Tuy người gầy gò, đen nhẻm nhưng lại có một gương mặt khá đẹp trai. Vì giờ còn nhỏ nên nét mặt còn baby nhưng cô đoán chắc rằng sau này lớn lên cu cậu này sẽ trở thành một "khốc ca" gái theo nườm nượp á.
Này này, Diệu Nhi cô nương, cô quên là thời này chỉ thích dạng thư sinh trắng trẻo chứ không phải khốc ca da ngăm đen, khỏe mạnh rồi à?
Nghe Ngô thẩm nói thì đứa lớn gọi là Thanh Mộc, đứa nhỏ gọi là Thanh Lãng.
Thanh Mộc có một đôi mắt rất sáng, tinh anh và thông minh. Chỉ mới tám tuổi nhưng nó có thể làm ruộng sức gần bằng một người lớn, lại còn dám vào núi săn được những con thú nho nhỏ để cho nhà ăn, còn thú lớn Thanh Sơn thúc mang về thì bán. Có lẽ vì làm nhiều, lại ăn không đủ dinh dưỡng nên nó mới gầy như thế.
Thanh Lãng mới ba tuổi bằng tuổi tiểu Sơn, còn quá nhỏ nên Diệu Nhi không để ý lắm, chỉ biết thằng bé này rất ngoan, miệng cũng khá ngọt lại hay cười.
Ăn cơm chiều xong, Diệu Nhi phụ Thanh Mộc rửa chén. Nói là phụ chứ đa phần cô ngồi chơi, còn lại do Thanh Mộc làm hết thôi, mà thật ra là do nó không cho cô làm. Ngồi một bên nhìn nó thành thạo rửa chén bát, cô thầm nghĩ, trẻ con thời này thật đáng thương. Nếu sống ở hiện đại, tuổi này còn vòi vĩnh mẹ đút cơm nữa ấy chứ đừng nói là phụ làm việc nọ kia.
Đang miên man suy nghĩ đột nhiên cô nghe thấy Thanh Mộc nói:
"Cám ơn muội."
"Sao cơ?" Diệu Nhi giật mình hỏi lại.
Thanh Mộc cúi mặt, giọng nói hơi khàn khàn:
"Ta nghe nương và mọi người nói nhờ có muội cha ta mới thoát khỏi tình trạng nguy hiểm."
"A... Huynh đừng nghe mọi người nói quá lên. Thật ra cha huynh vết thương không có nặng như chúng ta nhìn bên ngoài đâu. Chỉ xử lý sạch sẽ cầm máu, rồi nghỉ ngơi nhiều sẽ không sao." Bị một đứa nhóc nói cám ơn, Diệu Nhi có chút ngại ngùng.
"Không phải." Thanh Mộc nói như đinh chặt sắt, "Ta đã xem qua vết thương rồi. Từng có một người bị như cha ta và đã chết, nhưng cha ta không sao là nhờ có muội. Thanh Mộc ta ở đây thề, sau này có chuyện gì cần giúp muội cứ nói với ta, không ngại núi đao biển lửa, ta đều giúp muội."
"Này..."
Diệu Nhi lần đầu tiên bị người khác làm cho á khẩu. Cuối cùng, cô quyết tâm ngậm chặt miệng không nói. Mất công người ta lại bảo mình giả vờ khiêm tốn nữa thì khổ.
Tới giờ Ngọ ba người nhà Diệu Nhi mới trở về nhà, lúc này chắc cũng tầm hơn sáu giờ tối, Diệu nhi vừa đi vừa ngắm cảnh hoàng hôn đồng quê, đúng là rất đẹp.
Về nhà, An Nhi tỷ đã nấu cơm xong, nhưng ba người Diệu Nhi đều ăn rồi nên chỉ có A Thành ca, tiểu Sơn và An Nhi tỷ ăn mà thôi. Sau khi ăn xong, ba người đi luyện chữ còn Diệu Nhi tiếp tục vẽ tranh thêu.
Sau đó đến đầu cuối giờ Dậu cả nhà đi ngủ. Diệu Nhi đêm nay ngủ không được yên giấc cho lắm, cả đêm cô bị ám ảnh bởi một đôi mắt rất sáng, thông minh của ai đó.
Sáng hôm sau, nương đi lên trấn còn phụ thân và A Thành ca, An Nhi tỷ đều đi ra đồng làm việc. Diệu Nhi và Tiểu Sơn được giao cho nhiệm vụ ở nhà quán xuyến việc nhà, cho gà heo ăn và nấu cơm. Cuối cùng thì cũng đã vào mùa thu hoạch rồi a.
Đầu tiên, Diệu Nhi mang chậu quần áo An Nhi tỷ đã giặt sạch đi phơi, sau đó thái rau dại trộn với lõi ngô non băm nhỏ do cô tự chế cho heo ăn, rồi thả rau dại cho gà ăn, quét dọn chuồng gà, chuồng heo, sân nhà sạch sẽ. Tiếp đó, ra vườn hái tầm một rổ dưa chuột và cà chua, đem rửa sạch bỏ vào chậu gỗ rồi ngâm trong nước giếng cho mát. Trong khi đó, cô rót nước râu ngô để nguội vào bình, rồi bỏ tất cả vào một cái rổ, đội nón lá rừng bản to tự chế, dặn dò tiểu Sơn trông nhà, cô mới đi về phía cánh đồng.
Trên đường đi gặp rất nhiều người trong thôn, Diệu Nhi đều cười chào hỏi. Người dân nơi đây đều khá chất phác và thân thiện nên rất dễ nói chuyện. Có lẽ, do một phần nguyên nhân từ môi trường sống nên cô cảm thấy bản thân mình hiện giờ trở nên thoải mái, hòa đồng và dễ chịu hơn tính cách trước kia của mình.
Lúc Diệu Nhi đi ra đến ruộng nhà mình, cô đã thấy nương cũng đang cặm cụi gặt lúa. Ba người gặt non nửa buổi sáng đã hết một đám lúa lớn, An Nhi tỷ thì đang đứng bó từng bó lúa nhỏ lại để dễ dàng xếp lên xe trâu trở về. Nhìn thấy Diệu Nhi đi ra, An Nhi tỷ nói:
"Sao muội lại ra đây? Trời nắng lắm, cẩn thận kẻo bệnh."
Diệu Nhi được tỷ tỷ quan tâm thì cười vui vẻ đáp:
"Tỷ, không sao đâu. Muội có đội nón lá mà." (Jun: nón lá là nón làm bằng lá nha bà con kkk)
An Nhi tỷ gật đầu, đưa tay lau nhẹ mồ hôi trên trán, rồi mới nhận ly nước râu ngô mát mẻ mà cô đưa qua. Gương mặt trắng nõn của An Nhi tỷ lúc này đỏ bừng vì nắng. Chờ An Nhi tỷ uống xong, Diệu Nhi lại rót cho phụ thân, nương, A Thành đại ca mỗi người một ly, xong xuôi liền gọi lớn nói:
"Mọi người nghỉ tay ăn chút dưa cho mát lấy sức làm tiếp ạ."
Vừa nói, Diệu Nhi vừa mở tấm vải bố phủ trên rổ ra, để lộ ra mấy trái dưa chuột xanh mướt, cà chua đỏ au, mọng nước, trông khá ngon. Mọi người nghe cô gọi đều quyết định nghỉ ngơi một chút, thế là kéo đuôi nhau đi lên, ngồi dưới một gốc cây già không rõ tên, cành lá sum suê, từng cơn gió thoảng qua nghe tán lá xào xạc rất vui tai.
"Trái này ăn cũng không tệ nhỉ?" Phụ thân Trương Tranh cắn một miếng cà chua nhai nhai rồi nhận xét.
Nhìn qua một vòng thấy ai cũng gật gù khen ngon, Diệu Nhi cười híp mắt nói:
"Chứ sao. Đồ con trồng mà lại. Mấy trái này ăn vừa mát vừa tốt cho cơ thể nữa đó."
Nghỉ ngơi tầm một khắc, ba người lại đi xuống ruộng làm việc, còn Diệu Nhi bưng rổ ra về. Trên đường, cô vừa đi vừa hát nho nhỏ một bài hát nổi tiếng ở hiện đại, và dĩ nhiên bằng tiếng anh. Lâu rồi không dùng đến, cô có chút ngượng miệng khi nói lại rồi.
"Gâu! Gâu! Gâu!"
Đang đi tung tăng chợt nghe thấy tiếng chó sủa, Diệu Nhi hết hồn đứng lại. Cuộc đời từ nhỏ đến lớn của cô có ghét nhất hai loại động vật, một là thân trơn không chân như rắn, sâu... và thứ hai là chó a, bởi vì lúc còn nhỏ cô từng bị một con béc- giê to gấp đôi người nhảy chồm lên, táp mất một miếng thịt luôn, máu tuôn xối xả. Kể từ đó cứ nhìn thấy chó là cô sợ, vừa sợ vừa ghét.
Lúc này, trước mặt Diệu Nhi là ba con chó, một lớn, hai nhỏ đang gầm gừ dọa nạt. Mặt cô trắng bệch luôn, người cũng run lên theo từng hồi sủa của chúng. Má ơi, phen này mình cô, tuổi nhỏ sức yếu chắc bị ba con này xé xác ra mất.
Đang lúc Diệu Nhi khóc không ra nước mắt vì sợ, vì chẳng biết phải làm thế nào thì một giọng nói nghe như thánh cứu thế vang lên:
"Diệu Nhi muội! Diệu Nhi muội!"
Cô vui mừng, đưa cặp mắt biết ơn, trông mong, lẫn vui mừng nhìn sang nơi phát ra tiếng nói, nhận ra là đứa bé Thanh Mộc kia, cô lại ỉu xìu. Xong, thêm một đứa bé nữa thì cũng như không. Diệu Nhi chán nản gục đầu xuống.
Thanh Mộc đi từ xa nhìn thấy bóng dáng của diệu Nhi thì cảm thấy rất vui vẻ, vội vàng hô to gọi rồi nhanh chân chạy đến. Nhìn thấy bên người Diệu Nhi có hai con chó đang gầm gừ, lại nhìn thấy đôi mắt sáng long lanh của cô bé quay lại nhìn chính mình nhưng nhanh chóng ảm đạm xuống khiến trong lòng hắn cảm thấy khó chịu. Đoán rằng chắc bé sợ hai con chó này nên Thanh Mộc nhìn quanh kiếm một thanh que nhảy lên xua hai con chó kia đi. Hai con chó kia bình thường bị hắn đánh quá nhiều nên giờ thấy bóng dáng hắn đã chạy xa xa.
Thanh Mộc nhìn bóng dáng hai con chó mất hút sau bụi tre, ném thanh củi trong tay xuống, quay sang Diệu Nhi, nói:
"Diệu Nhi muội muội, không sao rồi. Ta đuổi bọn chúng đi rồi." Sau đó vỗ vào bộ ngực nhỏ tiếp tục, "Lần sau gặp bọn chúng, muội cứ cầm cây đánh thật mạnh đuổi chúng đi, hoặc tìm ta, ta giúp muội xử lý."
Sau khi hai con chó đi, Diệu Nhi hoàn hồn, chẳng mấy chốc đã bình tĩnh lại, vẻ mặt biết ơn cười cười đáp:
"Cám ơn Thanh Mộc ca."
"Đừng khách khí."
Thanh Mộc cười đáp. Sau đó hiên ngang lẫm liệt lấy lý do sợ hai con chó kia quay lại hộ tống cô về. Hai người vừa đi, vừa nói mấy chuyện lặt vặt. Thanh Mộc kể cho cô nghe những chuyện khá thu vị khi hắn đi săn. Vui có, đau khổ có, cực nhọc cũng có. Diệu Nhi cũng nhân tiện dặn hắn thấy quả hay cây gì lạ thì mang về cho cô, miệng liến thoáng miêu tả cho hắn hình dạng của vài cây gia vị và thuốc, đặc biệt là nhân sâm, thứ này rất quý, nếu có, lúc cần thiết còn có thể dùng để cứu mạng người. Cô hay đọc trong các tiểu thuyết xuyên không thường nói nhân sâm hay sống trong núi, hy vọng là thật.
Lúc gần đến cổng, đột nhiên Thanh Mộc lấy từ trong lòng ra một bọc nhỏ, được gói bằng lá cây, hắn dúi vào tay Diệu Nhi nói:
"Cho muội này."
Nói xong liền nhanh chân chạy đi. Diệu Nhi ngơ ngác nhìn bóng dáng hắn dần dần mất hút mới hồi thần. Cô đưa tay mở bọc nhỏ ra xem thì thấy bên trong đựng năm quả trứng chim cút a. Chắc hắn đi vào rừng săn thú kiếm được. Người này a, nhặt được đồ ăn cũng không biết giữ lại mà dùng, còn mang qua cho cô. Haiz! Diệu Nhi bất đắc dĩ cười nhẹ, gói năm quả trứng lại bỏ vào rổ, rồi xoay người đi vào nhà. Buổi trưa cô nấu canh cá nhiều một chút mang qua cho nhà hắn một ít coi như cám ơn vậy.
Cũng may Diệu Nhi biết ngày mùa mọi người làm việc nhiều, vô cùng vất vả và hao tốn sức lực nên trước đó một ngày đã huy động phụ thân và A Thành ca đi bắt cá, tôm, ốc các loại về trữ sẵn. Trước đó vài ngày trong số thú rừng phụ thân săn được Diệu Nhi nói nương giữ lại một con gà rừng và một con thỏ để ăn dần. Gà rừng bị chết nên cô đành làm thịt, ướp muối, kho mặn một chút ăn dần, còn con thỏ thì không bị thương nên Diệu Nhi nhốt nó lại, dự tính sẽ thịt trong ngày mùa cho mọi người tẩm bổ.
Gần trưa An Nhi tỷ về phụ nấu cơm. Hai tỷ muội nhồi bột làm một rổ bánh bột mì trộn hành rán, lại nấu một nồi canh cá nấu dưa chua, xào một dĩa rau lớn và một bát cà chua dưa leo trộn dấm. Năm quả trứng chim cút, Diệu Nhi cũng đập vào bát, trộn với cây ngải cứu và chiên ốp chảo, thế là có thêm một món ăn bổ dưỡng. Sau khi nấu xong, Diệu Nhi lấy một cái tô múc vào một bát canh cá, bỏ vào rổ rồi nói với An Nhi tỷ:
"Đại tỷ, muội mang canh qua cho nhà Ngô thẩm nhé."
An Nhi tỷ tất nhiên biết việc Thanh Mộc cho nhà mình năm quả trứng chim, tuy nhỏ nhưng là thứ khá quý hiếm nên cũng đồng ý việc Diệu Nhi mang canh qua đáp lễ, nên nói:
"Ừ, đi đi. Muội nhớ đi đứng cẩn thận đó. À, đừng quên đội nón vào, trời nắng lắm."
"Muội biết rồi."
Diệu Nhi đi ra ngoài, kêu tiểu Sơn vào trong nhà chơi kẻo nắng sinh bệnh, rồi mới đội nón, che kỹ bát canh trong rổ rồi mới đi.
May mà nhà Ngô thẩm cách nhà Diệu Nhi cũng không xa, chỉ tầm năm sáu trăm mét, bằng không đi bộ dưới trời nắng một quãng đường xa thật là chịu tội a. Lúc Diệu Nhi đến, Ngô thẩm đang bận bịu nấu cơm, thấy Diệu Nhi thì cười hỏi:
"Diệu Nhi, sao con lại đến đây?"
Diệu Nhi cười đáp:
"Dạ hôm qua phụ thân và đại ca con bắt được chút cá nên hôm nay con nấu canh cá mang cho cho nhà thẩm một ít."
"Đừng, đừng, con mang về ăn đi. Ngày mùa mọi người đều cần bồi bổ mới có sức làm mà. Thẩm không cần đâu." Nghe nói Diệu Nhi mang cá qua cho nhà mình, Ngô thẩm vội vàng từ chối. Dù cá không quý nhưng bắt cũng không phải dễ dàng, nào có chuyện chiếm tiện nghi nhà người ta như thế. Ngô thẩm là người thành thật nên vô duyên vô cớ nhận lòng tốt của người ta khiến bà rất bất an.
"Không có gì đâu thẩm. Nhà con nấu rất nhiều ạ. Hơn nữa Thanh Sơn thúc cũng cần bồi bổ, thẩm cứ nhận đi."
Nói qua nói lại một hồi, cuối cùng Ngô thẩm cũng nhận. Dù sao trượng phu của bà cũng còn đang yếu, từ tối hôm qua đến giờ chỉ uống được một chút cháo loãng, cũng cần có chút thịt cho hắn bồi bổ. Sau này nhà bà có món gì ngon lại mang qua Trương gia một ít vậy.
"Vậy... thẩm cảm ơn nhà con nhiều."