Xung quanh không có ai, cô đành đi đường tắt tiến lên phía trước.
Bỗng nhiên, cô nghe thấy có người gọi mình: “Cháu gái”.
Cô quay phắt lại, sau lưng không biết xuất hiện thêm một người nữa từ khi nào. Đó là một người đàn ông.
Ông ta đứng cách cô không đến năm mét nhưng Trần Dật dù cố gắng cũng không thể nhìn rõ mặt.
Cô hỏi ông ta: “Chú gọi cháu ạ?”.
Người đàn ông ngồi xổm xuống, chìa tay về phía cô: “Cháu gái, lại đây, đừng sợ, không sao đâu”.
Giọng ông ta khàn khàn nhưng cảm giác an toàn một cách khó hiểu.
Trần Dật thoáng do dự, lại gần.
Cô cúi đầu nhìn đường, đi tới. Đột nhiên cô phát hiện đôi chân của mình dường như….Dường như nhỏ đi? Giống hệt như một đứa trẻ.
Cô dừng bước, cúi đầu quan sát – rõ ràng là mùa hè nhưng sao mình lại mặc áo bông màu hồng?
Cái này hình như giống hệt….cô lúc sáu tuổi?
Người đàn ông ngồi xổm phía trước, đưa tay về phía cô: “Ngoan nào, cháu gái, lại đây với chú, không phải sợ, không ai làm hại cháu đâu”.
Đột nhiên cô cảm thấy một nỗi sợ hãi không thể giải thích cùng những chuyện cũ hiển hiện ngay trước mắt.
Cô vô thức lùi về sau một bước, hình như dẫm phải thứ gì đó. Quay đầu lại, là xác một người đàn ông nằm trên mặt đất,
Là bố của cô.
Trên cổ ông có một vết thương dài tứa máu.
Cô liên tục thối lui rồi ngã nhào, kèm theo đó là tiếng loảng xoảng vang lên. Cô cúi đầu nhìn tay mình – nơi ấy đang cầm một con dao, một con dao gọt trái cây dính đầy máu.
Cô sợ hãi ném con dao, muốn hét lên chạy về phía người đàn ông kia.
Nhưng khi cô quay đầu lại thì không thấy người đàn ông đó đâu nữa.
Cô ngạc nhiên đứng im một chỗ, nước mắt không kiềm chế được, lặng lẽ rơi xuống.
Khóc một lúc, cô hoảng hốt quay sang, thi thể người đàn ông nằm sau lưng đã biến mất.
Căn hầm u ám chật chội, vắng vẻ, từng cơn gió lạnh buốt xối vào tim.
Tiến thoái lưỡng nan, đúng lúc không biết phải đi về đâu, bỗng cô nghe thấy tiếng nhạc, du dương, uyển chuyển như tiếng dương cầm.
Cô chậm rãi mở mắt ra.
Ánh nắng mặt trời chiếu vào phòng, có thể nhìn thấy thấp thoáng những hạt bụi di chuyển.
Cô tắt đồng hồ báo thức, rời giường rửa mặt.
Cô nghỉ tròn năm ngày, hôm nay chính thức đi làm trở lại.
+++
Bệnh nhân điều trị bằng methadone, ít nhiều cũng có công việc của mình. Không muốn ảnh hưởng đến công việc nên nhiều người đã chọn thời điểm 8 - 9 giờ sáng, hoặc 12 – 1 giờ trưa để đến đây uống thuốc.
Mới 8 giờ hơn đã có năm sáu người đứng láo nháo trước cửa sổ uống thuốc.
Bảo vệ đến hỗ trợ duy trì trật tự, đề nghị họ xếp thành hàng, theo thứ tự.
Đến lượt người cuối cùng là một gã đàn ông trung niên gầy gò, Trần Dật hỏi số hiệu của gã, chị Lý đồng nghiệp sau khi kiểm tra thông tin trên máy tính bỗng ồ lên một tiếng, vẻ mặt ngạc nhiên nhìn về phía người đàn ông.
“Chu Phú Dũng đúng không?”.
Gã đàn ông sửng sốt, gật đầu.
Giọng chị Lý lạnh lùng: “Anh đã bị đình chỉ thuốc, không ai thông báo cho anh à?”.
Trần Dật đang cúi đầu ghi bệnh án, nghe vậy liền ngẩng lên, liếc nhìn người đàn ông xong quay sang nhìn chị Lý, thấp gọng hỏi: “Kiểm tra nước tiểu dương tính phải không ạ?”.
Chị Lý gật đầu.
Gã đàn ông cau mày: “Không phải đầu bác sĩ ơi, tôi thật sự không hút trộm. Tôi cũng không hiểu vì sao mấy hôm trước kiểm tra nước tiểu, cảnh sát nói với tôi kết quả kiểm tra vượt mức cho phép. Thật oan uổng quá! Tôi thật sự không hút mà!”.
Trần Dật ghé sát màn hình máy tính, thấy rõ tin tức thay đổi trên đó, kết quả kiểm tra nước tiểu đúng là dương tính nên gã đàn ông bị đình chỉ thuốc là điều không thể nghi ngờ.
Thông tin được kết nối với cơ sở dữ liệu của cảnh sát, đến hạn, bệnh nhân phải đến đồn cảnh sát để kiểm tra nước tiểu. Kết quả sẽ được ghi trong thông tin điều trị của bệnh nhân.
Gã đàn ông không chịu khoan nhượng: “Bác sĩ, mọi người phải tin tôi, tôi thật sự không hút lén, tôi thề với Trời”. Nói xong, gã giơ cả bốn ngón tay lên: “Tôi thề là tôi không hút trộm, các người nhanh cấp thuốc cho tôi đi, hiện tôi đang thấy rất khó chịu”.
Kiểu tình huống này gặp không ít, kinh nghiệm xử lý cũng tương đối nhiều, không cần nói qua nói lại, Trần Dật ra hiệu với nhân viên bảo vệ đứng ngoài cửa.
Nhân viên bảo vệ là một người đàn ông trung niên cao to thuộc dân tộc Di. Ông ta tiến lên túm lấy cánh tay gã đàn ông, lôi ra ngoài.
Gã đàn ông đột nhiên bộc phát, dốc sức gạt nhân viên bảo vệ, đấm uỳnh một cú vào ô cửa sổ phát thuốc.
Gã dữ dằn quát mắng: “Bảo mày cấp thuốc cho tao cơ mà! Mày bị điếc à? Bọn mày có quyền gì dừng thuốc của tao?”.
Chị Lý giật mình bởi tiếng động bất ngờ vội ngồi lui về sau. Còn Trần Dật làm như không nghe không nhìn thấy gì, giọng điệu không chút sợ hãi: “Không phải chúng tôi dừng thuốc của chú mà chính chú tự từ bỏ việc điều trị”.
Nhân viên bảo vệ đi tới nhấc gã đàn ông lên, gầm to bằng tiếng địa phương: “Muốn làm loạn phải không? Có muốn tao đưa mày vào đồn cảnh sát không?”.
Gã đàn ông há miệng thở phì phò, ngữ khí thoáng cái trở nên mềm nhũn: “Không không không, tôi không gây chuyện, tôi không gây chuyện. Tôi đến để uống thuốc, uống methadone. Bác sĩ, cầu xin bác sĩ, cô nhanh cấp thuốc cho tôi đi”.
Hai bác sĩ trong phòng khám đều không cần phải nhiều lời, nhân viên bảo vệ đã lôi gã đàn ông ra ngoài, cảnh cáo gã ta: “Ở đây giám sát 24/24, nếu làm loạn, tao sẽ đưa mày đến đồn cảnh sát”.
Chị Lý vỗ ngực mấy cái, vẫn chưa hoàn hồn: “Đột nhiên xảy ra chuyện, làm chị sợ gần chết”.
Trần Dật nhìn chị Lý, nói: “Bệnh nhân đình chỉ thuốc tháng này hơi nhiều, thi thoảng lại có người tới làm loạn”.
Chị Lý lắc đầu: “Công việc này vẫn chỉ có em an tâm làm được. Chị vừa nhìn thấy người nghiện, toàn thân đã nổi da gà”.
Trần Dật im lặng không đáp, tiếp tục ghi chép bệnh án.
Đến trưa, tiếp tục có thêm năm sáu bệnh nhân nữa tới, hai người bận tối mắt tối mũi, luân phiên thay nhau ăn cơm.
Chị Lý mang cơm ở nhà đến, trong văn phòng của khoa tổng hợp có một chiếc lò vi sóng cũ, hâm lại ăn luôn.
Đợi chị ấy ăn xong trở về, thay cho Trần Dật ra ngoài.
Có lẽ do thời tiết khô nóng nên không có cảm giác ăn uống, sau một thoáng suy nghĩ, Trần Dật quyết định vào quán mì đối diện bệnh viện.
Giữa trưa là thời điểm trong quán nhộn nhịp nhất. Bà chủ cầm cây chổi quét dọn đống bừa bộn dưới đất, ông chủ mặc áo sát nách vừa ngồi hóng gió dưới quạt, vừa đếm tiền lẻ trong túi.
Thấy khách đến, bà chủ cười híp mắt chào hỏi: “Bác sĩ Trần tới đấy à? Hôm nay cô ăn gì vậy?”,
Trần Dật nhìn thực đơn dán trên tường: “Cho cháu bát mì thịt cừu, phần nhỏ thôi ạ”.
Bà chủ gật đầu xác nhận: “Không cho hành và mì chính, đúng không?”.
Trần Dật khẽ mỉm cười: “Vâng ạ”.
Ông chủ vội vào bếp, bà chủ lấy khăn lau sạch chiếc bàn vuông, mời Trần Dật lại ngồi.
Tiệm mì này không lớn, chỉ có tổng cộng bốn chiếc bàn, Trần Dật ngồi dưới chiếc quạt trần treo chính giữa, tiếng gió thổi vù vù xoay trên đỉnh đầu, tóc tai thổi tán loạn.
Cô tùy tiện quấn tóc thành một búi, gió mát thổi vào cổ áo, sảng khoái toàn thân.
Mặc dù bà chủ đã lau qua một lần nhưng mặt bàn vẫn dính dầu. Không có chỗ để tay, Trần Dật đành ngồi như vậy chờ món. Cô nhàm chán nhìn ra ngoài cửa, đầu óc đột nhiên bay xa.
Cô nhớ tới gã đàn ông bị đình chỉ thuốc sáng nay.
Lúc bị bảo vệ lôi ra ngoài, gã quay lại nhìn cô bằng ánh mắt oán hận.
Cô thầm nhắc nhở bản thân, mấy ngày tới ra ngoài phải cẩn thận một chút mới được.
Trước kia cô đã từng gặp tình huống như thế này. Bệnh nhân bị đình chỉ thuốc trực tiếp đến phòng khám gây sự với bác sĩ. Có một lần nghiêm trọng nhất, đó là lúc tan tầm trời tối, cô vừa mới đi đến cửa ký túc, tra chìa khóa vào ổ, bên cạnh bỗng xuất hiện một gã đàn ông. Hắn lẳng lặng bịt chặt miệng cô, xiết cổ cô, lôi cô vào khu rừng nhỏ sau lưng ký túc.
Cô có cảm giác kim loại buốt lạnh ở cổ, đó chắc hẳn là một con dao.
Hắn táo tợn cảnh cáo cô: “Giờ này ngày mai, mang 200ml methadone tới đây. Không lấy được thuốc, mày cứ chờ chết đi”.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi làm công việc này, cô cảm nhận được nỗi sợ hãi.
Cũng may hắn chỉ dọa dẫm, lôi kéo một đoạn đường rồi thả cô, bỏ chạy.
Đứng dậy ho khan, cô nhặt chiếc điện thoại và chìa khóa rơi dưới đất, trở lại ký túc xá báo cảnh sát.
Tiếp xúc với những người này một thời gian, trong đầu Trần Dật đã xác định được kẻ khả nghi. Đồn cảnh sát cũng nhanh chóng căn cứ vào manh mối cô cung cấp tìm ra kẻ đó.
Nhưng hắn đã chết.
Trong lúc cơn nghiện phát tác, hắn đã dùng con dao từng uy hiếp Trần Dật, cắt đứt động mạch cổ của mình.
Sau khi thông báo tin này cho Trần Dật biết, cảnh sát an ủi cô không cần phải sợ, hắn đã chết, cô có thể thả lỏng tinh thần. Nhưng cô không sao cảm thấy vui nổi.
Mặc dù sai nhưng cũng là một sinh mệnh. Dù cho sống chỉ một ngày, dù cho hy vọng có xa vời thì đó vẫn là ngày trở về hoang đàn, không phải sao?
Nghĩ tới những ngày đã qua, Trần Dật bất giác cười khổ.
Cô ngước mắt lên, bắt gặp Tiết Sơn đứng ở cửa.
Hình như Tiết Sơn đang định chào cô nhưng bất ngờ bị cô bắt gặp, anh sững lại vài giây, sau đó mới bước vào.
Cô nhìn anh lại gần, hỏi: “Anh đến ăn cơm ạ?”.
Tiết Sơn gật đầu, thoáng do dự, đến bên bàn Trần Dật: “Cô ăn một mình à?”.
Trần Dật gật đầu: “Vâng”.
Anh kéo chiếc ghế nhựa màu xanh dưới gầm bàn ra, ngồi xuống đối diện Trần Dật.
Trần Dật lẳng lặng nhìn động tác của anh, không nói gì.
Bà chủ đi đến chào hỏi Tiết Sơn, Tiết Sơn gọi một bát mì thập cẩm lớn, yêu cầu cho nhiều hành và rau thơm.
Bà chủ vào bếp nhanh chóng bưng phần mì nhỏ của Trần Dật ra.
Tiết Sơn nhìn gia vị trong bát cô, hỏi: “Cô không ăn hành sao?”.
Trần Dật gật đầu, mỉm cười: “Từ bé đã không quen với mùi đó”.
Trộn lẫn nước canh, Trần Dật hỏi thăm bệnh tình của Đồng Đồng.
“Đồng Đồng hôm nay thế nào rồi ạ?”.
“Con bé ổn rồi, bác sĩ bảo ngày mai kiểm tra lại, không vấn đề gì có thể xuất viện”.
Trần Dật gật đầu. Như nhớ ra điều gì, cô lại hỏi anh: “Anh đi ăn thế này, Đồng Đồng ở một mình à?”.
Tiết Sơn đáp: “Phương Thanh Dã ở cùng với nó”.
Hôm nay, Đồng Đồng nằm viện ngày thứ ba. Hai ngày trước Trần Dật đang trong ngày nghỉ, cô thường xuyên qua phòng bệnh thăm và chuyện trò với con bé.
Hàng ngày, bác sĩ truyền ba tiếng là xong. Hai bố con thường truyền vào buổi sáng, xong về nhà giải quyết cơm trưa.
Nhưng sáng nay Đồng Đồng ngủ dậy muộn, đến bệnh viện không kịp ăn cơm trưa. Phương Thanh Dã xung phong nấu cháo mang đến.
Cửa hàng sửa xe dạo này làm ăn không tốt, hai người ai bận việc người nấy, nhập không đủ xuất. Một mình anh ta ở trong cửa hàng sắp mốc hết cả người, nhân cơ hội ra ngoài một chuyến cũng tốt, coi như giải sầu.
Trộn đều nước canh, Trần Dật gắp miếng mì đưa lên miệng.
Bộ dạng ăn cơm của cô rất nhã nhặn, nhai từng miếng nhỏ, nuốt từ từ, không phát ra chút âm thanh nào.
Trên trán cô rịn một lớp mồ hôi, mấy lọn tóc ngắn xõa xuống bị gió thổi tung, rơi vào trong miệng, cô chậm rãi vuốt ra.
Hôm nay cô mặc áo sơ mi màu xanh đậm, tay áo vén lỏng lẻo lên cùi chỏ. Mỗi lần giơ tay, ống tay áo lại rớt xuống, cô kiên nhẫn kéo lại.
Chiếc quạt trần trên đỉnh đầu kêu ồ ồ, đưa tới từng đợt gió mát.
Tiết Sơn nhìn cô chăm chú, cảm giác có gì đó không đúng nhưng không thể tả thành lời.
Cho đến khi búi tóc của Trần Dật đột nhiên rơi xuống, mái tóc dài phủ kín vai, anh mới giật mình hiểu ra – là kiểu tóc không giống nhau.