Minh Nguyệt thuê trọ ở một tòa nhà hình chữ U xây tường ba lớp. Ngoài một vài sinh viên gia cảnh tương đối khá giả, tình hình kinh tế dư dả ra, cũng không thiếu những thanh niên trẻ tuổi đi làm ở các nhà máy và công ty phụ cận. Đa số bọn họ đều độc thân, công việc bận rộn, rất nhiều người là khách quen của tiệm ramen Mukaino dưới nhà. Không lâu sau, Minh Nguyệt phát hiện ra ở gần trường học cũng có chi nhánh của tiệm ramen Mukaino, không lâu tiếp nữa, tiệm ramen Mukaino lại mở thêm một quán bên trong ga tàu hỏa.
Trong tiệm ramen, đầu bếp trụng nóng lại sợi mì đã chuẩn bị từ trước, vớt lên để ráo, chan nước dùng vào, bưng lên cho khách, chỉ mất khoảng sáu, bảy phút. Trong cửa tiệm ăn nhanh truyền thống này, mọi người ăn uống no đủ xong lập tức rảo bước vội vã quay lại với công việc của mình. Khách của tiệm ramen Mukaino ngoài sinh viên tiên tiến và nhân viên văn phòng của các cửa hiệu Tây ra thì còn có không ít người làm việc trong một nhà máy gần đó. Nhà máy này rất đáng kinh ngạc, họ sản xuất ra những thiết bị cao cấp tinh vi với tính năng vượt trội, chuyên dùng để phá hoại và giết chóc. Đó là một nhà máy quân sự. Hơn mười năm sau, khi trận đại chiến (*) nổ ra, nó đã hỗ trợ cung cấp những trang bị quân sự đầy uy lực cho đất nước nhỏ bé này giáng đòn phủ đầu và bành trướng ra xung quanh. Sau khi chiến tranh chấm dứt, nhà máy quân sự này miễn cưỡng ngắc ngoải, không bao lâu sau lại bắt được cơ hội trở mình trong chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, nó bảo lưu nền móng và truyền thống chế tạo máy móc, chiến tranh chấm dứt thì bắt đầu tham gia chế tạo đồ dùng điện máy dân dụng. Trong câu chuyện của chúng ta ngày nay, sản phẩm của nó được tiêu thụ trên toàn cầu, giống như một tay quản gia có hồ sơ lý lịch đáng sợ, nhờ cần cù chịu khó và nụ cười tỏa nắng mà tẩy trắng được lịch sử.
(*) Ở đây chỉ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai nổ ra vào tháng 9 năm 1939.
Căn phòng cạnh phòng trọ của Minh Nguyệt hôm nay có một khách trọ mới. Ban đầu người trọ vốn là một anh chàng làm việc bên vận tải đường thủy, nghe nói kiếm được không ít tiền, tự xây cho mình một căn nhà riêng ở ngoại thành nên đã rời đi. Người mới tới là một cô gái vóc người cao ráo thon thả, khuôn mặt trắng nõn. Buổi trưa tan học về nhà, Minh Nguyệt cầm báo chí và xấp quảng cáo trong hộp thư ra, đi tới cầu thang thì thấy cô mặc áo len kết hợp giữa hai màu xanh hồng cùng một chiếc quần có dây đeo, đang gian nan loay hoay với cái một cái rương gỗ.
Minh Nguyệt hỏi: “Cần giúp một tay không?”
“Thật là phiền chết thôi, rương này bố mình làm, hơi nặng nhưng không lẫn đi đâu được.”
Minh Nguyệt bước lên trước, cùng cô mỗi người phụ trách một bên, hai người cùng nhau bê ngang cái rương lên tầng. Trên đường đi gặp con mèo trắng thường hay ngủ chỗ này chui qua dưới cái rương.
Biển tên phòng bên cạnh đổi lại thành họ của cô gái: Azuma. Cô tự giới thiệu mình tên là Keiko, đến từ Kyoto. Vách tường trong phòng Keiko dán một bức ảnh gia đình: Cô ấy cùng cha mẹ, chị gái và anh trai, cả nhà họ đều có ngoại hình rất đẹp và đoan chính. Sau khi sắp xếp phòng ở hòm hòm rồi, Minh Nguyệt và Keiko cùng đến tiệm mì Mukaino ăn, hai người trò chuyện một hồi thì phát hiện ra họ học chung một trường đại học, cùng niên khóa, còn chọn trùng một chương trình học nữa. Keiko nhìn Minh Nguyệt hồi lâu, bỗng bừng tỉnh đại ngộ: “Ơ ơ, là cậu à, Minh Nguyệt là người Seinan thích đó!” Minh Nguyệt thoáng sửng sốt rồi bối rối cau mày, nói: “Hay là…hay là đừng nhắc đến nữa…”
Cậu bạn học Kurumaiwa Seinan này là một nhân vật khá có danh tiếng trong trường học. Cậu ta học khoa thăm dò khoáng sản, dáng vóc không cao nhưng nhỏ con lanh lợi, thân thủ nhanh nhẹn, là chủ tướng của câu lạc bộ Judo trong trường, từng đánh ngã ba tên Hà Lan cao to lực lưỡng trong bữa tụ tập của đám học sinh ở quán rượu. Tướng mạo của Seinan rất hiền hòa, mặt tròn mắt to, khuôn miệng cũng tròn tròn dày dặn, nếu không để ý tới bả vai rắn chắc của cậu thì hẳn sẽ tưởng là một học sinh cấp hai chưa trưởng thành. Vì để trông có vẻ chững chạc bặm trợn hơn, Seinan-kun đã nuôi lọn tóc bên thái dương dài đến quai hàm hệt như một người đàn ông bốn mươi tuổi, cậu còn thích cau mày nhìn người khác, bởi như vậy sẽ nối liền hai hàng mày rậm của cậu ta lại. Bản thân Seinan cảm thấy như thế trông rất khí phách.
Lần đầu tiên cậu ta nhìn thấy Minh Nguyệt là trong nhà ăn sinh viên của trường học. Minh Nguyệt ngồi cùng ba cô gái, vừa gắp một miếng cá thu bỏ vào miệng, ngẩng đầu lên đã thấy một cậu trai trông như gắn hai cái khuyên màu đen lên hai bên gò má đang ngồi đối diện mình. Seinan rất chi là trang trọng nghiêm túc: “Này, biết tôi là ai không?”
Đầu đũa Minh Nguyệt vẫn còn ngậm trong miệng, mặt ngớ ra, lắc đầu.
“Kurumaiwa Seinan đó.”
Minh Nguyệt lại lắc đầu lần nữa.
Seinan híp mắt, gật đầu cười nói: “Xem ra đến trường vẫn chưa quen thuộc lắm đúng không. Để tôi đưa cậu đi tham quan trường một chuyến, thế nào?”
Minh Nguyệt vẫn lắc đầu.
“Vậy thì, thất lễ rồi.” Seinan bèn rời đi.
Vài ngày sau, Minh Nguyệt gặp lại Seinan trong phòng học, cậu đang đứng rất xa, lại đi tới hỏi cô: “Còn nhớ tôi không?”
Minh Nguyệt đáp: “Taiotsu Seinan.”
(*) Ở đây, Minh Nguyệt đã đùa Seinan, cố ý gọi sai tên cậu từ “Kurumaiwa Seinan” thành “Taiotsu Seinan”: “Taiotsu” là “Thái Ất” – sao Thái Ất trong hệ thống sao tử vi Trung Quốc, còn gọi là sao Bắc Cực, trong khi đó “Seinan” lại là “Chính Nam” – chính diện hướng nam.
Chủ tướng câu lạc bộ Judo vô cùng vui vẻ: “Trí nhớ tốt thật! Có điều, là Kurumaiwa Seinan.”
Minh Nguyệt nói: “Xin lỗi.”
“Tôi chép tay một bài thơ tặng cậu đấy.”
Minh Nguyệt nhận lấy tấm thiếp Seinan đưa, trên tờ giấy trắng mềm mại là chữ viết cậu nắn nót bằng bút lông:
Ngỗng, ngỗng, ngỗng
Gáy khúc lên trời,
Lông trắng trên nước biếc,
Chân đỏ quạt sóng xanh.
Chữ viết thanh tú xinh đẹp, đã dành rất nhiều công sức. Nhưng vì sao Seinan lại chép tay bài thơ này cho nàng? Tâm tư Seinan cũng giống như hình tượng Seinan vậy, khiến mọi người trừ Seinan ra hoàn toàn không thể hiểu nổi.
Cậu ta luôn làm một số hành động và ngỏ ý kỳ quái như vậy với Minh Nguyệt, nhưng chưa bao giờ yêu cầu hẹn hò, cũng chưa bao giờ dày mặt. Không ai biết được Seinan muốn làm gì.
Keiko nói đến chuyện này mà cười nghiêng ngả. Minh Nguyệt cũng biết là buồn cười, có điều Keiko khẳng định với nàng, tuyệt đối chưa từng thấy Seinan đối đãi với cô gái khác như vậy bao giờ.
Sau khi họ trở thành bạn thân, Minh Nguyệt hỏi cô, Keiko thì sao? Có người yêu chưa?
Keiko đỏ bừng hai má, kể với Minh Nguyệt về một người bạn thời trung học, hiện đang học ở Osaka, họ chỉ có thể gặp nhau trong các kỳ nghỉ lễ. Keiko hỏi, Nghỉ lễ Minh Nguyệt muốn đi đâu? Đến nhà mình được không? Nhà mình có quả hạnh ăn rất ngon, năm nay thu hoạch không tệ. Cha mẹ và anh trai mình đều rất nhiệt tình hiếu khách, chị mình đã lấy chồng, cậu có thể ở phòng chị ấy. Minh Nguyệt ngẫm nghĩ: Vậy có làm phiền nhà cậu không? Keiko nói, xin đừng khách khí…
Tới kỳ nghỉ hè, Minh Nguyệt bèn theo Keiko về nhà cô. Họ uống trà trong sân vườn kiểu Nhật sạch sẽ ẩm ướt, ăn quả hạnh chín đỏ. Anh trai Keiko tên Shuji vẽ xong tranh, mời họ vào thư phòng anh ngồi. Điều đầu tiên Minh Nguyệt ấn tượng về Azuma Shuji là trong phòng anh có đủ các loại cây xanh khác nhau, đa số nàng đều không biết tên, nhưng tươi tốt vô cùng, khiến căn phòng anh tươi đẹp lên hẳn, không khí trong lành, mang lại một cảm giác khiến người ta vui thích.
Keiko dịu dàng đáng yêu, tri thư đạt lễ trước mặt anh mình lại biến thành một đứa trẻ thích làm nũng: Anh Shuji, máy hát trong phòng khách bị kênh rồi, bố mẹ không bảo anh sửa đi à? Anh Shuji, ngày mai em muốn dẫn Minh Nguyệt đi thăm chùa, anh có thể chuẩn bị ô cho bọn em không? Này, anh Shuji, lấy quyển kẹp cánh bướm anh sưu tập ra cho bọn em xem một chút được không? …
Shuji có một quyển kẹp tài liệu khá kỳ lạ, trong đó toàn là những mảnh cánh bướm lớn nhỏ, có cái có thể miễn cưỡng nhìn giống hình dáng của một cánh chim, có cái chỉ là một mảnh vụn to bằng đầu ngón tay màu sắc rực rỡ. Minh Nguyệt hỏi Keiko, sao anh cậu lại sưu tập mấy thứ này? Keiko tỏ ra rất bình thường trước sở thích kỳ lạ của anh mình, Có người còn bắt bướm sống phơi khô làm vật xét nghiệm cơ mà.
Sáng hôm sau, Minh Nguyệt thức dậy rất sớm. Tiết trời hơi lạnh, nàng mặc một chiếc áo bào cỡ nhỡ, mở cửa phòng ra ngoài, thấy Shuji đang ngồi dưới hàng hiên đối diện, trên bắp chân quấn một băng vải.
“Định ra ngoài ạ?” Minh Nguyệt hỏi.
“Lên núi cắm trại. Hẹn với bạn.”
“Đi tập thể ạ?”
“Ba người.”
“Nhất thời nổi hứng hay là thói quen cũ ạ?”
“…” Anh gài xong xà cạp, ngẩng lên nhìn nàng, “Trước hăm mốt tuổi thì có bốn người, năm ấy đi ngang qua một ngôi chùa, Miyazawa-kun quyết định ở lại đó, không quay về nữa. Về sau tầm này hằng năm, ba người còn lại đều lên núi thăm nó, nán lại đó một tuần.”
“… Hẳn là người có duyên với Phật tổ.” Minh Nguyệt muốn an ủi anh.
“Năm ấy…người yêu nó lấy anh trai nó.” Anh khoác balô lên định đi, lúc đi ngang qua chỗ nàng thì ngồi xổm xuống nói, “À… Đi thăm chùa với Keiko xong nhớ ra tiệm số một ở con phố phía tây ăn cơm trộn hải sản nhé. Đó.”
“Cảm ơn ạ. Tạm biệt.”
“Tạm biệt.”
Bước chân của người này rất nhẹ.
Máy hát trong phòng khách chẳng biết từ lúc nào đã được gắn thêm hai cái giá ba chân, quả nhiên không còn bị kênh nữa.
Trước khi dẫn Minh Nguyệt ra khỏi nhà, Keiko mở ô ra, thấy cái khung gãy đã được nối lại, còn cẩn thận tra dầu, trơn trượt dùng tốt hơn cả lúc trước.
Cơm trộn hải sản ở tiệm số một trên con phố phía tây chùa Kim Các ngon không gì bằng.
Mùa hè năm ấy, Minh Nguyệt ở nhà Keiko sáu ngày, sau đó tự mình đến Hokkaido chơi một chuyến, da dẻ trắng trẻo phơi nắng thành màu vàng hồng, rồi mới về lại chỗ trọ ở Tokyo. Trong hộp thư đầy ụ của nàng vậy mà lại có một bức thư Lý Bá Phương để lại, trái tim lập tức như trống dồn, từ từ mở ra, đến ngón tay cũng run rẩy.