Trước thái độ thân mật thẳng thắn của Amelia, Becky tuy sắt đá vô hạnh thật, nhưng cũng phải cảm động. Đáp lại những cử chỉ vuốt ve trìu mến và những lời nói ngọt ngào của Amelia, Becky đã biểu lộ một cái gì giống như thái độ biết ơn và một sự xúc động có thể nói được là chân thành, nếu không được lâu dài thì ít nhất cũng là lúc bấy giờ. Câu chuyện bịa về “thằng bé bị giằng khỏi cánh tay mẹ khóc thét lên” xé ruột ấy mà Becky làm lành được với cô bạn cũ, và chúng ta có thể chắc chắn đó cũng là câu chuyện đầu tiên cô Emmy bé nhỏ chất phác đáng thương của chúng ta nói với người bạn mới gặp lại.
Người đàn bà thực thà như đếm săn đón:
- Vậy ra họ cướp mất thằng cháu yêu quý mang đi mất, hả chị? Ôi, Rebecca, người bạn đau khổ đáng thương của em ơi, em rất hiểu người mẹ bị cướp mất đứa con khổ sở đến thế nào, cho nên em rất thông cảm với những người mất con như vậy. Nhưng em cầu chúa sao cho cháu sớm được trở về với chị, cũng như Thượng đế đã trả lại đứa con yêu quý cho em.
- Cháu nào? Cháu nhà em ấy à? Ô, vâng, Em khổ ghê lắm chị. Becky đáp, trong thâm tâm hình như có ý hơi hối hận. Cô ta cảm thấy không thoải mái lắm vì phải bắt đầu ngay bằng một câu nói dối để đáp lại thái độ hồn nhiên đầy tin tưởng của bạn. Nhưng đó chăng qua cũng là số phận tất nhiên của những kẻ trót bước vào con đường dối trá, bởi lẽ một khi đã trót dựng đứng lên một câu chuyện y như thật, tất nhiên người ta phải cố gắng bịa ra một câu chuyện khác cho ăn khớp với lời bịa đặt cũ, thành ra dần dần cái kho chuyện giả dối đem phát hành cứ đầy ùn lên một cách không sao tránh khỏi, và dĩ nhiên cái nguy cơ bị khám phá ra sự thực cũng mỗi ngày một tăng thêm.
Becky tiếp tục:
- Em đau khổ đến mất ăn mất ngủ (tôi hy vọng rằng lúc này cô ta không còn ngồi lên đống chai lọ nữa rồi) lúc bọn khốn kiếp ấy đến bắt thằng con mang đi, em cứ tưởng mình đến không sao sống nổi. Rồi em bị bệnh ứa máu ở não, bác sĩ cũng đã chịu bó tay, thế rồi... thế rồi em khỏi và... và bây giờ em sống ở đây, nghèo xơ nghèo xác, chả có ai bà con thân thích.
Emmy hỏi:
- Cháu lên mấy nhỉ?
Becky đáp:
- Mười một.
Cô bạn kêu lên:
- Mười một? Em nhớ cháu sinh cùng năm với thằng Georgy cơ mà, năm nay cháu lên...
Thực ra, Becky quên khuấy mất chẳng còn nhớ thằng Rawdy sinh năm nào, cô vội chữa:
- Phải, phải rồi. Chị Amelia yêu quý ạ, em đau khổ đến nỗi mất cả trí nhớ, quên nhiều chuyện quá. Em thay đổi nhiều lắm chị ạ, có những lúc tưởng như điên dại, khi họ đến bắt cháu đem đi, cháu lên mười một tuổi, cháu xinh xắn lắm cơ. Từ hồi ấy, em chẳng được gặp lại cháu một lần nào nữa.
Cái cô Emmy vớ vẩn kia lại hỏi thêm:
- Tóc cháu màu sáng hay thẫm, chị cho em xem nào.
- Hôm nay chưa thể được, chị yêu quý của em ạ, Để lần khác, bao giờ hành lý của em gửi từ Leipzig về đã. Chả là em vừa ở Leipzig lên đây mà. Em còn giữ được cả một bức chân dung của cháu chính tay em vẽ hồi hai mẹ con còn sống hạnh phúc bên nhau.
Emmy than thở:
- Becky, chị Becky đáng thương của em! Thế mới biết em mang ơn Thượng đế biết bao nhiêu ?
(Tôi thắc mắc không hiểu liệu biết cảm ơn Thượng đế chỉ vì mình may mắn hơn người, có phải là một thái độ tín ngưỡng hợp lý hay không, mặc dầu người ta đã dạy cho các cô thiếu nữ biết thành kính như vậy ngay từ hồi còn tí tuổi). Sau đó, cũng như mọi khi, Amelia bắt đầu nghĩ con trai mình là đứa trẻ xinh xắn, ngoan ngoãn và thông minh nhất thiên hạ.
- Rồi chị sẽ được nhìn thấy cháu Rawdy.
Emmy tưởng nói thế là cách tốt nhất để an ủi Becky nếu như ở đời này còn có điều gì an ủi được cô ta.
Cứ thế, đôi bạn nói chuyện với nhau có đến hơn một tiếng đồng hồ, Becky có thừa thãi cơ hội để dựng lên một câu chuyện về mình đủ cả đầu đuôi, xuôi ngược cho bạn nghe. Cô ta kể rằng, cuộc nhân duyên giữa mình và Rawdon từ trước đến giờ vẫn luôn luôn bị gia đình nhà chồng phản đối kịch liệt, rằng mình đã bị người chị dâu (một người đàn bà đến là xảo quyệt) tìm mọi cách nói xấu với chồng, rằng chính Rawdon đã tằng tịu với những đứa không ra gì rồi đâm ra nhạt nhẽo với vợ con. Cô ta còn kể rằng mình đã cắn răng chịu đựng tất cả... đã nghèo túng lại bị người chồng mình vẫn yêu quý như vàng đối xử thờ ơ lạnh nhạt..không chịu đựng được sự nhục nhã thái quá, cô ta đành lòng xin ly dị với chồng, vì cái con người đê mạt này đã dám mở mồm ra khuyên vợ nên tạo điều kiện cho chồng tiến thủ bằng cách bán tiết hạnh cho một nhà quý tộc rất có thế lực, nhưng vô cùng tồi tệ, tức là hầu tước Steyne, thật là một con quái vật ghê tởm.
Kể đến đoạn đời sóng gió này, Becky dùng những lời lẽ tế nhị của một người đàn bà đức hạnh bị làm nhục. Vì câu chuyện đốn mạt kia mà cô ta đã đành rời bỏ nhà chồng ra đi, thế mà cái tên hèn mạt ấy còn theo đuổi trả thù bằng cách bắt lấy đứa con, cho nên bây giờ Becky mới lâm vào cảnh lang thang nghèo túng trơ trọi không người nương tựa và khốn khổ như thế này chứ?
Câu chuyện hơi dài vì tình tiết phong phú, như Emmy cũng chịu khó ngồi nghe từ đầu đến cuối, ai đã biết tính Emmy đều thấy cô vẫn sẵn sàng ngồi nghe như vậy. Nghe kể lại những chuyện trác táng của Rawdon và những cử chỉ tồi tệ của Steyne, Emmy run lên vì tức giận. Lúc Becky tả lại bị hành hạ cô cũng thương cảm chân thành. (Becky bảo rằng mình cũng không muốn bôi xấu chồng làm gì. Cô ta nhắc đến chuyện cũ với thái độ buồn rầu hơn là giận dữ. Có điều là cô ta đã quá quý chồng, và nói cho cùng, Rawdon chẳng phải là cha sinh ra đứa con trai yêu quý của cô ta đấy sao? Đến lúc Becky đọc thuộc lòng lại đoạn văn miêu tả cảnh con trai bị bắt đem đi, Emmy rút khăn tay ra che kín mặt, làm cho nhà tài tử bi kịch xuất chúng của chúng ta khoan khoái vô cùng vì thấy tài nghệ của mình xúc động khán giả kịch liệt.
Đang khi đôi bạn gái mải tâm sự với nhau, thì nhà hiệp sĩ hộ vệ trung thành của Amelia, tức là anh chàng thiếu tá, lẻn ra cầu thang, xuống tầng dưới cùng (dĩ nhiên anh ta không muốn xen vào làm ngắt đoạn câu chuyện của hai người, mà cứ cọt kẹt đôi ủng đi lại ngoài hành lang để va cả mũ vào mái nhà mãi thì cũng chán) và bước vào gian phòng lớn của khách sạn “Con Voi” là chỗ tụ họp tất cả khách trọ ra vào. Gian phòng này lúc nào cũng thấy mù mịt khói thuốc lá, và la liệt toàn những khách ngồi uống rượu bia. Trên mặt một chiếc bàn cáu nhờn thấy xếp hàng dãy những chân đèn bằng đồng có gắn nến để sẵn cho khách dùng phía trên treo thành hàng dài toàn những chìa khóa các cửa gian phòng cho thuê. Lúc vào, phải đi qua căn phòng lớn này, Emmy ngượng đỏ cả mặt lên, chỗ này là nơi tụ họp của đủ mọi hạng người; này là các bác bán găng tay người vùng sông Tyron các bác bán vải người vùng sông Danube, bồ bị ngổn ngang; này là các cậu sinh viên đang nhồm nhoàm xơi điểm tâm với bánh phết bơ và thịt, mấy anh chàng vô công rồi nghề ngồi chơi bài bên một cái bàn rượu bia đổ lênh láng, này là mấy chú nghệ sĩ nhào lộn vào làm chút rượu giải khát trong khi chờ đợi đến lượt ra trò... tóm lại, là tất cả cái đám người hành lạc ồn ào () của một khách sạn Đức trong mùa hội.
Anh hầu bàn không cần hỏi han gì, mang đến cho Dobbin một cốc vại rượu bia. Dobbin rút một điếu thuốc châm lửa ngồi thưởng thức mấy khói “cỏ tương tư” (), và giở tờ báo ra đọc cho qua thì giờ, chờ Amelia trên gác xuống.
Vừa lúc ấy Max và Fritz bước xuống thang gác, mũ đội lệch về một bên đầu, lê đôi ủng làm cho cựa giày va vào nhau lanh canh, mỗi người ngậm một chiếc ông điếu thật đẹp có gắn huy hiệu riêng. Họ móc chìa khóa cửa phòng số 90 lên tường, rồi gọi lấy bánh mì, bơ và rượu bia để điểm tâm. Hai người ngồi vào một cái bàn cạnh viên thiếu tá; câu chuyện họ trao đổi với nhau không thể nào không khiến cho Dobbin phải để lọt vào tai. Đại khái họ nói chuyện với nhau về các võ sĩ ‘Fuchs’ và ‘Philister’, về những cuộc đấu súng và những cuộc hành lạc trong các quán rượu xung quanh trường đại học Schoppenhausen. Hình như họ vừa từ trung tâm văn hóa nổi danh này cùng Becky đến Pumpernickel để dự đại hội mừng cuộc lương duyên của hoàng gia thì phải.
Max dùng tiếng Pháp nói với bạn:
Xem ra cái con bé người Anh () hình như quen thuộc nhiều người ở đây lắm(). Ông nội béo ị của nó vừa về đã thấy một cô đồng hương bé nhỏ xinh xinh tìm đến thăm rồi. Tớ nghe thấy họ chuyện trò khóc lóc gì với nhau ở trong gian phòng của con bé.
Fritz đáp:
- Chúng mình phải mua vé xem con bé nó hòa nhạc mới được. Cậu có tiền không, Max?
Anh chàng kia đáp:
-Ôi dào, hòa nhạc quái gì, chuyện tào lao () ấy mà. Thằng Hans kể với tớ rằng ở Leipzig, có một lần con bé đã quảng cáo ầm lên sẽ tổ chức hòa nhạc, thế là bọn thị dân () ùa nhau đến mua vé, rồi nó chuồn thẳng một mạch, chẳng hát hỏng cóc khô gì. Hôm qua, mình đi xe ngựa, nó nói chuyện rằng thằng đệm đàn dương cầm cho nó bị ốm nằm quỵ ở Dresden rồi. Nó không hát được đâu, tớ tin chắc như vậy. Giọng nó cũng khàn khàn vịt đực như giọng cậu thôi, ông bạn vua rượu của tôi ạ.
- Ừ khàn thực, tớ vừa nghe nó đứng ở cửa sổ hát thử một bài ba-lat của Anh hay tuyệt (), gọi là “Đoá hồng trên bao lơn”.
Fritz nhận xét:
- Uống và hát () có bao giờ đi đôi với nhau đâu. (Nom cái mũi cà chua của Fritz cũng biết anh ta ưa cái thú vui thứ nhất hơn). Thôi đừng có lấy vé mà phí toi tiền. Đêm qua con bé vừa được bạc. Tớ nhìn thấy nó nhờ một thằng bé con người Anh đặt cửa hộ. Tiền của cậu, bỏ ra chúng mình chè chén với nhau ở đây hoặc đi xem hát còn hơn, hay là chúng mình mời con bé ra công viên Aurelius uống rượu vang Pháp hay rượu cô-nhăc cũng tốt, nhưng vé thì nhất định đừng mua. Cậu tính thế nào. Làm thêm một cốc bia nữa chứ?
Đoạn cả hai thay phiên nhau nhúng bộ ria mép màu vàng óng vào chất nước uống màu nâu, rồi vê vê bộ ria, khệnh khạng kéo nhau đi xem hội.
Dobbin nhìn thấy chiếc chìa khóa số 90 treo trên móc, lại nghe loáng thoáng câu chuyện của hai cậu sinh viên trẻ tuổi, không nghi ngờ gì nữa, biết ngay họ vừa nói chuyện với nhau về Becky.
Anh ta nghĩ thầm: “Cái con mẹ ranh này hẳn đang âm mưu làm một mẻ gì đây”. Nhớ lại ngày xưa, có lần đã được chứng kiến chuyện cô ta chài Joe và cái kết cục khôi hài của cuộc tình duyên này, Dobbin mỉm cười. Về sau Dobbin và George vẫn thường lôi chuyện ấy ra làm trò cười với nhau cho tới khoảng vài tuần lễ sau ngày cưới của George mới thôi, vì hồi ấy chính George cũng bị mắc vào cái lưới của cô Circe () bé nhỏ; chuyện George có tình ý với Becky, chắc Dobbin cũng đoán biết, nhưng làm ngơ không muốn nói ra. William vì tế nhị và cũng cảm thấy khó nói, nên không muốn dò hỏi đến ngọn ngành câu chuyện bí mật xấu xa này của bạn, tuy rằng một lần George đã nhắc đến một cách xa xôi và có ý hối hận. Ấy là buổi sáng hôm xảy ra trận Waterloo, lúc hai người đang đứng đầu đơn vị của mình nhìn sang trận tuyến của địch san sát toàn những quân Pháp đen ngòm đỉnh đồi, trên trời một cơn mưa lớn sắp sửa trút xuống. George bảo bạn:
- Tôi vừa dính vào một câu chuyện âm mưu vô nghĩa lý với một người đàn bà anh ạ. Chúng mình phải ra trận thế này, thật tôi lấy làm may mắn. Nếu chẳng may tôi chết, mong rằng Emmy sẽ không biết tý gì về chuyện này. Nghĩ lại, tôi lấy làm hối hận quá. William tự lấy làm hài lòng mỗi khi nghĩ rằng nhiều lần anh ta đã khôn khéo tìm cách an ủi người vợ góa của George, Dobbin nói rằng sau khi từ biệt Amelia, và sau trận “Bốn cánh tay” George đã nói chuyện với anh ta về vợ và cha với một giọng nghiêm trang và âu yếm. Những lần ngồi nói chuyện với ông già Osborne, William cũng nhấn mạnh về việc này; do đó, trước khi từ giã cõi đời, ông lão đã tha thứ cho đứa con trai bất hạnh.
William nghĩ thầm: “Thì ra cái con quỷ quái vẫn tiếp tục bày trò rắc rối. Mình chỉ mong nó đi biệt tăm tích đâu cho khuất mắt. Nó đi đâu là đem theo tai hoạ đến đấy.”
Anh ta cứ ngồi, hai tay bưng lấy đầu mà đeo đuổi mãi những ý nghĩ day dứt như vậy. Tờ tuần báo Pumpernickel mở rộng trước mắt, nhưng anh ta không nhìn thấy chữ gì. Bỗng có ai cầm cái cán ô đập nhẹ vào vai; nhìn lên thì ra Amelia.
Người đàn bà này vẫn có cái mãnh lực đặc biệt khống chế được anh chàng thiếu tá Dobbin (trời sinh ra con người ta dù yếu đuối mấy cũng có khả năng thống trị một kẻ nào khác trên đời). Emmy vẫn bảo anh ta làm việc này việc khác, nói năng ngọt ngào với anh ta, nhờ anh chàng lấy cái này, mang cái kia, như thể Dobbin là một con chó nòi “Tân thế giới” () ngoan ngoãn vậy. Ví thử Emmy có nói “Hấp, Dobbin”, không chừng anh ta cũng sẵn sàng nhảy ngay xuống nước hoặc vui vẻ ngậm cái ví đầm lóc cóc chạy theo sau cô ta. Nếu như các bạn độc giả không thấy rằng Dobbin là một anh chàng ngốc nghếch thì câu chuyện tôi kể đây thật là đoảng vị.
Amelia khẽ lắc đầu, nghiêng mình chào một cách giễu cợt, nói:
- Thế nào, sao ngài không đợi trên gác để đưa tôi xuống cầu thang?
- Tôi làm sao đứng chờ được ở ngoài hành lang?
Dobbin đáp, vẻ mặt vừa đáng thương vừa có vẻ khôi hài. Sau đó, lại được khoác tay đưa người đẹp ra khỏi gian phòng sặc sụa mùi khói thuốc lá, anh ta khoái trí quá, xuýt nữa thì đi thẳng, quên cả trả tiền cốc rượu bia còn nguyên chưa uống. Anh bồi bàn phải chạy theo ra tận cửa khách sạn “Con Voi” để nhắc, Emmy phá ra cười; cô mắng đùa anh chàng là người “xấu chơi”, định ăn quỵt, lại diễu Dobbin về chuyện la cà ở chỗ này. Hình như Emmy có điều gì vui vẻ đặc biệt; cô líu ríu đi qua khu chợ một cách hơi vội vàng. Cô muốn gặp mặt Joe ngay tức khắc. Thấy Amelia sốt ruột muốn gặp mặt anh trai, Dobbin bật cười vì có mấy khi thấy cô muốn gặp mặt “ông anh trai quý báu” ngay tức khắc đâu.
Hai người thấy Joe đang ngồi trong phòng khách ở tầng nhà dưới. Suốt một tiếng đồng hồ vừa qua, Joe đã sốt ruột đi bách bộ trong phòng, hết cắn móng tay lại nhìn qua khu chợ về phía khách sạn “Con Voi” có đến hàng trăm bận. Trong khi ấy, Amelia đang ngồi tâm tình với Becky trong gian phòng xép của khách sạn, còn Dobbin thì đang ngồi gõ nhịp mấy ngón tay trên mặt bàn dưới nhà để đợi Emmy trên gác xuống, Joe cũng đang thấp thỏm đợi Emmy.
Thấy hai người về, Joe hỏi ngay:
- Thế nào?
Emmy đáp:
- Đáng thương quá, chị ấy khổ không biết thế nào mà nói.
- Đúng lắm, cầu chúa che chở cho linh hồn tôi.
Joe vừa hói vừa lắc lư cái đầu, làm cho đôi má béo xệ rung rung theo.
Emmy tiếp:
- Ta có thể nhường cho chị ấy gian phòng của Payne; để nó lên ngủ trên gác cũng được.
Payne là một chị hầu gái người Anh, tính ít nói, giữ nhiệm vụ săn sóc riêng cho Amelia. Lẽ dĩ nhiên chị này được bác Kirsch tán tỉnh. Georgy rất thích đem những chuyện cổ tích Đức toàn những kẻ trộm, kẻ cướp và ma quỷ ra doạ làm cho chị ta sợ hết hồn. Suốt ngày chị ta chỉ lúi húi thu xếp quần áo, hết phàn nàn càu nhàu lại doạ sớm hôm sau thế nào cũng bỏ về quê ở Clapham. Emmy quyết định:
- Để chị ấy ở gian phòng của Payne.
Anh chàng thiếu tá đứng bật dậy hỏi:
- Này, chị không có ý định mang người đàn bà ấy vào sống trong gia đình này đấy chứ? Amelia trả lời, vẻ ngây thơ nhất đời:
- Dĩ nhiên là có. Kìa, thiếu tá Dobbin, đừng giận dữ, khéo làm gãy cả ghế ngồi bây giờ. Dĩ nhiên là chúng tôi định thế.
Joe cũng nói:
- Dĩ nhiên, anh bạn ạ.
Emmy tiếp:
- Chị ấy đã đau khổ nhiều quá rồi. Lão chủ nhà băng nơi chị ấy gửi tiền đã trốn biệt và phá sản. Chồng chị ấy, cái tên khốn kiếp mạt hạng, đã bỏ rơi vợ và bắt đứa con mang đi rồi (nói đến đây Emmy nắm chặt hai bàn tay bé nhỏ lại giơ ra trước mặt với điệu bộ doạ nạt thật ghê gớm. Dobbin thấy cảnh người bạn gái hăng hái quá mà muốn bật cười). Thật đáng thương cho chị ấy. Bây giờ sống bơ vơ trơ trọi, bắt buộc phải dạy hát để kiếm ăn... Không đưa chị ấy về đây sống chung thế nào được!
Anh chàng thiếu tá kêu lên:
- Chị George yêu quý của tôi ơi, hãy mời cô ta dạy chị hát, nhưng chớ có cho về ở đây. Tôi van chị đấy.
Joe lên tiếng:
- Hừ!
Amelia sửng sốt:
- Thiếu tá Dobbin, tôi rất ngạc nhiên về thái độ của anh đấy. Xưa nay, anh vẫn là người rộng lượng, tốt bụng cơ mà. Vậy chứ chị ấy đang gặp cảnh khốn khó, không giúp chị ấy bây giờ thì còn lúc nào? Chị ấy là một người bạn lâu ngày nhất của tôi, chứ đâu phải..
- Amelia, không phải bao giờ cô ta cũng là bạn của chị đâu.
Dobbin đáp vậy, hình như anh ta bực mình lắm rồi. Câu nói bóng gió làm cho Amelia đau nhói trong tim. Cô giận dữ nhìn thằng vào mặt Dobbin nói:
- Thiếu tá Dobbin, anh không biết ngượng sao?
Trả miếng xong, Amelia đứng dậy, kiêu kỳ bước sang gian phòng của mình, khép mạnh cánh cửa lại, có ý không bằng lòng, như chính mình bị phỉ báng. Cánh cửa đóng chặt lại rồi cô mới nói một mình:
- Lại đi nói bóng đến câu chuyện ấy? Ôi, bắt mình phải nhớ đến điều ấy, thật tàn ác quá.
Cô ngước nhìn lên bức chân dung của George vẫn treo trên tường như mọi khi, có kèm tấm hình con trai ở dưới. “Anh ấy thật tàn ác quá. Em đã tha thứ rồi, anh ấy còn nỡ nhắc đến làm chi? Không, theo lời chính miệng anh ấy nói ra, em đã thấy sự ghen tuông của em là vô nghĩa, là không có căn cứ rồi, em đã tin rằng anh rất trong sạch... Vâng, anh rất trong sạch, vị thiên thần của em trên thiên đường ạ!”
Cô đi đi lại lại trong phòng, người run lên vì tức giận. Cô tiến lại trước cái tủ, ngắm mãi tấm chân dung treo phía trên. Càng ngắm, cô càng thấy hình như đôi mắt George nhìn mình mỗi lúc một thêm có ý trách móc. Bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp của mối tình đầu xô nhau trở lại trong ký ức. Vết thương đã được thời gian hàn gắn kín miệng bỗng lại ứa máu. Cô cảm thấy đau đớn hơn bao giờ hết ! Emmy không sao chịu đựng được sự trách móc của người chồng yêu quý đang đứng trước mặt. Không! Không thể có chuyện ấy, không bao giờ có chuyện ấy!
Đáng thương thay cho anh chàng William Dobbin, câu nói lỡ lời ấy phá hoại hết kết quả bao nhiêu năm đeo đuổi, nó đã làm cho tòa lâu đài tình yêu mà anh chàng mất bao công sức nhẫn nại dựng lên bỗng chốc xụp đổ tan tành; tòa lâu đài ấy xây trên những nền móng vô hình bí mật, ẩn dấu tất cả những sự say mê, những cuộc đấu tranh tư tưởng không kể xiết và những sự hy sinh thầm lặng. Chỉ một lời nói thôi, thế là tòa lâu đài của hy vọng tan thành mây khói! Chỉ một lời nói thôi, mà có khi đã làm cho con chim xanh anh chàng mất công theo đuổi suốt một đời bay mất biệt tăm.
William nhìn vẻ mặt Amelia hiểu rằng thế là bắt đầu một giai đoạn gay go đây, nhưng anh ta vẫn dùng những lời lẽ thiết tha nhất khẩn khoản yêu cầu Sedley hãy dè chừng đối với Becky.
Có thể nói anh ta hăng hái thuyết phục Joe chớ nên nhận cho Rebecca về ở chung. Dobbin xin Joe ít nhất cũng nên dò hỏi kỹ lưỡng về hành vi của cô ta đã, lại đem những chuyện mình nghe được, kể lại rằng Becky đã chung đụng với bọn cờ bạc bịp và những người tư cách không ra gì. Dobbin còn nhắc Joe nhớ lại những chuyện xấu xa mà Becky đã phạm trong quá khứ: chính hai vợ chồng Crawley đã a tòng với nhau dẫn George đi vào con đường phá sản, và hiện nay Becky đã ly dị với chồng như chính cô ta thú nhận, mà nào ai biết được nguyên nhân vì đâu. Một người đàn bà như thế gần Amelia thật nguy hiểm, vì em gái Joe còn ngây thơ lắm, chưa hề từng trải việc đời. William đem hết tài hùng biện ra thuyết phục Joe, van nài Joe chớ nhận cho Rebecca sống chung trong gia đình; rất ít khi thấy anh chàng điềm đạm ít nói này hăng hái đến thế.
Giá Dobbin nói dịu dàng khéo léo hơn, không biết chừng anh ta có thể thuyết phục được Joe cũng nên nhưng nói cho đúng thì Joe cũng có ý hơi bực, vì mọi khi anh ta vẫn cho rằng Dobbin hay có thái độ trịch thượng đối với mình. Joe cũng đã nói riêng chuyện này với bác hầu Kirsch, dĩ nhiên bác đồng tình với chủ, bởi lẽ bác không ưa Dobbin kiểm soát chi ly những hóa đơn chi tiêu trong cuộc hành trình này. Joe cũng bắt đầu to tiếng trả lời rằng mình có đủ sức tự bảo vệ lấy danh dự không cần nhờ vả đến ai, rằng mình không muốn có người khác can thiệp vào việc riêng; nói tóm lại, anh ta ý muốn chống lại sự áp chế của viên thiếu tá. Cuộc thảo luận giữa hai người hơi lâu và cũng hơi gay gắt, thì bỗng bị chấm dứt một cách đơn giản nhất đời. Nghĩa là có Becky đến chơi. Cô ta đem theo một người hầu phòng của khách sạn “Con Voi” để xách hộ đám hành lý sơ sài.
Becky chào Joe một cách lễ độ nhưng thân mật; đối với Dobbin, cô ta tỏ ra nhã nhặn, nhưng có ý dè dặt. Linh tính báo ngay cho cô ta biết đích rằng đây là kẻ thù của mình, và chính Dobbin cũng vừa nói cô ta không ra gì xong. Emmy nghe thấy những tiếng động và tiếng ồn ào bèn bước ra khỏi phòng. Cô tiến đến bên bạn, ôm lấy bạn mà hôn thật nồng nàn, không buồn để ý đến Dobbin, trừ một lần liếc nhìn anh chàng một cách giận dữ; có lẽ từ khi người đàn bà đáng thương này sinh ra đời, đây là lần đầu tiên Amelia có một thái độ khinh miệt bất công như vậy. Nhưng có những lý do riêng khiến cho cô không sao kìm giữ được khỏi giận Dobbin. Dobbin cũng bực mình vì bị đối xử bất công chứ không phải vì thất bại không thuyết phục nổi bạn. Anh ta nghiêng mình chào Amelia với thái độ hết sức kiêu hãnh rồi bỏ đi, người đàn bà cũng cúi chào tỏ ý vĩnh biệt một cách lạnh lùng không kém.
Dobbin bỏ đi rồi, Emmy tỏ ra đặc biệt phấn khởi, vui vẻ với Becky; cô vội vội vàng vàng thu dọn trong phòng rồi dẫn cô bạn cũ về căn phòng đã dành riêng; xưa nay tính tình cô bạn nhỏ của chúng ta vẫn điềm đạm không mấy khi tỏ ra hoạt động và hăng hái như vậy. Thói thường vẫn thế, những người bản chất yếu đuối, khi sắp làm một chiếc gì bất công, họ vẫn hay vội vã làm cho chóng xong, bởi vậy, Emmy nghĩ rằng những cử chỉ của mình vừa rồi chính là một cách tỏ rõ tấm tình gắn bó chung thuỷ và kính mến đối với người chồng đã khuất.
Georgy đi xem hội về ăn trưa, thấy trên bàn vẫn bày đủ bốn xuất ăn như thường lệ; nhưng nó thấy có một người đàn bà ngồi vào chỗ mọi khi vẫn dành cho thiếu tá Dobbin. Thằng bé nói một cách rất tự nhiên như thường ngày:
- Ô kìa, bác Dob đâu?
Mẹ nó bảo:
- Hôm nay thiếu tá Dobbin ăn cơm ngoài, chắc thế.
Đoạn Emmy kéo con trai lại, hôn con mấy cái liền, vén mớ tóc xoã trên trán con rồi giới thiệu với bạn:
- Rebecca, cháu đây.
Câu nói cũng có nghĩa là: “Chị xem trẻ con trên đời này có đứa nào được bằng nó không?” Becky làm ra bộ say sưa ngắm thằng bé, rồi âu yếm bắt tay nó; cô ả nói:
- Cháu yêu quý, nom thật giống thằng cháu...Cô ta cảm động quá, nghẹn lời không nói tiếp được, nhưng chẳng cần bạn nói ra, Amelia cũng hiểu rõ Becky đang nhớ đến đứa con quý báu của cô ta.
Tuy vậy, có cô bạn ngồi cạnh, Becky cũng được an ủi, thành thử bữa ấy cô ta ăn rất ngon miệng.
Trong khi ăn, Becky tha hồ có dịp kể lể; thằng Georgy thì lấm lét ngó người khách lạ và giỏng tai lên mà nghe chuyện. Đến lúc dùng đồ tráng miệng, Emmy bước ra ngoài sai bảo đầy tớ dọn dẹp; Joe thì ngả lưng trong ghế bành thiu thiu ngủ, tay cầm tờ bán Galinany, còn Georgy và người đàn bà lạ mặt ngồi sát bên nhau.
Lần này thằng bé nhìn đi nhìn lại người khách như đã nhận ra, cuối cùng, nó đặt cái kẹp hạt dẻ xuống nói:
- Đúng rồi.
Becky cười hỏi:
- Đúng cái gì, cháu?
Bác chính là cái bà đeo mặt nạ cháu gặp trong phòng quay số tối hôm nọ.
Becky vội nắm lấy tay thằng bé, đưa lên miệng hôn nói:
- Suỵt, cháu tinh quái quá. Hôm ấy bác trai cháu cũng đến đấy? Đừng nói cho má cháu biết, má cháu không bằng lòng đâu.
Thằng bé đáp:
- Ồ, không... chẳng bao giờ cháu nói.
Lúc Emmy quay vào phòng, Becky bảo bạn:
- Chị xem, em với cháu thân nhau rồi đấy.
Phải công nhận rằng Amelia đã đem được một người bạn gái rất biết điều và đáng yêu đến sống chung với mình.
Đang cơn tức bực, William cứ đi lang thang như mất trí khắp thị trấn, tuy rằng anh ta cũng chưa biết hết âm mưu bội phản đang chờ đợi mình. Thế nào lại gặp ngay lão bí thư sứ quán Anh là Tapeworm; lão mời Dobbin vào khách sạn dùng cơm. Gọi món ăn xong, Dobbin nhân cơ hội hỏi thăm viên đại biện xem có biết chuyện gì về một bà Rawdon Crawley nào đó hình như đã gây ra dư luận sôi nổi một thời ở Luân-đôn không. Dĩ nhiên Tapeworm thông tỏ đủ mọi thứ chuyện của Luân-đôn. Lão lại có họ với Gaunt phu nhân, thành thử lão mới cung cấp cho viên thiếu tá một mớ tài liệu về cuộc đời của hai vợ chồng Becky, đủ cho anh chàng tọc mạch há hốc mồm ra vì ngạc nhiên; nhờ những tài liệu ấy mà có câu chuyện này, vì chính ngay trên chiếc bàn ấy mấy năm trước đây kẻ chép truyện cũng đã từng có hân hạnh được nghe. Thôi thì đủ mọi chi tiết: Tufto, Steyne, gia đình Crawley, cùng mọi chuyện có liên quan đến họ, mọi chi tiết có liên quan đến Becky và quá khứ của cô ta, nhà ngoại giao tàn nhẫn lôi ra bằng hết. Lão biết chân tơ kẽ tóc về sinh hoạt của tất cả thiên hạ. Tóm lại, anh chàng thiếu tá thực thà của chúng ta cứ ngây người ra mà nghe những điều khám phá mới mẻ. Thấy Dobbin nói Amelia và Sedley đã đưa Becky về sống chung trong gia đình, Tapeworm phá ra cười rũ rượi, làm cho viên thiếu tá bàng hoàng; lão bảo rằng giá tìm đến nhà lao, mời một vài ông sang trọng, đầu trọc lóc bận áo vàng bị xích chân từng đôi một, vẫn được cử đi quét đường ở Pumpernickel, mang về thết đãi, dùng làm thầy học cho thằng Georgy cứng đầu cứng cổ có lẽ còn tốt hơn.
Câu chuyện của lão khiến cho viên thiếu tá ngạc nhiên và hoảng hốt không phải ít. Sáng sớm hôm ấy, trước khi Becky dọn đến, mọi người đã quyết định đến tối Amelia sẽ đi dự dạ hội trong cung, Dobbin định sẽ nhân dịp nói hết với Amelia. Anh chàng thiếu tá bèn về nhà, thắng bộ lễ phục cẩn thận mò vào triều cố tìm gặp Emmy. Nhưng không thấy Emmy đến. Lúc quay về, Dobbin đã thấy đèn đóm trong nhà Sedley tắt từ lâu. Vậy phải chờ đến sáng hôm sau mới gặp được Amelia. Không hiểu đêm hôm ấy anh chàng phải ủ ấp một sự bí mật ghê gớm như thế trong lòng có trằn trọc mất ngủ hay không.
Sáng hôm sau, Dobbin sai một người hầu cầm thư sang trao cho Amelia, nói cần gặp ngay có chuyện cần. Anh ta nhận được thư trả lời, cho biết rằng bà Osborne hôm nay mệt, không thể ra khỏi phòng được.
Thật ra, chính Amelia suốt đêm qua cũng không ngủ được, và bị ám ảnh bởi câu chuyện trước kia đã hàng trăm lần giầy vò tâm tư cô. Trước kia, đã hàng trăm lần cô muốn đầu hàng, nhưng sự hy sinh ấy, cô cảm thấy quá sức mình chịu đựng. Không, cô không thể bằng lòng được, mặc dầu con người ấy đã yêu cô tha thiết, đã trung thành tận tụy với cô, và chính cô cũng phải thú nhận rằng mình đối với anh ta rất có cảm tình, rất biết ơn và kính trọng. Nhưng thử hỏi rằng chung thủy là cái gì, và những đức tính quý báu nữa cũng là cái gì? Chỉ cần một món tóc xoăn xoăn của cô thiếu nữ, hoặc một sợi ria mép của chàng trai trẻ cũng đủ làm cho cán cân trong phút chốc lệch ngay về một bên. Đối với Emmy những đức tính ấy cũng không quan trọng hơn là đối với những người đàn bà khác. Cô đã thử, cô đã khát khao thực hiện ước vọng của mình, nhưng không sao được. Bây giờ tìm ra một cớ, người đàn bà tàn nhẫn ấy bèn vịn ngay lấy, quyết định tự giải phóng mình.
Mãi đến buổi chiều ngày hôm ấy. Amelia mới cho Dobbin gặp mặt. Lâu nay vẫn quen được tiếp đón thân mật vui vẻ, lần này bước vào, anh ta thấy Emmy nghiêng mình chào, coi như khách, cô chìa một bàn tay vẫn đeo găng cho anh ta bắt rồi lại rụt về ngay.
Rebecca cũng có mặt trong phòng; cô ta mỉm cười tiến đến, đưa tay cho Dobbin. Dobbin hơi bối rối, lùi lại, nói:
- Xin... xin bà tha lỗi, thưa bà. Nhưng tôi bắt buộc phải nói thực rằng hôm nay tôi đến đây không phải với tư cách là bạn của bà.
- Hừ! Khỉ lắm! Thôi, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa.
Joe kêu lên có vẻ lo lắng và muốn tránh một câu chuyện rắc rối. Amelia hạ thấp giọng, nhưng nói rất rõ:
- Tôi không hiểu thiếu tá Dobbin có điều gì không bằng lòng đối với Rebecca đấy.
Giọng nói của cô hơi run run, nhưng tia mắt nhìn rất cương quyết.
Joe lại xen vào:
- Tôi không muốn có chuyện rắc rối trong nhà tôi đâu đấy. Tôi nhắc lại là tôi không muốn. Dobbin, tôi yêu cầu anh thôi đi.
Anh ta run bắn người lên, nhìn quanh phòng, mặt đỏ ửng, rồi vừa thở phì phò vừa bỏ về phòng mình.
Rebecca lên tiếng, giọng nói thật ngọt ngào, êm ái: “Kìa, ông bạn yêu quý của em! Hãy ở lại xem thiếu tá Dobbin muốn nói gì em đã nào.”
- Tôi đã bảo rằng tôi không muốn nghe cơ mà. Joe hét tướng lên như vậy, rồi thu gọn vạt áo ngủ, anh ta bước ra khỏi phòng.
Amelia nói:
- Bây giờ chỉ còn lại hai người đàn bà chúng tôi. Anh đã có thể nói chuyện được rồi đấy?
Dobbin kiêu hãnh đáp:
- Amelia, có lẽ chị đối xử với tôi như vậy là không đúng, mà tôi vẫn không tin rằng xưa nay đối với phụ nữ tôi vẫn có thái độ phũ phàng. Tôi đến đây để làm một nhiệm vụ mà chính tôi cũng không vui lòng lắm. Amelia mỗi lúc một thêm lúng túng, nói:
- Thiếu tá Dobbin, xin anh cứ vui lòng nói ngay vào vấn đề cho.
Giọng cô nói hơi có vẻ khiêu khích, làm cho cái nhìn của Dobbin bỗng trở thành nghiêm khắc.
- Tôi muốn đến đây để nói một điều... bà Crawley bà đã muốn ngồi lại đây, thì tôi đành phải nói điều ấy ra trước mặt bà... tôi muốn nói rằng bà không nên có mặt trong gia đình bạn tôi. Một người đàn bà bỏ chồng, đội tên giả để đi lang bạt khắp nơi và ra vào những sòng bạc công khai...
Becky kêu lên:
- Tôi đến dự dạ hội đấy chứ.
- …Thì không phải là một người xứng đáng làm bạn của bà Osborne và con trai bà. Tôi còn muốn nói thêm rằng ở đây có nhiều người hiểu rành mạch về bà, họ kể nhiều điều về tư cách của bà nữa. Tôi cũng không muốn nhắc lại đây trước mặt... trước mặt bà Osborne.
Rebecca nói:
- Lối vu cáo của ông kể cũng khôn khéo đấy chứ thưa thiếu tá, ông định bắt tôi phải chịu đựng lời kết án mà chính ông không muốn nói ra. Kết án thế nào nhỉ? Tôi không trung thành với chồng tôi chăng? Tôi không sợ đâu. Tôi thách người nào chứng minh được điều ấy. Và tôi nói thật tôi thách ông đấy. Phẩm giá của tôi hoàn toàn không bị hoen ố, cũng như phẩm giá của kẻ thù xảo quyệt nhất đang muốn bôi nhọ tôi. Hay là ông muốn kết tội tôi chỉ vì tôi nghèo khổ, bị bỏ rơi, bị sa sút? Phải, những điều ấy tôi có phạm, và ngày nào tôi cũng bị trừng phạt. Chị Emmy, để cho em đi vậy. Chẳng qua cũng coi như em không được gặp lại chị, vả lại cũng không vì vậy mà em khổ sở hơn ngày hôm qua cơ mà. Cũng coi như sau một đêm trú ẩn, kẻ phiêu bạt đáng thương này lại lên đường lang thang như cũ. Chị có nhớ bài hát chúng mình vẫn hát với nhau khi xưa không nhỉ? Ôi, những ngày êm đẹp đã qua! Từ bấy đến nay, cuộc đời em cứ ba chìm bảy nổi mãi... em như một kẻ bỏ đi, bị người đời sỉ nhục chỉ vì em có một thân một mình. Thôi, chị để em đi; em ở lại đây, em làm trở ngại đến những kế hoạch riêng của ông này.
Dobbin nói:
- Thưa bà, quả có thế. Nếu như tôi có chút quyền hành gì trong gia đình này...
Amelia vội kêu lên:
- Quyền hành ư? Ông không có quyền hành gì hết. Rebecca, chị cứ ở đây với em. Em sẽ không bỏ chị đâu, mặc dầu chị bị hành hạ, bị sỉ nhục, bị.. bị thiếu tá Dobbin chủ tâm đối xử như vậy. Ta đi thôi chị.
Và hai người đàn bà tiến về phía cửa. William mở cửa cho họ.
Nhưng lúc họ bước ra, anh ta cầm lấy tay Amelia nói:
- Chị có vui lòng ở lại một lát để nói chuyện với tôi không?
Becky vội nói ngay:
- Ông ấy lại định nói xấu em với chị lúc em không có mặt đấy.
Nom vẻ mặt Becky như một người tử đạo. Amelia chỉ xiết chặt tay bạn không trả lời.
Dobbin nói:
- Xin lấy danh dự mà thề rằng câu chuyện tôi sắp nói đây không liên quan gì đến bà. Amelia, mời chị vào trong này.
Amelia quay vào. Dobbin cúi chào Rebecca rồi khép cửa phòng lại. Amelia dựa vào tấm gương soi nhìn Dobbin, sắc mặt và đôi môi tái nhợt.
Viên thiếu tá yên lặng một lúc rồi nói:
- Vừa rồi, tôi hơi bối rối thành ra nói lẫn... tôi đã dùng tiếng “quyền hành” không đúng chỗ.
Amelia đáp, hai hàm răng thốt nhiên va vào nhau lập cập.
- Có thế.
Dobbin nói tiếp:
- Nhưng tôi tưởng ít nhất cũng có quyền được thanh minh.
Người đàn bà đáp:
- Mẹ con tôi vẫn nhớ đã mang ơn anh rất nhiều.
William nói:
- Quyền hạn tôi nói đây là do cụ thân sinh ra anh George uỷ nhiệm.
Amelia đáp:
- Phải lắm. Nhưng mới ngày hôm qua, anh đã bôi nhọ linh hồn George. Hẳn anh cũng biết vậy. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh điều ấy. Không bao giờ hết. Cô dằn mạnh từng tiếng, giọng nói run run vì tức giận và xúc động.
William buồn rầu nói:
- Chị không thực tâm nghĩ thế chứ, chị Amelia? Chị không cho rằng những lời chị vừa nói trong lúc vội vàng thiếu suy nghĩ chín chắn là quan trọng hơn cả sự trung thành tận tuỵ của cả một đời người chứ? Tôi tin rằng cách ăn ở của tôi không thể làm cho linh hồn George phải bất mãn, và nếu như tôi có điều gì đáng trách thì, ít nhất, người trách tôi cũng không phải là người vợ góa và là người sinh ra đứa con trai của anh George. Chị hãy nghĩ xem... sau này, khi nào có thì giờ rỗi rãi, chị hãy nghĩ kỹ xem... rồi chị sẽ thấy trách tôi như vậy là bất công. Rất có thể ngay bây giờ chị cũng thấy thế rồi.
Amelia cúi đầu xuống.
Dobbin nói tiếp:
- Chị giận tôi không phải vì lời tôi nói hôm qua đâu, Amelia, đó chẳng qua là một cái cớ; bởi vì tôi đã trót yêu chị, đã theo đuổi chị suốt mười lăm năm nay một cách vô vọng. Trong thời gian ấy, chẳng lẽ tôi lại không thấu hiểu mọi tình cảm, mọi ý nghĩ của chị hay sao? Tôi hiểu tâm hồn chị lắm. Chị có thể tuyệt đối trung thành với một kỷ niệm, chị có thể ấp ủ mãi một hình bóng không tưởng. Nhưng chị không thể hiểu nổi một tấm tình nồng nhiệt như tấm tình của tôi và cũng không thể thông cảm được với tấm tình ấy như một người đàn bà nào khác có tâm hồn cao đẹp hơn chị. Không, chị không xứng đáng với mối tình bao năm nay tôi theo đuổi. Đã từ lâu, tôi đã hiểu rằng tôi chỉ là một kẻ ngu dại, sống với những ảo tưởng đẹp đẽ, đem tất cả tâm hồn nồng nàn chân thật của mình đánh đổi lấy một mảnh duyên thừa. Bây giờ tôi không muốn sự trao đổi ấy nữa, tôi từ bỏ và tôi không có lỗi gì hết đối với chị. Bao giờ chị cũng vẫn là người tốt. Chị đã cố gắng hết sức rồi, nhưng chị không thể... chị không thể vươn được tới độ cao của mối tình tôi ủ ấp đối với chị. Mối tình ấy, một người đàn bà có tâm hồn cao thượng hơn có thể lấy làm hãnh diện được chia xẻ! Amelia, xin vĩnh biệt. Tôi đã theo dõi cuộc đấu tranh của chị. Hãy chấm dứt nó đi. Cả hai chúng ta đều mệt mỏi lắm rồi…
Thế là sợi dây buộc chặt vận mệnh của Dobbin cô vẫn nắm trong tay bị anh ta đột nhiên rứt đứt. Amelia sợ hãi đứng lặng nghe Dobbin tuyên bố lấy lại quyền tự do và ưu thế của mình. Đã từ lâu anh ta quen bò sát dưới chân Emmy, khiến cho cô cũng quen coi việc chà đạp lên anh là chuyện tự nhiên. Amelia không muốn làm vợ Dobbin, nhưng cứ muốn giữ lấy anh ta. Cô không muốn phải đền đáp một tý gì, nhưng lại muốn bắt Dobbin phải cho mình tất cả. Trong việc yêu đương, sự trao đổi không công bằng này là chuyện xảy ra khá thường xuyên.
Lời nói dứt khoát của William khiến cô thất vọng và bối rối.
Cuộc tấn công yếu ớt của cô thế là chấm dứt, bây giờ cô bắt đầu rút lui Cô nói:
- Nếu tôi không hiểu lầm... thì anh có ý định... đi xa... phải không? William?
Anh chàng cười buồn bã, đáp:
- Tôi đã đi xa một lần rồi. Và sau mười hai năm trời tôi mới trở về. Hồi ấy, Amelia, chúng ta còn trẻ. Thôi, vĩnh biệt, tôi đã tiêu phí đời tôi quá đủ trong trò chơi này rồi.
Trong khi hai người nói chuyện với nhau, cánh cửa phòng Amelia vẫn hé mở; ngay lúc Dobbin vừa khép cửa lại, thì Becky đã nắm lấy quả đấm và khẽ mở ra để nghe trộm. Cô ta không bỏ sót một lời nào trong câu chuyện của hai người trao đổi với nhau.
Becky nghĩ thầm: “Người đàn ông này có một tâm hồn cao quý lắm. Cô kia đùa cợt với một tấm tình như vậy thật đáng hổ thẹn”. Becky thấy cảm phục Dobbin; cô ta không còn thù ghét cái anh chàng đã nói những điều không hay về mình nữa; hành động của Dobbin thật quang minh chính đại, đáng cảm phục. Cô ta thầm nghĩ: “Ôi, giá mình được một người chồng như thế nhỉ?...Ấy mới là một người đàn ông có đủ cả tâm hồn và trí tuệ! Mình sẽ chả quan tâm đến đôi bàn chân to kếch của anh ta”. Rồi Becky chạy về buồng riêng, hình như trong óc đang bận suy tính điều gì. Cô ta lấy bút mực viết một lá thư xin Dobbin hãy nán lại vài ngày đừng đi đâu vội, và hứa sẽ khuyên được Amelia ưng thuận lấy anh ta.
Sự tan vỡ thế là không cứu vãn được rồi; lại một lần nữa, anh chàng William đáng thương bước ra cửa và đi hẳn. Người đàn bà góa bé nhỏ, người đã gây ra tất cả sự tan vỡ này, đã đạt được ý nguyện, đã thắng; cô ở lại một mình, tha hồ mà thỏa mãn vui thích với sự đắc thắng của mình. Ta hãy mặc cho những người phụ nữ ghen tỵ với thắng lợi của Amelia.
Đến đúng cái phút thi vị nhất trong ngày là lúc ăn cơm, thằng Georgy ở đâu mò về; nó lại nhắc đến sự vắng mặt của “bác Dob”. Mọi người yên lặng ngồi ăn không ai trò chuyện gì. Joe xơi vẫn ngon miệng như thường, nhưng Amelia không ăn một miếng nào.
Xong bữa ăn, thằng Georgy nằm khểnh trên chồng đệm đặt cạnh cửa sổ, một chiếc cửa sổ lớn ba bề lồng kính, xây nhô hẳn ra ngoài đường, nom thăng ra khu chợ, phía có tòa khách sạn “Con Voi”; mẹ nó đang lúi húi việc gì bên cạnh. Bỗng thằng bé nhận thấy trong nhà viên thiếu tá mé bên kia đường như nhộn nhịp hẳn lên, nó bảo:
- Ơ hơ, xe của bác Dob... họ đang đẩy ra sân kia.
Chiếc xe này Dobbin mua lại với giá tiền sáu đồng bảng Anh; mọi người vẫn trêu anh ta về chuyện mua rẻ này.
Emmy nghe con nói hơi giật mình, nhưng vẫn yên lặng.
Thằng Georgy lại nói:
- Ơ hơ. Thằng Francis vác va-ly đựng quần áo của bác Dob ra kìa. Còn thằng bồi ngựa chột mắt Kunz thì đang dắt ba con ngựa tồi ở chợ về. Đôi ủng và chiếc áo bành tô vàng của cu cậu nom bảnh quá, thằng cha đến buồn cười. Ô kìa... chúng nó thắng ngựa vào xe của bác Dob. Bác ấy định đi đâu thế nhỉ?
Emmy bảo con:
- Bác ấy sắp đi du lịch xa đấy.
- Đi du lịch à? Thế bao giờ bác ấy về?
Emmy đáp:
- Bác... bác không về nữa đâu.
Thằng Georgy vùng dậy kêu rầm lên:
- Không về nữa!
Joe quát thằng cháu:
- Chạy đi đâu, ông tướng?
Vẻ mặt buồn bã, Amelia bảo con:
- Georgy, ở nhà, con ạ.
Thằng bé đứng lại; nó chạy loăng quăng trong phòng, rồi cứ hì hục hết leo lên bậc cửa sổ lại leo xuống, coi bộ nó hết sức tò mò và bực bội.
Xe đã thắng ngựa, hành lý cũng đã chất xong. Francis từ trong nhà bước ra ôm thanh kiếm, cây gậy trúc và chiếc ô của chủ buộc thành một bó đặt vào trong thùng xe, còn chiếc cặp da và chiếc hộp sắt tây đựng mũ của chủ thì hắn nhét xuống gầm ghế.
Đoạn Francis mới lôi tấm áo choàng cũ rích nhem nhuốc bằng dạ xanh có lót nỉ đỏ của chủ ra; tấm áo này Dobbin dùng đã mười lăm năm nay, nó cũng đã từng trải qua “trăm trận đánh đông dẹp bắc”, như lời một bài hát phổ biến hồi ấy. Năm xảy ra trận Waterloo, tấm áo còn mới nguyên. Sau đêm hôm xảy ra trận “Bốn cánh tay”, Dobbin và George đã cùng khoác chung tấm áo này.
Lão Burcke, chủ khách sạn, từ trong nhà bước ra, rồi đến Francis khuân nốt những hành lý còn lại...
Thiếu tá Dobbin đi sau cùng...Lão Burcke muốn hôn Dobbin để từ biệt. Viên thiếu tá đi đến đâu cũng được mọi người quý mến. Khó khăn lắm Dobbin mới từ chối khỏi phải nhận cách biểu lộ cảm tình quá nồng nhiệt của ông chủ khách sạn.
Thằng Georgy hét tướng lên: “Giời đất ơi! Cháu cũng đi đây.”
Becky dúi vào tay thằng bé mảnh giấy, có vẻ cảm động, bảo nó:
- Đưa cho bác ấy cái này nhé.
Thế là thằng bé lao xuống thang gác, chạy bay qua đường...
Anh bồi ngựa mặc áo vàng đã vút roi nhè nhẹ rồi.
William đã gỡ mình khỏi cánh tay lưu luyến của ông chủ khách sạn, trèo vào trong xe. Thằng Georgy cũng nhảy vào theo; từ trên cửa sổ, ba người nhìn xuống thấy nó giang hai cánh tay ôm ghì lấy cổ viên thiếu tá, liến thoắng hỏi chuyện. Rồi nó móc tay vào túi áo tìm lá thư đưa cho anh ta. William vội vàng cầm lấy, tay run run giở ra đọc, nhưng lập tức anh ta đổi sắc mặt, xé tờ giấy làm đôi quẳng ra ngoài xe. Anh ta hôn vào trán Georgy rồi bảo Francis đỡ thằng bé xuống đất. Nó đưa hai bàn tay lên dụi mắt. Thằng bé cứ bấu chặt lấy thành xe không chịu rời ra.
- “Hô! Đi thôi!”()
Anh bồi ngựa mặc áo vàng, quất roi kêu đen đét; Francis nhẩy phốc lên ghế hậu, thế là chiếc xe chuyển bánh. Dobbin ngồi trong xe gục đầu xuống ngực, xe đi ngang qua cửa sổ phòng Amelia, nhưng anh ta không ngẩng lên. Còn lại một mình thằng Georgy đứng giữa đám đông.
Đêm hôm ấy, chị hầu gái của Amelia lại thấy thằng bé gào khóc ầm ĩ trong phòng. Chị ta phải mang vào cho nó vài quả ô-mai mơ để dỗ nó nín. Nhưng rồi cả hai chị em cùng khóc; thì ra tất cả những người nghèo khổ, những người bị rẻ rúng, những người chân thực, hễ có dịp tiếp xúc với người đàn ông giản dị và tốt bụng này, đều quý anh ta.
Còn Emmy, Emmy chẳng đã làm tròn nhiệm vụ rồi sao? Cô đã có bức chân dung của George an ủi mình.