• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Chủ nhật, ngày 11

Hôm nay "Chú phó nề" lại tôi chơi, chú mặc áo cũ của cha chữa lại, hãy còn nguyên cả vết vôi và thạch cao.

Anh Antôniô vui tính lắm, mới gặp anh lần đầu mà cha tôi đã thích.

Vừa tới cửa, anh lột mũ cát két đẫm tuyết bỏ túi rồi thủng thình bước vào như bộ người thợ mệt, nhìn bên nọ, nhìn bên kia, mặt tròn như quả táo, mũi thì tẹt. Vào phòng ăn thấy bức ảnh "Chú hề gù", anh liền "nhăn mõm thỏ" ai trông thấy cũng phải tức cười.

Chúng tôi chơi xếp nhà cửa. Anh khéo tay quá, bầy những cầu và tháp rất tài tình. Anh cặm cụi và kiên tâm như một nhà nghề. Trong khi xếp đồ chơi anh kể chuyện cho chúng tôi nghe.

Nhà anh ở một gác xép. Tối tối, cha anh đi học lớp lao động để tập đọc. Năm nay anh mới tám tuổi rưỡi. Cha anh cao lớn như người khổng lồ, vào cửa hay chạm đầu, mà người anh thì bé nhỏ trái hẳn với cha.

Coi y phục của anh thì biết cha mẹ anh thương anh lắm. Áo anh đã kép thêm cho đỡ rét: ca vát đã do tay mẹ anh thắt rất diêm dúa và sạch sẽ.

Bốn giờ chiều, chúng tôi ăn quà ngay ở ghế trường kỷ. Lúc anh đứng lên, tôi thấy một vết trắng dây vào lưng ghế chực lau đi thì không hiểu sao cha tôi giữ tay tôi lại, rồi sau nhằm lúc không ai chú ý, cha tôi tự chùi lấy.

Trong lúc nô đùa, anh đánh đứt một cái khuy áo, mẹ tôi đơm lại cho anh. Anh đỏ mặt, sững người nhìn mẹ tôi khâu và nín thở, có lẽ anh đang áy náy vì đã làm phiền mẹ tôi.

Tôi cho anh xem những bức vẽ hoạt kê, anh bắt chước những bộ nhăn nhó trong tranh rất hệt khiến cha tôi phải bật cười. Hôm nay, "chú phó nề" được một ngày vui quá, lúc về quên cả đội mũ. Ra khỏi hè, như để tỏ lòng biết ơn, chú còn quay lại "nhăn mõm thỏ" với tôi một lần nữa.

Antôniô về rồi, cha tôi bảo:

_ Con ơi! Con có biết tại sao cha không cho con chùi ghế trong lúc bạn con còn ở đó? Vì làm thế tựa như mắng bạn đã làm bẩn? Những vết trắng ấy, con có rõ ở đâu ra không? Đó là ở quần áo của cha anh đã quệt phải trong khi làm việc. Những "dấu cần lao" ấy, ta phải kính trọng. Đó là cát bụi, đó là vôi, sơn: chứ không phải là dơ bẩn. Sự cần lao không bôi bẩn bao giờ. Thấy một người thợ đi làm về, con không nên nói:

_ Người này bẩn!

Con phải nói:

_ Trên áo người này có nhiều vết cần lao.

Những điều ấy, con nên ghi lòng. Con phải quí mến "chú phó nề" kia, trước hết vì đó là bạn con, sau nữa đấy là con một người lao động.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK