Nhưng lỗi một phần cũng do Thuấn Nhân, quần áo cô bé mặc không giống các bạn, không hòa nhập vào đám đông, đặc biệt là khi đi đường, nhìn thấy bạn cũng không thèm chào một tiếng. Ngoài bạn ngồi cùng bàn tên là Châu Văn biết Thuấn Nhân bị cận thị thì ấn tượng của tất cả các bạn trong trường về cô bé không hề thay đổi, dường như câu cửa miệng là “chỉ biết mình, kiêu ngạo, không lịch sự” của các bạn dành cho Thuấn Nhân đã được định sẵn rồi.
Cũng may là thái độ của các bạn nam đối với Thuấn Nhân còn tốt hơn. Tuy cũng có người hòa vào các bạn nữ nói xấu Thuấn Nhân, nhưng cũng có người giúp Thuấn Nhân chép bài trên lớp, xách cặp, thậm chí khi trời mưa còn nhường ô cho cô bé, còn mình thì ướt nhèm.
Thuấn Nhân không cảm thấy mang ơn bọn họ, bởi Châu Văn từng nói cho Thuấn Nhân nghe, sau lưng bọn họ không dành cho mình một lời tốt đẹp nào đâu, thậm chí còn thêu dệt những tin đồn thất thiệt, trong đó có chuyện chép bài hộ, xách cặp hay cho mượn ô dù…
Tối hôm sinh nhật, Thuấn Nhân dẫn Châu Văn về nhà cô Xuân Nam ăn cơm. Ăn cơm xong, hai đứa làm bài tập trong phòng của Thuấn Nhân, cô bé đem món quà mà cô tặng ra cho Châu Văn xem, là một chiếc máy nhắn tin màu đen dễ thương. Châu Văn dùng bút mực ghi lại số máy nhắn tin của Thuấn Nhân vào vở nháp của mình.
Thuấn Nhân nói: “Thực ra cái này đối với tớ cũng không có tác dụng gì lắm, ngày nào chúng mình cũng gặp nhau, trong nhà lại có điện thoại bàn.”
Châu Văn suy nghĩ, một lúc sau, đôi mắt bỗng sáng lên: “Cậu cho các bạn dưới quê số máy này đi, chẳng phải bạn từng nói, dưới quê còn mấy người bạn nữa sao?”
Thuấn Nhân được nhắc nhở, vội vàng cầm máy lên gọi về nhà cho Trăn Trăn. Trăn Trăn hỏi: “Tớ gọi cho cậu thì có được tính là điện thoại đường dài không?”
Thuấn Nhân không rõ lắm, nói: “Cậu cho Tử Chấn số của tớ nhé?”
Trăn Trăn nói: “Tuần trước Tử Chấn đánh nhau với anh họ tớ, cậu ấy lấy bình xăng ở bếp đốt củi ở sau nhà tớ, cháy hết cả bếp rồi. Bố tớ mới đưa cậu ấy đến trình công an, cậu ấy bị nhốt ở đó hai ngày, sau đó, bà ngoại của cậu ấy đến đón về Bắc Kinh rồi.”
Thuấn Nhân lặng đi một lúc lâu rồi mới nói được một câu: “Cậu có biết số điện thoại của nhà bà ngoại Tử Chấn không?”
Trăn Trăn nói: “Không biết, khi cậu ấy đi, tớ không có ở nhà.”
Châu Văn thấy Thuấn Nhân mãi không nói được lời nào, liền dùng bút gõ gõ vào tay Thuấn Nhân. Thuấn Nhân mới chợt tỉnh lại, cúp máy, đầu óc vẫn đang nghĩ tới cậu bạn Tử Chấn. Thuấn Nhân mở cửa, đi ra phòng khách. Lúc đó, cô Xuân Nam đang ngồi trên sofa xem ti vi. Thuấn Nhân đi đến trước mặt cô, để chiếc máy nhắn tin xuống bàn: “Cô ơi, cái này cháu không dùng đến, hay là cho các em dùng đi, chúng nó nhiều bạn hơn cháu mà.”
Cô Xuân Nam nói: “Cháu cứ cầm lấy đi, có cái này rồi mới có cái để mà kết bạn chứ.”
Thuấn Nhân lắc đầu.
Trên ti vi, cô gái có khuôn mặt tràn đầy sức sống như vườn đào giữa tiết trời tháng Hai ở miền quê, giọng ca ngọt ngào, cô gái hát: Em có thể chối từ bao tình yêu, em có thể quên đi bao giấc mộng, nhưng em không thể nào quên được gương mặt với nụ cười dịu dàng của anh.
Nhà văn Sarah người Mỹ viết rằng: “Cuộc sống là một con đường đẹp nhưng lại quanh co. Bên đường, những con bướm đang đậu trên những bông hoa sặc sỡ, có vô số hoa thơm trái ngọt, nhưng chúng ta rất ít khi dừng lại vãn cảnh, hoặc hái quả ngọt. Chúng ta chỉ cố gắng, khát khao đi tìm một con đường rộng lớn, tươi sáng hơn trong sự hoang tưởng của mình. Thế nhưng trong hành trình tiến về phía trước ấy, dần dần chúng ta lại rơi vào bóng tối ảm đạm, hoa thơm quả ngọt đâu chẳng thấy, cuối cùng lại phát hiện ra mình lạc vào sa mạc.”
Rất nhiều năm sau, Thuấn Nhân mới biết đại đa số con người đều như thế. Nhưng cô lại không nằm trong số này. Thực ra, nằm trong số nào cũng thế cả. Ai cũng muốn mình đạt được những thứ mà mình khao khát. Thế nhưng, cuối cùng của cuối cùng, chúng ta thật sự đã giành được cái gì?
Ông nội của Thuấn Nhân mất trước khi Thuấn Nhân thi đại học một năm, còn chưa kịp nhìn thấy tờ giấy báo đỗ đại học của cháu gái. Có lúc Thuấn Nhân nghĩ, ông nội chưa nhìn thấy cũng hay, cô chỉ thi đỗ vào một trường đại học tổng hợp của tỉnh, không phải trường loại một, tuy cũng là trường tốt, nhưng so với những trường lừng lẫy mà cha ông đã học thì thật thua kém vô cùng. Ngày thông báo kết quả, Thuấn Nhân và Châu Văn tay trong tay đến trường. Nguyện vọng của hai cô gái đều là khoa Ngôn ngữ. Châu Văn muốn sau khi tốt nghiệp sẽ về trường trung học, nơi mà bố mẹ cô đang công tác để làm giáo viên dạy văn, còn Thuấn Nhân, cô Xuân Nam đã thương lượng với trường, đầu ra sau khi tốt nghiệp sẽ không có vấn đề gì.
Thuấn Nhân nhận sách, đến lượt Châu Văn, quyển Tâm lý học văn nghệ đã phát hết, thầy giáo đến kho sách lấy thêm. Thuấn Nhân đứng đợi Châu Văn, các bạn nam đang xếp hàng chờ đợi, rảnh rỗi lại nhìn cô, Thuấn Nhân nói với Châu Văn: “Mình đợi bạn ở sân vận động nhé.”
Cô ngồi xuống ghế đá dưới bóng cây râm mát, giở quyển sách mới trên tay ra đọc, vừa nhìn bìa vừa đọc thầm tên sách, thỉnh thoảng lại ngẩng lên. Một sinh viên nam đang nhìn Thuấn Nhân. Cô vốn bị cận thị, nên cũng không dám chắc, nhưng dựa vào hướng khuôn mặt của cậu ta với lại chỗ mình ngồi thì chắc chắn là cậu ta đang nhìn mình.
Cảm thấy không được thoải mái lắm, cô định đứng lên đi về thì thấy Châu Văn ôm một chồng sách chạy tới, gọi lớn: “Nhan Thuấn Nhân!”
Châu Văn vừa dứt tiếng gọi, cậu sinh viên kia liền bật lên như lò xo: “Nhan Thuấn Nhân!”
Thuấn Nhân sợ hãi, lặng người ngồi đó. Cậu ta mặt mày tươi cười, nói: “Đúng là em rồi!”
Thuấn Nhân nghi ngờ nhìn cậu ta, bỗng sung sướng hét lên: “Lý Triệt!”
“Là anh đây! Anh cũng tới đăng ký.” Lý Triệt nhìn thấy quyển sách Thuấn Nhân đang cầm trên tay. “Em học khoa Văn à? Anh học khoa Công nghệ thông tin. Lâu lắm không gặp, em giờ sành điệu quá!”
“Thế trước đây em quê mùa lắm sao?” Thuấn Nhân cười rồi kéo tay Châu Văn: “Giới thiệu một chút nhé, đậy là bạn thân nhất của em thời trung học, tên là Châu Văn.”
Lý Triệt cũng tự giới thiệu về mình.
Châu Văn cười ha ha, nói: “Anh đẹp trai quá!”
Thuấn Nhân cũng cười theo: “Đương nhiên rồi, khi còn ở huyện Uyển, mỗi lần Lý Triệt chơi bóng rổ là có đến mấy chục bạn nữ đứng ngoài cổ vũ.”
Trên khuôn mặt Châu Văn lộ rõ vẻ hâm mộ và thán phục. Thuấn Nhân cũng thấy nở mày nở mặt, càng muốn tỏ ra mình với Lý Triệt rất thân thiết, thế là cô liền nói với Lý Triệt: “Cùng ăn cơm nhé, chúc mừng ngày tái ngộ của chúng ta.”
Lý Triệt gật đầu, Châu Văn cũng muốn thể hiện sự gần gũi, hỏi: “Anh thích ăn cái gì?”
Lý Triệt nhìn Thuấn Nhân, Thuấn Nhân nói: “Anh ấy thì cái gì cũng được. Tớ sẽ dẫn hai người đi, tớ biết chỗ có đồ ăn ngon.”
Lý Triệt đỡ đống sách đang ở trên tay hai cô bạn, để vào giỏ xe đạp, rồi dắt xe đi. Ba người vừa đi vừa nói chuyện rôm rả. Thuấn Nhân hỏi thăm Trăn Trăn, hóa ra cô ấy đã thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Bắc Kinh. Thuấn Nhân bỗng cảm thấy tự ti, trong lòng thoáng một chút buồn. Lý Triệt thấy cô không nói gì, bèn quay ra nói chuyện với Châu Văn.
Thuấn Nhân nghĩ, sau này Trăn Trăn nhất định sẽ rất thành đạt, còn mình thì sẽ bị vùi dập ở cái tỉnh lẻ này cả đời. Mình cũng có thể coi là đã nỗ lực học hành, nhưng thành tích thì lại xoàng xoàng, tương lai sau này chắc cũng như thế là cùng, chăm chỉ, cố gắng, nhưng chẳng để làm gì.
Cái danh “tự cho mình là nhất” mà các bạn đặt cho Thuấn Nhân từ hồi học trung học, giờ lên đại học vẫn đúng, và có cả những lời thêu dệt. Càng về sau, lời đồn càng lan rộng, có người nói nhìn thấy Thuấn Nhân hẹn hò với một bạn nam trong công viên, người ác ý hơn thì nói Thuấn Nhân đợi phòng làm việc hết người rồi mới đến tìm chủ nhiệm khoa, có người còn nói Thuấn Nhân thuê phòng trọ để ở cùng với một người con trai, mà người này chính là bạn cùng lớp, chỉ có điều mỗi lần đi ra khỏi phòng trọ đều là lúc tờ mờ sáng nên không nhìn rõ mặt.
Đối với Thuấn Nhân, những lời thêu dệt kia chưa đủ để làm chấn động trường học, đến khi trên trang báo mạng của trường xuất hiện tấm hình Thuấn Nhân chụp chung với một bạn nam. Ảnh đã được xử lý, vì dùng ảnh trong thẻ sinh viên của Thuấn Nhân nên gương mặt có nét nghiêm nghị. Trong bức hình này, cần phải có sự thân mật một chút thì nó lại hơi gượng gạo. Bối cảnh trong bức ảnh là ký túc nam, còn nhìn thấy cả khăn mặt phơi trên dây thép trong phòng.
Sự việc làm ầm ĩ cả phòng giáo vụ, lãnh đạo, thầy cô trong trường còn mở một cuộc họp nói về vụ việc này. Thầy cô cho rằng, quần áo của hai người trong bức ảnh chỉnh tề, chỉ là cử chỉ hơi thân mật, hơn nữa vừa nhìn là biết ngay có dùng photoshop, nên không có vấn đề gì nghiêm trọng. Cuối cùng chỉ nhắc nhở, cảnh cáo kẻ đã tung bức ảnh này lên mạng rồi thôi.
Tuy ai ai cũng biết bức ảnh đó là giả, nhưng nó vẫn trở thành trò cười của sinh viên trong trường. Nhẫn nhịn được hơn một năm Thuấn Nhân mới xông tới ký túc nam. Nhìn thấy nam sinh kia đang thổi sáo, Thuấn Nhân bèn giật lấy cây sáo, ném ra ngoài cửa sổ. Cây sáo bay trong không trung rồi rơi xuống thảm cỏ dưới sân, nằm chỏng chơ không tiếng nhạc.
Trên tầng lại được dịp xôn xao.
Thuấn Nhân không biết chửi bới, nhìn thấy cây lau nhà bằng nhựa đang để ở góc tường liền cầm lấy, đánh tới tấp vào người cậu bạn kia. Mấy tên con trai còn lại vốn thích xem đánh nhau, nhưng nhìn thấy mặt Thuấn Nhân giận dữ đùng đùng, môi mím chặt, liền ba chân sáu tay đến lôi Thuấn Nhân ra. Giằng co không lại với đám con trai, Thuấn Nhân bị chúng lôi ra ngoài, lúc đó, cô còn cố hết sức ném cây chổi lau nhà vào người cậu sinh viên kia.
Về đến phòng, Thuấn Nhân ngồi khóc trên giường. Các bạn nữ cùng phòng lại tỏ ra vui mừng trước nỗi đau khổ người khác, chẳng có ai đến an ủi cô ấy, chỉ có Châu Văn hai mắt đỏ hoe đến ôm lấy Thuấn Nhân dỗ dành, an ủi.
Chuyện này có thể thêm mắm thêm muối để trở thành một cuộc ẩu đả vì tình, nhưng ngược lại, trên trang báo mạng của trường đăng một topic: “Loạt ảnh nóng của đám con trai mất nết.” Trong bức ảnh, nhân vật nam chính lại là tên con trai đã tung ảnh Thuấn Nhân và một nam sinh lên mạng, cậu ta đang ôm một cô gái không một mảnh vải che thân. Sự việc này đến tai hiệu trưởng, ông giận dữ gọi Lý Triệt và cậu kia lên phòng giám hiệu. Thế là lại xuất hiện một đề tài để bàn tán.
Châu Văn chạy về kể cho Thuấn Nhân nghe chuyện Lý Triệt và cậu kia bị gọi lên phòng giám hiệu viết bản kiểm điểm. Thuấn Nhân liền gọi Lý Triệt lại an ủi.
“Em không biết phải cảm ơn anh thế nào.” Thuấn Nhân chân thành nói: “Cảm ơn anh đã giúp em, em sẽ lấy hết tiền của tháng này ra mời anh một bữa thật ngon.”
Lý Triệt nghiêm túc lắc đầu: “Anh giúp em không phải là vì anh muốn em mời anh đi ăn. Thuấn Nhân, nếu cứ như thế này sẽ không được đâu, phải có người đứng ra bảo vệ em. Em làm bạn gái của anh nhé?”
Thuấn Nhân không ngờ Lý Triệt lại nói như vậy. Cô đỏ bừng mặt, cúi đầu nhìn xuống chân mà không nói câu nào.
Lý Triệt lại nói: “Anh chỉ muốn tốt cho em thôi, chúng mình cùng quê, anh sẽ không hại em đâu.”
Thuấn Nhân suy nghĩ một lúc, rồi ngẩng đầu nhìn Lý Triệt, nói: “Năm thứ ba hãy bắt đầu được không? Đợi khi em tròn hai mươi tuổi. Ông nội em đã nói, sau hai mươi tuổi mới được yêu.”
Lý Triệt gật đầu.
Vẫn biết rằng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, nhưng cách mà cái kim lòi ra cũng thật khó hiểu. Việc hẹn ước với Lý Triệt, ngay cả với Châu Văn, Thuấn Nhân cũng không hề tiết lộ, thế mà chưa được nửa học kỳ, cả trường đều đã đồn ầm lên, thủ phạm chỉ có thể là Lý Triệt.
Thuấn Nhân trách Lý Triệt không giữ lời. Lý Triệt thì lại phủ nhận.
Một lần tình cờ, Thuấn Nhân đến thư viện mượn sách thì gặp Lý Triệt đi đằng trước cùng với một người bạn nam, Lý Triệt nói: “Thế nào? Ngưỡng mộ chưa? Dựa vào trí thông minh kém cỏi của bọn cậu mà tán được Thuấn Nhân mới là lạ.”
Thuấn Nhân tức giận hét lên: “Lý Triệt, anh đến đây!”
Lý Triệt cười hi hi, chạy tới trước mặt Thuấn Nhân: “Chuyện gì thế?”
Thuấn Nhân tức đến phát điên, quát vào mặt Lý Triệt: “Hóa ra là anh nói, vì sao còn chối?”
Lý Triệt vẫn cười thản nhiên: “Thì làm sao nào, sao lại trách anh thế? Chúng ta đã nói rồi mà, đây chỉ là chuyện sớm muộn thôi. Anh nói ra, sẽ không có ai bắt nạt em nữa.”
Thuấn Nhân không đáp, cảm thấy không vui, liền quay người bỏ đi.
Lý Triệt nói: “Cuối tuần khoa anh tổ chức đi cắm trại, em đi cùng nhé!”
Thuấn Nhân không quay đầu lại, chỉ nói: “Không đi, cô em không cho ngủ qua đêm ở ngoài.”
Lý Triệt thấy mất hứng, bọn con trai đứng xem vẫn chưa chịu đi, bọn họ thấy vậy liền chế giễu Lý Triệt: “Cậu thông minh quá ha, thông minh thì cũng chỉ đến thế là cùng, thế mà cũng gọi là bạn gái à?”
Lý Triệt đỏ mặt tía tai: “Sao lại không phải là bạn gái tớ chứ? Cái gì cô ấy cũng nghe tớ đấy.”
Đám con trai kia càng làm hăng: “Rõ ràng cậu và con bé đó chưa có gì với nhau. Trường này bao nhiêu đôi, có đôi nào kỳ quặc như bọn cậu không? Chả đẹp đôi tí nào, mỗi người một phách… Tớ khuyên thật, đừng có ngốc nữa, con gái trước sau gì cũng bị khóa môi thôi, đất ruộng phì nhiêu mà không trồng lúa, đấy không phải là cao thượng, mà là não có vấn đề! Nghe nói con gái không quên được người đàn ông đầu tiên, cậu không muốn Thuấn Nhân quên cậu cả đời này chứ?”
Lý Triệt không phản đối, hay nói cách khác, những lời này đối với Lý Triệt quá có lý. Nó gần với cái ngăn bí mật nơi sâu thẳm trong lòng Lý Triệt, mà cậu cho rằng, ngăn bí mật này chẳng sáng sủa chút nào.
Đêm đến, khi ký túc xá tắt đèn đi ngủ cũng là lúc bọn con trai thích bàn tán về bọn con gái trong trường. Thuấn Nhân là một đề tài nóng hổi để chúng lôi ra bình luận. Lúc này, bọn cùng phòng lại hỏi dò về mối quan hệ giữa Lý Triệt và Thuấn Nhân. Lý Triệt trả lời qua loa cho xong chuyện.
Khi không có giờ tự học, có lúc mấy thằng con trai trốn trong phòng xem phim sex. Lý Triệt xem rất say sưa, cậu ta hẹn Thuấn Nhân mấy lần, nhưng đều bị cô từ chối.
Thuấn Nhân bức xúc nói với Châu Văn. Châu Văn đáp: “Con trai đều như thế hết, chỉ cần cậu ta yêu cậu là được rồi. Lý Triệt tốt đấy chứ, học giỏi, lại đẹp trai, rất nhiều người thích cậu ấy. Cậu biết không, tớ cũng thèm được như cậu lắm đấy, cho nên cố mà giữ lấy.”
Lời của Châu Văn khiến Thuấn Nhân thắc mắc không biết mình có quá đáng lắm không.
Ngày Thanh niên Trung Quốc[1], trường tổ chức đi picnic. Thuấn Nhân và Châu Văn muốn chèo thuyền. Lý Triệt nhảy xuống thuyền, lấy giấy lau lau chỗ ngồi. Thuấn Nhân nhìn thấy cậu ta vo tờ giấy lại, rồi ném vào thùng rác trên bờ.
[1] Ngày Thanh niên Trung Quốc là ngày 4 tháng 5, để kỷ niệm cuộc vận động Ngũ Tứ vào ngày 4 tháng 5 năm 1919.
Lý Triệt đưa tay dìu Châu Văn xuống trước, sau đó dắt tay Thuấn Nhân xuống theo.
Trời chiều nắng nóng, nắng chiếu xuống mặt nước rồi phả lên mặt. Thuấn Nhân mặt mày đỏ ửng, đưa tay lau những giọt mồ hồi đọng trên trán. Lý Triệt đưa cho cô chai nước lọc, uống xong, mặt Thuấn Nhân càng nóng bừng, hai mắt trũng xuống như đang buồn ngủ.
Thuấn Nhân nói: “Chết rồi, nóng quá, tớ thấy chóng mặt, tớ muốn về trường.”
Châu Văn dùng hết sức chèo thuyền: “Cậu bị cảm nắng rồi. Cậu về trước đi, tớ chơi một lúc nữa rồi về.”
Lý Triệt cho thuyền ghé sát vào bờ, nói đợi mấy bạn kia rồi sẽ đưa Thuấn Nhân về. Thuấn Nhân nói: “Em ngồi xe buýt về trường cũng được, anh chơi tiếp đi.”
Lý Triệt kéo Thuấn Nhân lại nói: “Chúng mình cùng về trường vậy.”
Đang là ngày nghỉ, các sinh viên lại đi picnic gần hết, trường rất vắng vẻ. Muốn vào ký túc nữ phải đăng ký, Lý Triệt bèn đưa Thuấn Nhân về phòng mình, dìu cô nằm xuống giường.
Thuấn Nhân ngủ mê man, khi mở mắt trời đã tối đen. Nghĩ rằng mình phải về nhà ngay, nhưng mới nhấc người lên thì cảm thấy bên dưới đau vô cùng. Giật mình, cô sờ lên người, quần áo đâu hết rồi? Một người con trai ngồi cạnh giường, trong bóng tối cũng có thể nhận ra đấy là Lý Triệt. Lưỡi Thuấn Nhân tê dại hẳn đi, mãi không nói được lời nào.
Lý Triệt thấy Thuấn Nhân tỉnh lại, liền hỏi: “Sao không thấy ra máu? Em còn trinh không?”
Thuấn Nhân giơ tay cào mặt Lý Triệt, cổ họng nấc nghẹn, khóc không ra tiếng, miệng há to để thở. Lý Triệt thấy hơi sợ, ôm Thuấn Nhân vào lòng: “Anh chỉ thuận miệng hỏi vậy thôi, không thấy ra máu nên cuộc vui không được trọn vẹn cho lắm, anh tin đây là lần đầu tiên của em. Anh sẽ cưới em, em đừng như thế, thật đấy, anh nhất định sẽ kết hôn với em!”
Thuấn Nhân run lên vì tức giận, khó khăn lắm mới nói thành lời: “Anh đã cho cái gì vào chai nước?”
Lý Triệt không trả lời.
Thuấn Nhân lau nước mắt tìm quần áo, vừa khóc vừa khoác chiếc áo lên người, những chiếc cúc cứ như đang nhảy múa, không sao cài lại được. Cúi xuống nhìn chiếc cúc mà hai hàng nước mắt tuôn rơi, lần tay đóng cúc mà vẫn không sao làm được. Lý Triệt muốn giúp, nhưng Thuấn Nhân lại lùi về phía sau, cậu ta đành rút tay lại, đứng nhìn Thuấn Nhân mặc quần áo rồi đi giày, mở cửa chạy ra ngoài. Lý Triệt muốn đuổi theo nhưng lại không dám, đành đứng trên ban công nhìn bóng dáng mảnh mai của Thuấn Nhân dần dần xa khuất.
Cúc vàng đang nở rộ, hương thơm ngào ngạt, thỉnh thoảng có cơn gió nhẹ thổi tới làm rơi mấy cánh hoa, như những linh hồn cô đơn rơi xuống bên đường.
Ngày hôm sau, Lý Triệt đứng chờ Thuấn Nhân ở cửa lớp, nhìn thấy Châu Văn một mình đi ra, vội hỏi: “Thuấn Nhân đâu?”
Châu Văn đáp: “Cậu ấy nghỉ học về quê rồi.”
Lý Triệt giật mình, buông một câu: “Cô ấy bỏ học rồi sao?”
Châu Văn cười nói: “Đang học, bỏ làm sao được mà bỏ? Chắc là về quê chơi thôi, mấy hôm nữa lại lên ấy mà.”
Lý Triệt thở phào nhẹ nhõm, bỗng nhớ ra một việc, hỏi: “Châu Văn, sau khi tốt nghiệp, Thuấn Nhân sẽ ở lại tỉnh chứ?”
Châu Văn gật đầu. Lý Triệt nói: “Thực ra thì ở tỉnh cũng không hẳn là lựa chọn tốt nhất, anh ở đây hơn ba năm rồi, cảm thấy cũng thế cả, nên đến những thành phố lớn xem sao. Nghỉ hè, anh tính đưa Thuấn Nhân đến Bắc Kinh tìm bạn, em có đi không?”
“Hai người đi cùng nhau, em chen vào làm gì? Em không đi đâu.”
Lý Triệt cười: “Đúng rồi, người nhà của Y Na lớp em ở Bắc Kinh làm chức to lắm đúng không?”
Châu Văn lại gật đầu. Lý Triệt nói: “Thế em rủ bạn ấy đi cùng, bốn anh em mình cùng đi Bắc Kinh chơi một chuyến nhé?”
Châu Văn vui mừng nhảy cẫng lên: “Thật là một ý kiến hay!”
Căn nhà ở đường Thạch Bản lâu rồi không có người ở, ổ khóa đã bị gỉ. Thuấn Nhân cố gắng mở nhưng không được. Cô liền chạy tới chỗ anh họ của Trăn Trăn nhờ giúp đỡ. Vị Kỳ nhìn thấy Thuấn Nhân về thì vui mừng khôn xiết, hai tay đưa ra định ôm lấy vai Thuấn Nhân, nhưng cô lùi lại, hỏi: “Trăn Trăn có hay về quê không anh?”
Vị Kỳ đáp: “Đi ba năm mà chỉ về có một lần. Chắc là ở Bắc Kinh sướng quá, nên quên mất làng quê nghèo này rồi.”
Thuấn Nhân không đáp, chỉ đứng sau chờ Vị Kỳ mở khóa. Mở xong, Thuấn Nhân cảm ơn Vị Kỳ rồi bước vào nhà, chốt cửa lại.
Vừa bước vào đã nhìn thấy tấm di ảnh của ông nội treo trên tường với hàm râu dài ngay ngắn, gương mặt nghiêm trang. Thuấn Nhân lấy cái chổi sau cửa, cúi xuống quét từng lớp bụi trên nền nhà, bụi chất thành một đống nhỏ trên nền đá hoa cương, mấy giọt nước rơi xuống nền nhà. Thuấn Nhân lặng đi một hồi, ngẩng lên, hai mắt nhạt nhòa. Lại nhìn ông, Thuấn Nhân chạy tới, ôm chặt khung ảnh vào lòng, môi run run, một lúc lâu sau mới thốt ra được hai tiếng: “Ông nội!”