Hai người mắt lớn trừng mắt nhỏ cả nửa ngày, một người sờ mũi nhìn trần nhà, một người nhíu mày cụp mắt nhìn gạch đá hoa.
Cuối cùng, Hứa Hoài Tụng chần chừ mở cửa nhà vệ sinh ra.
Nguyễn Dụ trốn sau người anh, thò đầu nhìn ra ngoài, thấy ba mẹ cô đang chụm đầu thảo luận cái gì đó kịch liệt lắm. Nghe thấy tiếng vang, họ như bị điện giật vội tách ra, lại nhúng lẩu như không có chuyện gì, còn quay sang cười rất hiền lành với bọn họ.
Đó là nụ cười khi mà giáo viên bắt được học sinh yêu sớm, nhưng lại không muốn nói trực tiếp quá làm bọn nhỏ mất mặt, lựa chọn dẫn dắt từng bước.
Hứa Hoài Tụng ho nhẹ một tiếng.
Nguyễn Dụ đi đằng sau anh bước chậm chạp về chỗ, cười gượng với bọn họ: “Không sao rồi, hôm nay ngồi xe nhiều quá nên con hơi say…”
Nửa người trên của Hứa Hoài Tụng không chút lay động, nửa người dưới thì “sóng dâng cuồn cuộn”, lấy mũi giày hất cô một cái, ngắt đứt lời giải thích “càng giấu càng lòi”, “để nguyên không có gì, giờ thì có rồi” của cô.
Nguyễn Dụ nghẹn một hơi nhìn anh: hung dữ gì chứ?
Hứa Hoài Tụng đang định dùng ánh mắt để ra hiệu cho cô, bỗng anh thấy Nguyễn Thành Nho cúi xuống, cầm một chai rượu Lão Bạch Can đặt lên bàn tạo ra tiếng “cạch.”
“…”
Nguyễn Dụ bị khí thế như muốn gây sự này của ông làm giật mình: “Ba…”
“Con lo ăn cơm của con đi.” Ông quét mắt nhìn, ngắt lời cô, sau đó lại nhìn Hứa Hoài Tụng, thấm thía nói: “Hoài Tụng, nào, uống vài chén với thầy.”
Ý cười nhẹ trên mặt Hứa Hoài Tụng đọng lại, anh gật đầu, cầm ly lên rót rượu.
Nguyễn Dụ nuốt một ngụm nước bọt: “Ba, anh ấy bị dạ dày…” Cô nói được một nửa lập tức ngừng lại, chống khuỷu tay, “…Sao anh rót ly rượu mà cũng lâu vậy chứ, để em, để em.” Nói rồi cô lấy ly rượu trong tay Hứa Hoài Tụng, rón rén rót một phần ba ly.
Hứa Hoài Tụng nhìn cô, đưa tay che miệng cười một cái, nhưng khi ngẩng đầu lên nhìn thấy sắc mặt nghiêm túc của Nguyễn Thành Nho, anh lại thu ý cười, hướng ly rượu đã rót về phía ông, nói: “Thầy.”
Nguyễn Dụ vẫn còn muốn đấu tranh: “Đợi đã, anh uống hết ly này thì không lái xe được mất.”
Nguyễn Thành Nho đáp thay: “Trên lầu có phòng trống.”
“Nồng độ cồn cao thế này, ngày mai tỉnh dậy có thể cũng…”
Khúc Lan e hèm một tiếng, nháy mắt với cô: “Đi, con với mẹ lên lầu thu dọn chăn giường.”
Nguyễn Dụ nói ò, chầm chậm đứng dậy, trước khi đi còn nhịn đau nhìn Hứa Hoài Tụng, đuôi mắt như viết hai chữ: Bảo trọng.
Hứa Hoài Tụng cạn ly với Nguyễn Thành Nho, không chớp mắt uống hết ly rượu, sắc mặt không thay đổi.
Nguyễn Thành Nho nhìn về hướng cầu thang, tự nhiên nói không đầu không đuôi: “Hoài Tụng này, nghe nói con là đồng nghiệp của Tiểu Lưu, vậy con có biết tại sao lúc đầu thầy lại giới thiệu Tiểu Lưu cho Dụ Dụ không?”
Đầu óc Hứa Hoài Tụng xoay chuyển rất nhanh, nhớ lại những gì mà Nguyễn Dụ đã từng nói với anh trong buổi tiệc thọ của hiệu trưởng Hà.”
——- “Vậy anh có biết ba em thích luật sư Lưu ở điểm gì không?”
——- “Bởi vì cậu ta là luật sư?”
——- “Bởi vì con người anh ấy trung hậu thật thà, không mưu mô tính toán, không nông nổi, không bắt nạt người khác, làm nhiều hơn nói.”
Anh đọc nguyên lại những lời này một lần.
Nguyễn Thành Nho như thể hơi ngẩn ra, lắc đầu tỏ vẻ không phải: “Bởi vì nó là luật sư.”
“…”
Nguyễn Thành Nho cảm thấy khó hiểu nhìn anh: “Làm sao?”
Anh lắc đầu: “Không ạ, thầy nói tiếp đi, tại sao lại là luật sư ạ?”
Nguyễn Thành Nho gật đầu nói tiếp: “Bởi vì khi đó đúng lúc Nguyễn Dụ đang cần sự giúp đỡ của luật sư.”
Hứa Hoài Tụng nhíu mày: “Ý của thầy là?”
“Chuyện người ta hắt nước bẩn vào nó đó.” Nguyễn Thành Nho cười lên, “nó tưởng rằng nó giấu được ba mẹ nó, thực ra mấy năm trước thầy cô cũng đã biết bút danh của nó, vẫn ngầm theo dõi nó, có gì gió thổi cỏ lay là biết ngay. Nhưng nó lại sợ thầy cô nhìn thấy những chuyện không tốt ấy nên không chịu nói, thầy cô cũng giả vờ như không biết.”
Hứa Hoài Tụng khựng lại.
“Con gái lớn hiểu được quan tâm ba mẹ, có gì khó xử cũng không nói với thầy cô. Vậy phải làm sao đây? Đành tìm một người chăm sóc cho nó, bảo vệ nó, che mưa chắn gió cho nó, có khổ có vất vả thế nào đi chăng nữa nhưng mắt cũng không chớp.” Ông nói đến đây thì chỉ vào ly rượu đã hết của anh.
Hứa Hoài Tụng trầm mặc gật đầu.
Anh hỏi: “Uống thêm một ly chứ ạ?”
Hứa Hoài Tụng đưa tay rót rượu, rót xong đang định bưng lên thì ông lại nói: “Dụ Dụ nói con bị dạ dày à?”
“Vâng.”
“Nếu đã vậy thì phải lượng sức mà làm,” Nguyễn Thành Nho lại chỉ vào ly Lão Bạch Can trong tay anh, “che mưa chắn gió không phải dựa vào sự dũng cảm hay khoe khoang, đầu tiên phải bảo vệ tốt cho mình, mới có thể chăm sóc tốt cho nó.”
Hứa Hoài Tụng đặt ly rượu xuống: “Thầy nói đúng.”
Nguyễn Thành Nho lấy cái ly trước mặt anh lại thay một ly khác, dùng ấm nước rót đầy một ly: “Uống cái này đi.”
Hứa Hoài Tụng uống nửa ly, ông lại hỏi: “Vị của nước rất nhạt đúng không?”
“Vâng ạ.”
“Nhạt, vì vậy rất nhiều người giống con, uống được một nửa rồi để lại. Nhưng những ngày tháng mà chúng ta sống, làm gì có thể nồng nặc được suốt như Lão Bạch Can? Có rất nhiều khi nó chỉ nhạt như nước. Sống trong sự náo nhiệt có gì đáng nói, con phải chịu được sự bình đạm mới được.”
Hứa Hoài Tụng hiểu ra ý ông, uống nốt nửa ly nước còn lại.
Nguyễn Thành Nho cười cười: “Được rồi, con là học sinh mà thầy biết tận gốc rễ, thầy yên tâm về con, lên lầu đi.”
Hứa Hoài Tụng gật đầu với ông: “Cảm ơn bài học hôm nay của thầy.”
“Muốn cảm ơn thì nhanh chóng đừng gọi tôi là thầy nữa.”
Hứa Hoài Tụng cười: “Con sẽ tận lực nhanh hơn.”
Trong lúc Nguyễn Thành Nho đang dốc lòng giảng dậy ở dưới lầu, Nguyễn Dụ đang trải ga giường, rầu rĩ nói: “Mẹ, mẹ với ba đừng nghĩ đâu đâu nữa, bọn con biết chừng mực…”
Khúc Lan liếc cô: “Biết, không biết lượng sức mình, con động cái lông mày, hít cái mũi là có ý gì, ba mẹ còn không biết sao?”
Lúc đầu đúng là bị doạ hết hồn, nhưng thấy phản ứng của Nguyễn Dụ lúc bước ra khỏi nhà vệ sinh, bà và Nguyễn Thành Nho đã biết là mình nghĩ nhiều rồi.
Nguyễn Dụ đau khổ lầm bầm: “Vậy sao ba còn bắt anh ấy uống rượu chứ?”
Khúc Lan lườm cô, xếp chăn lại nói: “Chẳng lẽ còn sợ uống hai ly rượu rồi thì sẽ làm hỏng chuyện của hai đứa à? Trừ khi thằng bé nghiện rượu, còn không thì có thể thế nào chứ.”
“Đương nhiên không có khả năng nghiện rượu…”
Cô nói đến đây thì ngừng lại, cảm thấy có gì đó không đúng lắm.
Lúc chiều tối người cảnh sát đó nhắc đến chuyện gì ấy nhỉ? Lúc đó lực chú ý của cô đều đặt trên vụ án, có vẻ như đã bỏ qua một tin tức then chốt nào đó.
Cô nhìn bóng đèn hồi tưởng lại, từ từ trợn to mắt.
Mười mấy hộ 302 ở Cẩm Giang Thành đều là do Hứa Hoài Tụng gõ cửa à? Tên bợm rượu quấy rối dân, tạo thành sự khủng hoảng trong lòng mọi người là Hứa Hoài Tụng?
Tửu lượng của người này sao lại như thế chứ?
Nguyễn Dụ vừa kinh ngạc vừa nghi ngờ, một lát sau thì hít một hơi khí lạnh, vội vàng chạy ra ngoài, lúc đến ngã rẽ thì cô đụng phải một người.
Hứa Hoài Tụng ngẩn ra, giữ lấy vai cô: “Em sao vậy?”
Nguyễn Dụ sờ mặt anh: “Anh không say chứ?”
“Không.” Anh buồn cười nói, “có phải anh không biết uống rượu đâu.”
“Anh biết uống, còn biết điên rượu!” Cô nói đến đây thì nhăn mày, “haizz, chuyện này cũng thật mất mặt, thế mà giờ em mới biết, cũng chưa nói xin lỗi với hàng xóm…”
Hứa Hoài Tụng nghẹn lời.
Nguyễn Dụ lại sờ sờ mặt anh lần nữa: “Thật sự không sao?”
Anh thở dài: “Không, không làm mất mặt em.”
“Uống nhiều không?”
“Chỉ có cái ly chưa đến một nửa mà em rót.”
“Có chút tẹo vậy mà uống lâu thế à?”
Anh cười: “Bởi vì những lúc khác đều đang uống canh gà.”
“Hôm nay ba em còn giết gà à? Sao không bưng ra cho em uống với.”
Hứa Hoài Tụng cọ nhẹ mũi cô: “Cái đó dành riêng cho anh.”
Hai người ở lại ngoại thành một đêm, sáng ngày hôm sau, Hứa Hoài Tụng bay sang Mỹ xử lí công việc, Nguyễn Dụ tới Hoàn Thị.
Kịch bản của bộ phim đã được duyệt, chính thức thông qua. Tên phim đang gặp nguy hiểm cũng may mắn được chọn. Bàn tay lớn của Sầm Vinh Thận vung lên, nói sẽ quay trước tết, chọn ngày cuối cùng trước tết dương lịch bấm máy, màn thứ nhất lấy cảnh ở trường chuyên Tô Châu, quay cảnh bắn pháo hoa tết dương lịch để lấy vận may đầu năm.
Sáng sớm ngày ba mốt, có xe của Hoàn Thị đến đón Nguyễn Dụ đi tham gia lễ bấm máy, kết thúc một buổi sáng tế trời tế đất, sau khi ăn trưa xong, nhân viên tổ kịch bản đến Tô Châu trước.
Nguyễn Dụ bận đến hoa mắt chóng mặt, lên xe mới có thời gian xem điện thoại, đang định hỏi Hứa Hoài Tụng đã ngủ chưa, lại thấy tin nhắn anh gửi tới từ bốn tiếng trước: “Tối qua anh không ngủ được, giờ đi ngủ sớm, anh đặt báo thức mười hai tiếng sau dậy để đón tết với em.”
Bốn tiếng trước ở San Francisco còn chưa đến bảy giờ tối. Lúc đó mà ngủ thì đúng là chuyện lạ đối với Hứa Hoài Tụng.
Nhưng ít nhiều gì anh ấy cũng nhớ đến chuyện đón giao thừa, Nguyễn Dụ cũng không để ý nhiều, nghĩ rằng có thể anh đã ngủ say rồi nên không trả lời tin nhắn mà nhàm chán nhắm mắt nghỉ ngơi trên xe, đang mơ màng ngủ, điện thoại trong túi của cô lại vang lên.
Cô cúi đầu nhìn, thấy người liên lạc là Châu Tuấn, cô giật mình.
Sau khi bắt máy, cô nghe được một giọng nói có chút khàn khàn: “Nguyễn Dụ đúng không? Tớ là Châu Tuấn.”
Nguyễn Dụ ngẩn ra: “Cậu được tự do dùng điện thoại để gọi điện rồi à?”
“Ừ, hôm nay tớ… được ra rồi.”
Nguyễn Dụ nghẹn ngào sống mũi cay cay, một lát sau mới nói: “Tốt quá rồi.”
Nguyễn Dụ nói đến đây thì không biết phải nói gì tiếp, Châu Tuấn cười cười, cũng trầm mặc.
Sau đó hai người cùng mở miệng.
“Vụ án được phá…”
“Xin…”
Giọng nói của cậu ấy có vẻ khá mệt mỏi, nói: “Cậu nói trước đi.”
“Tớ muốn hỏi, vụ án đã được phá rồi à?”
“Phá rồi, nếu không tớ còn phải đợi một thời gian nữa.”
Nguyễn Dụ cũng không truy hỏi về hung thủ thật sự, sợ chọc vào nỗi đau của cậu ấy. Có thể tra ra manh mối hơn phân nửa là nhờ vào phát hiện hôm đông chí.
Trong lòng cô bỗng thấy cảm khái, lát sau mới nghe Châu Tuấn nói: “Chuyện lúc trước, đến giờ tớ mới có cơ hội nói lời xin lỗi với cậu.”
“Không sao, cậu nghỉ ngơi một thời gian trước đi, đợi Hoài Tụng ở Mỹ về, chúng ta cùng nhau ăn cơm rồi nói.”
“Cậu ấy ở Mỹ à?”
“Ừ.”
“Lúc nãy tớ gọi vào số điện thoại bên Mỹ của cậu ấy, thì thấy báo để lại lời nhắn, tớ còn tưởng cậu ấy ở trong nước.”
Nguyễn Dụ ngẩn ra: “Chắc là điện thoại hết pin rồi, anh ấy đang ngủ.”
“Vậy tớ sẽ liên lạc với cậu ấy sau.”
“Ừ.”
Cuộc đối thoại của hai người nhàn nhạt mà cũng ngắn ngủi. Nửa năm, hình như đã thay đổi hết rồi.
Lần thứ ba rơi vào sự trầm mặc, Châu Tuấn chủ động tắt máy. Trước khi Nguyễn Dụ cất điện thoại vào túi, cô nhớ lại lời cậu ấy nói lúc nãy.
Vì bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng, ở Mỹ người ta sẽ không nói vì sao đối phương lại không nghe điện thoại, chỉ báo là để lại lời nhắn. Cũng có thể là điện thoại hết pin, nhưng cũng có thể là không ở trong vùng phủ sóng hoặc là không nghe thấy chuông điện thoại.
Dù sao Hứa Hoài Tụng cẩn thận như vậy, không có lý nào đặt báo thức lại không xem lại lượng pin.
Sự nghi hoặc và bất an át hết những cảm xúc ngổn ngang vì nói chuyện với Châu Tuấn lúc nãy, cô lấy điện thoại ra gọi một cuộc gọi quốc tế.
Đầu bên kia vang lên giọng nói đã ghi âm sẵn: “This is Hanson. I’m curently not available, please let me a mesage, i will call you back as soon as i can.”Xem thêm...
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK