• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

- Đứng dậy đi!

Tôi ngước mắt nhìn lên liền thấy cậu Ba đang đứng trước mặt, cậu đứng đó nhìn tôi, ánh nhìn không giống như là ghét bỏ. Xung quanh mọi người đã đi hết, chỉ còn lại tôi và cậu giữa khoảng sân rộng mênh mông.

- Đứng dậy đi, ngồi vậy trông yếu đuối lắm.

Cậu nói đến hai lần câu "đứng dậy đi", đến lần thứ ba, kèm theo câu "đứng dậy đi" kia là bàn tay nam tính mạnh mẽ đưa đến trước mặt. Tôi nhìn cậu, nhìn ánh mắt trong veo của cậu, tôi thấy giống như tâm hồn mình đang được soi rọi trong đó, hình ảnh tôi ngồi bẹp dí dưới đất... đúng là trông yếu ớt thật.

Tôi không ngần ngại mà đưa tay nắm lấy tay cậu, để cậu dùng sức kéo tôi lên, cảm giác có người kéo mình đứng dậy lúc khó khăn... thật sự rất dễ chịu và ấm áp.

- Cảm ơn cậu... cậu Ba!


Cậu Ba gật đầu, giọng cậu có gấp:

- Ừ, đi ra xem tình hình của Diệp... lỗi không phải của cô... cô đừng tự trách mình.

Tôi gật đầu rồi nhanh chân bước theo sau lưng cậu, lúc ra đến nơi, mọi người đã tới hết. Tôi thật sự rất sợ nên lúc đến bãi Tràm, tôi cứ rút sau lưng cậu Ba. Cậu Ba ban đầu cũng có để ý là tôi đang đứng sau lưng nhưng cậu thật sự rất bận, vừa phải gọi điện thoại lại vừa chỉ huy người dân lặn tìm nên cũng quên mất là tôi đang rút sau lưng. Bà chủ thì luôn miệng mắng nhiếc tôi với chị Hồng, dân trong cồn lại vây quanh rất đông, bọn họ cứ nhìn tôi rồi chỉ trỏ đủ thứ.

Một lát sau, lúc tôi còn đang đứng bơ vơ giữa đám đông, cậu Phong từ chỗ cậu Ba liền đi tới kéo tôi đứng gần sát bên cậu. Đưa cho tôi cái nón lá đội lên, cậu ta nói:


- Đội lên đi, rồi đứng gần với tôi, bà lớ ngớ một hồi nữa bác Hai đánh chết.

Tôi nhận lấy cái nón đội lên, giọng khịt khịt:

- Tôi đứng đây được rồi, ông lại phụ cậu Ba đi.

Quý Phong ngó nghiêng xung quanh, cậu ta kéo tôi đến gần chỗ người nhái đang lặn, nói:

- Anh Ba kêu tôi đi theo bà, sợ lát ba má chị Diệp tới mắc công đánh bà rồi có án mạng nữa. Bà theo sát tôi, đừng có mà tách ra, bị đánh tôi can không kịp đâu.

Tôi rút sau lưng Quý Phong, khẽ nói:

- Cảm ơn ông.

Quý Phong chợt quay xuống nhìn tôi, anh ta dịu giọng nói:

- Bà không có lỗi đâu, tôi đứng về phía bà... yên tâm đi.

Người nhái lặn kiếm rất lâu, cậu Ba dường như tập trung hết thợ lặn của vùng này đến đây để lặn kiếm mợ Diệp. Nước ở đây chảy không siết nhưng đến chiều tối thì nước khá cao, chỉ sợ từ giờ đến xế chiều nếu không tìm được chắc là phải ngưng lại thôi. Ba má mợ Diệp chưa đến, chỉ có em trai mợ ở gần đây là chạy đến trước. Cậu Ba thấy tình hình không ổn nên để mọi người đưa ông Năm về trước, chỉ để lại thanh niên trai tráng ở lại. Riêng tôi với chị Hồng thì ở lại, mà dù chị Hồng có về thì cậu Phong cũng không cho tôi về vì sợ bị ăn đánh.


Tôi với chị Hồng, cô Uyển đứng chung một chỗ, cô Uyển sốt ruột nhìn trời rồi than:

- Trời sụp tối rồi... Diệp ơi là Diệp!

Nghe cô Uyển kêu mợ Diệp, lòng tôi thấy hối hận cùng lo lắng vô cùng. Mợ Diệp... cầu cho mợ đừng có chuyện gì... cầu cho người nhảy xuống kia không phải là mợ.

Một lát sau, có một nhóm thanh niên cao to đi tới, một người đứng ra báo cáo với cậu Ba:

- Cậu, tìm nát trên cồn rồi mà vẫn không thấy mợ Tư. Tụi nó đang tìm bên đất liền, chắc lát nữa mới có kết quả.

Cậu Ba mệt mỏi thở dài:

- Ừ, cho tìm tiếp đi, tìm thật kỹ.

Nói rồi cậu đi tới chỗ cậu Tư, hai anh em trao đổi gì đó rồi cậu mới tiến lại phía bọn tôi. Cậu Ba nhìn cô Uyển, cậu nói:

- Em về trước đi, trời tối ở đây không nên.

Cô Uyển mặt mày buồn so:

- Nhưng còn Diệp với Luân... nhìn Luân như vậy em chịu không nổi...
- Lát nữa bọn anh về sau, trời sụp xuống cũng không thể lặn được nữa... phía tụi nó đang đi tìm cũng chưa có kết quả chính xác. Cũng chưa chắc là Diệp tự tử đâu... biết đâu em ấy bỏ đi đâu đó thì sao.

Cô Uyển thở dài:

- Vậy... em đưa Mùa với chị Hồng về cùng luôn, lát nữa anh đưa Luân về... nhớ đừng quá sức.

Cậu Ba gật đầu, giọng chứa đầy mệt mỏi:

- Ừ, anh biết rồi... lát về nói chuyện với em sau, về đi... đừng đợi anh.

Tầm mắt cậu Ba khẽ liếc qua tôi rồi dừng lại trên người Quý Phong, cậu nói:

- Em cũng về luôn với chị Uyển đi Phong, đưa chị Uyển về, đường về nhà tối lắm.

- Vậy em đưa mọi người về trước.

- Ừ, về đi.

Trời trên cao từ từ ngã tối, tôi đi theo Quý Phong rời khỏi bãi Tràm về lại nhà. Lén lút ngoái đầu nhìn lại, tôi vẫn thấy cậu Tư đứng khừ người ra đó, mắt nhìn chằm chằm vào khoảng nước mênh mông vô tận. Dáng vẻ hiu quạnh của cậu lạc thỏm giữa đám đông thợ lặn, ánh mắt thẩn thờ ngóng trông tin tức của vợ mình khiến cho lòng tôi không khỏi xót xa...
Mợ Diệp ơi... nếu mợ có thương cậu thì xin mợ... xin mợ... đừng chết!

.......................

Tôi về đến nhà chủ thì trời sụp tối hoàn toàn, bà chủ với mọi người đang ngồi ở giữa nhà đợi tin tức. Cậu Phong dắt tôi đi vào trong rồi báo cáo lại tình hình ngoài bãi Tràm, nghe xong, mọi người chỉ biết thở dài rầu rĩ.

Tôi đứng nép vào một bên, sự hối hận càng lúc càng xâm chiếm tâm trí, những câu mắng chửi của bà chủ cũng chẳng còn đáng sợ với tôi nữa. Hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ là tôi không hề có lỗi nhưng tôi lại không có cách nào ngăn được cảm giác tội lỗi trong lòng mình lại. Giá như tôi không rời đi, không bỏ mợ Diệp ở lại một mình thì mợ ấy đã không bỏ trốn...

Đúng là tôi không sai nhưng mợ Diệp cũng không hề sai, mợ ấy là người bị bệnh, một người mang trong mình căn bệnh trầm cảm đáng sợ... vậy mà tôi, một người lành lặn lại không giữ nổi một người bị bệnh...
Từ ngoài cổng có tiếng kêu khóc vọng vào, tôi nhìn ra cửa thì thấy một người phụ nữ tầm tuổi trung niên đang được em trai của mợ Diệp và một người đàn ông lớn tuổi gương mặt thống khổ dìu đi vào. Thấy bà ấy, bà chủ liền đứng dậy đi nhanh ra đón tiếp, dì Tư lúc này mới nói nhỏ vào tai tôi:

- Cha má mợ Tư tới.

Tôi đứng nhìn bọn họ đi vào, người đàn bà luôn miệng kêu khóc gọi tên mợ Diệp, bà ấy khóc ngất lên ngất xuống trông thảm thương vô cùng. Hai người bên cạnh là em trai và ba của mợ Diệp cũng không khá hơn, những giọt nước mắt đau lòng lăn dài trên má của người đàn ông lớn tuổi. Tôi cũng không biết diễn tả cảm xúc lúc này của tôi là như thế nào nữa, chỉ thấy đau lòng cho bọn họ quá nhiều.

Bà chủ giải thích sự việc, mẹ của mợ Diệp vừa nghe vừa nỉ non tên con gái. Chợt bà chủ nhắc đến tôi, mẹ mợ Diệp hai mắt liền đỏ lên, bà ấy đứng bật dậy, gào lên hỏi:
- Ai? Đứa nào giữ con tao? Đứa nào để con tao bỏ trốn?

Người làm trong nhà im lặng, cả ông Năm cũng không muốn trả lời. Cuối cùng vẫn là bà chủ bực dọc chỉ vào tôi, bà nói lớn tiếng:

- Là con Mùa... là nó.

Vừa dứt lời, mẹ mợ Diệp liền nhào đến chỗ tôi, bà tát cho tôi hai ba bạt tai vào mặt. Tôi dù biết nhưng cũng không chống cự, lại không phản kháng né tránh. Đánh được mấy cái, cậu Phong với cô Uyển đi tới can ngăn, cậu Phong kéo giữ mẹ mợ Diệp lại, cậu quát:

- Bác... chuyện này là ngoài ý muốn... Mùa nó cũng không muốn chị Diệp có chuyện vậy đâu bác.

Mẹ mợ Diệp vùng vẫy gào lên:

- Nó trông con Diệp, tại sao lại để con nhỏ bỏ trốn? Con nhỏ đang bị bệnh mà... nó là osin nó phải có trách nhiệm chứ? Bây giờ ai đền con cho tôi... nó có đền con cho tôi được không? Hả?
Ba mợ Diệp cũng không vui, giọng ông nặng nề:

- Thằng Luân đâu? Nó đâu rồi?

- Nó còn ở ngoài bãi Tràm đợi tin của người nhái.

Người đàn ông rầu rĩ, hai mắt thẩn thờ nhìn ra xa, ông nỉ non:

- Diệp... Diệp ơi là Diệp... con đâu rồi hả con?

Mẹ mợ Diệp thì khóc, ba mợ thì như chết lặng, em trai mợ đứng im lặng một bên không khóc cũng không náo loạn. Tôi lúc này được cô Uyển che chở, đứng lặng lẽ sau lưng mọi người, trái tim rất muốn khóc nhưng lý trí lại ngăn không cho nước mắt rơi ra bên ngoài. Tôi không phải là người bị hại, tôi không được khóc, khóc trông yếu đuối và hèn nhát lắm.

Ông Năm thấy mọi người chịu im lặng, ông mới khẽ cất tiếng:

- Chuyện của con bé Diệp... tôi cũng hết sức đau lòng, bây giờ chúng ta nên bình tĩnh đợi tin từ chỗ thằng Lãnh. Con bé Diệp hiền lành, phước lớn mạng lớn... tôi tin là con bé không sao... rồi tai qua nạn khỏi mà thôi.
Bà chủ nói thêm:

- Ba nói phải, anh chị bình tâm mà chờ tin, con nhỏ sẽ không sao... thằng Luân sẽ đưa nó về cho anh chị mà.

Mọi người nhất thời im lặng, chắc trong thâm tâm mỗi người đều có kết quả cho riêng mình, chỉ là... bọn tôi đều đang đợi một tin may mắn từ ông Trời ban tặng mà thôi.

Nửa tiếng sau, cậu Ba và cậu Tư về, nghe cậu thông báo không tìm thấy "xác" mợ Diệp, trong lòng mỗi người vừa thấy vui cũng vừa thấy lo lắng buồn bã.

Không tìm thấy xác thì vẫn còn khả năng là mợ Diệp chưa chết nhưng nếu mợ Diệp nghĩ không thông mà tự tử thì chuyện không tìm thấy xác lại là chuyện không tốt một chút nào hết.

Thấy mọi người im lặng, cậu Ba lại cất tiếng:

- Ông chú nhìn thấy có người tự tử ở bãi Tràm cũng không chắc đó có phải là Diệp nhà mình không, vì lúc ông ấy chạy tới thì người tự tử đã chìm hẳn xuống dưới nước. Ông ấy tả lại là thấy một người con gái còn trẻ, tóc dài, mặc đồ ngủ không nhớ rõ màu sắc... còn gương mặt thì ông ấy không nhìn rõ. Vì thời gian Diệp nhà mình mất tích vừa hay khớp với thời gian người xấu số kia tự tử nên mình nghĩ là Diệp tự tử... ngoài ra cũng không có một thông tin nào hay là ai thấy chắc chắn người tự tử là Diệp hết.
Cậu Ba dừng một lát rồi mới nói tiếp:

- Trước mắt, con cho người đi tìm trên cồn rồi tìm các vùng lân cận, phía công an cũng xuống lấy thông tin lúc nãy để giúp gia đình mình nhanh chóng tìm ra em Diệp. Lát nữa Luân lên phòng kiểm tra xem Diệp có để lại thư từ gì không rồi mới tính tiếp được. Chuyện quan trọng trước mắt là phải tìm cho ra em Diệp, người sống thì phải tìm ra người, còn chết... thì phải tìm thấy xác. Mọi người nên nén đau lòng mà cùng nhau tìm Diệp, bây giờ có trách ai thì cũng không đem Diệp trở về được.

Mẹ mợ Diệp phản đối, bà chỉ thẳng vào tôi rồi gào lên:

- Là do nó... chính nó sơ sảy mới để con Diệp có cơ hội mà bỏ đi... nếu không phải tại nó thì con Diệp đâu có ra nông nỗi như bây giờ.

Cậu Ba chau mày, cậu phản bác:

- Con biết là bác đang đau lòng cho em Diệp nhưng bác trách con bé nhà con cũng không đúng. Diệp đã có ý định muốn đi, bữa nay không đi thì ngày mai, ngày mốt em ấy cũng tìm cách bỏ đi. Mùa cũng chỉ làm đúng phận sự của con bé, nó làm sao biết được là Diệp lừa nó để bỏ trốn... mọi người trách con bé thì chỉ tội cho nó...
Ba mợ Diệp bức xúc lên tiếng:

- Vậy thì tôi và mẹ nó trách ai? Trách chồng nó hay trách gia đình các người không lo được cho con gái tôi? Tôi gả nó cho thằng Luân, suиɠ sướиɠ chưa được bao nhiêu thì con chết... trong mình mang bệnh trầm cảm... bây giờ thì bỏ đi không biết sống chết ra làm sao. Các người nói đi, không trách các người thì trách ai? Trách vợ chồng già tôi bỏ bê con cái hả?

Cậu Ba nghiêm mặt, tôi thấy rõ ánh mắt cậu sắc lạnh, giọng trầm xuống:

- Đau lòng cho em Diệp thì ai cũng đau lòng... quy tội cho ai cũng không đúng. Ở đây có nhiều chuyện không rõ ràng, hai bác tốt nhất nên im lặng đợi tin. Hai bác là mẹ của Diệp, Diệp là em dâu của con... nên có nhiều chuyện con không tiện nói ra trước mặt nhiều người... hai bác nên tiết chế lại một chút.

Ba mợ Diệp trừng mắt hoảng hốt nhìn cậu Ba, mẹ mợ Diệp sừng sộ định nói lại liền bị ba của mợ ngăn không cho nói. Nhất thời không khí trong nhà có chút mưa to gió lớn, cậu Ba thần sắc không hề muốn nhượng bộ một chút nào. Bất chợt, tôi cảm thấy cuộc hôn nhân của mợ Diệp với cậu Tư... có chút gì đó liên quan đến thương mại và bị gượng ép.
Em trai của mợ Diệp đi tới, cậu ấy hòa giải không khí căng thẳng:

- Ba mẹ... anh Lãnh nói đúng... hai người đừng nóng vội. Biết đâu chị Hai chỉ đang đi đâu đó thư giãn thôi... cứ bình tĩnh đợi kết quả chỗ anh Hai đã.

May là còn có em trai của mợ Diệp hiểu chuyện, nếu không đã có một trận tranh cãi nảy lửa xảy ra rồi. Cậu Tư đứng một bên im lặng nãy giờ, đến giờ cậu mới mệt mỏi cất tiếng:

- Hùng... em đưa ba mẹ về trước giúp anh. Ba mẹ, hai người về nghỉ ngơi trước đợi tin tức của con... tìm được Diệp, con sẽ gọi thông báo cho hai người. Bây giờ con xin phép lên phòng trước, con hơi mệt.

Nói xong, cậu cúi chào ba mẹ vợ rồi mới bỏ về phòng. Bà chủ thấy con trai mình như vậy, bà đau lòng không thôi, còn mẹ của mợ Diệp, bà ấy hình như không thích hành động bỏ lên phòng trước của cậu Tư. Tôi dõi mắt nhìn về phía mẹ của mợ Diệp, với con mắt nhìn người của mình, tôi có thể đoán bà ấy khá là khó tính, nếu không nói là dữ dằn. Nhưng ngược lại, ba của mợ Diệp thì trông có vẻ hiền hơn, em trai của mợ lại khá là ôn hòa. Chỉ là không hiểu lý do vì sao cậu Ba lại có vẻ không thích gia đình mợ Diệp tới như vậy. Nếu dựa vào những dữ liệu mà tôi có được, chả phải là cậu Ba và mợ Diệp thân với nhau lắm sao? Hay là từ đó tới giờ... là tôi hiểu nhầm cậu Ba rồi?
Em của mợ Diệp đưa ba mẹ cậu ấy về, cậu Ba thì đi ra ngoài có việc, ông Năm với bà chủ cũng về phòng nghỉ ngơi, người làm trong nhà cũng về phòng tắm rửa ngủ sớm. Nhà bà chủ hôm nay sáng đèn, tới nửa khuya mọi người mới chịu đi ngủ giữ sức. Tôi biết mọi người không ai trách tôi cả, ai cũng bảo là do tôi xui xẻo thôi chứ chuyện mợ Diệp mất tích không phải lỗi của tôi. Tôi cũng biết là vậy nhưng tôi nhất thời không thể nghĩ là tôi hoàn toàn không có lỗi lầm gì được. Mợ Diệp còn sống thì không sao nhưng nếu mợ Diệp tự tử... chắc tôi ân hận và ám ảnh suốt đời này mất.

Người là do tôi trông, tôi không thể nói phủi bỏ là phủi bỏ hết tất cả được.

Đêm càng về khuya, tôi càng không ngủ được, trằn trọc tới lui, tôi quyết định đi ra ngoài ngồi cho thoải mái đầu óc. Thấy Gấu con vẫn còn thức, tôi liền dắt nó đi dạo, tìm ghế đá ngồi xuống, tôi thở dài nhìn lên trời cao, lòng thấp thỏm buồn bã không tả siết.
Chợt nghe tiếng Gấu con sủa lên "gâu gâu" hai tiếng rồi im tịt, tiếp sau đó là động tác quẫy đuôi mừng rỡ, ngó sang mới biết là cậu Ba vừa về. Thấy cậu, tôi không thiết tha gì chào hỏi, mặt cứ đần thối ra đến Gấu con còn cảm thấy chán chả thèm chơi với tôi. Cậu Ba đi tới chỗ tôi, cậu ngồi xuống ghế, thở dài một hơi ngước nhìn lên trời cao:

- Chà, trời hôm nay đẹp quá... sao giờ này không ngủ mà còn ra đây?

Tôi cũng thở dài:

- Em không có tâm trạng để ngủ.

Cậu Ba quay sang nhìn tôi, cậu khẽ hỏi:

- Nghe nói mẹ Diệp đánh cô... không đau à?

Tôi gật gật:

- Đau chứ cậu nhưng không trách bà ấy được, cũng là xót cho con thôi.

- Vậy nếu ba cô thấy cô bị đánh, ông ấy có xót cho cô không?

Tôi có hơi sững người, môi mím chặt lại nhìn cậu không chớp mắt. Cậu Ba thấy tôi nhìn, cậu chợt nói, giọng rất dịu:
- Ai cũng biết Diệp bỏ đi không phải lỗi do cô, cô cũng không cần gì phải chịu đựng như vậy hết. Nếu có trách là trách số phận nghiệt ngã... cô vô tình bị chọn làm tấm bia cho mọi chuyện mà thôi.

Tôi rũ mắt, cười khẽ:

- Lỗi không phải của em nhưng thân phận của em không giống mọi người, trách là trách em xuất thân không tốt, không đủ năng lực bảo vệ cho bản thân mình. Mẹ mợ Diệp đánh em, em uất lắm nhưng em không có quyền và cũng không được phép đánh lại. Cậu biết không... giá trị con người của em nó không bì được với giá trị con người của cậu... phản kháng chỉ làm em có thêm rắc rối, chẳng giúp ích được gì.

- Gọi là cam chịu à?

Tôi lắc đầu:

- Không hẳn là cam chịu, đó là chấp nhận thực tại.

Cậu Ba khẽ gật, môi cậu mỉm cười:

- Suy nghĩ sáng suốt đó, ba cô dạy cô rất tốt.
Tôi cười:

- Ba em biết cậu khen, ông ấy sẽ vui lắm, em là niềm hãnh diện của ông ấy mà.

Cậu Ba đột nhiên nhìn tôi, cậu đứng dậy đi tới ghế của tôi, cậu ra hiệu cho tôi ngồi nhích vào rồi cậu liền ngồi xuống bên cạnh. Quay sang nhìn tôi, mi mắt sụp xuống, giọng cậu trầm khàn:

- Khóc đi... khóc được rồi đó...

Tôi nhìn cậu, môi mím chặt, sự ngỡ ngàng không nói được nên lời. Cậu kêu tôi khóc... tôi có phải yếu đuối muốn khóc đâu... làm gì có...

Cậu Ba xoa xoa tóc tôi, giọng cậu dịu xuống:

- Gồng thế đủ rồi, trước mặt tôi không cần tỏ ra bất bại... khóc đi nhóc... khóc cho nhẹ lòng. Bị đánh đau thì cứ khóc, bị chửi oan thì cứ khóc, sợ hãi thì khóc, mệt mỏi... hãy khóc...

Hai mắt tôi đỏ lên, tất cả sự dồn nén tích tụ đều như muốn bung trào ra bên ngoài.

- Có tôi ở đây rồi, không ai dám đánh mắng cô nữa đâu... cố lên!
Hai chữ "cố lên" nó như phá vỡ sự chịu đựng quá tải trong lòng tôi, tôi chợt oà lên khóc, khóc như đứa trẻ bị mẹ mắng... có lẽ ngày hôm nay tôi đã quá mệt mỏi rồi... hoặc là những ngày qua tôi đã chịu đựng quá đủ rồi.

Tôi ngồi một bên, khóc lóc như một đứa con gái thất tình, cậu Ba thì ngồi bên cạnh, im lặng lắng nghe tôi tỉ tê than thở. Có khi cậu xoa đầu tôi, có khi lại vỗ vỗ nhẹ lên tay tôi đồng cảm. Đợi khi tôi khóc xong, nước mắt đã khô hết, cậu mới nói:

- Giờ thì đi ngủ được chưa?

Tôi gật gật:

- Được rồi.

- Ừ ngủ đi, ngày mai còn nhiều việc phải làm lắm... đừng lo... tôi vẫn còn ở đây.

Tôi nhìn cậu, trái tim đang giống như bông hoa héo tự dưng lại như được tưới nước mà tươi tỉnh hẳn ra... cái cảm giác này... giống như say nắng crush nhỉ?

Không không không... gì mà say nắng... điên... đừng có điên!
Ba ngày sau, cậu Ba cho ngưng việc thuê người nhái vì ròng rã cả ba ngày đều không tìm thấy được một chút manh mối nào về người tự tử dưới sông kia. Có khả năng xác đã trôi đi rất xa rồi, không còn ở xung quanh bãi Tràm nữa. Phía công an cũng chưa có tin tức gì, việc tìm người dường như rơi vào ngõ cụt.

Ba mẹ mợ Diệp khóc đến ngã quỵ, họ lập bàn thờ ngoài bãi Tràm rồi mời thầy cúng về làm lễ cầu siêu cầu vong cho mợ. Ông Năm và cậu Tư không đồng ý để ba mẹ mợ Diệp làm như vậy nhưng cản họ thì họ không đồng ý. Hết cách, cậu Tư để cho họ muốn làm gì thì làm, cậu không lên tiếng can ngăn nữa.

Đến chiều, ba mẹ mợ Diệp muốn về nhà bà chủ lập bàn thờ cho con gái nhưng cậu Tư nhất quyết không đồng ý. Cậu nói mợ Diệp chưa tìm được xác, cậu không chấp nhận là mợ đã chết, cả ông Năm và cậu Ba cũng đều không đồng ý với ý kiến này của bên thông gia. Ba mẹ mợ Diệp đùng đùng tức giận, mắng chửi bên đây là không có tình người, ép chết con gái bà ấy rồi phủi mông không nhận con dâu. Bà chủ có hơi khó xử nhưng ông Năm cứng rắn không nhân nhượng, ông nói:
- Con gái chưa rõ sống chết, bà đã vội đi lập bàn thờ... mẹ tốt là bà chứ ai.

Mẹ mợ Diệp ôm bài vị bằng giấy của con, bà tức giận chỉ thẳng vào mặt ông cụ, quát:

- Ông... để đó mà coi... tôi không để cho các người yên đâu... đồ ác độc mất nhân tính.

Nói rồi bọn họ kéo về, còn bọn họ muốn làm gì tiếp theo thì chưa biết.

Đêm xuống, tôi đi ngủ rất sớm, không biết thế nào mà tôi lại nằm mơ. Trong giấc mơ kỳ lạ, tôi mơ thấy bà Cúng, bà ấy đứng trước đầu giường tôi rồi gõ vào trán tôi cốc cốc, bà lớn tiếng bảo:

"Cô khóc cái gì, tội tình gì phải khóc, bị lừa mà còn không biết... đúng là ngu!"

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK