#Chap3: Câu Hỏi Của Người Mẹ Già..!
Cũng khá lâu rồi hai anh em mới có dịp ngồi uống thế này, tôi thì đi làm, anh Luân cũng thế. Chỉ có điều anh Luân làm nhiều việc hơn tôi, bởi ngoài công việc làm về môi trường đô thị, thời gian còn lại anh Luân còn đạp xích lô chở hàng cho người ta mặc dù sau biến cố đó sức khỏe anh không còn như xưa. Đó cũng chính là lý do vì sao mà anh phải chọn công việc lao công, quét rác. Sáng thì dậy từ khi gà chưa gáy, buổi chiều ai mà thuê là anh lại đạp xích lô đi vận chuyển, hôm thì xi măng, hôm thì bàn ghế, tủ tạng.
Làng xóm biết hoàn cảnh nên họ cũng thông cảm, có đồ gì mà cần chuyển nếu đợi được thì đa phần họ đều để đến chiều rồi gọi anh Luân cho anh kiếm thêm thu nhập. Cuộc đời không ai biết trước được điều gì, ngày bé anh ấy sướng như thế, ai dám nghĩ lớn lên anh phải bươn chải khổ sở đến vậy. Chắc mọi người đang thắc mắc tại sao anh không xin vào công ty, xí nghiệp giày da, may mặc mà làm..? Cái gì cũng có nguyên do của nó các bạn ạ. Những nơi đó người ta không nhận anh, bởi anh có tiền sử bị tai biến…..Khốn nạn, căn bệnh tai biến quái ác đã thay đổi cuộc đời anh tàn tạ thêm một lần nữa. Bố anh Luân mất cũng vì tai biến, nghĩ đến đây tôi thở dài thườn thượt:
— Haizzz, mà sau có ngày nghỉ anh cố mà nghỉ ngơi ăn uống vào, ngày đã làm hai việc, sáng dậy sớm sức đâu chịu nổi. Còn sức khỏe…..
Anh Luân cười:
— Anh không sao đâu, công việc của anh cũng không có gì mà chú, sáng đẩy xe đi gom rác rồi quét dọn một đoạn đường. Còn đạp xích lô cũng chỉ toàn người làng mình cả, xa xôi gì đâu. Hơn nữa ơn trời, gần 6 năm nay vẫn khỏe mạnh, thế mà đợt đấy tưởng chết chú Dương nhỉ..?
Tôi đáp:
— Vầng, vẫn là ông trời có mắt, không triệt đường sống của ai bao giờ. Nghĩ lại năm đó em vẫn còn rùng mình, đang yên đang lành mẹ em gọi về bảo anh Luân bị tai biến đang nằm cấp cứu trên Hà Nội. Em còn không tin bởi xưa nay anh khỏe mạnh là thế, sức vóc hơn em bao nhiêu….Nghe anh bị tai biến em bàng hoàng thật sự, đến lúc nhìn anh nằm trong phòng bệnh hôn mê bất tỉnh, nghe bác sỹ nói giờ chỉ còn trông cậy vào sức sống của bệnh nhân mà em đứng không vững.
Anh Luân châm điếu thuốc rít một hơi, anh đưa cho tôi rồi nói tiếp:
— Sống chết có số mà em, nhìn vậy thôi nhưng khám ra bao nhiêu bệnh. Những năm trước đó anh lăn lộn làm đủ mọi nghề, dầm mưa dãi nắng, thức khuya thức hôm…..Bố anh cũng chết vì đột quỵ, tuy bác sỹ nói đây không phải bệnh di truyền mà chỉ do mạch máo não của anh bị biến dạng nên xảy đến tai biến nhưng anh nghĩ kiểu gì cũng có liên quan. Bố anh gần 50 tuổi thì mất, chẳng biết anh liệu có sống được một cái 50 không đây….Ha ha ha.
Anh Luân vừa nói vừa cười đầy chua chát, tôi gắt:
— Anh đừng có nói gở mồm, ai em không biết chử riêng anh là phải sống thật thọ cho em. Với lại đã 6 năm anh cũng không bị biến chứng hay tái phát lần nào, em nghĩ anh khỏe rồi, cơ mà vẫn phải giữ sức khỏe anh ạ. Em hôm nay lại gạ anh uống rượu, sai quá rồi.
Anh Luân cười ha hả:
— Chú điên quá, uống rượu mà chết thì anh chết cách đây mấy năm rồi chứ uống mấy cái chén này chết làm sao được.
Tôi biết, anh Luân vẫn uống rượu một mình. Nhìn chai rượu chỉ còn một nửa ban nãy là đủ biết nửa còn lại đã biến đi đâu. Sinh cái Còi ra được 5 tháng, tất cả mọi chuyện trong nhà đều đổ lên đầu người đàn ông khốn khổ kia. Thêm thành viên đồng nghĩa với việc anh Luân phải làm lụng gấp đôi, có khi gấp ba bình thường. Không muốn mẹ, vợ và con phải chịu khổ nên anh Luân làm đủ mọi nghề. Cái ngày đó nhìn anh Luân mà tôi phát sợ, một ngày anh ngủ không được 3 tiếng đồng hồ. Tôi cũng không hiểu sức khỏe ở đâu mà anh có thể chịu đựng được như thế. Ban ngày tôi còn thấy anh đang vác xi cho một cửa hàng xây dựng, nhưng sáng sớm hôm sau tôi thấy anh đi về, tôi hỏi thì anh bảo ra bến bốc hàng với chuyển đồ cho tàu cá.
Đợt đó tôi cũng đi học nghề nên không ở nhà, bất chợt nghe tin anh đột quỵ. May phước lúc anh đột quỵ thì người ở bến cũng tốt, có người nhìn anh co giật, chắc họ cũng có người nhà từng bị bệnh giống anh nên họ gọi xe và đưa anh vào bệnh viện luôn. Bệnh viện dưới này không đủ điều kiện nên anh được chuyển lên tuyến trên. Và rồi cái mảnh vườn mà anh đang cuốc đất trồng rau bây giờ chỉ còn lại một nửa, bác Xoan phải bán đi một mảnh đất để lo tiền chữa trị cho anh.
Nhưng khi anh vừa mới cử động được một phần cơ thể thì chị Liên, con vợ của anh biến mất tăm mất tích. Mà nào có ai biết, bác Xoan ở trên viện, tôi cũng ở trên viện. Ở nhà nó, tôi đã từng xin lỗi anh Luân trước vì gọi vợ anh là “ con “, là “ nó “. Bởi cho dù nó có là vợ của anh Luân đi nữa nhưng nó không xứng đáng để tôi gọi là chị. Cái ngày hôm ấy, đến chết tôi cũng không bao giờ quên. Khi mà bác Xoan đi ra ngoài mua đường, sữa, bởi anh Luân lúc đó chưa ăn được gì. Mẹ tôi ở nhà gọi điện lên:
— Alo, Dương à…? Chị Liên đã lên đến viện chưa hả con..?
Tôi ngơ ngác hỏi lại mẹ:
— Không có mẹ ơi, cháu nó còn bé, chị ấy cũng đang ở cữ. Chẳng phải là bảo đem con về ngoại ở rồi sao. Trên này có con với bác Xoan là được rồi.
Mẹ tôi nói:
— Ừ thì mẹ cũng biết thế, nhưng trưa nay nó bế con về rồi sang bên nhà mình bảo gửi. Nó bảo phải lên trên đó xem chồng như thế nào chứ ở nhà lo lắng không chịu được. Nhìn khổ sở vội vàng lắm, thế nên mẹ mới bế con Ánh Dương cho nó sắp xếp quần áo nó đi đấy. Mà nóng ruột sợ nó đi đứng không biết đường xá nên gọi hỏi con xem nó lên chưa..? Chắc nó chưa đến nơi, chị nó mà đến mày gọi về cho mẹ yên tâm nhé.
Tôi khi đó còn cười mừng bởi ít ra chị dâu cũng quan tâm đến anh Luân, tôi hỏi thăm con bé:
— Vầng, đi từ trưa thì cũng phải 3h chiều mới đến, giờ mới có 3h30 chắc còn đang tìm đường đến bệnh viện. Mẹ yên tâm đi, con bé có khóc không mẹ, mà chị ấy đi như thế nó đói thì sao..?
Mẹ tôi đáp:
— Không, nó ngoan lắm….đang thức này nhưng chẳng khóc gì cả, mẹ nó cũng chu đáo, vắt cả sữa để đây cho nó rồi. Nó bảo nó đi lên thăm chồng chốc lát rồi nó về chuyến xe tối luôn ấy mà.
Tôi chào mẹ rồi tắt máy, cũng đúng lúc bác Xoan đi mua đồ về, tôi nói với bác Xoan:
— Chắc là chị Liên lát nữa cũng vào đây bác ạ, ở nhà không biết chồng ra sao, bế con sang gửi mẹ cháu rồi bắt xe lên đây rồi.
Bác Xoan còn lo cho con dâu:
— Thôi chết, sao mẹ cháu không ngăn nó lại, ra đường gió máy nhỡ có chuyện gì thì sao, đàn bà mới đẻ xong kiêng cữ lắm…Cái con này, không biết tự lo cho mình gì cả. Mà nãy bác sỹ nói với bác là anh Luân mày đang hồi phục nhanh lắm, sắp ăn được cháo rồi. Mừng quá, nó có làm sao chắc bác cũng tự tử mà chết, phải sống chứ, mẹ già không cần chăm nhưng vợ với con chết rồi bỏ cho ai.
Tôi an ủi, động viên bác Xoan:
— Bác đừng lo, anh Luân phúc lớn, mạng lớn sống thọ lắm. Bác đừng nghĩ nhiều, giờ trước mắt phải chăm sóc cho anh ấy đã. Mà bác mệt rồi, bác về phòng trọ mà nghỉ ngơi, có gì cháu gọi.
Bác Xoan nhìn vào trong giường bệnh lắc đầu:
— Thôi, bác không sao…? Ở đây trông nó còn vạ vật ngủ được chứ ra khỏi chỗ này càng lo càng không ngủ được.
6h tối vẫn chưa thấy chị Liên đâu, tôi với bác Xoan bắt đầu lo lắng. Hôm đưa anh Luân lên đây chị Liên cũng có đi cùng, khi về chị Liên về với mẹ tôi, mà mẹ tôi bảo chị Liên thuộc đường lắm, mẹ tôi còn chả nhớ được gì. Chẳng lẽ chị Liên gặp chuyện gì, đứng ngồi không yên tôi còn đi ra cổng bệnh viện ngó nghiêng xem chị Liên đã đến chưa. 7h tối, vẫn không thấy đâu, khổ thân bác Xoan ăn bát cháo cũng phải bỏ dở vì lo nghĩ, bác liên tục hỏi tôi:
— Sao giờ này nó vẫn chưa đến cháu nhỉ..?
Có một câu đó thôi mà bác hỏi phải đến mười mấy, hai mươi lần. Bác Xoan hỏi nhiều đến cái độ mà tôi cũng không còn lý do để đưa ra nữa. Bệnh viện hết giờ thăm nom, tôi đành phải nói với bác:
— Thôi, giờ hết giờ người nhà ở đây rồi, bác ở lại trông anh Luân, để cháu chạy về rồi mượn xe đi ra bến xe xem hay là chị ấy đi chuyến muộn. Tiện cháu gọi về nhà xem thế nào, bác đừng lo, chị Liên không làm sao đâu.
Để bác Xoan yên tâm, tôi đi ra một chỗ gọi điện trước cho mẹ rồi dặn mẹ đừng hỏi han gì về chị Liên, chỉ cần bảo con bé ở nhà vẫn ổn là được. Nghe thấy cháu ăn sữa xong đã đi ngủ bác Xoan cũng phần nào yên tâm. Còn tôi chẳng biết như thế nào, bởi thực chất tôi đã lo lắng từ sau khi mẹ tôi gọi điện. Bởi số điện thoại của chị Liên tôi gọi từ lúc đó đều: Không Liên Lạc Được.
Trong đầu tôi nghĩ ra đủ lý do, nào là chị Liên bị móc túi nên mất điện thoại bởi ngày đó mấy bên xe trên Hà Nội trộm cắp như rươi, giống người như đúc. Nạn rạch túi, rạch quần xảy ra như cơm bữa, thậm chí nhìn thấy chúng nó lấy đồ của mình mà kêu còn bị chúng nó đánh. Nguy hiểm hơn tôi còn lo chị Liên bị tai nạn, nói chung chưa nhìn thấy người đâu thì còn lo lắng không thể yên tâm.
Nhưng sang đến sáng ngày hôm sau, tôi vào viện thăm anh Luân, tiện mua đồ ăn sáng cho bác Xoan. Cả đêm bác Xoan không ngủ, đôi mắt thâm quầng, sâu hoắm, bác nhìn tôi và vẫn là câu hỏi đó:
— Sao giờ này nó vẫn chưa thấy đâu hả Dương…?