• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mấy đêm mưa xuân trôi qua, trời trong, cảnh xuân ôn hòa.

Có Trần Trưng ở trong phủ “nội ứng ngoại hợp”, Trần Nhu có thể bí mật hoạt động, mấy tiểu nha hoàn như Nhạn Thư cũng không đi theo, một mình nàng đi cùng huynh trưởng ra khỏi phủ.

Trong xe ngựa, Trần Nhu đã thay một bộ y phục cưỡi ngựa màu đỏ thắm, đi giày ủng màu nâu, trên cánh tay cột bao cổ tay da thuộc, mái tóc dài được cột lên cao như kiểu đuôi ngựa, so với bình thường thì bộ trang phục này đã khiến khí chất oai hùng hiên ngang trong nàng tăng vọt hẳn lên.

Nang nhìn gương một lúc lâu, nghĩ thầm, không cần thay đổi gì nữa đâu, chỉ e rằng, bây giờ sẽ không còn ai nhận ra nàng là Thất cô nương của Trần phủ nữa.

Cách ăn mặc gọn gàng nhanh nhẹn này khiến nàng cảm thấy nhiệt huyết trong mình sục sôi mãnh liệt.

Thậm chí, lòng nàng còn thấy nhộn nhạo, vài câu thơ rất chi là hào hiệp, phóng khoáng như nảy ra khỏi đầu nàng:

… Mười bước giết một người, ngàn dặm không đi xa.

… Cả sảnh ba nghìn khách say vì hoa, một kiếm sương hàn quét mười bốn châu.

Cho dù thân là tiểu thư khuê các, thì trong lòng cũng có vài phần dã tâm hiệp nghĩa.

Tuy bản thân nàng thuộc kiểu “tay trói gà không chặt”.

“Tiểu Thất, vẫn chưa thay xong à?” Trần Trưng bên ngoài lên tiếng dò hỏi.

Trần Nhu vén rèm, thò một cái đầu ra, tóc dài chảy xuống theo gương mặt nàng, nàng chớp mắt tinh nghịch với Trần Trưng: “Ca, muội cũng muốn treo cái đó lên eo…”

Trần Trưng bất đắc dĩ lắc đầu, trong mắt huynh ấy mang theo ý cười, thần sắc dung túng, đưa một thứ cho Trần Nhu.

Bên eo Trần Nhu kẹp một con dao găm nhỏ.

“Ca, huynh nói xem, có nên giấu thêm một thanh kiếm ngắn ở trong giày không?”

Trần Trưng dở khóc dở cười: “Tiểu Thất, muội nghĩ hôm nay chúng ta đi làm việc gì?”

“Trong thoại bản viết như vậy mà.”

Là một đại tiểu thư theo khuôn phép cũ mười mấy năm nay, đây là lần đầu tiên nàng có cơ hội làm ra chuyện như thế này, muốn nàng không kích động cũng khó.

“Nha đầu ngốc nghếch này, thoại bản là thoại bản, hôm nay chúng ta tới học cưỡi ngựa, đừng bày vẽ thêm chuyện gì khác cho ca.”

Trần Trưng bật cười, thấy nàng hưng phấn đến vậy, huynh ấy vừa thấy lo lắng mà cũng vừa thấy yên tâm.

Tuy không biết quyết định hôm nay của mình là đúng hay sai, nhưng ít nhất thì hôm nay muội muội hoạt bát hơn nhiều so với những lúc bình thường.

Xe ngựa Hầu phủ đã tới đón, Trần Trưng giao muội muội mình cho Thích Nhung, để chàng dẫn Trần Nhu ra khỏi thành.

“Ca ca còn có công việc phải làm, đi trước đây, muội phải nghe lời tiểu Hầu gia đấy.”

“Thích Nhung, giúp ta chăm sóc muội ấy thật tốt.”

Thích Nhung đáp rồi chui vào xe ngựa, người của chàng lái xe ra khỏi cổng thành.

Bởi vì là xe ngựa của Hầu phủ nên trên đường không có ai ngăn cản, chàng dẫn Trần Nhu ra khỏi thành một cách thuận lợi.

Trong xe ngựa, từ khi Thích Nhung bước vào trong thùng xe, thì cái gọi là “hào khí mười bước giết một người, ngàn dặm không đi xa” trong Trần Nhu tan biến sạch sẽ, hầu như không còn lại gì, nàng thành thành thật thật rụt người vào trong một góc, trông y như một con chim cút nhỏ vậy.

Bây giờ nàng vẫn còn nhớ rõ như in cái dáng vẻ hung dữ khi rời đi của Thích Nhung mấy ngày trước.

Nàng không biết nên mở miệng nói gì cho phải, vì thế nên cũng giận dỗi không nói năng gì.

Thích Nhung ngồi nhắm mắt dưỡng thần, cũng không chủ động mở miệng nói chuyện với nàng, khiến lòng Trần Nhu bất ổn không thôi.

Ban đầu nàng còn cho rằng chàng sẽ hỏi chuyện của mấy ngày hôm trước.

Lại không ngờ rằng, chàng không hề nói bất kỳ một câu nào cả, chàng cũng không hỏi nàng – dù chỉ là một câu.

Chó Thích Nhung.

Hôm nay chàng mặc cả một cây màu đen, trừ đai ngọc bên hông và bao cổ tay màu nâu ra thì toàn thân đều đen như mực, không hề khoa trương như ngày thường, ấy thế mà trông chàng lại có thêm vài phần lạnh lùng.

Vừa nãy, lúc hai người nhìn thấy đối phương, đôi bên đều thấy hơi sửng sốt.

Trần Nhu nghi ngờ cái tên này mặc nguyên một bộ đồ đen như thế hòng thể hiện sự không vui cho nàng thấy.

Nàng thầm lẩm bẩm trong lòng, cho rằng, mình sợ chàng không phải vì mình nhát gan, chỉ là xuất phát từ một số thói quen nho nhỏ mà thôi.

Trần Nhu nhắm mắt, nàng dựa vào cạnh cửa sổ, hôm nay nàng phải dậy sớm, lúc ra ngoài thì hưng phấn quá độ, bây giờ lại yên tĩnh ngồi yên trong xe ngựa, xe ngựa lắc lư đi về phía trước, nàng thấy hơi buồn ngủ.

Vì thế, nàng ngả đầu ngủ mất.

Thích Nhung – người đang nhắm mắt dưỡng thần từ nãy tới giờ, mà bây giờ lại mở to mắt ra, chàng lẳng lặng nhìn dung nhan điềm đạm lúc ngủ của nàng một lát, khóe miệng gợn lên một nụ cười nhẹ không dễ phát hiện.

Khi Trần Nhu tỉnh lại, nàng phát hiện mình đã tới một giao lộ đầy hoa đào, dưới tàng cây có cột mấy con tuấn mã, bên cạnh là một cái lều gỗ nhỏ, có người đang cho chúng ăn cỏ khô.

Không cần nghĩ nhiều, nhất định là Thích Nhung đã sắp xếp người và nơi chốn xong xuôi hết rồi.

Thích Nhung chọn cho nàng một con ngựa mẹ dịu ngoan màu trắng, Trần Nhu ngồi trên lưng ngựa, lúc chưa lên ngựa thì nàng vừa thấp thỏm vừa hoảng loạn, còn khi đã ngồi trên lưng ngựa, nàng lại cảm thấy cả người nhẹ nhàng, thoắt cái cảnh vật trước mắt đã trở nên khác biệt.

Ở trên lưng ngựa cảm nhận được gió thổi nhanh hơn một chút, thổi đến nỗi làm cho đuôi tóc đằng sau đầu nàng tung bay, mùi hương mà chóp mũi ngửi được cũng không giống bình thường, đó là một mùi hoa cỏ cực kỳ tươi mát.

Khác xa so với hương mai trên người nàng.

Mùi hoa trong gió hơi lạnh, nàng rất thích.

Ngồi trên lưng ngựa, nhìn một mảng ruộng động trước mắt, nàng như được rũ bỏ hết tất cả “hành lý” trên người mình xuống, tâm trạng cũng tốt lên theo.

Thích Nhung là một lão sư [*] giỏi, chàng không nói quá nhiều, cũng không nói quá ít, chàng chỉ đứng bên cạnh chỉ dẫn cho nàng chứ không cao giọng lên mà dạy dỗ nàng.

[*] Lão sư: thầy (cô) giáo.

Cũng không biết có phải vì cảnh xuân hôm nay quá đỗi ấm áp hay không, mà nàng cảm thấy Thích Nhung đã trở nên dịu dàng hơn rất nhiều.

Trần Nhu ngồi trên lưng ngựa, từ trên cao nhìn xuống Thích Nhung ở đằng trước, bỗng dưng gan cũng to hơn, chủ động hỏi chàng: “Tiểu Hầu gia, sao huynh lại đồng ý với ca ca ta là sẽ tới dạy ta cưỡi ngựa thế?”

“Ba bảng chữ mẫu.”

“À.” Trần Nhu nghĩ, thì ra đây là cái gọi là “chiều theo sở thích”.

“Ca ca ta nói thuật cưỡi ngựa của huynh đứng hàng đầu, huynh tới dạy ta cưỡi ngựa, có phải huynh cũng cảm thấy mình đang “dùng dao mổ trâu để giết gà” không?”

Tuy trên danh nghĩa là “dạy cưỡi ngựa”, nhưng trên thực tế, Trần Nhu cũng hiểu, Thích Nhung chỉ là người mà ca ca mời tới để trông chừng nàng, căn bản là nàng sẽ không học được bao nhiêu thứ, cũng không thể học, cùng lắm là cho nàng nếm thử chút “hương vị” khi được ngồi trên lưng ngựa một lúc mà thôi.

Dù là Thích Nhung hay là ca ca nàng, thì họ đều sẽ không chấp nhận, không cho phép nàng cưỡi ngựa một mình chạy băng băng.

Con ngựa trắng này đi lộc cộc chậm rì rì, còn chậm hơn cả khi nàng khảy dây đàn tỳ bà nữa.

Thích Nhung cười thành tiếng: “Muội cũng tự hiểu lấy mình đấy.”

Ngoài miệng thì nói vậy, trong lòng chàng lại nghĩ thầm:

… Có khi dao mổ trâu cũng muốn giết gà.

“Tiểu Hầu gia, huynh có mang cung tên không? Núi này có thỏ không? Huynh có muốn dạy ta bắn tên săn thú không? Chúng ta có thể nhóm lửa ngoài trời không? Có cần nhặt củi không? Ta có thể bắn thỏ không? Ta muốn làm thật nhiều, thật nhiều việc mà trước kia ta chưa từng được làm…”

Cưỡi trên lưng ngựa, trong đầu Trần Nhu chỉ toàn là những chuyện mới mẻ trước kia nàng từng được nghe chứ chưa làm thử bao giờ.

Không chỉ có mấy việc như nhóm lửa, bắn thỏ mà nàng vừa nói, còn có cả khói sa mạc lửng lơ lên thẳng, mặt trời tròn tròn lặn xuống sông dài, ánh trăng xanh trên hoang mạc rộng, cát vàng trải dài mênh mông, rượu bồ đào ngon trong chén dạ quang, ả đào người Hồ đàn tỳ bà…

Thích Nhung nhàn nhạt nói: “Chỉ e là muội nằm mơ thì nó sẽ tới nhanh hơn đấy.”

Một chậu nước lạnh tạt xuống đầu.

Trần Nhu trợn mắt nhìn chàng ta, nghĩ thầm: Mình rất muốn đánh huynh ấy!

Chỉ là, nàng không dám.

Ngay phía trước có một đài ngắm cảnh không một bóng người, Trần Nhu điều khiển Thích Nhung đưa nàng và ngựa qua bên đó: “Ta muốn đi ngắm cái đó!”

Thích Nhung nghe lời làm theo, trong lòng Trần Nhu thầm thấy sung sướng, nghĩ bụng, ra lệnh cho tiểu Hầu gia cũng làm cho người ta thấy vui vẻ ghê.

Cưỡi ngựa trắng đi chậm rì rì từ nãy tới giờ cũng không thú vị cho lắm.

Trần Nhu xuống ngựa, bước lên đài ngắm cảnh cùng Thích Nhung.

Từ trên cao nhìn ra phía xa xa, non sông trước mắt như được thu hết vào đáy mắt.

Phía trước là cả cánh rừng đào đỏ thắm, thi thoảng xen lẫn vài cây hoa hạnh, còn có thể trông thấy khói lửa nhà dân ở nơi xa xôi, xa hơn nữa là dãy núi trải dài, sóng mây quay cuồng, trời và đất như nối liền lại với nhau.

Trần Nhu nhìn con ngựa trắng dưới tàng cây, như chợt nghĩ tới điều gì đó, nàng lẩm bẩm: “Nhìn nhau trên ngựa sau tường, một lần gặp gỡ lòng hoài vấn vương.”

Trước kia chưa từng lên đài ngắm cảnh, nhưng đã từng lên lầu cao của thành Trường An, đưa tiễn đại quân xuất chinh, nghênh đón tướng sĩ chiến thắng trở về.

Nàng quay đầu nhìn Thích Nhung đứng ngay bên cạnh, thấy góc nghiêng lạnh lùng của chàng, mày kiếm như kéo dài đến tóc mai, khuôn mặt tuấn mỹ không ai sánh bằng khiến người ta hoa mắt vì si mê.

Thích Nhung nhíu mày nói: “Dâm từ diễm khúc thì nhớ được không ít, đọc nốt luôn đoạn còn lại đi, phát triển trí nhớ.”

“Đầu tường trên ngựa” là một câu chuyện xưa viết về một nữ tử bỏ trốn cùng người khác đến nỗi đưa lầm cả đời mình, dùng để cảnh cáo người đời sau.

Trần Nhu giận chàng: “Tiểu Hầu gia, huynh còn biết đoạn phía sau là gì luôn đấy à, chỉ e là huynh cũng từng nghe khá nhiều dâm từ diễm khúc gì gì đó rồi nhỉ.”

Dứt lời, Trần Nhu xuống khỏi đài ngắm cảnh.

Khi đi xuống, trong lòng nàng còn đang nghĩ: “Vì ân một ngày của quân, lỡ làng thân thiếp cả đời bơ vơ [*].”

[*] Cả bốn câu thơ trên thuộc bài thơ “Tỉnh để dẫn ngân bình” (kéo bình bạc dưới đáy giếng) của Bạch Cư Dị.

Nàng quay đầu nhìn về phía Thích Nhung.

Chàng đã trao nàng bao nhiêu ân nghĩa?

Ngày xuân, trong núi hoang có vô số hoa dại bung nở, Trần Nhu tự hái được kha khá, khác với mấy đóa mẫu đơn, thược dược mà nàng tỉ mẫn chăm bẵm trong viện, đám hoa dại đó không hề đẹp đẽ như thế.

Thích Nhung đã sai người nhóm lửa, nướng thỏ.

Tuy Trần Nhu không thể cưỡi ngựa, bắn thỏ, nhưng cố lắm thì cũng được ăn thỏ nướng.

Nàng cắn một phát lên đùi thỏ, thầm nghĩ, đúng là tên đàn ông khẩu thị tâm phi.

Vì nàng được ăn chân thỏ nên cũng bắt đầu dũng cảm hơn, vì vậy Trần Nhu nói: “Tiểu Hầu gia, huynh đã từng nghe đến câu thơ này hay chưa… Gió xuân phơi phới phi vó ngựa, một ngày ngắm hết Trường An hoa.”

Thích Nhung nhướng mày nhìn nàng, mang ý là: Muội lại muốn làm chuyện xấu gì nữa đây?

“Muội muốn cưỡi ngựa chạy xuyên thành Trường An.”

Lần này, khi nghe thấy câu mà nàng vừa nói xong, Thích Nhung lại không bực mình, mà chàng chỉ nói một câu không mặn không nhạt: “Biết vì sao ca ca muội không tự dạy muội cưỡi ngựa không?”

Trần Nhu: “… Vì sao thế?”

“Hắn nói hắn mềm lòng.”

Nghĩa chuyển của câu nói này là ta cứng lòng lắm.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK