Khi chị Loan đứng lên phản đối:
— Thưa tòa, liệu rằng chúng ta chỉ xét điều kiện tinh tế mà bỏ qua một chi tiết rất quan trọng đó là mẹ của cháu Ánh Dương đã bỏ cháu đi từ khi cháu mới được có 5 tháng tuổi. Thời điểm mà một đứa bé cần vòng tay của mẹ, cần dòng sữa của mẹ nhất thì mẹ cháu đã đi đâu..? Quý tòa tại sao không lật lại vấn đề bởi vì cháu thiếu sữa mẹ nên mới trở nên còi cọc như vậy..? Thiên chức làm mẹ của một người phụ nữa là sinh con và chăm sóc con, điều này mẹ cháu rõ ràng không làm được. Hơn nữa có những thông tin mẹ cháu bỏ đi không phải là đi làm ăn xa mà là đi theo một người đàn ông khác. Luân thường đạo lý, liệu để cháu Ánh Dương sống với một người mẹ như vậy tôi e không đảm bảo cho tương lai của cháu. Vấn đề này rất quan trọng, mong tòa xem xét lại.
Chủ tọa đáp lại:
— Những lời mà luật sư nói có bằng chứng gì hay không..?
Chị Loan quay xuống nhìn tôi chờ đợi, bản thân tôi cũng đang nóng lòng, ruột gan đang lộn tùng phèo bởi giờ này vẫn không thấy gã Đằng đâu, nhưng không một giọng nói to từ đằng sau vọng lên:
— Tôi, bản thân tôi chính là bằng chứng.
Một gã đeo kính đen, bịt khẩu trang nép sau cánh cửa bây giờ mới xuất hiện, hắn bỏ kính, bỏ khẩu trang để lộ ra khuôn mặt bặm trợn với cái sẹo lồi ngay trên mắt. Tôi mừng rỡ đứng lên chờ đợi, còn con Liên mặt tái cắt không còn giọt máu. Nhưng nó vẫn gân cổ:
— Không đúng, tôi chẳng biết gã này là ai. Bọn họ đang vu khống.
Ngay lập tức hai anh công an áp sát lại gần gã Đằng bởi hắn nhìn thôi cũng thấy không ổn rồi. Nhưng tay Đằng lấy trong túi ra một tập gì đó rồi gào to:
— Mày nói không quen tao, có thật không..? Tao đến đây hôm nay là để vạch trần bộ mặt của mày. Mọi người nhìn đây.
Dứt lời Đằng tung cái tập đang cầm trên tay ra khắp nơi, đó là những bức ảnh gã chụp chung với con Liên khi cả hai còn sống với nhau trên Lào Cai. Tất cả, tất cả từng khung hình rơi ra lả tả trước tòa. Một bằng chứng không thể chối cãi, chị Loan nói với hai tay công an:
— Đây là nhân chứng có liên quan đến vụ việc, đề nghị các anh cho anh ta vào.
Con Liên sợ hãi chạy đến nhặt từng cái ảnh, nhưng quá muộn…..Tất cả phơi bày trần trụi dưới ánh sáng công lý. Một nhân chứng không thể thật hơn, anh Luân nhận ra ngay kẻ đã ngủ với vợ mình trong cái ngày mà anh bị tai biến, chính là hắn. Gã đằng cúi đầu xin lỗi anh Luân trước mặt tôi và bác Xoan. Gã đứng trước tòa kể hết những gì mà con Liên đã làm 7 năm về trước.
Con Liên không một lời chối cãi bởi nhân chứng vật chứng rành rành. Còn tòa tất nhiên cũng chẳng còn cách nào ngoài việc tuyên bố quyền nuôi con là của anh Luân. Cả nhà tôi reo hò như thắng trận, cái Còi tiến gần lại mẹ nó, nhưng chưa đến nơi, con bé vừa cất tiếng gọi:
— Mẹ ơi…
Thì nó đã chửi xối xả:
— Cút ra kia con ranh con, về với bố mày đi….Còn lại đây làm gì…?
Tôi chạy đến bế con bé đang tu tu khóc tôi nói:
— Này, mày đừng có mà khốn nạn….Đúng là tao nhìn không sai, cho cái loại như mày nuôi con bé thực sự không đáng hai chữ nó gọi Mẹ Ơi chút nào. Về thôi Còi, con này là con mẹ mìn, không phải mẹ cháu đâu.
Nhìn lại thì không thấy tay Đằng đâu nữa, con Liên hậm hực bước ra khỏi tòa với hai tên đi cùng, chắc có lẽ nó cũng sợ gã Đằng trả thù. Cả nhà tôi vẫn nán lại cảm ơn chị Loan, cảm ơn quý tòa sau đó mới đi về. Nhưng chưa ra đến cổng tôi đã nghe thấy tiếng la thất thanh của con Liên:
— Á…á……chết tôi rồi….Nóng…quá….đau quá……á…á…..á.
Trước cổng tòa án con Liên đang nằm giãy đành đạch, nó lộn qua lộn lại hai tay ôm mặt không hiểu vì sao. Cả hai thằng đi cùng cũng đang quằn quại đau đớn. Tôi nghe thấy tiếng la thất thanh:
— Bắt….bắt bọn kia lại….Chúng nó tạt axit con người ta rồi.
Nhưng chẳng ai đuổi theo, bởi hai chiếc xe máy rồ ga lạng lách phóng đi mất hút một cách kinh hồn. Không ai khác chính là gã Đằng cùng tay chân đã gây ra chuyện này, một cách trả thù độc ác, dã man có chút tàn bạo nhưng nó đáng. Nhìn con Liên với khuôn mặt đang bị ăn mòn đỏ hỏn toàn máu là máu mà tôi thấy rợn người. Tôi ôm cái Còi chạy nhanh ra bên ngoài, con bé vẫn cứ khóc khiến tôi phải che mắt không cho nó nhìn thấy cảnh đó.
Mặc kệ con khốn vẫn nằm đó cho đến khi chiếc xe oto nó hay đi được đánh đến đưa nó đi chắc là đến bệnh viện. Cái kết không thể đắng hơn cho con đàn bà khốn nạn đã ruồng bỏ đứa con của mình. Sóng gió ập đến nhưng may mắn sao cả gia đình chúng tôi vẫn bình an vô sự. Sau ngày hôm đó cứ trời mưa là tôi hơi ngại đi ra ngoài, mẹ tôi hỏi:
— Sao mà mày cứ rón rén thế hả con..?
Tôi nói luôn:
— Mẹ này, rủa ông trời có sợ ổng cho sét đánh không nhỉ..?
Mẹ tôi cười:
— Có đấy, thế mày lại chửi bới gì à…?
Tôi không đáp, đúng là lần trước vụ của cái Còi tôi có rủa ổng một tí thật. Cơ mà tất cả những việc tôi làm đều là vì mục đích tốt. Tôi chắp tay cầu khẩn:
“ Ông trời ơi, ông độ lượng, bao dung, lời con nói chỉ như cây cung giương lỡ trớn, ông đừng phạt con mà tội. Ông đẹp trai, có mắt nhìn rõ mọi chuyên mà. “
“ Đùng…Đoàng “
Úi cha mẹ ơi, không khấn không sao, khấn xong một cái động trời luôn, thôi thì tôi im hẳn, ăn năn sám hối trong nhà. Chống chọi với “ cơn bão “ xong mọi người lại quay về cuộc sống thường nhật. Nhưng sau mưa bao giờ trời cũng sáng, thế quái nào vài tháng sau khi mà vào dịp tết, tôi đi thực tập nâng cao để về đảm nhiệm vai trò mới thì ở nhà đã xảy ra một chuyện động trời.
Hôm tôi về cũng phải là 2 tháng xa nhà, tay xách nách mang đem quà sang nhà bác Xoan, tết đến đít rồi nên năm nào bác Xoan cũng rục rịch gói bánh trưng, mọi năm có mẹ tôi với bác Xoan là hai tay gói chính. Năm nay 27 tết có thêm một bàn tay phụ nữ nữa, mà người này tôi cũng quen. Không ai khác chính là chị luật sư ngày nào, chị Loan.
Tôi ngớ người bởi sao mà ba người phụ nữ ngồi gói bánh nói chuyện thân mật thế, chẳng ai biết tôi đứng ở ngoài gần cổng, tôi nghe mẹ tôi đánh tiếng:
— Hay là ra giêng cưới luôn đi, toàn người làng người nước cả. Vả lại chúng mày cũng thân nhau từ bé còn gì.
Goắt đờ heo..? Cái gì đang diễn ra vậy, tôi chạy vào hắng giọng:
— E hèm, chào cả nhà….Ơ chị Loan, sao năm nay lại ăn tết ở nhà à..? Thế chồng con trên Hà Nội thì sao..?
Chẳng hiểu tôi nói sai điều gì mà mẹ tôi chửi luôn:
— Cha tiên sư bố cái thằng này, duyên của mày bị chó nó tha hết rồi hả con..? Thế thì bao giờ mày mới lấy được vợ hả giời..?
Tôi bị chửi xối xả mặc dù tôi khẳng định tôi đâu có nói câu gì sai đâu.
Nhưng sau đó tôi mới biết, chị Loan đã ly dị chồng 2 năm nay. Chị sống trên Hà Nội một mình, lý do đó là chị không sinh được con…..Cố gắng mãi nhưng mẹ chồng cũng không thể chấp nhận, chồng chị Loan là con một, điều kiện kinh tế có nên không thể nào không có cháu được. Mẹ chồng chị Loan ngày ngày đay nghiến chị là cái loại đàn bà không biết đẻ, bà ta còn có ý định lấy vợ khác cho con trai, sức ép quá lớn, cuối cùng chị Loan đành phải ký vào tờ đơn ly dị để chồng danh chính ngôn thuận đi lấy người khác.
Về quê vài tháng, thấy anh Luân tốt tính, con bé Còi lại ngoan ngoãn, nhất là những ngày giúp anh Luân trong vụ ly hôn, giành quyền nuôi con, dần dà cả hai cũng nảy sinh tình cảm. Ông bà ta có câu, rổ rá cạp lại cũng thành đôi, số phận ai cũng hẩm hiu, chị Loan không thể có con, chi bằng yêu thương nhau thật cả hai cùng gắn bó chăm sóc cho con bé Còi.
Chị Loan lại là người cùng làng, tính tình tốt, thật thà ai cũng biết. Ngày bé mẹ tôi cũng như bác Xoan quý chị Loan lắm. Nên về quê là chị sang nhà mọi người thăm hỏi ngay. Tôi nghe xong mà lòng cũng mát hết cả ruột, được như thế thì còn gì bằng nữa. Chuyện vui như vậy mà chẳng ai thông báo cho tôi biết cả, Cưới đươc chị Loan thì anh Luân cũng có phước lắm rồi. Vừa tài giỏi lại có tấm lòng nhân hậu.
Một cái kết đẹp cho tất cả mọi người, tôi chợt thấy đúng là tôi vô duyên thật, tôi nói:
— Em xin lỗi chị, tại…tại em không biết.
Chị Loan cười hiền từ:
— Không sao, chị phải cảm ơn em mới đúng.
Tôi không hiểu câu nói đó nghĩa là gì, nhưng cả nhà giật mình khi cái Còi đi chợ với bố về, nó gọi to:
— Mẹ ơi, bà ơi…..Bố mua được con gà to ơi là to này.
Ôi, tôi nhớ nó quá, con ranh con này, tôi đi ra là nó ồ lên:
— A chú Dương, chú Dương về rồi……Con chào chú Dương.
Lần trước tôi bế nó mà nó khóc, giờ nhìn nó trở lại đúng vẻ hồn nhiên tôi mừng vô cùng. Tôi hỏi nó:
— Vừa gọi mẹ nào đấy..?
Nó chỉ vào chị Loan đang đỏ ửng mặt rồi thì thầm vào tai tôi:
— Kia kìa, mẹ Loan đấy….hi hi.
Tôi nói lại vào tai nó một câu quen thuộc, anh Luân đi vào nhà nhìn tôi cười rạng rỡ, tôi thả con bé xuống, nó kéo tay bố nó lại gần tay chị Loan rồi nhìn tôi, hai chú cháu gật đầu, con bé nói to:
— Bố Ơi….!! Lấy Vợ Đi……Hi hi hi.
Nó cười toe toét, hai cái răng cửa vẫn chưa mọc lại nhưng rồi nó sẽ mọc thôi. Cả nhà vui mừng vỗ tay, chị Loan nhìn anh Luân e thẹn. Bác Xoan lấy vạt áo lau đi những giọt nước mắt vui sướng, hạnh phúc. Đúng rồi đấy anh Luân ạ, con bé nó nói đúng:
“ Anh phải lấy vợ đi thôi…”
Mùa xuân năm nay ngôi nhà có thêm sự hiện diện của một thành viên mới cùng chúng tôi đón giao thừa. Tiếng cười đầy ắp vang khắp cả xóm, chẳng nhà nào vui bằng nhà anh Luân…….Bởi từ nay chị Loan sẽ là người lấp đầy khoảng trống của gia đình này.
Hoa đào đã nở, chỉ chờ ra giêng là tiếng pháo ngày xuân vui cưới sẽ nổ vang. Nhưng trước hết chúng tôi hãy đón những tiếng pháo của đêm giao thừa đã. Nâng chén rượu lên, tôi, anh Luân, chị Loan, bác Xoan và bà bu hay chửi của tôi cùng hân hoan câu nói:
“ CHÚC MỪNG NĂM MỚI “
——- Happy Ending ——