Gặp nhau đã không còn dễ dàng, chúng tôi đành chăm chỉ gọi điện thoại; nhưng hồi ấy chưa có điện thoại di động, tỷ lệ gọi điện thoại gặp được nhau chưa tới một nửa. Hơn nữa tỷ lệ này càng lúc càng thấp, bởi vì cuộc sống và công việc của chúng tôi dần dần khác biệt. Tôi vẫn sống cuộc sống nghiên cứu sinh ngày đêm đảo lộn, còn nàng mỗi ngày đều phải dậy sớm. Nếu như khoảng cách giữa chúng tôi đủ xa, xa như từ Mỹ tới Đài Loan, vậy thì chúng tôi sẽ không phải ngày nào cũng gọi điện thoại quốc tế xuyên đại dương nữa. Lúc này thỉnh thoảng mà nhận được thư hay điện thoại, đều hết sức vui mừng. Nhưng khoảng cách giữa chúng tôi chỉ là Đài Bắc và Đài Nam, không những ngày ngày đều phải gọi điện thoại, lại càng cảm thấy nếu không gọi điện thoại sẽ rất kỳ cục, hơn nữa sẽ không giống những đôi tình nhân nồng nàn thắm thiết.
Tiếc là trong điện thoại chúng tôi rất ít khi có chung đề tài, chỉ có thể chia ra nói về từng người. Tôi không hiểu những áp lực mà nàng phải chịu, chỉ có thể cố để hiểu; nàng đối với tôi cũng vậy. Khi một trong hai người cảm thấy vui vẻ, người kia chưa chắc đã có thể cảm nhận được vui vẻ; nhưng chỉ cần tâm trạng một người xuống dốc, người kia sẽ hoàn toàn bị truyền nhiễm, hơn nữa cũng sẽ truyền nhiễm lại. Nói cách khác, mức độ lan truyền niềm vui giữa chúng tôi yếu đi, mà mức độ lan truyền nỗi buồn lại mạnh hơn trước rất nhiều.
Thường muốn nói điện thoại nhiều hơn, nhưng cước điện thoại đắt tới mức không có nhân tính, khiến tôi đầy áp lực. Cuộc sống hàng ngày không có nhiều chuyện mới mẻ, vì thế những câu như kiểu có mệt không, có nhớ anh không, đã trở thành trợ từ sau những dấu chấm câu, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu cách, dấu chấm than… trong điện thoại. Lâu dần, thậm chí mơ hồ cảm thấy gọi điện thoại chỉ để lấy lệ.
Anh nhớ em, anh rất nhớ em, anh cực kỳ nhớ em, anh không có giây phút nào không nhớ đến em… đây đã trở thành những lời tôi chắc chắn sẽ nói khi gọi điện thoại cho nàng. Mặc dù tôi thật sự rất nhớ nàng, nhưng lần nào cũng nói lại khiến tôi cảm thấy nỗi nhớ giống như một thứ đồ chẳng đáng giá. Vỹ Đình có lẽ cũng thấy thế, vì thế khi nàng nghe nhiều rồi, sẽ thấy tê liệt.
“Có thể nói thêm vài câu dễ nghe được không?” Ở đầu dây bên kia, Vỹ Đình luôn nói như vậy. Lúc đầu tôi sẽ rất cố gắng nói vài lời lãng mạn, tôi biết đó là điều nàng muốn nghe. Hoặc có thể vì ở hai nơi xa cách, nên nàng cần nhiều dinh dưỡng lãng mạn để duy trì sinh mệnh của tình yêu. Nhưng, nói những câu lãng mạn là con đường một đi không trở lại, chỉ có thể tiến về phía trước, hơn nữa còn phải không ngừng thay đổi cải tiến. Bởi vì tôi là người không dễ dàng nghĩ ra hoặc nói ra những lời lãng mạn.
Vỹ Đình đối với tôi rất quan trọng, khi tôi nói với nàng: em là ánh dương vĩnh viễn của đời anh, tuy một phần là vì muốn làm vui lòng nàng, nhưng trong lòng tôi thật sự nghĩ như vậy. Nhưng tôi không tài nào ngay lập tức tưới cho nàng đúng vào lúc nàng cần gấp dinh dưỡng lãng mạn được; càng không thể nào mọi nơi mọi lúc đều có thể moi trong tim mình ra đủ thứ lãng mạn khác nhau cho nàng. Tôi cần phải suy nghĩ, ấp ủ, cũng cần có tâm tình thích hợp.
Hơn nữa rất nhiều những câu lãng mạn, ví như tôi nguyện vì em hái sao trên trời, những lời này với tôi không phải là lãng mạn, mà là nói dối. Tôi không thể tự nhiên tự tại như không có chuyện gì hùng dũng sảng khoái nói ra những lời này. Miễn cưỡng bản thân nói ra mồm, chỉ bởi vì muốn nàng biết được nàng quan trọng với tôi đến thế nào mà thôi.
“Hình như anh đang nói cho qua chuyện.” Khi Vỹ Đình bắt đầu nói những lời này, tôi càng rơi vào tình trạng chán nản và mệt mỏi.
Vỹ Đình có vị trí vững chắc trong trái tim tôi, điều này tôi chưa từng hoài nghi. Tôi chỉ không tài nào dùng ngôn ngữ hay câu chữ để miêu tả cụ thể cái cảm giác trái tim được nàng lấp đầy. Cụ thể đã rất khó làm rồi, huống chi là lãng mạn.