• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

"Nếu những gì cô ấy nói là chính xác, thì nó đáng lẽ phải ở quanh đây," Tôi lẩm bẩm một mình khi lê bước qua con đường hẹp giữa nhà máy sản xuất và phần phía sau bị che khuất của khu thương tích ngoài trời. Trong vài lần làm nhiệm vụ tuần đêm, tôi đã đi lang thang quanh những lối đi bị che khuất này. Tôi không phải là người lính biết điều nhất, nhưng ít ra tôi cũng biết cách ra khỏi tòa nhà chính mà không bị phát hiện. Hôm nay là lần đầu tiên tôi vận dụng kiến thức của mình vào một việc nào đó, ít nhất là kể từ ngày tôi và Roman lẻn ra chỗ chúng tôi giấu bánh quy và thanh lương khô IRPRUS.

Muốn trốn đi thực ra cũng chẳng khó đến thế.

Như tôi đã nói, lính canh luôn được điều động phía sau những bức tường cao bằng ba người đứng chồng lên nhau, quan sát các lối ra vào mọi lúc mọi nơi. Mọi nơi, ngoại trừ nơi này: Một nhà kho bỏ hoang, một trong số ít các công trình bên ngoài tòa nhà chính mà mọi người ở.

Tôi rờ những ngón tay của mình trên một tấm áp phích cũ, vẫn được dán trên bức tường bê tông thô ráp. Nửa dưới của nó đã bị rách, cháy xẹm, và nói thẳng ra là chất lượng còn tệ hơn cả giấy chùi mông, nhưng tôi vẫn có thể hiểu được những gì nó đang cố gắng tả: Ba công nhân nhà máy, tất cả đều đội mũ bảo hiểm lao động trên đầu và tay đặt trước mắt, nhìn vào ánh mặt trời rực rỡ ẩn dụ ở phía góc xa. Một dòng chữ lớn in nổi trên cùng ghi 'TĂNG GIA SẢN XUẤT!', trong khi ba văn bản nhỏ hơn trên đầu các công nhân nói 'Cho hôm nay! Cho ngày mai! Cho muôn đời sau!'. Màu vàng ngả của giấy cho thấy nó đã ở đây từ lâu, nhưng tôi ngạc nhiên rằng nó đã không biến thành tàn tro cùng với vụ hỏa hoạn khét tiếng Izhevsk Zavod năm 1980.



Không phải là những người lính của Izhevsk phải chịu đựng, mà là những công nhân nhà máy, hoặc ít ra họ tuyên bố như vậy. Phiên bản của họ về câu chuyện này là đội quân của Smolnikov không có đủ vũ khí, vì vậy họ đã thúc giục những công nhân đó đáp ứng những yêu cầu lố bịch. Họ đã làm việc không ngừng nghỉ, mọi giờ trong ngày, mọi ngày trong tuần. Điều đó đã không được lòng các công nhân cho lắm. Mấy người đó thậm chí còn đủ can đảm để gây bạo loạn, nhưng cũng vô ích. Có vẻ như, một trong số họ nói với đồng nghiệp của mình rằng nếu không có nhà máy, họ sẽ không phải làm việc nữa. Thật trùng hợp thay, một đám cháy đã bùng phát vào ngày tuần sau, thiêu rụi hầu hết mọi thiết bị của họ (cùng với nhiều nhân công nữa).

Theo hồ sơ chính thức, vụ cháy là do gián điệp của Pavlyuchenko gây ra. Đó là phiên bản đáng tin cậy hơn. Không có lý nào công nhân nhà máy lại đứng lên chống lại luật pháp và mệnh lệnh cả! Điều đó sẽ có nghĩa rằng họ phản bội chế độ của họ. Những ai mà đã thuộc làu tư tưởng nhà nước nên biết rằng những kẻ phản bội là những kẻ cặn bã nhất trong mọi thể loại cặn bã mà.

Các bức tường và tháp canh xung quanh Izhevsk được xây dựng từ thời xe tăng chưa tồn tại, và các mấy gã chóp bu không thèm để tâm đến việc biến pháo đài này thành thứ gì có ích hơn ngay cả khi họ đã biết nó lỗi thời tới thế nào. Có thể mấy người đó nghĩ rằng không cần phải nâng cấp Izhevsk, một khu định cư đang đô thị hóa với cơ sở quan trọng nhất là một nhà máy cơ khí chuyên sản xuất vũ khí hạng nhẹ. Có thể dễ dàng thấy được là sau khi chiến tranh nổ ra giữa Pavlyuchenko và Lãnh tụ tối cao Smolnikov của chúng ta, Pavlyuchenko đã phát động các cuộc tấn công chớp nhoáng vào các thành phố lớn khác của Smolnikov và giành quyền kiểm soát các địa điểm thăm dò dầu mỏ. Izhevsk chỉ được tính tới sau khi Perm và Kazan thất thủ, và theo tôi đó là một sự sơ sót lớn từ cả hai bên tham chiến. Tuyến đường sắt vận chuyển than và nhiên liệu cắt qua Izhevsk là tối quan trọng, nên việc không kiểm soát được một cơ sở phòng thủ cách đó 40 km về phía Đông sẽ gây ra những rắc rối không cần thiết.

Do sự kém cỏi của Tatarstan nên không có đủ thời gian để củng cố Izhevsk thành một lô cốt phòng thủ hiện đại. Đó là lý do tại sao có những nhà kho như thế này: Không có mái nhà, không có trang thiết bị, không có dây cáp điện và không thể có người ở. Ít nhất thì các bức tường bê tông đã sống sót qua vụ hỏa hoạn.

Tôi suy ngẫm về những lời cô ấy đã lặp lại với tôi, không dưới ba lần.

"Một chiếc nhẫn bạc nhỏ, với một con mắt kim cương gắn trên nó và dòng chữ từ Papa được khắc ở hai bên."

Tôi không biết Papa là ai, nhưng tôi sẽ giữ các câu hỏi cho tới khi tôi thực sự tìm thấy chiếc nhẫn này.



Nhẫn là phụ kiện chỉ dành riêng cho các quan chức cấp cao. Tôi mới nhìn thấy chúng vài lần và gần như quên mất chúng trông như thế nào, và cô ấy mong tôi tìm thấy nó dựa trên mô tả chung chung như là 'món trang sức bằng kim loại mà đeo vừa ngón tay' sao? Tôi đã lùng sục mọi ngóc ngách từ phòng của mình đến nhà kho mà cô chỉ hướng, nhưng không thể tìm thấy bất cứ thứ gì như mô tả. Vì vậy, nếu vật thể này thực sự tồn tại, đây phải là nơi duy nhất nó có thể bị đánh rơi. Hoặc có thể nó nằm sâu dưới ba tấc tuyết rồi cũng nên, ai biết được.

Mắt tôi liếc sang hai bên để chắc chắn rằng không có ai xung quanh, rồi tiến về phía cửa. Sẽ đơn giản thôi, tôi sẽ đẩy cửa, lẻn vào, lấy chiếc nhẫn chết tiệt của cô ấy và lẻn ra ngoài một lần nữa.

Thật dễ dàng, cho tới khi tôi vặn tay nắm cửa.

Nó.. bị khóa rồi. Tại sao nó lại bị khóa? Không thể nào là vì nhà kho này vô dụng. Dù cho căn phòng không rộng rãi gì và mái nhà đã bị thổi bay đi, nhưng điều đó không có nghĩa là không sử dụng được. Nó có thể được dùng như một nơi ẩn nấp chiến lược để lên kế hoạch tấn công lén nếu kẻ địch tình cờ xâm nhập thành công qua các bức tường.

Tôi đơn giản chỉ cần quay về và nói với cô ấy rằng tôi không thể tìm thấy chiếc nhẫn. Điều đó sẽ thông minh hơn. Vài người trong tiểu đội của tôi đã đặt biệt danh cho tôi là 'gã lang thang' vì luôn lảng vảng ở mấy nơi thế này. Sẽ ổn thôi nếu họ nghĩ tôi là kẻ lười biếng, nhưng tôi biết tốt hơn hết đừng dại dột để một trong số họ báo cáo những hoạt động bất thường của tôi. Cái gã 'chạy nước rút' kia hoàn toàn có thể làm vậy. Anh ta chưa bao giờ thích tôi đến thế.

Không. Tôi không phải là người hứa mà không làm. Vả lại, một cánh cửa bị khóa không thể bị làm ngơ.



Tôi kiểm tra bức tường. Nó chỉ cao ba mét. Có vài lỗ lõm vào phía trong một cách đầy thuận tiện trên bề mặt nhẵn, và đó là những nơi tôi có thể bám vào. Và bạn biết người ta nói gì về những nơi bạn có thể bám vào rồi. Ở đâu có điểm bám, ở đó có người leo.

Tôi trèo lên.

Điều chờ đợi tôi ở phía bên kia là, thật không may thay, không phải là một chiếc nhẫn kim cương.

"Cái đ*o gì thế này?"

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK