Cốc Tuyết căn bản không biết hành vi tự lực cánh sinh của cô ngày hôm trước đã kích thích Diêu Lệ không bao giờ tới Vương Gia Trường nữa.
Ngay cả khi căn nhà của họ Thạch chỉ còn lại vài viên gạch vỡ và vài tấm ngói nát thì Diêu Lệ vẫn không xuất hiện. Cốc Tuyết đoán Diêu Lệ sẽ không quay lại cô mới đi tìm người đến đảo ngói, sửa lại bếp và tủ quần áo giúp mình. Tiện thể, cô mang một nghìn đồng sang trả cho thím Vương.
Người trong thôn rất nhiệt tình, Cốc Tuyết vừa mở miệng nói cần giúp đỡ, hàng xóm xung quanh không ai nói hai lời liền đến giúp một tay, ngay cả tiền công cũng không lấy. Cốc Tuyết áy náy khi thấy mọi người làm không công nên cô nấu bữa trưa mời họ. Chạn bát và tủ quần áo sửa chưa đến một ngày đã xong và được mang đến tận nhà Cốc Tuyết, đã thế, họ chỉ lấy tiền mua gỗ và một nửa phí gia công.
Căn phòng đã trở nên sáng sủa hơn trước. Cốc Tuyết ôm Ny nhi đang mút tay vào lòng. Cô khẽ vuốt ve khuôn mặt nhỏ nhắn mềm mại của con gái: “ Ny nhi, công lao của cô dì chú bác trong thôn với mẹ con ta vô cùng to lớn. Sau này con nhất định phải báo đáp nhé”.
Đợi cho nhà mới tạm ổn định, Cốc Tuyết bắt đầu đi đăng ký khai sinh cho Ny nhi và làm lại hộ khẩu. Khi Cốc Tuyết sinh Ny nhi ở nhà họ Thạch, cô và Thạch Lâm đã không còn chung sống với nhau. Bởi vậy mà Ny nhi hơn bốn tháng tuổi vẫn chưa có khai sinh. May thay, cán bộ xã của thôn Vương Gia Trường là những người thấu tình đạt lý, dân số ở đây lại không nhiều nên nhà ai có việc, chỉ trong một ngày cán bộ xã đều biết hết. Bởi vậy, khi Cốc Tuyết cầm giấy tờ đề nghị nhập Ny nhi vào hộ khẩu thì cán bộ xã do nắm được hoàn cảnh của cô nên không ai gây khó dễ mà nhập tịch ngay cho Ny nhi, còn ghi tên Cốc Noãn là trưởng nữ của Cốc gia.
Cốc Tuyết cầm quyển hộ khẩu mới giở đi giở lại vài lần, cô sung sướng hôn lên đôi mắt ngây thơ đang mở to nhìn xung quanh của Cốc Noãn: “ Noãn Noãn, Noãn Noãn đã có tên riêng của mình rồi nhé. Sau này mẹ con ta sống nương tựa vào nhau. Mẹ sẽ chăm lo cho con mà không cần đến ba. Noãn Noãn của mẹ nhất định sẽ trở thành đứa bé hạnh phúc nhất trên đời”.
“ A a…”. Cốc Noãn ngậm nước bọt, bàn tay nhỏ xíu để trước ngực níu chặt lấy tóc mẹ.
“ Nào, mẹ con ta về nhà xem lũ heo có gạt hết đồ ăn ra không nhé”. Cốc Tuyết bế Cốc Noãn, người nhẹ nhõm, thật sự cô không còn quan hệ gì với Thạch Lâm nữa, từ nay về sau đường ai nấy đi
Cốc Noãn còn nhỏ nên Cốc Tuyết không thể để con ở nhà hoặc vừa bế con vừa làm việc. Cô cũng ngại khi hàng ngày phải mang Cốc Noãn sang cho thím Vương hàng xóm trông giúp. Nhìn nhà nào nhà nấy bận rộn việc nhà nông, Cốc Tuyết chỉ biết buồn bã ở nhà chăm Cốc Noãn, nấu cơm và nuôi đám heo gà.
“ Noãn Noãn à, may mà bà ngoại chu đáo để lại một vạn đồng chứ không mẹ con ta có mà ăn không khí”. Một tay Cốc Tuyết đung đưa chiếc nôi nói chuyện với Cốc Noãn, một tay khâu quần áo. Bộ quần áo bé tí này là của Cốc Noãn. Mấy hôm nay trời nóng, Cốc Noãn cần ăn mặc mát mẻ một chút. Cốc Tuyết không muốn tiêu tiền uổng phí, đã thế phải đi cả dặm mới đến được cửa hàng bách hóa để mua nên cô xé mấy mét vải bông mềm tự tay khâu quần áo cho con.
Bên ngoài, mặt trời lên cao gay gắt, người Cốc Tuyết ướt đẫm mồ hôi, cô đưa tay vén sợi tóc rủ trên trán rồi cúi đầu xuống nôi cười nói với Cốc Noãn: “Nói ra thì cũng nhờ phúc của Noãn Noãn đấy, mùa hè này mẹ đã có thể sống thoải mái hơn rồi”.
Không như những năm trước, cho dù trời nóng thế nào thì Cốc Tuyết vẫn phải ra đồng làm việc. Nhà họ Thạch có vài chục mẫu đất ruộng, Thạch Lâm thường xuyên đi theo xe, trong nhà chỉ còn hai lao động là Cốc Tuyết và mẹ chồng. Vì lúa nhiều nên cô bán đi lấy ít tiền. Cốc Tuyết và mẹ Thạch một năm bốn mùa thì 90% thời gian là ở ngoài ruộng. Mẹ Thạch tuy mới năm mươi nhưng trông già nua như bà lão bảy mươi. Còn cô chưa đến hai mươi nhưng làn da sạm đen, bàn tay chai sần từng đám, tất cả đều do vất vả mà ra.
Cốc Tuyết đã quen với thời tiết khô ráo oi bức vùng Tây Bắc. Vì không phải làm việc nhà nông nên cô không dùng đến quạt điện cũng cảm thấy thoải mái, cứ thế nhẹ nhàng trải qua mùa hè. Kết quả là người tính không bằng trời tính, cô quên mất Cốc Noãn không chịu được nóng bức. Vừa bước sang tháng bảy, rôm sảy trên người Cốc Noãn mọc từng mảng lớn, một ngày tắm mấy lần mà vẫn không hết.
Cốc Tuyết không thể để con gái khổ sở như vậy. Cô mượn xe đạp đi ra chợ, lúc trở về mang theo một chiếc quạt điện. Cô không thể mua nổi sản phẩm công nghệ cao như chiếc máy điều hòa giá hai đến ba nghìn tệ, hơn nữa nhà cô khá thoáng đãng, mua điều hòa về không phải rất tốn điện sao?
Mùa hè nóng bức với tiếng ve râm ran đi qua. Một màu vàng óng ả cùng hương thơm của trái cây mùa thu bay khắp núi rừng. Nhà họ Cốc hài lòng vì thu hoạch được khá nhiều hoa quả, Cốc Noãn đã chập chững bước đi, ngọng ngịu gọi hai tiếng“ Mẹ, mẹ…”.
Tận mắt nhìn con gái trưởng thành, trong lòng Cốc Tuyết còn ngọt ngào hơn cả khi thu hoạch được ngàn cân lương thực trước kia. Ngày nào cô cũng hứng khởi dạy con tập đi, tập nói, tiện thể làm một số món ăn dành cho trẻ em theo khẩu vị của con như cháo, hoa quả nghiền…. Khi rảnh rỗi hơn nữa thì dốc sức may những bộ quần áo đủ cho bốn mùa của năm sau để Tiểu Cốc Noãn mặc dần. Trong hơn nửa năm, tay nghề nấu ăn hay may quần áo của Cốc Tuyết đều tăng vượt bậc.
Nháy mắt Cốc Noãn đã hơn một tuổi, tuy cô bé đi còn chưa vững, nhưng dáng điệu liêu xiêu như chim cánh cụt ấy khiến ai nhìn cũng thấy yêu. Lúc không có việc gì, hàng xóm gần nhà Cốc Tuyết thường dẫn con cái sang chơi, nhân tiện ngắm nhìn điệu bộ chim cánh cụt dễ thương của Cốc Noãn.
Khi Tiểu Cốc Noãn chạy nhảy thuận lợi là lúc một mùa xuân nữa lại đến. Cốc Tuyết hăng hái vác cuốc chuẩn bị dốc sức lao động. Ngô, lúa nước, cải dầu, khoai lang… chỉ cần là những thứ trồng được trong vụ xuân, cô đều muốn trồng. Còn về Tiểu Cốc Noãn, đương nhiên là cũng ra đồng cùng cô, nhưng cô bé ngồi dưới bóng cây chơi rubic và búp bê vải.
Đã lâu không ra đồng nên Cốc Tuyết mới làm việc đến gần trưa mà xương sống như chùn cả xuống. Cô trìu mến nhìn Cốc Noãn đang ngoan ngoãn tự ngồi chơi dưới tàng cây rồi lại khom lưng tiếp tục làm việc. Năm ngoái ruộng đồng không đủ, chỉ dựa vào hai con heo mập, hơn chục con gà con vịt cô đã bán được một hai nghìn tệ. Bởi vậy, Cốc Tuyết dự định năm nay tiếp tục nuôi lợn và gia cầm. Với một cô gái sức lao động có hạn, lại phải chăm sóc con nhỏ, Cốc Tuyết mới nghĩ ra cách kiếm tiền cho mùa đông năm nay là nuôi lợn nuôi gà. Đất đai ruộng vườn, Cốc Tuyết tính toán có thể trồng đủ các loại cây để cô và Cốc Noãn có lương thực ăn no cả năm.
“ Cốp”. Nhát cuốc vừa đi xuống, lòng đất vang lên một tiếng. Cốc Tuyết nghi ngờ trong nháy mắt, không biết cô đào phải đá gì? Mảnh ruộng này không phải cô đã cho người đến cày xới một lần rồi sao? Lẽ ra trong đất không thể có viên đá to như vậy. Hơn nữa tiếng động cũng không đúng, va phải tảng đá, tiếng vang rõ ràng phải trong hơn.
Cốc Tuyết nghi hoặc nhấc cuốc ra, bắt tay vào bới đất. Một chiếc vòng bằng bạc hay sắt gì đó nằm trơ trọi. Cô tò mò nhặt lên nhìn. Đó là một chuỗi vòng cổ bằng bạc có hình thù kỳ quái. Cái vòng này nhỏ như vậy, tại sao khi chiếc cuốc chạm vào lại có thể phát ra tiếng vang lớn?
Cốc Tuyết trộm nhìn chiếc vòng. Nó xấu xí như một chiếc dây thừng, điểm đặc biệt duy nhất là ở giữa treo một viên đá lục bảo to như viên chân trân châu màu xanh sẫm. Nếu không có viên ngọc lục bảo kia thì chiếc vòng sẽ trở nên hết sức bình thường.
Cốc Tuyết tỉ mỉ vuốt ve viên ngọc, cô cảm nhận đầu ngón tay mình từng cơn mát lạnh. Suốt một thời gian dài cầm cuốc, mọi đau đớn trên tay dường như tan biến: “ Không lẽ chiếc vòng này là bảo vật?”. Cốc Tuyết cầm chiếc vòng lật đi lật lại, viên trân châu đem lại cho người ta cảm giác thật đặc biệt.
Cốc Tuyết dùng cuốc đào thêm vài nhát ở chỗ vừa nhặt được chiếc vòng xem có thấy thêm gì nữa không. Đào hố sâu hơn một mét nhưng do đuối sức, với lại không tìm thấy thêm thứ gì nên cô đành dừng lại. Đúng là cô không có vận khí để phát tài. Cô còn tưởng rằng dưới lòng đất có ngôi mộ cổ nào đó chưa bị ai phát hiện. Hơn hai mươi năm qua, mảnh ruộng này của nhà họ Cốc chưa từng đào được bảo bối, có lẽ chiếc vòng này là của ai đó đánh rơi xuống đất.
Nghĩ mình không có vận phát tài, Cốc Tuyết liền nhét chiếc vòng vào túi quần. Đã giữa trưa rồi, mảnh ruộng này mới làm được một phần ba, cô phải cố gắng hơn mới được.
Cốc Tuyết gắng sức làm việc không biết mệt mỏi đến nỗi quên cả thời gian. Mãi cho đến khi Tiểu Cốc Noãn ngồi dưới gốc cây kêu đói, cô mới buông cuốc nhìn chiếc đồng hồ kiểu cũ mẹ để lại trên cổ tay. Quả nhiên đã hai giờ chiều. Lạ thật, cô bắt đầu làm việc từ bảy giờ sáng, sao đến bây giờ cô lại không thấy mệt mỏi đói khát?
Cô nghi hoặc lại gần chỗ Tiểu Cốc Noãn, lấy trong ba lô để dưới gốc cây ra chiếc cặp lồng cơm cùng chiếc túi nhỏ rồi tìm gần đấy ít củi đốt lên. Cơ thể Cốc Tuyết ấm dần, cô bắt đầu cùng Cốc Noãn ngồi ăn cơm.
Trong cặp lồng là món canh thịt, trong chiếc túi nhỏ là món trứng gà và bánh bao. Cô cho trứng gà vào canh rồi đặt cặp lồng lên đống lửa, bắt đầu nướng bánh bao. Nếu chỉ có mình Cốc Tuyết, cô khẳng định với vài cái bánh bao là có thể xong bữa trưa nhưng giờ đây Tiểu Cốc Noãn đã hơn một tuổi nên cô phải nghĩ cho cơ thể của con gái. Đồ ăn vừa phải có dinh dưỡng vừa phải là món con thích. Vì thế mà Cốc Tuyết đã nghĩ ra chiêu như vậy, vừa thuận tiện vừa không ảnh hưởng gì đến Cốc Noãn.
Cho Tiểu Cốc Noãn ăn canh trứng xong xuôi, Cốc Tuyết ôm con gái ngủ trưa. Đương nhiên chỉ có mình Cốc Noãn đi ngủ. Trong lúc dỗ con ngủ, Cốc Tuyết lại nghĩ đến chiếc vòng cổ, cô thò tay vào túi quần lấy ra. Do không cẩn thận nên cô bị một miếng sắt rỉ gồ lên chọc phải. “ Đau quá”. Cốc Tuyết giơ ngón tay lên nhìn, ngón giữa tay trái bị đâm rỉ ra chút máu: “ Chậc, thế mà cứ tưởng là bảo bối gì cơ”. Chứ không chiếc vòng sao lại đâm thủng tay cô?
Một lần nữa cô lấy chiếc vòng ra, bất chợt mở to mắt nhìn: “ Ơ, sao lại thế này?”. Chiếc vòng cũ đã biến thành mới, sáng lấp lánh, toàn bộ rỉ sét đều không thấy.
Cốc Tuyết ngạc nhiên dụi mắt, chiếc vòng cổ vẫn đang tỏa ánh sáng lấp lánh, ánh mặt trời chiếu vào viên trân châu càng thêm rực rỡ, tỏa sáng xung quanh.
Cô ôm chặt cánh tay Cốc Noãn mà cảm giác cơ thể như rét run. Rõ ràng là mùa xuân, ánh mặt trời ấm áp, mà sao cô thấy giờ phút này mọi thứ trở nên âm u tĩnh mịch?