Sau một ngày một đêm tra tấn đói rét cực khổ, rốt cuộc cũng có người cung cấp một ít tin tức: Cách cung Thái Thanh không xa có một cửa hàng thổ sản do người Tứ Bình mở, không thấy ra ngoài trao đổi buôn bán bao giờ, ông chủ gần đây nhất cũng ít khi ra cửa, không hay lộ diện, nhưng cũng từng gặp một, hai lần, gương mặt đó…gương mặt đó có phần giống với bức họa này. Tin tức vừa ra, đám thám tử tinh anh lập tức được điều động.
Thành thị quá lớn, thời đại hỗn loạn, câu chuyện rất nhiều.
Bên kia, trong vương phủ, thân thích gần xa lục tục đến thăm, vô cùng náo nhiệt đón năm mới, Trong tòa lầu mới cải tạo của vương phủ, mạt chược mở sáu bàn, những quân bài lục ngọc va chạm qua lại phát ra những tiếng lào rào, trà thơm bánh ngọt hầu một bên. Giữa cuộc thắng thua, tiền tài vô số như nước chảy. Họ vừa chơi bài, vừa than phiền mùa màng không tốt, họ không thể tiếp tục sống những ngày trong nhung lụa như trước nữa, không còn là hoàng thân quốc thích nữa rồi. Đó là chủ đề tán gẫu trong những buổi tụ hội của người Bát Kỳ. Khi thời thế mới đổi, lúc nói đến chuyện này luôn có người than khóc, hiện giờ đã dần thích ứng được, ngược lại còn cảm thấy không còn bị gò bó nữa, thỉnh thoảng còn có thể nắm tóc nắm áo mà đùa giỡn lẫn nhau. Có người lại nói đến một chuyện mới ít người biết về hoàng thượng ở Thiên Tân, kể rằng gần đây y mới mời được một người thầy Nhật Bản, há miệng ra ngậm miệng vào toàn là tiếng đảo quốc, có một lần tham gia tụ hội còn chải đầu rẽ ngôi mặc kimono.
Tiểu vương gia đó giờ vẫn tập trung đánh bài ăn tiền hỏi: “Anh nhìn thấy hả?”
Tay kể chuyện đáp, là nghe người nào đó trong nhà hắn nghe người nào đó đó nói.
Hiển Sướng nói: “Nói cứ như thật vậy, ta còn tưởng là chính mắt anh trông thấy cơ.”
Một cậu em họ khác trên bàn bài nói: “Hoàng thượng mặc kimono cũng có gì lạ đâu. Ba tỉnh miền Đông Bắc không phải đều cùng một bầu không khí: Mười tay buôn thì có đến bảy là người Nhật sao? Đất Nhật tốt mà, phát triển nhanh được vậy, bằng không sao anh chịu đưa Minh Nguyệt cô nương tới đó học chứ?”
Minh Nguyệt ngồi bàn khác nghe thấy tên mình, nghiêng đầu nhìn qua.
Hiển Sướng đánh ra một quân tây phong, nháy mắt với nàng, đáp lại người kia: “Lấy kỹ thuật bậc thầy của ngoại bang mà chế ngự ngoại bang (*), thằng nhóc nhà bây đi học để không đấy à, chẳng biết cái đạo lý gì sất.”
(*) Nguyên văn: “师夷长技以制夷” (Sư di trường kỹ dĩ chế di), đây là một chủ trương trứ danh xuất phát từ cuốn “Hải quốc đồ chí” của Ngụy Nguyên xuất bản năm 1842. Nguyên câu gốc là trích trong lời nói đầu “Cuốn này viết với mục đích gì?” của tác phẩm, tạm dịch: “Lấy sở học của ngoại bang mà làm việc với ngoại bang, lấy kiểu cách của ngoại bang mà qua lại với ngoại bang, lấy kỹ thuật bậc thầy của ngoại bang mà chế ngự ngoại bang.”
Thải Châu ở một bàn khác đẩy ngã bài mình: “Ta ù rồi.”
Số cô rất đỏ, phỉnh đánh bạc xếp thành ba đống cao, người phụ nữ bên cạnh bĩu môi.
Thải Châu nhìn ả: “Sao? Không phục?”
Người kia nói: “Phục chứ, sao không phục? Có điều tôi đen bạc thì còn có thể kiếm cái khác bù lại, còn có chồng tôi thương tôi.” Giọng ả không lớn, âm điệu õng ẹo, chỉ có phụ nữ trên bàn này nghe thấy. Họ đều cười cười ngầm hiểu. Thải Châu đọc được ý tứ của nụ cười đó: Phu nhân cô thắng được ít tiền thì có gì mà đắc ý? Chồng cô không phải nằm trong tay người khác sao.
Thải Châu cũng cười, vừa xào bài với ba đôi tay khác trên bàn vừa nói: “Mong hắn năm nay sẽ thương cô, sang năm cũng thương cô, sang năm nữa cũng thế, để cô đêm ba mươi nào cũng nộp tiền cho tôi. Chỉ là không biết, chút vận đỏ này của hai ta liệu có lâu được đến vậy không.”
Bên phía Minh Nguyệt có thắng có thua, đánh rất cân bằng. Nàng không có thói quen thức đêm, không bao lâu sau thì buồn ngủ, đánh một cái ngáp, vỗ vỗ miệng. Người hầu bên cạnh đưa đĩa hoa quả khô lên, Minh Nguyệt nhón một viên ô mai bỏ vào miệng, muốn nâng cao tinh thần. Nhà dưới nàng là em dâu họ của Hiển Sướng, đánh ra một quân rồi nhỏ giọng nói: “Cùng triệu chứng với tôi rồi.”
Minh Nguyệt nhìn cô ta: “Triệu chứng gì?”
“Lúc nào cũng buồn ngủ, ăn không ngon ngủ không yên, cũng thích ăn ô mai, còn sợ lạnh nữa. Cô thì sao?”
Người ngồi đối diện Minh Nguyệt tiếp lời: “Khi đó tôi sợ nóng, nóng lên là cáu bẳn.”
Minh Nguyệt suy nghĩ mất một lúc mới hiểu ra họ nói gì, trong lòng khó chịu: “Tôi không có.”
Họ ngẩng lên nhìn nàng, đều cảm thấy thắc mắc, như đang nói: Cũng có phải chuyện gì xấu đâu, phản ứng mãnh liệt vậy làm gì? Minh Nguyệt cố ý điểm pháo cho nhà dưới, nhường cho cô ta ù, sau đó tìm người khác thay mình vào chơi, lên phòng nghỉ cho khách mới trang hoàng ở tầng trên đi ngủ. Đi ngang qua một sảnh lộ thiên, thấy có hai, ba ông đang hút thuốc ở đó, mùi thơm nức mũi, hơi khói bảng lảng, đám người hầu ngồi quỳ phục vụ. Có ai đó chọc cười, cả đám lơ mơ cười nho nhỏ. Trong thư phòng, người anh họ thứ hai đang nghịch cây đàn tranh thời Tống mà Hiển Sướng cất giấu, đàn một khúc nhạc trầm bổng mất hồn, một thằng nhóc xinh đẹp hóa trang thành phái nữ chống đầu nghe chủ tử nó đánh đàn, vẻ mặt say mê. Không biết là ai đốt liền mấy quả pháo kép trong vườn, tiếng động lanh lảnh vang dội, mùi lưu huỳnh cay mũi khuếch tán theo tiếng nổ…
Minh Nguyệt lên tầng tìm phòng ngủ, để nguyên quần áo nằm lên sập, gối đầu lên cánh tay mình mà thất thần, chỉ cảm thấy cuộc sống này quá tiêu dao, không chân thật. Của cải tàn lưu dựng nên bức tường thành hưởng lạc, hi vọng và hạnh phúc như nước tù trong thành, đám quý tộc hết thời mỗi ngày đều mê mải không biết tự kiềm chế, không quan tâm, không biết ơn, không sợ khánh kiệt. Bên tay nàng đặt vài quyển sách cũ, lật đại một quyển ra, mở đúng bài thơ rất hợp cảnh của Bạch Cư Dị: Là hoa, chẳng phải hoa, Là mây, chẳng phải mây. Nửa đêm tới, Bình minh đi. Khi tới như mộng xuân, được mấy? Khi đi, mây sớm tìm đâu chừ.
Nàng mơ màng thiếp đi, không biết bao lâu sau, có người nhẹ nhàng lay vai nàng gọi dậy, mở mắt, trông thấy tiểu vương gia. Minh Nguyệt ngoẹo đầu nhìn chàng, nhìn thế nào cũng trông ra dáng dấp thuở thiếu thời khi xưa, cao gầy sáng sủa, mắt liếc đưa tình, người này thật đẹp. Nàng giơ tay lên che trước mặt chàng, hỏi: “Anh đánh bài xong rồi?”
“Ừ. Em trốn ở đây làm biếng à?”
“Dù sao cũng không thắng nên thôi.”
Chàng cười nói: “Cơm tất niên nấu xong rồi, xuống ăn đi? Sư phụ Lộc Nhi đặc biệt tới làm đấy.”
“Không đói xíu nào hết, ăn không vào.”
“… Vậy uống chén rượu vậy.” Ánh mắt chàng như nước, thực sự đang thương lượng với nàng: Ngày lành chẳng biết còn bao nhiêu, bữa cơm tất niên này ăn rồi, bữa tiếp theo chưa chắc đã tụ tập được đông người, lo liệu được náo nhiệt như thế.
Những lời này không cần phải nói ra, nàng hiểu chàng như hiểu chính mình vậy, gật đầu: “Vâng.”
Chàng không đi ngay mà nắm lấy tay nàng đặt lên môi hôn một cái: “Đợi qua Tết, vào xuân rồi, tìm một ngày lành tháng tốt, thành toàn danh phận của em.”
Nàng khẽ lắc đầu, vươn tay kéo đầu chàng ôm vào lòng mình, hôn lên tai chàng: “Như thế này không phải rất tốt sao? Có danh phận hay không em đều ở bên anh. Bất kể ai đi em cũng ở bên anh. Thời thế ra sao em cũng ở bên anh.”
Chàng nặng nề gật đầu trong lòng nàng, cánh tay vươn ra vây lấy nàng. Nhớ mang máng khi còn bé, chàng bị a mã phạt đứng trong sân, giơ đồ đến độ mặt hốc hác, môi nứt nẻ, cô bé đã lẳng lặng ngồi xổm ở bên chàng, không nói cũng không cười. Chàng cảm thấy mình thật nhếch nhác, bảo nàng đi đi, đừng ở lại đây nữa, nàng lắc đầu nói “Em ở bên anh”. Thì ra, nàng nhỏ bé là vậy nhưng đã sớm nghĩ xong chuyện cả đời. Chàng ôm siết lấy nàng.
Đêm trừ tịch năm ấy, ông bà Lưu đưa ông bà ngoại của Nam Nhất lên Phụng Thiên ăn Tết. Hai cụ đến, cậu mợ và hai cậu em họ của Nam Nhất cũng đến theo. Đám em họ chiếm lấy phòng Nam Nhất, Nam Nhất dọn sang ở cùng phòng với chị Đông Nhất về nhà ăn Tết. Cơm tất niên nhà họ Lưu là ba đĩa sủi cảo nhân tươi và một nồi lẩu bò nhúng. Nam Nhất không phải đỡ đần gì, một mình ngồi trên xa-lông cắn hạt dưa, vỏ chất thành một ngọn núi nhỏ.
Hai cậu em họ lôi cái mũ lông chồn cô giấu trong ngăn kéo ra, đội lên đầu đi quanh nhà hai vòng, hỏi người lớn: “Trông con có giống thổ phỉ không?”
Nam Nhất nhìn thấy, mặt không đổi sắc đi tới, lấy mũ ra khỏi đầu em họ, chụp đống vỏ hạt dưa nắm trong tay lên đầu cậu.
Bà Lưu vừa cán vỏ sủi cảo vừa giải thích với em dâu: “Đừng trách nó, đừng trách nó nhé. Lần trước con bé bị ốm còn chưa khỏi hẳn, đến giờ vẫn hơi biêng biêng.” Quay đầu lại gọi cháu trai: “Nào, đừng để ý đến chị Nam Nhất, qua đây bác cho lạp xưởng ăn.”
Nam Nhất quay lại chỗ cũ tiếp tục cắn hạt dưa.
Mười hai giờ, sủi cảo đã nấu xong, Nam Nhất đã lâu không ăn một bữa cơm tử tế nào ngồi vào bàn, ăn một hơi cả đống, no đến không thở nổi. Bà ngoại lúc lần lượt phát lì xì cho đám trẻ, nháy nháy mắt với Nam Nhất, ý nói cho cháu nhiều hơn những đứa khác đấy. Nam Nhất cầm lì xì trong tay nghĩ thầm: Bà ngoại, bà có thể bỏ người ấy vào bao lì xì cho cháu không?
Sáng sớm mồng một, già trẻ một nhà đi chùa Bát Nhã bái Phật. Nam Nhất lần đầu tiên thành tâm quỳ bái trên mặt đất, thắp hai nén nhang, cũng làm lễ ba khấu chín vái với Bồ tát, lại thừa lúc người lớn thắp hương cầu nguyện, một mình ra bàn xem bói ở cửa chùa xin quẻ. Ông già xem bói mở tờ giấy quẻ ra, thấy bên trên có ba chữ: Nhất tâm giải. Ông già hỏi Nam Nhất: “Cô nương muốn xem gì?”
“Nhân duyên ạ.”
“Nhân duyên à…” Ông già kéo dài giọng, tính toán trong đầu, Tết nhất thế này, cô gái này muốn nghe lời tốt lành gì đây? Tính toán một hồi, ông ta nhấc bút lông, đưa ngang một nét lên giấy, là chữ Nhất (一). Chữ Tâm (心) bị ông ta viết thành bộ Tâm (忄), cộng thêm chữ Nhất kia tạo thành chữ Bất (不). Ông già nói, “Nếu hỏi nhân duyên thì là một quẻ thượng, Nhất Tâm (một lòng) sẽ thành Bất (không), tức là gắn bó keo sơn đấy! Hai bên chái nhà coi giữ lẫn nhau, dẫu lúc này có chia lìa cũng chỉ là nước chuyển núi không chuyển, về sau tất sẽ gặp lại. Xin cô nương yên tâm.”
Nam Nhất nghe vậy, tâm trạng u tối lập tức bừng sáng, lại bỏ thêm chút tiền cho ông già: “Cảm ơn ông. Cảm ơn ông.”
Đáng tiếc là ông già này lại không biết tên của cô gái, bằng không có lẽ ông ta sẽ nói với cô bé trong tên có chữ Nhất này rằng xin cô hãy buông tay, biết khó mà lui, đừng hi vọng xa vời nữa.
Cùng lúc đó, Azuma Shuji bị giam trong gian phòng không cửa sổ, hoàn toàn cắt đứt với thế giới bên ngoài. Trong phòng có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, toa-lét độc lập và vòi tắm hoa sen. Anh cũng không bị bạc đãi quá mức, ngày ba bữa đều đúng giờ đầy đủ, thậm chí còn có thể nói là phong phú.
Shuji bị giam đến ngày thứ ba, quân cảnh họ Mã đến thăm anh một lúc.
Shuji nói: “Giam tôi là sợ tôi mật báo?”
Họ Mã mời anh một điếu thuốc, Shuji xua tay xin miễn.
“Vụ án này quá lớn, cái lưới chúng tôi bày ra không thể để bị rò rỉ tin tức.”
“Phải tới lúc nào?”
“Tới khi anh chỉ chứng được kẻ đó thì thôi.”
“Nếu các anh vĩnh viễn không bắt được thì sao?”
“Câu hỏi hay lắm. Nếu chúng tôi không bắt được, anh đoán thử xem chuyện sẽ ra sao?”
“Chuyện sẽ là do chúng tôi làm, đúng không?”
Họ Mã nghe xong đưa tay cào cào tóc mình: “Tiền các anh cướp được từ nơi này còn ít sao?”