Đại trướng lặng ngắt như tờ. Chúng tướng lo sợ nơm nớp. Lâu lắm rồi họ mới thấy Đô soái nổi giận lôi đình thế này.
Nguyên nhân thì mọi người biết hết rồi. Thất Vi bộ làm trái với minh kết ký kết năm ngoái, không đợi quân Tống lui về nam, Đại tù trưởng A Lỗ Tạp đã xuất binh Thượng Kinh càn quét các bộ lạc Nữ Chân, giết sạch trai tráng, cướp bóc của cải và phụ nữ.
Nếu bộ lạc Thất Vi vẻn vẹn gấp gáp thôi, Lý Diên Khánh cũng có thể tha thứ cho họ, nhưng trong tổng số ba vạn nữ nhân họ đánh cướp, có hơn bốn nghìn là nữ tử triều Tống quân Kim cướp về từ Hà Bắc.
Một binh Tào tham sự của quân Tống dẫn theo hai mươi người lính đến chỗ bộ lạc Thất Vi thương lượng, yêu cầu bộ lạc Thất Vi trả lại dân nữ triều Tống cho quân Tống, A Lỗ Tạp chẳng những không đồng ý, còn khăng khăng lãnh thổ phía bắc Thượng Kinh đều là cố thổ của Thất Vi, đất đai, của cải, con người nơi đây đều thuộc về họ.
Cuối cùng tướng Tham sự và hai mươi quân Tống bị họ lột sạch quần áo, mà theo họ là “lột da chó”, đuổi ra khỏi doanh trại của Thất Vi.
Nhục nhã thế này sao Lý Diên Khánh không giận sôi lên cho được.
Không đơn giản là bị sỉ nhục thôi, còn vấn đề quan trọng hơn nữa: bộ lạc Thất Vi muốn chiếm thổ địa của nước Kim!
Bấy giờ, Lý Diên Khánh nói với các tướng:
- Vương Quý, Lưu Kỹ, Tào Mãnh, ba người ở lại. Trương Khải nữa. Còn lại quay về nghỉ ngơi đi.
Chúng tướng lui ra. Lưu Kỹ khuyên:
- Xin Đô soái đừng tức giận, ta cứ cho chúng một bài học đắt giá là được!
Lý Diên Khánh lại cười, nói:
- Thật ra ta rất biết ơn người Thất Vi sỉ nhục quân ta, nếu không ta còn chưa biết phải lấy cớ gì giết chúng.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Vương quý giật mình nói:
- Chuyện này, dạy họ biết điều là được, không cần giết sạch đâu.
- Các ngươi không rõ độ nghiêm trọng của sự kiện này rồi! Trước đây đã ký và ghi rõ trong minh ước: các bộ lạc thảo nguyên cướp người xong phải lui về thảo nguyên Mạc Bắc, phần lãnh thổ nước Kim và phía bắc thảo nguyên, bao gồm thổ địa Bắc Hải đều thuộc về Đại Tống ta. A Lỗ Tạp đã ký tên đồng ý trên minh ước, giờ lại công nhiên xé bỏ minh ước, nếu chúng ta không áp dụng thủ đoạn lôi đình đả kích, những tộc thảo nguyên khác cũng sẽ không tuân thủ minh ước. Chỉ có giết sạch chúng, mới mang lại tác dụng đàn áp tốt nhất!
Hồng Lư tự Thiếu khanh Trương Khải nói:
- Dù vậy, cũng phải kịp thời thông báo cho những bộ lạc thảo nguyên còn lại mới được, để tránh hiểu lầm.
Lý Diên Khánh gật gật đầu:
- Đây là nguyên nhân ta muốn ngươi ở lại. Mai ta sẽ phái 5000 kỵ binh hộ tống ngươi qua phủ Lâm Hoàng, nói rõ tình hình với các bộ lạc khác. Không phải Lý Diên Khánh ta trở mặt làm lơ, mà chính bộ lạc Thất Vi đã xâm phạm vào ranh giới cuối cùng của ta, không giết không được.
- Vi thần dã hiểu!
- Ngươi về chuẩn bị đi. Ta sẽ tự tay viết một phong thư để ngươi chuyển cho những bộ lạc đó.
Trương Khải thi lễ lui xuống.
Lý Diên Khánh nói với Lưu Kỹ:
- Ta có một nhiệm vụ đặc biệt giao cho ngươi.
Lưu Kỹ cúi người hành lễ:
- Mời Đô soái phân phó!
Lý Diên Khánh trải một tấm địa đồ thảo nguyên ra, chỉ vào một cái hồ nằm ở góc đông bắc, nói:
- Nơi này là biển Bắc. Vùng thảo nguyên phía nam biển Bắc có vài bộ lạc nhỏ sinh sống. Ngươi mang ba vạn kỵ binh qua đó, giết sạch toàn bộ già trẻ lớn bé ở đó cho ta.
Lưu Kỹ nhất thời váng đầu, không hiểu nguyên do. Lý Diên Khánh thản nhiên nói:
- Năm trước ở núi Chung Nam, ta đã gặp một ẩn sĩ. Người đó nói với ta, sau khi ta diệt Kim, sẽ nảy sinh xung đột với bộ lạc Thất Vi. Những lời người ấy nói nay đã ứng nghiệm. Người ấy còn nói, một trong những bộ lạc nhỏ yếu ở phía nam biển Bắc sẽ có ngày thống nhất thảo nguyên, trở thành mối nguy của Trung Nguyên. Vậy nên, chúng ta phải ra tay trước, diệt trừ mối họa ngầm này, thà giết nhầm ba ngàn người, cũng tuyệt đối không buông tha một kẻ!
Mặc dù Lưu Kỹ có cảm giác Đô soái chắc chắn đang nói bừa, nhưng quân lệnh không thể trái, bèn vội ôm quyền đáp ứng.
Lý Diên Khánh lại nói với Vương Quý và Tào Mãnh:
- Nhiệm vụ tiêu diệt quân Thất Vi giao cho hai ngươi.
…
Trên thực tế, ngay khi Thất Vi vừa xuất binh, Lý Diên Khánh đã được bộ lạc Nãi Man báo tin. Xuất binh là hành động do Thất Vi tự ý quyết định, không liên quan tới các bộ lạc thảo nguyên còn lại.
Cùng thời điểm Thất Vi xuất binh, Lý Diên Khánh đã phái đội trinh sát giám thị mọi hoạt động của bộ lạc này.
Vương Quý và Tào Mãnh suất lĩnh ba vạn bộ binh và ba vạn kỵ binh một đường lên Bắc, chỉ sau năm ngày đã tiếp cận hang ổ của quân Thất Vi, bộ lạc Nữ Chân bị dồn xuống gần sông. Hai trăm năm trước, nơi đây từng thuộc về một bộ lạc quan trọng của Thất Vi, sau bị người Nữ Chân cướp đi.
Ở đây phải nói rõ, bộ binh quân Tống không bắt buộc phải đi bộ, khi tác chiến thì họ áp dụng đội hình bộ binh vậy thôi, chứ hành quân đường dài họ cũng được phép sử dụng sức ngựa thay chân vậy.
Đầu tiên đại quân của Vương Quý hội hợp với một chi trinh sát của quân Tống, được lính trinh sát dẫn đường tìm được trụ sở của quân Thất Vi. 3 vạn quân Thất Vi trú đóng trong một vùng núi hẻo lánh, bốn bề bọc núi, giữa là đất bằn khuôn viên mấy mươi dặm, chung quanh có rừng cây, có sông cung cấp nước, quân Thất Vi dựng mấy nghìn đại trướng trong khu vực này.
Trên đỉnh núi, Vương Quý và Tào Mãnh dõi mắt ra xa hơn 10 dặm quan sát khu vực phía ngoài đại doanh của quân Thất Vi. Một thuộc cấp trinh sát báo cáo:
- Mấy hôm trước bọn chúng ra ngoài đánh cướp, mang về vô số tài phú và nữ nhân, hôm qua tề tụ, có thể ngày mai sẽ lại chia nhau ra ngoài.
- Đại doanh được bố trí thế nào?
Vương Quý hỏi.
- Một nửa phia nam là khu binh sĩ cắm trại, một nửa còn lại là nhà kho, ngựa và nữ nhân bị cướp tới cũng bị nhốt ở đó, có chừng nghìn binh sĩ trông coi.
Vương Quý nhặt một hòn đã lên, vẽ lên đất bùn một vòng tròn, sau đó kẻ một đường thẳng chia vòng tròn làm đôi, xong y cười híp mắt liếc Tào Mãnh:
- Thế nào?
Tào mãnh gật gật đầu.
- Luật cũ, ta phụ trách thống soái kỵ binh.
Vương Quý cười nói:
- Dù sao công lao cũng mỗi người một nửa, chấp ngươi chọn đó!
…
Đêm. Đại doanh quân Thất Vi đèn đuốc sáng trưng, không ngớt tiếng ồn ào, ba vạn binh sĩ đều thỏa sức uống rượu, đất trống bên cạnh đại doanh đốt lửa. Các binh sĩ đang nướng thịt, dầu sôi lách tách. Trong đại trướng thỉnh thoảng lại truyền ra tiếng binh sĩ cười sằng sặc, thi thoảng xen vào đó là tiếng phụ nữ khóc.
Trong rừng cây cách đó vài dặm, ba vạn kỵ binh quân Tông đang chờ thời cơ tới.
- Đô thống, chúng ta giết tới đi!
Có mấy Thống chế trẻ tuổi không kìm được giận, khẽ gắt.
Tào Mãnh quay đầu lườm bọn họ một cái:
- Đây là chiến tranh, không phải chỗ cho ngươi đóng vai anh hùng!
Nhóm người trẻ tuổi đều không dám lên tiếng nữa. Tào Mãnh híp mắt nhìn chằm chằm đại trướng địch. Từng giờ trôi qua, đống lửa dần cháy yếu rồi tắt hẳn. Tiếng cười điên cuồng huyên náo cũng đã biến mất. Đại trướng quân Thất Vi cuối cùng cũng trở về trạng thái yên tĩnh.
Đã đến canh hai. Thời cơ xuất kích đã đến! Tào Mãnh ra lệnh:
- Triệu Vũ!
- Có mạt tướng! Thống chế Triệu Vũ bước ra ôm quyền hành lễ.
- Ngươi dẫn theo bảy ngàn kỵ binh chia cắt tiền doanh và hậu doanh địch, tuyệt không cho phép địch cướp được ngựa ở hậu doanh, trong đó hai ngàn kỵ binh phụ trách tiêu diệt một ngàn binh sĩ canh gác hậu doanh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bắn ra ba hỏa tiễn!
- Ti chức minh bạch!
Triệu Vũ lập tức suât lĩnh bảy ngàn kỵ binh vòng vào đại doanh kẻ địch trong im ắng.
Tào Mãnh lại ra lệnh cho các tướng lĩnh khác:
- Thời cơ xuất chiến đã tới. Một khi tín hiệu xuất hiện, lập tức xuất kích!
Chúng tướng sĩ nghe thế, đều nắm chặt nắm đấm, kích động thay!
Chỉ trong chốc lát, từ hướng địch doanh nổi lên một trận hoảng loạn, tiếp theo là ba mũi tên lửa phóng vọt lên không trung đen kịt.
Tào Mãnh vung chiến đao lên, hét lớn:
- Giết!
Vạn mã bôn đằng, từ rừng cây giết ra ngoài, dũng mãnh tiến tới ba vạn quân Thất Vi đang say ngủ.
Lúc này Vương Quý cũng đã suất lĩnh ba vạn bộ binh vây kín vùng rừng núi hẻo lánh này như thùng sắt, quân địch có mà mơ mới trốn được khỏi vòng vây vững chắc này.
Kỵ binh quân Tống như rồng gầm hổ cuộn xông vào đại doanh, vô tình giết chết những tên lính Thất Vi quân vừa bị đánh thức khỏi giấc ngủ nồng. Đám lính Thất Vi sợ quá, không dám chống cự, gào la chạy trối chết.
Nhưng dưới những lưỡi đao sắc ngọt và trường mâu nhọn hoắc của quân Tống, chúng như lúa mạch trổ đòng, ngã rạp xuống từng hàng từng hàng một, máu thịt văng tung tóe, thây chất đầy đường.
Từ thây cốt, máu tươi đổ ra nhuộm đỏ dòng sông con.
Đại Tù trưởng Thất Vi quân A Lỗ Tạp chạy vọt ra khỏi đại trướng. Lão ta còn tưởng quân Kim đánh tới, liên thanh hô to:
- Ra hậu doanh dắt ngựa!
- Tù trưởng, quân Tống đã chặt đứt đường thông ra hậu doanh của ta, các huynh đệ không qua được, thương vong thảm trọng.
- Quân Tống!
A Lỗ Tạp sợ ngây người. Kẻ đánh tới thế mà là quân Tống. Ah, giờ thì lão hiểu rồi, chỉ e mình đã trở thành tế phẩm giúp Lý Diên Khánh tế cờ chấn nhiếp thảo nguyên.
Giờ khắc này, kiêu ngạo trong lão chẳng còn sót lại, thay vào đó là hối hận tràn đầy. Nếu được cho thêm một cơ hội, lão nguyện xả thân quỳ xuống lạy lọc nhận tội trước mặt Lý Diên Khánh.
Tiếc là không ai cho lão cơ hội. Một đội kỵ binh của Tống quốc chạy nhanh từ khoảng cách vài chục trượng phía trước lão tới gần. Mấy mươi mũi tên đồng loạt phóng tới chỗ lão. A Lỗ Tạp tránh không kịp, bị loạn tiễn bắn xuyên qua cơ thể, đổ xuống đất đánh “rầm”, khí tuyệt bỏ mình.
Quân Tống chặt lấy thủ cấp lão, ghim vào trên mũi thương rồi ngồi trên lưng ngựa, giơ lên cao, phi nước đại loan tin cho mọi người đều nghe và thấy:
- Thủ lĩnh giặc chết rồi! Thủ linh giặc chết rồi!
Binh sĩ bộ lạc Thất Vi tuyệt vọng, nháo nhào quỳ xuống đầu hàng, nhưng vô dụng, Vương Quý và Tào Mãnh đã nhận được lệnh phải giết sạch, không chừa một tên, dùng thủ cấp kẻ địch đến chấn nhiếp các bộ lạc thảo nguyên – đó là kết đắng của kẻ bội ước!
Trời dần hửng sáng. Chiến tranh đã kết thúc. Ba vạn quân Thất Vi bị diệt sạch, trừ hai vạn ba ngàn người chết ngay trong đại doanh, còn coó hơn bảy người chết dưới vòng vây của quân Vương Quý.
Họ đã đốt và chôn xác xuống đất, ba vạn đầu người thì dựng thành “kinh quan trủng” ở Lâm Hoàng để cảnh cáo các bộ lạc thảo nguyên. Chỉ lôi kéo thôi không đủ, làm thế chỉ khuyến khích họ thêm kiêu ngạo, nhất định phải kết hợp giữa cứng rắn thiết huyết và lôi kéo, hai bút cùng vẽ, mới có hiệu quả.
Ba vạn nữ nhân bị bắt nhốt trong mấy trăm đại trướng hoảng sợ run lẩy bẩy. Binh sĩ quân Tống lần lượt trấn an các nàng, đưa các nàng đến Liêu Dương định cư, hoặc gả cho mấy lão binh của quân Tống.
Quay lại hiện tại, hơn bốn nghìn nữ tử triều Tống phát hiện người cứu mình là quân Tống, liền òa khóc chạy ra khỏi trướng, ôm chầm lấy binh sĩ quê nhà khóc như mưa. Phần lớn các nàng bị bắt đi đã nhiều năm, những tưởng không còn hi vọng quay về cố quốc, không ngờ vào lúc các nàng tuyệt vọng nhất lại được nghênh đón quân đội đến từ cố hương.
Quân sĩ nước Tống thấy mấy nghìn tỉ muội khóc thất thanh đầy bi ai như thế, đều lã chã rơi lệ.
Trong mười ngày, quân Tống khải hoàn thu quân, quay về phủ Liêu Dương, còn lại hai bộ lạc Nữ Chân và Bột Hải thì để cho liên quân thảo nguyên xử lý.
Cuộc chiến diệt Kim đã kết thúc khải hoàn chỉ trong vẻn vẹn hai tháng ngắn ngủi. Mấy trăm quan viên theo chân mười vạn quân Tống ngược lên Bắc, bắt đầu tiếp nhận vùng lãnh thổ mới rộng lớn mênh mông, quy hoạch huyện thành, châu phủ mới.
…
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, nhoáng cái đã mười năm trôi qua. Hán hưng năm năm, tài chính triều đình thu vào đạt một trăn bảy mươi triệu quan, Đại Tống quốc thái dân an, cương vực vạn dặm, dân cư đông đúc, Kinh thành Lâm An và Bắc đô Yến Kinh đã xuất hiện đại công phường có số nhân viên cùng làm việc đạt mức ba ngàn người.
Tổng quản sự của Bảo Nghiên Trai, Lý Song thành lập một công xưởng mỹ phẩm có quy mô hơn sáu ngàn người tại phủ Đại Danh, trở thành “Công phường số một Ha Bắc”.
Lý Song chính là tiểu nha hoàn Hỉ Thước năm xưa. Lý Đại Khí thu nàng làm nữ nhi, được Lý Diên Khánh phong làm Huyện chủ, giao cho nàng quản lý tất cả sản nghiệp của Bảo Nghiên Trai. Lý Đại Khí thì đã lui về tuyến hai, chuyên tâm làm báo.
Nhưng công xưởng mỹ phẩm sáu ngàn người vẫn chưa phải công xưởng lớn nhất của Bảo Nghiên Trai.
Công xưởng lớn nhất của Bảo Nghiên Trai là quặng mỏ. Mỏ đồng mỏ bạc của Bảo Nghiên Trai ở phủ châu có tới hai mươi vạn thợ mỏ đang ngày đêm khai thác bạc và đồng thô.
Đây cũng là quặng mỏ tư nhân lớn nhất triều Tống.
Lý Song luôn đi theo giúp Lý Diên Khánh, được đám nhóc xưng là “Hoàng cô”, được bình chọn là thương nhân đứng đầu thiên hạ, chấp chưởng Bảo Nghiên Trai bốn mươi năm, biến Bảo Nghiên Trai thành Đế quốc thương nghiệp đệ nhất thiên hạ.
Mấy hôm nay vịnh Tiền Đường xuất hiện điềm lành. Một tòa cung điện nguy nga tráng lệ xuất hiện trên mặt biển, khiến bách tính cả thành kéo nhau đi quan sát, mười ba nhà báo đều đăng tin điềm lành lên trang đầu, ám chỉ tân đế đăng cơ.
Lúc này Lý Diên Khánh đã giữ chức Nhiếp chính vương mười năm, trong mắt thiên hạ, hắn sớm đã là thiên tử chân chính.
Hoàng tộc Triệu thị đã mất đi đặc quyền và tước vị từ lâu, nhao nhao đổi nghề, hoặc là làm đại thương nhân, hoặc thành đại địa chủ, phân bố khắp các nơi trên lãnh thổ Đại Tống, từ năm trước Hoàng thái tử đã trỏe thành Hoàng tộc duy nhất trong Hoàng cung.
Ngay sau ngày điềm lành xuất hiện, Hình Thái hậu triệu kiến Lý Diên Khánh, song phương cùng đàm luận trong mật thất hơn một canh giờ. Hoàng thái hậu tuyên cáo thiên hạ, Thái tử chính thức thoái vị, từ Nhiếp chính vương Lý Diên Khánh kế thừa đại thống, mười ba Tể tướng Tri Chính đường, bách quan triều đình, quan địa phương các châu phủ, và các tướng lĩnh sôi nổi đăng báo tuyên bố ủng hộ Nhiếp chính vương thượng vị.
Tháng chín, Lý Diên Khánh cử hành lễ đăng cơ tại Tuyên Đức lâu dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của ba nghin giáp sĩ, tiếp nhận sự triều bái của bá quan và mấy mươi vạn bách tính Kinh thành.
Lý Diên Khánh đổi quốc hiệu thành “Chu”, đổi niên hiệu thành năm “Khánh Nguyên”, phong Thái tử tiền triều làm Triệu Quốc công, trường cư Dư Hàng.
Lại phong trưởng tử Lý Phác làm Thái tử, Vương phi Tào thị làm Hoàng hậu, Triệu Phúc Kim – Quý phi, Lý Sư Sư – Thục phi, Hỗ Thanh Nhi – Đức phi, phong Lý Cửu Chân đã nạp mười năm trước làm Hiền phi, những người thiếp còn lại đều được phong làm Tần phi.
Tôn phụ thân Lý Đại Khí làm Thái thượng hoàng, mẫu thân Đinh thị làm Từ Văn Hoàng thái hậu, Dương hậu làm Cảnh Văn Hoàng thái hậu.
Cả mười hai nhi tử của hắn đều được phong Vương.
Lý Diên Khánh tuyên bố đại xá thiên hạ.
Tháng năm năm sau, Lý Diên Khánh phong thiền tại Thái Sơn.
Thấm thoắt lại mười năm trôi qua… Mùa xuân năm nay, Lý Diên Khánh vời Thái tử giám quốc, bản thân tự tay dẫn mười vạn đại quân tuần hành thảo nguyên, tiếp nhận tôn hiệu Thiên Khả Hãn mà các tộc thảo nguyên tiến cống cho hắn.
Một buổi sáng nọ, Lý Diên Khánh suất lĩnh đại quân tới phủ Bắc Hải. Đây là nơi cực Bắc của vương triều Đại Chu, cũng là khu hành chính có diện tích rộng nhất. Tính cả biển Bắc vào, phương viên mấy nghìn dặm xa xôi nơi phương Bắc chính là băng nguyên quanh năm rét lạnh trắng ngần. Toàn phủ có hơn bảy mươi vạn người cư trú, nha phủ đặt ở huyện Bắc Hải, ngoài ra còn bốn huyện thành khác, trong đó huyện thành “Bắc” nhất được gọi là huyện Bắc Cực.
Lý Diên Khánh dừng ngựa trên bờ nam của biển Bắc, nhìn chăm chú ra ngoài khơi xa mênh mông. Nơi này là hồ nước ngọt sâu nhất, và lớn nhất thế giới. Phía bờ đông có một tòa hành cung của hắn.
Phi tử cùng đi tuần Bắc với lý Diên Khánh là Chiêu nghi Tào Kiều Kiều. Nàng đã trở thành mẫu thân của hai hài tử, nhưng dù đã ba mươi tuổi mà mặt hoa vẫn giữ nét hồn nhiên như thuở nào.
- Phu quân, có phải mèo Ba Tư lần trước chàng tặng thiếp được sinh ra ở đây?
Lý Diên Khánh cười ha hả;
- Nơi này không có mèo đâu. Có điều thổ dân ở đây có loại chó rất thú vị, khá là đần nhưng khỏe lắm, biết kéo xe trượt tuyết. Có muốn ta chuẩn bị cho nàng một con không?
- Ta không có thích chó, chàng tìm cho ta hai con mèo kéo xe trượt tuyết thì còn tạm.
Lý Diên Khánh nhịn không được, cười rộ lên:
- Vậy đành khiến nàng thất vọng rồi.
Chọt có mấy người thị vệ chạy như bay đến, cúi người tâu:
- Khởi bẩm Bệ hạ, khởi bẩm Tào Chiêu nghi, hành cung đã sẵn sàng, kính mời quay về nghỉ ngơi ạ.
Lý Diên Khánh gật gật đầu, mới bảo:
- Đi hành cung!
Tinh kỳ phấp phới, tiếng kèn vang vọng khắp trời, đại quân trùng trùng điệp điệp đi về hướng hành cung.