- Tôi thấy tính ham chơi của cô lại nổi lên rồi thì có, đang đau ốm thế này mà còn muốn đi đâu. Cô thu thập thế này là đang làm mọi chuyện trở lên vòng vèo, rối tung mù hơn đấy. Trung tâm nguồn đã cho cô đủ thông tin để làm nhiệm vụ rồi, cô cứ thích lo bò trắng răng. Cô có biết mất bao lâu để Uyên Ninh hồi phục hoàn toàn không, tận ba tháng lận. Cô nên lo cho bản thân mình làm sao nhanh khỏe lại sẽ giúp ích cho nhiệm vụ hơn đấy.
Uyên Ninh nghe người máy nhắc cũng thấy chí phải, tối nay đến đây e rằng chỉ để mở mang đầu óc chứ không thu thập thêm được thông tin gì. Thôi thì thong thả một ngày rồi bắt tay hành động vào ngày sau.
- Tôi đã biết vì sao nguồn cho cô nhiều hoạt động rồi.
- Vì sao?
- Tham công tiếc việc.
...
- Uyên Ninh, ta thấy em hay lơ đãng từ trưa nay nhiều lắm, em có vấn đề nặng rồi phải không, có nghe rõ ta nói không?
- Em nghe rõ anh Nguyên Sơ nói, em chỉ đang mệt nên có hơi chậm chạp chút thôi.
- Ta có chuyện thắc mắc muốn hỏi em về ngày hôm nay, nhưng thôi. Em hãy về nhà nghỉ ngơi sớm đi.
- Vâng ạ.
- Nhưng ta vẫn muốn hỏi một câu, tại sao em vẫn muốn qua phủ tướng quân dù đang bệnh thế này. Em có thể ở nhà nghỉ ngơi không đến cũng không có vấn đề gì cả.
- Em... muốn đến nhà anh Nguyên Sơ, cảm tạ anh đàng hoàng, cũng lâu lắm rồi em chưa qua nhà anh chơi. Có phải anh thắc mắc chuyện hôm nay về Quỳnh Hoa đúng không ạ.
- Em đã biết Quỳnh Hoa hãm hại mình từ trước rồi đúng không? Với cái lí luận của em ở phủ Thái phó đã không thể chứng minh được Quỳnh Hoa hãm hại mình rồi. Một kế hoạch hãm hại người được chuẩn bị thuận lợi kĩ lưỡng từ đầu, ngay cả ở phủ Thái phó cũng sơ sảy không phát hiện ra, thì người bị hại là em cũng không thể biết được chuyện này. Trừ phi em biết được kế hoạch này từ đầu sẽ xảy ra và xảy ra chính nơi đó.
Uyên Ninh tạm dừng "đơ" một lát, quay ra nói chuyện với người máy:
- Sao Nguyên Sơ tinh thế nhỉ. Tôi bất ngờ vì mình bị lộ trắng trợn như vậy đấy.
- Cô tưởng ai cũng là tên ngốc chỉ tin mỗi cô giống Hạ Đằng à. Mà giờ Hạ Đằng... Mà thôi. Cô không nên để "anh Nguyên Sơ" của cô đợi lâu, kẻo lại gặng hỏi thì không biết nói gì... Còn nữa, lần sau những chuyện thế này cô tự mình nghĩ cách đi, đừng có một tiếng người máy ơi, hai tiếng người máy ơi. Tôi mệt lắm.
...
- Anh Nguyên Sơ, anh đúng là có mắt nhìn tinh tường. Em đã biết được chuyện sẽ Quỳnh Hoa hãm hại mình - Biết trước được kịch bản thì làm sao không biết được - Nhưng em không biết mình sẽ bị hại bằng cách nào, em chỉ nghi ngờ thôi.
- Thế sao em biết mà không phòng tránh, còn để bản thân thành ra thế này.
- ...Em mềm lòng, nghĩ Quỳnh Hoa sẽ không hãm hại mình... cũng không nghĩ người bạn mình chơi từ khi còn bé sẽ ra tay lạnh lùng, vô tình như vậy.
Nếu là Uyên Ninh thì không biết nàng sẽ nói thế nào, nhưng đây chính là cảm giác của Huyền Trang khi đọc và biết được chuyện này.
- Em chắc hẳn tức giận và thất vọng lắm, nhưng ta vẫn phải nói chuyện này. Chuyện gì đã nghi thì đừng dùng, dùng thì đừng nghi. Em đã nghi ngờ Quỳnh Hoa thì đừng nên tin tưởng rằng cô nhóc sẽ không hại mình, chuyện gì cũng vậy, em nên tin tưởng vào bản thân và điều mà mình cảm nhận.
- Vâng ạ, em đã hiểu rồi, cảm tạ anh Nguyên Sơ đã dạy bảo.
Nguyên Sơ nhìn Uyên Ninh một hồi rồi nói tiếp:
- Ta thấy em ngã xuống băng đã thay đổi luôn cả ý thức rồi. Trước đây em luôn lạnh nhạt, không ưa gì ta, còn chê ta già trước mặt cha mẹ và anh của em. Ngay cả ngồi trò chuyện lễ phép hay đến tận nhà cảm tạ ta thế này là chuyện không bao giờ có.
Nguyên Ninh giật thót, đúng vậy, kịch bản gốc đâu có như thế này đâu.
- Vâng ạ, có lẽ ngã xuống băng đầu óc em đã thay đổi rồi, thấy anh Nguyên Sơ không còn khó chịu như trước nữa.
Rồi nàng đứng dậy, chắp tay cúi người xuống trước mặt Nguyên Sơ.
- Nay anh Nguyên Sơ đã cứu em thoát khỏi hồ băng, đó không phải là việc mà những người có mặt tại đó có thể làm và đã làm ngay lập tức giống anh. Em rất cảm kích tấm lòng hiệp nghĩa không ngại rét lạnh nguy hiểm, dù ở đó đều là những người đã có quen biết, thân thuộc với em nhưng không ai như anh, không ngần ngại gì xuống cứu em. Em vẫn chưa có lời cảm tạ anh đàng hoàng, đó là điều em băn khoăn vào hôm nay. Không có anh hiện giờ có lẽ em đã thành cái xác khô cóng rồi, em thật sự rất nể phục, cảm kích và cảm tạ anh đã cứu cái mạng nhỏ này.
- Ta nhận lời cảm tạ từ em, em đã thành tâm thế này thì ta sẽ nhận. Nhưng hãy nghĩ cho bản thân mình đi, trời tối lạnh hơn rồi, sức khỏe mới chính là điều quan trọng. Chỉnh sửa lại y phục chỉnh tề rồi ta dẫn em về. Em đúng là đã thay đổi không chỉ nhận thức mà cả con người luôn rồi.
Tối đó Uyên Ninh về có đúng sau một canh giờ, về nhà đã mệt nhoài nằm xuống là ngủ liền mạch đến sáng.
Nhưng tối đó Phù Ngọc lại không được yên giấc như vậy. Anh ở trong Đô sát viện điều tra, hội họp toàn bộ sổ sách về các quan lại, vương thân quý tộc với các vị đại thần ngự sử, giám sát của Đô ngự sử thâu đêm...
Anh ngồi chôn thân tại án văn đã từ chiều muộn đến tận canh 3 ( từ 23h đến 1h sáng), cả người rã rời, hai mắt đang đau nhức nhìn xuống tài liệu đã mờ dần đi.
Xung quanh phòng họp giám sát ngự sử 15 đạo đang kiểm xét, vạch tội, tham hặc, không khí nghiêm túc, căng thẳng bao trùm, chỉ có tiếng lật giở trang giấy, tiếng mực viết và mài nghiêng mực của cung nhân. Khoảng sau nửa canh giờ (khoảng 1 tiếng) sẽ có người đến đưa giấy mực đến. Ngoài trời tối mịt chỉ nghe thấy tiếng gió thổi rít trên cành cây và lá rơi xào xạc. Phù Ngọc day trán vì đau nhức đầu, hai mắt nhắm chặt đã giăng đầy tơ máu, tư thế ngồi vẫn nghiêm chỉnh quan phục mũ chỉnh tề.
Quan phục mùa đông rộng rãi không khác gì mùa hè, không hề ấm áp, bên trong đã mặc thêm hai chiếc bông dày nhưng vẫn lạnh. Chân đi hài đã lạnh cóng đến tê dại, tay giá buốt giờ cầm bút lông cũng khó mà cầm lên được rồi.
Suốt nửa tháng qua, anh đi giám sát, điều tra, Phù Ngọc một khi đã vào guồng công việc thì như chiếc máy chỉ tập trung làm việc. Anh đến khắp mọi ngóc ngách giám sát trật tự, điều tra nghiêm ngặt các quan viên cấp dưới, những quan nha cặn kẽ xem xét những công trình, đào sông làm đường..., hỏi han cuộc sống, tập tục sinh hoạt thường ngày của người dân...
Đi đến đâu, các quan viên đều sợ anh đến đấy, tiếng lành đồn xa, vị giám sát ngự sử trẻ tuổi làm việc nghiêm minh chặt chẽ, hạ lệnh một tiếng không một quan viên dám làm trái. Đi đến đâu là có chuyện đến đó, các quan tỉnh lộ đều nể sợ.
Anh điều tra vụ việc bạo loạn trong địa phương của mình, sau một hồi tra hỏi đã tìm ra được kẻ chủ mưu nhưng cũng chỉ là con tốt đã chuẩn bị trước. Sự việc ngày càng tệ hơn, nhiều địa phương khác cũng đã xảy ra nổi loạn, không một quan viên nào trong Đô ngự sử dám nghỉ ngơi, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ vụ án, cố gắng tìm ra manh mối, chân tướng đằng sau nhanh nhất.
Cơ chế trong cơ thể đang lên tiếng cảnh báo Phù Ngọc, biểu hiện là những cơn đau nhức quanh bụng và đầu. Anh đã không có một lần nghỉ ngơi tử tế cách đây 1 tuần rồi. Với tình hình hiện tại, tình huống này sẽ còn kéo dài hơn. Phù Ngọc đã quá quen với cường độ làm việc dài đằng đẵng như thế này rồi, nhưng nhiều lúc cơ thể anh vẫn không chịu nổi được sự quá tải, và đôi lúc thần trí không được tỉnh táo vì nghỉ ngơi không đầy đủ.
- Giám sát ngự sử, ngài hãy chợp mắt một lát, ăn chút điểm tâm nhẹ lấy lại tinh thần. Ngài đã thức khuya quá lâu rồi.
Đó là phụ tá riêng của giám sát ngự sử, luôn đi theo Phù Ngọc phụ giúp việc, làm chân sai, sắp xếp sổ sách, giải quyết rắc rối thường ngày và nhắc nhở những việc cần thiết. Ví dụ như ăn ngủ đủ giấc đầy đủ như thế này.
- Ngươi muốn ăn thì hãy lấy mà dùng, nếu không thì sai hạ nhân mang đi. Ta còn phần việc chưa xong, nửa canh giờ sau sẽ xong, lúc đấy hãy mang lên. Còn nữa, lần sau không được tự tiện lên tiếng trong khi các giám sát đang làm việc thế này, rõ chưa.