#Chap15: Mõm Thiên Hạ
“ Bà Tám “: Định nghĩa là những người phụ nữ ( đôi khi còn là những người đàn ông) thích buôn chuyện, bán chuyện, chuyên đi soi mói chuyện riêng, chuyện đời tư của nhà người khác đem ra bàn tán, bình phẩm, thậm chí là dè bỉu như chuyện của mình. Bản chất người trong xóm tôi rất tốt, nhưng các cụ bảo rồi: Trắng như Bạch Tuyết thì vẫn có chỗ còn đen nữa là.
Quên câu này là tôi sưu tầm được ở đâu thôi chứ bảo các cụ nói tối về các cụ lại vật cho sùi bọt mép vì tội bố láo. Thế cho nên thanh niên bây giờ hay nói: Ở đâu cũng có people this, people that. Tạm dịch là ở đâu cũng có người nọ, người kia, người tốt người xấu.
Xóm tôi không ngoại lệ, ngoài những người yêu thương, quý mến, coi trọng tình làng, nghĩa xóm. Tối lửa tắt đèn có nhau, những người luôn coi châm ngôn của các cụ “ bán anh em xa, mua láng giềng gần “ là đúng, những người đó nghe phong thanh anh Luân có người để ý thì họ chúc mừng, rồi hỏi thăm. Dân tôi quê mà, nhà nào xây cái bệ xí có khi cũng chúc mừng rối rít, chúc gia chủ đi ỉ* mát đít luôn. Tình cảm làng xóm quý hóa lắm tưởng đùa. Ấy thế mà vẫn có những con mụ ngồi lê đôi mách, tọc mạch vào đời tư của người ta một cách thô thiển. Chúng nghe hơi nồi chõ từ đầu ngõ nhưng lại kể với nhau như rúc trong gầm giường nhà người ta vậy.
Sáng đó mẹ tôi đi chợ về, nhìn tôi đang ngáp bà chửi luôn. Khổ vậy, chẳng biết đi chợ gặp mụ nào cân diêu, cân thiếu cho miếng thịt lợn hay sao mà vừa đặt chân dến nhà đã chửi thằng con tội nghiệp như hát hay:
— Giờ này mà mày còn ngáp à..? Ra chợ mà xem chúng nó nói gì kia kìa..?
Tôi che miệng lại ú ớ:
— Nói gì thì kệ chúng nó, thế nó nói gì mẹ à..? Hay nói gì con..?
Mẹ tôi ngồi xuống ghế, chân vắt lên, bà tháo cái nón rồi huơ huơ, quạt quạt:
— Không. – Mẹ tôi trả lời.
Ơ hay, nhà có hai mẹ con chúng nó không nói đến ai thì chẳng hiểu mẫu hậu tôi bực cái gì. Tôi hỏi lại, mà hỏi nhỏ nhỏ thôi vì biết quạt quạt cái kiểu kia là đang tức lắm đây:
— Thế chúng nó nói ai hả mẹ..? Mà chúng nó nói gì..?
Hỏi đúng chỗ gãi, mẹ tôi chỉ thẳng cái nón ra phía ngoài đường mà tôi giật mình tưởng bà bu định ném mình, mẹ tôi chửi:
— Tiên sư bố nhà chúng nó, người ta đến nhà ăn cơm thôi mà chúng nó cũng bịa ra đủ mọi chuyện. Tổ cha cái bọn ăn đứng dựng ngược, bọn ăn không nói có, bọn mõm chó mọc lông. Chúng mày cứ nói đi rồi thổ công, ông thổ địa vật chết cả nhà chúng mày, cho chúng mày cấm khẩu luôn.
Khiếp hồn, lắm lúc tôi tự hỏi “ Chửi “ nó có di truyền không mà nhà tôi ai chửi cũng vần. Mặc dù chẳng bao giờ mẹ tôi dạy tôi chửi cả, lúc bình thường thấy tôi nói bậy là còn cầm đũa cả đáp như đáp con Ki luôn. Cơ mà xin lỗi đời, ngày xưa mẹ tôi cũng đi buôn, đi bán. Không trêu bà không sao, chứ trêu bà điên lên thì thôi rồi Lượm ơi, bà chửi cho bục mồ, bục mả. Nói chung là mẹ tôi hơi bị ác, tôi ở xóm cũng thuộc dạng nghịch ngợm, cũng bạn nọ bạn kia, cũng có thời đàn đúm, đánh nhau sứt đầu mẻ trán, mấy thằng bạn tôi cũng đi trại quá nửa may sao tôi vẫn ở nhà. Thế mà về đến nhà chỉ cần mẹ tôi ho một câu là tôi cũng sợ.
Thấy tình hình không ổn, kiểu này là dễ giận mấy con cá rồi băm thằng con làm thớt lắm đây. Tôi toan ù té quyền thì mẹ tôi gắt:
— Rót cho tao cốc nước, nói thế mà mày cứ ngây ra à..?
Tôi khúm núm đặt cốc nước vối lên bàn cho bà bu, tôi lại tiếp tục hỏi nhỏ:
— Mẹ đang chửi ai vậy..?
— Còn ai vào đây nữa, mấy con mồm thối trên chợ kia chứ đâu. Chúng nó đang đồn thằng Luân làm bùa, làm ngải gì mà câu kéo được con nhà giàu. Rồi thì là tưởng hiền lành ai dè cũng thâm nho phết, chuột sa chĩnh gạo. Tao đi qua nghe thấy thế đi lại thì mấy con nó tản ra hết. Bảo sao mấy ngày hôm nay mẹ sang bác Xoan hỏi chuyện thì thấy mặt bác ấy cứ buồn buồn, mà hỏi đến chuyện thằng Luân là lại đánh trống lảng. Ra là thiên hạ chúng nó dèm pha, chúng nó đặt điều.
Tôi tự nhiên cũng điên lên:
— Con nào nói, con nào mẹ bảo con gang mồm chúng nó ra.
Vừa lúc đó có tiếng bác Xoan gọi bên ngoài cổng:
— Dương ơi, ra mở cổng bác đưa cho cái này.
Tôi chạy vội ra thì thấy bác Xoan đang xách túi cái túi gì đen đen, tôi chào bác, bác Xoan nói:
— Mẹ đi chợ rồi hả, cầm cái này vào để tủ lạnh mà ăn dần.
Tôi mở cổng mời bác vào nhà, rồi đỡ cái túi đen, tôi nói:
— Mẹ cháu vừa đi chợ về, đang ngồi trong nhà, bác vào nhà ngồi chơi đã, anh Luân đi làm, cái Còi đi học rồi hả bác.?
Bác Xoan cười rồi gật đầu bước vào trong, vừa đi bác vừa nói:
— Thịt bê đấy, sáng sớm nay có người nhà từ trong Nam Định ra, họ biếu mấy cân thịt bê tươi. Nhà bác không có tủ lạnh, bác mang sang đây cho nhà cháu, cắt ra làm đôi mỗi nhà một nửa.
Mẹ tôi nghe giọng bác Xoan thì đi ra gọi:
— Bác Xoan vào đây, em đang điên quá bác ạ…..Làng xóm với nhau mà chúng nó đặt điều vu khống thế có tức không cơ chứ.
Tôi đem túi thịt bê cho vào trong tủ lạnh cất đi, ở bên ngoài ghế ngồi mẹ tôi đang kể lại cho bác Xoan những điều chướng tai ở chợ. Bác Xoan thở dài lắc đầu:
— Thiên hạ bao giờ cũng thế mà cô, họ cứ có 1 đồn 2, có 5 đồn 10. Mấy hôm đi chợ cũng có vài người hỏi dò tôi suốt, nhưng có cái gì đâu mà giả nhời. Nghĩ mà cũng muối mặt, thằng Luân bị vợ ăn trộm tiền bỏ nhà theo giai người ta cũng chửi, giờ có người quan tâm nhưng vì họ giàu, mình nghèo, người ta cũng nói không ra gì. Sướng khổ, giàu nghèo nó có số, đâu phải cứ muốn là được đâu. Người ta có thương mình đó là may mắn, chứ mình ép sao được. Vậy….mà….
Nghe bác Xoan than mà tôi cũng thấy nao lòng, đúng là miễng lưỡi thế gian nó sắc còn hơn dao lam, họ cứ nói cho sướng miệng nhưng đâu biết vô tình làm tổn thương người khác như thế nào, mẹ tôi rót nước cho bác Xoan rồi đáp:
— Bác cứ để em, mấy con ăn không nói có đó phải cho một trận.
Bác Xoan ngăn cản:
— Thôi cô ơi, miệng người ta người ta nói, mình cản sao được….Có bảo thì họ cũng chối mà thôi. Nghe thì cũng bực thật nhưng làm to chuyện rồi càng khổ con mình.
Về khoản này anh Luân giống bác Xoan y hệt, lúc nào cũng chịu nhún nhường, chịu lép vế trước người khác. Thế cho nên ở đây bao nhiêu năm nhà bác Xoan chẳng cự cãi hay to tiếng với ai bao giờ. Người ta nói gì cũng mặc, ngày bố anh Luân mất, độ đâu 1 năm sau nhà hàng xóm chung mảnh vườn làm trò, tôi nghe mẹ tôi kể nhà đó nó lấn sang bên này của bác Xoan 3m đất. Mẹ yếu, con côi, bác Xoan cũng phải đắng cay chấp nhận. Tôi vừa nghĩ đến chuyện đó thì mẹ tôi nhắc lại luôn:
— Vâng, bác nói thế cũng phải. Chúng nó cứ thế rồi ông trời có mắt, như cái nhà Hoan chó kia kìa, em còn nhớ ngày xưa nhà chúng nó cướp không của bác mấy mét đất. Rồi đấy đến bây giờ vỡ nợ nhà cũng chẳng còn mà ở. Cái giống sát sinh, giết chó bán lấy thịt đã ác đức rồi, không biết tu tâm lại còn đi tranh cướp đất của hàng xóm. Quả báo hết bác nhỉ..?
Nói đến nhà Hoan chó, gọi là Hoan chó vì ngày xưa nhà này nó có quán thịt chó. Nghe mọi người kể ngày xưa chó hàng xóm nó cũng bắt trộm rồi giết, hỏi thì nó chỉ ra đống rơm bảo tìm xem có đúng là lông chó nhà ông không mà bắt đền. Nhà này nó ngang ngược có tiếng, chẳng nói lý với ai bao giờ. Vừa nấu rượu, vừa bán thịt chó, cũng giàu nứt đố, đổ vách. Thế mà rồi tự nhiên dính vào bóng bánh, cờ bạc….Bán nhà, bán đất lưu lạc ở đâu không ai biết. Dân trong xóm ai cũng bảo đáng đời, làm ác thì bị quả báo, không ai thương.
Tôi sực nhớ ra một chuyện, tôi hỏi:
— Ơ, bác Xoan, chiều qua gặp anh Luân cháu nhớ anh ấy bảo hôm nay không phải đi làm mà nhỉ..?
Bác Xoan trả lời:
— Đúng rồi, hôm nay không phải đi làm. Nhưng mà thấy bảo bác là đi chuyển đồ cho quán cà phê nào đấy. Nôm na là ở trong thị xã người ta mở một quán cà phê mới, thấy bảo to lắm. Thằng Luân có bạn ở trên huyện, chỗ đấy người ta thầu làm cái quán này. Chắc là lại gọi nhau đi làm, bác nghe nó bảo làm độ 3 buổi cho người ta mà họ trả công 300 nghìn một ngày, nên nó đổi ca cho chị nào trong tổ, nghỉ mấy hôm tranh thủ. 6h sáng dậy ăn bát cơm nguội xong là đi luôn rồi.
Ra thế, bảo sao quần áo bảo hộ vẫn thấy phơi ở ngoài. Bao năm trôi qua, dù trời đất có đổi thay thì anh Luân vẫn luôn là người tham công, tiếc việc chẳng bao giờ ngại khó khăn vất vả. Mẹ tôi sau khi nói chuyện với bác Xoan xong bà cũng hạ hỏa, tôi xuống bếp mở tủ lạnh cầm túi thịt bê ra chia nhỏ thành mấy phần, buộc riêng lại cho lên ngăn đá khi nào ăn lấy cho nó tiện. Tôi nói với lên trên nhà hỏi bác Xoan:
— Bê này xào lăn thì ngon hay làm gì bác nhỉ..?
Bác Xoan đáp:
— Bê ba chỉ nên không mấy ai xào đâu, cháu cứ luộc hoặc hấp lên với gừng, sả xong thái chấm với tương bần, ăn mềm lắm…..Đặc sản Nam Định đấy.
Công nhận nhìn miếng ba chỉ bê ngon mà thơm nồng mùi thịt mới, đấy, nhà tôi với nhà bác Xoan thân thiết thế đấy. Có cái gì ngon là cũng nhớ đến nhau, tình nghĩa bao năm vẫn cứ như vậy. Chẳng trách nghe người ta nói xấu nhà bác, mẹ tôi cũng nổi cơn tam bành. Nói thế chứ bản thân tôi cũng vậy, tôi cứ thấy gia đình bác Xoan hiền lành quá, toàn để người ta bắt nạt. Mẹ tôi đầu giờ chiều cũng phải đi lấy hàng, bà tối chắc không ăn cơm nhà. Định bụng cắt miếng thịt bê tối hấp mang sang nhà anh Luân làm cút rượu tiện hỏi thăm tiến độ chuyện tình cảm của anh đến đâu.
Nhưng trước đĩa thịt bê thơm phức nồng nồng mùi như sữa, phảng phất mùi gừng đườm đượm anh Luân mặt mũi buồn thiu. Cái Còi xô đũa cho mọi người, nó đưa bát đũa cho bố rồi cười toe toét:
— Con mời bố xơi cơm.
Anh Luân xoa đầu con bé, anh cười nhưng rõ ràng anh không vui. Đoán ngay anh Luân đi làm xảy ra chuyện gì tôi hỏi:
— Anh sao thế, em thấy bác Xoan bảo anh đi làm cho người ta trả 300 nghìn một ngày. Công việc có gì không đúng hả anh..? Hay người ta không trả tiền..?
Anh Luân thở dài:
— Ừ, anh không làm nữa rồi…..Chán lắm em ạ, đời đúng là không thể tin ai được. Rót rượu đi em…
Tiếng thở dài thườn thượt khiến cho bữa cơm nguội dần, hai chén rượu được rót ra nhưng anh Luân không mời tôi, không cụng chén mà đưa lên uống một hơi hết sạch…….