• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đầu năm Hồng Hi thứ hai mươi bảy, Ninh phi mang long thai. Từ khi Thất hoàng tử ra đời, cũng đã nhiều năm hậu cung không có thêm hoàng tử công chúa, Ninh phi chỉ được ân sủng không bao lâu đã có hỉ, thật là may mắn vô cùng. 

Có điều, không ai biết rằng, kỳ thực Tô Điềm Noãn lần đầu hoài thai là vào năm Hồng Hi thứ hai mươi sáu. 

Bản thân Tô Điềm Noãn cũng không hiểu, nàng gả cho Đại hoàng tử hai năm, lúc nào cũng ngóng trông có con, nhưng vẫn không có động tĩnh gì, sau khi vào cung, nàng ngày ngày cầu mong mình vĩnh viễn vô tử, thì lại nhanh chóng hoài thai.

Tô Điềm Noãn biết rõ vận mệnh của phượng tử long tôn trong cung cấm này chỉ có bi thảm. Đại hoàng tử từng nói với nàng, những đứa trẻ sinh ra trong Tử Cấm thành rất khó nuôi lớn, mười người thì yểu mệnh hết sáu, bảy. Từ cổ sủng phi thường không thọ, hài tử của sủng phi cũng đoản mệnh. Chỉ nhìn trong Đại Lương hoàng triều, Thần phi của Thái Tông được sủng ái tới mức Thái Tông hoàng đế đang đánh trận vừa biết tin bà lâm bệnh đã tức tốc hồi kinh, tình nguyện vì hồng nhan bỏ lỡ giang san, cuối cùng một đời sủng phi vẫn chỉ thọ đến ba mươi ba tuổi, hoàng bát tử do bà sinh ra cũng mất sớm. Còn Hiền phi của Thế Tổ lại càng thê lương hơn, vốn là Vương phi của Tương thân vương, Thế Tổ vì yêu bà mà đoạt thê tử của đệ đệ, bà vừa vào cung đã sơ phong Hiền phi, trong cùng năm đó được tấn phong Hoàng quý phi, một năm sau sinh hạ hoàng tứ tử, tưởng chừng như hưởng trọn ba ngàn sủng ái. Nhưng kết cục, hoàng tứ tử chưa đến một tuổi đã hoăng, Hoàng quý phi cũng đau buồn qua đời không lâu sau đó, năm ấy bà chỉ vừa hai mươi mốt tuổi. 

Tô Điềm Noãn vốn đã sớm đoán được vận mệnh của mình sẽ không tốt hơn các vị sủng phi đó. Cho nên, nàng không muốn sinh ra bất cứ hài tử nào. Nàng không nỡ mang một sinh mệnh bé bỏng đến với hoàng cung này, để nó chịu khổ sở. Cho dù không bị chết yểu, hoàng tử hay công chúa trưởng thành rồi vẫn chẳng mấy ai hạnh phúc. Hoàng tử thì sẽ bị cuốn vào cuộc chiến giành ngôi báu khốc liệt, công chúa lại sẽ trở thành công cụ cho hôn nhân chính trị, thậm chí là bị mang đến phương xa hòa thân. 

Vì vậy, tháng tư năm Hồng Hi thứ hai mươi sáu, khi biết tin mình có thai, Tô Điềm Noãn không có vui mừng, chỉ có phiền muộn. Nhưng mà, nàng còn hiểu được như vậy, Hồng Hi đế lẽ nào không nghĩ tới. Thế nên, năm đó, người giấu hết thảy tin tức về cái thai của Tô Điềm Noãn, đe dọa thái y không được truyền ra ngoài, người trong cung Càn Thanh cũng thay đổi thêm một lượt. Lúc ấy, người cứ nghĩ, nàng có thể an toàn sinh ra đứa bé trong im lặng. Nào ngờ, tính tới tính lui, vẫn không tính được định mệnh.

Những ngày mang thai đó, Tô Điềm Noãn cứ nghĩ Hoàng thượng sẽ sủng ái người khác. Không ngờ, người vẫn đêm đêm ở lại Càn Thanh cung, yên lặng ở bên nàng. Mỗi đêm, người đều đặt tay lên bụng nàng, lẳng lặng cảm nhận từng cử động của một sinh mạng mới đang hình thành trong đó, ánh mắt đầy vẻ từ ái của một phụ thân. 

Tô Điềm Noãn rất ngạc nhiên, không kiềm được hỏi:

“Bệ hạ đã có mười lăm hài tử rồi, sao còn vui mừng như thế?”

Nếu nàng không biết, nhìn vẻ mặt của Hồng Hi đế, nhất định sẽ nghĩ đây là lần đầu người có con. 

Hoàng thượng vẫn theo thói quen sờ sờ búi tóc của nàng, nói:

“Trẫm đã từng có rất nhiều hài tử, nhưng đây là lần đầu tiên cảm nhận được sự kỳ diệu của sinh mệnh. Đứa trẻ này ra đời, không phải vì tính kế, cũng không vì bất cứ mục đích nào khác, chỉ đơn giản là trẫm muốn cùng nàng sinh một hài tử, một hài tử của riêng chúng ta.”

Cảm giác đó, chờ đợi sinh mệnh bé bỏng ấy dần dần lớn lên từng ngày, thật sự rất hạnh phúc. 

Tô Điềm Noãn nghe vậy, thoáng ngẩn ngơ. Nàng nhớ đến, trước đây, Đại hoàng tử muốn có con với nàng, tất cả đều là vì cần người nối dõi để tranh ngôi Thái tử. 

Nàng bắt đầu cảm thấy thật mơ hồ.

………

Thời gian dần trôi, chẳng mấy chốc mà Tô Điềm Noãn đã mang thai sáu tháng, chỉ còn ba tháng nữa là sẽ sinh. Hồng Hi đế càng vô cùng cẩn thận, căn dặn cung nhân phải chăm sóc nàng chu đáo, không được lơi là. 

Tháng mười năm ấy, trời đổ tuyết lớn. Tô phủ để tang, màu trắng của khăn tang hòa vào màu trắng của tuyết. 

Nghe nói, Tô phu nhân không chịu được đả kích trước cái chết đột ngột của con gái, lâm bệnh nặng, cầm cự được hơn một năm, cuối cùng cũng qua đời. Hồng Hi đế sợ Tô Điềm Noãn biết chuyện sẽ đau buồn ảnh hưởng đến cái thai, liền hạ lệnh phong tỏa tin tức, không cho tin này truyền đến Càn Thanh cung.

Thế nhưng, người tính không bằng trời tính. Hồng Hi đế đã quên mất tiểu thị vệ năm xưa vì người nhất thời ghen tuông mà bị tịnh thân thành thái giám, nay là Tiểu Lâm Tử. Y vốn ôm hận với Hồng Hi đế, lại không cam tâm nhìn Tô Điềm Noãn ngày ngày sống trong giả dối. Y tự cho rằng mình chỉ muốn tốt cho nàng, sẵn cũng không muốn sống nữa, liền liều mạng tìm đủ mọi cách để truyền tin cho Tô Điềm Noãn.

Mấy ngày ấy, Tô Điềm Noãn thường xuyên mơ thấy ác mộng. Nàng mơ thấy mẫu thân đến tìm mình, bà không nói gì cả mà chỉ nhìn nàng rơi lệ, sau đó biến mất. Tô Điềm Noãn thức giấc, vẫn thấy lòng bồn chồn không yên. Nàng nhiều lần hỏi Hoàng thượng về tình hình của mẫu thân ở Tô phủ, người chỉ luôn nói rằng bà vẫn mạnh khỏe, bảo nàng an tâm dưỡng thai. 

Ngày ấy, Tô Điềm Noãn ăn bánh, lại tìm thấy một mảnh giấy trong bánh. Trên mảnh giấy chỉ viết năm chữ: Tô phu nhân đã mất.

Nàng đánh rơi đĩa bánh xuống đất, cuống cuồng sai đại cung nữ đi hỏi thăm tin tức này là thực hay giả. Đại cung nữ lắp bắp khẳng định tin đó là giả, nhưng nhìn thái độ của cô ấy, nàng đã biết kết quả. 

Hoàng thượng rất nhanh đã đến. 

Nàng nói:

“Thần thiếp muốn gặp mẫu thân.”

Hoàng thượng ôm lấy nàng, dịu giọng dỗ:

“Đợi sau khi nàng sinh rồi, trẫm sẽ đưa nàng đi gặp, được không?”

Tô Điềm Noãn lắc lắc đầu, thẫn thờ nói:

“Không, không được…”

Bất chợt, nàng ngồi thụp xuống đất, ôm mặt khóc.

“Người nói dối, người nói dối! Ta không còn gặp được mẹ nữa rồi, không được nữa rồi…”

Phụ mẫu đem nàng gả vào đế vương gia, cứ ngỡ rằng sẽ được vinh hoa phú quý. Nào ngờ, bị chính phu quân dâng cho Hoàng thượng, cuối cùng bị giam giữ ở trong Càn Thanh cung này, sống dưới tên họ của kẻ khác, ngay cả họ thật của mình cũng không dám nhận, người thân của mình cũng không dám gặp, ngày ngày nơm nớp lo sợ có kẻ nhận ra thân phận thật của mình, lo sợ làm bệ hạ phật ý sẽ liên lụy cả nhà. Bây giờ, thậm chí mẹ ruột qua đời cũng không được ai cho biết, muốn về để tang cũng không được. 

Rốt cuộc, nàng là ai, nàng sống để làm gì, ngay cả nàng cũng không biết.

Tô Điềm Noãn khóc, khóc rất nhiều, khóc không thể ngừng được. Hoàng thượng ôm chặt nàng, bất kể là người dỗ dành hay đe dọa, nàng cũng không thể dừng khóc. 

Cuối cùng, nàng chỉ thấy bụng quặn đau dữ dội. Máu chảy ra, ướt cả long bào của Hoàng thượng. 

Ý thức của nàng dần mơ hồ, chỉ thấy bệ hạ hốt hoảng gọi Thái y.

Sau đó, tất cả chìm vào bóng tối. 

Năm ấy, Tô Điềm Noãn mất đi mẫu thân, cũng không giữ được đứa con đầu tiên trong bụng. 

Nàng càng ngày càng lặng lẽ, càng ngày càng trầm mặc, sức khỏe cũng ngày một yếu dần. Nàng biết, lời nguyền sủng phi đoản mệnh kia sẽ tiếp tục ứng nghiệm trên người nàng, không sớm thì muộn. 

Đúng lúc ấy, năm Hồng Hi thứ hai mươi bảy, nàng lại có thai. Lần này, Hồng Hi đế rốt cuộc quyết định mang nàng ra ánh sáng, bất chấp thị phi đàm tiếu. Đứa trẻ vẫn chưa ra đời, chưa rõ là hoàng tử hay công chúa, Ninh phi đã được tấn phong Hoàng quý phi.

Mọi người nhất thời chấn động. Vết xe đổ của Thế Tổ với Hiền phi còn đó, lẽ nào lại là một Đổng thị thứ hai? 

Thái hậu đang tụng kinh niệm phật ở Từ Ninh cung, nghe lão ma ma bẩm báo việc này, khẽ nhếch môi cười lạnh, lẩm bẩm:

“Cha nào con nấy… quả là cha nào con nấy…”

--- --------

@Tác giả: Sơ lược về các đời vua trong truyện nhắc đến cho các bạn dễ theo dõi:

+ Thiên Mệnh đế: Tên húy Triệu Quân Lâm, thụy hiệu Lương Thái Tổ, khai quốc hoàng đế, người sáng lập nên triều đại, có sủng phi nổi tiếng nhất là Nguyên phi, Nguyên phi sinh được ba hoàng tử, tuẫn táng cùng hoàng đế năm 37 tuổi. (Đã có ngoại truyện)

+ Sùng Đức đế: Tên húy Triệu Vĩnh Thụy, thụy hiệu Lương Thái Tông, Bát hoàng tử của Thái Tổ, là người tiếp nối bá nghiệp nhất thống thiên hạ của Thiên Mệnh đế nhưng lại qua đời trước khi hoàn thành giấc mộng cơ đồ, có sủng phi nổi tiếng nhất là Thần phi, thật ra Thần phi vốn là cháu gái của chính thê của ông, tức là phải gọi ông là cô phụ. Thần phi sinh ra hoàng bát tử bị chết yểu khi chưa đầy một tuổi, Thần phi cũng buồn rầu qua đời năm 33 tuổi. Giai thoại đáng chú ý nhất là khi ông đang cầm quân đánh trận, nghe tin Thần phi bệnh, ông đã bỏ lại đại quân để tức tốc hồi kinh.

+ Thuận Thiên đế: Tên húy Triệu Miên Diên, thụy hiệu Lương Thế Tổ, là Cửu hoàng tử của Thái Tông, hoàng đế đầu tiên của triều đại nhất thống được thiên hạ, nhưng thời gian trị vì ngắn, có sủng phi nổi tiếng nhất là Hoàng quý phi Đổng thị, vốn là thê tử của Tương thân vương, vết nhơ lớn nhất của ông là đoạt thê tử của em trai. Hoàng quý phi sinh hạ được hoàng tứ tử nhưng cũng qua đời sớm khi chưa đầy một tuổi. Hoàng quý phi đau buồn và cũng ra đi ở tuổi hai mươi mốt. Sau khi sủng phi mất, hoàng đế cũng buồn thương và qua đời không lâu sau đó. 

+ Hồng Hi đế: Tên húy Triệu Huyền Diệp, thụy hiệu Lương Thánh Tổ, Tam hoàng tử của Thế Tổ, là hoàng đế vĩ đại nhất của triều đại với thời gian trị vì phồn thịnh và kéo dài lâu nhất, lãnh thổ trị vì cũng rộng lớn nhất. Sủng phi thì ai cũng biết rồi, không cần nói nữa. =)))

Tất cả các vị hoàng đế trên được hư cấu dựa theo cuộc đời của vài hoàng đế nhà Thanh, được mình thêm mắm thêm muối vào. Đúc kết lại là sủng phi trong lịch sử toàn chết sớm, sinh con cũng thường không sống quá một tuổi. Haiz. 

Tính ra thì con hơn cha nhà có “phúc”, Thế Tổ đoạt vợ của em trai, nam chính phát huy truyền thống đoạt luôn vợ của con trai.._. Nữ chính thì là một phiên bản khác của Hiền phi rồi, nên Thái hậu mới ghét.:v Nhà này đời nào cũng có drama, đời sau khẩu vị “mặn” hơn đời trước, khi nào rảnh chắc viết cả hệ liệt. =)))

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK