Hẻm Bình An rất sâu, đứng từ đầu hẻm nhìn vào với đi vào là hoàn toàn khác biệt.
Ban đầu tôi tưởng Chu Hải Yến giống như lời mọi người nói, là một tay xã hội đen chuyên thu tiền bảo kê. Vì vậy mới đi tìm anh.
Nhưng thật sự tiếp xúc mới phát hiện không phải vậy.
Anh là người tốt, mẹ anh cũng vậy.
Họ đều là những người rất tốt rất tốt.
Lòng can đảm dốc hết với tâm lý được ăn cả ngã về không tựa như quả bóng cao su căng lên rồi lại xì xẹp lép.
Trong người tôi chảy dòng máu của Đường Thế Quốc. Sống trốn không thoát, chết cũng không thoát được, phải chịu tra tấn mãi mãi.
Trên đường về, dì Chu nắm chặt tay tôi, Chu Hải Yến đi sau xách túi thuốc bác sĩ kê cho. Ấm áp như thể chúng tôi là người một nhà.
Tôi ước gì con đường này không có điểm kết thúc, có thể đi mãi thế này.
Nhưng tôi biết, đó là điều không thể.
Khi đi tới đầu hẻm, ảo tưởng nên kết thúc, tôi không còn lý do gì để ở lại lâu hơn nữa. Có nỗi buồn không tả được.
Tôi định lấy đồ đạc ra rồi về nhà.
Còn điều gì đợi tôi khi về nhà tôi không biết, chỉ nghĩ tới thôi thì thở đã thấy khó khăn.
Kỳ lạ là khi tôi vào cửa tìm ba bốn lần nhưng không thấy túi của mình đâu.
“Không vào đi, tìm hồn ở ngoài cửa à?”
Có lẽ vì tôi nên chậm trễ công việc, vừa về nhà Chu Hải Yến đã bắt đầu vẽ. Đôi chân dài chống trước sau trên ghế.
Tôi nói nhỏ: “Em tìm cái túi, cái loại túi vải dệt ấy.”
Anh giơ bút chỉ chỉ, “Ở căn phòng phía nam đó, mẹ tôi cất giùm em.”
“Dạ?”
Không để tôi hỏi rõ lại, dì Chu từ bếp đi ra ôm lấy vai tôi, “Thanh Thanh, canh mới hầm xong, dì dọn cho con căn phòng trên lầu, đi, đi xem có vừa ý không.”
Sau khi hiểu ý nghĩa câu nói của dì, tôi vội vã xua tay. “Không cần không cần đâu dì, con về nhà ngay.”
“Về làm gì? Tìm đòn à?” Chu Hải Yến không ngẩng đầu lên. “Khi nào khỏe lại mới về, đừng có ra cửa lại ngất xỉu thì Chu Hải Yến tôi đây lại bị người ta nói chọc cột sống, nói tôi bắt nạt trẻ con.”
“…”
Dì Chu phụ họa, “Đúng đúng đúng, cứ ở lại dưỡng bệnh hai ngày đã.”
Tôi ngẩn ngơ, một chiếc bánh có nhân lớn từ trên trời rơi xuống, đập tôi choáng váng.
Nửa đẩy nửa kéo lên lầu.
Căn phòng ngăn nắp chỉnh tề, tủ quần áo riêng, bàn làm việc, trên giường còn một drap in hoa mới tinh. Một chậu cây mọng nước trên bậu cửa sổ đang thảnh thơi tắm nắng.
Có lẽ bầu không khí quá đẹp nên đến cả chiếc túi vải bố trên ghế cũng sáng ngời lên.
Tôi ngơ ngác đứng ở cửa.
“Vẫn hơi đơn điệu, thời gian gấp gáp, phòng con gái nên chăm chút hơn, con vào ở rồi từ từ dì trang trí thêm.”
Không, đã rất tốt, tốt đến không thật.
Tôi chưa từng ở một căn phòng đẹp thế này, trong trí nhớ vẫn là gian phòng chứa đồ cũ âm u không ánh sáng kia.
Có lẽ tôi nên từ chối, nhưng tôi luyến tiếc.
Đến bữa chiều, dì Chu dọn món canh bí đao hầm sườn lên đặt giữa bàn. Ba mặn một canh, món nào nhìn cũng mới lạ. Không phải là một nồi hầm hỗn độn.
Chén đĩa là theo bộ, sứ trắng viền đen. Không sứt sẹo, nứt nẻ.
Tôi từng đọc một đoạn trong sách, đại ý là “dân dĩ thực vi thiên*”, bầu không khí sinh hoạt và thái độ của một gia đình có thể nhìn thấy rõ từ trên bàn ăn. (Chú thích: Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi thiên = Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm trời. Theo Lê Văn Đức, trong Tự điển Việt Nam (1970), câu “Dân dĩ thực vi thiên” có nghĩa là “Dân lấy ăn làm trời” (nghĩa hẹp) và giải thích thêm “Dân lấy miếng ăn làm trọng, nên muốn trị dân trước hết phải làm cho dân no ấm vì dân đói thì nước loạn”)
Thật đơn giản nhưng lại là gia đình mà tôi khao khát nhưng xa xôi không với tới.
Dì Chu bảo tôi đừng ngại ngùng, thích ăn gì thì gắp nấy, cứ xem đây như nhà mình. Tôi im lặng gật đầu.
Tôi lén kiềm chế tốc độ ăn của mình, cố gắng ăn chậm nhất có thể, nhưng thức ăn dì gắp cho tôi trong bát vẫn đã hết. Đĩa gà hấp nấm hương gần tôi nhất, cách đũa tôi không đến 30cm nhưng tôi không dám động.
Đồ ăn hết rồi không được gắp nữa, nếu không chính là ích kỷ, vô học. Là làm cho người ta không thích mình. Đây là đạo lý ba mẹ dạy tôi từ bé. Có rất nhiều người không thích tôi, nhưng tôi không muốn mẹ con dì Chu cũng không thích tôi.
Tôi ăn từng hạt cơm trắng còn lại trong bát, giả vờ bận rộn, không dám ngừng lại sợ hai người phát hiện ra sự quẫn bách và vô lễ của tôi. Trong lòng thầm tự trách mình, nếu ban nãy ăn chậm hơn thì tốt rồi.
Hạt cơm trắng cuối cùng còn lại trong bát cũng bị ăn sạch. Tôi từ từ đặt đũa xuống miệng bát.
Dì Chu: “Thanh Thanh, con ăn vậy no rồi sao? Sao ăn ít vậy, sao đủ được.”
Tôi gật đầu, “Dạ no rồi dì.”
“No thật?” bà lo lắng.
“Thật ạ.” Để ra vẻ đáng tin tôi còn giả vờ ợ lên.
Cảm giác được ánh mắt sâu kín đang nhìn mình, tôi ngẩng lên đối diện với tầm mắt Chu Hải Yến.
Đôi mắt đen nháy của anh bình thản. “Chỉ cần em ở lại đây một ngày thì nơi này là nhà của em một ngày, đừng quá câu nệ.”
Tôi không nghĩ về ý tứ sâu xa trong lời của anh, vội vàng gật đầu, bảo đảm mình đã no rồi viện cớ lên lầu làm bài tập.
Phía sau, hai người nhìn nhau thật lâu, dì Chu thở dài trước.
10.
Không ngoài dự đoán. Kết quả việc chỉ ăn lưng lửng bụng là nửa đêm bị đói tới thức giấc. Dạ dày đau do trào ngược. Tôi lấy tay xoa xoa bụng, nghiêng người cuộn tròn lại. Theo kinh nghiệm, chịu đựng qua thời gian này thì sẽ ổn.
Tôi bắt đầu nghĩ ngợi để phân tán chú ý. Hôm nay là thứ bảy, mai là chủ nhật. Lễ Quốc khánh được nghỉ 7 ngày, thứ hai tuần sau mới phải đi học.
Nhưng tôi không muốn đi học, tôi sợ bọn họ, càng không biết nên đối mặt với cô Lý thế nào.
Tấm chăn dưới người mềm mại, thoải mái. Tôi đưa tay vuốt phẳng mặt ngoài, ngửi ngửi. Trên đó không có mùi thuốc lá, mùi rượu hôi hám, cũng không có mùi ẩm mốc mà là mùi nắng.
Tôi không kiềm được cong khóe môi.
Hôm nay dì Chu ôm tôi, dì nói ngay ánh mắt đầu tiên nhìn thấy tôi đã thích tôi, cảm thấy tôi rất đáng yêu.
Dì nói sáng nay không phải dì cố ý mà vì dì nhát gan, sợ ma.
Dì còn nói tôi có duyên với nhà họ Chu, trước kia dì luôn muốn sinh một đứa con gái, đặt tên Chu Hà Thanh, một trai một gái, ngụ ý trời yên biển lặng, vạn vật thái bình.
Nhưng mà dì không có phúc phần đó.
Khi dì nói lời này, ngữ điệu lộ vẻ bi thương thầm kín.
Thế gian này, mỗi người đều có mặt tối và mặt sáng riêng.
Không biết có phải ông trời thấy tôi đáng thương nên cuối cùng bằng lòng cho tôi chút tình thương cảm. Nếu vậy, tôi chỉ muốn xin ông, có thể thương xót tôi nhiều hơn một chút. Chỉ cần một chút là được. Để cho tôi được ở đây thêm mấy ngày. Xem như là một giấc mơ ngắn ngủi đẹp đẽ.
Tôi trở người, giường gỗ vang lên tiếng cọt kẹt. Ngôi nhà nhỏ này khá cũ.
Bụng khó chịu không ngủ nổi, tôi ngồi dậy mở đèn đầu giường, lấy bài kiểm tra toán ra.
Viết chưa được vài phút, cửa phòng bị gõ nhẹ ba tiếng.
Tôi mở cửa.
Người thanh niên dựa vào khung cửa. “Còn chưa ngủ?”
“Em… em đi ngủ ngay.”
Ánh mắt anh nhìn thẳng tắp, bóng dáng anh chìm trong nửa tối nửa sáng.
Dưới ánh nhìn như vậy, tôi có cảm giác mình bị nhìn thấu.
Anh nói: “Chu Hải Yến tôi không từng nuôi trẻ con, nhưng cũng không ngu tới mức để người ta đói chết.”
Mặt tôi đỏ bừng lên, nóng hực. Trăm phương nghìn kế che lấp đột nhiên bị vạch trần, lộ ra vẻ chật vật nhất. Tôi bấu chặt góc áo, không biết nên nói lại gì.
Rõ ràng trước kia không hề bị phát hiện.
Tôi không ý thức được môi mình đang run rẩy.
Tôi sợ, sợ họ sẽ cảm thấy tôi dối trá, cảm thấy tôi không làm người ta thích.
Tôi cụp mắt xuống. Hình như tôi không giữ được gì cả.
Một bàn tay to nắm cằm tôi, tôi ngẩng lên, nước mắt trong suốt theo khóe mắt chảy xuống, ướt đẫm. Lòng bàn tay khô ráo lau nước mắt tôi, người thanh niên than khẽ.
“Sao lại khóc? Tôi ngồi xổm dưới lầu chờ em lâu vậy, con nít bình thường đã đi xuống tìm đồ ăn từ sớm, nhưng em có thể chịu đựng được.
Em không giống ba mình chút nào, một người chỉ sợ làm phiền người khác, một kẻ chỉ sợ không gây thêm phiền cho người khác. Chưa kể phí bảo kê tôi đã nhận, em còn lo lắng cái gì?”
Tôi hít hít mũi, giương mắt nhìn anh. Nhưng mà hôm qua chính anh nói không được.
Như để chứng minh với tôi, anh lấy trong túi ra tờ 10 tệ nhàu nát, xòe ra trên lòng bàn tay.
Đợi tôi nhìn rõ, anh lại bỏ vào túi. Kéo tay tôi, đi xuống lầu, đến bếp thì dừng lại.
Bật sáng đèn. Trong nồi áp suất còn giữ ấm canh xương sườn.
Anh nói: “Mẹ tôi để dành lại cho em.”
Lúc này tôi mới nhận ra kỹ thuật diễn xuất của mình vụng về đến mức nào. Nhưng mà mười năm như một, tôi chưa bao giờ bị ba mẹ vạch trần.
Sau này tôi mới biết, có những nguời nhìn bằng mắt, trong khi có những người khác nhìn bằng tim.
“Tài nghệ có hạn, mì hầm nước xương sườn được chứ?”
Tôi gật đầu như giã tỏi.
Anh bảo tôi ngồi chờ. Vì không mở máy hút mùi nên khói trắng bay khắp nơi, anh đưa tay đẩy hé cửa sổ ra.
Mì có rất nhanh. Bát đầy tràn, rất nhiều, nhìn là biết ăn không hết.
“Ăn hết không?”
Tôi nói hết.
Anh hỏi lại: “Nhiều hay ít?”
Tôi nói vừa rồi.
Giây tiếp theo bị ăn một cái búng tay lên trán. Không đau, nhưng kêu rõ to.
Anh nheo nheo mắt hỏi lại: “Nhiều hay ít?”
Tôi ôm trán, thành thật, “Nhiều.”
Lúc này anh mới có vẻ nhẹ nhõm, bê bát trước mặt tôi đi, thay vào đó là một bát có quai màu hồng nhạt không quá to cũng không quá nhỏ.
“Sau này ăn không đủ thì nói, ăn không hết cũng phải nói. Ăn nhiều hay ít quá đều không tốt cho dạ dày.”
Tôi gật đầu.
Sợi mì bóng loáng xen lẫn với xương sườn, bắp. Tôi ăn nhỏ nhẻ từng miếng. Anh ngồi đối diện ăn từng miếng to.
Anh hỏi: “Ngon không?”
Tôi nói: “Dạ ngon.”
Anh cười: “Coi bộ em khá dễ nuôi.”
Phòng bếp yên tĩnh tràn ngập mùi thơm thức ăn, gió đêm luồn qua cửa sổ thổi vào, dạ dày và trái tim từng chút được lấp đầy.