Trên ghế sofa xếp đầy chiến lợi phẩm của buổi mua sắm. Lăng Bách xuống bếp chuẩn bị nấu bữa tối. Ông An ngồi trên ghế sofa, mặc dù đi cả ngày, người mỏi rã rời nhưng trong lòng ông thực sự cảm thấy rất vui. Con gái ông cuối cùng cũng đã tìm được người xứng đáng để gửi gắm cả đời.
Ông gọi: “An Dao.”
An Dao mỉm cười nhìn ông, không nói gì, đợi ông nói tiếp.
Trước đây chỉ cần ông lên tiếng là cô bực bội ngắt lời, nhưng từ nay về sau, cô không bao giờ làm thế nữa.
Ông bắt đầu phát căn bệnh mà các bậc cha mẹ trong thiên hạ đều mắc phải - bệnh nói nhiều: “Bố rất thích chàng trai này, vì cậu ấy đối xử tốt với con, việc gì cũng nghĩ chu đáo. Bố nghĩ cậu ấy đáng để con gửi gắm cả đời. Nhưng từ nhỏ tính con đã cố chấp, ngang bướng, có lúc còn cãi cùn, sau này phải thay đổi đi, đối xử tốt với người ta. Đừng bắt nạt cậu ấy, không có việc gì thì đừng mặt mày cau có. Cậu ấy thực sự là một chàng trai tốt, theo cậu ấy chắc chắn sẽ hạnh phúc.”
Cô gật đầu: “Sau này con sẽ sửa.”
Ông tiếp tục: “Từ nhỏ bố chẳng dạy dỗ gì con, cứ mải kiếm tiền chăm lo gia đình. Vì thế chưa bao giờ biết bày tỏ tình cảm của mình với con thế nào, còn đánh con khi con bước vào làng giải trí. Quan hệ hai bố con cũng trở nên căng thẳng, bố cũng là người có lỗi. Dao Dao, hôm nay bố thành thật muốn xin lỗi con.”
Trong lòng nặng trĩu nhưng cô vẫn tỏ ra bình tĩnh: “Bố, con không trách bố. Thực ra nhắc đến chuyện này con cũng muốn xin lỗi bố. Bố muốn tốt cho con, nên mới không muốn con bước vào giới giải trí. Nhưng khi đó con còn trẻ tuổi, không thích nghe lời, nên mới cãi lại bố, chọc giận bố. Bây giờ trải qua nhiều chuyện, con đã trưởng thành, biết mình sai ở đâu, cũng biết mình đã sai ghê gớm như thế nào, vì thế con mong bố tha thứ cho con.”
Ông mỉm cười thở dài: “Dao Dao của bố lớn thật rồi, từ nay về sau không cần bố lo lắng nữa.”
Cô lắc đầu nguầy nguậy, đôi mắt như có sương mờ che phủ, miệng chu lên nũng nịu: “Nuôi con một trăm tuổi, lo lắng chín mươi chín năm.”
“Khà khà, Dao Dao còn muốn bố lo lắng mấy chục năm nữa sao?”
“Lo đến một trăm tuổi.”
“Một trăm tuổi...”, ông An lẩm bẩm, quay mặt nhìn ra phía ban công, ánh mắt dần trở nên buồn bã. Một trăm tuổi, ông còn có thể sống được lâu như vậy không? Lồng ngực đau nhói từng cơn, ông hít sâu mấy hơi, cố gắng bình tâm nhìn cô: “Con đi giúp Lăng Bách đi.”
An Dao nghe lời ông, đi vào bếp.
Ông An Ý Phàm đứng dậy về phòng, đi đến cầu thang ở cửa sau liền ngồi xuống ho rũ rượi. Ông ra sức bịt miệng, nén cơn ho, nhưng cổ họng rất khó chịu, cơn ho xé gan xé ruột càng lúc càng dữ dội. Mặt ông tái đi, từng cơn thở dốc ập tới.
“Bác.” Đằng sau vang lên tiếng Lăng Bách. Ông An run rẩy che miệng, nhưng càng ho sặc sụa hơn.
Lăng Bách ngồi xuống, vội vã vỗ lưng cho ông.
Ông lắc đầu dặn dò: “Cháu tránh xa ra.”
Lăng Bách lo lắng hỏi: “Bác làm sao thế? Sao lại ho dữ dội thế này? Bị ốm ạ? Hay là cháu dẫn bác đi khám bệnh?”
“Bác...” Ông lắc đầu, ho càng lúc càng nặng.
“Bác.” Lăng Bách lo lắng vuốt lưng cho ông: “Cháu đưa bác đi khám.”
Ông ra sức lắc đầu, cuối cùng mãi mới dứt được cơn ho, lúc xòe tay ra, bên trong đầy máu.
“Máu?” Lăng Bách kinh ngạc thốt lên, ông An run rẩy lấy khăn tay trong túi áo complet ra lau sạch máu, rồi cho vào túi bóng nhét trở lại túi áo.
“Sẽ bị lây đấy, cháu tránh xa ra.” Ông An đứng dậy đi xuống dưới tầng.
Lăng Bách vội vàng đi theo, nói: “Bác cứ thế mà đi sao? Không ăn cơm với tụi cháu sao? Cháu và An Dao không sợ bị lây.”
“Nhưng bác sợ.”
Ông An Ý Phàm không dám dừng chân, mệt mỏi rã rời lê bướcLăng Bách chạy lên trước đỡ ông: “Cháu lái xe đưa bác về.”
Ông An liếc nhìn Lăng Bách, nói: “Sao cháu không hiểu thế nhỉ? Bệnh này sẽ lây đấy, cháu còn trẻ, bác không muốn cháu như bác.”
“Bây giờ bệnh lao phổi rất dễ chữa, cháu không sợ.”
“Cái thằng này.” Ông An đành kệ anh, ông lấy trong túi ra một chiếc khẩu trang và đeo vào. Lăng Bách đỡ ông vào thang máy, xuống tới xe mới gọi điện dặn dò An Dao mấy câu. Ông An nghe thấy anh giải thích với An Dao liền mỉm cười. Anh chàng này chẳng biết nói dối là gì, mặt cứ đỏ bừng khi bị An Dao truy hỏi.
Ông An nhắc nhở. “Cháu nói với nó là ở thị trấn có chút việc, bác phải về họp hội nông dân.”
Lăng Bách hiểu ý liền nói với An Dao qua điện thoại: “Em nghe thấy chưa? Bác nói phải về đi họp, không phải là anh bảo bác đi, mà anh chỉ đưa bác về thôi.” Khó khăn lắm anh mới thuyết phục được cô, sau đó lái xe đưa ông An về nhà.
Trong xe rất yên tĩnh, Lăng Bách mở nhạc, phát bài trong album của anh. Giai điệu rất hay, từng nốt nhạc dường như ngấm cả vào tim.
Ông An mệt lả nhắm mắt lại. Mấy chục năm cứ nhọc nhằn như vậy, nhưng dù mệt mỏi thế nào đi nữa, chỉ cần nhìn gương mặt của con gái là ông cảm thấy mọi thứ đều xứng đáng.
“Lăng Bách.”
“Có cháu.”
“Dao Dao sau này phải nhờ cháu chăm sóc rồi, bệnh của bác đã hơn hai mươi năm, tái phát liên tục. Bác sĩ nói thuốc thang chẳng có tác dụng gì, nói cái gì mà bệnh lao phổi bị nhờn thuốc, bác cũng không hiểu lắm. Nói chung là sau này phiền cháu chăm sóc Dao Dao giúp bác.”
“Bác đừng nói linh tinh.” Ngón tay Lăng Bách siết chặt vô lăng: “Làm sao mà bị nhờn thuốc được? Chắc chắn là do bác sĩ lơ là bệnh tình của bác, cháu có thể mời bác sĩ giỏi nhất chữa trị cho bác.”
Ông An không nói gì nữa, chàng trai này khiến ông cảm thấy ấm lòng và vững tin. Xe lặng lẽ lăn bánh trên đường, ông từ từ mở mắt nhìn ra phía ngoài cửa xe, màn đêm đã buông, dưới ánh đèn mờ ảo, những tòa nhà cao tầng vút qua, tòa này nối tòa kia dường như mãi mãi không có điểm cuối. Thành phố này phát triển rất nhanh. Hai mươi mấy năm trước, lần đầu tiên ông đưa mẹ An Dao tới đây, dù thành phố đã có nhiều tòa nhà cao tầng nhưng không hoa lệ như bây giờ. Mọi thứ xung quanh đều thay đổi lớn lao và nhanh chóng.
Lúc đó hai vợ chồng ông giống như già Lưu[*] bước vào Đại Quan Viên[**], mặc chiếc áo sơ mi sờn ố quê kệch, vá chằng vá đụp, dưới chân là đôi giày vải nát tới mức không thể khâu được nữa, thậm chí giày của ông còn hở mũi. Trong thành phố xe đạp đi lại như mắc cửi, ông dắt tay mẹ An Dao, tìm đến một tiệm chụp ảnh chụp tấm ảnh duy nhất trong đời bà. Lúc đó ngay cả việc chụp ảnh cũng là xa xỉ, nhưng mẹ An Dao đang mang thai nên hai người quyết định đi chụp một tấm làm kỉ niệm. Hai người còn nói đợi khi nào con ra đời sẽ đi chụp tiếp. Chụp ảnh xong ông nắm chặt tay mẹ An Dao đi dạo phố, mua quần áo mới cho bà.
[*] Già Lưu: Nhân vật bà lão nông dân trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần.
[**] Đại Quan Viên: Khu vườn cách biệt với thế giới bên ngoài được họ Giả xây lên để mười hai cô thanh nữ quý tộc xinh đẹp ngọc ngà của nhà họ sống trong đó.
Lấy ông lâu như vậy nhưng bà luôn luôn tiết kiệm, chưa từng mua bộ quần áo nào. Trong lòng ông rất áy náy, nhưng bà kiên quyết không mua cho mình, cho dù có thích những bộ quần áo đó đến mấy. Qua cửa hàng đồ sơ sinh, bà liền dừng chân khi nhìn thấy một dãy áo bông.
Bà chọn mấy bộ quần áo sơ sinh bằng bông, vì mùa đông rất lạnh nên bà sợ con mình sẽ bị lạnh. Sau đó, bà chọn một đống đồ chơi và quần áo. Ông còn nhớ đây là lần bà tiêu nhiều tiền nhất từ lúc kết hôn tới giờ, suýt nữa là tiêu hết cả lộ phí. Khi hai người trong bóng tối về tới nhà, bà lại tự tay đan áo len cho con dưới ánh đèn mờ tối, từng cuộn len, từng tấm áo len ấm áp là tất cả tình yêu bà dành cho con.
Chắc hẳn tất cả những người mẹ trên trái đất này đều yêu thương con cái hết mình như vậy.
Đêm An Dao ra đời, ông nghe thấy tiếng bà hét lên trong phòng, nghe thấy tiếng bà đỡ kêu mẹ An Dao dùng sức, trong lòng vô cùng hoảng loạn. Nỗi hoảng loạn và sợ hãi ấy khiến chân ông run rẩy. Không biết bao lâu sau, có tiếng trẻ con khóc oa oa rồi bà đỡ chạy ra nói: “Mất nhiều máu quá, tôi đi gọi xe đưa cô ấy tới bệnh viện.”
Ông lấy hết sức chạy vào phòng, trên chiếc giường xập xệ toàn là máu. Bà nằm đó, gương mặt tái nhợt, nghiêng nhìn đứa bé gái đang nằm bên gối.
Đứa bé không ngừng khóc váng lên.
Ông bất lực tới bên giường, rơi lệ nhìn bà, nhưng chẳng thể làm được gì. Ông chỉ biết nhìn bà thở càng lúc càng yếu.
Bóng đêm trĩu nặng buông xuống ngoài căn nhà, dưới ánh đèn mờ tối, gương mặt bà dần dần trắng bệch, cơ thể cũng dần dần lạnh đi.
Dường như bà biết mình sắp ra đi, nên dặn dò ông nhất định phải chăm sóc con gái, không thể để con của hai người bị bắt nạt, không thể để con gái chịu khổ. Tiếng nói nhọc nhằn mà đứt quãng của bà giống như lưỡi dao sắc nhọn đâm vào tim ông, ông khóc nức nở. Ông an ủi bà, nói xe sắp tới rồi, nhưng bà không đợi được nữa, đến lúc bà đỡ gọi được xe tới thì bà An đã nhắm mắt, mang sự lưu luyến cuối cùng dành cho con gái lên thiên đàng.
Ông mãi mãi không bao giờ quên hình ảnh bà nhìn con gái bé bỏng trước khi lâm chung, đó là cái nhìn vấn vương vô hạn.
Trên thế gian này sao lại có thứ tình yêu khiến người ta ngay cả cái chết cũng không hề sợ hãi?
Khi bắt đầu những ngày tháng ấy, ông thực sự không biết mình đã sống như thế nào, một người đàn ông không biết phải làm gì với đứa con gái khóc quấy cả ngày. Ông không biết cho con bú, không biết thay tã cho con, con bé khóc cả ngày, thậm chí còn bị sốt, khó thở. Lúc đó nó mới được một tháng, ông tuyệt vọng đưa con vào viện.
Bác sĩ nói con bị viêm phổi cấp tính, nguy cơ tử vong rất cao, ông nên chuẩn bị sẵn tâm lí.
Ông ngồi trên ghế băng ở hành lang bệnh viện, cảm thấy mọi thứ như sắp sụp đổ đến nơi. Lúc nhìn con gái bị tiêm, tiếng khóc xé ruột xé gan, ông đã quyết tâm, nếu con bé không còn thì ông cũng chết theo. Ông sẽ ôm xác con nhảy lầu, kết thúc cuộc đời bi thảm. Cũng may An Dao không sao, ngược lại sau khi trải qua cơn bạo bệnh đó, con bé không ốm đau gì nữa.
***
Cảnh vật bên ngoài không ngừng lướt qua khung cửa, những ngọn đèn trong thành phố sáng lấp lóa.
Ông dựa đầu vào cửa xe, nhìn thành phố này, nước mắt bỗng trào ra. Bao năm qua, những hồi ức ấy ngày đêm đeo bám, càng về già càng nhớ day dứt. Bỗng nhiên ông lên tiếng: “Lúc An Dao được mấy tháng, bác địu nó đi làm. Ông chủ lúc đó không nhận người mang con đi làm, vì thế bác chỉ có thể làm lao động chân tay như bốc dỡ hàng, chuyển hàng cho người ta. Đến lúc An Dao được một tuổi, bác gửi An Dao trong lều của chủ rồi đi đốt lò gạch. Lúc đó vì sinh tồn mà việc gì bác cũng làm, chỉ muốn nuôi nó lớn, lớn lên rồi gánh nặng của bác cũng nhẹ đi. Nhưng...” Ông hít một hơi dài, sống mũi cay cay: “Nuôi con một trăm tuổi, lo lắng chín mươi chín năm. Cho đến bây giờ bác vẫn không yên tâm về nó, thậm chí có lúc còn cảm thấy mình vô dụng, không thể giúp con khi nó đau khổ nhất. Nhiều lúc bác nghĩ, giá như nó đầu thai vào nhà giàu thì tốt biết mấy, đằng này lại đầu thai vào nhà bác, là bác nợ nó.”
Lăng Bách e dè đáp: “Sao lại thế được? An Dao luôn nói cô ấy tự hào vì có người bố như bác.”
Nước mắt ông An không ngừng rơi, ông cười khổ sở, nghẹn ngào hỏi: “Thế à?”
Lăng Bách ra sức gật đầu: “Đương nhiên ạ, cháu đâu dám gạt bác? Từ nhỏ đến giờ cháu không bao giờ nói dối.”
Ông vừa rơi lệ vừa cười: “Đúng thế, ban nãy thấy cháu giải thích với con gái bác là bác biết ngay cháu không biết nói dối. Thực ra cứ tìm bừa một lí do đưa bác về là được, nhưng cháu lại không nói được một câu ra hồn.”
“Đúng thế ạ.” Làng Bách cười gượng, trong lòng càng buồn hơn, một người đàn ông vừa làm việc vừa chăm con, nỗi khó khăn ấy người bình thường không thể nào tưởng tượng nổi.
Đột nhiên ông An đút tay vào túi áo, run rẩy lấy ra tấm ảnh đã hoen ố và áp lên cửa kính ô tô. Ông mỉm cười nói với người trong ảnh: “Bà ơi, đây là thế giới hiện tại. Bà thấy không, con gái chúng ta đang sống trong thế giới này đấy, con bé không phải ăn cơm độn khoai để sống qua ngày như chúng ta.”
Lăng Bách thấy mắt cay cay, nước mắt anh nhỏ xuống vô lăng.
Ông An vẫn khóc, lệ thấm ướt cả khẩu trang. Ông nâng tấm ảnh trong lòng bàn tay, dịu dàng vuốt ve, nước mắt càng lúc càng chan chứa: “Trước khi bà đi đã nói với tôi một câu, cả đời này tôi không bao giờ quên. Bà nói, ‘Ý Phàm à, em không đau, cười một cái là qua thôi.’”
Lăng Bách mắt rưng rưng, trái tim thắt lại từng cơn. Người đàn ông trước mắt cũng chạc tuổi bố anh. Vợ chồng gặp cảnh chia lìa nhưng cả đời ông luôn giữ lời hứa duy nhất với vợ. Anh cũng hi vọng tương lai, anh và An Dao cũng có được thứ tình yêu đến chết cũng chẳng sờn như thế.
Ông An áp tấm ảnh vào ngực, tự nói với bản thân như bao năm qua: “Không đau, cười một cái là qua thôi.” Khóe miệng ông cong lên, đôi mày ánh mắt lấp lánh nét cười: “Không mệt, gắng gượng một chút là qua thôi.”
Xe lao đi trên đường cao tốc rồi rẽ vào quốc lộ, cảnh vật hai bên đường dần dần trở nên quen thuộc. Lăng Bách dừng xe trước của nhà, nói: “Bác ơi đến nhà rồi.”
Ông An hơi sững lại, nhìn ra ngoài cửa sổ như trong cơn mơ, tỏ rõ vẻ thất vọng: “Ồ, đến rồi, nhanh thế...”
Sau hôm nay, lại một mình ông đối diện với bóng đêm và nỗi cô đơn vô tận, thậm chí ngay cả một người nói chuyện cùng cũng không có.
Lăng Bách xuống xe mở cửa, dìu ông vào nhà.
Nhà ông An cũ nên lớp sơn trắng trên tường bị bong tróc kha khá, nhìn loang lổ cũ kĩ. Ông An đi thay khẩu trang, Lăng Bách đưa mắt nhìn xung quanh. Trên tường phòng khách treo đầy giấy khen của An Dao, thậm chí bông hoa đỏ[*] của lớp mẫu giáo vẫn còn dán trên cao. Bên dưới giấy khen là một bộ sofa lớn, chắc mới mua không lâu, cạnh đó là một bàn thờ to bằng gỗ gụ, nhưng bài vị trên đó không có ảnh thờ.
[*] Ở lớp mẫu giáo của Trung Quốc có phát những bông hoa màu đỏ cho các bé, dùng để đeo trước ngực, hoặc dán ở nhà như phiếu bé ngoan phát cuối tuần ở Việt Nam.
Anh nhớ có lần An Dao nói, bố cô đã ném hết ảnh của mẹ đi, thực ra đó đều là nói dối. Mẹ cô chỉ có một tấm ảnh duy nhất, và tấm ảnh ấy vẫn luôn được ông cất giữ cẩn thận. Sở dĩ ông không muốn cô biết vì không muốn cô cảm thấy có lỗi. Đó là lời nói dối thiện ý.
Trên gác vang lên tiếng ho xé ruột, Lăng Bách vội chạy lên, lần theo tiếng ho tìm tới nhà vệ sinh. Cửa bị khóa bên trong, anh vội gõ cửa.
Bên trong chỉ có tiếng ho vọng ra.
Lòng nóng như lửa đốt, anh vội hỏi: “Bác ơi, thực sự không cần đi bệnh viện sao bác? Cháu có thể đưa bác đi kiểm tra.” Tiếng ho khiến lòng anh thắt lại, dường như người bên trong có thể ho tới mức vỡ huyết quản mà chết. Anh gõ cửa liên hồi, gọi lớn: “Bác mở cửa được không? Để cháu đưa bác đi bệnh viện.”
Ông An Ý Phàm không đáp.
Ho một hồi, lại vọng ra tiếng nước chảy. Ông An mở cửa bước ra, vẫn đeo khẩu trang, dáng vẻ mệt mỏi: “Không sao, quen là được.” Chỉ năm tiếng đơn giản, nhưng lại quá đỗi đau lòng, ông An về phòng mình nằm nghiêng trên giường, giọng yếu ớt: “Cháu về đi, cảm ơn cháu hôm nay đã nói chuyện với bác nhiều như thế, cuối cùng bác muốn nhờ cháu một việc.”
“Bác nói đi, cho dù có làm được hay không cháu cũng sẽ cố hết sức.”
“Cháu nhất định sẽ làm được, đó là... cháu giúp bác giấu An Dao bệnh tình của bác, vì bệnh này đã hơn hai mươi năm rồi, tái phát bao lần, bác không muốn nó lo lắng.”
“Nhưng cô ấy là con gái bác, lo lắng cho bác cũng là việc nên làm.”
“Khụ khụ, làm bố mẹ thì dù có bệnh cũng cố gắng giấu con cái, chưa đến lúc vạn bất đắc dĩ thì không nói ra. Bác tin bố cháu cũng thế thôi.” Ông An Ý Phàm thở dài, hạ giọng nói: “Bố mẹ trên thế giới này có ai là không muốn tốt cho con cái đâu?”