• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

TRỞ LẠI XÃ HỘI THƯỢNG LƯU

Từ nay Thần May mắn lại bắt đầu mỉm cười với Amelia.

Chúng ta cũng lấy làm mừng cho cô vì đã thoát được ra khỏi cảnh sống tăm tối trước kia, và bắt đầu bước chân vào một xã hội lịch sự; tuy chẳng được cao sang tôn quý lắm như những nơi cô bạn Becky của chúng ta có dịp ra vào, nhưng cũng là những người theo lối ăn chơi quý phái. Joe quen nhiều người trong số những viên chức trước đã tòng sự tại cả ba dinh Thống đốc ở Ấn Độ; ngôi nhà mới của anh ta hiện nay lại ở ngay khu vực hỗn hợp Anh - Ấn Độ, mà công viên Moira là trung tâm, gồm có những phố Great Clive, Warren, Hastings, quảng trường Ochterlony và những công viên Plassy, Assaye. Còn ai là người không biết đến những chốn họp mặt danh tiếng ấy của giới thượng lưu thuộc địa, cũng như khu phố mà Wenham đã mệnh danh là “cái hang tối”?

Số tiền lợi tức của Joe không đủ cho phép anh ta tậu một ngôi nhà ở công viên Moira; những tay sống ở đây là những ủy viên trong hội đồng quản trị thuộc địa, hoặc có cổ phần trong các hãng buôn Ấn Độ kếch xù (họ kiếm khoảng mươi vạn đồng, sang tên cho vợ rồi rút lui về thôn quê sống gọi là eo hẹp với số lợi tức đồng niên khoảng bốn năm nghìn đồng). Joe thuê một ngôi nhà cũng tươm tất thuộc loại nhì loại ba ở phố Gillespie, rồi đặt mua tại nhà hàng Seddons những tấm thảm kiểu đông phương, những tấm gương thật đắt tiền cùng các thứ đồ đạc thật lịch sự; những thứ này là của ông Skape bị tòa bắt phát mại; trước kia ông ta cũng có cổ phần trong hãng Fogle, Fake, và Cracksman ở Calcutta. Ông Skape đã bỏ vào hãng này số vốn bảy vạn đồng là tiền dành dụm chắt bóp trong suốt một đời người làm ăn lương thiện cần cù, để thế chân ông Fake; ông này rút lui về sống như một ông hoàng tại quận Sussex (gia đình Fogle thì đã rút lui khỏi việc doanh thương từ lâu; ngài Horace Fogle hiện sắp được ban tước vị nam tước Bandanna). Thế là Skape tiên sinh cầm đầu hãng buôn Fogle và Fake, được hai năm thì lỗ vốn một triệu đồng, bản thân bị phá sản, đồng thời kéo theo cả một nửa gia đình người Anh ở Ấn Độ cũng phá sản theo.

Ông Skape làm ăn lương thiện mà bị mất hết cơ nghiệp, đau đớn vô cùng. Đã bảy mươi nhăm tuổi đầu, ông còn đi Calcutta hy vọng gây dựng sự nghiệp kinh doanh cũ. Con trai là Walter Skape phải từ biệt trường Eton về làm thư ký cho một hãng buôn. Hai cô tiểu thư Florence Skape và Fanny Skape cùng bà mẹ bỏ đi Boulogne, về sau không ai nghe nói tới nữa. Tóm lại, Joe mua những tấm thảm thêu và đồ đạc của gia đình này, ngày ngày anh ta soi mặt vào những tấm gương đã từng phản chiếu vẻ mặt kiều diễm của mấy cô thiếu nữ nhà giàu. Bọn bán hàng cho gia đình Skape được thanh toán sòng phẳng, nay đã ngấp nghé đến đưa danh thiếp xin vào hầu, đề nghị được cung cấp hàng cho ông chủ mới.

Các bác đầu bếp béo múp míp vẫn bận áo chèn trắng tinh hầu ăn cho Skape, bọn bán hoa quả, bán sữa, cũng tìm đến tranh thủ cảm tình của bác quản lý. Bác Chummy chuyên nghề thông ống khói lò sưởi, đã từng giúp việc ba đời chủ nhà liên tiếp ngụ ở đây, cũng đến săn sóc nịnh nọt bác quản lý, nịnh cả thằng nhỏ phụ việc của bác ta; thật ra công việc chính của thằng bé là mỗi khi Amelia đi chơi đâu thì bận áo kẻ sọc trắng đính hàng tràng khuy đồng đi theo hầu.

Gia đình Joe tuy vậy nhưng cũng không sang trọng lắm. Bác quản lý đồng thời làm thêm nhiệm vụ người hầu riêng của Joe; lúc nào cũng thấy bác ta say bí tỉ đúng như cách một bác quản lý sành sỏi biết giá trị kho rượu của chủ nhà. Emmy có một chị hầu phòng riêng, là con gái một người tá điền trong trại của ngài William Dobbin ở nhà quê. Chị ta cũng nhanh nhảu khéo léo; mới đầu Amelia ngại quát cứ nghĩ đến chuyện mình phải có một người hầu riêng, cô đã đủ sợ, vì không biết rồi mình sẽ sai bảo ra làm sao; từ xưa đến nay, Amelia bao giờ cũng nói năng với đày tớ một cách nhã nhặn mềm mỏng. Thực ra mướn chị hầu gái cũng có nhiều cái lợi; chị ta săn sóc ông Sedley rất chu đáo. Bây giờ ông lão hầu như chỉ ở lỳ trong phòng của mình, không mấy khi dự những buổi tiếp khách vui vẻ của gia đình.

Khách khứa đến thăm Amelia rất đông. Dobbin phu nhân và mấy cô con gái thấy Amelia trở lại đời sống sung túc cũng lấy làm mừng; họ đến chơi luôn. Cô Osborne ở khu phố Russell cũng có lại thăm; cô ta đi một chiếc xe ngựa thật đồ sộ, có đính huy hiệu sáng quắc. Thiên hạ đồn rầm lên rằng Joe giàu lắm. Ông Osborne tỏ ý không phản đối việc thằng Georgy sẽ thừa hưởng cả gia tài của ông nội và gia tài của bác nó. Ông bảo: “Mẹ kiếp, tao sẽ gây dựng cho nó đến nơi đến chốn. Tao phải nhìn thấy nó thành ông nghị sĩ rồi mới chịu chết. Osborne, con có thể đến thăm mẹ nó một tý cũng được; tao không nhìn mặt nó thì đã đành”. Emmy cũng muốn gặp mặt chị chồng luôn, vì có dịp gần gũi con trai hơn. Từ nay trở đi, thằng bé được phép đến thăm mẹ nhiều hơn trước. Mỗi tuần lễ, nó ăn cơm ở phố Gillespie một hai lần; về đây nó cũng quát tháo người làm, hạch sách tất cả mọi người y như ở khu phố Russell.

Riêng đối với thiếu tá Dobbin, thằng bé bao giờ cũng tỏ thái độ kính nể; có mặt Dobbin, cử chỉ của nó cũng bớt phần rạng rỡ. Nó cũng thông minh, biết nể mặt viên thiếu tá. Nó rất phục Dobbin, vì anh ta tính tình giản dị, hiểu rộng biết nhiều, lại vui tính và bao giờ cũng tỏ ra tôn trọng sự thật và sự công bằng. Từ bé đến giờ nó chưa gặp người nào như Dobbin, tự nhiên nó thấy mến anh chàng. Thằng bé cứ luôn luôn quấn quít lấy người cha đỡ đầu. Nó thích nhất được đi chơi với Dobbin ở công viên, được nghe anh ta nói chuyện. William nói với Georgy những chuyện về cha nó, về Ấn Độ, về trận Waterloo, về tất cả mọi thứ, nhưng không bao giờ nói chuyện về mình. Mỗi khi Georgy tỏ ra xấc xược hoặc tự cao quá đáng, Dobbin hay lấy lời lẽ khôi hài giễu cợt; Amelia thường cho như thế là anh ta tàn nhẫn với con trai mình. Một lần Dobbin đưa thằng Georgy đi xem hát, thằng bé nhất định không chịu ngồi ghế hạng nhì, vì cho rằng chỗ ngồi ấy không xứng đáng; Dobbin bèn dẫn nó vào ngồi ghế lô, để nó ngồi đó rồi quay ra ngồi ghế hạng nhì một mình. Chưa được một lúc lâu, anh ta thấy có người khoác vào cánh tay, và một bàn tay bé nhỏ đeo găng bằng da dê thuộc nắm chặt lấy tay mình; thằng Georgy đã thấy cử chỉ của mình là vô lý; nó bỏ hàng ghế “lô” xuống ngồi hạng ghế tầm thường vậy. Thấy thằng bé kênh kiệu biết hối hận, Dobbin mỉm cười vui vẻ. Anh ta rất quý thằng bé cũng như anh ta quý bất cứ thứ gì thuộc về Amelia. Lúc về nhà, nghe kể lại chuyện thằng Georgy biết hối lỗi như vậy, Amelia bằng lòng lắm. Đôi mắt cô nhìn Dobbin sáng lên đặc biệt khác hẳn mọi lần.

Dobbin thấy hình như Amelia nhìn mình xong hơi đỏ mặt thì phải.

Thằng Georgy không ngớt lời ca tụng Dobbin với mẹ. Nó nói:

- Má ạ, con yêu bác lắm, vì cái gì bác cũng biết; mà bác khác hẳn ông Veal. Má có biết không, ông Veal lúc nào cũng hay huênh hoang nói tràng giang đại hải. Bọn học trò chúng nó gọi ông ấy là,ông “Dài dòng văn tự”; con đặt tên cho ông ấy đấy; tên hay không má? Bác Dob nói tiếng La-tinh thạo như tiếng Anh, nói tiếng Pháp cũng giỏi như thế, lúc đi chơi, bác chỉ nói chuyện về cha con, không nói chuyện về bác bao giờ. Thế mà ở nhà ông nội, con nghe thấy đại tá Buckler nói chuyện rằng bác Dob là một trong số những sĩ quan dũng cảm nhất trong quân đội, đã từng lập nhiều chiến công lắm. Ông nội con ngạc nhiên quá bảo thế này: “Cái anh chàng ấy à? Tôi cứ nghĩ gà gáy to anh ta cũng sợ”. Chắc không đúng, phải không má?

Emmy cười; cô cũng tin rằng Dobbin là một sĩ quan dũng cảm. Nếu giữa thằng Georgy và anh chàng thiếu tá có một tình yêu thương thành thực, thì cũng cần phải nói thẳng là nó đối với ông bác của nó, lại không có chút cảm tình nào. Thằng bé học được cách phồng má thở phì phò, móc ngón tay vào túi áo gi-lê mà nói: “Lạy chúa tôi không phải rồi!...” hệt điệu bộ của Joe, làm cho không ai nhịn được cười. Đến bữa ăn, hễ sai người hầu lấy thứ gì còn thiếu trên bàn, thằng bé lại đóng trò như vậy; bọn đầy tớ phá ra cười với nhau. Dobbin thấy thế cũng phải mím môi mới nhịn được cười; Dobbin phải mắng nó, và mẹ nó phải xin nó mãi, thằng bé mới không bắt chước điệu bộ của Joe ngay trước mặt anh ta. Joe mang máng cảm thấy rằng thằng cháu trai coi mình không hơn một con lừa, thích tìm cách lôi mình ra làm trò cười; tự nhiên anh ta đâm ra nhút nhát, và dĩ nhiên khi có mặt Georgy anh càng làm ra vẻ long trọng bệ vệ hơn nữa. Hôm nào biết tin Georgy đến phố Gillespie dùng cơm với mẹ, thường thường Joe nói là đã có hẹn trước ở câu lạc bộ không ăn ở nhà được. Có lẽ không ai buồn lắm vì thiếu mặt anh ta.

Những buổi ấy, ông già Sedley cũng thuận rời căn phòng riêng của mình ở trên gác xuống nhà họp mặt với gia đình. Những buổi họp mặt này thường có Dobbin tham dự. Anh ta trở thành người bạn thân trong nhà (); anh ta là bạn của ông Sedley, là bạn của Emmy, của Georgy, đồng thời là người cố vấn của Joe. Cho nên ở Camberwell cô Anne Dobbin mới bày tỏ ý kiến thế này: “Xem cung cách như vậy, giá anh ấy cứ ở Madras lại hơn”.

Vậy thì Joseph Sedley sống một cuộc đời ung dung nhàn hạ thật xứng đáng với địa vị của anh ta. Trước hết Joe thành một hội viên của “Hội những người yêu phương đông”; sáng sáng anh ta đến trụ sở hội tán chuyện với mấy ông bạn thuộc địa, rồi dùng bữa tại đó hoặc kéo họ về nhà chè chén.

Amelia phải làm nhiệm vụ tiếp tân và lo việc thết đãi bọn khách vừa đàn ông vừa đàn bà này. Qua câu chuyện của họ, cô biết cả việc bao giờ Smith được cử vào hội đồng quản trị thuộc địa, Joe đem về nước bao nhiêu “lắc”(), rồi chuyện hãng Thomson ở Luân- đôn không chịu thanh toán những tín phiếu do hãng Thomson Kibobjee ở Bom bay phát hành. Họ còn bàn tán cả về thái độ ít nhất thì cũng là dại dột của bà Brown (vợ một sĩ quan thuộc quân đoàn đặc biệt Ahmednuggur) vì bà này hay ngồi chơi khuya một mình trên boong tàu với anh chàng trẻ tuổi Swankey, sĩ quan ngự lâm, lại trốn đưa nhau đi chơi ở Hảo vọng giác, chẳng còn tưởng gì đến danh giá. Họ kháo chuyện bà Hardyman, con gái một ông mục sư tỉnh lẻ là ngài Felix Rabbits, đã có tới cô em gái thứ mười ba; bà này đã khéo thu xếp gả tống đi được đến mười một cô mà có bảy cậu giai tế chức vụ cao; rồi chuyện Hornby đang phát điên lên vì vợ nhất định ở lý bên Âu châu không sang thuộc địa với mình, chuyện Trotter sắp được bổ giữ chức ủy viên tài phán. Đại khái, trong những bữa tiệc thịnh soạn, câu chuyện xoay quanh những vấn đề tương tự. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có những chuyện ấy, những chiếc đĩa bạc ấy, những món thịt cừu ấy, những món gà hầm ấy và những món vào tiệc () ấy. Ăn tráng miệng xong, các bà đưa nhau lên gác để phàn nàn với nhau về chuyện bệnh tật và con cái; bấy giờ các ông mới đề cập qua loa đến những vấn đề chính trị.

Chỉ có cái tên là thay đổi (), thực ra không có gì khác. Vợ các ông quan tòa của chúng ta chẳng cũng hay bàn chuyện Tòa án là gì? Các bà vợ sĩ quan thì ưa tán chuyện xảy ra trong trại lính...còn gì thích hơn đối với vợ các ông mục sư bằng được ngồi kháo chuyện về những lớp học ngày chủ nhật và những chuyện khác về Nhà thờ? Các mệnh phụ phu nhân cũng chỉ thích nói về giới người ít ỏi hiếm hoi của họ, vậy thì tại sao mấy ông viên chức thuộc địa lại không biết ưa thảo luận về những chuyện đặc biệt của mình? Có điều tôi công nhận rằng kẻ ngoài cuộc phải ngồi đấy mà nghe thì đến phát ngấy lên.

Chỉ ít lâu sau, Emmy đã có riêng một cuốn sổ tiếp tân, và đã dùng đến xe ngựa luôn luôn để đi thăm trả nợ những chỗ quen thuộc, như Bludyer phu nhân (vợ trung tướng Roger Bludyer, thuộc quân đoàn Belgan), Huff phu nhân (vợ ngài Huff, thuộc quân đoàn Bombay), bà Pice (vợ chồng Pice, giám đốc Công ty Đông Ấn Độ)v…v…Xưa nay chúng ta thay đổi lối sống không khó khăn lắm. Ngày nào cũng thấy chiếc xe ngựa đi đi về về ở phố Gillespie, thằng nhỏ mặc áo đính khuy đồng hết leo lên xe lại nhảy xuống xe để đưa danh thiếp của Emmy hoặc của Joe cho các gia đình quen biết. Đúng giờ đã định, Emmy ngồi xe ngựa đến câu lạc bộ đón Joe cùng đi chơi hóng gió một lúc, hoặc đánh xe đưa ông Sedley đi chơi một vòng trong Công viên Nhiếp chính. Dần dần Amelia cũng quen với chị hầu gái, với chiếc xe ngựa, với cuốn sổ tiếp tân cũng như với chú nhỏ bận chế phục có nhiều khuy đồng, như đã từng quen với những công việc lặt vặt hàng ngày ở Brompton vậy. Rồi cô cũng quen dần với mọi việc. Ví thử trời cho Amelia được làm một bà quận chúa, có lẽ cô cũng đóng nổi vai trò của mình đến nơi đến chốn. Trong giới phụ nữ quen biết Joe, ai cũng bảo rằng Amelia là một thiếu phụ trẻ tuổi tuy không hiểu nhiều biết rộng, nhưng đại khái là cũng dễ thương.

Bọn khách khứa đàn ông thì vẫn như mọi khi, họ ưa Amelia vì cử chỉ nhã nhặn mà tự nhiên, duyên dáng mà không kiểu cách.

Có mấy cậu công tử trẻ tuổi tòng sự ở thuộc địa, nghỉ phép về nước thăm gia đình, đeo dây đồng hồ vàng, để ria mép, vẫn hay giong xe ngựa chạy như bay ngoài phố, không tối nào họ vắng mặt tại các rạp hát, và chuyên sống tại các khách sạn ở khu West End; tuy vậy cậu nào cũng muốn lọt vào mắt xanh của Amelia; hễ gặp cô đi xe ngựa ngoài công viên là họ tranh nhau chào, chỉ mong sao có hân hạnh buổi sớm nào đó được phép đến thăm người đẹp... Một hôm, Dobbin bắt gặp ngay chính anh chàng Swankey, sĩ quan ngự lâm; cái anh chàng trẻ tuổi nguy hiểm vốn được coi là con hươu đầu đàn của toàn bộ đội quân đóng ở Ấn Độ đang nghỉ phép - ngồi nói chuyện một mình với Amelia; anh chàng thao thao bất tuyệt kể cho Amelia nghe chuyện mình săn lợn rừng, có vẻ say sưa hùng hồn lắm; Swankey lại còn nhắc đến chuyện có anh chàng sĩ quan phải gió nào đó người cao lêu đêu, khẳng khiu, nom già già và bộ dạng thật tức cười cứ mon men ra vào nhà này luôn không biết để làm gì, một anh chàng tâm hồn khô khan không sao hiểu nổi được những người có tài ăn nói.

Giá Dobbin là người hay tự ái hơn một chút, có lẽ anh ta đã ghen với viên đại úy hay tán gái và rất nguy hiểm này; nhưng tính Dobbin vốn chất phác và rộng lượng; anh ta không thể nghi ngờ Amelia bất cứ điều gì, không gì khiến cho anh ta vui bằng được thấy bọn trai trẻ tỏ thái độ kính nể và yêu mến Amelia. Từ khi trở thành một người đàn bà, nếu gọi được như vậy, chẳng phải Amelia đã luôn luôn bị coi thường và hành hạ đó sao? Còn gì sung sướng hơn được thấy trong cảnh sống sung túc bây giờ. Amelia dần dần trở lại yêu đời như xưa, lại có những cử chỉ dịu dàng bộc lộ bao nhiêu đức tính tốt đẹp cũ. Người nào biết rõ Amelia đều khen viên thiếu tá có con mắt tinh đời... nếu quả thực những người đàn ông đang bị thần ái tình mê hoặc còn đủ tỉnh táo để có được con mắt tinh đời. Sau khi Joe được vào triều kiến nhà vua cho đúng với đạo thần tử (anh ta bận lễ phục thật lộng lẫy ra trưng ở câu lạc bộ, Dobbin mặc một bộ binh phục đã cũ sờn đến đón bạn vào triều); xưa kia Joe vẫn là người có tư tưởng triệt để bảo hoàng, vẫn rất kính phục hoàng đế George đệ tứ; bây giờ anh ta càng trở thành một tay Tory nhiệt thành, một cây cột trụ của quốc gia, anh cố nhất định đưa Amelia vào triều bằng được mới nghe. Anh ta cố tự bắt mình phải tin rằng bản thân cũng có quan hệ nhiều đến việc duy trì đời sống hạnh phúc cho quần chúng; cho nên nếu Joe Sedley này và gia đình chưa đến điện St. James để quây quần xung quanh hoàng thượng, chắc Người chưa sao yên tâm được. Emmy cười hỏi anh:

- Em có phải đeo kim cương vào chầu không nhỉ.

Dobbin nghĩ thầm:

- Còn tôi thì chỉ thèm được mua kim cương tặng em. Kim cương quý đến đâu đối với em cũng chưa xứng đáng.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK