Sau khi phơi xong mười mẹt tôm, cha là cầm đồ nghề cùng A Thành ca đi bắt tôm, vừa soạn cha vừa nói với nương:
"Hôm nay hai người bọn ta sẽ đi xa hơn một chút chắc sẽ bắt được nhiều, chứ quanh đây cũng hết sạch tôm rồi."
Mặc dù nhà Diệu Nhi không có loan truyền tin tức mua tôm ra bên ngoài nhưng không hiểu sao mọi người trong thôn nghe thấy đều tranh thủ đi bắt tôm bán, người nào tệ lắm cũng ngày được ba mươi văn, có tiền ai mà không ham, làm cho tôm sông quanh đây cạn kiệt. Bây giờ, rất khó để bắt được đủ hai ba kí chứ đừng nói là bắt số lượng lớn kiếm tiền.
"Ừ, hai người đi cẩn thận." Nương ngồi dưới hiên nhà vừa quấn lại mái tóc vừa đáp.
Diệu Nhi đang lúi húi lật tôm, thấy vậy vội nói:
"Hai người chờ con một chút."
Rồi cô nhanh chóng chạy vào trong bếp lấy mấy nắm cơm cùng một hũ tre súp tôm mặn để ăn kèm mang ra ngoài đưa cho A Thành ca và nói:
"Cha, A Thành ca, hai người mang theo đói bụng thì ăn." Rồi đưa thêm hai ống tre to khác đựng nước hoa cúc để nguội cho hai người mang theo uống dọc đường.
Chờ cha và A Thành ca đi rồi, nương mới vào trong bếp bóc tôm phụ An Nhi tỷ. Diệu Nhi ở ngoài nhà quét dọn một vòng, cho gà, cho lợn ăn xong xuôi lại đi lên núi nhặt một bó củi to, tiện tay hái thêm ít rau dại để trưa ăn. Mùa xuân nên rau dại mọc rất nhiều, tha hồ hái. Hơn một nửa con nít trong thôn ngày ngày đều lăn lộn ở khu đất dưới chân núi này. Nào là hái rau dại, cắt cỏ cho lợn cho trâu, nhạt củi, hái trái cây dại, thập trí còn tìm được những ổ trứng chim cút trong bụi cây rậm rạp về cải thiện bữa ăn gia đình.
Hái xong một rổ rau Diệu Nhi đi lòng vòng kiếm coi có cây thuốc gì mới không. Nhìn một đám hoa cúc cây me đất Diệu Nhi ước chừng sắp hái được về phơi kiếm tiền rồi.
Đi loay hoay một hồi chẳng kiếm được thứ gì hay ho khác nên Diệu Nhi đành đi về. Sau khi về nhà lật tôm một lần nữa, Diệu Nhi rửa tay đi sang nhà hàng xóm chơi. Dạo gần đây Diệu Nhi có chơi thân một một con nhóc tên Hương Lan, là một con bé rất xinh xắn, tóc đen dài và rất thích tết hai bím. Nhà Hương Lan chỉ có mình con nhóc là nữ nhi, phía trước có ba ca ca nên rất được cưng chiều. Gia dình Hương Lan cũng không giàu có chỉ đủ ăn, đủ mặc, tuy nhiên vì được cha nương rất chiều nên quần áo của con nhóc lúc nào cũng mới và đẹp.
Nhà Hương Lan cách nhà Diệu Nhi năm căn, đi một thoáng đã đến. Diệu Nhi đứng gõ cửa, một lát sau người ra mở cửa là tam ca A Hiển của Hương Lan. Diệu Nhi khoanh tay chào Hiển ca, xong cười hỏi:
"A Lan có nhà không Hiển ca?"
Hiển ca cười đáp: "Có đó. Muội vào đi."
Lúc Diệu Nhi đi vào thì thấy Hương Lan đang ngồi trên ghế bên cửa sổ tết tóc. Nhìn thấy Diệu Nhi đến con bé vui vẻ, nhảy xuống ghế chạy ra hồ hởi nói:
"Trời, lâu lắm mới chịu qua nhà ta chơi đó nha."
"Ha ha dạo này nhà ta bận quá."
"Nghe nói nhà ngươi làm tôm khô bán à?"
"Đúng vậy. Vì rảnh rỗi cha nương cố làm kiếm vài văn tiền mua gạo ăn. Nhà ta nghèo mà."
Hương Lan nghe vậy bĩu môi: "Nghèo? Nghèo mà xây nhà đẹp thế?"
Diệu Nhi vươn tay cốc đầu con nhóc mắng yêu: "Ngốc! Vay mượn xây nhà nên mới nghèo á."
"đau!" Hương Lan nhăn mặt, đưa tay xoa xoa cái trán bị gõ, phụng phịu nói, "Giờ trong thôn ai cũng hâm mộ nhà ngươi hết đó." Giọng điệu hâm mộ.
Diệu Nhi liếc mắt khinh bỉ: "Ngươi đừng có giả vờ nữa. Ngươi thì có cái gì cần hâm mộ chứ?"
"Hì hì. Đi, ta dẫn ngươi đi chơi."
Hai đứa nhóc chạy ra khu đất trống gần đó hái rất nhiều hoa dại đủ màu, Hương Lan chỉ hái chơi còn Diệu Nhi tình mang về cắm trang trí nhà cho đẹp. Vừa đùa vừa cười rất vui vẻ. Lâu lắm rồi, đây là lần đầu tiên Diệu Nhi mới vứt bỏ suy nghĩ bản thân là một người lớn để sống đúng với số tuổi của cơ thể của mình. Chơi đến non nửa trưa, Diệu Nhi được nương của Hương Lan cho rất nhiều rau và cả một bát chè khoai lang ngon lành. Ăn xong chè, cô mang rau về nhà, tính xào với thị ba chỉ khô.
Gần chiều cha với A Thành ca mới về, tiểu Sơn đã thấy bóng dáng hai người từ xa nên nhảy chân sáo ra đón. Thằng bé chỉ học có hai canh giờ buổi sáng nên buổi chiều sẽ ở nhà luyện chữ, chăm gà. Nương nói phải nuôi gà cho tốt đẻ trứng bán lấy tiền cho thằng bé đi học, tiểu Sơn nghe vậy càng chăm chỉ đi đào giun, cắt cỏ cho gà ăn.
"Nương, cha và A Thành ca về rồi?"
Nương từ trong bếp đi ra, có theo cái đuôi là Diệu Nhi và An Nhi tỷ. Nương tiến lên đỡ phụ thùng tôm với cha hỏi:
"Hôm nay thu hoạch thế nào?"
"Không tệ lắm." Cha vừa lau mồ hôi vừa cười đáp.
A Thành ca cười nói thêm vào: "Con và cha đi đúng nơi tôm nhiều chưa ai bắt nên rất nhanh đã bắt được đầy thùng, chỉ là hơi xa nên mất thời gian đi lại thôi."
Sau khi mang tôm vào bếp, cha và A Thành ca tắm rửa sạch sẽ rồi vào ăn cơm, ăn xong cả hai đi nằm một lát. Trong thời gian hai người còn nghỉ ngơi, nương và An Nhi tỷ cùng Diệu Nhi đi thu những mẻ tôm khô đã đạt. Sau đó bắt đầu xếp mẻ tiếp theo để ngày mai phơi.
Bận rộn cả ngày, đến tầm chiều tối thì mấy người trong thôn mang tôm đến bán, chờ người ta về hết Diệu Nhi mới thấy Thanh Mộc lò dò đến. Cô liền hỏi:
"Sao hôm nay huynh về muộn vậy?"
"Ta tranh thủ bắt được mấy con lươn và hai con cá to cho muội này."
Vừa nói hắn vừa đưa cho cô cái thùng đựng cá và lươn, Diệu Nhi cho mắt nhìn xem thì thấy có bốn con lươn lớn bằng cổ tay cô, loại lươn này chắc bắt khó lắm và một con cá mè, một con cá lóc.
"Sao huynh không để cho nhà ăn, mang qua làm gì cho muội nhiều thế?"
Hắn cười hì hì, gãi đầu đáp: "Thứ này nương ta có giữ lại cũng không biết làm, mang qua cho muội nấu món ngon ta còn được ăn ké."
Diệu Nhi bật cười, giơ chân đá hắn một cái, cười nói: "Thứ ham ăn. Thì ra huynh đâu có tốt bụng đâu, ý đồ cả nha."
"Ta nào có." Hắn xua tay vội vàng thanh minh.
"Muội trêu huynh đó. Một lát gọi thêm thúc thẩm va Thanh Lãng qua nhà muội ăn hải sản nướng. Hôm nay chúng ta sẽ ăn tôm, cá, lươn và cả ốc nước nữa, A Thành ca có bắt cho muội một mớ á."
"Được." Hắn cười toe toét như một thằng ngốc vậy đó.
Tiếp thì cha ra cân tôm, hắn bắt được cũng rất nhiều, hơn hai mươi cân được một trăm ba mươi mấy văn. Cầm bịch tiền trong tay, hắn cười híp mắt nhét vào lòng, sau đó chào cha nương rồi ra về. Diệu Nhi đi theo tiễn hắn. Hai người đứng ở cổng, Diệu Nhi nói:
"Huynh về tắm rửa nghỉ ngơi chút rồi qua phụ muội."
"Được."
"Đi đi."
"Diệu Nhi?"
"sao?"
"Mai ta lên trấn mua trâm cài tóc hình hoa cho muội nha, muội thích màu gì?"
Nghĩ đến mấy cây trâm cài hoa hồng, vàng, đỏ lòe loẹt mà Diệu Nhi rùng mình, cô vội vàng nói:
"Không cần đâu."
Thanh Mộc xụ mặt, không vui nói: "Ta muốn tặng muội mà."
"Nhưng muội không thích a."
"Vậy chứ muội thích gì?"
"Tiền a." Diệu Nhi nhìn vẻ mặt nghiêm túc của hắn thì nổi hứng trêu đùa.
Nghe Diệu Nhi nói vậy, hắn hơi khựng một chút, rồi móc túi tiền ra đếm hai mươi văn đưa cho cô, số tiền còn lại gói kỹ cho vào lòng và nói:
"Số tiền này ta phải mang về đưa cho nương phụ gia đình, phần của ta chỉ có nhiêu đây, ta đưa hết cho muội đó."
Nhìn hai mươi văn trong tay hắn đang giơ trước mặt mình, Diệu Nhi dở khóc dở cười nhưng lại có chút cảm động nói:
"Huynh làm cái gì vậy. Muội đùa đó. Mau cất tiền đi. Mai có lên trấn thì giúp muội giao mấy cuốn sách muội chép xong và nhận sách mới dùm muội là được. Muội không cần thứ gì phải mất tiền mua cả, huynh hay vào núi nếu tìm được những thứ muội dặn đó là món quà ý nghĩa muội thích nhất rồi."
Hắn cười ngốc nghếch đáp: "Được. Ta biết rồi."
Chờ Thanh Mộc đi rồi, Diệu Nhi đóng cửa đi vào nhà. Lúc này nương mới cho lợn ăn xong, bà đi ra và hỏi:
"Tối nay con tính nấu gì à?"
"Chúng ta ăn đồ nướng với cháo cá nhé nương. Con sẽ chiêu đãi mọi người."
"Được." Nương cười đáp. Tiểu nữ nhi nhà bà dạo này hay có mấy suy nghĩ tinh quái, nhưng toàn có thể kiếm tiền hoặc nấu ra nhiều món rất ngon, nên lâu dần bà cũng quên mất con bé chỉ mới bảy tuổi.
Diệu Nhi ra vườn hái một rổ gồm cà chua, khoai lang, củ cải, dưa chuột và một ít rau cải có thể ăn sống mang về rửa sạch. Sau khi rửa ốc, cô cho vào nước vo gạo bỏ thêm ớt để ngâm cho nhả hết đất cát ra. Tiếp đó là nhờ A Thành ca làm cá.
"Huynh chỉ cần mổ bụng cá, rồi đánh vảy và rửa sạch để vào rổ cho ráo nước giúp muội."
"Được. Còn cần ta làm gì nữa không?"
"Có chứ, chờ ráo nước thì huynh bôi hỗn hợp gia vị này lên cá mà mát xa nhẹ." Vừa nói Diệu Nhi vừa đưa bát nước gia vị cô pha sẵn cho A Thành ca.
An Nhi tỷ thì được Diệu Nhi giao nhiệm vụ nấu cháo cá trong bếp. Vì muốn cháo vừa ngọt và thơm phải ninh lâu. Hai huynh muội đang bận rộn thì nghe thấy tiếng Thanh Mộc ca đến.
"Thúc, thẩm khỏe."
"Ừ, vào đi còn. Bọn chúng trong bếp đó." Tiếng cha trầm trầm nói.
Diệu Nhi mới ngước mặt lên thì bắt gặp ngay Thanh Mộc ca đi vào, hai ánh mắt chạm nhau, cô cảm thấy hơi ngại nên giả vờ nhìn sang nơi khác rồi nói:
"Huynh đến rồi à? Qua đây giúp muội làm lươn."
"Được."
Thanh Mộc đáp, sau đó vén tay áo lên, đi lại bên Diệu Nhi, chuẩn bị làm thịt lươn. Công đoạn làm sạch nhớt của nó khá khó, Diệu Nhi bảo Thanh Mộc dùng than trong bếp xoa nhẹ lên mình chúng và bóp thật nhiều lần, sau đó rửa lại với nước cho thật sạch, rồi mổ bụng, bỏ nội tạng, cắt thàng từng miếng vừa ăn. Tôm rửa sạch để cả con, xuyên vào những thanh tre nhỏ do cha vuốt, cứ một xiên là năm con.
Bếp nướng tự chế làm bằng chậu đồng, bỏ than vào trong chậu đốt cho đỏ, sau đó bỏ xuống dưới đất cạnh sân, hai bên đóng bốn gốc cây tươi, bên trên dùng thanh sắt cột lại thành những thanh song song để gác xiên thịt lên nướng. Mọi người đang ngồi xiên cá, lươn, tôm và rau củ thì cha, nương Thanh Mộc và đệ đệ của hắn đến.
Thanh Sơn thúc vừa vào đã cười nói: "Thật ngại quá! Hôm nay qua làm phiền huynh và tẩu rồi."
Cha cũng cười đáp: "Có gì mà phiền chứ. Thúc mau lại đây ngồi đi."
"Đây là rượu ta ngâm mật rắn hổ mang đấy, mang qua đây cho huynh nếm thử."
"Cha, chắc mùi vị tuyệt lắm đây."
Hai người đàn ông nói chuyện đi săn, làm đồng, háng xóm láng giềng, còn Ngô thẩm thì đi lại gần đám Diệu Nhi nói:
"Có gì để ta phụ không?"
"Cũng chẳng còn gì." Nương cười đáp, "Bọn nhỏ đã làm xong hết rồi. Cháo cũng chín, chúng ta múc cháo ra ăn thôi."
"Được."
Cả hai nhà vừa uống cháo cá, vừa ăn đồ nướng vô cùng ngon lành, đặc biệt là gia vị rất lạ nên cho dù chỉ ăn rau không cũng thấy ngon. Lần đầu tiên mọi người được ăn lươn, mà còn là lươn nướng nữa chứ, ai cũng tấm tắc khen. Thậm chí Ngô thẩm còn nói:
"Từ trước đến nay ta tưởng thứ này còn không ăn được đó chứ. Ai ngờ lại có thể ăn ngon như vậy."
Diệu Nhi nghe vậy cũng chỉ mỉm cười không nói gì. Bởi vì cô biết rất rõ lươn bổ dưỡng như thế nào, nhưng bảo cô giải thích cho mọi người hiểu thì chắc cô không làm được. Cô sợ có nói ra cũng chưa chắc có người tin.