Ra khỏi cổng đông viện 110 là đường một chiều rất hẹp, đối diện đường có một dãy cửa hàng tiện lợi.
Vừa thẳng thắn với Vu Nghiêm xong về ý nghĩ xấu xa của mình liền bị gọi tới đây, Dụ Lan Xuyên cảm thấy có lẽ mình cần bình tĩnh lại, bèn vào một tiệm thức uống gọi ly trà lạnh, đứng ở giao lộ từ từ uống.
Lúc này, khóe mắt anh liếc thấy một bóng dáng quen thuộc – Cam Khanh đang ở tiệm hoa quả sát vách, cầm lên để xuống, kén cá chọn canh, chốc chốc lại liếc nhìn về phía “110” đối diện.
Dụ Lan Xuyên nhìn theo ánh mắt cô, phát hiện ở cổng viện 110 có hai gã ăn mày đang ngồi xổm ở góc tường trò chuyện.
Hai gã ăn mày trò chuyện hồi lâu, trong lúc đó, Cam Khanh rề rề rà rà ở quầy hoa quả, sờ lần lượt từng quả cam một, cuối cùng, khi hai gã đó một trước một sau rời đi, cô mới thẳng người dậy, móc ra ba tệ mua hai quả cam dưới ánh mắt như muốn cắn chết cô của bà chủ.
Cô đang trốn người của Cái Bang?
Chân Dụ Lan Xuyên nhẹ nhàng di chuyển, lặng lẽ đi theo.
Nhưng đi theo nói gì, anh vẫn chưa nghĩ ra.
Dụ Lan Xuyên là kiểu người đô thị lạnh nhạt điển hình, là hội viên cứng của hiệp hội “mắc mớ gì đến tao, mắc mớ gì đến mày”, ghét nhất là lo chuyện bao đồng. Bất kể Cam Khanh đang trốn Cái Bang hay trốn quản lý đô thị thì liên quan gì tới anh?
Nghĩ vậy, Dụ Lan Xuyên lại thấy hôm nay mình có bệnh.
Dáng đi của Cam Khanh vô cùng biếng nhác, chân giống như lười nhấc, đôi vai buông lỏng đong đưa. Nhưng nhìn kỹ thì eo cô căng cứng, chút căng nho nhỏ ấy khiến cả người cô như bó củi, có lắc thế nào cũng không rơi ra.
Dụ Lan Xuyên nhìn bóng lưng cô, ngẩn người, nhớ tới ông cả từ nhỏ đã dạy anh, rằng con người có thể không cần biết múa đao múa kiếm, xã hội ngày nay dù tay trói gà không chặt cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng đi đứng nằm ngồi nhất định phải có quy tắc, tuy đây đều là những việc nhỏ không tốn sức nhưng nước mưa có thể mài mòn đá, tư thế không đúng, chỗ nên thả lỏng mà căng thẳng, chỗ nên căng thẳng lại thả lỏng, thì chính là một năm 365 ngày, ngày ngày kiên trì phá hoại xương thịt của bản thân, chưa cần đợi đến già đã chắc chắn đổ bệnh.
Chẳng hạn như đi đường, tinh khí thần đều ở eo, nếu khom eo thì cột sống sẽ không ngay, người không vững, nếu không phải người đổ ra sau thì là vai và cổ đổ về trước.
Càng đổ ra sau, bụng càng lớn, đi đứng càng không chịu nổi gánh nặng, xương sống, đầu gối, mắt cá chân, gót chân, đừng hòng có cái nào khỏe. Càng đổ về trước, sau lưng sẽ càng khòm, thịt trên người đều chạy ra sau lưng, ngực sẽ càng lúc càng mỏng, hơi thở càng lúc càng ngắn, sau lưng lại càng lúc càng dày, từ từ sẽ giống như vai và cổ đang thồ một bao cát.
Cái cột sống này, hôm nay kệ nó mòn một chút, ngày mai kệ nó mòn một chút, ngắn thì vài năm, dài thì ba mươi năm mươi năm, dù bẩm sinh khỏe mạnh cách mấy, sớm muộn cũng sẽ bị mài hỏng.
Cột sống hỏng thì thân thể coi như xong.
Ông cả dẫn anh dạo bộ trong tiểu viện phía đông của “110”, nói rất nhiều lời tương tự, lúc nhỏ anh không hiểu, nghe xong rồi thôi, lớn hơn một chút mới vì học nghiệp và sự nghiệp nặng nề mà bắt đầu nghiên cứu đạo dưỡng sinh của người già, mãi đến khi vào xã hội, chìm nổi mấy năm, ngẫu nhiên nhớ lại, lại cảm thấy những lời ông nói về đạo dưỡng sinh ấy đều mang ý tứ sâu xa.
Đạo võ học, trước là cường thân kiện thể, khơi thông gân cốt bản thân, bởi vậy tự quan sát, tự cảm nhận, tự thức tỉnh, sau mới xem vạn vật và muôn vẻ nhân gian.
Chờ anh hoàn hồn lại thì đã theo người ta vào 110, sắp tới thang máy. Dụ Lan Xuyên tự cảm thấy lúng túng, đang định lướt qua cô, vờ như trùng hợp chung đường, Cam Khanh chợt quay đầu, lấy trong túi nhựa ra một quả cam đưa cho anh.
Dụ Lan Xuyên sững sờ, khó hiểu nhìn cô.
- Nể mặt em trai anh bình an toàn vẹn.
Cam Khanh hạ thấp giọng:
- Hôm đó anh nhìn ra được gì ở thôn thành phố kia cũng đừng nói với ai.
Dụ Lan Xuyên vốn cũng không có ý định nói:
- Cô yên...
Chữ “yên tâm” chưa nói xong, Cam Khanh liền nhét quả cam kia cho anh.
- Hối lộ anh nè.
Cam Khanh nháy mắt như cười như không, sóng mắt đong đưa, trong khoảnh khắc liền từ một cô gái nhà quê chất phác kiệm lời biến thành một thầy bói kiểu mới lừa gạt hại người:
- Lỡ lộ ra, sẽ có kẻ thù truy sát tôi, đến lúc đó lương tâm của anh và âm hồn của tôi đều sẽ không tha cho anh. Suỵt__
Dụ Lan Xuyên:
-...
Cái quỷ gì thế?
Thang máy tới, Dụ Lan Xuyên mới hoàn hồn:
- Cô hối lộ chỉ một quả cam?
Cam Khanh không làm bộ làm tịch nữa, biếng nhác nói:
- Mai tôi mới lãnh lương, trên người chỉ còn lại 3 tệ cuối cùng, quả cam đó một tệ rưỡi, cho anh là nửa mạng tôi rồi còn chưa đủ? Được thôi, quả này cũng cho anh nốt, xem như tôi táng gia bại sản.
Dụ Lan Xuyên:
-...Không được, tôi cũng đâu có ác nhơn thất đức dữ vậy.
Lúc này, thang máy tới tầng 6 mà Dụ Lan Xuyên bấm, anh ra khỏi thang máy, Cam Khanh đang định đóng cửa thì anh chợt quay đầu:
- Khoan đã!
Cam Khanh nghiêng đầu.
Dụ Lan Xuyên:
- Cô là người ở đâu?
Cam Khanh:
- Anh đoán xem.
- Bỏ đi.
Dụ Lan Xuyên hỏi thẳng:
- Mười lăm năm trước, cô có từng tới Yên Ninh không?
Cam Khanh không hề suy nghĩ, đáp ngay:
- Không nhớ, dù sao năm nay tôi mới 16 mà.
Dụ Lan Xuyên:
-...
Trêu anh xong, Cam Khanh bấm nút đóng cửa thang máy, lùi về sau một bước, mỉm cười, biến mất sau cánh cửa đóng kín. Cảnh này vô cùng trùng khớp với cảnh mười lăm năm trước nơi ngoại thành đã khắc vào đầu anh, Dụ Lan Xuyên suýt đuổi theo, đúng lúc này, phía sau chợt có người nói:
- Đến rồi à, vào đi, ông đang chờ anh đấy.
Dụ Lan Xuyên quay đầu, thấy cháu gái ông Dương – Dương Dật Phàm ngậm điếu thuốc bước ra:
- Cả đống tuổi rồi, chỉ có ổng bận nhất, từ sáng tới tối toàn người quái gở đến tìm, chẳng ra sao cả.
Nói xong, cô liếc mắt với trần nhà, quẳng túi lên vai, bước trên đôi giày cao gót nhọn đế da dê rời đi.
Dụ Lan Xuyên vô cùng mờ mịt, không biết mình đắc tội cô chỗ nào, vừa vào nhà đưa mắt nhìn mới nhận ra người mà cô Dương nhắm vào không phải anh___trong nhà ông Dương có một bà cụ đến.
Bà cụ trông cỡ cỡ tuổi ông Dương, tóc bạc phơ, nhỏ con gầy đét, thịt trên mặt nhão xuống theo gò má cùng với miệng tạo thành một tam giác, lộ ra vài phần hung tướng, vài phần cay nghiệt, và có chút già cỗi đáng thương.
Dụ Lan Xuyên còn chưa kịp nghĩ kỹ xem bà là ai thì bà cụ liền vịn ghế sofa đứng dậy, “phịch” một tiếng quỳ xuống với anh.
Giám đốc Dụ tuy bề ngoài luôn trưng vẻ mặt “quỳ xuống hết cho ai gia” nhưng đây là lần đầu tiên có người thật sự hành đại lễ này với anh, dọa anh vịn khung cửa đơ người hai giây rồi mới luống cuống tay chân chạy qua đỡ bà dậy.
- Có, có có có gì từ từ nói, bà làm gì thế này?
Bà cụ thoạt trông cùng lắm chỉ 40 mấy ký, nhưng Dụ Lan Xuyên đưa tay đỡ, lại phát hiện bà như mọc ra từ đất vậy, anh không thể kéo bà dậy.
Ông Dương thở dài, lên tiếng:
- Tiền đại nương, nó là tiểu bối, bà như vầy không phải muốn nó tổn thọ sao? Có gì đứng lên rồi nói.
Dụ Lan Xuyên lúc này mới cảm thấy tay nhẹ đi, vội vàng thấp thỏm đỡ bà cụ dậy, để bà ngồi trên sofa.
Anh đại khái đã đoán được bà cụ là ai.
Quả nhiên, ông Dương nói:
- Vị này chính là Tiền đại nương, trước đây cùng chồng đồng xưng “Nhị Tiền”, là nghĩa sĩ nổi tiếng phía nam, thoái công trác tuyệt, xe lửa loại đốt than thời cũ cũng không nhanh bằng bà ấy đâu. Thời đó vùng tây nam có bọn côn đồ thổ phỉ đánh cướp ven đường sắt, chúng chui qua cửa sổ xe, cướp đồ xong liền nhảy xuống xe chạy, hành khách đều không dám mở cửa sổ. Chính nhờ đôi vợ chồng họ bảo vệ đường sắt, giúp bắt được không ít kẻ xấu. Chỉ đáng tiếc...
- Dương bang chủ, đừng nhắc nữa, tôi đã không đất dung thân rồi.
Bà cụ Tiền ngắt lời ông:
- Thể diện ông nhà tôi đều bị bà già không chết này và mấy nghiệt đồ vứt sạch, sau này xuống dưới, tôi cũng phải trốn ổng__Tiểu Dụ gia, xin lỗi, thực không biết đứa trẻ trong hẻm sau ao lầy ngày đó là anh em của cậu, mấy thằng đồ đệ của tôi còn... còn...
Dụ Lan Xuyên thầm nghĩ: đang nói tiếng người à?
Con nhà người khác thì có thể tùy tiện lừa đảo, tùy tiện bắt cóc chắc?
Nhưng do giáo dưỡng, anh không tiện nói bà cụ lớn tuổi như thế, bèn đạm nhạt nói:
- Không có gì, cảnh sát nói rồi, bà quả thực không biết những chuyện phía sau. Nếu là tranh chấp dân sự thông thường, chúng tôi chắc chắn sẽ cho qua, nhưng đã thăng đến vấn đề hình sự thì không phải một tiếng “cho qua” của chúng tôi là cảnh sát sẽ không truy cứu, tôi cũng lực bất tòng tâm, bà hiểu chứ?
Nước mắt bà cụ Tiền rơi lã chã, liên tục nói ba lần “tôi hiểu” rồi lại nói:
- Không dám mặt dày cầu xin cậu.
- Quốc có quốc pháp, Tiểu Xuyên, ngồi đi.
Ông Dương nói:
- Tiền đại nương hôm nay qua đây, chủ yếu là áy náy, muốn gặp con, nói với con mấy lời. Bà ấy không có ý gì khác.
Bà cụ Tiền vừa lau nước mắt vừa nói ngắt quãng.
Bà và ông chồng quá cố thời trẻ từng làm anh hùng chân chính, khi đó hào hoa phong nhã, tinh thần hăng hái. Về sau chồng bị tai nạn giao thông qua đời, để lại cho bà một đứa con bệnh tật và ba tiểu đồ đệ nhận nuôi. Một người phụ nữ nuôi sống bốn miệng ăn vốn đã vô cùng khó khăn, sau đó thời đại biến đổi, gió táp mưa sa, người bay lên trời, người rơi xuống đất, có người phất nhanh trong một đêm, cũng có người thất nghiệp bơ vơ.
Bà cụ Tiền bất hạnh rơi vào trường hợp sau.
Sau đó nữa, giống như cột sống bị tư thế không tốt mài mòn, cái gọi là khí phách bị những việc vặt vãnh hàng ngày mài giũa, mài riết bà chẳng còn ra hình người, tới mức tuổi già khó an.
Chỉ khi bạn cũ ngày xưa nhắc với tiểu bối hai chữ “Nhị Tiền”, bà mới loáng thoáng nhớ về năm cũ, mặt dày mày dạn tích lũy mấy chục năm bị quang vinh quá khứ nhẹ nhàng chiếu rọi, trông càng thảm hại.
Bà cụ Tiền nói một hồi, khóc không thành tiếng.
Bà nhất thời hoảng hốt, nghĩ không thông tại sao mình lại như vậy.
Có lẽ anh hùng không nên sống lâu tới thế chăng.
Dụ Lan Xuyên rút vài tờ khăn giấy đưa qua, không lên tiếng.
Ông Dương chờ tiếng khóc của bà dần nhỏ mới đưa tay chỉ lên lầu, nói với Dụ Lan Xuyên:
- Tiểu Xuyên có lẽ không biết, năm đó lúc ông cả con mua cái nhà này, Tiền đại nương nghe nói, liền không ngại vạn dặm đường xa nhờ người mang tới 200 tệ. Bà ấy làm gì có tiền, đó đều là số tiền thắt lưng buộc bụng đấy.
Dụ Lan Xuyên:
-...
Anh mắng câu thô tục trong lòng: “Chủ nợ!”