• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Trước phiên toà, Nguyễn Dụ về Tô Châu một chuyến với mẹ.

Hai ngày trước khi xuất phát, cô nhận được điện thoại của Lưu Mậu, nói rằng mấy ngày nay đúng dịp anh cần đi Tô Châu để tìm hiểu về một bản án, hỏi cô có muốn đi cùng không.

Nguyễn Dụ nghe xong liền biết ngay là ba Nguyễn đang cố gắng se duyên, muốn từ chối mà không thể.

Bởi vì Lưu Mậu đã nói rồi, anh ta mở lời nói ra, là vì nghĩ đến sức khỏe của bác gái không được tốt, chen chúc trên tàu cao tốc sẽ rất mệt mỏi.

Cô không nghĩ cho mình thì cũng phải nghĩ cho mẹ cô.

Sáng sớm ngày hôm đó, Lưu Mậu đến đón cô và Khúc Lan, cả đoạn đường chỉ tập trung lái xe, ngoại trừ lời chào hỏi lúc mới đầu, còn lại không nói gì nhiều với hai người.

Sau khi chạy hết đường cao tốc vào đến Tô Châu, Nguyễn Dụ gửi định vị ngôi nhà cũ của cô cho anh ta, nghe anh ta nói: “Chỗ đấy cách nhà bà ngoại của Hoài Tụng khá gần đấy.”

Cô không nghĩ đến chuyện Lưu Mậu biết cả địa chỉ nhà bà ngoại của Hứa Hoài Tụng, bị nghẹn một chút, vô thức nhìn về phía mẹ Nguyễn.

Năm đó Khúc Lan cũng là giáo viên trường chuyên ở Tô Châu, trước khi phân thành ban tự nhiên, xã hội, đã từng dạy môn văn ở lớp Hứa Hoài Tụng một học kỳ.

Cũng may bà không có phản ứng gì đặc biệt, có vẻ như không còn nhớ học sinh này nữa. Thấy không bị lộ, Nguyễn Dụ vội tiếp lời Lưu Mậu: “Vậy sao? Thật là trùng hợp.” Nói xong còn cười ha ha.

Đoạn nhạc đệm này bị Nguyễn Dụ quên đi rất nhanh. Đến gần ngôi nhà cũ, cô cùng mẹ đi một vòng, chụp vài tấm ảnh, đến buổi trưa, cô hỏi mẹ muốn ăn ở đâu.

Khúc Lan nói dù sao cũng đến rồi, không bằng nhân dịp này về thăm trường, ăn cơm trong trường học luôn.

Nguyễn Dụ bắt đầu cảm thấy căng thẳng.

Hôm nay là thứ ba, Hứa Hoài Thi chắc chắn ở trường, nhỡ đâu lại ngẫu nhiên gặp nhau, rồi cô bé kể cho Hứa Hoài Tụng biết, có mà chẳng mấy chốc cô liền bị lộ.

Vậy cô có lý do nào để từ chối lời này của mẹ đây?

Không có.

Mười hai giờ trưa, Nguyễn Dụ đến khu vực gần nhà ăn.

Khúc Lan âm thầm đến đây, không nói cho những đồng nghiệp cũ biết, cũng tránh không vào nhà ăn của giáo viên. Nhưng giờ này lại đúng là giờ cao điểm ăn cơm của học sinh.

Từ xa nhìn một đám học sinh mặc đồng phục xanh trắng tràn ngập sức sống, tốp năm tốp ba ra ra vào vào, Nguyễn Dụ cảm khái.

Cô nhìn chiếc váy đang mặc, thấy bản thân không hợp với nơi này, vì thế nói với Khúc Lan: “Tuổi trẻ thật tốt, mẹ nhìn con xem, già rồi.”

Khúc Lan liếc nhìn cô: “Con mà già rồi, thì mẹ phải làm sao?”

“Giờ nếu con đi mượn bộ đồng phục lại đây cho mẹ mặc, kiểu gì cũng có người hỏi mẹ: ‘Bạn ơi, cho mình hỏi lớp nghệ thuật nằm ở đâu?’”

“Lắm lời.”

Nguyễn Dụ cười khoác tay bà đi tiếp, lúc đến gần hàng xô đổ cơm thừa của nhà ăn, nghe thấy một nữ sinh nói với một nữ sinh khác: “Cái đùi gà của cậu còn chưa gặm hết kìa, không thấy lãng phí sao?”

Nữ sinh bị gọi lại kia trừng mắt nhìn: “Cậu thì biết cái gì?”

Nguyễn Dụ bỗng có chút thất thần.

Chuyện mà nữ sinh kia không biết, cô cảm thấy có thể mình biết. —— Đùi gà đúng là ngon, nhưng nếu trong nhà ăn còn có người mình thích, vậy thì đùi gà ngon đến mấy cũng chỉ đành lãng phí.”

Lúc trước cô chính là như vậy.

Tình yêu đơn phương của tuổi trẻ, hai mắt giống như rada, từng giây từng phút tìm cậu ấy trong đám đông, nhưng một khi tìm được rồi, lại vội vã lướt qua, giả vờ không nhìn thấy, sau đó điều chỉnh cho mọi động tác của mình trở nên hoàn mỹ theo đúng kiểu cách của thục nữ.

“Đùi gà mình muốn. Hứa Hoài Tụng mình cũng muốn. Nếu không thể cùng lúc có được cả hai, đành bỏ đùi gà chọn Hứa Hoài Tụng vậy.” —— Bây giờ nghĩ lại, tình yêu đơn phương lúc đó thật là đơn giản, thật là sạch sẽ.

Chuyện lãng mạn nhất, chính là đặt cho cậu ấy một chiếc thang để trèo tường ở cửa sau trường học, yêu thích mãnh liệt nhất, là tự nguyện từ bỏ những món ăn tâm đắc của mình.

Mà mọi lãng mạn, mãnh liệt đều không cần nhận lại sự đáp trả, thậm chí không cần cậu ấy phải biết đến mình.

Nguyễn Dụ vào đến nhà ăn, xếp hàng trong nỗi thẩn thơ, lúc đến lượt cô, cô không chút do dự chỉ vào đùi gà kho tàu nói với chú nhà ăn: “Ba cái.”

Cô phải ăn bù lại chỗ thịt mà mấy năm đó cô chưa ăn.

Những học sinh xung quanh nhìn cô bằng ánh mắt kì dị, Nguyễn Dụ hơi xấu hổ, nói với Khúc Lan: “Mẹ à, mẹ gầy quá đấy, ăn nhiều thịt một chút.”

Khúc Lan gật đầu: “Đồ láu cá.”

Hai mẹ con tìm một góc khuất ngồi xuống.

Nhà ăn cho học sinh không có điều hoà, chỉ bật mười mấy cái quạt lớn. Nguyễn Dụ cầm đũa lên, đang định xử lí gọn gàng ba cái đùi gà, bỗng nghe thấy một giọng nam sinh vọng đến: “Hứa Hoài Thi, người lúc nãy, bạn trai của cậu à?”

Cô quay đầu, thấy một nam sinh đầu đinh bưng đĩa thức ăn đứng cách đó không xa, đang nói chuyện với Hứa Hoài Thi.

Còn gặp phải thật mới sợ chứ.

Cô đang muốn cúi đầu xuống tiếp tục chủ trương ‘không gây ồn ào’, lại nghe thấy Hứa Hoài Thi trả lời: “Bạn trai làm sao đẹp trai được bằng anh ấy chứ? Đó là anh ruột của mình!”

Miếng cơm trong miệng Nguyễn Dụ suýt thì bị sặc ra ngoài, giây tiếp theo, cô thấy Hứa Hoài Tụng bưng đĩa bước đến, ngồi đối diện với Hứa Hoài Thi.

Cậu nhóc đầu đinh kia còn nói gì đó với Hứa Hoài Thi, cô không nghe lọt nữa, bởi vì giờ phút này, đầu óc cô đang rất rối bời.

Khúc Lan thấy Nguyễn Dụ có gì đó không đúng, hỏi cô làm sao vậy.

Tiếng của bà dẫn đến sự chú ý của Hứa Hoài Tụng.

Cô giật mình quay đầu lại, lúc ánh mắt của anh quét đến, cúi đầu, nhấc tay, chết sống che mặt mình, một mặt vẫn lắc đầu với mẹ cô nói : “Không có gì.”

Trên chiếc bàn bên kia, Hứa Hoài Tụng như thể không phát hiện ra, nói với người đối diện: “Ăn nhanh lên, ăn xong anh đưa em về.”

Hứa Hoài Thi: “Ò.”

Nguyễn Dụ hiểu ra, vài ngày nữa là thi đại học rồi, vì nhường chỗ cho trường thi, lớp mười, mười một đều được nghỉ một thời gian, có lẽ Hứa Hoài Tụng đến để đón em gái về.

Vậy thì, chỉ cần thoát được bữa cơm này là cô được an toàn rồi.

Cô hất tóc sang bên phải, che mặt đi, sau đó mới cầm đũa, nhưng lại cảm thấy ba chiếc đùi gà trên đĩa chẳng còn mùi vị gì nữa, gặm không được, đâm không được, bữa cơm này ăn đúng là khóc không ra nước mắt, còn phải gặng tươi cười trước mặt mẹ mình.

Cách tám năm rồi mới cùng ăn cơm ở đây với Hứa Hoài Tụng, kết quả vẫn giống hệt với những lần trước, ăn không no.

Đợi cho anh em nhà họ Hứa bưng đĩa rời khỏi đó, Nguyễn Dụ mới xem nhìn hoàn toàn thả lỏng.

Ăn cơm xong, Khúc Lan cũng định đi về, nhưng Nguyễn Dụ lại sợ Hứa Hoài Tụng còn chưa đi xa, cố tình kéo bà lòng vòng trong trường, không ngờ đi một lát lại gặp được phó hiệu trưởng của trường, Hà Sùng.

Ông ấy là thầy dạy tiếng anh ngày ấy của Nguyễn Dụ, rất thân thiết với hai vợ chồng Khúc Lan và Nguyễn Thành Nho.

Vừa nhìn ông đã nhận ra mẹ Nguyễn, vừa kinh ngạc vừa vui mừng, trách bà đến đây mà không nói tiếng nào.

Không tránh được phải ôn chuyện một hồi.

Hà Sùng nói mọi chuyện trên trời dưới đất với Khúc Lan, tươi cười hiền hoà: “Chẳng mấy khi có dịp như hôm nay, lúc nãy tôi cũng gặp được một học sinh cũ của tôi, kể ra cũng trùng hợp, cậu ấy cùng khoá với Nguyễn Dụ.

Nguyễn Dụ biết, mười phần thì có đến tám, chín phần là ông đang nói đến Hứa Hoài Tụng. Bởi vì năm đó, cả khối chỉ có ban chín của cô và ban mười của Hứa Hoài Tụng là học khoa xã hội, vì thế học chung rất nhiều giáo viên.

Cô cố tình dời trọng điểm, cười nói: “Học sinh của thầy Hà khắp thiên hạ nơi đâu chẳng có, cũng chẳng có gì là lạ cả.”

Chuyện này qua đi như thế.

Hai mẹ con được mời đến phòng thầy hiệu trường, vừa đúng lúc nghỉ trưa, chỉ lát sau, bao nhiêu đồng nghiệp cũ của Khúc Lan nghe tin lũ lượt chạy lại, chật kín cả căn phòng.

Nguyễn Dụ cảm thấy tình hình lúc này không thích hợp với thế hệ sau như cô, nói với mọi người cô ra vườn đi dạo, lát nữa trở lại sau.



Phòng hiệu trưởng cách sân vận động không xa, ra khỏi phòng bước tiếp một đoạn, xuyên qua mấy hàng cây đầy tiếng ve kêu là đến rồi.

Hôm nay trời không quá nắng nóng, Nguyễn Dụ vòng đến sân vận động, ngồi lên trên khán đài, một đám học sinh đang đá bóng.

Cô lấy bút và sổ ghi chép ra, viết một dòng chữ: “Ngày 5 tháng 6, trời râm. Hôm nay về lại trường chuyên ở Tô Châu…”

Vừa viết đến đây, đối diện vang lên tiếng hô: “Cẩn thận!”

Cô ngẩng đầu, thấy một quả bóng đá đang bay thẳng đến khán đài, may mà nó đập vào lan can đằng trước sau đó rơi xuống.

Cô giật mình, tim đập thình thịch.

Người đá quả bóng ấy chạy nhanh lại gần khán đài, đứng ở dưới hô hấp dồn dập ngẩng đầu hỏi cô: “Học tỷ, chị không sao chứ?”

Nguyễn Dụ ngẩn ra.

Đây chẳng phải là nam sinh ‘đầu đinh’ lúc nãy nói chuyện với Hứa Hoài Thi ở nhà ăn sao?

Sao cậu ta biết cô là “học tỷ”?

Cô đứng lên, lắc đầu nói “không sao”, sau đó hỏi: “Sao cậu lại gọi tôi là học tỷ?”

Cậu ta cười hé ra hàm răng trắng: “Vậy là học muội à?”

Thanh niên thời nay người nào người nấy thật dẻo miệng. Xem ra câu ‘học tỷ’ ấy cũng chỉ là tiện mồm nói.

Thấy cô cười mà không đáp, nam sinh ôm quả bóng hỏi tiếp: “Học muội em ở đây làm gì vậy?”

Bởi vì cậu nam sinh này cách hai tầng quan hệ với Hứa Hoài Tụng, Nguyễn Dụ cảm thấy vẫn có thể coi là an toàn, nên cũng không tỏ ra rất xa cách, lắc lắc sổ ghi chép trong tay: “Đến đây lấy cảm hứng, ghi chép lại cuộc sống.”

“Lấy cảm hứng? Em là hoạ sĩ à? Hay là nhà văn?”

“Coi như nhà văn đi.”

“Viết sách gì vậy?”

“Tiểu thuyết ngôn tình.”

“Vậy em rất hiểu về tình yêu đúng không?”

Nguyễn Dụ ngẩn người, sau đó thấy cậu ta vứt bóng cho đồng đội, trèo lên khán đài, lại gần cô: “Em dạy anh cách theo đuổi crush đi.”

Cô không cười nữa: “Cậu học lớp mấy?”

“Mười một.”

“Mấy ngày nữa là thành mười hai rồi, còn muốn yêu đương gì.”

Cậu nhìn cô một cái: “Chán, người lớn ai cũng giống nhau.”

Nguyễn Dụ bị cậu ta chọc tức cười: “Lúc nãy còn gọi tôi là học muội cơ mà?”

“Không nói thì không phải là học muội.”

Cậu ta nói xong luồn từ lan can xuống dưới, cởi chiếc áo đồng phục vướng víu ra, tiện tay vứt trên đường chạy điền kinh trên sân vận động.

Nguyễn Dụ tiến lên hai bước hô to: “Tên cậu là gì?”

Nam sinh không quay đầu, lưng đối diện với cô, vẫy vẫy tay trên không: “Triệu Dật, xe mất Dật, không phải là sắt!” Nói xong lại nhảy vào trận bóng trong sân.

Nguyễn Dụ ngồi một lát trên khán đài, viết lên sổ ghi chép: “Trên con đường tốt nghiệp, thổ lộ với cô ấy đi, nhất định phải thổ lộ.” Sau đó cô xé tờ giấy, xuống khán đài, nhét vào trong túi áo của Triệu Dật.

Xong xuôi, cô nhận được điện thoại của Lưu Mậu, nói xin lỗi cô, trong khi anh ta đi hỏi thăm tin tức thì gặp được vài vị khách quan trọng, phải đưa họ về Hàng Châu.

“À, vậy sao?” Nguyễn Dụ nghĩ nghĩ lại nói: “Không sao, tôi đặt hai tấm vé tàu cao tốc…”

“Đợi đã.” Lưu Mậu ngắt lời cô, “Xe tôi vẫn còn chỗ trống, đủ cho bác ngồi, hay là cứ bảo bác ngồi xe tôi đi, thoải mái hơn, trên đường về nhà cô cẩn thận một chút.”

Như vậy cũng được.

Cô đồng ý: “Vậy làm phiền anh rồi.”


Khúc Lan ôn chuyện với đồng nghiệp xong thì rời khỏi trường học, Nguyễn Dụ cùng bà đến trung tâm thương mại đợi Lưu Mậu xong việc, lúc gặp được anh ta đã là chạng vạng tối.

Mẹ Nguyễn vốn muốn ngồi tàu cao tốc với Nguyễn Dụ, nhưng nghĩ nếu như thế, sau khi về đến Hàng Châu, con gái lại phải đưa mình về ngoại thành thì cũng rất phiền phức. Vì thế bà nhận ý tốt của Lưu Mậu, lúc sắp đi bảo cô chú ý an toàn, tuỳ thời phải báo bình an.

Nguyễn Dụ đồng ý, chuẩn bị gọi taxi đi trạm tàu cao tốc, lại thấy trời lất phất mưa.

Cô đã đưa ô của mình cho mẹ rồi, nghĩ đến lát nữa còn phải đi vài đoạn đường không có mái che, cô đành quay lại trung tâm thương mại mua thêm cái nữa, trong thời gian cô chạy ra chạy vào này, mưa ngày càng to hơn, che ô cũng không có tác dụng gì.

Mưa lớn rơi lộp độp vào ô, mặt đường nhấp nhô dính đầy bùn đất một cách nhanh chóng.

Sắc trời ám dần, Nguyễn Dụ đứng ở ven đường dùng ứng dụng gọi xe, lát sau nhận được điện thoại của Khúc Lan: “Dụ Dụ, mưa to rồi, con gọi được xe chưa?”

“Mẹ yên tâm đi, con mua ô rồi, cũng có người nhận chở rồi.”

Cô vừa dứt lời, một chiếc xe phóng qua như bay, bùn đất cuốn theo bánh xe bắn lên bộ váy trắng của cô.

Cô nghẹn cơn tức này, vì không muốn để Khúc Lan lo lắng, sau khi tắt điện thoại mới cầm điện thoại buồn bực.

Cái thời tiết này, làm gì có ma nào nhận chở cô.

Cô kẹp ô trên vai, lấy khăn giấy lau lau váy, không ngừng làm mới trang đặt xe, đang lo có thể sẽ không kịp tàu cao tốc, cô bỗng nhìn thấy một chiếc Cayenne chạy lại gần cô, tốc độ không được coi là nhanh.

Vì có bài học lúc nãy, Nguyễn Dụ lui về phía sau tránh né, không ngờ chiếc xe đó lại giảm tốc độ, sau đó dừng lại trước mặt cô.

Kính sau của xe hạ xuống, Hứa Hoài Thi thò đầu ra: “Thật là chị à chị Nguyễn! Sao chị lại ở đây vậy?”

Nguyễn Dụ ngẩn ra, nhìn thấy người đang lái xe là Hứa Hoài Tụng.

Cô vội đáp: “Chị đang gọi taxi, chuẩn bị đi trạm tàu cao tốc.”

Hứa Hoài Thi mời cô: “Vậy chị lên xe đi, bọn em đưa chị đi!”

Nguyễn Dụ đang do dự, kính trước xe cũng đã hạ xuống, Hứa Hoài Tụng không chút biểu cảm nói: “Ở đây không được phép đỗ xe.”

Cô ‘ồ’ hai tiếng liên tiếp, vội vàng cụp ô, đến cửa sau xe lại thấy Hứa Hoài Thi xua tay: “Đằng sau không ngồi được nữa!”

Nguyễn Dụ chỉ đành ngồi lên ghế phụ.

Sau khi mở cửa xe cô phát hiện chiếc xe này là xe mới, vì vậy cũng ngại đặt chiếc ô vừa bẩn vừa ướt sũng của mình lên xe, thế nên nước mưa chảy hết lên váy cô.

Hứa Hoài Tụng khởi động xe, liếc cô: “Tuỳ tiện để đâu cũng được.”

Cô nói cám ơn, sau đó không chút ‘tuỳ tiện’ đặt ô xuống dưới chân, anh lại nói tiếp: “Dây an toàn.”

Hứa Hoài Thi ngồi ở ghế sau đột nhiên thò lên phía trước: “Anh này, bình thường nam chính có phong độ trong tiểu thuyết thời khắc này thường sẽ giúp nữ chính thắt dây an toàn đấy.”

Hứa Hoài Tụng, Nguyễn Dụ: “…”

Đó gọi là phong độ à? Là có ý đồ đen tối mới đúng.

Nguyễn Dụ cười gượng: “Chị tự làm được mà.” Nói xong cô kéo dây an toàn.

Vì đã biết lý do Hứa Hoài Tụng ở Tô Châu, nên cô không cố tình hỏi thêm nữa, lát sau, cô thấy anh một tay lái xe, một tay mở hộp để đồ, lấy một chiếc khăn màu trắng sạch sẽ đưa cho cô.

Nguyễn Dụ ngẩn ra cầm lấy chiếc khăn, nói ‘cám ơn’ lần nữa, sau đó nhẹ nhàng chà lau nước và bùn bắn trên váy mình.

Hứa Hoài Tụng: “Đưa Hoài Thi về trước.”

Dù sao cũng là đi nhờ xe người ta, Nguyễn Dụ cũng ngại nói rằng như vậy cô có thể sẽ bị trễ giờ vé tàu, chỉ đành dự tính nếu không kịp thì đổi vé.

Nhưng sau khi Hứa Hoài Tụng đưa Hứa Hoài Thi về nhà, lấy hết túi lớn túi bé của cô bé xuống, lúc ngồi lên ghế lái, anh bỗng nói: “Không đi trạm tàu cao tốc nữa, về thẳng Hàng Châu đi.”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK