Trong Hội chợ phù hoa, có một chỗ mà tình cảm và sự châm biếm có thể khoác tay nhau cùng đi, nơi mà cái đáng cười và cái đáng khóc gặp gỡ nhau, và đối lập nhau một cách lạ kỳ nhất, nơi mà bạn có thể hoàn toàn tự do tỏ ra hiền lành dịu dàng, hoặc dữ tợn vô sỉ tùy thích; ấy là những cuộc hội họp công khai được quảng cáo hàng ngày trên trang cuối tờ “Thời báo”. Ông George Robins đã quá cố trước kia vẫn chủ tọa nơi này một cách vô cùng xứng đáng. Ở Luân đôn, không mấy ai là không biết đến nơi này. Tất cả những người nào có khuynh hướng răn đời đều phải đã có phen nghĩ ngợi một cách hơi kỳ quái tức cười rằng rồi có phen đến lượt chính họ cũng phải đến nơi hội họp ấy.
Theo lệnh những hội viên của hội Diogenes (), hoặc căn cứ theo những điều khoản trong chúc thư, ông Hammerdown () sẽ đem những tủ sách, đồ đạc, bát đĩa, tủ áo và những hầm rượu chọn lọc của ngài Epicurus () đã quá cố ra cho thiên hạ tranh nhau mặc cả.
Ngay con người ích kỷ nhất vẫn thường qua thăm Hội chợ phù hoa, khi chứng kiến cái phần bẩn thỉu nhất này trong đám tang của một người bạn thân, cũng không thể nào không thấy cảm động và tiếc thương đôi chút.
Thi thể của quý quan Dives, hiện đã nằm yên trong hầm mộ của gia đình rồi. Bọn thợ đá cũng đang khắc lên mặt bia những lời xưng tụng rất đúng sự thực ca ngợi đức tính của người đã chết, ghi lại nỗi sầu khổ của đứa cháu thừa hưởng gia tài đang toàn quyền sử dụng đồ đạc để lại.
Có người khách nào đã từng dự tiệc trong gia đình ngài Dives, khi qua thăm lại ngôi nhà quen thuộc mà không phải thở dài?..Ngôi nhà thường ngày đèn thắp rực rỡ vào hồi bảy giờ tối, cánh cửa phòng lớn thường mở rộng sẵn sàng, và trong khi bạn đang trèo lên cầu thang, bọn gia nhân truyền nhau báo tên bạn từng chặng một, cho đến khi vọng vào tận trong căn phòng ngài Đai vơ vẫn ngồi tiếp khách. Vô vàn là khách; mà cách tiếp đãi mới lịch sự làm sao. Biết bao nhiêu con người lanh lợi khôn ngoan vẫn thường lui tới nơi đây; khi họ bước ra về, mặt người nào cũng có vẻ âu sầu. Nơi đây, biết bao người tỏ ra lịch sự nhã nhặn đối với nhau, trong khi tại những nơi khác họ gièm pha nhau, thù ghét nhau kịch liệt. Cụ chủ tính kiêu hãnh, song thức ăn ngon như thế, ai mà chẳng muốn nuốt? Cụ chủ tính hơi đần độn, song rượu ngon như thế thì câu chuyện nào mà chẳng trở nên thú vị? Mấy ông bạn đang âu sầu thương tiếc người đã khuất kêu lên với nhau trong nhóm: “Chúng mình phải lùng cho ra thứ rượu ấy mới được, đắt mấy cũng mua”.
- Tôi mua được cái hộp đựng thuốc lá này trong buổi bán đấu giá đồ đạc của lão Dives đấy - Pincher vừa nói vừa chìa cho mọi người xem - đây là chân dung một nhân tình vua Louis XV... xinh đấy chứ?
Và cả bọn kháo nhau về chuyện con trai lão Dives sắp phá tan gia tài của bố thế nào.
Ngôi nhà bây giờ thay đổi nhiều quá. Mặt tường bị che kín sau những tấm giấy quảng cáo liệt kê mọi thứ đồ đạc, viết bằng những chữ hoa to tướng như đập vào mắt mọi người. Một mảnh thảm treo trên một cái cửa sổ trên gác...có đến nửa tá bọn phu khuân vác đang leo lên leo xuống chiếc cầu thang đầy bụi...gian phòng lớn lúc nhúc toàn những khách lạ quần áo bẩn thỉu, nom bộ dạng như người Đông Phương () họ dúi vào tay bạn những tấm thẻ chữ in, và nhờ bạn đứng tên trả giá. Nhiều bà già và những người ưa chơi đồ lạ đã leo lên gác trên; họ sờ mó những diềm màn, luồn tay vào những túp lông, lật đi lật lại những tấm nệm, và mở ra mở vào những ngăn kéo tủ áo ầm ầm. Mấy người quản gia trẻ tuổi đang lăng xăng đo những tấm gương và những tấm thảm xem có thích hợp với gia đình nhà chủ họ mới nhận việc không. (Snob () rất có thể hàng năm sau vẫn khoe đã có mua thứ nọ thứ kia trong dịp bán đấu giá này) .
Lão Hammerdown đang ngồi trên chiếc bàn ăn lớn màu cánh gián kê trong phòng ăn dưới nhà; ông ta vừa khoa khoa chiếc búa bằng ngà voi, vừa trổ hết tài hùng biện mà nói say sưa, mà cầu khẩn, mà lý luận, mà thất vọng, vừa hò hét bọn tay chân. Lão giễu cợt ông Davids, vì ông này lề mề; lão giục ông Moss nhanh tay lên một tý; lão van xin, ra lệnh, gào thét, cho đến khi chiếc búa nện xuống nghe như những tiếng gõ của định mệnh và chuyển sang “lô” khác. Ôi, cụ Dives ơi, trong khi chúng ta quây quần quanh tấm bàn rộng sáng choang toàn bát đĩa cùng khăn ăn trắng tinh, có ai ngờ rằng lại có ngày nó phải mang một thứ đĩa là cái lão nhân viên phát mại ồn ào này không?
Việc mua bán diễn ra khá lâu rồi. Gian phòng khách toàn đồ quý đã bán xong, còn những loại rượu hiếm và quý thì những tay sành sỏi biết thưởng thức, vung tiền ra, không kể đắt rẻ bê đi tất. Bộ đồ ăn đầy đủ, rất quý, dùng cho cả gia đình đã bán từ mấy hôm trước. Viên quản lý nhà ông John Osborne của chúng ta ở khu phố Russell đã đến mua một vài thứ rượu quý cho chủ, (những thứ rượu này nổi tiếng khắp vùng). Có một ít bát đĩa bằng bạc toàn những thứ cần thiết thì mấy tay buôn tín phiếu trẻ tuổi ở khu City đã mua rồi. Bây giờ đến lượt bọn thường dân được mời đến xem những vật tầm thường còn lại. Nhà hùng biện đứng vắt vẻo trên một chiếc ghế đang ra sức quảng cáo cho vẻ đẹp của một bức tranh để thu hút khán giả.
Hôm nay, khán giả cũng thưa thớt hơn, và cũng kém sang trọng, không bằng bữa trước.
Ông Hammerdown gào lên:
- Số 869 đây. Tranh một ông sang trọng cưỡi voi. Ai mua ông sang trọng cưỡi voi đây. Blowman, giơ cao bức tranh lên cho các ông các bà ấy xem kỹ đi.
Thấy Blowman giơ cao món hàng quý giá lên, một ông lịch sự người dài ngoằng, nước da tai tái, trông có vẻ nhà binh, đang ngồi im lặng trên chiếc bàn màu cánh gián hơi nhếch mép cười.
- Blowman, hãy giơ cho ông đại úy xem con voi. Thưa ông, ông thấy con voi thế nào?
Viên đại úy không trả lời, có vẻ bối rối, đỏ mặt quay đi; lão nhân viên phát mại không nài thêm.
- Tác phẩm nghệ thuật này giá có hai mươi ghi-nê thôi...hoặc năm đồng, mười lăm đồng, tùy ý các ngài trả! Một mình người cưỡi chưa kể con voi cũng đã đáng giá năm đồng rồi.
Một tay ưa bông lơn nói:
- Lạ quá, sao con voi chở nặng thế mà không khuỵu xuống nhỉ? Anh ta béo ghê béo gớm.
Quả thật, người cưỡi voi trong tranh to béo quá. Nghe câu nói đùa, cả gian phòng cười ầm lên, ông Hammerdown nói:
- Đừng có làm giảm giá trị của bức tranh, ông Moss. Để cho các ông ấy xem kỹ vào; một tác phẩm nghệ thuật đấy...Coi đáng điệu con vật có hệt như thật không nào. Ông cưỡi con voi mặc áo ngắn bằng vải Nam kinh, tay cầm súng đang đi săn đấy. Phía xa có một ngôi chùa và một cây chuối, trông có giống những cảnh đẹp ở thuộc địa Đông Ấn của nước ta không? Trả bao nhiêu bức này nào? Thế nào, các vị bắt tôi đứng đây suốt ngày à?
Có người trả năm si linh; người trông có vẻ nhà binh nhìn về phía có tiếng người trả quá hào phóng vừa rồi, thì thấy một sĩ quan khác khoác tay một người đàn bà. Trước cảnh tượng này đôi ấy có vẻ rất thú vị; cuối cùng tiếng búa nện xuống bàn, đồng ý bán cho họ bức tranh với giá nửa ghi-nê. Nhìn thấy cặp trai gái này, người ngồi ở bàn càng tỏ vẻ bối rối và ngạc nhiên hơn. Anh ta vội thụt đầu vào trong cái cổ áo nhà binh bẻ cao lên và quay lưng lại họ, hình như muốn tránh mặt thì phải.
Tôi không muốn nói đến những thứ đồ đạc ông Hammerdown hôm ấy có hân hạnh được đem bán đấu giá, trừ một thứ; ấy là một cây đàn dương cầm nhỏ, khiêng từ trên gác xuống. Cây dương cầm lớn đã bán trước rồi; người đàn bà trẻ tuổi ấy ngồi chơi thử chiếc dương cầm này, đôi tay lướt đi nhanh nhẹn, mềm dẻo (làm cho viên sĩ quan lại đỏ mặt lên và giật mình); một lúc sau, người đàn bà sai người đại diện của mình trả giá mua cây dương cầm.
Nhưng lần này, có người mua tranh. Người Do-thái đại diện cho viên sĩ quan ngồi ở bàn trả giá mua tranh với người Do thái đại diện cho người đàn bà mua bức tranh lúc nãy. Cuộc thi đua trả giá cao để mua bằng được chiếc dương cầm bé nhỏ bắt đầu, và được ông Hammerdown hết sức khuyến khích.
Cuối cùng, sau một hồi ganh nhau, hai vợ chồng người mua bức tranh con voi rút lui. Tiếng búa nện xuống bàn, người nhân viên phát mại tuyên bố. “Ông Lewis, hai mươi lăm”. Thế là người mượn ông Lewis đại diện được làm chủ cây dương cầm nhỏ. Mua xong cây dương cầm, anh ta ngồi thẳng dậy, có vẻ rất khoan khoái; hai vợ chồng người mua trượt món đồ bấy giờ mới liếc mắt nhìn sang; người đàn bà bảo chồng: Truyện "Hội Chợ Phù Hoa " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)
- Ô kìa, Rawdon, đại úy Dobbin đấy.
Có lẽ Becky không ưa cây dương cầm mới, chồng vừa thuê cho mình, hoặc có lẽ người chủ đã lấy về rồi, không cho thuê tiếp nữa; hoặc cũng có thể cô ta đặc biệt thích cây dương cầm này vì nhớ lại ngày xưa đã nhiều lần cô ta chơi nhạc trong căn phòng nhỏ của cô Amelia Sedley thân yêu của chúng ta chăng.
Cuộc bán đấu giá trên diễn ra trong căn nhà cổ kính ở khu phố Russell, nơi chúng ta đã gặp nhau trong vài buổi tối, lúc mới bắt đầu câu chuyện này. Ông Sedley bị phá sản rồi. Ở phòng Hối đoái, người ta đã tuyên bố ông bị phá sản; sau đó, mọi việc hoạt động thương mại của ông ta bị đình chỉ hết. Viên quản lý của ông Osborne đến đây chọn mua một ít rượu vang quý mang về cho chủ. Bộ thìa đĩa mười hai người ăn bằng bạc chạm trổ rất công phu cùng bộ đồ ăn tráng miệng đã đem bán cân cho ba người buôn tín phiếu trẻ tuổi (tức là các ông Dale, Spiggot, và Dale, ở phố Threadneedle). Mấy người này trước kia có giao dịch nhiều với ông John Sedley và được ông đối đãi rất tốt cũng như ông đối đầu với tất cả mọi người có việc giao dịch với mình; họ bèn gửi biếu lại bà cụ Sedley món đồ mọn vớt vát được trong cơn tan tác. Cây dương cầm nhỏ trước kia của Amelia, bây giờ chắc cô nhớ nó lắm; mà đại úy Dobbin thì không biết chơi đàn chẳng khác chi không biết nhảy trên dây vậy, hẳn anh ta không mua cho mình dùng.
Tóm lại, buổi tối hôm ấy, người ta mang cây đàn dương cầm đến một gian nhà nhỏ ở một phố đi thẳng từ đường Fullham ra, một trong những phố có cái tên rất đẹp và rất thi vị... gọi là khu St. Adelaide, đường Anna-Maria. Ở đây nhà cửa bé tý như đồ chơi của trẻ con, và khách đi đường nhìn qua cửa sổ thấy người ngồi trên gác như phải thò chân xuống đến tận dưới nhà. Cây cối trồng trong khu vườn nhỏ trước nhà quanh năm lúc nào cũng phơi đầy những tã lót trẻ em, những đôi tất đỏ tý xíu những chiếc mũ trùm v.v. . (chế độ đa phu, nhân chủng đa nguyên tính) .
Văng vẳng ra tiếng the thé của những cây đàn cũ rích và tiếng đàn bà đang hát. Trên thềm, thấy la liệt những vỏ chai rượu phơi nắng. Chiều chiều, những viên thư ký làm việc ở khu City uể oải lê bước về đó.
Ông Clapp, thư ký của ông Sedley, có một căn nhà ở đây; sau khi bị phá sản, ông già đem vợ con về chỗ này để ẩn náu cho qua ngày, Joe Sedley hay tin gia đình gặp tai biến đã hành động đúng như ta chờ đợi ở một người tính tình như anh ta. Joe không về Luân đôn, nhưng anh ta viết thư cho mẹ dặn cứ đến những nhà băng anh ta gửi vốn mà lấy tiền tiêu; vì vậy hai ông bà già cũng yên tâm, không lo lắng về nỗi phải túng thiếu. Thu xếp như vậy xong xuôi, Joe lại tiếp tục đến dùng cơm tại hiệu ăn quen thuộc của mình ở Cheltenham, vẫn vui vẻ như thường. Anh ta vẫn đùng xe ngựa đi chơi, vẫn uống rượu vang trắng, vẫn đánh bài, và vẫn kể những câu chuyện Ấn Độ của mình như cũ; người đàn bà Ai len goá chồng cũng vẫn tiếp tục nịnh nọt, mơn trớn anh ta như trước. Tuy đang lúc túng, nhưng việc Joe biếu tiền bố mẹ cũng không khiến cho hai ông bà già xúc động lắm. Amelia kể lại rằng, từ sau cơn hoạn nạn, lần đầu tiên cô thấy ông bố ngẩng cao đầu lên là khi ông cụ nhận được gói thìa đĩa kèm theo lá thiếp của mấy người buôn tín phiếu trẻ tuổi; ông cụ khóc òa lên như trẻ con, còn cảm động hơn cả bà vợ là người được gửi tặng món quà đó. Edward Dale, người trẻ tuổi nhất trong số, đã đứng lên mua bộ thìa đĩa chung cho cả ba; từ lâu anh ta vẫn có ý săn sóc cô Amelia. Mặc dầu cô bị phá sản, anh ta vẫn ngỏ ý muốn cưới cô làm vợ như thường. Sau này, năm 1820, anh ta lấy cô Louisa Cutts (con gái ông chủ hãng Higham và Cutts, một hãng buôn ngũ cốc rất lớn); bây giờ hai vợ chồng sống rất đường hoàng, con cái đầy đàn, trong một cái biệt thự rất đẹp ở đồi Muswell. Nhưng không nên vì anh chàng này mà rời xa câu chuyện chính của chúng ta.
Tôi hy vọng rằng vì có ấn tượng quá tốt về vợ chồng đại úy Crawley nên bạn đọc cho rằng có lúc họ đã nghĩ đến chuyện về thăm cái quận Bloomsbury hẻo lánh kia, dù họ biết rằng cái gia đình mà họ dự định sẽ dành cho vinh dự được đón tiếp ấy thì chẳng những đã lỗi thời mà cũng đã khánh kiệt, không còn khả năng gì để giúp đỡ họ được nữa. Rebecca rất ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà sang trọng, nơi trước kia cô đã bao lần được tiếp đãi nồng hậu, bây giờ bị kẻ mua người bán phá phách tan hoang. Cô thấy tại nơi kỷ vật riêng rất quý báu của gia đình bây giờ bị đem trưng ra cho cả thiên hạ thờ ơ nhòm ngó hoặc xâu xé. Một tháng sau buổi bỏ đi trốn, cô bỗng nhớ đến Amelia; và Rawdon cười hô hố, tỏ ý rất tán thành đến thăm George Osborne một chuyến chơi. Anh ta láu lỉnh bảo vợ:
- Becky, đó là một người bạn rất quý báu. Tôi còn đang muốn bán thêm cho hắn một con ngựa, và chơi thêm với hắn vài ván bi-a đây. Tôi gọi như thế là một mối tình bạn hữu ích đấy, bà Crawley ạ, hô hô!
Nghe những lời trên ta chớ nên nghĩ rằng Rawdon Crawley chơi bạc bịp, ấy là vì anh ta muốn chứng tỏ rằng trong Hội chợ phù hoa, những bậc sang trọng ưa giải trí bao giờ cũng muốn giữ cái ưu thế của mình đối với người bên cạnh.
Bà cô già mãi không thấy nghĩ lại. Một tháng trời trôi qua rồi. Bác Bowls không chịu mở cửa tiếp Rawdon; đầy tớ của anh ta không được phép vào căn nhà ở Đường công viên. Thư từ anh ta gửi đều bị trả lại, phong bì còn dán nguyên vẹn. Bà Crawley không đi ra ngoài...bà vẫn còn mệt...còn bà Bute thì vẫn ở đây không lúc nào rời khỏi bà em chồng.
Hai vợ chồng Crawley thấy bà Bute cứ ở lỳ mãi, đoán chắc có chuyện không hay cho mình. Rawdon bảo:
- Chết thật? Bây giờ tôi mới vỡ lẽ tại sao hồi còn ở trại Crawley Bà chúa, mụ ấy muốn cho hai đứa mình lúc nào cũng ở sát bên nhau.
Rebecca thở dài đáp:
- Thật là đồ xảo quyệt!
Viên đại úy đang say vợ, kêu lên:
- Ôi dào? Nếu mình không tiếc thì tôi cũng chẳng cần cóc gì.
Cô vợ thưởng cho anh chồng một cái hôn thay cho câu trả lời; thấy chồng hoàn toàn tin cậy mình, cô ta rất thích.
Cô nghĩ thầm “giá anh ta thông minh hơn một tý, thì mình có thể giúp cho nổi cơ đồ đấy”. Nhưng không bao giờ cô để chồng biết mình nghĩ về chồng như vậy. Bao giờ cô cũng chịu khó chăm chút nghe chồng kể con cà con kê về chuyện ngựa nghẽo, chuyện câu lạc bộ nhà binh; cô rất chịu khó cười mỗi khi anh chồng khôi hài, cố gắng làm ra vẻ chú lắm đến những chuyện như chiếc xe ngựa của Jack Spatterdash vừa đổ, Bob Martingale bị bắt quả tang ở sòng bạc, chuyện Tom Cinqbars sắp sửa dự đua ngựa...Mỗi khi chồng trở về nhà, cô tỏ ra thật nhí nhảnh sung sướng: lúc chồng đi chơi, cô giục chồng đi mau cho sớm. Chồng ở nhà không đi đâu, cô chơi dương cầm và hát cho chồng nghe, pha rượu cho chồng uống, coi sóc bữa ăn cho chồng tươm tất, ủ ấm đôi giầy nhẹ của chồng, chăm sóc chồng từng ly từng tý một.
Đã có lần tôi nghe bà nội tôi bảo rằng những người đàn bà khéo nhất chính là những người giả dối, vì chúng ta không thể hiểu họ giấu giếm chúng ta những điều gì, và khi bề ngoài họ tỏ ra ngây thơ, thân mật thì thật ra họ đang sắc mắc đến thế nào. Rất có thể những nụ cười luôn luôn nở dễ dàng trên môi họ chỉ là những cái bẫy để bợ đỡ, để lảng tránh, hoặc để khuất phục ta. Ở đây tôi không kể tới những bà những cô đỏm dáng tầm thường, mà chỉ nói tới những người đàn bà nội trợ gương mẫu, những viên ngọc của đức hạnh phụ nữ. Ai mà chưa từng được thấy một người vợ che giấu sự đần độn của anh chồng ngốc nghếch, hoặc làm dịu một cơn lôi đình của anh chồng vũ phu? Sự nô lệ đáng yêu ấy chúng ta rất quý, chúng ta rất ca tụng đàn bà về sự thực. Một bà nội trợ rất cần phải là một nhà ngoại giao giỏi. Chồng Cornelia () cũng bị vợ lừa dối như chồng Potiphar tuy rằng bị lừa dối một cách khác.
Vậy thì được vợ săn sóc chu đáo, anh chàng trác táng bừa bãi Rawdon Crawley biến thành một người chồng rất hạnh phúc và rất ngoan ngoãn. Đám bè bạn chơi bời cũ không thấy mặt anh ta đâu nữa. Có một đôi lần, họ hỏi thăm anh ta ở câu lạc bộ, nhưng rồi họ cũng không nhớ anh ta nhiều lắm. Trong Hội chợ phù hoa, không mấy khi người ta nhớ nhau lâu. Đối với Rawdon, người vợ xa lánh xã hội phù hoa lúc nào cũng tươi tỉnh mỉm cười, căn nhà ấm cúng, những bữa ăn nóng sốt và những buổi tối trong gia đình đã có đủ mọi vẻ hấp dẫn của một cái gì mới mẻ và kín đáo. Việc hôn nhân của họ chưa tuyên bố cho ai rõ, cũng chưa đăng trên báo “Tin tức buổi sáng”. Nếu bọn chủ nợ biết tin anh ta lấy một cô gái không có của hồi môn làm vợ, ắt họ sẽ hè nhau xông tới làm tội anh ta đến chết mất. “Em thì chả sợ cha mẹ em rầy la đâu”. Becky nói và cười có vẻ chua chát. Cô rất bằng lòng chờ đến khi bà Crawley nghĩ lại, lúc ấy sẽ xuất đầu lộ diện trong xã hội. Cho nên cô yên tâm sống kín đáo ở Brompton, không đi lại với ai, chỉ tiếp có vài người bạn trai của chồng; họ được mời đến chơi tại căn phòng ăn nhỏ bé của gia đình. Bọn khách này thích cô lắm. Họ rất lấy làm thú vị được dự những bữa ăn thân mật, được nghe cô ta cười nói, và sau đó lại chơi đàn. Thiếu tá Martingale không bao giờ nghĩ tới chuyện muốn xem tờ giấy chứng hôn. Đại úy Cinqbars trầm trồ khen ngợi những cốc rượu do bàn tay khéo léo của Rebecca pha. Còn viên trung úy trẻ tuổi Spatterdash (anh này rất ham chơi piquet, mà Crawley cũng mời anh ta chơi) thì chỉ trong một thời gian rất ngắn rõ ràng đã bị bà Crawley thu mất hồn. Nhưng Rebecca luôn luôn tỏ ra sáng suốt và kín đáo; vả lại Crawley vẫn nổi danh là một tay hay gây gổ và cả ghen; nhờ thế cô vợ bé bỏng yêu dấu cũng được che chở an toàn.
Ở thành phố này có nhiều người sang trọng, đứng đắn và lịch sự chưa bao giờ bước chân vào phòng khách của một phu nhân. Cho nên, mặc dầu khắp quận người ta bàn tán nhiều về chuyện vợ con của Crawley - chắc bà Bute phao tin rầm lên chứ gì- nhưng ở Luân đôn tin ấy vẫn mập mờ, hoặc ít được chú ý, hoặc không được một ai nhắc đến.
Rawdon phải vay tiền để tiêu, nhưng vẫn sống đường hoàng, anh ta có những khoản nợ kếch xù, giá khéo ăn tiêu thì có thể sống được nhiều năm. Ở những thành phố lớn, nhiều người mang công mắc nợ sống rất đàng hoàng, những người có tiền trả ngay còn thua xa. Khi ta đi chơi trên những đường phố ở Luân- đôn, ta thường gặp những ông sang trọng ngự trong những chiếc xe ngựa rất đẹp, trong khi ta phải cuốc bộ. Trông thấy họ, bọn thợ may nịnh nọt, bọn nhà buôn khúm núm cúi chào. Những ông này chẳng từ chối yêu cầu nào của họ, mà cũng chẳng ai biết các ông trông vào đâu mà sống. Ta gặp anh chàng Jack Thriftless khệnh khạng đi ở Công viên, hoặc phóng xe ngựa như bay qua Pall Mall, bữa ăn thì dùng toàn những bát đĩa quý giá. Ta tự hỏi không rõ đời hắn bắt đầu thế nào, và sẽ kết thúc ra sao? Thì có lần Jack bảo với tôi rằng: “Ông bạn thân ơi, tôi nợ tiền khắp cả Âu Châu này đấy”. Kết cục rồi cũng phải xảy ra, nhưng hãy cứ biết bây giờ Jack ta tha hồ ung dung phè phỡn cái đã. Thiên hạ được Jack bắt tay lấy làm sung sướng lắm, tuyên bố rằng hắn là người tốt bụng, vui tính, và vô tư lự biết đâu đến những lời thì thầm đồn đại không hay về hắn.
Thực tế bắt ta phải nhận anh chồng của Rebecca chính thuộc loại người này. Trong nhà anh ta cái gì cũng đầy đủ, chỉ thiếu có tiền; một bữa đọc báo “Tin tức”, Rawdon thấy đăng tin “Trung úy Osborne vừa mua lại cấp đại úy của ông Smith mới từ chức”, lập tức anh ta tỏ ra có cảm tình với người yêu của cô Amelia và quyết định đến thăm khu phố Russell.
Khi hai vợ chồng Rawdon muốn gặp đại úy Dobbin để tìm biết rõ chuyện hoạn nạn của những người quen cũ của Rebecca thì Dobbin đã biến khỏi chỗ bán đấu giá rồi. Họ chỉ được một anh phu khuân vác và một bác nhân viên phát mại lảng vảng ở đó mách cho một ít tin tức. Becky leo lên xe ngựa, tay vẫn cầm bức tranh, vẻ mặt rất vui; cô ta nói:
- Nhìn những cái mỏ của họ kìa; có khác gì đám diều hâu xâu xé mồi sau một trận đánh không?
- Xin chịu em ạ, từ bé đến giờ nào anh có biết trận mạc là cái gì đâu Hỏi Martingale ấy; hắn đã từng làm sĩ quan tùy tòng cho tướng Blazes ở Tây-ban-nha.
Rebecca nói:
- Ông cụ Sedley là người rất tốt. Thấy ông cụ gặp nạn, em thương lắm.
- Ồ, mấy lão buôn tín phiếu... phá sản... chuyện thường lắm, mình thấy đấy.
Rawdon vừa đáp vừa lấy roi vụt đuổi một con ruồi đậu trên tai ngựa. Giọng cô vợ có vẻ đa cảm lắm, nói:
- Giá mua được ít bát đĩa gửi biếu họ thì tốt hơn, anh Rawdon ạ. Những hai mươi lăm ghi-nê cây dương cầm nhỏ ấy thì đắt quá. Ngày trước, hồi Amelia vừa ra trường, chúng em đã chọn cây đàn ấy ở Broadwood đấy. Dạo ấy giá chỉ có ba mươi lăm đồng ghi-nê.
- Còn anh chàng... tên hắn là gì nhỉ... Osborne phải không... bây giờ gia đình cô ta bị phá sản, chắc là bắn rút lui, cô bạn Amelia của mình hẳn phát sầu, Becky nhỉ?
Becky mỉm cười đáp:
-Ôi dào, rồi chị ấy cũng quên đi chứ .
Và họ đánh xe đi, bàn sang chuyện khác.