Tôi tới chỗ hẹn sớm mười lăm phút, cảm thấy có hơi hồi hộp một chút.
Tuy rằng lúc ở trung tâm đào tạo cũng đã từng được tiếp xúc qua với một vài em nhỏ, thế nhưng trẻ em đặc biệt thế này thì đúng thật là chưa từng tiếp xúc bao giờ cả.
Vì muốn gây được ấn tượng tốt với đối phương trong lần gặp mặt đầu tiên, tôi đã làm không ít “công tác nghiên cứu”, không những tìm đọc mấy bài luận văn về chứng tự kỷ mà còn tìm đọc cả mấy cuốn sách dạy về cách giao lưu với trẻ tự kỷ nữa, tôi tập hợp lại những điều cần lưu ý mà mình đã đọc được từ trong sách vào một tập thẻ nhỏ để mang theo bên người.
Tôi còn cố tình đeo một chiếc túi xách nhỏ, bên trong có đủ mọi loại đồ chơi, còn có cả một ít đồ ăn vặt nữa. Lúc đi ngang qua cửa hàng tạp hóa tôi lại mua thêm một con thú nhồi bông cao nửa mét. Lần đầu tiên gặp mặt phải mang theo cả một chút quà nữa, bằng không thì quả là quá có lỗi với mấy con số 0 trên tấm chi phiếu kia của bà Khương rồi.
Tôi ngồi bên cửa sổ, vừa nắm lấy cái đuôi của chú cá voi nhỏ mà tôi vừa mới mua, vừa suy nghĩ xem tí nữa nên chào hỏi như thế nào với “bé trai” Phương Phương kia.
Trong sách có nói trẻ mắc chứng tự kỷ thường sẽ không nhạy với âm thanh của thế giới bên ngoài, đôi khi ra hiệu bằng tay hay tiếp xúc thân thể sẽ càng có thể gây được sự chú ý của họ hơn. Hay là tí nữa tôi sẽ ôm cậu ấy một cái nhỉ? Ầy, mới lần đầu gặp mặt mà đã ôm, không biết như thế có đường đột quá hay không nữa?
Hay là bắt tay? Vừa bắt tay vừa tự giới thiệu bản thân. Nhưng người lớn mà lại đi bắt tay với trẻ con, cứ kỳ kỳ thế nào ấy…
Tôi đang mải mê suy nghĩ, vừa mới lơ đãng ngẩng đầu lên thì liền thấy ngay bà Khương đang dẫn theo một người thanh niên cao hơn một mét tám bước vào cửa.
“Tiếu tiên sinh!” Bà Khương một bên thì nở nụ cười chào hỏi với tôi, một bên thì đẩy người thanh niên ở phía sau người tới trước mặt tôi: “Đây chính là con trai của tôi, Phương Phương.”
Trên người vẫn còn đang ôm một chú cá voi nhỏ, tôi đứng ngây ngốc mà nhìn anh ta.
Lúc này đây tôi chợt cảm thấy có chút choáng váng