Tiết Hiểu Lam bưng bát cháo còn ấm đến gần con gái, ánh mắt bà quét qua bộ quần áo đã cũ kỹ cô đang mặc trên người rồi dừng lại ở chiếc nạng nhỏ nhắn ngay bên cạnh, trái tim quặn thắt.
Sống đến từng tuổi này rồi bà mới nhận ra một điều, không phải cái gì nhỏ nhắn trông cũng đáng yêu, không phải đứa trẻ nào cũng ôm ấp một tuổi thơ trọn vẹn. Con gái của bà không phải là một đứa trẻ may mắn nhưng khi sống trong cái cảnh đời nghiệt ngã này thì cô lại là đứa trẻ kiên cường nhất.
Hít vào một hơi sâu, Tiết Hiểu Lam ngồi xuống trước mặt Hạng Khiết, đem bát cháo đặt vào trong tay cô, dịu dàng cất giọng: "Ăn đi con, lát nữa chúng ta về nhà lấy ít đồ rồi lên tàu."
Lúc này Hạng Khiết mới chậm rãi quay đầu, nét mặt tĩnh lặng tựa như một bức tranh mùa thu, không ngạt ngào hương sắc, chỉ gợi lên nỗi buồn man mác cuốn theo từng chiếc lá khô rời cành.
Đôi môi nhợt nhạt nhẹ nhàng hé mở, giọng nói cô trong trẻo nhưng đã không còn sự hồn nhiên mà một đứa trẻ nên có: "Lát nữa chúng ta về nhà bằng xe buýt nhé?"
Trước đó Tiết Hiểu Lam dự định sẽ gọi một chiếc taxi đến đón hai mẹ con thay vì phải ngồi xe buýt, vì bà có rất nhiều nỗi sợ, sợ con gái sẽ mặc cảm trước đám đông, sợ con gái sẽ bị tổn thương trước những ánh nhìn như muốn vạch lá tìm sâu của người khác.
Mà Hạng Khiết cũng sợ mẹ mình sẽ không đồng ý nên bổ sung thêm một câu: "Đi taxi sẽ ngột ngạt lắm ạ."
Tiết Hiểu Lam đành chiều lòng con gái, đợi trời tạnh mưa hai mẹ con mới dìu dắt nhau đến trạm xe buýt, hàng ghế dưới mái che đã đông nghịt người, tiếng cười đùa nối tiếp nhau vang mãi chẳng dứt, tạo nên khung cảnh hết sức vui tươi.
Rồi sự xuất hiện của Hạng Khiết giống như nốt trầm của một bản tình ca rực rỡ, không ai nhìn thấy phần cơ thể bị khiếm khuyết của cô ẩn sau chiếc quần bò đã lỗi mốt từ đời nào, nhưng tất cả đều biết cô không thể đứng vững trên đôi chân của mình.
Tiết Hiểu Lam ôm một chiếc túi lớn đi bên cạnh con gái, lặng lẽ quan sát biểu cảm của đám đông, nhận được những ánh mắt đồng cảm bà không lấy làm vui mừng, bắt gặp vài ánh mắt thờ ơ trong lòng bà cũng không gợn sóng, con gái bà không để ý thì hà cớ gì bà phải bận tâm.
Xã hội này muốn nhìn cô bằng ánh mắt gì phải hỏi xem trái tim họ có thấu cảm được nỗi đau cô đang mang hay không, còn việc của bà là dùng hết quãng đời còn lại để làm đôi chân cho cô bước đi, đến khi sức cùng lực kiệt, bà chỉ hy vọng sẽ có một người đàn ông thay bà dang đôi tay đỡ lấy cô trước những vấp ngã cuộc đời.
Hai mẹ con đứng bên ngoài mái che cùng mọi người chờ xe buýt đến, những giọt mưa còn đọng trên tán lá thi thoảng lại rơi trên chóp mũi tinh tế của Hạng Khiết, Tiết Hiểu Lam biết con gái mình có phần bất tiện nên vươn tay giúp cô lau đi.
Ánh mắt của những người xung quanh vừa mới tản ra giờ đây lại bị thu hút bởi hành động nhỏ của bà, một thai phụ đang ngồi ở hàng ghế chờ bỗng đứng dậy đi về phía hai mẹ con.
Người thai phụ tươi cười gật đầu với Tiết Hiểu Lam thay cho lời chào, ngược lại, cái gật đầu đáp lễ của Tiết Hiểu Lam lại mang theo vài phần e ngại vì không biết đối phương muốn gì, đám đông bên cạnh cũng cố gắng giữ im lặng để lắng nghe cuộc đối thoại không thể bình thường hơn giữa những con người xa lạ với nhau.
Đối với Hạng Khiết, người phụ nữ này rất khác biệt so với đám đông kia, ánh mắt của bà ấy khiến cô có cảm giác như đang đứng trên đôi chân của chính mình, là một người hoàn toàn lành lặn.
Nhận được cái cúi đầu đầy xúc động của cô, người thai phụ liền trao cho cô một cái vuốt ve vô cùng trìu mến, nụ cười trên môi vẫn chưa tắt đi, bà ấy hoay loay tìm kiếm gì đó bên trong túi xách, Tiết Hiểu Lam thầm mong đó không phải là một xấp tiền lạnh ngắt.
Một lúc sau người thai phụ cũng tìm được thứ mình cần, không ai ngờ đến bà ấy lại tặng cho cô một túi dây cột tóc, giá trị của chúng chẳng đáng bao nhiêu nhưng lại thắp lên một ngọn lửa mang tên tình người, sưởi ấm những trái tim đã nguội lạnh ngoài ra.
“Cháu rất xinh đẹp.”
...
Thời gian Hạng Khiết dưỡng thương ở bệnh viện đã vừa tròn một tháng, trở về nơi này, bước trên lối cũ, hai mẹ con đi qua bao nhiêu căn nhà thì nhận được bấy nhiêu lời hỏi thăm, những người hàng xóm không quá thân thiết chỉ đối đáp với nhau đôi ba câu rồi thôi, nhưng khi vừa quay đầu rời đi thì đôi mắt ai nấy cũng đều đỏ hoe.
Về đến nhà, Tiết Hiểu Lam chỉ gói gém những thứ thuộc về mình, căn nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của Hạng An Phong, muốn giữ hay bán là tùy ở ông, bà và con gái sẽ rời khỏi chốn này, bà không lưu luyến, con gái bà càng không cần một người cha khi hay tin con mình gặp tai nạn cũng chẳng thèm ngó ngàng tới.
Một lần nữa hai mẹ con lại dìu nhau đi trên con đường quen thuộc, không nói lời từ biệt với bất kì ai.
“Tiểu Khiết cẩn thận đấy.”
Trời mưa đường trơn trượt khó đi, Tiết Hiểu Lam sợ con gái không may té ngã nên luôn miệng nhắc nhở, một câu nhắc nhở của bà đổi lấy một cái gật đầu của cô, cứ như thế hai mẹ con cũng ra được đường lớn.
“Đi taxi có đắt không ạ? Hay là chúng ta ngồi xe buýt đến đó nhé?”
Đề nghị của cô đã bị Tiết Hiểu Lam từ chối với lý do không kịp thời gian lên tàu, thế nên Hạng Khiết cũng không thể làm trái, hai mẹ con đứng sát mép đường trông ngóng bóng dáng của chiếc taxi.
Năm phút trôi qua, nơi đáy mắt của Tiết Hiểu Lam bỗng lóe lên một tia kinh ngạc, Hạng Khiết vội đưa mắt dò tìm thì chẳng thấy chiếc taxi nào nhưng trong lòng cũng không khỏi khẩn trương.
Cách đó không xa, Hạng An Phong đang khúm núm đi bên cạnh hai người đàn ông vừa bước xuống xe hơi, một người trạc ngoài bốn mươi, người còn lại trẻ hơn rất nhiều, ước chừng mười chín, hai mươi tuổi. Trông họ khá giống nhau, có lẽ là cha con.
Khoảng cách giữa họ và Hạng An Phong chỉ là một sải tay nhưng cách biệt thực sự phải được tính bằng lụa là gấm vóc, nhà đẹp xe sang, quyền cao chức trọng, người đứng trên núi vàng, kẻ lặn ngụp dưới đáy xã hội, sự cách biệt này có thể gói gọn trong bốn chữ: không cùng đẳng cấp.