Thầy giáo chúng tôi mệt, nên cụ giáo lớp bốn xuống dạy thay. Cụ đã dạy qua trường trẻ con mù. Cụ là bậc kỳ cựu nhất trong giáo giới ở đây, tóc trắng như bông. Cụ nói giỏi và biết nhiều. Thoạt vào lớp, cụ trông thấy một cậu học trò một mắt phải đắp bông. Cụ liền lại gần hỏi thăm và khuyên rằng:
_ Con phải cẩn thận về đôi mắt lắm mới được!
Nhân dịp, Đêrôtxi hỏi cụ:
_ Thưa cụ, có phải trước cụ đã dạy ở trường trẻ con mù không?
Cụ đáp:
_ Phải, ta dạy đấy đến 5,6 năm.
Đêrôtxi nói khẽ:
_ Thưa cụ, cụ cho chúng con nghe qua chuyện trường ấy.
Cụ vào bàn giấy ngồi. Côretti mau miệng nói:
_ Thưa cụ, "trẻ mù", con biết rồi! Trường "trẻ mù" ở phố Nixơ ạ!
Cụ nói:
_ Các con nói tiếng "mù" bằng giọng rẻ rúng cũng như các con nói đến những tiếng "ốm đau" hay "nghèo khó". Các con có hiểu rõ "mù" là thế nào không? "Mù" nghĩa là suốt đời không nhìn thấy gì! Suốt đời không phân biệt ngày đêm không nhìn thấy vũ trụ, thấy mặt trời, thấy cha mẹ, thấy cảnh vật ở chung quanh mình và những đồ vật mình cầm đến! Suốt đời phải chìm đắm trong cõi tối tăm vô tận, khác nào như bị vùi sâu trong ruột quả đất!
Các con thử nhắm mắt lại và tưởng tượng nếu các con bị như thế trọn đời thì nỗi đau khổ của các con sẽ đến mực nào? Ta quả quyết rằng các con sẽ cảm thấy một sự áp bức đau đớn, một sự khủng bố không chịu đựng được. Các con sẽ phải phát ra những tiếng kêu tuyệt vọng...
Thế nhưng...khi người ta bước chân vào trường "kẻ mù" lần thứ nhất, trong lúc giờ chơi, khi người ta nghe tiếng cười câu nói ồn ào, trông thấy kẻ lên gác, người xuống thang, kẻ qua hành lang, người vào phòng ngủ một cách tự nhiên và vững vàng thì không ai bảo đó là những kẻ không nhìn thấy ánh nắng mặt trời! Muốn hiểu họ một cách tường tận hơn, ta phải để tâm xét họ về mọi phương diện.
Đây là những kẻ thanh niên chừng 16, 18 tuổi khoẻ mạnh và mau mắn, họ đã cam chịu mệnh trời và tỏ vẻ dửng dưng, nhưng coi nét buồn trên mặt họ ; ta có thể đoán trước khi ngậm dau, họ đã phải vật lộn với sự khổ thống thiết là dường nào?
Đây là những người hiền lành, sắc mặt xanh xao lộ vẻ nhẫn nhục âu sầu, khiến ta có thể tưởng tượng rằng đôi phen họ đã âm thầm rỏ lệ. Các con ơi! Các con nên biết rằng một phần đông trong những người xấu số ấy đã hỏng mắt trong một thời gian rất ngắn, cũng có người phải đeo bệnh lâu năm và chịu những giờ mổ cắt rất đau đớn rồi mới mù.
Đây là những người lọt lòng ra đã phải sa vào một cái đêm không bao giờ có buổi bình minh. Họ ra đời như là bước vào một cõi âm ti thăm thẳm mà ở đó họ không phân biệt được một hình, một sắc gì.
Các con thử tưởng tượng nếu họ so sánh đời tối đen của họ với đời của những người sáng thì họ khổ tâm đến thế nào! Chắc họ phải nghĩ rằng:
_ Tại sao lại có sự chênh lệch ấy? Chúng ta có làm gì nên tội?
Cụ giáo nói tiếp:
_ Ta, ta đã ở lâu bên trẻ mù. Ta nghĩ đến một lớp toàn những con mắt nhắm và con người chết, rồi ta lại nhìn các con, ai nấy đều có đôi mắt long lanh như ngọc, lòng ta không thể im lặng, không bảo các con rằng: "Các con toàn là những người sung sướng!" "Các con hãy nghĩ đến: riêng một nước italia ta có tới hai vạn sau nghìn người mù. Hai vạn sáu nghìn! Các con đã nghe rõ chưa?"
Cụ giáo nói dứt lời. Đêrôtxi đứng lên hỏi:
_ Thưa cụ, có phải người mù có cái xúc giác linh lợi hơn người sáng không?
Cụ đáp:
_ Phải đấy, tất cả những giác quan khác của người mù đều linh mẫn cả vì những giác quan ấy đã được rèn luyện hơn người thường để thay cho thị giác. Sáng dậy, một học sinh trong buồng ngủ hỏi bạn:
_ Hôm nay trời có nắng không?
Một người hoạt bát nhất trong bọn họ vận áo, ra giữa sân giơ tay khua khí trời xem có ấm không, xong chạy vào báo tin:
_ Trời nắng.
Nghe tiếng nói của một người, họ có thể đoán được tầm vóc của người ấy. Ta xét đoán những người chung quanh bằng luồng mắt của họ, những người mù lại xét đoàn theo tiếng nói. Họ nhớ giọng nói của người quen hàng bao nhiều năm không quên. Trong phòng nếu có đông người, họ biết ngay, dù chỉ có một người nói còn những người khác ngồi im. Họ chỉ lấy tay sờ mà biết một chiếc thìa có sạch hay không?
Những trẻ gái lại có tài phân biệt thứ len nhuộm với thứ len không. Khi xếp hàng đôi đi trong phố, những trẻ mù chỉ ngửi mà biết gần khắp các cửa hàng. Chúng cũng chơi đánh quay, nhờ tiếng vù vù, chúng biết của ai hơn kém và nhặt con quay của mình không sai.
Chúng cũng nhảy dây và nhảy cũng khéo như những trẻ sáng. Chúng hái hoa đồng thảo như người trông thấy.
Chúng may áo, dệt chiếu, đan thúng rất nhanh. Xúc giác là thị giác thứ hai của chúng, vì thế khi chúng được sờ, được nắn và đoán hình thể của các đồ vật thì chúng lấy làm thích lắm.
Anh Garôphi giơ tay lên xin phép hỏi:
_ Thưa cụ, có phải người mù học tính nhanh hơn người sáng không?
Cụ đáp:
_ Phải đấy. Không những học tính, những trẻ mù còn học đọc nữa. Sách của chúng có những chữ nổi, chỉ đưa qua mấy ngón tay lên mặt chữ là chúng nhận được và đọc rất nhanh. Chúng cũng tập viết nữa. Chúng dùng những cái dùi thép nhấn trên những tờ giấy dầy thành những nét chấm trũng. Những điểm ấy học theo bản tự mẫu riêng. Nhưng chấm trũng ấy nổi sang mặt giấy bên kia thanh chữ. Học trò viết xong chỉ phải lật trang giấy lấy tay sờ lên là đọc được nhưng chữ đã viết.
Chúng có thể sờ chữ mà nhận được tự dạng của nhau. Chúng cũng làm bài thi và viết thư cho nhau. Chúng viết chữ số và làm tính theo lối nói trên, nhưng về khoa tính nhẩm thì chúng mẫn tiệp một cách lạ thường, ta không thể tưởng tượng được, đó cũng là vì chúng không đãng trí bởi những sự vật quanh mình như ta.
Không những thế, chúng lại còn thính tai nữa. Bốn năm người ngồi một ghế, không cần phải quay sang nhau, người thứ nhất có thể nói chuyện với người thứ ba, người thứ nhì nói với người thứ tư, bốn người đều nói cùng lúc và nói to cả, thế mà chúng nghe được không sót một câu nào.
Chúng chăm lo về các bài thi hơn các con và chúng yêu quí thầy giáo hơn các con nhiều. Chỉ nghe tiếng giày hay ngửi hơi là chúng nhận được các thầy giáo. Chỉ nghe giọng nói là chúng đoán được thầy vui hay buồn, khoẻ hay ốm. Được thầy vuốt ve hoặc vỗ về thì chúng sung sướng lắm: nhiều khi chúng nắm chặt lấy tay và cánh tay thầy để tỏ dấu biết ơn.
Những học trò mù thường yêu nhau lắm và ở với nhau rất trung thành vì tình hữu ái đã đem lại cho chúng bao nhiều mối an ủi và xẻ bớt cho chúng bao nhiêu nỗi buồn.
Anh Vôtini hỏi:
_ Thưa cụ, những học trò mù chơi âm nhạc có khá không?
Cụ đáp:
_ Chúng mê âm nhạc lắm. Âm nhạc có thế ví như bản mệnh và hạnh phúc của chúng. Những trẻ mù mới vào trường không bao giờ chán nghe người khác đánh đàn hay thổi sáo. Chúng học chóng lắm và đem hết tâm hồn vào nhạc nghệ. A! Giá mà các con nghe thấy tiếng đàn của trẻ mù, giá mà các con được trông thấy chúng mặt ngẩng, miệng cười đầy vẻ cảm đồng và khát khao, lắng nghe bạn đang rọi một tia sáng trong cõi tối tăm vô tận mà chúng phải đầy đoạ vào, lúc ấy con sẽ hiểu âm nhạc đối với chúng là một mối an ủi rất nhiệm mầu.
Cấm chúng đọc sách hay cấm chúng chơi âm nhạc là một sự phạt rất nặng. Chúng sẽ đau đớn vô cùng, vì thế không ai có cái can đảm phạt chúng như thế. Tóm lại âm nhạc đối với con tim chúng cũng như ánh sáng đối với con mắt ta.
Đêrôtxi nói tiếp:
_ Thưa cụ, người ngoài có thể vào xem trường trẻ mù được không?
Cụ đáp:
_ Sao lại không? Hiện giờ các con còn bé, ta không muốn cho các con đi. Nhưng một mai, các con đến tuổi hiểu được nỗi thống khổ của kẻ mù, đến tuổi biết động lòng trắc ẩn vì mối thương tâm chính đáng, lúc đó các con sẽ nên đi.
Các con ơi! Thực là một cảnh tưởng bi ai! Các con hãy trông kia là những trẻ ngồi trong cửa sổ nửa khép, nét mặt an tĩnh, thở hít khí lành, hình nhưchúng đang nhìn ra khoảng đồng ruộng non xanh mà ta ai nấy đều non rõ... Nhưng khi ta nghĩ đến chúng không trông thấy và không bao giờ được trông thấy những phong cảnh ngoạn mục kia thì lòng te se lại, khi ấy tựa hồ như ta là một kẻ đui mù!
Kẻ nào sinh ra mù sẵn thì nỗi khổ cũng giảm được đôi chút vì nó không biết những thứ nó thiếu thốn. Nhưng về phần những trẻ mới mù vài tháng nay, chúng còn ghi gói và hiểu nhớ những thứ mà chúng đã mất. Những trẻ này còn đau đớn gấp trăm lần hơn những trẻ nói trên, là vì mỗi ngày chúng thấy hình ảnh của những người thân yêu mờ dần trong trí óc. Một trẻ em, một lần đã thốt ra một câu ai nghe thấy cũng phải cảm động.
_ Lạy trời cho tôi được mở mắt một phút thôi, để tôi nhận lại mặt mẹ tôi mà tôi quên mất rồi!
Đã bao nhiêu người vào thăm trường này, lúc ra phải lau nước mắt. Khi từ biệt chúng, ta tưởng tạo hoá đã biệt đãi ta vì ta được hưởng cái đặc ân là được nhìn thấy mọi người, nhìn thấy nhà cửa, nhìn thấy trời đất! Hãy thương những trẻ mù.
Các con ơi! Hãy thương chúng là kẻ có mặt trời mà không được nhìn ánh sáng, có mẹ mà không rõ nét mặt mẹ mình!