Tử Hoài quan điểm bất đồng, cho nên cứ lần lữa mãi đến giờ vẫn chưa chọn được tên cho đứa trẻ.”
Diệp Hy sờ lên mặt đứa trẻ, ánh mắt lưu luyến tiếp tục nói: “Bây giờ thần nghĩ kỹ rồi, đứa trẻ này sẽ tên là Quy Châu, Phó Quy Châu. Thế gian này có vô số người vì những chuyện thân bất do kỷ mà giống như chiếc thuyền không có dây buộc, lang thang phiêu bạt khắp nơi. Thần hy vọng đứa trẻ này sẽ không giống vậy, mong rằng nó sẽ luôn luôn có chốn về của riêng mình. Tử Hoài, lần này huynh không được tranh với ta nữa.”
Phó Tử Hoài ôm chặt lấy Diệp Hy, dịu dàng đáp: “Được, ta không tranh nữa, gọi là Phó Quy Châu.”
Đoạn, Phó Tử Hoài ngước lên nhìn Hoàng thượng: “Sau khi chúng thần đi, Hoàng thượng phải lấy đại cục làm trọng. Đừng vì chút chuyện này mà tiếp tục gây chiến. Hòa bình này là thứ chúng ta khó khăn lắm mới đổi lại được, đừng để cho bách tính phải sống lay lắt trong cảnh lầm than. Cũng không cần phải nhọc công đưa chúng thần về lại kinh thành, xin Hoàng thượng hãy cứ an táng hai người chúng thần tại nơi này. Chúng thần sẵn lòng ở lại nơi đây, canh giữ giang sơn gấm vóc, ngắm nhìn Thần quốc ngày càng phồn vinh. Quê nhà của ta và Diệp Hy đều ở Dương Châu, phiền Hoàng thượng thay chúng thần lập một bia mộ, để đứa trẻ này lớn lên có thể biết đến sự tồn tại của cha mẹ nó. Không cần phải quá phô trương, chỉ cần một tấm bia không tên tuổi là được…”
Hoàng thượng ngồi bên cạnh thi thể hai người bằng hữu tốt nhất của mình suốt cả một đêm dài.
Ngày hôm sau, Hoàng thượng cho người khiêng chiếc quan tài nạm vàng đến.
Ban đầu khi đến chiến trường, Hoàng thượng muốn dùng nó để ổn định lòng quân, cũng như để thể hiện quyết tâm trong cuộc chiến này. Không ngờ rằng, bây giờ người dùng đến nó lại là những người bạn quan trọng nhất của ngài.
Cuối cùng, Hoàng thượng đã chôn cất hai người họ trên một đỉnh núi cao, phóng tầm mắt ra xa có thể thấy được núi sông gấm vóc Thần quốc trải dài vô tận.
Văn võ bá quan từ sớm đã đứng đợi trước cổng thành, nghênh đón vị hoàng đế trẻ tuổi của Thần quốc. Mà trong tay hoàng đế lại ôm một đứa trẻ còn chưa dứt sữa, dõng dạc tuyên bố với quần thần rằng đó là đứa con đầu tiên của ngài, lấy tên Trường Du, phong hiệu Ninh vương, tại đây bố cáo thiên hạ, để người trong thiên hạ ai nấy đều hay.
Không lâu sau đó, Hoàng thượng lập đích nữ của Chu gia làm Hoàng hậu. Chu Hoàng hậu là người hiền lương thục đức, yêu thương Ninh vương như con ruột, tận tâm tận lực mà nuôi nấng.
…
Đợi đến khi Ninh vương kể xong, nước mắt ta đã thấm ướt cả vạt áo. Ninh vương cầm lấy chiếc khăn tay lau nước mắt cho ta, nhẹ giọng hỏi: “Sao lại khóc thế này?”
“Ta đau lòng…”
Ta đau lòng cho hai người họ, đau lòng cho Hoàng thượng, cũng đau lòng cho cả Ninh vương…
Ninh vương vỗ nhẹ lên lưng ta, an ủi: “Nếu vậy thì nàng thay ta đến bái hai người họ một lạy đi.”
Ta gật đầu, đứng dậy đi đến trước bia mộ, dùng những tình cảm chân thành nhất cúi đầu bái lạy.