Từ trước đã biết sẽ không quá dễ dàng, nhưng bị phản bội trước mặt như vậy không khỏi khiến cậu Kiệt tức giận. Cậu ta điên cuồng ra giá cao hơn!
Khi đã đạt tới một giới hạn nhất định, những tiếng ra giá càng lúc càng ít dần, họ đã cảm thấy không còn đáng để tranh giành nữa. Chính cậu Kiệt trong lòng cũng tự hiểu điều đó, nhưng cậu cho rằng một khi giành được món thầu này, không những có thể lấy lại danh dự mà trước đó có đổ ra bao nhiêu, cậu cũng có thể kiếm lại được! Trong đầu cậu bắt đầu những suy tính mình sẽ làm thế nào để bồi thường thiệt hại ngày hôm nay.
Nào ngờ, vẫn còn có một kẻ cứng đầu không chịu bỏ cuộc!
Trần Minh Đức! Ba của Hà Anh!
Cậu Kiệt cay nghiến nhìn chủ trì buổi đấu giá xác nhận Trần Minh Đức đã trúng thầu!
Khi mọi người đang chúc mừng ông Đức thì cậu Kiệt hùng hổ xông tới, lớn tiếng mỉa mai ông Đức không có đầu óc, làm chuyện lỗ vốn… Ông Đức tuy tức giận nhưng không đôi co với cậu Kiệt, không buồn giải thích cho hành động của mình với một người lỗ mãng như vậy.
…
– Con nhà đó tưởng mình là con trời hay sao? Muốn gì được đó, muốn mắng ai thì chửi người đó!
Bà Tâm tới giờ mới nghe được chuyện này, bà trước giờ không mấy khi hỏi han việc làm ăn của con rể. Dù chuyện xảy ra đã lâu nhưng nghe lại vẫn không khỏi tức giận. Bà Hương nói:
– Cậu ấm đó được nuông chiều quen rồi, có khi nào gặp trắc trở. Người ta nể mặt là vì nhà họ Lê, chứ có ai thật coi trọng cậu ta! Một khi đụng chuyện, ai cũng phải nghĩ tới lợi ích của mình trước! Tỉnh Cần Thơ khi đó còn nghèo, mong muốn sau khi xây dựng cây cầu kia, giao thông thuận lợi giúp bà con phát triển. Chồng con nhận món thầu đó vốn cũng chỉ vì muốn giúp người chứ không mong cầu lợi ích. Mà trong cuộc đấu thầu kia, dù chồng con không trúng thầu thì cũng sẽ là một người khác, chứ cậu Kiệt còn trẻ người, kinh nghiệm không có, ai dám giao cho, thế nhưng cậu ta lại không hiểu điều đó mà mang lòng thù hận với chồng con. Để rồi… lại gây ra chuyện…
Lần đầu tiên trong đời bị vấp ngã, nỗi đau ê chề khi bị thất bại đó luôn đeo bám cậu ta. Đến mức đi tới đâu, nghe ai nói cái gì, cậu ta cũng có cảm giác đối phương đang mỉa mai mình, đang cười cậu ta bị thua cuộc!
“Mấy người đang nói gì đó?”
“Chúng tôi có nói gì đâu…”
“Đừng có chối, tôi nghe rõ ràng mấy người đang nói xấu tôi…”
“Không có…”
“Mấy người cảm thấy tôi bất tài, vô dụng như vậy thì còn ở công ty này làm gì chứ? Cút hết đi!!!”
Cậu Kiệt bị ám ảnh đến mức gần như phát điên! Ai nói gì cũng không nghe!
Từ một thanh niên cao ngạo trở thành kẻ lầm lì, ít nói, rồi đóng cửa công ty, suốt ngày trốn ở trong phòng.
Bà Yến vô cùng lo lắng cho con trai, liên tục trấn an cậu, cam đoan với cậu kẻ đã khiến cậu chịu nhục nhã sẽ không có kết quả tốt, bà sẽ khiến hắn chịu trả giá! Đáng tiếc, trước khi bà Yến ra tay cậu Kiệt đã làm một chuyện điên rồ!
Hôm đó, cậu Kiệt ra khỏi nhà sau bao ngày ru rú trong phòng, mọi người cho rằng cậu ta đã nghĩ thông suốt mà vui mừng. Cậu ta đội nón bảo hiểm, ngồi lên chiếc mô tô yêu thích của mình, bộ dáng hệt như một tay đua thứ thiệt, như đã trở lại bộ dáng bất cần khi xưa rồi rồ ga phóng xe đi mất.
Khi được người làm thông báo, bà Yến xùy tay, bảo:
– Mặc nó, chỉ cần nó tươi tỉnh trở lại thì nó muốn làm gì cũng được!
Trước giờ luôn như vậy, chỉ cần cậu quý tử thích, bà sẽ bằng mọi cách chiều theo ý muốn cậu. Thứ cậu muốn, cậu sẽ có, thứ không có được thà phá hủy cũng không để lọt vào tay người khác. Gia tài Lê Gia bạc vạn, dù cậu Kiệt có quấy tới cỡ nào, cũng có thể lo lót êm xuôi.
Con người, thà để con mình thành kẻ bắt nạt người khác chứ không muốn con mình chịu thiệt một phần. Lại chẳng nghĩ tới hành động dung túng đó có thể phá hủy cả cuộc đời của nó.
…
Chẳng ai ngờ được cậu Kiệt chạy xe đến nhà ông Đức.
Nhìn thấy ông Đức, bao nhiêu oán hận trong lòng lại dâng trào. Ông Đức sống càng tốt, cậu ta càng cảm thấy mình thảm bại bấy nhiêu. Những thất bại, điều tiếng nhục nhã cậu phải chịu đều do ông Đức gây ra. Nếu không có ông ta, nếu không có ông ta…
Như thường lệ, ông Đức chào tạm biệt vợ con, còn tranh thủ chút phút giây ít ỏi đó đùa giỡn với con gái, chọc cho cô bé giận dỗi rồi lại dỗ dành cười khanh khách. Vợ ông không nhìn nổi nữa, thúc giục ông mau đi làm, ông vẫn cố nán lại hôn tạm biệt vợ con rồi mới bước lên xe hơi, chậm rãi nổ máy.
Hình ảnh chiếc xe bốn chỗ bắt đầu lăn bánh phản chiếu trên kính nón bảo hiểm màu đen sáng bóng của cậu Kiệt.
Trên đời có những kẻ đáng ghét như vậy đấy, sống một cuộc sống bình thường tới tầm thường kia như những con ruồi nhặng cứ vo ve trước mặt người khác, khiến cậu cảm thấy bực tức muốn diệt sạch bọn sâu bọ kia cho đẹp trời.
Tay phải cậu ta xiết lấy tay ga, chiếc xe gầm rú thành âm thanh chua chát, điếc tai dội cả một góc đường.
Ông Đức không hề hay để ý đến chiếc xe mô tô đang bám sau lưng. Và rồi, chiếc mô tô kia tăng tốc, nhắm thẳng vào đuôi xe của ông Đức mà lao thẳng tới!!!
Cho tới thời điểm đó, ông Đức vẫn không nhận ra nguy hiểm cận kề, ông chỉ theo thói quen rẽ phải ở ngã tư phía trước!
Rầm
Một tiếng nổ lớn vang dậy một góc trời, tiếng đổ vỡ, những mảnh vụn sau vụ tai nạn văng tứ tán, máu đỏ chảy dài trên đất.
Những người gần đó hoảng sợ la ó inh ỏi.
Ông Đức biết phía sau có tai nạn, liền tấp xe vào lề, chạy xuống xem giúp đỡ người bị nạn.
Mọi người xúm nhau kéo cậu thanh niên gặp tai nạn ra ngoài, cơ thể cậu ta đã oặt ẹo, khi cái nón bảo hiểm bị cởi lộ ra gương mặt của cậu thanh niên đó, ông liền nhận ra cậu Kiệt, cậu ấm của Lê Gia. Và ông cũng đã mường tượng được việc gì đang xảy ra…
Theo lời nhân chứng nói: người chạy chiếc mô tô đen đã bám theo chiếc xe bốn chỗ phía trước được một lúc lâu, rồi chợt cậu ta phóng xe lao thẳng tới trước, lại chẳng ngờ chiếc xe hơi kia lại rẽ phải! Cậu ta mất mục tiêu, lao thẳng vào cột đèn ở bên kia đường…
Nghe thế nào, cũng cảm thấy cái chết của người chạy mô tô điên kia là đáng đời, may mắn là không ai bị cậu ta liên lụy. Thế nhưng, dù sự thật có thế nào đi nữa, khi lọt vào tai của một số người, đều biến thành sai trái!
– A a a aaaaa…
Bà Yến đau đớn kêu gào bên linh cửu con trai yêu quý của mình. Đứa con đáng thương của bà, đứa con bà đã dứt ruột đẻ ra, mang biết bao tình yêu, hy vọng của bà. Thế mà, hôm nay chỉ còn là một thi thể lạnh lẽo, không toàn vẹn.
Người đến viếng rất đông, dù đa phần trong số họ không có cảm xúc gì đối với cậu Kiệt, thậm chí không ưa cậu nhưng nay thấy một người mẹ già đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, khóc lóc thảm thiết như vậy cũng có chút đồng tình, nói lời chia buồn với gia đình.
Đã biết cậu Kiệt có ý muốn giết mình, nhưng hiện tại bản thân vẫn bình an mà cậu ta đã chết rồi, ông Đức cùng vợ là bà Hương cũng gạt bỏ thành kiến mà tới thắp cho cậu Kiệt một nén nhang.
Ông Lê Minh Hưng, anh ruột của cậu Kiệt ít nhiều cũng biết ân oán giữa em trai mình và ông Đức. Ông cũng là người làm ăn, cũng biết rõ thành bại trên thương trường là chuyện tất nhiên, người ta cũng quang minh chính đại giành được mối làm ăn chứ không phải âm thầm làm chuyện xấu xa. Danh tiếng của ông Đức trong giới làm ăn khá tốt, có nhân nghĩa, chữ tín, dù đôi khi những việc làm từ thiện của ông Đức bị mọi người xầm xì làm chuyện vô bổ, giả nhân giả nghĩa, nhưng những chuyện đó có quan hệ gì chứ, việc ai người nấy làm thôi. Còn vấn đề em trai ông vì thất bại ôm hận không buông, muốn trách chỉ có thể nói cậu ta quá yếu đuối, hơn nữa em của ông còn làm ra chuyện như vậy… Thật sự không có quyền để trách tội người khác!
Ông Hưng có thể nghĩ như vậy nhưng bà Yến, người bị mất đứa con thân yêu lại không rộng lượng như thế.
Chẳng biết nghe ai mách, bà Yến chưa từng gặp ông Đức thế mà lại nhận ra ông Đức! Bà Yến đứng vụt dậy, chỉ tay vào mặt ông Đức, hùng hổ quát:
– Cút! Ai cho mày tới nhà tao! Nhà này không chào đón mày! Cút ra cho tao…
Không chỉ ông Đức mà những khách khứa khác đều tròn mắt nhìn bà Yến, bà Yến vẫn không hạ giọng, cứ liên tục mắng chửi không ngừng:
– Mày là quân giết người! Tại mày mà con tao phải chết! Sao mày không chết luôn đi…
Ông Hưng biết mẹ mình quá đáng, nhưng dù có ngăn cỡ nào bà Yến cũng không dịu xuống, mà càng lúc càng dữ dằn hơn.
– Con tao chết rồi tụi bây còn sống làm gì? Tao nguyền rủa cả nhà mày chết không còn một mống! Chết không được yên…
Bà Hương dù có hiền lành thế nào tới mức này cũng không chịu nổi nữa, muốn xông tới phải trái với bà già độc ác kia nhưng ông Đức, chồng bà đã kéo bà ra ngoài.
– Anh buông em ra đi! Để em nói chuyện phải trái với bà ta! Con bà ta tự tạo nghiệt, tự bà ta không biết dạy giờ còn đi trách người khác…
– Thôi bỏ đi em! Đừng chấp với bà ta làm gì…
– Anh không nghe bà ta nói gì sao?
– Bỏ đi! Bà ta mới mất con bị quẫn trí…
Ngày hôm đó, kết thúc trong sự bất mãn của mọi người, lại chẳng ngờ có một ngày, lời nguyền của bà Yến thật sự đã ứng nghiệm!