Dân gian có câu: Làm việc thất đức sẽ bị quả báo, chính là ý này. Lã Liệt Thạch lái xe ra khỏi trường trung học nghiệp vụ thành phố Tam Họa, bất giác cười khổ: "Rõ ràng biết làm thế này là cố tình vi phạm, lão Bạch....."
Bạch Hà không đợi ông ta nói xong đã ngắt lời, "Tôi biết."
Bạch Hà nín thở ngưng thần, không lâu sau giơ tay phải ra, dùng ngón trỏ phác một đừng trên mắt phải của mình, một lúc sau ngón trỏ cùng ngón giữa chụm lại tiến tới, cong như cái móc câu, dường như móc ra được thứ gì đó.
Bạch Hà nghiến răng không kêu dù chỉ một tiếng, nhưng vẫn không khống chế được cơ thể run lên. Trên tay phải anh, có một đám khí sương màu xám đang chầm chậm chuyển động.
Lã Liệt Thạch dừng xe bên đường, bật đèn khẩn cấp, nhìn Bạch Hà hồi lâu mới khẽ nói: "Bạch Hà, vì một nha đầu, vì một tiếng sư phụ mà con bé gọi cậu, có đáng không?"
Bạch Hà trán rịn mồ hôi, cắn chặt môi, rỉ cả máu ra mà anh cũng không buồn lau. Anh dán chặt lưng vào thành ghế, chầm chậm đưa đám khí đó cho Lã Liệt Thạch.
Mắt của người dùng để nhìn sự vật, nhưng thứ thật sự nhìn được đồ vật lại không chỉ có mắt. Mắt của con người, ngoài nhục nhãn (Mắt bằng thịt) còn có thiên nhãn, âm nhãn, dị nhãn, cùng thủ nhãn.....
Thiên nhãn, là chỉ con mắt thứ ba mọc ra giữa hai con mắt thường, chứ không chỉ sự tồn tại thật sự. Những người tu hành pháp thuật sau khi tập trung tình thần có thể tụ khí tại đây, ngắm nhìn thế giới. Thứ mà 'nó' nhìn thấy không phải hình ảnh, mà là khí. Ví dụ như dương khí, âm khí, oán khí, yêu khí.....
Thiên nhãn không chọn người, những người có chút đạo hành tập trung tinh thần đều mở được thiên nhãn. Nhưng phải luyện tập rất lâu và tầm nhìn cũng thấp.
Âm nhãn, thường là những gì nhìn thấy sau khi hồn phách rời khỏi cơ thể, khi đã thông cả âm dương. Đứng trên không gian của mặt âm nhìn thấu tất cả mọi thứ của người có duyên. Không hạn chế, và không cần tu luyện.
Nhược điểm: chỉ có thể sử dụng với hồn phách, mà khi hồn phách còn ở trong cơ thể thì không thể nhìn thấy gì. Nhưng âm nhãn rất hiếm khi có được nhờ tu luyện, đồng thời có yêu cầu cao đối với những người có khả năng thiên phú.
Còn về dị nhãn, mặc dù 'mọc' trên nguyên thần, nhưng lại dùng trên nhục thể. Dị nhãn được tu luyện từ âm nhãn, không cần phải ủ, trực tiếp nhìn thấy những thông tin âm giới trên người. Tu thành dị nhãn, là đã đặt bước chân đầu tiên vào tiên đạo.
Với người trong huyền môn mà nói, đấy là bảo vật chỉ mong gặp chứ không thể cầu.
Nhưng, phải móc thứ gắn trên hồn phách ra, nỗi đau đớn ấy người bình thường có thể chịu đựng được không?
Lã Liệt Thạch khẽ thở dài, sợ dị nhãn trên tay Bạch Hà rời khỏi cơ thể sẽ bị dương khí làm tổn thương, ông ta đón lấy, từ từ nạp nó vào tâm hồn.
"Tôi đưa cậu về nhé?" ông ta ngửa người ra ghế, chẳng mấy khi tỏ ra tốt bụng.
Bạch Hà lắc đầu: "Không", mỗi một từ anh bật ra đều khó khăn vô cùng, nhưng anh vẫn cố gắng để nói cho xong, "Về Trật Tự, xem tình hình thế nào."
Lã Liệt Thạch hít một hơi thật sau, truyền chút linh lực cho anh đỡ đau, "Lão Bạch, cô bé ấy không sống nổi đâu. Chúng ta chỉ có thể làm tới đây thôi, Trật Tự nhiều người như thế, một nha đầu như cô ta....." Nghĩ tới cái giá mà Bạch Hà bỏ ra, cuối cùng ông ta cũng im lăng, "Lão Bạch, hay là để con trai tôi làm đồ đệ của cậu."
Mồ hôi lăn dài trên mặt Bạch Hà, anh sợ sẽ cắn vào lưỡi, nên nhất quyết không lên tiếng, nghe Lã Liệt Thạch nói vậy mới cười khổ. Lã Liệt Thạch nhân lúc anh hé miệng bèn nhét một miếng xương nhựa dành cho chó vào miệng anh: "Vợ tôi mua cho con chó Haba của cô ấy, còn chưa xé vỏ, cho cậu dùng trước."
Bạch Hà cũng chẳng so đo, ông ta lại khuyên, "Thật đấy Lão Bạch, cậu cứ suy nghĩ đi."
Bạch Hà không nói gì, Lã Liệt Thạch hấp thụ con mắt dị nhã, tâm trạng vui vẻ vô cùng: "Đường núi ở đây mười tám khúc quanh, đường thủy nơi này chín liên hoàn..." ông ta ngân nga hát, vẻ mặt đắc ý: Quay về bảo với Lã Lương Bác rằng mình đã cứu người con gái trong lòng nó, chắc nó cũng phải cảm ơn người cha này được một câu chứ nhỉ?
Thời trẻ Lã Liệt Thạch sống rất phóng túng, để lại rất nhiều chuyện phong lưu. Lã Lương Bác là con riêng của ông ta, khi cô gái vác cái bụng to tới tìm ông ta không nhận: Ông ta sống bừa bãi bao nhiêu năm như thế, chưa từng để lại bất kỳ 'dấu tích' nào. Đến tuổi này đã thực sự hết hi vọng.
Người con gái kia không vừa, sinh đứa con ra bèn mang tới bỏ trước cổng trường trung học nghiệp vụ Tam Họa, bên cạnh còn đặt tấm biển lớn: Con riêng của lão cẩu Lã Liệt Thạch.
Lã Liệt Thạch tức tới mức suýt thì quay phắt lưng bỏ đi, nhưng sau nghe trong bệnh viện có giám định DNA, bèn ôm thằng bé đi kiểm tra, kết quả đạt 99%. Đúng là con trai ông ta thật.
Lã Liệt Thạch không tức giận nữa, ngày nào cũng cười tít cả mắt, giờ yêu cầu của ông ta đối với phụ nữ, ngoài xinh đẹp trẻ trung ra còn phải biết chăm sóc trẻ con.
Từ nhỏ, Lã Lương Bác đã lớn lên cùng những người phụ nữ khác nhau, hồi nhỏ mắc bệnh tăng nhãn áp cấp tính, phát hiện muộn, khi đưa đến bệnh viện thì đã vô phương cứu chữa, từ đó chỉ nhìn được rất mờ.
Lã Lương Bác dần trưởng thành, lúc này Lã Liệt Thạch mới nhận ra giữa hai cha con họ hoàn toàn không có tình cảm. Đứa con trai này chẳng hề coi ông ta là cha. Để nhà giống một gia đình, ông ta bèn lấy một tiểu cô nương mười mấy tuổi về làm vợ, những lúc rảnh rỗi thì chăm sóc cho ông ta đồng thời chăm sóc con trai luôn một thể.
Chỉ có điều, mấy năm gần đây sức khỏe ông ta không còn được như trước nữa, tiểu cô nương có phần không thỏa mãn. Ngoài miệng ông ta không nói, nhưng vẫn sợ khi tiểu cô nương của mình chăm sóc cho con trai thì đồng thời cũng 'được' con trai chăm sóc luôn, làm trò cười cho thiên hạ. Thế rồi thuận nước đẩy thuyền ông ta đưa con trai đến Bất Ky Các luôn.
Một mặt là để dưỡng mắt, mặt khác là tiếp cận tạo quan hệ với tiên tri luôn. Ông ta là người giảo hoạt, nên đương nhiên có tính toán của riêng mình. Tiên tri chẳng qua cũng chỉ là một nha đầu hơn mười tuổi, đang ở vào độ tuổi tình cảm chớm nở.
Mới đến nơi này, làm sao để quen?
Chắc chắn cần phải tìm một chỗ dựa về tinh thần.
Còn Lương Bác mặc dù có chút bất tiện do đôi mắt, nhưng ngoại hình cũng được coi là tuấn tú, có được phong thái thời trẻ của ông ta. Muốn khiến nha đầu đó động lòng, chẳng phải rất dễ hay sao.
Vì vậy khi Tần Thái vừa đến, ông ta đã có ý cách ly những người khác, số người cô tiếp xúc càng ít thì càng khó tìm người dựa dẫm
Tính toán đâu vào đấy, nhưng đáng tiếc, nhân tính không bằng trời tính.
Giờ Tần Thái xảy ra chuyện, đối sách của ông ta là bàng quan. Không ngờ Bạch Hà tới tìm ông ta, yêu cầu hai người kiểm tra mệnh lý của hai vị tiên tri trước. Lã Liệt Thạch là loại người nào chứ? Đâu chịu mạo hiểm như thế?
Nhưng Bạch Hà lại đưa ra cái giá mà ông ta không thể từ chối: Dị nhãn.
Tại trường trung học nghiệp vụ thành phố Tam Họa, Yến Trọng Hoan đã phát hiện ra Tần Thái bỏ đi. Lã Liệt Thạch vì muốn rũ sạch nghi ngờ, đương nhiên đã lập tức ra lệnh cho người tới bao vây xung quanh nhà Tần Thái ở quê.
Yến Trọng Hoan xua tay ngăn lại: Cô bé này mặc dù xuất thân không cao, nhưng cũng khá thông minh. Nếu cô đã muốn bỏ đi, chắc chắn không về nhà.
Có điều sẽ liên hệ với gia đình, hắn khẽ cong môi cười, hạ giọng căn dặn: "Gọi điện cho cha cô ta, nếu cung cấp tin tức của con gái, một tin mười vạn tệ."
Lã Liệt Thạch không cười nổi nữa, Bạch Hà à, con mắt dị nhãn này của cậu coi như bị móc uổng rồi.
Buổi chiều, Bạch Hà ngồi mãi trong xe của Lã Liệt Thạch không chịu xuống, người như Bạch Hà, nếu không thật sự mất khả năng hành động, tuyệt đối không thể hiện sự yếu đuổi như thế. Lã Liệt Thạch đang định sai người đưa Bạch Hà về cửa hàng vàng mã ở trấn Chu Dương, đột nhiên nảy ra suy nghĩ kỳ lạ, ông ta gọi điện cho Lã Dật, "Đưa Bạch tiên sinh về khu điều dưỡng số bốn, lệnh cho thiếu gia phải chăm sóc hầu hạ cẩn thận, hầu như hầu cha."
Nói xong, ông ta mới nghĩ ra Lã Lương Bác đối xử với người cha như ông đây thật chẳng có mấy phần tôn trọng, nên vội vàng bổ sung thêm, "Cung phụng như sư phụ!"
"Tạm thời cách ly cậu ta một thời gian, tránh để cậu ta biết Tần Thái gặp chuyện lại sốt ruột. Nếu. nếu thằng bé có thể làm cậu ta cảm động, tặng nốt con mắt dị nhãn kia cho nó thì tốt." Ông ta thầm hỉ hả.
Thực lực của Bạch Hà ở Trật Tự là điều không có gì phải nghi ngờ, Yến Trọng Hoan mặc dù không đối đầu với Bạch Hà, thực sự cũng chẳng dám làm gì anh. Giờ Lã Lương Bác vốn đang khổ sở học tập, có thầy tốt ở bên, đương nhiên cầu còn chẳng được. Ngay hôm ấy liền cùng Bạch Hà rời khỏi thành phố Tam Họa.
Vậy Tần Thái đi đâu?
Tần Thái về nhà. Có tiền trong người, về nhà rất dễ.
Vì mọi người đều nghĩ tới khả năng cô về nhà, mà hai lần trước Yến Trọng Hoan đã bị mắc lừa, nên chắc chắn Yến Trọng Hoan sẽ cho rằng cô tuyệt đối không quay về nhà. Vì vậy, lúc này về nhà có khi lại an toàn.
Tần Thái xuống xe bên ngoài trần Chu Dương, đợi đến khi trời tối mới lặng lặng đi bộ về trấn. Khi ngang qua cửa hàng của Bạch Hà, bên trong tối đen như mực, rõ ràng Bạch Hà vẫn chưa về.
Tần Thái đi về nhà qua cánh đồng ngô, ruộng ngô tháng năm rất yên tĩnh, côn trùng mùa hạ đã bắt đầu rả rích kêu. Cô đi vòng ra sau núi, rồi từ con đường mòn trên đó vòng về nhà. Sau nhàm có một cửa hậu, bình thường gà, vịt đều được thả ra từ cửa này.
Giờ này cửa đã bị khóa, nhưng cánh cửa đó hỏng, chỉ cần dùng sức khẽ nhấc lên, là sẽ mở được. Vì ở quê trộm cắp không nhiều, mà Tần Lão Nhị lại là một người nghèo rớt mùng tơi, không sợ có ai đó mò vào, do vậy tới giờ cánh cửa vẫn chưa được sửa.
Tần Thái vào phòng, trong nhà vắng vẻ. Cô múc một bát cháo còn trong nồi, ăn tạm cùng rau xào. Ăn xong bèn lần lên cái giường ở phía sau đánh một giấc.
Ngủ tới tầm ba giờ hơn, bên ngoài có tiếng người nói chuyện.
"Thêm vài hôm nữa là có thể quét vôi được rồi, hê hê, không chừng không cần phải đợi tới sang năm chúng ta mới được chuyển sang nhà mới!" Là Tần Lão Nhị
"Ngày mai chúng ta đi làm sạch tường, xem ông nghĩ kìa."
"Một căn nhà nhỏ ba tầng kiểu tây, trong trấn này có mấy cái chứ? Đợi Lão Tam tốt nghiệp, nhất định sẽ phải tìm về môt cô con dâu là sinh viên mới xứng với căn nhà ấy."
Hai người vừa nói vừa đi vào phòng, sau đó Tần Lão Nhị liền nhìn thấy Tần Thái.
Tần Lão Nhị ngẩn người, rồi lập tức toét miệng cười, "Nha đầu thối, mày lại bỏ về à."
Ông ta bước tới xoa xoa đầu Tần Thái, Tần Thái thấy không quen, nhưng cũng vẫn cảm động. Vì khi về cô mặc quần áo của vợ Lã Liệt Thạch, đi giầy cao gót, Tần Thái chân to nên đôi giầy ấy không vừa lắm.
Suốt dọc đường về nhà trên chân không biết bị trày xước bao nhiêu chỗ nữa.
Cô thay bộ quần áo cũ trước kia vẫn mặc ở nhà, Tần Lão Nhị vặn vặn tay nói với vợ: "Con đứng ngây ra đó làm gì, mau đi nấu cho con gái bát mì, đập thêm hai trứng."
Tần Thái vẫn đang chưa hết sợ hãi: "Cha, họ nói con là giả, đang lùng bắt con!"
Tần Lão Nhị vỗ vỗ đầu con, tỏ vẻ nhân từ: "Ăn mì trước đi đã, mày đã về nhà rồi còn ai dám làm gì mày."
Tần Thái thấy yên tâm hơn, giành đi nhóm lửa.
Bà Tần thái rau dưới bếp, thái một hồi, cuối cùng khẽ hỏi: "Lão Tứ, nếu mẹ nói nếu con lại bị bắt về, sẽ thế nào?"
Tần Thái dùng diêm đốt mồi cùi, "Không biết, nhưng chắc chắn chẳng tốt đẹp gì. Có thể sẽ bị giết nữa."
Nếu không sư phụ đã không bảo cô trốn.
Bà Tần lại thái thêm hai nhát nữa, đột nhiên túm lấy Tần Thái, múc trứng từ trong nồi ra thả vào túi áo cô, "Mau đi đi!"
Bà đẩy con gái ra cửa sau, "Họ đưa cho cha mẹ một món tiền, cha con nhất định sẽ giao nộp con, mau chạy đi!"
Tần Thái cầm vạt áo mẹ, cô có chút mệt, vết thương ở chân giờ vẫn đang đau rát. Cô muốn khóc, nhưng giờ không phải là lúc để khóc.
Bà Tần lại đẩy con gái ra cửa, hạ giọng hét: "Mau chạy đi!"
Tần Thái quay người men theo con đường nhỏ chạy lên núi.
Trăng tháng năm mờ mờ, nhìn cái gì cũng loang nổ chập chờn. Tần Thái chạy thẳng vào trong núi, từ nhà vọng ra tiếng gầm thét chửi rủa của Tần Lão Nhị: "Con bà mày, không biết gì à, bọn họ chịu bỏ ra năm mươi vạn, năm mươi vạn đấy!"
Tần Thái nín hơi chạy, nhưng vì năm mươi vạn, tốc độ của Tần Lão Nhị có phần nhanh hơn. Ánh sáng của cây đèn pin mỗi lúc mỗi gần, Tần Thái miệng thở dốc, chân như đạp lên bông.
Bóng đêm há chiếc miệng to như một chậu máu, mênh mông không thấy biên giới.