Cốc Tuyết đứng giặt quần áo lắng nghe Diêu Lệ nói chuyện mới biết mình đã đoán sai. Diêu Lệ không dẫn người đến mua nhà mà cô ta cho người đến để dỡ ra. Nơi này cách thị trấn 20 – 30km nên không mấy ai thích mua ở đây. Dân địa phương đang có xu hướng tự mình sửa chữa. Diêu Lệ tính toán không thể bán ngôi nhà này đi, cô ta cũng không cam lòng cho không Cốc Tuyết một cách uổng phí. Cuối cùng, cô ta nghĩ ra trò dỡ nhà lấy gạch mang đi bán.
Diêu Lệ vừa hò hét đám thợ vừa liếc Cốc Tuyết đang lẳng lặng đứng nhìn. Cô ta cười khiêu khích: “ Cốc Tuyết, đánh thức cô dậy ngại thật đấy. À, nhà này không thể để cô ở được rồi. Chả là Thạch Lâm muốn mua thêm chiếc xe hàng nhưng anh ấy còn thiếu ít tiền. Tôi nghĩ dỡ gạch mang đi bán chắc cũng được một món. Cô là mẹ Ny nhi chắc cô không muốn để Ny nhi nhìn thấy ba nó làm ăn không tốt phải không?”. Cô ta nói xong không thèm xem sắc mặt Cốc Tuyết thế nào liền quay ra quát tháo đám thợ nhanh tay hơn nữa
Là kẻ chen chân vào gia đình người khác nên Diêu Lệ không ưa gì cô. Cô ta từ thành phố theo Thạch Lâm về vùng nông thôn này thì gặp Cốc Tuyết. Vốn không thích Cốc Tuyết, nay cô ta càng tỏ ra ghen tị, thù ghét. Quả thật, Cốc Tuyết không ăn mặc sành điệu giống cô ta, không nói những lời ngọt ngào và khôn khéo như cô ta. Nhưng Diêu Lệ so với Cốc Tuyết lại luôn tự ti trong khi Cốc Tuyết lúc nào cũng điềm tĩnh, cẩn trọng, cô còn đối xử với mọi người xung quanh rất hòa nhã. Ngoài Thạch Lâm ra, ai ai cũng khen ngợi, yêu mến cô. Không hiểu sao trước một cô gái nông thôn kém tuổi như Cốc Tuyết, Diêu Lệ lại cảm thấy vô cùng bất an.
Cốc Tuyết không quan tâm đến tiếng động ầm ầm bên Thạch gia, cô quay người vào nhà, đợi Tiểu Ny ngủ dậy hai mẹ con sẽ đến thị trấn mua gạo, mì, nồi niêu bát đũa và ít đồ dùng sinh hoạt, nếu không hôm nay hai mẹ con cô chắc chắn sẽ bị chết đói.
Lúc Ny nhi ngủ dậy đã là chín giờ sáng, Cốc Tuyết cho con bé bú xong liền giấu chứng minh thư và sổ tiết kiệm rồi ôm Ny nhi vào thị trấn. Cô đi bộ qua chỗ Diêu Lệ sau đó rẽ vào nhà hàng xóm. Phá nhà, dỡ gạch không thể làm xong trong một ngày. Nếu cô dùng tiền tiết kiệm mua sắm đồ đạc sẽ khiến Diêu Lệ nghi ngờ, cô ta nhất định sẽ xúi bẩy Thạch Lâm về nhà lục soát. Vì vậy, để xóa bỏ sự hồ nghi của Diêu Lệ, phương pháp tốt nhất là cô phải đi vay ít tiền.
Cốc Tuyết đi vài bước đã đến nhà họ Vương, mọi người đều đi làm cả, chỉ còn lại mỗi mình bác gái ở nhà: “ Thím Vương, thím ăn sáng chưa ạ?”.
Thím Vương ngẩng đầu cười tươi khi thấy người đi vào là Cốc Tuyết: “ Giờ là lúc nào rồi mà còn chưa ăn hả cháu?”. Vừa nói xong thím Vương như chợt nhớ ra điều gì, vẻ mặt ngượng ngùng nói: “ Tiểu Tuyết, thím xin lỗi. Chắc cháu chưa ăn sáng phải không? Mau vào đây đi. Để thím làm cho cháu bát mì trứng”. Chuyện xảy ra ở nhà họ Thạch đã lan truyền khắp nơi trong thôn xóm. Nhớ ra hôm qua Thạch Lâm cho người đến dọn sạch nhà cửa đi rồi nên thím Vương khẳng định Cốc Tuyết vẫn chưa ăn. Đừng nói đến ăn sáng, sợ rằng hôm qua đến cơm tối Cốc Tuyết cũng chưa được miếng nào. Thạch Lâm mang hết đồ đạc đi, Cốc Tuyết làm gì còn gạo và mì mà nấu?
“ Cháu cảm ơn nhưng thím không phải bận tâm đâu ạ. Lát nữa cháu sẽ vào thị trấn mua ít đồ dùng rồi ăn tạm gì đó luôn”. Cốc Tuyết vội từ chối ý tốt của thím Vương: “ Thím à, cháu sang đây là có việc cần nhờ thím giúp”. Nghĩ đến việc vay tiền, Cốc Tuyết không biết phải mở miệng ra sao.
“ Có chuyện gì cháu cứ nói. Nếu thím giúp được chắc chắn sẽ không từ chối”. Thím Vương trìu mến và thương xót nhìn Cốc Tuyết. Cốc Tuyết là hàng xóm của bà, rất nhiều người trong thôn đã chứng kiến cảnh cô lớn lên, đảm đang, tốt bụng và hiếu thảo, hết lòng phụ giúp Thạch Lâm. Năm ấy cô còn nhỏ như vậy mà đã được gả cho Thạch Lâm. Mọi người biết cô từ tấm bé cho đến khi trưởng thành, ai cũng cảm thấy tiếc thay cho Cốc Tuyết bởi nhà họ Thạch nghèo quá, họ có được người con dâu đảm đang như Cốc Tuyết quả là tốt hơn gấp trăm lần so với Thạch Lâm. Chính Thạch Lâm cậy mình có tiền liền ruồng rẫy Cốc Tuyết, anh ta đúng là kẻ có mắt không tròng, sớm muộn gì cũng sẽ phải hối hận.
“ Thím, cháu…”, Cốc Tuyết ngập ngừng hồi lâu mới đỏ mặt nói: “ Thím Vương, cháu muốn mượn thím năm trăm đồng. Cháu và Ny nhi hiện đang ở nhà cũ. Cháu phải mua dụng cụ nhà bếp, ít gạo và giống hoa màu. Cháu biết vay năm trăm đồng là làm khó thím nhưng cháu…”.
Thím Vương nắm tay Cốc Tuyết cắt ngang lời cô: “ Năm trăm đồng có gì đâu mà nhiều. Thím nghe nói trong thị trấn có người ăn một bữa cơm hết năm trăm đồng kia kìa. Cháu đúng là đứa khách sáo, hôm qua không ăn tối cũng không biết đường sang nhà thím. Chẳng lẽ nhà thím Vương đây còn thiếu cháu mấy bát cơm? Cháu ngồi chờ nhé, để thím đi lấy tiền”.
Cốc Tuyết đứng giữa nhà mà khóe mắt nhòe lệ. Thạch Lâm là người làm cho cô biết thế nào là đau khổ vì bị phản bội. Một người hàng xóm không cùng huyết thống lại mang tới cho cô thứ tình cảm ấm áp hơn cả người thân. Mẹ cô nói đúng, có đôi lúc không đi đến tận cùng bạn sẽ vĩnh viễn không biết mình mất đi bao nhiêu và có được bao nhiêu.
Cốc Tuyết nắm chặt trong tay năm trăm đồng thím Vương vừa đưa, bước nhanh qua căn nhà gạch của họ Thạch. Cô vừa bước lại gần Diêu Lệ thì thím Vương ở phía sau gọi to: “ Tiểu Tuyết, Tiểu Tuyết, đợi thím đã”.
“ Thím Vương, có chuyện gì vậy?”. Cốc Tuyết dừng bước nhìn thím Vương.
“ Cháu muốn mua nhiều thứ như thế, thím sợ không đủ tiền nên đưa thêm cho cháu năm trăm đồng nữa đây”. Vừa nói thím Vương vừa nhét tiền vào túi quần của Cốc Tuyết: “ Cháu không nên nhờ vả Thạch Lâm, kẻ có lòng dạ hẹp hỏi như tình nhân của nó càng không nên nhờ cậy”. Thím Vương ám chỉ liếc nhìn Diêu Lệ: “ Người xưa nói cấm sai, bán anh em xa mua láng giềng gần. Chúng ta là hàng xóm của nhau, thím sẽ hết lòng giúp đỡ cháu. Tiểu Tuyết, cháu yên tâm đi, ai làm điều gì xấu đã có Trời chứng giám, kẻ chia rẽ gia đình người khác nhất định sẽ bị quả báo”.
Thím Vương khinh thường nhìn Diêu Lệ bằng ánh mắt phẫn nộ. Tâm trạng buồn khổ của Cốc Tuyết khi biết Thạch Lâm có tình nhân giờ đây đã tan thành mây khói: “ Được rồi thím ơi, cháu và Ny nhi vào thị trấn đây, khi nào mua xong chúng cháu sẽ quay về”.
“ Cháu đi đi, đi sớm về sớm. Trên đường nhớ cẩn thận để ý Ny nhi nhé”. Thím Vương quan tâm dặn dò.
Rời khỏi vùng nông thôn yên tĩnh 20 – 30 km là tới thị trấn. Cô cảm thấy nơi đây thật nhộn nhịp, nào là nhà cao tầng với các cô gái sành điệu và những chiếc ô tô chạy như bay. Nhìn lại bộ quần áo quê mùa trên người, cô thấy mình như đến từ một thế giới khác.
Ngoài Ny nhi đang mút tay và một nghìn đồng thím Vương đưa cho, Cốc Tuyết gần như tay không đến thị trấn. Trước khi tới ngân hàng rút tiền, Cốc Tuyết mua một chiếc túi, khoác luôn trước ngực để lát nữa lĩnh tiền còn có cái mà đựng.
Cầm cuốn sổ tiết kiệm bước vào ngân hàng, Cốc Tuyết không khỏi choáng váng. Rõ ràng chỉ gửi có năm nghìn không hiểu sao số tiền được lĩnh lại là hơn một vạn? Đến khi nghe nhân viên ngân hàng giải thích cô mới ù ù cạc cạc hiểu ra. Chả là số tiền năm nghìn tệ gửi định kỳ suốt mười năm qua ở ngân hàng có lãi suất rất cao và không có gì khác biệt so với thời điểm hiện tại. Vì vậy, cô mới có số lãi và số vốn nhiều đến như thế. Tốt quá rồi, cô từ chỗ không có gì, giờ đây đã có một khoản tiền khá lớn trong tay.
Cốc Tuyết cầm tiền đi mua sắm nhưng số đồ đạc cần mua lại quá nhiều. Cô đắn đo mãi mới quyết định thuê một chiếc xe tải nhỏ xếp lên và chở các thứ về nhà. Mặc cả một lúc cuối cùng Cốc Tuyết cũng thuê được một chiếc xe với giá 120 tệ. Sau đó cô hướng dẫn người ta sắp xếp các thứ lên xe rời thành phố. Nào là hai con lợn con, chục gà chục vịt, trăm cân gạo, chăn chiếu, chén bát, ít hạt giống rau và cây ăn quả…Sau một hồi mua sắm, một ngàn đồng thím Vương đưa cho cô chỉ còn lại vài chục tệ.
Cốc Tuyết phấn khích theo chiếc xe chở đầy hàng hóa lên đường về nhà. Cô nhẹ nhàng hôn lên trán Tiểu Ny đang ngủ say sưa trong lòng. Mặc dù cuộc sống bị thiết lập ra khỏi quỹ đạo nhưng cô tin rằng chỉ cần cố gắng thì con đường ấy sẽ trở nên bằng phẳng hơn.
Lúc cô về đến nhà thì Diêu Lệ vẫn chưa bỏ đi, bên cạnh cô ả là một đống gạch ngói ngổn ngang. Cốc Tuyết gật đầu mỉm cười đi lướt qua chỗ cô ta để sang nhà thím Vương.
Cô đưa Tiểu Ny cho thím Vương bế giúp, sau đó cùng lái xe dỡ hàng. Sau khi bê hết đồ đạc xuống, Cốc Tuyết lau mồ hôi trán ngồi xả hơi.
Cốc Tuyết nghỉ một lúc rồi tiễn lái xe quay về, ngay sau đó cô bắt đầu tất bật vào việc, đó là sửa sang lại mọi thứ. Căn nhà này đã bảy tám năm không có người ở, ngói trên nóc đã không thể che nắng che mưa được nữa. Bởi vậy, Cốc Tuyết định đợi Diêu Lệ rời đi sẽ gọi người đến sửa. Còn bây giờ căn phòng này chỉ cần dọn dẹp sơ qua là Cốc Tuyết sẽ có ngay một chỗ để ngủ.
Cốc Tuyết mang hết đồ đạc bị hỏng ra làm củi đốt. Cô dùng chổi quét dọn toàn bộ ngôi nhà cho đến khi hết sạch mùi ẩm thấp. Khi cô làm xong mọi việc thì trời đã sẩm tối.
Đến lúc thím Vương sang gọi, Cốc Tuyết còn cầm sọt đựng rau và hai con heo ra mảnh đất phía sau để thả. Tương lai cô và Ny nhi sẽ không bị đói vì đã có hai con heo này làm thịt.
Diêu Lệ ngồi trong ngôi nhà gạch giật mình nhìn Cốc Tuyết dọn dẹp, nhổ cỏ và cho heo ăn. Đã thế Cốc Tuyết còn ở trong ngôi nhà cũ bỏ hoang nấu cơm một cách ngon lành. Trời đất, cô ta không biết Cốc Tuyết có phải là phụ nữ thật không nữa? Trong suy nghĩ của cô ta thì ngay cả đàn ông cũng không thể độc lập, tự lực cánh sinh như Cốc Tuyết. Diêu Lệ còn thấy Cốc Tuyết không biết kiếm ở đâu ra một tấm ván, kê tạm lên tạo thành một chiếc giường gỗ đơn giản. Diêu Lệ không khỏi ngây người kinh ngạc. Con bé Cốc Tuyết này…
Diêu Lệ không biết mình hoảng sợ trong bao lâu, chỉ biết đến khi bước chân ra khỏi đường làng, cô ta mới lấy lại được tinh thần. Diêu Lệ quay người nhìn ánh đèn điện lóe sáng như những vì sao trong bóng đêm rồi lạnh lùng bước nhanh. Cô ta không bao giờ muốn nghĩ đến nơi này, không bao giờ muốn nhìn thấy Cốc Tuyết và có chết thì cô ta cũng không muốn Thạch Lâm quay lại nơi đây thêm một lần nào nữa.