• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Cũng đã vài ngày sau hôm đi phát hình ấy, nhưng sao vẫn chưa ai gọi điện đến bệnh viện hỏi thăm về tụi nhỏ. Tú sốt ruột, và cũng có chút thất vọng. Đã có nhiều hy vọng và rất nôn nao về dự án này, nhưng kết quả lại không như mong đợi.

Bởi người ta thường nói, mình càng trông mong điều gì thì thất vọng sẽ càng cao.

Cũng như việc Tú trông chờ Nhi gọi điện cho mình để trò chuyện chẳng hạn. Ngày nào không thấy gọi thì Tú đều có phần hụt hẫng.

Mà từ hôm đó đến giờ cả hai chẳng ai liên lạc với nhau.

Lần trước ở bãi biển cứ tưởng đã có chút tiến triển nhưng bây giờ cứ như nó đang đi ngược lại.

Một vị khách bước vào bệnh viện với một con chó Phú Quốc màu đen tuyền cần được triệt sản. Bỏ qua hết những suy nghĩ vừa rồi, Tú bắt tay vào làm việc.

Mà phẫu thuật xong rồi Tú lại cầm điện thoại nhìn vào tấm hình chụp ở bữa tiệc hôm ấy. Tú nhớ Nhi. Chỉ có mỗi tấm hình này mà ngày nào Tú cũng xem. Tú chưa dám hỏi Nhi gửi tấm hình ở bãi biển cho mình vì ngại.

Đôi lúc Tú cũng không hiểu mình muốn gì nữa. Nhiều khi muốn âm thầm, nhưng nhiều khi cũng muốn làm mọi việc cho Nhi hiểu được ý của mình. Có lúc mọi thứ đến rất tự nhiên, mà cũng có lúc tự dưng gượng gạo không biết phải ứng xử như thế nào.

Một đống cảm xúc rối rắm mà thần tình yêu mang tặng Tú.

Tú vào phòng ngồi chơi với tụi nhỏ. Tụi nó vẫn vô tư. Có mấy đứa chạy quanh Tú, có mấy đứa lại nằm gần. Mấy con mèo lần trước Tú chăm nay cũng đã lớn hơn nhiều, lại còn rất tinh nghịch.

Đang giỡn với tụi nhỏ thì điện thoại Tú rung lên một cái.

Điện thoại rung một, Tú run mười.

Nhưng mà là tin nhắn từ một số lạ.

Chào bạn, hôm nay mình được xem hình mấy bé chó mèo mà bạn gửi ở quán. Mình thích bé chó trắng mã số 3. Không biết có ai nhận nuôi bé chưa bạn?

Đọc xong Tú liền thấy phấn khởi. Trả lời ngay cho người này, Tú báo rằng bé này vẫn chưa có ai nhận nuôi, có thể đến bệnh viện để xem bé.

Đến chiều, người đó dẫn thêm một người bạn nữa đến xem tụi nhỏ. Hỏi thăm qua thì Tú biết được người này muốn tìm một bé về làm bạn với bé đã có ở nhà. Người bạn đi theo cũng có ý định xin một bé mèo về bầu bạn với mình. Sau hơn nửa tiếng tìm hiểu, họ quyết định nhận nuôi một bé chó trắng và một bé mèo mướp. Đóng xong phí nhận nuôi và nghe Tú dặn dò, họ ôm hai bé ra về.

Tú mong từ đây hai đứa sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Thấy cũng nên báo với Nhi về việc này, Tú lấy điện thoại gọi cho Nhi. Sau vài tiếng reo thì Nhi bắt máy. Tú nghe tiếng ồn ào từ đằng xa như là Nhi đang ở ngoài đường.

“Chào Tú. Có gì không Tú?”

“À...gọi điện muốn báo cho em biết rằng vừa có hai người đến nhận hai đứa rồi.”

“Thật ư? Chúc mừng Tú nhé.” Nhi nói mừng rỡ.

“Mấy hôm không nghe gì, Tú cứ tưởng thất bại rồi chứ.”

“Ông trời sẽ không phụ lòng người mà.”

Tú định hỏi Nhi đang làm gì thì đột nhiên nghe được giọng ai đó hỏi Nhi. Là giọng của một người con trai.

“Mua cái này nhé. Cái này được này.” Người đó nói.

Tú đoán Nhi đang đi với Đăng.

“Tú à, có gì mình nói chuyện sau Tú nhé. Em đang đi mua đồ một chút.” Nhi nói với Tú. À ừ vài câu, Tú tắt cuộc gọi để không làm phiền đến Nhi.

Tú ghét cái cảm giác mình đang có bây giờ. Rõ ràng không có quyền buồn mà vẫn cứ thấy buồn. Tự dưng trở thành người nhạy cảm. Người ta có quyền đi đâu đó với người khác. Cuộc sống của người ta không phải xoay quanh mày đâu Tú. Tú nói với chính mình. Chỉ tự mày cho người ta đi vào cuộc sống của mình quá nhiều thôi.

Nhưng mà Tú biết sợ. Tú sợ cái một phần trăm ấy nó sẽ xuống thành không phần trăm mất.

***

An Yên ngồi tô màu ở bàn ăn đợi mẹ về. Hôm nay bà gọi thầy qua nhà ăn tối rồi bỗng bảo thầy với mẹ đi mua cho bà cái gì đó. Bà không cho An Yên theo nên An Yên phải ở nhà tô đi tô lại quả táo màu đỏ trong tập tô màu.

An Yên không hiểu sao dạo này bà lại hay mời thầy Đăng đến nhà ăn đến thế. Con bé tưởng chỉ cần gặp thầy vào hai ngày trong tuần thôi, nhưng bây giờ lại gặp thầy nhiều hơn vậy. Gặp thầy còn nhiều hơn gặp Tú.

An Yên nhớ Tú.

Rồi con bé chợt nhớ ra một điều.

Con bé có số điện thoại của Tú.

Có hôm đi học về, con bé đã nài nỉ xin mẹ viết số điện thoại của Tú vào một tờ giấy để con bé có thể tự mình gọi điện hỏi thăm Nguyệt. Có điều chưa kịp gọi lần nào thì Nguyệt đã được về nhà mới.

An Yên chạy lên phòng và mở hộc bàn của mình ra để tìm tờ giấy hôm đó mẹ viết. Tìm thấy được, con bé chạy xuống lầu và đến bên cái điện thoại bàn được để cạnh chiếc đàn piano. Nhìn vào tờ giấy, mẹ đã ghi mười số thật to để An Yên có thể đọc được.

Con bé bấm theo từng số trên tờ giấy.

“Con gọi ai vậy An Yên?” Bà ngồi đọc báo và thắc mắc con bé cần gọi cho ai.

“An Yên gọi cho bác sĩ Tú ạ.”

Bà nhướng mày, có vẻ bất ngờ nhưng rồi cũng để cho con bé làm gì thì làm.

Tú bắt máy sau một hồi chuông đổ.

“A lô?” Tú lên tiếng.

An Yên cười khúc khích.

“Dạ xin lỗi ai đó?” Tú hỏi.

“An Yên ạ.” Con bé thông báo.

“An Yên sao? An Yên gọi vào bằng số của ai vậy?”

“An Yên gọi từ nhà ạ. Tú ơi, Tú nói chuyện với An Yên nha.”

“An Yên muốn nói gì với Tú sao?”

Con bé thở một hơi dài. “Mẹ đi với thầy nữa rồi Tú ạ. An Yên không được đi theo.”

“Tú biết rồi.” Vì lúc nãy Tú cũng có gọi cho Nhi mà. “Chắc mẹ sẽ mau về thôi, An Yên.”

“Giờ này chưa về nữa Tú ạ. Dễ giận quá.”

Tú cười vì cách nói chuyện của con bé. “An Yên đừng giận mẹ. Chắc là do kẹt xe thôi.”

“An Yên nhớ Tú lắm. Tú đến gặp An Yên đi.”

Tú cũng muốn gặp con bé, và cả Nhi nữa. Tú chợt nhớ lúc chiều đọc báo có thấy giới thiệu phim hoạt hình đang chiếu ở rạp. Tú nghĩ, mời An Yên và Nhi đi coi để ăn mừng việc kế hoạch thành công chắc là cũng không có gì lạ. “Ngày mai An Yên đi xem phim hoạt hình với Tú không?”

“Dạ ngày mai phải học đàn rồi.” Con bé nói trong tiếc nuối. “An Yên muốn đi với Tú.”

“An Yên đợi mẹ về hỏi mẹ xem mẹ đồng ý không. Tú nghĩ...mình nghỉ học đàn một ngày chắc không sao đâu ha.”

Tú biết là mình không nên nói với con bé như vậy. Mình không nên khuyên con bé nghỉ học để đi chơi, nhưng mà nếu mai được gặp An Yên và Nhi thì Nhi sẽ bớt đi một ngày gặp Đăng.

Tú làm như vậy có quá ích kỉ hay không? Trong khi vẫn chưa chính thức theo đuổi người ta mà đã không muốn người ta có tình cảm với ai khác?

Tú gạt bỏ những ý nghĩ ấy qua một bên. Thật ra khi yêu ai lại chẳng có phần ích kỉ.

Còn An Yên, An Yên nghe Tú nói như thế thì mừng lắm. An Yên thích học đàn, nhưng An Yên thích gặp Tú hơn. Con bé nói thêm vài câu với Tú nữa thì cúp máy. Nói chuyện xong, con bé đi lòng vòng trong nhà, đợi tới lúc mẹ về.

Cũng tầm 15 phút sau là Nhi và Đăng đã về đến nơi, đi theo sau là một xe chở hàng nhỏ. Mẹ đi Hà Nội về thấy nhà chị Thu có cái TV có nhiều chức năng mới nên mẹ rất thích. Với cái máy nước nóng trong nhà dạo này chạy rất yếu nên sẵn tiện mua để thay. Nhi có nói với mẹ việc này để Nhi tự đi mua được rồi, nhưng mẹ vẫn hỏi Đăng đi với Nhi khi mẹ mời Đăng qua dùng cơm.

Đăng nán lại giúp lắp ráp cái TV mới và giám sát thợ lắp cái máy nước nóng rồi ra về. Trông mẹ rất hài lòng. “Có người đàn ông trong nhà khác hẳn con nhỉ?” Mẹ nói với Nhi khi vừa đóng cửa và đi vào trong.

Nhi không nghĩ thế. Chuyện này không hẳn chỉ có đàn ông con trai mới làm được.

Để kiểm tra hoạt động cái máy nước nóng mới, Nhi dẫn An Yên đi tắm. Cho con bé vào bồn nước, Nhi xả nước cho đầy bồn. Cảm thấy đã có thể nói chuyện riêng với mẹ, An Yên lên tiếng hỏi về việc đi xem phim.

“Lúc nãy An Yên có gọi điện thoại cho Tú đó mẹ. Tú nói với An Yên ngày mai sẽ dẫn An Yên đi xem phim hoạt hình. Mình đi nha mẹ.”

“Đâu có được. Ngày mai đến ngày học đàn của con rồi.” Nhi cho dầu gội đầu vào tay đánh ra bọt rồi cho lên tóc con bé. “Ngày mai là thứ năm, An Yên quên rồi sao?”

“Nhưng mà...” Con bé ấp úng. “Nhưng mà mình xin thầy nghỉ đi mẹ.”

“Một tuần học có hai ngày thôi. Bữa khác mình đi.”

An Yên xịu mặt xuống, lộ rõ sự thất vọng. Nhi cho nước lên đầu rửa sạch dầu gội và tắm mình cho con bé xong thì để con bé tự mặc đồ. Nhi ra ngoài lấy điện thoại gọi cho Tú.

“Tú ơi, em nè.” Nhi nói sau khi Tú bắt máy. “Em nghe An Yên nói vụ đi xem phim hoạt hình. Em nghĩ ngày mai không được rồi vì con bé phải học đàn.”

“Theo Tú được biết ngày mai là suất cuối rồi. Hay là em cho An Yên nghỉ một ngày được không? Ngày mai Tú xem thời tiết thấy báo trời đẹp không mưa. Ngày mai Tú đi xe máy qua đón hai người đi cho mát luôn.”

“Ngày mai là suất cuối rồi à?”

“Ừ. Với lại Tú lỡ nói với An Yên rồi. Tú không muốn để con bé buồn. Hay em xem như giúp Tú lần này đi. Con bé giận Tú mất.”

“An Yên có giận thì sẽ giận em đấy, không giận Tú đâu.” Nhi cười.

“Như vậy để bảo vệ hình ảnh của mẹ trong mắt An Yên, em nhận lời đi.”

Nhi suy nghĩ. Thật ra thì cũng đã lâu An Yên không được đi xem phim. Lần cuối cùng Nhi có thể nhớ là đợt sinh nhật bốn tuổi năm ngoái của An Yên. Nghĩ lại thấy con bé cũng tội nghiệp, ít được đi chơi nên có lẽ ngày mai nghỉ học đàn một buổi cũng không sao.

“Được rồi, được rồi. Để giữ hình ảnh, em nhận lời.” Nhi trả lời.

Tú vui không tả nổi. “Thế ngày mai Tú chạy xe qua đón em và An Yên nha. Mình đi xe máy.”

“Em không biết Tú cũng có xe máy cơ đấy.”

“Tú gửi dưới hầm, khi nào trời mát, không mưa, hay những lần đi cứu hộ mà phải vào những con hẻm nhỏ thì mới dùng.”

“Tú chỉ thiếu trực thăng thôi phải không?” Nhi chọc.

Còn thiếu em nữa, Tú định trả lời như vậy.

Không cần trực thăng, hay những thứ gì khác. Chỉ cần em thôi, và cả An Yên.

***

“Dạ nhà mình ơi, suất chiếu đã hết chỗ cho ba ghế liền nhau rồi, nhà mình ngồi riêng có được không?” Cậu nhân viên bán vé nói. Hôm nay đến rạp phim không biết có phải vì ngày cuối hay không mà khá đông. Phụ huynh dẫn con đi xem cũng nhiều.

“Chỉ còn suất này thôi hả bạn?” Tú hỏi.

“Dạ, suất này là suất cuối. Hay là nhà mình ngồi vào ghế đôi đi.” Cậu nhân viên chỉ vào sơ đồ ghế ngồi. “Nhà mình thông cảm giùm. Ngồi ghế đôi cũng rộng rãi, đủ chỗ cho bé ngồi nữa.”

“Em thấy sao?” Tú quay qua hỏi.

“Cũng được. Ngồi chung vui hơn.”

“Vậy cho mình hai vé người lớn, một vé trẻ em.” Tú nói rồi nhìn xuống hỏi An Yên. “Con ăn bắp rang không An Yên?”

An Yên nhìn mẹ. Mẹ gật đầu.

“Dạ ăn ạ.” Con bé trả lời.

“Với lại một phần combo bắp lớn nha bạn.”

Người nhân viên đi làm bắp và đưa cho Tú. Tú chuyển xuống cho An Yên. Hai ly nước lớn Tú đưa cho Nhi một ly, mình một ly. Lúc trả tiền, Nhi chỉ đồng ý cho Tú trả tiền vé cho An Yên mà không để Tú trả cho mình thế nên Tú cũng để Nhi tự trả. Một người con gái tự có chủ kiến riêng của mình. Điều này cũng làm Tú thích Nhi hơn.

Vào rạp, Tú và Nhi ngồi vào ghế và để An Yên ngồi giữa. Ghế đôi rộng, mà An Yên còn nhỏ nên ngồi ba người cũng không có vấn đề gì. Con bé ôm phần bắp rang, thích thú nhìn lên màn hình xem quảng cáo trước khi vào phim. Tú nghĩ Nhi bận bịu như vậy thì chắc cũng ít có thời gian cùng An Yên đi xem phim hay dạo chơi ngoài phố. Nếu như có cơ hội, Tú muốn được đưa An Yên đi đây đó.

Phim hoạt hình hôm nay về đúng chủ đề của An Yên thích. Con bé chăm chú xem, lâu lâu thì bốc bắp cho vào miệng. Có lúc Tú lấy bắp ăn, nhưng vừa cho tay vào lấy thì lại đụng trúng tay của Nhi. Cả hai đều giật tay lại như có luồng điện vừa chạy qua. An Yên thấy thế nên bốc một miếng đút cho mẹ và một miếng đút cho Tú. Từ lúc đó Tú cũng không cho tay qua lấy bắp ăn nữa.

Với bộ phim dài gần một tiếng rưỡi, Tú cứ tưởng An Yên sẽ gục ngủ giữa chừng nhưng con bé đã xem đến cuối phim. Đến đoạn gần cuối, Nhi đã có lúc lấy tay lau đi nước mắt của mình nhưng Tú giả vờ như không biết. Khi hết phim, Tú còn dẫn An Yên ra ngoài trước, nói rằng đi bỏ rác để cho Nhi ngồi thêm một chút nữa.

Nhi đi vào nhà vệ sinh lau mặt. Khi trở ra, Tú và An Yên đang đứng đợi Nhi ở thang máy. Tú mỉm cười, một nụ cười thật hiền đối với Nhi. Thật ra hôm nay xin nghỉ học đàn cho An Yên cũng không phải là quyết định sai. Con bé xem được một bộ phim ý nghĩa, lại còn được đi chơi.

Xuống nơi gửi xe để lấy xe, Tú nói hôm nay trời mát nên sẽ chở Nhi và An Yên đến công viên mà mình thích. Tú bảo công viên đó yên tĩnh vào giờ đêm chứ không như những công viên có đầy các trò chơi khác. Ở đó họ có bán kem và nuôi cả vịt. An Yên nghe đến kem thì rất thích. Con bé thích ăn kem.

Chạy đến công viên, Tú mua cho An Yên một cây kem. Hỏi Nhi ăn không thì Nhi không ăn, nên Tú chỉ mua thêm một cây cho mình. Tú dẫn cả hai đến một cái ghế đá gần bờ hồ ngồi để cho An Yên xem vịt. Giờ này thì chỉ còn vài con còn thức bơi quanh hồ. Nhưng mà không sao, đối với An Yên như vậy cũng đủ thú vị rồi.

“An Yên thấy bộ phim lúc nãy hay không?” Tú hỏi, cắn một miếng kem.

“Dạ hay ạ. An Yên thích mấy em chó con. Lúc bạn chó mẹ nhận nuôi mấy em chó con khác, mấy em đó giống An Yên quá.”

Tú không hiểu những gì An Yên vừa nói lắm.

“An Yên giống với mấy em chó con phải không mẹ? An Yên được mẹ nhận nuôi như mấy em đó mẹ.” Con bé quay sang nói với Nhi, miệng vẫn liếm cây kem. Lúc này Nhi lại muốn chảy nước mắt. Những câu nói quá đỗi ngây thơ của con bé làm Nhi thật nhói lòng. Đứa con tội nghiệp này của Nhi vẫn chưa hiểu được mình đã mất đi những gì trong cuộc sống. Vì xúc động bởi An Yên nên Nhi cũng chẳng nghĩ đến việc đây là những thông tin hoàn toàn mới với Tú. Tú không hề biết An Yên chỉ là con nuôi của Nhi.

Tú mất một hồi mới hiểu ra được mọi chuyện.

An Yên là con nuôi sao?

“Tú ơi, con vịt đó chạy vào đâu ngủ rồi?” Con bé vẫn hồn nhiên nói. Hai người lớn thì vẫn lặng im mà suy nghĩ. Tú chẳng dám hỏi về lý do cũng như vì sao. Tú không muốn nhiều chuyện.

Nhưng Nhi cuối cùng cũng lên tiếng.

“Mẹ của An Yên là bạn thân của em.” Nhi nói, bắt đầu kể ra câu chuyện. “Một năm sau khi sinh thì không may qua đời vì căn bệnh ung thư. Bạn ấy không có người thân gì ngoài người dì gần bảy mươi. Em đã chăm sóc cho An Yên từ lúc con bé phải ra khỏi bụng mẹ khi chỉ được nằm trong đó có bảy tháng. Nguyện vọng của bạn ấy trước khi mất là em nhận An Yên về nuôi và xem như con của mình.”

Tú gật đầu, hiểu được câu chuyện.

“Chắc Tú bất ngờ vì sao An Yên có thể nói về vấn đề này một cách vô tư như vậy. Em chưa hề giấu con bé về mẹ ruột cũng như là cội nguồn. Em nghĩ con bé xứng đáng được biết. Em không nói dối với con bé rằng mình là mẹ ruột, vì bạn em mới là người có quyền được cái danh phận ấy. Em chỉ cố gắng làm mọi điều tốt nhất cho An Yên để con bé có cuộc sống như bao người. Con bé luôn biết mình có một mẹ khác đã mang mình trong bụng suốt bảy tháng.”

“Còn mẹ là người mang An Yên trong tim, đúng không mẹ?” An Yên ngước lên hỏi. Lúc này cây kem con bé đã ăn gần xong.

“Đúng rồi An Yên. An Yên luôn ở trong tim của mẹ.” Nhi xoa đầu con bé.

“Tú không ngờ...không nghĩ rằng câu chuyện lại là như vậy. Tú thấy An Yên giống em lắm nên cũng không nghĩ gì nhiều.”

“Chắc là ở chung riết nên giống đó.” Nhi cười. “An Yên đa phần là giống mẹ ruột.”

“Còn...người còn lại thì sao?”

“Người đó không xứng đáng Tú ạ.”

Hiểu ý của Nhi, Tú gật đầu rồi cho qua. Đợi An Yên ăn hết cây kem, Tú đưa hai mẹ con về nhà. Chạy một hồi Tú phải cho An Yên ra ngồi phía sau vì trời gió hiu hiu khiến con bé gật gù.

Tưởng chừng về nhà An Yên sẽ ngủ ngay, nhưng con bé đã tỉnh, lại còn kể cho bà nghe về bộ phim hoạt hình mình vừa được xem. Phải sau một hồi Nhi mới có thể đưa An Yên lên phòng.

“Cảm ơn mẹ đã cho An Yên đi xem phim với Tú ạ.” Con bé nằm trên giường, vừa ôm con thỏ xám vừa nói. Nhi ngồi cạnh bên, đang cầm quyển sách chuẩn bị đọc cho con bé nghe.

“Con thích bác sĩ Tú đến vậy sao, An Yên?”

“An Yên thích Tú lắm. Nhưng mẹ yên tâm, An Yên thích Tú sau mẹ.” Con bé cười vang khiến Nhi cũng phải cười theo.

“Vì sao vậy An Yên?” Nhi hỏi lý do.

“Vì Tú thương An Yên.”

“Con biết thương là gì sao?”

“Giống như mẹ thương An Yên ấy. Tú cũng thương An Yên như vậy.” Con bé đặt tay lên ngực Nhi. “Thương ở trong này nè mẹ.”

Có nhiều lúc con bé nói chuyện chẳng giống như năm tuổi chút nào.

Nhi bắt đầu đọc sách cho An Yên nghe, cho đến lúc con bé đã đi sâu vào giấc ngủ thì cúi xuống hôn con bé rồi tắt đèn phòng.

Nhi tự hỏi vì sao mình lại may mắn để có được một thiên thần trong cuộc sống mình như vậy?

***

Buổi sáng ngày thứ sáu khá là đẹp trời. Đăng đi vào toà nhà, bước vào thang máy và bấm số để lên tầng 12. Hôm nay Đăng đến gặp Nhi để hỏi Nhi một việc.

Đăng quyết định hỏi Nhi làm bạn gái của mình.

Nếu hỏi thật lòng thì Đăng không có ấn tượng gì về Nhi những buổi đầu gặp mặt cả, vì những hôm ấy gặp nhau cũng chỉ vì công việc. Và có lẽ cái vết sẹo ấy đã làm cho Đăng hơi ngần ngại.

Nghe có vẻ nông cạn, nhưng ai lại không để ý cái vẻ bề ngoài trước tiên?

Rồi từ khi về dạy đàn cho con gái của Nhi, Đăng mới phát hiện được nhiều điều. Vết sẹo đó chỉ là giả, và Nhi cũng rất dễ thương.

Nhi là mẫu người con gái của gia đình.

Nhi đảm đang, tháo vát, không tụ tập đi đâu đó mà thường ở bên gia đình.

Khác hẳn người bạn gái cũ của Đăng.

Có lẽ vết xe đỗ trước đây của Đăng đã làm cho Đăng chú ý đến Nhi hơn. Yêu xa với người bạn gái cũ được gần một năm, Đăng quyết định chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tưởng chừng gần nhau thì mối quan hệ đó sẽ đi đến hồi tốt đẹp, nhưng không phải vậy. Người bạn gái cũ của Đăng không giỏi nữ công gia chánh, lại hay thích tụ tập đi chơi đêm. Là bạn gái thì không sao, nhưng để cưới về làm vợ thì chưa đủ tiêu chuẩn.

Kể ra Đăng cũng chưa bao giờ hỏi Nhi về bố của An Yên hay những mối tình cũ của Nhi. Từ lúc để ý quan sát Nhi không đeo nhẫn cưới và thấy căn nhà không có bóng dáng của một người đàn ông thì Đăng đã đoán được người này không hiện diện. Nếu như đem ra so sánh, kết hôn với một cô gái nào đó chưa có con thì sẽ là sự lựa chọn tốt hơn. Nhưng ở đất Sài Gòn này, Đăng chưa tìm được và cũng chưa gặp được nhiều đối tượng con gái như Nhi. Người được tính cách thì không được ngoại hình và ngược lại. Còn Nhi thì được cả hai.

Nên sau nhiều ngày suy nghĩ, Đăng không muốn bỏ lỡ cơ hội. Con gái của Nhi cũng đáng yêu. Nếu sau này Đăng và Nhi nên vợ chồng thì Đăng cũng sẽ xem con gái của Nhi như con của mình.

Thang máy reng chuông báo hiệu đã đến nơi. Đăng bước ra, trong lòng phấn khởi. Hôm nay Đăng có lấy hẹn với Nhi để bàn công việc, nhưng chắc Nhi không ngờ hôm nay Đăng sẽ ngỏ lời.

Bước vào công ty, hai chị nhân viên đều đang tiếp khách. Đăng đi thẳng đến văn phòng của Nhi và bước vào. Nhi rời ánh mắt từ máy tính của mình và ngẩng lên.

“Ah, chào anh.”

Đăng tiến lại bàn và ngồi vào ghế.

“Anh nói với em rồi, sao em không tháo vết sẹo đó ra đi.” Đăng nói khi thấy Nhi vẫn dùng vết sẹo ấy.

“Cho công việc thôi ạ.” Nhi nhún vai, không cảm thấy nó quá quan trọng như Đăng nghĩ. “Lần trước, anh có bảo tìm cho anh một nhà hàng mà vừa ăn vừa được nghe nhạc. Em có vài sự lựa chọn cho anh đây. Anh chọn đi để em báo với bên họ.”

“Không đi với cô gái đó nữa, đi với em được không?” Đăng hỏi.

“Sao...ạ?”

“Anh chọn được người con gái anh muốn quen rồi. Là em đó.” Đăng nói tự tin. “Em là giám đốc công ty. Khách hàng chọn được rồi thì em cũng cho khách hàng cái hẹn để đi ăn và trò chuyện đi.”

Phải mất vài giây Nhi mới có thể lên tiếng. “Xin lỗi, nhưng công ty có luật em không thể có quan hệ tình cảm với khách hàng.”

“Luật nực cười ấy.”

“Xin...xin lỗi anh, nhưng mà—”

“Em khoan trả lời, hãy suy nghĩ kĩ đi. Anh quen em thì anh sẽ chấp nhận cả con gái em. Em suy nghĩ đi rồi trả lời cho anh. Những câu trả lời ngay bây giờ anh sẽ không chấp nhận đâu.”

Tuy Đăng là một người có vẻ ngoài rất đẹp trai và chững chạc, lại được lòng mẹ Nhi, nhưng đối với Nhi thì những điều đó không làm cho Nhi có thể nảy sinh tình cảm với Đăng.

Người mình không muốn, có đúng cách mấy cũng thành sai.

“Vậy nhé. Anh cho em một tuần suy nghĩ đấy.” Đăng đứng dậy và bước ra cửa, trước khi đi về không quên ngoảnh đầu lại nói một câu. “Em cũng nên nghĩ về việc không phải ai cũng chấp nhận quen một người đã có con đâu. Nhưng anh, anh sẽ chấp nhận.”

Bây giờ Nhi nghĩ, cho dù Đăng có cho Nhi hai tuần để suy nghĩ thì câu trả lời vẫn sẽ giống như hôm nay.

Trong giờ làm việc không muốn suy nghĩ nhiều nên Nhi tạm cho việc Đăng vừa ngỏ lời với mình qua một góc. Đến trưa khi Nhi đang tiếp một vị khách hàng quan trọng thì nhận được một cuộc gọi từ trường của An Yên. Trường gọi vào giờ này thì chỉ có việc gấp thôi. Xin phép khách hàng, Nhi bắt điện thoại và nghe tiếng cô giáo nói.

“A lô, mẹ An Yên ơi, mình là Thuỷ đây. Bé đang bị sốt, người lừ đừ, hiện giờ đã cho bé uống thuốc hạ sốt. Mẹ An Yên đến đón bé về để cho bé nghỉ ngơi nha mẹ An Yên.”

Thôi rồi, con bé lại bệnh. Nhi đang tiếp khách quan trọng nên không thể bỏ đi. Cũng may là mẹ đã đi Hà Nội về.

“Dạ vâng, cảm ơn cô, mình sẽ báo người nhà đến đón bé liền.”

Cúp điện thoại cô giáo, Nhi bấm gọi về nhà.

“Mẹ ơi, An Yên bị sốt rồi. Mẹ bắt taxi đến trường đón con bé hộ con với.”

Nghe tin xong, mẹ Nhi lật đật thay đồ và vội vàng đến trường.

Khi cô giáo dẫn An Yên ra về, mặt con bé đỏ ửng. Gặp bà, con bé cũng không mừng rỡ chạy lại. Đã hết sức để chạy. Bà nắm tay An Yên dắt lên xe taxi. Con bé do sốt nên cảm thấy lạnh khắp người. Về đến nhà, bà lấy nhiệt kế để đo thì thấy con bé sốt tận 38,8 độ.

Gọi điện báo tin cho Nhi, Nhi nói với mẹ sẽ ráng về sớm hôm nay nếu có thể. Hiện giờ vị khách này còn yêu cầu chiều nay phải đưa đi xem địa điểm. Nhi cũng sẽ gọi cho Đăng để xin cho An Yên nghỉ luôn buổi học hôm nay.

Lau mình cho An Yên xong, bà dắt về phòng và vắt khăn để lên trán cho người con bé giảm nhiệt. Cô giáo có cho biết trưa nay con bé không ăn gì nhiều nên bà đi nấu cháo nhưng nấu xong mang lên đút thì An Yên lại không chịu ăn.

“Bà ơi,“ An Yên gọi, “Bà cho An Yên nói chuyện điện thoại với bác sĩ Tú được không bà?”

“An Yên có nhớ số của cô không?” Bà lấy cái điện thoại từ túi ra.

“Dạ nhớ ạ.”

Rồi con bé đọc cho bà nghe mười số rõ ràng. Bà bấm gọi cho An Yên, kề điện thoại bên tai con bé. Khi Tú bắt máy, An Yên mếu như muốn mách Tú về hiện trạng của mình bây giờ.

“An Yên bị sốt rồi Tú ơi.”

“Sao lại thế? An Yên đang ở đâu vậy?” Tú hỏi, lo lắng.

“Bà đón An Yên về rồi ạ.”

“An Yên uống thuốc hay ăn gì chưa?”

“Cô cho An Yên uống thuốc rồi nhưng An Yên không muốn ăn đâu.”

Bà lấy cái khăn đi xả nước mới vì nó đã ấm lên.

“An Yên phải ăn mới có sức chứ.” Tú suy nghĩ rồi nói, “Hay là Tú nấu mì cho An Yên ăn nha?”

“Mì giống hôm trước hả Tú?”

“Ừ, nấu mì Ý cho An Yên ăn chịu không?”

“Dạ chịu. An Yên thích mì Tú nấu.”

Thấy đã khuyên được con bé, Tú hứa sẽ nấu thật nhanh và mang qua trong thời gian sớm nhất. Đã gần 4 giờ chiều, Tú giao bệnh viện cho Linh và chạy qua tiệm bán đồ dưới nhà mua vài bịch mì lên để nấu. Ở nhà vẫn còn thịt bò bằm và sốt cà chua, chỉ là không còn nấm và bông cải xanh. Món mì này nấu cũng nhanh cho nên trong phút chốc Tú đã nấu xong. Tú cho mì vào hộp nhựa, đổ thịt bò đã trộn với sốt cà vào và mang qua cho An Yên.

Đến nhà Nhi, Tú bấm chuông thì mẹ Nhi ra mở cửa. Mẹ Nhi biết Tú sẽ sang vì có nghe được cuộc trò chuyện giữa Tú và An Yên. Tú lễ phép cúi đầu chào, và mẹ Nhi gật đầu. Vào trong nhà, Tú xin phép mẹ Nhi cho vào bếp để lấy mì cho An Yên ăn.

Mẹ Nhi quan sát Tú cho một phần mì vào đĩa.

“Mùi thơm đấy cháu.” Mẹ Nhi nhận xét.

“Dạ, con cảm ơn bác đã khen.” Phần mì cho vào đĩa cũng không còn quá nóng nữa. Tú tìm ly rót một ly nước, rồi Mẹ Nhi hướng dẫn Tú mang lên phòng cho An Yên. Bước nhẹ vào căn phòng màu xanh lam, Tú thấy An Yên đang ôm con thỏ bông, trên trán chườm khăn cho hạ nhiệt độ.

“An Yên à,“ Tú gọi, “An Yên à, Tú đến rồi nè.”

Con bé mở mắt ra thấy Tú liền nở một nụ cười trên môi. Tú để ly nước lên bàn và cầm đĩa mì đến bên giường ngồi cạnh An Yên. “An Yên ngoan, ngồi dậy ăn mì nè.”

Nghe vậy, con bé chống hai tay để đẩy người mình ngồi dậy. Tú lấy nĩa xoắn vài vòng cho mấy sợi mì cuộn tròn vào nĩa rồi đút cho An Yên. Con bé cố gắng mở to miệng để ăn, nhưng Tú thấy được con bé đã khá mệt.

“An Yên giỏi quá.” Tú khen. “Tú chưa thấy ai bệnh mà giỏi như An Yên hết. An Yên bệnh mà còn ăn được mì.”

“An Yên giỏi phải không Tú?” Con bé tiếp tục há to miệng cho Tú đút ăn.

“An Yên ăn từ từ thôi nhé. Con không cần phải ăn hết đâu. Khi nào no thì nói cho Tú biết, nghe chưa?”

“Dạ Tú.”

Biết con bé bị bệnh sẽ không ăn nhiều nên lúc nãy Tú chỉ lấy một ít. Ăn được hơn năm lần, Tú thấy An Yên đã thấm mệt nên không đút cho con bé nữa. Tú lại lấy ly nước cho An Yên uống, con bé nhấp môi vài cái rồi cũng thôi.

“Tú ở lại với An Yên nha.” Con bé nói khi thấy Tú cầm đĩa đứng lên. Tú gật đầu, nói với con bé rằng mình chỉ mang đĩa xuống nhà dọn. Đi ra đến cửa, Tú phát hiện mẹ Nhi đang đứng ở ngoài nhìn vào. Có lẽ bác ấy đã đứng đấy từ nãy đến giờ.

“Cháu giỏi thật đó. An Yên kén ăn lắm. Cả món cháo yêu thích con bé còn không chịu ăn.”

“Dạ, chắc có lẽ món mì này cũng dễ ăn nên trẻ em rất thích.” Tú nói với mẹ Nhi và xin phép đi xuống nhà. Tú rửa sạch cái đĩa đựng mì và quay trở lên như đã hứa với An Yên. Lúc này mẹ Nhi đang ở trong phòng thay khăn chườm cho con bé.

“Tú...” Con bé đưa hai tay ra như muốn Tú ôm ấp khi thấy Tú. Mẹ Nhi quay lại nhìn rồi đứng lên, nhường chỗ cho Tú và đi ra ngoài. Có hơi ái ngại, Tú lại ngồi bên An Yên. Con bé mò dậy rồi gục vào lòng Tú như muốn tìm hơi ấm, tuy rằng nhiệt độ người An Yên đang rất nóng. Cái khăn được đắp trên trán của An Yên rớt xuống.

“An Yên lạnh lắm Tú à.” Con bé vùi mặt vào lòng Tú. Tú lấy tay vuốt lưng, vỗ về con bé. “An Yên ngủ ngoan cho mau khoẻ nè.”

“Tú hát cho An Yên nghe đi.”

Tú cố gắng nhớ lại những bài nhạc thiếu nhi mà mình đã từng hát qua.

“Tú hát bài này nhé.” Tú nói. “Có con chim vành khuyên nhỏ, dáng trông thật ngoan ngoãn quá. Gọi dạ, bảo vâng. Lễ phép ngoan nhất nhà.”

An Yên lí nhí hát theo. “Chim gặp bác chào mào, chào bác.”

“Chim gặp...chim gặp gì An Yên nhỉ?” Tú hỏi vì quên lời.

“Chim gặp cô sơn ca, chào cô ạ.”

Tú hát tiếp. “Chim gặp anh chích choè, chào anh. Chim gặp chị sáo nâu, chào chị.”

An Yên thiêm thiếp ngủ. Tú vừa hát vừa vỗ về con bé. Ôm An Yên vào lòng mà người Tú cũng nóng hết lên vì nhiệt độ của người An Yên. Sau vài lần cố gắng hát nữa thì con bé cũng ngủ. Tú tính đứng dậy, nhưng An Yên vẫn ôm cứng ngắt. Thấy thương, Tú nán lại thêm một hồi lâu nữa để An Yên ngủ say.

Khi rời khỏi được An Yên, Tú xuống nhà và chào mẹ Nhi ra về để không làm phiền bác nữa. Mẹ Nhi nói lời cảm ơn Tú vì đã chiều lòng An Yên mà chạy sang mang mì cho con bé. Tú chỉ cảm thấy vui vì con bé thích ăn đồ mình nấu.

Khoảng gần 7 giờ tối Nhi mới về được đến nhà. Lúc này, An Yên vẫn còn ngủ ở trên phòng. Mẹ kể lại với Nhi việc Tú đã nấu mì và mang qua nhà cho An Yên. Con bé chịu ăn mì chứ không chịu ăn cháo. Nhi có hơi bất ngờ vì Tú không gọi báo với Nhi về việc này.

“Mẹ không ngờ An Yên lại thích cô bác sĩ này đến thế. Nhìn cảnh con bé chịu ăn và nhõng nhẽo thì không khác gì với con.”

“Dạ, bác sĩ Tú cũng có cách làm An Yên nghe lời lắm mẹ ạ.”

“Con lên xem em đi, gọi em dậy cho uống thuốc.” Mẹ nói với Nhi. Nhi đi lên lầu và vào phòng xem An Yên. Đưa tay lên trán con bé, Nhi thấy vẫn còn khá nóng. Không hiểu vì sao lại đổ bệnh. Chẳng lẽ hôm qua vì đi gió?

“An Yên, mẹ về rồi nè.” Nhi gọi. Con bé lăn qua lại rồi vươn vai, ra khỏi giấc ngủ sâu.

“An Yên thấy khoẻ hơn không?”

An Yên lắc đầu. Nhìn qua nhìn lại, con bé không thấy một người. “Tú đâu rồi mẹ?”

“Tú phải đi về rồi.” Nhi nói với An Yên.

Tự dưng con bé thút thít khóc.

“An Yên sao thế?” Nhi liền ôm con bé vào lòng và vuốt lưng. “Thôi nín, ngoan, Tú phải về nhà mà.”

“An Yên muốn Tú.” Con bé khóc. Thường thì An Yên không khóc nhè, do hôm nay bị bệnh nên mới thế.

“Ngoan nào An Yên. Con khoẻ lên thì Tú sẽ sang thăm con. Mẹ sẽ nói với Tú.” Nhi dỗ dành. An Yên nghe vậy nên cũng dịu xuống, ngã người vào lòng mẹ. Nhi nhớ lại câu nói mà ngày hôm trước An Yên đã nói với mình. Vì Tú thương An Yên. Còn nhỏ như vậy mà con bé đã tự cảm nhận được thương là thế nào. Lúc sáng khi Đăng nói với Nhi rằng không phải ai cũng chấp nhận được một người đã có con thì Nhi thấy cũng đúng. Đó cũng chính là lý do vì sao Nhi không muốn yêu ai để rồi An Yên lại phải chịu khổ.

Vậy mà bây giờ, Tú đã chứng minh cho Nhi thấy một người khác yêu thương An Yên như con ruột của mình là hoàn toàn có thể.

Đáng tiếc rằng Nhi không thể yêu Tú.

Nhưng Nhi cũng đã tự biết trong lòng mình cái số phần trăm ấy đã nâng lên rất nhiều rồi.

-Hết chap. 13-

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK