Dần dà sau này tôi mới biết, hành vi của ba tôi được gọi là bạo lực gia đình. Cô giáo nói có thể báo cảnh sát, chú cảnh sát sẽ bảo vệ tôi và mẹ.
Vì thế một đêm lại bị đánh, nhân lúc ba ngủ say, tôi kéo tay mẹ, niềm vui sướng và khao khát to lớn đến mức quên cả cơn đau trên người. “Mẹ, chúng ta báo cảnh sát bắt ba đi.”
Mẹ không vui như tôi tưởng mà ngược lại, bà nhìn tôi với ánh mắt bàng hoàng, đau lòng. “Thanh Thanh, ông ấy là ba con! Sao con lại có thể làm vậy!”
Giọng khiển trách của bà như một cú tát mạnh vào mặt tôi.
Mặt tôi nóng ran lên, tựa như mình là một đứa con gái bất hiếu. Nhưng mà thực sự không phải như thế. Cô giáo nói, bạo lực gia đình chính là bạo lực, bất kể người đó là ai cũng không thể tha thứ.
Vì vậy tôi khăng khăng muốn báo cảnh sát.
Lần đầu tiên mẹ đánh tôi. Cây gậy gỗ thô to bằng đầu ngón tay đánh đến gãy, bà bắt tôi quỳ xuống đất mà suy ngẫm.
Lần đầu tiên tôi biết, hóa ra không chỉ ba đánh đau, mẹ đánh cũng rất đau.
Lần đầu tiên tôi biết, hóa ra mẹ cũng đánh người, chẳng qua không phải là đánh ba.
Bị ba đánh vô số lần tôi không khóc, nhưng bị mẹ đánh, tôi khóc suốt một đêm.
Ngày hôm sau, mẹ phá lệ luộc quả trứng gà xoa vết thương trên người cho tôi. Xưa giờ trứng gà mẹ đều để dành lại cho ba ăn.
Tôi biết, đây là thứ gọi là vừa đấm vừa xoa, tát một cái rồi cho quả táo.
Vì đó là điều mà ba đã đối xử với mẹ.
Nhưng tôi không thích mẹ như thế, bà khiến tôi cảm thấy bà vô cùng xa lạ.
Trước đây khi bị đánh, tôi hy vọng sẽ mau lớn lên, vì lớn lên có thể bảo vệ mẹ. Nhưng mà, khi tuổi càng lớn lên, tôi phát hiện lớn lên là điều rất khổ sở.
Nó dần dần phá tan hy vọng của tôi.
Bạo lực gia đình cứ hết lần này đến lần khác tái diễn.
Tha thứ cũng hết lần này rồi lại đến lần khác.
Tôi trở nên chết lặng, lạnh nhạt nhìn mẹ chân trước khóc nức nở thương tâm, chân sau lại thận trọng lấy lòng.
Tôi nghĩ mình không thể thất vọng hơn được nữa.
Nhưng đằng sau thất vọng, còn có tuyệt vọng.
Năm 11 tuổi, tôi bị ba đánh đến gãy xương.
Bất kể mẹ nói gì, tôi đều khăng khăng muốn báo cảnh sát. Mẹ khóc lóc quỳ xuống van xin tôi, bà nói nếu tôi báo cảnh sát chính là đang ép bà chết.
Một người mẹ quỳ xuống với con gái mình.
Tôi bị đóng đinh vào cây cột đạo đức ô nhục.
Không có đường tiến, chẳng có đường lùi.
Bà có yêu tôi không?
Tôi đã không còn phân định được.
Có lẽ là yêu, nhưng tình yêu bà dành cho ba dường như đã đào rỗng bà, phần còn thừa lại dành cho tôi chẳng còn mấy.
Chén bát bể trong nhà nhiều không đếm xuể, bởi vì cuộc sống tạm bợ, bà giữ lại tất cả những thứ còn có thể dùng được. Bà dành cái chén đẹp nhất cho ba tôi sử dụng, cái tốt thứ hai cho tôi, cái chén nứt mẻ nhiều nhất bà để lại cho bản thân.
Sau này. Chén bát bể càng nhiều, bà không còn phân biệt được cái nào cao thấp tốt xấu. Mọi người đều cầm những cái chén mẻ sứt sẹo như nhau. Cuộc sống cũng nát nhừ như thế.
Ba tôi đòi tiền ngày càng nhiều, mỗi ngày quay về với tâm trạng càng tồi tệ hơn, xuống tay ngày càng nặng hơn.
Tuy nhiên mấy ngày sau, ông ta lại rạng rỡ hẳn.
Không chỉ mua gà nướng về mà còn mua cho mẹ một chiếc váy mới.
Mẹ cứ tưởng xuân về. Không ngờ lời ba nói khiến bà rơi vào ngày đông giá rét.
Ba kéo tay bà: “Uyển Nhu à, ở sòng bạc tụi anh có một ông chủ lớn, ông ấy có tiền, lại rất bản lĩnh. Ông ấy để mắt đến em, em mặc chiếc váy này vào, tối mai đi ăn tối với ông ấy một bữa nhé?”
Mẹ tôi rất đẹp, là người đẹp nổi tiếng trong thị trấn. Nụ cười trên mặt bà cứng lại, ngẩn ngơ nhìn thẳng vào mắt ba tôi, chậm rãi hỏi: “Chỉ ăn bữa cơm thôi sao?” Tựa như xác nhận điều gì.
Ánh mắt ba láo liên không dám nhìn thẳng. Ông ta nói, “Uyển Nhu, xin hãy giúp anh. Chỉ lần này thôi, ông chủ đó nói sau này sẽ dẫn anh theo làm ăn, anh có thể tạo cho em cuộc sống tốt đẹp.”
Mẹ ngồi đó, run run không nói nên lời, tựa như một con rối gỗ bị đào mất linh hồn, già đi mười tuổi trong nháy mắt.
Tôi chưa từng thấy bà như thế.
Tựa như mọi thứ hóa tro tàn trong nháy mắt.
Ba cho rằng mẹ không đồng ý nên trở mặt chửi ầm lên: “Không phải mày rên rỉ rất sung sướng trên giường ông đây sao? Sao đổi người khác thôi cũng không được? Mẹ kiếp, mày còn không bằng gót chân vợ Trương Đại Tưởng.”
Tôi biết vợ Trương Đại Tưởng, sống ở phía tây thị trấn. Bạn học tôi nói cô ấy làm “gà”, làm “gà” nuôi chồng. (Gà = làm đi*m)
Nước mắt mẹ rơi như mưa, bà níu tay áo ba để ông đừng nói nữa.
“Em đi, em đi.”
3.
Đêm đó ba tôi nói rất nhiều lời hay ý đẹp với mẹ, tối còn ngáy ngon hơn mọi ngày.
Mẹ ôm tôi ngủ trên chiếc giường nhỏ trong căn phòng chứa đồ linh tinh sát vách. Bà luôn miệng nói: “Trước kia ông ấy đối xử với mẹ rất tốt, sau này cũng sẽ tốt, đúng không?”
Tôi hỏi: “Vậy bây giờ thì sao?”
Bà chậm rãi quay đầu nhìn tôi, khóe mắt ướt đẫm. “Trước kia ông ấy đối xử với mẹ rất tốt, lúc chưa có con ông ấy đối xử với mẹ thực sự rất tốt. Nếu như không có con, nếu như không có con thì có phải…”
Tôi không nói gì, chỉ nhìn bà, đau thương tràn trong mắt. Tôi vẫn tưởng trái tim này không còn đau nữa.
Bà chợt bừng tỉnh, nhận ra mình vừa nói gì, bà ôm lấy tôi, lắc đầu nguầy nguậy, giải thích: “Thanh Thanh, không phải mẹ có ý đó, mẹ không có ý đó.”
Mãi đến khi tôi ngủ, bà vẫn còn thì thào lẩm bẩm.
Chiều hôm sau tan học về. Trong nhà không có ai.
Tôi đẩy cửa phòng ngủ, mẹ mặc chiếc váy trắng mới tinh, nhắm mắt nằm yên trên giường cưới của ba mẹ, trên đầu giường có treo tấm ảnh cưới hai người.
Máu chảy từng giọt từ cổ tay mẹ nhỏ xuống đã sắp khô.
Trên mặt đất là một vũng máu đã khô.
Thân thể bà cũng đã cứng đờ.
Mẹ tự s/á/t.
Bà c/h/ế/t trong giấc mộng tự mình dệt nên.
Trái tim ba đã trống rỗng từ lâu nhưng mẹ luôn cho rằng mùa xuân đến nó sẽ đâm chồi nảy lộc, cuối cùng tất cả mong đợi đều vô ích, người c/h/ế/t cả tinh thần lẫn thể xác lại chính là bà.
Lời xin lỗi thực sự chính là đền đáp và bù đắp, xin lỗi bằng lời chỉ là trò khổ nhục kế, vì thế ba không đáng được tha thứ.
Nhưng từ trước đến nay mẹ không bao giờ chịu hiểu.
Năm 11 tuổi, từ nay về sau tôi không còn có mẹ. Kể từ đó, giông tố cuộc đời ập đến với tôi.
Lửa giận của ba cũng mình tôi gánh vác.
Không có người ôm tôi vào giấc ngủ, không còn người gọi tôi Thanh Thanh.
Hương thơm thuộc về mẹ không còn, chỉ còn lại mùi rượu, thuốc lá hôi hám.
Mẹ mất rồi, chẳng những ba không đau lòng mà ngược lại còn tức giận chửi bà không biết điều, thậm chí không tổ chức cho bà được một tang lễ đàng hoàng.
Mỗi lần say rượu, nắm đấm ông ta hạ xuống quật ngã tôi xuống đất thì tôi lại đứng lên với lòng thù hận thấu xương.
Ông ta đánh tôi, tôi báo cảnh sát.
Tôi từng ngây thơ cho rằng báo cảnh sát có thể giải quyết vấn đề. Nhưng ông ta bị nhốt lại dăm ba bữa, sau khi được thả thì lại càng giận, ra tay càng tàn nhẫn.
Tôi bị đánh hộc máu, đánh đến suýt mù.
Vô số lần đầu váng mắt hoa, tôi đã từng nghĩ mình sắp chết.
Thật đáng buồn là không.
Có thể là vì ông ta nên chết trước tôi.
Tôi hận ông ta, càng hận bản thân.
Tôi hận mình tại sao hèn nhát không dám đánh trả.
Tôi hận mình tại sao nhìn thấy ông ta thì run lên không thể kiềm chế được.
Tôi hận mình tại sao lại sợ một tên còn tồi tệ hơn cả súc sinh.
Lòng căm hận này chống đỡ cho tôi lung lay sắp đổ mà sống sót.
Ngày trôi qua như vũng bùn lầy, bốc lên mùi tởm lợm khiến người chán ghét.
Nhà nghèo, không có mẹ thương, không có cha chăm, học lực trung bình, trầm lặng ít nói. Tôi trở thành mục tiêu bắt nạt của bạn học trong trường cấp 2.
Tôi thành đề tài bàn tán của họ, cô lập, chế nhạo tôi.
Bạo lực lời nói thật ra không thua kém bạo lực thân thể. Họ không động tay đánh tôi, lại làm tôi run rẩy.
Trong lớp, khi tôi trả lời câu hỏi, họ nhìn tôi vẻ khinh thường, nói giọng tôi ti tiện, cố tình đãi giọng nhão nhoét.
Sau giờ học, tôi đi toilet, họ lớn tiếng bàn tán, nói tư thế tôi kỳ quái, cố tình õng ẹo.
Dán giấy sau lưng tôi, ném sách bài tập của tôi, đặt cho tôi đủ mọi biệt danh nhục nhã.
Họ cười tôi ăn mặc quái đản.
Nhưng họ không biết nỗi sợ hãi, xấu hổ, bất lực khi ngực tôi bắt đầu phát triển trong tuổi dậy thì.
Tôi không có mẹ dạy. Không biết tuổi này họ đã mặc áo lót dành cho thiếu nữ.
Tôi tiết kiệm tiền nên mặc đồ lót của mẹ.