Thuấn Nhân không muốn thuê nhà dưới tầng hầm, môi trường ở đó không tốt cho Nhan Nhan. Nếu không ở được chung cư cao cấp thì ít ra cũng phải có một căn nhà nhỏ đàng hoàng một chút.
Cuối tuần cô dẫn Nhan Nhan đi dạo trong công viên. Vé vào công viên ở Bắc Kinh rất rẻ, bên trong lại nhiều trò chơi, phong cảnh lại đẹp, Thuấn Nhân rất thích nhìn Nhan Nhan chạy tung tăng trong công viên.
Trước khi về Bắc Kinh, Xuân Nam cho Thuấn Nhân năm mươi nghìn tệ, cô còn khuyên Thuấn Nhân từ từ nói chuyện với Triệu Chấn Đào, phiên phiến mà sống với anh ta.
Cuối cùng, Thuấn Nhân cũng cảm thấy mình được tự do. Tự do theo đúng nghĩa mà cô mơ ước, thậm chí làm cô dần quên đi cái nghèo đang ở trước mắt. Từ nay, cô chẳng cần phải khúm núm nhìn sắc mặt của bà Triệu mỗi khi cô xin tiền bà ta tiêu vào những việc không phải cho mình, cũng chẳng sợ Triệu Chấn Đào coi mình như cái thùng rác để trút giận.
Thời gian hoàn toàn thuộc về mình, thân thể cũng hoàn toàn thuộc về mình, linh hồn cũng vậy. Cuối cùng, Thuấn Nhân cũng tìm về với thời con gái ngày xưa. Tuy lần hồi sinh này mang theo cả vết nứt, nhưng quan trọng là Thuấn Nhân đã có một cuộc sống của chính mình.
Triệu Chấn Đào nhanh chóng tìm thấy chỗ ở của Thuấn Nhân. Hắn ta biết được chỗ học của Nhan Nhan, rồi theo chân hai mẹ con về nhà, ngồi trong xe hơi, hắn ta thò đầu ra hét: “Tôi đang chờ cô gửi đơn ly hôn ra tòa đây, nhưng điều cô mong tòa phán quyết thì có đợi cả đời này cũng đừng có mơ đến nhé. Ở cái đất Bắc Kinh này, dựa vào mình cô mà muốn đấu với tôi hả, thật là chuyện nực cười.”
Còn có một cô gái mặc váy siêu ngắn ngồi trong xe, tay Triệu Chấn Đào cứ xoa xoa lên đùi của cô ta, hắn ta cười nói với Thuấn Nhân: “Cô đừng có hòng dựa vào thằng nào để đấu với tôi, nếu không, tôi sẽ tố cáo cô tội ngoại tình, rồi cô sẽ phải ngồi tù mọt gông.” Nói xong, anh ta quay đầu xe, chạy mất.
Nhan Nhan giọng nhỏ nhẹ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao bố không đón mẹ con mình về?”
Thuấn Nhân nói: “Nhà mình đang sửa lại, bẩn lắm, chờ sửa xong bố sẽ đón mẹ con mình về.”
“Sao bố lại sờ đùi cô ấy? Bố là người xấu hả mẹ?” Nhan Nhan hơi lo sợ. Đứa trẻ này nhạy cảm một cách lạ thường, cô bé không tin vào câu trả lời của mẹ.
Thuấn Nhân nhìn vào mắt cô bé, dịu dàng nói: “Nhan Nhan à, chờ tới khi nào mẹ cảm thấy Nhan Nhan đủ mạnh mẽ, mẹ sẽ nói cho Nhan Nhan biết vì sao lại như thế này. Nhưng giờ thì đừng hỏi gì nhé, Nhan Nhan ngoan ngoãn vâng lời cô giáo, cố gắng ăn nhiều để chóng lớn nhé.”
Nhan Nhan nghĩ một lúc rồi nói: “Nhưng mà con muốn bố đến nhà trẻ đón con, các bạn khác đều có bố đến đón, bố chưa bao giờ tới đón con cả.” Nhan Nhan càng nói, giọng càng nhỏ lại, môi trề ra, mặt ỉu xìu, rồi khóc to. Thuấn Nhân vội ôm lấy đứa con đáng thương, úp mặt vào áo Nhan Nhan, không ngẩng lên.
Thuấn Nhân cùng lúc làm rất nhiều việc. Ngoài bán nước hoa, còn nhận thêm việc quét dọn theo giờ. Có điều Thuấn Nhân không nhận làm gần chỗ Nhan Nhan học, đó là lòng tự trọng của một người mẹ.
Mặc đồng phục công nhân, Thuấn Nhân thường bị bảo vệ yêu cầu đi đường dành riêng cho những công nhân làm vệ sinh, kéo thùng rác cũng chỉ được đi thang máy chuyên vận chuyển hàng hóa, mùi hôi thối của rác nồng nặc tới nỗi bám cả vào quần áo, tóc tai Thuấn Nhân.
Nhìn những người đi bộ, mặt mày không chút phiền muộn, phong thái ung dung khiến Thuấn Nhân rất ngưỡng mộ. Có lúc đứng lại ngắm nhìn những cô gái ăn mặc thời trang, Thuấn Nhân lại nhớ tới tuổi thanh xuân chỉ mới qua nhưng đã quá xa rồi.
Có vài ngày trong tháng, Thuấn Nhân lại tới học viện múa để bán bản đồ Bắc Kinh. Cô thích nơi này, chỉ cần nhìn thấy tấm biển rồng bay phượng múa của trường, tận sâu trong đáy lòng Thuấn Nhân lại thấy bình yên và vui sướng.
Bắc Kinh thay đổi một cách chóng mặt, năm nào cũng có bản đồ mới, nhưng ngoài bìa tấm bản đồ đều in hình Thiên An Môn. Đó là một khối kiến trúc thể hiện tình người ấm áp.
Bắc Kinh ở đây khác xa so với Bắc Kinh đọc trong sách khi còn nhỏ, không phải chỉ mơ ước là có thể bước tới, nó giống như một rừng cây xanh tươi, nhưng lại đầy rẫy nguy hiểm. Thiên An Môn là ngọn đuốc vĩnh cửu giữa rừng cây, kể cả trong những ngày lạnh giá nó vẫn cháy lên ngọn lửa ấm áp độc nhất vô nhị.
Lúc Nhan Nhan bắt đầu biết đi, Thuấn Nhân đã đánh dấu trên bản đồ những danh lam thắng cảnh ở Bắc Kinh để sau này dẫn con gái đi tham quan. Tuy kế hoạch sau đó đã bị gác lại, nhưng tranh thủ thời gian rỗi hiếm có, Thuấn Nhân lại dẫn Nhan Nhan ngồi tàu điện ngầm tới Thiên An Môn.
Thiên An Môn có ánh nắng chan hòa, bầu trời xanh cao vời vợi, nhiều du khách, nhiều hoa tươi, còn có cánh diều bay cao và bóng vay nhiều màu sắc. Du khách từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại quảng trường rộng lớn nhất thế giới này, tiếng cười vang rộn, tâm trạng con người cũng trở nên vui sướng, đến nỗi giống như đang ở thiên đường trong mơ.
Khói, máu và nước mắt của đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ khiến những khó khăn đau khổ của cuộc sống trở nên nhỏ bé. Đứng trước tượng đài của những vị anh hùng ấy, Thuấn Nhân thấy mình vô cùng hạnh phúc.
Thuấn Nhân nghĩ, tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp, cho dù không tốt đẹp như trong tưởng tượng, nhưng tuyệt đối không có bất hạnh.
Càng ngày Thuấn Nhân càng thấy được tầm quan trọng của đồng tiền, cô rút ra kết luận, ngoài đường đi công cộng, không khí, mặt trời, sao sáng không cần tiền ra thì mọi thứ trên đời này đều có cái giá của nó.
Trời sầm tối, Thuấn Nhân dắt tay Nhan Nhan về nhà. Ngọn đèn đường tỏa ra thứ ánh sáng dịu dàng, Nhan Nhan giẫm lên cái bóng của mẹ, người mẹ âu yếm vuốt ve mái tóc đen của con, nở nụ cười hạnh phúc.
Ngày nào Thuấn Nhân cũng phải vật lộn với cuộc sống khó khăn. Shakespeare nói: “Chiến sĩ mãi mãi là người cô độc”. Một ngày kết thúc có nghĩa là Thuấn Nhân đã chiến thắng được khó khăn của ngày đó.
Cái gọi là hy vọng, không phải là mộng tưởng mà là đấu tranh.
Cũng giống như mầm non trong đất bùn, mãi mãi ngẩng đầu đón ánh mặt trời.
Nhan Nhan thích thơ ca, và cũng rất thích những hồ nước.
Giọng mềm mại, dịu dàng, Thuấn Nhân đọc:
Từ ngày mai làm một người hạnh phúc
Cưỡi ngựa, hái hoa, chu du thế giới
Từ ngày mai, tôi sẽ quan tâm tới lương thực và rau xanh
Tôi có một ngôi nhà, quay mặt ra bờ biển, xuân về hoa nở
Từ ngày mai, sẽ liên lạc với mỗi người thân
Nói với họ rằng tôi vô cùng hạnh phúc
Ánh hào quang của hạnh phúc nói cho tôi biết
Tôi lại nói cho các bạn
Đặt cái tên thật đẹp cho mỗi con sông ngọn núi
Người xa lạ ơi, tôi chúc phúc cho anh
Mong anh có được một đường đi tươi sáng.
Hải Tử[1] là người An Huy, quê hương của ông rất gần huyện Uyển. Mới hai mươi lăm tuổi, ông đã nằm trên đường ray tự sát. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã giữ gìn được trái tim trong sáng và thánh thiện. Đọc văn của ông, Thuấn Nhân như cảm thấy mình đang nói chuyện với một người bạn thân, từng dòng chữ đều toát lên vẻ chân thật. Có lúc Nhan Nhan ngủ say rồi, Thuấn Nhân lại mất ngủ, cô nghĩ cách thoát khỏi sự nghèo khó. Cô nghĩ tới việc mở một công ty quảng cáo, nhưng dựa vào số vốn ít ỏi cùng với sự quen biết có hạn của mình, điều đó thật không khả quan chút nào. Mỗi tháng kiếm được hơn bốn nghìn tệ rất khó, trừ phi đi làm gái, nhưng làm gái cũng chẳng có một sự đảm bảo nào, một khi nhan sắc xuống cấp, sẽ bị đá ra khỏi cuộc chơi. Cô cũng không còn lòng dạ nào mà nghĩ tới việc tái hôn. Cô thấy hôn nhân như một canh bạc, vận may không tới thì đừng học theo người khác.
[1] Hải Tử: sinh ngày 24 tháng 3 năm 1964, người huyện Hoài Ninh – tỉnh An Huy. Tên thật của ông là Tra Hải Sinh. Năm 1979, ông đỗ vào khoa Luật – đại học Bắc Kinh khi mới mười lăm tuổi và bắt đầu làm thơ trong những năm học đại học. Ngày 26 tháng 3 năm 1989, ông nằm trên đường ray tự sát ở Sơn Hải Quan, khi đó ông mới 25 tuổi.
Ngoài áp lực cuộc sống, Thuấn Nhân còn một nỗi lo sợ khác. Cô biết Triệu Chấn Đào không bao giờ bỏ qua cho mình, hắn ta hận Thuấn Nhân đến nỗi muốn ép cô vào đường chết. Hắn ta có bản lĩnh làm cho tòa án phải ra quyết định trao quyền nuôi con cho hắn.
Cô càng nghĩ càng thấy sợ hãi, giống như trong đêm đen bỗng gặp ác quỷ, nó chồm tới, lấy đi tính mạng mình bất cứ lúc nào. Nỗi sợ hãi khủng khiếp ấy thậm chí khiến cô quên mất lòng tự tôn của người phụ nữ. Cô đến tìm Lý Triệt nhờ giúp đỡ, nhưng Lý Triệt không có cách nào, thân anh ta còn chưa lo xong, huống chi lo thêm cho hai mẹ con Thuấn Nhân.
Nhưng may mà Lý Triệt cho cô số điện thoại của Tử Chấn. Cô đến quán net gọi cho anh. Khi đầu máy bên kia cất lên giọng nói quen thuộc, cô nói như bị ma xui quỷ khiến: “Anh khỏe không? Em sống hạnh phúc lắm, em gọi điện hỏi thăm anh xem tình hình sức khỏe thế nào?”
Tử Chấn nói: “Em đang gặp phải chuyện gì phải không?”
Anh càng vặn hỏi, giọng Thuấn Nhân lại càng tỏ ra vui sướng: “Không có, chỉ là lâu rồi không liên lạc với anh, bỗng thấy muốn gọi cho anh thôi. Anh thế nào?”
Cô ngừng lại một lát, rồi lại hỏi tiếp: “Anh kết hôn chưa?”
Tử Chấn nói: “Việc này có liên quan gì tới em? Em muốn nghe câu trả lời thế nào?”
Giọng anh có vẻ uể oải, hình như là đang nằm trên giường, bên cạnh có lẽ còn có một cô gái trẻ. Ánh mắt Thuấn Nhân hướng về màn hình vi tính màu xanh biếc, hình ảnh cậu thanh niên năm đó bỗng trở nên xa vời. Anh dường như đang ở trên mây, còn Thuấn Nhân lại đang đứng dưới trần gian.
Cứ để giấc mơ trôi qua, giờ chúng ta thuộc về hai thế giới xa lạ.
Thuấn Nhân từ từ nói: “Thế nhé. Chúc anh hạnh phúc.”
Không chờ Tử Chấn trả lời, cô liền dập máy, lặng lẽ đến quầy tính tiền, tổng cộng ba tệ. Đấy là cái giá mà cô trả cho một giấc mơ. Ra khỏi cửa hàng net, cô lấy điện thoại ra, nhìn chằm chằm vào số điện thoại của Tử Chấn một lúc, rồi ấn phím xóa. Trên màn hình vẫn là hình ảnh cậu thanh niên mặc bộ đồ đen ngày đó, cô đưa màn hình điện thoại lên hôn một cái, sau đó đổi một hình ảnh khác.
Đối với Triệu Chấn Đào, Nhan Thuấn Nhân đã hủy hoại tất cả mọi thứ của hắn ta, không chỉ phá hỏng cuộc hôn nhân thứ hai, hơn thế nữa cô còn phá hỏng sự tôn nghiêm của một thằng đàn ông, hủy hoại tia hy vọng cuối cùng của hắn đối với phụ nữ. Điều này khiến hắn ta không thể tha thứ cho Thuấn Nhân.
Đứa con gái chính là mạng sống của Thuấn Nhân, hắn phải cướp lấy nó từ tay cô.
Thế là Triệu Chấn Đào chủ động xin ly hôn, pháp luật nhanh chóng thụ lý vụ việc, Nhan Nhan giao cho bố nuôi.
Bản án sơ thẩm được đưa ra, Thuấn Nhân lập tức khởi kiện. Triệu Chấn Đào nói giọng thách thức: “Cô chỉ còn một cơ hội cuối cùng thôi. Lần phán quyết thứ hai này, cô cút xéo một mình đi. Cô đừng hòng đòi mang đi dù chỉ một sợi tóc từ cuộc hôn nhân này!”
Cuối cùng, Thuấn Nhân không thể kiềm chế được nữa, cô nói giọng van nài: “Chỉ cần đừng mang con tôi đi, cái gì cũng có thể thương lượng được, nếu quả thực không được thì tôi cũng không ly hôn nữa.”
Triệu Chấn Đào nói: “Nhưng tôi chẳng cần cô nữa. Cô cần con gái phải không? Được thôi, tôi ra một cái giá.”
Thuấn Nhân nhìn thấy Triệu Chấn Đào giơ một ngón tay lên, không rõ lắm liền hỏi: “Một triệu?”
Triệu Chấn Đào lắc đầu: “Mười triệu.”
Thuấn Nhân nắm lấy tay áo hắn ta, lấy hết sức cắn vào tay, hắn đá Thuấn Nhân ra, nhưng không có tác dụng gì.
Hắn ta bắt đầu thấy sợ người đàn bà này, mắt nhòm ngó tứ phía kêu cứu: “Cứu tôi với! Người đâu? Con đàn bà này điên rồi!”
Có người tới kéo cô ra, tóc tai Thuấn Nhân rối bù, răng đỏ máu. Cô như con hổ dữ cố lao vào Triệu Chấn Đào, nhưng không được nữa rồi, cô gào khóc thảm thiết.
Nhan Nhan sợ quá, Triệu Chấn Đào ôm lấy đưa bé bỏ vào trong xe, phóng đi. Khi chiếc xe đến chỗ rẽ, Nhan Nhan mới gọi trong tuyệt vọng: “Mẹ ơi…”
Cô quá nghèo, quá thất bại, còn Triệu Chấn Đào lại quá thành công. Sẽ không có ai cho rằng giao con cho một người mẹ như vậy là sự lựa chọn sáng suốt. Đến tiền bảo hiểm cơ bản nhất, Thuấn Nhân còn nộp không nổi, huống chi là lo cho một đứa trẻ.
Cô đành liều một phen, cướp Nhan Nhan từ tay Triệu Chấn Đào.
Cô thăm dò vị trí của nhà trẻ, tính đường rời khỏi trường, sau đó vào giờ học, cô đón Nhan Nhan. Đón được Nhan Nhan rồi ba chân bốn cẳng chạy, vẫy một chiếc taxi. Ngồi lên xe an toàn rồi, Thuấn Nhân ôm lấy Nhan Nhan thở hổn hển, hai mẹ con nhìn nhau cười.
Từ nay Nhan Nhan không được đến lớp nữa, nhưng cô bé rất sung sướng vì được quay về bên người mẹ thân yêu. Hằng ngày cô bé theo mẹ tới công ty vệ sinh. Khi Thuấn Nhân làm việc, Nhan Nhan chơi đồ chơi trong phòng dành cho công nhân vệ sinh, cứ cách nửa tiếng cô bé lại đưa ly nước cho mẹ uống. Lúc Thuấn Nhân bận bịu nhất, Nhan Nhan lại giúp mẹ mấy việc lặt vặt như đưa giẻ lau.
Buổi trưa, hai mẹ con ăn chung một hộp cơm, Thuấn Nhân gắp những miếng ngon đưa cho Nhan Nhan, nhưng cô bé nhất quyết đòi chia cho mẹ một nửa, nếu không sẽ không ăn.
Thuấn Nhân bắt đầu nghĩ tới việc quay về huyện Uyển. Ở đó còn có nhà với mấy mẫu đất, dựa vào khả năng của cô, việc kiếm sống chắc cũng không đến nỗi khó khăn. Nhưng nghĩ tới tương lai của Nhan Nhan, Thuấn Nhân lại do dự. Cô rất muốn Nhan Nhan có được một tương lai tươi đẹp, tốt nhất là vào được một trường đại học kha khá, được ra nước ngoài để cảm nhận thế giới, sau đó, tranh thủ lúc còn trẻ lấy một chàng trai đáng tin cậy.
Cô không dám dùng di động, cô sợ hệ thống giám sát mạng điện thoại của cảnh sát sẽ cho Chấn Đào biết được nơi ở của hai mẹ con, rồi bắt họ giữa biển ngưởi mênh mông. Cô cũng không dám đi tìm người quen, mặc dù người quen cũng chỉ có hai người là Lý Triệt và Trịnh Học Mẫn.
Cô không biết bao giờ mình mới chấm dứt những ngày tháng sống chui lủi này, làm thế nào mới kết thúc được đây. Cô cũng không còn sức để suy nghĩ nữa, cô bằng lòng ôm lấy đứa con bé bỏng, được ở bên con, cùng con ngắm mặt trời lặn, mặt trời mọc, hai mẹ con sẽ dựa vào nhau mà sống.
Nhan Nhan rất nhớ các bạn ở nhà trẻ, Thuấn Nhân dẫn cô bé nấp ở một góc nhìn các bạn chơi đùa. Nhan Nhan cũng không gọi to tên các bạn giống như ngày trước nữa, cô bé lặng lẽ nhìn những gương mặt quen thuộc, cắn chặt môi, không nói một lời.
Lúc ra về, Nhan Nhan cứ ngoái đầu nhìn về hướng nhà trẻ, cô bé rụt rè nói với mẹ: “Mẹ, thứ Bảy tuần sau có liên hoan, cô giáo chọn con lên múa, con muốn tham gia.”
Thuấn Nhân nhìn gương mặt đầy hy vọng của đưa con mà lòng không có sự lựa chọn nào khác. Cô nói: “Được, mẹ sẽ dẫn con đi!”