Sáng hôm đó, lúc họ cùng nhau đến làm việc, phát hiện ra bức tường phía tây đã bị đổ mất chừng ba mét chiều dài, “Azuma-san” người Nhật đang dẫn theo vài người đứng đó dùng một cái chùy đá to lớn nện từng cú đập tường. “Azuma-san” áo trắng quần đen một ngày trước còn rất dễ nói chuyện, giọng điệu hòa nhã nhờ họ “chiếu cố nhiều hơn”, lúc này đã đổi hẳn sang một vẻ mặt khác, cau mày, mím chặt môi mà thẳng tay đập tường. Đốc công người Trung Quốc dẫn người đến làm việc như hiểu ra chuyện gì, nhảy xuống hố, níu tay Azuma Shuji lại, đẩy mạnh ra, đồng thời quát: “Làm gì vậy?!”
Không đợi phiên dịch truyền lời, Shuji đã lôi đống gạch dựng đứng trong bức tường đổ ra, đặt chúng nằm ngang xuống cho đốc công và cả đám công nhân xem, dùng tiếng Trung gượng gạo của mình dồn dập nói: “Tôi muốn thế này! Các anh thế này! Không được! Không được!” Phiên dịch truyền đạt những câu tiếng Nhật anh nói tiếp đó lại cho mọi người: “Đập đổ! Làm lại! Mỗi viên gạch đều phải đặt nằm ngang và xếp chồng kín kẽ! Làm theo yêu cầu của công trình! Làm theo hợp đồng! Các anh không có hợp đồng hả?!”
Bất kể thế nào thì chuyện cắt xén nguyên vật liệu này cũng đã bị bắt tại trận, điều này thật sự khiến người ta đuối lý, đám công nhân trợn mắt há hốc, nhìn nhau, sau đó cùng nhìn sang đốc công. Đốc công là một tay lọc lõi đã hơn bốn mươi tuổi, vóc người vạm vỡ, va chạm xã hội nhiều, là người quyết định trong đám họ. Shuji nhìn ra được từ trong mắt đám công nhân rằng gã mới là mâu thuẫn chủ yếu của vấn đề. Gã hiểu rõ phải xây tường thế nào, phải xếp gạch ra sao, số gạch ăn bớt được sẽ bán đi đâu, tất cả đều là thủ đoạn của gã, nếu Shuji muốn hoàn thành công trình đầu tiên của mình tại Phụng Thiên sao cho thật nhanh chóng và chất lượng, anh sẽ phải giải quyết người này trước tiên. Shuji đi tới trước mặt đốc công, nhìn sắc mặt đen thui và đôi mắt thẹn quá hoá giận của gã đàn ông cao lớn cường tráng này, bảo phiên dịch hỏi gã, còn vấn đề gì nữa không?
Gã đốc công cởi khăn quàng trên cổ xuống, vứt mạnh xuống đất, hung hãn dùng ngón tay chỉ vào phiên dịch, nói: “Ông nói với thằng Nhật Bản này cho tôi: Một ngày năm hào là bố thí cho ăn mày đấy à? Ông đây không hầu!”
Nói đoạn xoay người bỏ đi. Đám công nhân bắt chước gã, ném khăn mặt xuống, hùng hổ rời khỏi công trường, tiếp đó nhanh chóng tụ tập lại quanh gã đốc công, dè dặt không cam lòng thương lượng: “Chúng ta không làm nữa à? Thật sự không hầu? Vợ tôi ngày nào cũng đòi tôi năm hào đó…” Đốc công nhếch mép đáp: “Chúng mày thì biết cái rắm gì?!”
Hai hôm sau, đám công nhân Trung Quốc quả thật không làm nữa. Sự kiện bãi công xảy ra ở công trường nhanh chóng được báo về công ty, cậu Ishida Hideyoshi gọi điện cho Shuji, bảo anh đi họp, bàn bạc đối sách, Shuji nói mình bận sửa chữa bản thiết kế, không có thời gian đi họp.
Ishida Hideyoshi nói qua điện thoại, để lỡ giờ công là để lỡ kiếm tiền, về tiền công, họ thực ra có để trống một khoảng co giãn nhất định, tối đa có thể trả bảy hào rưỡi một ngày, giữ lại là để đề phòng sau này nếu xảy ra vấn đề gì thì còn có tiền điều tiết cân bằng lại.
Shuji cầm điện thoại, nghiêm túc mà kiềm chế: “Là chất lượng công trình xảy ra vấn đề thì sao phải nhượng bộ chứ? Sau này nếu còn tiếp tục xảy ra những mâu thuẫn tương tự thì phải làm sao? Cậu cứ yên tâm, xin hãy để cháu giải quyết chuyện này, bất kể thế nào cũng nhất định không để bị uy hiếp.”
Cậu anh ở đầu dây bên kia bật cười ha hả: “Vậy nhờ cháu nhé Shuji.”
Shuji thì có thể có biện pháp gì chứ? Anh cũng chẳng được tính là khôn ngoan lanh lợi gì, bài học và công việc làm rất tốt nhưng xưa nay không biết đi đường tắt, ưu thế lớn nhất của anh là bình tĩnh và kiên nhẫn. Năm mười một tuổi anh từng theo cha lên núi săn thú, họ đã phát hiện ra một động cáo đỏ ở dưới gốc cây tùng. Shuji đã chờ bên cửa động này bảy đêm, rốt cuộc bắt được cặp cáo lớn đang định dẫn đám cáo con di dời sang chỗ khác. Shuji giữ lại cho mình một con con, phóng sinh những con cáo còn lại. Con vật nhỏ mang tiếng là thứ phản trắc hung ác kia trong vòng nửa năm đã bị anh dùng muối ăn, hoa quả và nhánh mây huấn luyện trở nên rất dễ bảo, còn ngoan ngoãn đáng yêu hơn cả con chó Keiko nuôi, về sau vẫn bầu bạn bên anh cho đến lúc chết.
Khi anh thi đỗ vào trường học tốt nhất, khi anh lấy được bằng chứng nhận chỉ qua một lần sát hạch, khi anh trở thành kiến trúc sư trẻ tuổi, khi anh xuất sắc hoàn thành phương án thiết kế đầu tiên của mình, chị anh Sakura từng cười nói: “Thằng nhóc này có thể chờ bảy đêm trong tuyết bắt cáo, có thể huấn luyện cáo thành chó thì chẳng có gì mà nó không làm được!”
Lúc này, Azuma lại một lần nữa hệt như năm đó chờ cáo, yên lặng và kiên nhẫn giằng co với đám công nhân Trung Quốc, họ giằng co với nhau trọn bốn ngày. Tối ngày thứ tư trời đổ mưa lớn, cái hố trong công trường ngập đến nửa mét. Đám công nhân đợi chờ Azuma-san đích thân tới tìm xin họ trở lại làm việc vào sáng sớm ngày thứ năm, đồng thời gập người chín mươi độ, thành khẩn khiêm tốn bày tỏ đồng ý tăng tiền công như lời đốc công nói, nhưng không có. Mong ước của họ vỡ tan: Anh thanh niên người Nhật này trầm tĩnh hơn nhiều so với những gì đốc công nói.
Đám công nhân bắt đầu thật sự xem xét lại bản thân xem mình có tư cách tiếp tục đấu tranh về vấn đề này với nhà tư sản hay không. Họ nghĩ tới mẹ già vợ dại và đám con thơ đang gào khóc đòi ăn ở nhà, nghĩ đến những việc làm không trung thực của bản thân trước đây, cũng nhanh chóng tính được rành rọt số lương thực có thể đổi được bằng tiền công của mấy ngày trễ nải này. Cuối cùng, có vài ba người xách khăn mặt và công cụ chuẩn bị quay lại làm việc. Đốc công ngăn họ lại, hung dữ mắng: “Muốn làm hán gian hả?”
Người đi đầu chắp tay: “Anh à, lời anh nói cao xa quá, em vẫn muốn kiếm miếng ăn hơn. Mấy ngày nay không đi làm, vợ em đói, đám trẻ không có sữa bú.”
Đốc công túm cổ áo hắn: “Vì miếng ăn mà không cần mặt mũi nữa hả?”
Người anh em thân thiết của tên đi đầu bước lên, quật gã đốc công ngã vật xuống đất: “Còn dám lên mặt mắng chửi nữa à? Đừng tưởng ông đây không biết mày tham lam thế nào. Mỗi ngày mày ăn bớt gạch đem bán cũng đủ mua gạo cho cả nhà tao ăn năm ngày rồi!” Tiếp đó hắn vẫy tay ra sau: “Anh em, đi làm thôi. Kiếm được chút tiền không sợ đói! Ta còn phải nuôi gia đình cơ mà!”
Vụ bãi công này giằng co bảy ngày thì kết thúc. Hai ngày sau khi đám công nhân Trung Quốc quay lại làm việc, Azuma Shuji tuyên bố với các công nhân thông qua người đốc công vừa tuyển mới: Tiền công một ngày tăng từ năm hào lên sáu hào, nếu họ có thể bù kịp cho bảy ngày trễ nải thì có thể tăng tiền công lên sáu hào rưỡi. Nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình, nếu còn để bị phát hiện ra vấn đề như lúc trước, họ xây lên bao nhiêu, anh sẽ đập đi bấy nhiêu.
Đám công nhân sau khi kết thúc bãi công lại bất ngờ được tăng tiền công, bắt đầu chăm chỉ lên hẳn. Họ dần phát hiện ra, anh chàng giám sát người Nhật “Azuma-san” này cũng không quái đản khó chơi quá mức. Người Đông Bắc có câu “Vuốt lông lừa”, chỉ cần cậu xếp gạch xây lên theo đúng yêu cầu của hợp đồng, quét bụi cho thật tử tế, như vậy anh không chỉ không bắt bẻ họ mà còn có thể lựa thời điểm thích hợp thưởng cho cậu chút đỉnh. Anh không phát tiền công trễ bao giờ, cũng không mắng mỏ chửi bới mà cầm lấy công cụ của cậu, làm mẫu cho cậu xem phải làm thế nào cho đúng. Đa số thời gian, anh đều ở lại công trường cùng công nhân ăn bánh bột ngô, trứng vịt muối…
Công trình “Ngân hàng Phụng Thiên” tiến triển hết sức nhanh chóng và thuận lợi, nhưng Shuji lại phát hiện ra thành tích của mình đã bị thăng cấp lên tán dương dưới một góc độ dân tộc khiến người ta phải lúng túng. Đồng nghiệp trong công ty tụ tập uống rượu, cậu nói với các cổ đông và quản lý khác rằng đừng coi thường Shuji vừa mới tới, anh bẩm sinh đã biết nghĩ sách lược đối phó với người Trung Quốc đấy.
Người Trung Quốc ấy à, người Trung Quốc có một số nhược điểm rất rõ ràng, nếu nắm được sẽ rất dễ thao túng.
Đầu tiên là họ không thích tuân thủ quy định, quy định ở xí nghiệp nào cũng không chịu tuân thủ, bởi vậy nên rất dễ phạm sai lầm, rất dễ bị người ta nắm thóp.
Tiếp đó là họ rất hấp tấp, mà đúng là có rất nhiều chuyện để bức bách họ, khiến họ mất kiên nhẫn, áp lực cơm áo gạo tiền lúc nào cũng tồn tại, chỉ cần anh không nhượng bộ, họ tất sẽ nhượng bộ.
Nhược điểm lớn nhất là, họ khuyết thiếu sự tín nhiệm lẫn nhau, họ thà tin vào người ngoài còn hơn.
Shuji ở đây càng lâu càng nhìn được thấu rõ những đặc tính này của người Trung Quốc, chỉ cần biết cách lợi dụng, bắt họ ra sức hoặc kiếm tiền của bọn họ đều rất dễ dàng.
Shuji vừa uống rượu vừa nghe những thương nhân lớn tuổi hơn tự mãn ba hoa những lời này. Thỉnh thoảng anh cười cười, từ chối cho ý kiến, trong lòng thầm nghĩ tới câu mà thầy hướng dẫn thời đại học từng nói: Sự sùng bái đối với kinh nghiệm là nguồn cơn của mọi thất bại. Những điều được gọi là khái quát đặc tính của người Trung Quốc này đối với anh chẳng có chút ý nghĩa nào. Anh từng làm việc ở công trường Nhật Bản, cũng từng làm việc với công nhân người Triều Tiên và người Nga, trong số bạn học còn có hai người Đức, ba người Mĩ. Mỗi người kiếm tiền đều có thể đầu cơ trục lợi trong lĩnh vực của mình, đó hoàn toàn không phải là đặc tính chỉ có ở người Trung Quốc. Chỉ có điều, những người Nhật Bản này đang ăn nên làm ra ở mảnh đất này, vẽ được cho mình cái điệu bộ ông lớn, bởi vậy nên họ cho rằng mình có tư cách muốn phát ngôn xằng bậy gì về nơi đây cũng được. Người Tokyo khi tới Hokkaido, Osaka hay Okinawa cũng sẽ nói y xì như thế.
Shuji nốc cạn rượu trong ly.
Ngồi bên ghế phó hội trưởng Kobayashi là một nàng geisha Nhật Bản xinh đẹp, mặt và cổ đánh phấn trắng như tuyết. Geisha khum tay thì thầm bên tai Kobayashi vài câu, Kobayashi cười ha hả, ngả nghiêng ngặt nghẽo.
Mọi người hỏi y cười gì, Kobayashi nhìn Ishida Hideyoshi nói: “Hideyoshi, anh chăm sóc cho cháu ngoại mình chẳng chu đáo gì cả, đến cả tiểu thư Yumi còn nhìn ra cậu ta tịch mịch nữa là…”